Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

TẤM LÒNG THIÊN CHÚA – Thứ Tư tuần XX TN- Vp. Duyên Thập Tự

TN-138-TUẦN XX-thứ Tư

TẤM LÒNG THIÊN CHÚA

 (Mt 20,1-16a)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Trong các Tin Mừng, Chúa Giê-su thường sử dụng những dụ ngôn để diễn tả một số khía cạnh của thực tại Nước Trời. Nước Trời là một thực tại vừa gần gũi vừa sâu xa, vừa trong tầm hiểu vừa vượt trên những suy luận nhân loại. Thực tại Nước Trời được hiểu trong mối liên hệ với chính Thiên Chúa. Vì vậy, cần thiết phải nối kết những điều được Chúa Giê-su nói lên với những kinh nghiệm của cuộc sống.

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay theo thánh Mát-thêu chương 20 từ câu 1 đến 16a, Chúa Giê-su kể một dụ ngôn về Nước Trời “giống như chủ nhà kia ra mướn thợ làm việc trong vườn nho của mình”. Người chủ ở đây là chính hình ảnh của Thiên Chúa. Qua dụ ngôn này, tôi khám phá thêm một chút “TẤM LÒNG THIÊN CHÚA”, với những hành động của người đối với tất cả chúng ta. Và cũng là cơ hội tôi hiểu rõ tôi hơn một chút.

 1. ĐI TÌM SUỐT NGÀY

Điều đầu tiên tôi khám phá nơi tấm lòng của Thiên Chúa qua hành động đầu tiên của Người, đó là đi tìm và đi tìm suốt ngày. Đây là những thời điểm trong ngày: ‘vừa tảng sáng’, ‘khoảng giờ thứ ba’, ‘khoảng giờ thứ sáu’, ‘rồi giờ thứ chín’, ‘khoảng giờ mười một’. Tất cả những thời điểm trong ngày này đều in bóng của người chủ đến với những không gian của những người làm thuê. Thiên Chúa luôn hiện diện trong thời gian và không gian của con người. Điều này cho tôi nhận ra rằng Thiên Chúa không bỏ rơi một ai cho số phận của họ. Số phận con người nơi đây được diễn tả qua những con người đi làm thuê, đứng chờ người đến mướn để có công ăn việc làm. Thiên Chúa không muốn ai trong chúng ta trở thành con người vô ích. Mỗi người đều có giá trị. Nhận định “mình có giá trị” không phải là một nhận định dễ dàng, như chúng ta nghe câu nói từ cửa miệng của những người không ai muốn thuê họ: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Câu nói diễn tả một thứ mặc cảm tự ti, nhận thấy mình không có nhiều giá trị và cảm giác buồn tủi.

Khi nhìn vào thế giới, vào những hoàn cảnh sống của những dân tộc nghèo khổ về nhiều phương diện chứ không chỉ vật chất, khi nhìn thấy những con người cụ thể trong xã hội, đất nước tôi đang sống, cái cám dỗ nơi tôi là nhận định sai về họ. Tôi có thể dừng ánh nhìn của tôi nơi mầu da của họ, nơi nếp sống có vẻ “nặng mùi” của họ, nơi những gì làm nên sự thấp kém, hèn hạ. Tôi có thể dừng ánh nhìn nơi vẻ “bụi bậm” của họ. Tôi nhìn họ như những con người không có giá trị hay có rất ít giá trị. Rồi trong tôi bỗng có cái cảm tưởng “hơn người”, hơn về nếp sống, hơn về trí thức, hơn về đạo đức. Tôi cảm thấy mình “xứng đáng” với việc Thiên Chúa gọi tôi “vừa tảng sáng”. Trong tôi có một sự hãnh diện rất mạnh nhưng ngấm ngầm. Có khi tôi lại “cám ơn Chúa” vì “hơn người” như ông Pha-ri-siêu cầu nguyện nơi đền thờ (x.Lc 18,11-12). Tôi cảm thấy “hài lòng” vì nghĩ rằng mình đang làm đẹp lòng Thiên Chúa. Tôi đo tấm lòng Thiên Chúa bằng lòng dạ của tôi.

