THỨ HAI – TUẦN XXIV TN
ĐỨC TIN MÃNH LIỆT
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA
1Tm 2, 1-8
Lc 7, 1-10
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Thật đáng ngưỡng mộ đức tin của viên đại đội trưởng ngoại đạo. Đức tin tinh tuyền và nguyên sơ nhận Chúa là Chúa tể muôn loài. Các vị thần thánh khác chỉ có thể hầu cận phụng lệnh Người. Chúa toàn năng, chỉ cần “phán một lời” mọi thần thánh phải tuân hành và mọi sự đều hoàn thành. Đức tin sống động và cụ thể. Ngoại đạo nhưng ông giúp xây hội đường cho người Do Thái. Đức tin biểu lộ trong đức bác ái hoàn hảo. Ông yêu quí người nô lệ. Thật đặc biệt. Vào thời đó người ta coi nô lệ như súc vật, chỉ có việc phục dịch, như món hàng để mua bán, miễn có tiền là có quyền trên nô lệ, như dụng cụ, hư hỏng là vứt bỏ, thậm chí có quyền hành hạ và giết chết mà không có tội trước pháp luật. Thế mà ông yêu quí người nô lệ. Yêu quí đến nỗi phải đi cầu xin Chúa chữa cho nó. Đức tin cư xử tế nhị. Không phiền Chúa bước vào nhà ông, người ngoại. Vì sẽ bị ô uế. Đức tin của ông quả thật đáng cho ta noi gương bắt chước.
Thánh Phao-lô khuyên nhủ ta hãy noi gương đức tin của ông. Tin Chúa có quyền tuyệt đối trên vua chúa trần gian. Tin Chúa nên hãy cầu nguyện cho mọi người. Và chính Chúa sẽ cho vua chúa trần gian được biết xây dựng hòa bình và người dân được an cư lạc nghiệp. Cầu nguyện cho vua chúa được noi gương viên sĩ quan ngoại đạo. Biết thương dân. Biết lo cho dân. Biết xây dựng đoàn kết. Phần chúng ta, nếu chúng ta có đức tin, siêng năng cầu nguyện thì tâm hồn ta sẽ có đức bác ái “tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc” (năm lẻ).
Ngài than phiền giáo dân Cô-rin-tô vì họ thiếu đức tin. Đến dự tiệc Thánh Thể mà không nhìn thấy Chúa. Đến dự tiệc Thánh Thể mà không cảm nhận mình được hiệp thông với Mình Máu Chúa, chỉ nghĩ rằng đi ăn tiệc vật chất. Vì thiếu đức tin nên họ cũng thiếu đức bác ái. Đi dự tiệc Thánh Thể nhưng chỉ biết phần ai nấy dùng và vì thế nhiều anh em bị đói bụng ra về. Ước gì giáo dân Cô-rin-tô biết noi gương viên sĩ quan ngoại đạo. Biết quan tâm đến người yếu kém. Biết tế nhị đừng sỉ nhục người nghèo. Biết chia sẻ bữa tiệc thánh. Nhất là biết cử hành Thánh Thể với đức tin. Tin Chúa hiện diện trong Thánh Thể thì họ sẽ biết kính trọng người khác. Sống bí tích Thánh Thể thì họ sẽ biết chia sẻ như Chúa. Và sẽ biết yêu thương hợp nhất. Vì Chúa chết để qui tụ muôn người (năm chẵn).
Vậy mỗi khi đọc lời kinh của viên đại đội trưởng ngoại đạo: “Lạy Chúa con chẳng đáng…” ta hãy bắt chước ông có một đức tin sâu xa, tin Chúa trong bí tích Thánh Thể. Chính đức tin chân chính sẽ mở tâm hồn ra trong đức bác ái, để ta biết yêu thương mọi người, từ quan quyền tới người nghèo khổ, và nhất là biết chia sẻ với mọi người.
THỨ BA – TUẦN XXIV TN
TRONG MỘT THÂN THỂ
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA
1Tm 3,1-13
Lc 7,11-17
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
“Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Chúa Giê-su là Thiên Chúa. Quyền năng Chúa biểu lộ rõ ràng qua việc làm cho anh thanh niên người Na-in đã chết được sống lại. Thiên Chúa là sự sống. Chẳng ai có thể ban sự sống. Nhưng còn tuyệt vời hơn nữa. Thiên Chúa là sự sống lại. Ban sự sống đã khó. Ban sự sống lại còn khó hơn. Để ban sự sống, Thiên Chúa chỉ cần ngự trên chín tầng trời phán một lời. Liền có sự sống. Nhưng để chuộc lại sự sống đã mất, Thiên Chúa phải sai Con Một xuống trần gian. Đây lại biểu lộ quyền năng vô biên của Thiên Chúa.
