TN-112-TUẦN XVI-thứ Bảy
THÁCH ĐỐ CHUNG SỐNG
(Mt 13,24-30)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Khi đọc hoặc nghe trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 13 từ câu 24 đến 30, trong đó Chúa kể một dụ ngôn về Nước Trời là dụ ngôn về giống lúa tốt được gieo trong ruộng và cỏ lùng được gieo vào giữa lúa tốt và cả hai đều phát triển, mỗi chúng ta có suy nghỉ và cảm tưởng gì? Thoáng nghe, chúng ta dễ có cảm tưởng rằng giữa lúa tốt và cỏ lùng – vì hai thứ cùng được mọc lên và phát triển trong cùng một mảnh ruộng – là một cuộc “chung sống hoà bình”. Xưa nay tôi thường có cảm nghĩ này và rút ra những bài học khá dễ dàng để sống với thực tế này. Nhưng, nếu đi sâu vào những chi tiết của bài Tin Mừng và đối diện trung thực với bản thân cũng như với thực tế xã hội, tôi lại có cảm nghiệm rằng cuộc sống chung giữa lúa tốt và cỏ lùng là một cuộc sống chung đầy thách đố, đầy khó khăn, vì giữa chúng vẫn luôn có cuộc chiến, vẫn có đấu tranh. Tôi xin được chia sẻ cảm nghĩ cá nhân khi suy niệm bài tin mừng về dụ ngôn trên, qua cụm từ “THÁCH ĐỐ SỐNG CHUNG”
1. ĐÂY LÀ MỘT THỰC TẾ ĐAU LÒNG
Chúa Giê-su kể dụ ngôn này với chi tiết quan trọng đầu tiên: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi mất”
Hình ảnh hai người gieo này, là kẻ thù của nhau. Người gieo lúa tốt, kẻ thù của ông gieo cỏ lùng. Hình ảnh hai con người đối nghịch này, chính là Thiên Chúa trong Chúa Giê-su và Sa-tan hay còn gọi là Quỉ Dữ. Chúng ta cần phải nhận định rõ như thế.
Tại sao Quỉ Dữ lại gieo cỏ lùng? Nó muốn phá hoại. Không thể giải thích công việc của Quỉ Dữ khác được. Nó muốn phá hoại công cuộc tốt lành của Thiên Chúa, qua Chúa Giê-su Ki-tô.
Mảnh ruộng đây được hiểu là xã hội con người, cộng đoàn nhân loại và chính tâm hồn, cuộc sống của từng người. Nơi đó, Thiên Chúa gieo những gì tốt lành, nhưng Quỉ Dữ cũng gieo điều xấu xa, điều phá hoại.
Tại sao kẻ thù lại gieo lúc người ta ngủ? Hành động của Quỉ Dữ luôn chùng lén, vào lúc con người ngủ, nghĩa là không đề phòng, không ngờ. Nó gieo một cách ma mãnh, nghĩa là gieo vào ngay lúa, làm cho người ta không thể phân biệt được. Nó có khả năng làm “ảo thuật”, “đánh lận con đen”. Và đó là kế xảo quyệt của nó.
Một vài chi tiết trên cho chúng ta nhận định rõ ràng rằng Thiên Chúa là tác nhân của những gì tốt lành, và Qủi Dữ là tác nhân của những gì xấu xa, tội lỗi. Ruộng – xã hội và từng người – là nơi đón nhận những tác động đó.
Chúng ta phải nhận định rõ ràng rằng đây là một thực tế đau lòng. Đau lòng vì Quỉ Dữ phá hoại. Ngày nay người ta không ý thức và muốn nói đến Quỉ và hoạt động của nó. Nhưng nó lại là nguồn gốc của tất cả những bất hạnh, khổ đau. Hành động và tác động của nó không nhỏ, vì thứ nó gieo, cũng phát triển tốt và làm cho khó nhận dạng. Chính sự khó nhận dạng loại cỏ lùng mà Quỉ Dữ gieo một cách xảo quyệt, một cách chùng lén, gây nên những ngộ nhận đau lòng giữa những con người sống trong cộng đồng nhân loại và ngay trong tâm hồn của mỗi người. Có những qui kết, có những lên án, làm tổn thương và đau lòng nhau, cũng có những lên án bản thân, chỉ gây đau thương, nhưng lại không có sự chữa lành. Cần hiểu rõ Quỉ Dữ và hoạt động của nó.
2. ĐÂY LÀ MỘT CUỘC CHIẾN GIAN NAN
Điều tôi muốn nói ở đây khi đề cập đến cuộc chiến gian nan, đó không phải là cuộc chiến giữa con người với nhau, mà là cuộc chiến giữa Chúa Giê-su Ki-tô và Sa-tan. Thật vậy, Chúa đến trần gian là để phá đổ công việc của Quỉ Dữ, như chính thánh Gio-an đã khẳng định: “Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện, là để phá huỷ công việc của Ma Quỉ” (1Ga 3,8). Chúng ta đã biết đến những lần Chúa chữa lành cho những người bị quỉ ám, Ma Quỉ đã kêu lên rằng Chúa đến để phá huỷ công việc của nó. Tại sao Chúa lại phá huỷ công việc của Ma Quỉ? Chúa không muốn con người sống dưới sự khống chế của Ma Quỉ. Chúa đến để giải thoát con người, cho con người được tự do, tự do của con cái Thiên Chúa. Chúa cũng đã dạy chúng ta trong kinh Lạy Cha, cầu xin Chúa Cha: “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”, cho khỏi Quỉ Dữ. Chúa không muốn chúng ta “sống chung hoà bình” với Ma Quỉ, với Sa-tan. Đồng thời, Chúa cũng muốn chúng ta cầu xin và hành động để “Nước Chúa trị đến”. Vương quốc của Chúa không thể đồng thời với vương quốc Sa-tan. Đây là cuộc chiến cam go, cuộc chiến gian nan, đến nỗi Chúa sẵn sàng chết vì cuộc chiến này.