Khi tưởng tượng cảnh ông chủ tất tả, nóng ruột, đi tìm đây đó vào những thời khắc khác nhau trong ngày, tôi chợt “ngộ” ra tấm lòng của ông. Ông không lo lắng ưu tiên cho vườn nho mà là số phận những con người “chưa” hoặc “không” có ai mướn làm công. Ông nhìn vào con người, chứ không phải công việc. Ông nhận ra giá trị con người, chứ không phải thành quả công việc. Những người đến vào những giờ cuối ngày, đâu mang lại nhiều thành quả; nhưng ông vẫn đi tìm họ. Thách đố của tôi là dám tin vào một Thiên Chúa của tôi hành xử như vậy không. Không phải một thứ tin suông, mà là đón nhận cung cách đó để trở thành cung cách sống của tôi. Tôi có dám đặt anh chị em tôi, tha nhân, lên trên những thành quả công việc và sự kiến hiệu? Đâu là giá trị thật tôi cần khám phá nơi họ, để tôi cũng tìm gặp họ một cách yêu thương và trân trọng? Tôi cần lấy “TẤM LÒNG THIÊN CHÚA” để đo lường giá trị của tha nhân.

 

 2. MỜI GỌI DA DIẾT

Điều thứ hai tôi khám phá nơi tấm lòng của Thiên Chúa, đó là có một nơi dư đủ cho mọi người. Đó là vườn nho. Vườn nho biểu thị thế giới này, Giáo Hội của Người và cũng là không gian tôi đang sống, gia đình tôi, cộng đoàn tôi. Thiên Chúa mời gọi da diết, như ông chủ tha thiết gọi “hãy đi vào vườn nho”.

Ông chủ đi tìm những người làm thuê vào vườn nho của ông. Chúng ta ghi nhận chi tiết này, mà theo tôi, có tầm mức quan trọng. Đó là ông mướn bất cứ ai, tất cả mọi người. Nghĩa là ông không chọn họ với “chuyên môn”, “tay nghề”. Làm trong vườn nho cũng cần có kỹ thuật, ngay cả việc nhổ cỏ cũng phải biết làm sao để không hại đến gốc nho hay có đạt yêu cầu không. Đối với ông chủ, niềm vui của ông là những người kia được có công việc, làm trong vườn nho của ông và có tiền công. Tôi thiết nghĩ, đây là thái độ căn bản của ông: ông muốn những người làm thuê kia vào vườn nho của ông và hành động. Nghĩa là ông tạo cho họ cơ hội, để họ tham dự vào, để họ nhập cuộc. Như thế là đủ. Không quan trọng lắm việc họ có chuyên môn đến đâu. Trong vườn nho, có nhiều công việc hợp cho từng người. Quan trọng là đi vào, nhập cuộc. Điều này tỉnh thức tôi.

Tỉnh thức tôi hai điều. Thứ nhất là tôi phải “vượt qua” sự tính toán cục bộ bản thân. Cục bộ nơi bản thân, khi chỉ nhìn vào năng lực và chuyên môn của mình. Đương nhiên tôi phải sử dụng tài năng để phát huy hầu mang lại lợi ích cho vườn nho. Nhưng quá nhấn mạnh và chú tâm đến tài năng cá nhân, tôi có thể rơi vào sự “chọn lựa những ưu tiên”. Khi mà những ưu tiên không được đáp ứng, tôi có thể dễ dàng “bỏ cuộc” và “rút lui”. Trong vườn nho Chúa, tôi có thể làm được những “việc nhỏ bé” mang lại ý nghĩa hơn là chọn lựa những “việc lớn” để đề cao cái tôi. Vườn nho Chúa phải được đặt lên trên cái “hãnh tiến bản thân”. Điều thứ hai là tôi làm việc trong vườn nho với mọi người. Đây cũng cần phải “vượt qua” tính cục bộ tập thể. Tôi có thể thuộc nhóm người được gọi sớm; rất dễ phát sinh trong tôi, trong nhóm tôi, một niềm tự hào nào đó, một thứ “giá trị tập thể” nào đó. Nếu để cảm tưởng đó dẫn dắt, tôi sẽ gây nên “xáo trộn”, “chia rẽ” trong vườn nho Chúa. Và đây là điều tệ hại có sức tàn phá vườn nho. Tôi cần học bài học về “TẤM LÒNG THIÊN CHÚA”, Đấng muốn tất cả đi vào, cộng tác và lao động trong cùng một vườn nho, với sự hiệp nhất, yêu thương.

