Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

THÁCH ĐỐ NGÀY CỦA CHÚA – THỨ SÁU TUẦN XXXIII TN – VP DUYÊN THẬP TỰ LÊ VĂN ĐOÀN

TN-224-TUẦN XXXII-thứ sáu

THÁCH ĐỐ NGÀY CỦA CHÚA

(Lc 17,26-37)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Chu kỳ phụng vụ hằng năm sắp kết thúc, để bước vào một chu kỳ mới với Mùa Vọng sẽ tới trong hai  tuần nữa. Chính vì thế, chúng ta được nghe các bài đọc Lời Chúa xoay chung quanh những biến cố sẽ xảy ra trong thời cuối cùng của lịch sử con người, cá nhân cũng như tập thể.

Lời Chúa hôm nay, trích đoạn Tin mừng theo thánh Lu-ca chương 17 từ câu 26 đến 37, cần được hiểu trong bối cảnh của thời gian cuối cùng của lịch sử. Để diễn tả một phần nào những gì sẽ xảy ra, Chúa Giê-su đã sử dụng những hình ảnh và những kiểu nói tối tăm, khó hiểu. Thật vậy, tương lai chưa xảy ra và vì thế nó luôn là một huyền nhiệm, một thực tại huyền bí. Nhưng, xuyên qua những điều được Chúa đề cập đến, chúng ta có thể rút ra những bài học rất hữu ích và thực tế cho cuộc sống hiện tại đang khi tiến bước hướng tới tương lai. Những bài học hôm nay được dành cho THÁCH ĐỐ NGÀY CỦA CHÚA, mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em.

  1. THÁCH ĐỐ CỦA BẤT NGỜ

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su nói đến “Ngày Của Chúa” với một tính chất rõ rệt nhất, đó là “bất ngờ”. Nghiã là ngày Chúa đến viếng thăm – với cuộc ra đi khỏi trần gian này của mỗi người và với sự hoàn tất của lịch sử nhân loại vào ngày cánh chung – không thể “lập trình được”. Chúa đến như kẻ trộm, như chính Chúa đã sử dụng hình ảnh này. Người ta không biết mình sẽ chết lúc nào và qua đời cách nào. Cái chết luôn là một điều bí nhiệm. Chắc chắn mỗi chúng ta sẽ chết, nhưng cách nào và khi nào, không ai biết được.

Chúa đã so sánh “ngày của Chúa” giống như chuyện xảy ra thời ông Nô-ê, nghĩa là người ta sẽ bất ngờ trước cơn đại hồng thuỷ ập đến; hoặc như thời ông Lót khi dân thành Xơ-đôm không kịp trở tay khi lửa đến thiệu rụi tất cả. Nhưng tại sao lại bất ngờ?

Người ta chỉ cảm thấy bất ngờ khi không có sự chuẩn bị. Nếu có sự chuẩn bị, người ta sẽ bớt đi rất nhiều sự lúng túng trước hoàn cảnh mới và sự cố xảy ra. Đó là điều chúng ta có kinh nghiệm. Sự kiện xảy ra một cách bất ngờ – xét theo khách quan – nhưng đối với những ai đã có một sự chuẩn bị, sự bất ngờ khách quan đó không trở thành hay ít trở thành nỗi bất ngờ cho họ. Trái lại, không có sự chuẩn bị, tất cả sẽ là bất ngờ và lúng túng. Chúng ta có kinh nghiệm về cơn đại dịch Covid đã và đang xảy ra. Chúng ta hiểu thế nào là bất ngờ và lúng túng cũng như những tai hại mà thứ vi-rút nhỏ bé này gây nên. Thật là kinh hoàng khi tất cả xảy ra bất ngờ, vì không chuẩn bị và chuẩn bị không đúng hướng và không đúng cách.

Quay trở lại với câu hỏi: làm sao chuẩn bị “ngày của Chúa” mà không bị bất ngờ? Chúa Giê-su đã đến lần thứ nhất trên trần gian này với cuộc Nhập Thể của Người, và Người sẽ đến lần thứ hai vào Ngày Quang Lâm. Nhưng giữa hai cuộc đi đến này, mỗi ngày Chúa đến với chúng ta. Đây là cuộc viếng thăm thường xuyên, mỗi ngày. Chúa đến với chúng ta trong các bí tích và các ân sủng, ân huệ Người ban. Chúng ta vẫn tuyên xưng Chúa đã chết, Người đã sống lại và Người đang đến. Người đến bằng nhiều cách, mọi nơi, qua cầu nguyện cũng như gặp gỡ tha nhân… Nói tóm lại, chúng ta đón gặp Chúa đến viếng thăm với TÌNH YÊU và TRÁI TIM YÊU THƯƠNG. “YÊU” như Chúa Giê-su đã yêu, là cách chuẩn bị tốt nhất cho ngày hôm nay Chúa đến và cho ngày của Chúa trong tương lai. Đó là chọn lựa duy nhất có giá trị cho cuộc đời con người và cuộc sống Ki-tô hữu. Muốn như vậy, chúng ta cần tập chú vào điều gì ưu tiên nhất cho cuộc đời chúng ta.