Để phục hồi sự sống, Thiên Chúa phải xuống thế làm người. Chúa Giê-su mặc lấy thân xác loài người. Trở nên một với loài người. Tình yêu khiến Chúa kết hợp với loài người. Nên một thân thể. Vì thế Chúa vui với người vui. Chúa khóc với người khóc. Chúa chạnh lòng thương người thanh niên vắn số. Chúa chạnh lòng thương người phụ nữ goá bụa. Nay lại mất đứa con là điểm tựa duy nhất.
Đây chính là nguyên lý xây dựng thế giới. Con người cùng với tha nhân và thiên nhiên làm thành một thân thể. Giết người là giết mình. Huỷ hoại thiên nhiên là huỷ hoại chính mình. Thương người là thương mình. Vun trồng thiên nhiên là vun trồng sự sống của chính mình. Ta là một trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa. Thiên Chúa hợp nhất chúng ta. Thiên Chúa điều khiển chúng ta.
Thư Cô-rin-tô dạy: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy…Tất cả chúng ta… đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể”. Vì thế mỗi người phải cố gắng tối đa. Đạt đến tầm vóc hoàn hảo. Để phục vụ thân thể. Đó là “trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất” (năm chẵn).
Vì thế, thánh Phao-lô cho biết “ai mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp”. Vì trong một tổ chức, cần có người lo toan việc chung. Nhưng để lo toan việc chung, người ấy phải lo việc riêng hoàn hảo. Có tu thân được mới có thể tề gia. Có tề gia mới có thể trị quốc. Vậy “giám quản phải là người không ai chê trách được” và “phải được người ngoài chứng nhận là tốt”. Có như thế các chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô mới hài hoà với nhau. Và mới phát triển lớn mạnh được (năm lẻ).
THỨ TƯ – TUẦN XXIV TN
TRẺ THƠ VÀ TRẺ CON
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA
1Tm 3,14-16
Lc 7,31-35
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Chúa Giê-su khen ngợi trẻ thơ. Mời gọi ta phải nên như trẻ thơ. Để được vào Nước Trời. Nhưng Chúa dạy ta đừng cư xử như trẻ con. Trẻ con tính khí thất thường. Đòi hỏi theo ý mình. Không vừa ý là phá bĩnh. Không đón nhận người khác. Không cần lý lẽ. Chỉ theo cảm tính. Không hoà hợp với mọi người. Không thích trò chơi đám cưới thì nhất định không nhảy múa, dù bạn bè đã trổi đàn cất hát. Không chịu chơi trò đám ma thì nhất định không than khóc, dù cuộc chơi đã khởi sự tấu bài chia ly buồn thảm.
Người lớn mà cư xử như trẻ con thường hỏng việc. Hỏng cả đời. Nhưng nguy hại nhất là hỏng đời đời. Người Do thái bao năm chờ đợi Đấng Cứu Thế đến. Nhưng Chúa sai Gio-an đến dọn đường họ cũng không chấp nhận. Chính Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa đến họ cũng chối từ. Vì họ không muốn theo ý Chúa. Vì họ theo ý riêng. Không có lý lẽ gì hết. “Thật vậy, ông Gio-an Tẩy giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: “Ông ta bị quỷ ám”. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”.
Thư Cô-rin-tô mời gọi ta phải lớn lên. Đặc biệt trong đời sống thiêng liêng. Đừng mãi mãi là trẻ con: “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con”. Thành người lớn là biết phân định điều gì là quan trọng, cốt thiết trong đời sống. Như thánh Phao-lô dạy: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”. Đức mến sẽ giúp ta gặp được Chúa. Và sống hài hoà với anh em. Vì thế phải ưu tiên thực hành đức mến (năm chẵn).
Nhưng điều quan trọng nhất là nhận biết Chúa Giê-su Ki-tô. Đây là “mầu nhiệm cao cả của đạo thánh”. Nhưng việc nhận biết Chúa Giê-su thật khó khăn.Vì “Đức Ki-tô xuất hiện trong thân phận người phàm”. Sinh sống, ăn uống, giao tiếp với mọi người và như mọi người. Vì thế khó được chấp nhận như một Đấng Cứu Thế. “Người được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính; được các thiên thần chiêm ngưỡng”. Vì thế để nhận ra Người cần có ơn Chúa Thánh Thần. Để có ơn Chúa Thánh Thần, cần có tâm hồn trẻ thơ. Tâm hồn trẻ thơ như thiên thần. Sẽ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Sẽ nhận ra Đức Ki-tô (năm lẻ).
