THEO ĐỨC GIÊSU, TRẬT TỰ BÌNH THƯỜNG SẼ ĐẢO LỘN
(Bài suy niệm Thứ 7 tuần I MC)
Bất cứ một chọn lựa nào cũng cần có những điều kiện đi kèm, chúng trở thành nguyên tắc bắt buộc đòi phải có, để được thuộc về hay tồn tại. Muốn làm con của Cha trên trời chúng ta cũng phải hội đủ những điều kiện cần thiết như Chúa Giêsu yêu cầu. Sứ điệp mà Chúa Giêsu gởi đến chúng ta qua bài Tin mừng thánh lễ hôm nay (Mt 5, 43-48) là gì? “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 44-45).
Đối với Đức Giêsu: Yêu đồng loại thôi chưa đủ; trái lại phải yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Đây là một đòi hỏi rất cam go: Nó thách thức và làm đảo lộn cách suy nghĩ và hành động của ta bấy lâu nay. Và đây cũng là chọn lựa quyết liệt, buộc chúng ta phải thay đổi hướng đi của đời mình, nếu chúng ta muốn làm em của Chúa Giêsu, làm con của Cha trên trời.
Với sự xuất hiện của Chúa Giêsu và những giáo huấn mới mẻ của Người, nhân loại đã có một cuộc cách mạng không chỉ xảy ra trên bình diện tương quan nhân bản hoặc nhằm bảo toàn trật tự xã hội mà cả trên bình diện tôn giáo nữa. Đòi hỏi của Chúa Giêsu rất khó, nó cho thấy thời đại của giao ước mới đã đến thì cũng đồng nghĩa với những đòi hỏi triệt để hơn hầu có thể xứng tầm với lề luật mới. Quyết tâm chọn sống theo Chúa Giêsu, mọi trật tự bình thường xưa nay vốn sẽ bị đảo lộn. Nhiều người thấy kham không nổi, và nhất là coi đó là chuyện không thể thực hiện được nếu không muốn nói là lối cư xử của những kẻ điên rồ.
Sở dĩ nói là điên rồ vì thái độ thông thường của người đời chúng ta là: yêu kẻ yêu mình, và ghét những kẻ ghét hại mình. Nhưng Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ phải vượt lên những điều bình thường này bằng cách yêu những kẻ ghét mình, tha thứ và cầu nguyện cho họ. “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 44-45).
Ngoài ra đây cũng là giáo lý mới mẻ và đòi buộc thực hiện cách triệt để. Trong thời Cựu Ước, luật yêu thương được hiểu là không hại người anh em, phải yêu thương đồng loại: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Cựu Ước, theo lẽ công bằng thì yêu tha nhân là những người đồng chủng, đồng bào, nghĩa là chỉ người Do thái. Còn tất cả mọi người khác là ngoại bang, là kẻ thù, không được thương mà cũng không được giúp. Ngược lại, còn khuyên tránh xa, và nếu cần có thể giết nữa (x. Đnl 20,13-17; 23,4-5; 25,17-19). Luật công bằng của Dothái giáo cũng cho phép: “mắt đền mắt, răng đền răng”. Như vậy, Chúa Giêsu đã làm hơn những đòi hỏi trong luật cũ, điều đó cho thấy đã có sự thay đổi rất lớn khi thi hành giới luật mới của “thời cứu độ đã gần kề”.
“Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: ‘Các con hãy yêu thương thù địch và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con'” (Mt 5, 43-44). Chúa Giêsu đã giải thích lý do tại sao Người truyền dạy chúng ta như vậy, và chỉ cho chúng ta mẫu gương để cùng hành xử theo gương Chúa Cha. Người ta không trở nên con cái Thiên Chúa nhờ vào những công trạng của riêng mình nhưng tư cách cao quý ấy có được vì biết cách hành xử như Thiên Chúa, tức là yêu thương không phân biệt hay kỳ thị, cũng không theo nguyên tắc “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”, mà là yêu thương vô điều kiện, không mong chờ đáp trả. Chính Chúa Giêsu đã dạy và sống trước để chúng ta noi theo.
Một khi chúng ta chấp nhận lời giáo huấn cũng như cách sống của Chúa Giêsu để đi theo Người như những anh em của cùng một Cha chúng ta được mời gọi nhẫn nhịn chịu đựng khi bị xét xử bất công, bị xỉ vả đánh đập, bị lột áo trong áo ngoài, bị hành hình đóng đinh tay chân vào thập giá giữa hai tên trộm cướp… Mặc dù bị oan, bị hại, bị đau khổ nhưng Người đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm khổ mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Chúng ta, những môn đệ của Đức Giêsu Kitô cũng sẽ chịu chung số phận với Thầy Giêsu.
Chúa Giêsu đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá “lạy Cha, xin tha cho họ vì nó lầm chẳng biết”. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế, là nét son và giáo lý mới mẻ của Kitô giáo. Chúa Giêsu đã đến trần gian để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may hầu sám hối và canh tân để được cứu độ. Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù.
Tóm lại, Chúa Giêsu dạy chúng ta không phải chỉ yêu người lân cận thôi, mà còn phải yêu thương cả kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình. Làm như vậy chúng ta mới được làm con cái của Cha trên trời. Con đường chắc chắn nhất đến được đích nếu chúng ta muốn làm con cái của Cha thì chúng ta phải noi gương của Người, làm những việc Người làm: yêu thương kẻ thù nghịch, tha thứ và cầu nguyện cho họ. Những điều kiện để sống như Chúa Giêsu, những hồng ân cao cả đón nhận được từ Cha… chỉ được đón nhận và dễ dàng thực hiện nếu chúng ta dám đảo ngược các trật tự thuộc về bản năng yếu đuối của chúng ta hay là quan niệm thông thường mà trong xã hội người ta vẫn đối xử với nhau.
Mai Thi