Khi tưởng tượng cảnh ông chủ đến vườn nho thăm các tá điền đang làm việc cùng nhau, với nụ cười rạng rỡ, chân thành, tôi như đọc được trong lòng ông niềm vui ẩn kín vì vườn nho của ông đông người làm việc. Số đông người lao động trong vườn nho làm ông vui hơn thành quả, kiến hiệu công việc. Ông tin rằng số đông này sẽ mang lại nhiều thành qủa tốt, vì thiện chí và dấn thân sẽ mang lại những gì tốt đẹp nhất. Nhưng tôi cũng tưởng tượng cảnh ngược lại, khi ông chủ nhận ra giữa họ có sự phân bì của “kẻ trước, người sau”, phân bì việc nặng việc nhẹ, phân bì chỗ nắng nơi mát… Lòng ông trĩu nặng, vì ông muốn hoà khí hơn là sự tranh đua, thắng thua! Một chút tưởng tượng mời gọi tôi hiểu hơn tấm lòng Thiên Chúa với chính trương độ của tấm lòng đó, chứ không lấy dung lượng của lòng dạ tôi để đo tấm lòng Thiên Chúa. Tôi được mời gọi đi vào ước mơ của Thiên Chúa, Đấng muốn mọi người tham dự vào công cuộc của Người, làm việc trong vườn nho của Người. Người muốn tôi nhập cuộc như chính Con Một của Người đã Nhập Thể và Nhập Thế trong cuộc sống này.

 3. ĐÃI NGỘ XỨNG ĐÁNG

Điều thứ ba tôi khám phá nơi tấm lòng Thiên Chúa, đó là sự đãi ngộ, một sự đãi ngộ xứng đáng. Câu chuyện dụ ngôn đi đến phần kết và chính phần kết này gây nên tranh cãi. “Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả cho họ, bắt đầu từ người làm sau chót tới những người làm trước nhất’. Vậy những người mới làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người làm làm trước nhất, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ nhận được mỗi người một quan tiền.” Những người đến làm sớm nhất, đã thoả thuận công việc với giá một quan tiền. Khi được trả như vậy, họ đâu có thua thiệt gì. Còn những người đến làm sau, lãnh được một quan tiền, là do lòng tốt của ông chủ. Tất cả đều được đãi ngộ xứng đáng, xứng đáng với thoả thuận hay xứng đáng với lòng tốt của ông chủ: tất cả đều có lợi. Tất cả đều có công ăn việc làm và được trả công xứng đáng.

Cách hành xử của ông chủ, lòng tốt của ông chủ – là của chính Thiên Chúa – đã nhiều lần làm bản thân tôi không hài lòng. Tôi vẫn muốn “ưu tiên”, tôi vẫn muốn được đối xử xứng đáng hơn người khác. Tôi vẫn muốn lấy tôi làm “mẫu” cho Thiên Chúa. Tôi vẫn muốn đo lường lòng tốt của Thiên Chúa theo “mức độ” lòng dạ của tôi. Nếu xảy ra như vậy, thì thật là tai hoạ. May thay, Thiên Chúa hành xử như chính Người. Tôi học được bài học là “hãy để Thiên Chúa là Thiên Chúa và hãy để Thiên Chúa hành động như Thiên Chúa”. Tôi cũng xin Chúa cho tôi có “TẤM LÒNG THIÊN CHÚA” để cư xử với anh chị em tôi, với mọi người.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Năm Tuần Thánh, Ga 13,1-15 : Rửa chân cho nhau

Thứ Năm Tuần Thánh, Ga 13,1-15 Rửa chân cho nhau Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong thánh lễ Tiệc ly, chiều Thứ Năm, Tuần Thánh thường có...