Cần phải lớn lên. Thoát khỏi thói trẻ con bướng bỉnh. Để có tâm hồn trẻ thơ ngoan ngoãn. Biết mở lòng ra với ơn thánh.
THỨ NĂM – TUẦN XXIV TN
NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA
1Tm 4,12-16
Lc 7,36-50
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Ông Si-mon, một thủ lãnh Pha-ri-sêu, một trí thức phải tâm phục khẩu phục thái độ và lời giải thích của Chúa Giê-su. Tuy hai hướng nhìn khác nhau. Ông nhìn bề ngoài. Chúa nhìn bề trong. Ông nhìn hình thức. Chúa nhìn nội dung.
Về hình thức xã hội thì ông Si-mon hơn hẳn người phụ nữ. Ông trí thức. Người phụ nữ bình dân. Ông nghiêm chỉnh giữ Lề Luật. Người phụ nữ lỗi lề luật. Ông thuộc tầng lớp lãnh đạo, dạy dỗ người khác. Người phụ nữ thuộc tầng lớp cần được dạy dỗ. Ông được mọi người kính trọng. Còn người phụ nữ bị mọi người khinh miệt.
Nhưng thật bất ngờ khi Chúa Giê-su đánh giá người phụ nữ cao hơn ông Si-mon. Vì “chị yêu mến nhiều”. Đạo không phải là bề ngoài nhưng là bề trong. Đạo không là hình thức nhưng là nội dung. Và thật lạ lùng: đạo không là lề luật nhưng là tình yêu.
Thánh Phao-lô là người cảm nghiệm được điều đó. Ông được tha nhiều. Nên ông yêu mến nhiều: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi” (năm chẵn).
Vì thế thánh Phao-lô khuyên người môn đệ Ti-mô-thê-ô đừng chú ý đến hình thức. Hãy chú ý đến nội dung. Đừng chú ý đến bề ngoài. Hãy chú ý đến bề trong. Về hình thức bề ngoài thì Ti-mô-thê-ô kém cạnh. Vì ông còn quá trẻ so với chức vị giám mục. Thánh Phao-lô khuyên nhủ người con thiêng liêng hãy vượt qua bằng trau dồi nội dung bên trong. “Hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp. Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh. Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh” (năm lẻ).
Đó cũng là lời khuyên dành cho tôi. Để tôi chăm lo trau dồi nội dung tình yêu bên trong hơn là chú ý đến hình thức chức vị bên ngoài. Để tôi yêu thật nhiều. Và làm tất cả vì tình yêu. Đó là cốt lõi của đạo. Đó cũng là bí quyết giúp tôi thăng tiến về Chúa Ki-tô. Và được hạnh phúc nơi Người.
THỨ SÁU – TUẦN XXIV TN
CỦA CẢI VÀ NƯỚC TRỜI
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA
1Tm 6,2c-12
Lc 8,1-3
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Của cải trần gian chẳng có giá trị gì trong Nước Trời. Nhưng của cải lại là phương tiện minh chứng, xây dựng và đạt tới Nước Trời. Các phụ nữ theo Chúa Giê-su đã cảm nghiệm được điều đó. Các bà đã trải qua quá khứ bị ma quỉ và bệnh tật trói buộc. Đã cảm nghiệm được sự mong manh của kiếp người. Nhất là đã cảm nghiệm được Nước Trời. Đã nhận được ơn cứu độ của Chúa. Nên các bà coi thường của cải trần gian. Quảng đại góp phần vào việc loan báo Tin Mừng Nước Trời. Để Chúa Giê-su và các môn đệ có phương tiện đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Các bà đã được hạnh phúc. Và muốn chia sẻ hạnh phúc cho mọi người.