  1. THÁCH ĐỐ CỦA ƯU TIÊN

Hôm nay, nghe những lời của Chúa Giê-su, chúng ta hãy dừng lại, đi vào thinh lặng, để tự vấn lòng mình xem chúng ta, trong cuộc sống, chọn điều gì làm ưu tiên.

Chúa Giê-su nói đến trường hợp của những người thời ông Nô-ê cũng như thời ông Lót. Họ sống mỗi ngày với nhịp sống đều đặn của họ, với tất cả những sinh hoạt bình thường. Lối sống đó là nếp sống bình thường. Nhưng ngoài cái bình thường đó, với phẩm giá con người, vẫn còn điều ưu tiên hơn và ưu tiên nhất. Nếu chỉ ăn với uống, nếu chỉ cưới vợ lấy chồng, nếu chỉ làm kinh tế như mua bán, trồng trọt… thì chưa đủ. Vẫn còn đó phần linh thiêng của con người. Nếu phần này không được tài bồi và phát triển, sẽ là một sự què quặt lớn, một sự thiếu xót không có gì thay thế được.

Chúng ta quay lại chuyện bất ngờ. Những người thời ông Nô-ê hay thời ông Lót bất ngờ về những tai hoạ xảy ra, là vì họ không nhận ra những dấu chỉ. Những dấu chỉ đó cảnh báo cho biết điều gì có thể và sắp xảy ra. Nghĩa là họ thiếu sự biện phân để đọc ra ý nghĩa của những dấu chỉ. Đời sống và hành động của ông Nô-ê, đời sống và hành động của ông Lót, đã không trở thành dấu chỉ cảnh báo cuộc sống và hành động của họ. Họ sống theo cái bình thường, mà không nghĩ đến cái ưu tiên.

Cái bình thường của con người là những gì trên trần gian này, là làm nên và hưởng thụ của cải vật chất. Cái đó hợp lý và hợp lẽ. Nhưng không đủ. Rồi ngày ra đi khỏi trần gian này, thì sao đây?

Chúng ta nhìn vào gương bà vợ ông Lót. Bà đã ngó lại sau, ngó lại những gì bà phải để lại, bà rồi đã đã biến thành một tượng muối, bất động, không sự sống. Bà đã muốn cứu những thứ bỏ lại đàng sau, và bà đã mất mạng sống. Chính Chúa cũng nói đến trường hợp “những ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy, ai ở ngoài đồng, thì đừng quay trở lại”, điều đó muốn nói gì? Đã đến thời quyết định, không còn thì giờ để đi cứu vớt những của cải đó, mà hãy lo đến chính đời sống, mạng sống của mình. “Được lời lãi cả thế gian, mà thiệt mất mạng sống mình, nào có ích gì?” Nhưng điều gì giúp cứu mạng sống mình? Điều đó phải là ưu tiên. Chúa Giê-su đã đưa ra điều ưu tiên này: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người…” (Mt 6,33). Chúng ta phải tập chú vào đó, không nên để những của cải vật chất – dù chúng là những nhu cầu chính đáng – trở thành đối tượng duy nhất làm chúng ta phân tâm và gắn kết như thể chúng là chúa, là thần, là lý hữu, của mình. Rồi một ngày nào đó chúng ta phải bỏ chúng lại đàng sau. Nếu cứ bám víu vào của cải vật chất, thì “Ngày của Chúa” đến sẽ gây nên nỗi bất ngờ lớn và làm cho chúng ta lúng túng, bấn loạn và khổ đau. Hình ảnh của bà vợ ông Lót trở thành một tượng muối là dấu chỉ cảnh báo chúng ta. Chúng ta cần tập chú vào điều gì quan trọng nhất để trở thành ưu tiên của cuộc đời chúng ta.