Cuộc chiến này cũng là cuộc chiến để gạt bỏ ảnh hưởng của Ma Quỉ khỏi cuộc sống nhân loại và xã hội con người, cũng như nơi mỗi người. Chúng ta không thể sống “thoả hiệp” với Sa-tan. Không thể đồng thời yêu mến Thiên Chúa và mến yêu Ma Quỉ, không thể phụng thờ Thiên Chúa đồng thời tôn thờ Sa-tan. Khi tranh đấu cho công lý, cho mọi điều tốt đẹp cho xã hội, cho con người, đó là để điều tốt đẹp được phát triển như lúa tốt; đồng thời dẹp bỏ đi những điều tác hại như các loại cỏ lùng. Đó cũng là cuộc chiến của Giáo Hội khi bênh vực những quyền lợi của con người về mọi phương diện.
Đó cũng là cuộc chiến nội tâm nơi mỗi người, mà thánh Phao-lô đã cảm nghiệm một cách đau đớn trong chính bản thân ngài: “Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội. Thật vậy, tôi làm gì cũng chẳng hiểu; vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không, nhưng sự ác tôi không muốn, thì tôi cứ làm. Nhưng tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay… luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội…” (Rm 7,14-23).
Những cuộc chiến này thật gian nan, vì không thể có sự thoả hiệp hay ngừng chiến. Đây là cuộc chiến liên lỷ, mà nếu ngừng chiến, sẽ thất bại, vì Ma Quỉ và hoạt động của nó rất mạnh mẽ. Đây là cuộc chiến chống lại Ma Quỉ và Tội Lỗi.
3. MỘT MỜI GỌI TIN VÀO QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA
Nhưng chúng ta cũng cần sáng suốt nhận định, khi chủ ruộng nói cứ để hai thứ mọc lên cho tới mùa gặt. Đó cũng là thái độ của Thiên Chúa, của Chúa Giê-su. Điều này có nghĩa gì, trong cụ thể đời sống chúng ta?
Trước khi người chủ ruộng nói như trên, thì các đầy tớ đến xin ông chủ đi nhổ cỏ lùng. Đây là thiện chí của những người đầy tớ; họ muốn cho ruộng đẹp, vì chỉ có lúa thôi, họ muốn cho lúa phát triển nhanh, tốt, không bị cỏ lùng lấn át. Họ đầy thiện chí. Đáng khen! Nhưng thiện chí có thể dẫn đến sự thiệt hại, như ông chủ nói: lỡ làm bật cả rễ lúa lên. Người ta vẫn muốn “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Mà cỏ lùng ở đây lại đan xen với lúa tốt, dính chặt vào lúa. Làm sao lại không thể gây thiệt hại. Thiện chí và sức lực của con người không thể giải quyết tận cản được những vấn đề khó khăn và tế nhị. Chúng ta nhận thấy rằng, điều xấu hay tội lỗi bám chật vào con người. Tội lỗi không phải là tội nhân. Nhưng tội dính kết chặt chẽ với con người tội lỗi, nên bình thường, người ta vẫn đồng hoá tội nhân với tội lỗi. Vì vậy, với thiện chí và sức lực con người, vẫn có đó cái nguy cơ diệt trừ tội lỗi bằng diệt trừ chính người có tội. Trái lại, chúng ta vẫn được nghe dạy, phải ghét tội lỗi nhưng yêu thương tội nhân. Khó lắm! Nhưng vấn đề là chỗ đồng nhất hai thực tại này. Cái gốc rễ của con người là tốt, là điều tốt, là điều Thiên Chúa làm cho con người, như các Giáo Phụ và Linh Phụ trong đời sống thiêng liêng đã khẳng định, gốc rễ của con người là sự thánh thiện, bản chất của con người là sự thánh thiện. Có thể vì thiện chí muốn diệt trừ tội lỗi, điều xấu xa, mà lám bật gốc rễ tốt đó, làm mất sức sống của điều tốt và nguy hại đến chính sự sống.
Như vậy, khi ông chủ – là Thiên Chúa – muốn chờ cho tới ngày gặt, nghĩa là thời cuối cùng, giai đoạn cuối cùng, thì Thiên Chúa sẽ hành động một cách quyết định. Lúc đó, ông chủ ra lệnh thu hoạch lúa và đốt cỏ lùng. Chúng ta ghi nhận là chính ông chủ chỉ dẫn và ra lệnh. Điều đó mời gọi chúng ta hành động theo hướng đi của Thiên Chúa, theo thái độ của Thiên Chúa. Chúng ta không loại trừ bất cứ ai, khi chúng ta loại trừ tội lỗi và sự ác. Chúng ta sống sự kiên nhẫn của chính Thiên Chúa với những ai đang mang tội và ngay cả chính chúng ta là tội nhân. Thu hoạch lúa tốt, đốt cỏ lùng, nhưng không phá hoại mảnh ruộng, cho dù ruộng đã để cỏ lùng mọc lên và để nó phát triển.
Một vài cảm nghĩ cá nhân cha sẻ với anh chị em, để chính tôi, cũng như anh chị em, chúng ta được mời gọi sống và hành động như Thiên Chúa, như Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đến để phá đổ công việc Ma Quỉ, nhưng lại thiết tha yêu thương tội nhân, và đến để tìm cứu những gì hư mất.