Từ bỏ tiền của. Điều này không dễ dàng. Đó là thế lực trần gian mạnh nhất. Đó là cơn cám dỗ ngọt ngào nhất. Đó là sợi giây trói buộc chặt chẽ nhất. Đó là kẻ thù sau cùng đối địch với Chúa. Thánh Phao-lô ý thức được điều đó. Nên hết sức khuyên nhủ người môn đệ Ti-mô-thê phải tránh xa tiền bạc. vì “cội rễ sinh ra mọi điều ác là long ham muốn tiền bạc”. Hãy chống lại tiền bạc bằng một đời sống công chính. Công chính là hoàn toàn tin tưởng vào Chúa chứ không cậy dựa vào tiền bạc. Đó là một trận chiến. Cần phải thi đấu hết mình mới mong thắng được. Vì ta sinh ra trần truồng. Ta chết cũng trần truồng. “Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được”. Thế nhưng tiền bạc cứ bám lấy ta. Ám ảnh ta. Trói buộc ta. Phải dứt nó ra. Nếu ta thua, tiền bạc sẽ trở thành ông chủ. Ta trở thành nô lệ. Nó sẽ ném ta vào lửa hoả ngục. Nếu ta thắng. Nó sẽ trở thành nô lệ. Sẽ giúp ta đạt tới Nước Trời (năm lẻ).
Ta thắng được tiền bạc và những cám dỗ đời này nhờ niềm tin vào Chúa Ki-tô phục sinh. Ta sẽ sống lại với Người trong Nước Trời. Trong đời sống mới. Đời sống ấy không có tiền bạc. Không cần tiền bạc. Nếu ta thực sự có đức tin. Ta sẽ không gắn bó với tiền bạc. Với đời này. Tiền bạc là một con dao hai lưỡi. Nếu ta luỵ phục nó. Nó sẽ tiêu diệt ta. “Nếu ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người”. Nếu ta sử dụng nó. Nó sẽ là một phương tiện tốt. Là ông chủ, nó ngăn cản ta đến Nước Trời. Là đầy tớ, nó giúp ta mua được Nước Trời (năm chẵn).
Vậy ta hãy noi gương các phụ nữ, quảng đại dâng hiến tiền bạc để làm việc truyền giáo. Siêu thoát của cải. Ta làm chứng cho Nước Trời. Dứt lìa khỏi những của cải đời này. Ta không còn thuộc trần gian. Nhưng thuộc về Nước Trời.
THỨ BẢY – TUẦN XXIV TN
GIEO VÀ GẶT
I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA
II. TẤM BÁNH CHIA SẺ
Thật lạ lùng quá trình gieo và gặt. Quá trình mất và được. Từ bỏ và lấy lại. Chết và sống. Quá trình nảy sinh sự sống. Sự sống mới. Phong phú dồi dào. Và cao vượt. Mầu nhiệm sự sống tự nhiên đã kỳ diệu. Mầu nhiệm sự sống siêu nhiên còn kỳ diệu gấp bội.
Chúa Giê-su là người đi gieo Tin mừng. Thiên Chúa kiên trì gieo Lời Người xuống trần gian. Trải qua bao đời. Qua bao thất bại. Đến lúc phải gieo chính Ngôi Lời. Chúa Giê-su gieo chính mình. Người trở thành hạt giống. Mục nát đi để trổ sinh một mùa gặt mênh mông. Một nhân loại mới mọc lên từ Người. Giống như Người.
Nhưng để trở thành mùa gặt con người phải trở thành đất tốt. Phải cầy bừa con đường đi đã chai cứng. Phải nhặt đá sỏi. Phải nhổ bụi gai. Phải từ bỏ con người cũ. Con người của xác thịt. Con người của hời hợt nông cạn. Con người của dục vọng đam mê. Để sống theo Thần Khí. Phải gieo chính mình như Chúa Giê-su.
Đó là điều thánh Phao-lô mời gọi ta trong thư Cô-rin-tô. Ta cũng phải gieo chính mình. Phải trở thành hạt giống mục nát như Chúa. Phải từ bỏ con người cũ. Ta sẽ sống lại thành con người mới. Ta sẽ có mùa gặt mới: “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí”. Và thánh nhân giải nghĩa con người có sinh khí là con người của A-đam, con người theo xác thịt. Con người có thần khí là con người giống A-đam mới, là Chúa Ki-tô: “Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến” (năm chẵn).
Đây là một quá trình khó khăn. Phải mục nát đi. Phải từ bỏ chính mình. Vì thế phải quảng đại và kiên trì như lời Chúa giải thích: “Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”. Theo thánh Phao-lô từ bỏ và kiên trì đó là: “hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện” (năm lẻ).
Mùa gieo hạt như thế sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời. Ta còn phải cầy bừa những con đường. Nhặt đá sỏi nông nổi hời hợt. Nhổ bụi gai đam mê xác thịt. Để hoàn toàn chết đi cho con người mới. Rồi mới có mùa gặt trong Chúa Ki-tô.