Thứ Tư Tuần Thánh, Mt 26,14-25 : Giuđa Người Môn Đệ Được Chúa Thương Nhất

Thứ Tư Tuần Thánh, Mt 26,14-25 Giuđa Người Môn Đệ Được Chúa Thương Nhất Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thánh Gioan tông đồ đã thấu cảm...

Thứ Ba Tuần Thánh, Ga 13,21-33.36-38: Ôi tình Chúa tuyệt vời!

Thứ Ba Tuần Thánh, Ga 13,21-33.36-38 Ôi Tình Chúa Tuyệt Vời! Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bữa tiệc mà Chúa Giêsu cùng ăn uống với các...

Thứ Hai Tuần Thánh, Ga 12,1-11: Phục vụ Chúa như thế nào?

Thứ Hai Tuần Thánh, Ga 12,1-11 Phục vụ Chúa như thế nào? Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin mừng Thứ Hai Tuần Thánh, gợi lên cho chúng...

Thứ Bảy Tuần V, Mùa Chay, Ga 11,45-56: Chết vì yêu

Thứ Bảy Tuần V, Mùa Chay, Ga 11,45-56 Chết Vì Yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chứng kiến phép lạ cả thể, Đức Giêsu cho Lazaro sống...

Thứ Sáu Tuần V, Mùa Chay, Ga 10,32-42: Tin là lựa chọn

Thứ Sáu Tuần V, Mùa Chay, Ga 10,32-42 Tin Là Lựa Chọn Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ Lời Chúa những ngày áp Tuần Thánh càng...

Ngày 21-3, Thánh Biển Đức qua đời, Mt 19,27-29: Buông bỏ để nhận được

Ngày 21-3, Thánh Biển Đức qua đời, Mt 19,27-29 Buông Bỏ Để Nhận Được Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bài Tin Mừng chỉ vỏn vẹn có ba...

Thứ Năm Tuần V, Mùa Chay, Ga 8,51-59: Sống Lời Chúa đời nở hoa

Thứ Năm Tuần V, Mùa Chay, Ga 8,51-59 Sống Lời Chúa Đời Nở Hoa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng...

Thứ Tư Tuần V, Mùa Chay, Đn 3,14-20.24-25.28; Ga 8,21-30: Tin thờ Thiên Chúa Thật

Thứ Tư Tuần V, Mùa Chay, Đn 3,14-20.24-25.28; Ga 8,21-30 Tin Thờ Thiên Chúa Thật Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bài trích sách Đanien thuật lại câu...

Thứ Hai Tuần V, Mùa Chay, Năm B, Ga 8,1-11: Hãy về và đừng phạm tội

Thứ Hai Tuần V, Mùa Chay, Năm A/B, Ga 8,1-11 Hãy Về Và Đừng Phạm Tội Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Mặt trời chiếu sáng cho mọi...

Thứ Sáu Tuần IV, Mùa Chay, Ga 7,1-2.10.25-30: Nhiệt tâm thi hành sứ vụ

Thứ Sáu Tuần IV, Mùa Chay, Ga 7,1-2.10.25-30 Nhiệt Tâm Thi Hành Sứ Vụ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay, cho ta biết Chúa...

Thứ Năm Tuần IV, Mùa Chay, Ga 5,31-47: Làm nhân chứng

Thứ Năm Tuần IV, Mùa Chay, Ga 5,31-47 Làm Nhân Chứng Lasan Ngô Văng Vỹ, O.Cist Đoạn Tin Mừng ngày hôm qua, Chúa Giêsu khẳng định cho...