  1. THÁCH ĐỐ CỦA TÌNH YÊU

Chúa Giê-su nói đến sự kiện “hai người đang nằm chung một giường, một người sẽ được đem đi; hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi”. Hình ảnh đó gợi cho thấy rằng con người không mãi làm chủ đời mình. Cùng sống chung, cùng sinh hoạt chung, nhưng mỗi người sẽ đi đến thời điểm của mình. Cho nên phải luôn sẵn sàng: sẵn sàng được đưa đi. Chúng ta không thể bám trụ mãi trong cuộc sống này, dù có liên kết với nhau bền chặt đến mấy đi nữa. Đây là một thực tế. Hãy sẵn sàng để được đưa đi. Đưa đi đâu? Trong văn mạch, đó là “ngày của Chúa”, nghĩa là đưa đến với Chúa. Vậy, khi được đưa đến với Chúa, phải mang theo gì đây? Đã vào trần gian tay không, thì cũng bỏ trần gian tay không. Chúng ta sẽ đến trình diện với Chúa với “đôi bàn tay không”. Những của cải vật chất đã lùi lại đàng sau. Chúng không đi theo chúng ta và chúng ta cũng chẳng mang chúng theo chúng ta được. Đây là thách đô lớn nhất khi đến “ngày của Chúa”. Nhưng đến với Chúa với đôi bàn tay không, không vật chất, của cải vật chất, nhưng đó lại là diễn tả đẹp nhất của TÌNH YÊU. Tất cả không còn gì, chỉ còn lại tình yêu. Và đó là tài sản duy nhất còn lại khi chúng ta trình diện trước mặt Chúa vào “ngày của Chúa”.

Lời Chúa hôm nay hé mở cho chúng ta một chút gì đó về “ngày của Chúa”. Ngày của Chúa phải ngày của niềm vui gặp gỡ, của tương phùng, giữa hai con người yêu thương nhau, giữa Chúa Giê-su và mỗi chúng ta. Muốn được như vậy, chúng ta hãy chọn Chúa là ưu tiên đời mình, Chúa phải trên việc của Chúa và cả những thứ của cải trần gian. Đó là thách đố lớn cho chúng ta. Nhưng đó lại là thách đố của Tình Yêu. Tình yêu sẽ là THÁCH ĐỐ NGÀY CỦA CHÚA.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh, Ga 6, 52-59: Chúa và con nên một

Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh, Ga 6, 52-59 Chúa và con nên một Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tại hội đường Caphacnaum khi Chúa Giêsu tuyên...

Thứ Năm Tuần III Phục Sinh, Ga 6,44-51: “Tôi là bánh trường sinh”

Thứ Năm Tuần III Phục Sinh, Ga 6,44-51 “Tôi là bánh trường sinh” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc Tin Mừng Nhất Lãm và Thư thứ I...

Thứ Tư Tuần III Phục Sinh, Ga 6,35-40 : “Ai đến với tôi, không hề phải đói…”

Thứ Tư Tuần III Phục Sinh, Ga 6,35-40 “Ai đến với tôi, không hề phải đói...” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Dù sống giữa thế giới có...

Thứ Ba Tuần III Phục Sinh, Ga 6,30-35: Cuộc sống bất tử cần “bánh trường sinh”

Thứ Ba Tuần III Phục Sinh, Ga 6,30-35 Cuộc sống bất tử cần “bánh trường sinh” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người Việt Nam ta thường dùng...

Thứ Hai Tuần III Phục Sinh, Ga 6,22-29: Khát vọng Tuyệt Đối

Thứ Hai Tuần III Phục Sinh, Ga 6,22-29 Khát vọng Tuyệt Đối Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng chúng ta nhận thấy có nhiều người tìm...

Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh, Ga 6,16-21: “Thầy đây, đừng sợ”

Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh, Ga 6,16-21 “Thầy đây, đừng sợ” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay khá ngắn, nhưng tường thuật khá...

Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh, Cv 5,34-42; Ga 6,1-15: Chúa cần con cộng tác

Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh, Cv 5,34-42; Ga 6,1-15 Chúa Cần Con Cộng Tác Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Sống tâm tình niềm vui Mùa Phục...

Thứ Năm Tuần II Phục Sinh, Ga 3,31-36: Nhân chứng giữa đời

Thứ Năm Tuần II Phục Sinh, Ga 3,31-36 Nhân Chứng Giữa Đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thời gian gần đây, dư luận xôn xao vụ anh...

Thứ Tư Tuần II Phục Sinh, Ga 3,16-21: Thiên Chúa vẫn mãi yêu thế gian

Thứ Tư Tuần II Phục Sinh, Ga 3, 16-21 Thiên Chúa Vẫn Mãi Yêu Thế Gian Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Để cảm nghiệm được tình yêu...

Thứ Ba Tuần II Phục Sinh, Cv 4,32-37; Ga 3,7-15: Kitô hữu sống Tin Mừng

Thứ Ba Tuần II Phục Sinh, Cv 4,32-37; Ga 3,7-15 Kitô Hữu Sống Tin Mừng Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng...

Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Cv 4,13-21; Mc 16,9-15 : Sống Lời Chúa Là Loan Tin Mừng

Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Cv 4,13-21; Mc 16,9-15 Sống Lời Chúa Là Loan Tin Mừng Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Các con hãy đi...

Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục sinh, Cv 4,1-12: Làm chứng cho Chúa như thế nào?

 Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục sinh, Cv 4,1-12 Làm chứng cho Chúa như thế nào? Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Để có thể biết lời làm...