THIÊN CHÚA VẪN MÃI YÊU THẾ GIAN
Suy niệm Tin Mừng Ga 3, 16-21, Thứ Tư, Tuần II, Mùa Phục Sinh
M. Lasan Châu Sơn
Để cảm nghiệm được tình yêu của Chúa chúng ta cùng khởi đi từ tình yêu của con người. Đối với con người nhất là người Việt Nam, không gì thiêng liêng cao cả bằng tình mẫu tử. Vì yêu con bà mẹ dám đón nhận tất cả khổ đau, lao nhọc: “Chín tháng mang nặng đẻ đau”; “Nhai cơm lựa cá, nhai cá lựa xương”; âm thầm hi sinh để con được hạnh phúc:
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh cày mẹ thức đủ năm canh”.
Rồi: “Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi;
Con đi trường học mẹ đi trường đời”.
Tình mẹ dành cho con bao la như trời biển chỉ mong con yêu nên người.
Trong tình nghĩa phu thê: khi yêu nhau, người ta cho nhau mọi sự: của cải, chức tước, sự quan tâm, nâng niu, chiều chuộng… Tình yêu vốn mạnh hơn tử thần (Dc 8, 6), nên khi yêu nhau thì “mấy núi cũng leo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”;
“Yêu nhau muôn sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
Vì người yêu mà họ sẵn sàng “lìa” cha mẹ để nên một với bạn mình (St. 2, 24); nên một trong thân xác và trong tâm hồn. Sự kết hợp kỳ diệu của hai người yêu nhau được cô đọng trong câu ca dao:
“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai”.
Phải nói rằng tình yêu con người rất đẹp, mang nhiều ưu phẩm, sâu nặng, mạnh mẽ, cuồng nhiệt… phản ảnh phần nào tình yêu của Thiên Chúa. Thế nhưng, tình con người cho dù là thiêng liêng như tình mẹ, đâm đà như nghĩa phu thê, đem so với tình Chúa yêu con người thì quả là ngàn trùng chênh lệch. Vì tình yêu của con người không tránh khỏi ích kỷ, vụ lợi, chiếm hữu, yêu nên tốt ghét nên xấu, để rồi: tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc…
Còn tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người thì tuyệt mỹ vô song. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Thiên Chúa đã ban chính bản thân Ngài, đến chia sẻ kếp người, chết và sống lại vì yêu chúng ta (Pl 2, 6-11). Ngài đã yêu chúng ta “đến cùng” (Ga 13, 1b). Ngài đã làm người để cho con người làm Chúa[1], để con người được sống và sống dồi dào (Ga 10,10), để con người được sống hạnh phúc đời đời (Ga 3,16).
Vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8). Tình yêu của Thiên Chúa trung tín dành cho con ngươi bất tín, tình yêu của Đấng “tuyệt đối” dành cho con người hữu hạn, đó là điều lòng (1Cr.2,9-10) trí con người không bao giờ suy thấu[2]. Suy ngẫm về điều này Thánh Bênađô được niềm vui tràn ngập tâm hồn.
Thiên Chúa yêu con người với mối tình tuyệt hảo: “Cho dù có người mẹ nào quên đứa con mình sinh ra, thì Ta, Ta chẳng quên con bao giờ”(Is 49, 15). Tình yêu đó mạnh mẽ từ muôn thuở (Gr 31,3), không đổi thay, không vụ lợi, hay chiếm hữu,.. được lợi gì khi Thiên Chúa yêu con người? Ngài yêu con người vô điều kiện. Ngài để cho con người tự do chấp nhận hay chối từ Ngài. Thiên Chúa đã yêu chúng ta ngay khi chúng ta là tội nhân (Rm 5, 8-9). Ngài đã lấy chính “máu thịt” nuôi dưỡng chúng ta (Mc.14, 20; 1Cr.11, 23-25) và mãi ở cùng chúng ta (Mt 28, 20).
Thiên Chúa yêu con người “vô cùng” như thế, con người biết lấy chi đáp đền? Thánh Bênađô nói: “Khi Thiên Chúa yêu ta, Ngài chỉ đòi ta đáp trả bằng tình yêu”, mà yêu Chúa, là lắng nghe và thực hành Lời Chúa (Lc 10, 38-42; Ga 14,15), là không lấy gì làm quý hơn Chúa. Chính tình yêu Chúa đã thôi thúc các anh hùng tử đạo thắng vượt đau khổ tự hiến mang sống chứng minh tình yêu (Rm 8,39).
Yêu mến Thiên Chúa cũng là yêu mọi người. Vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27), được Chúa yêu thương, được Chúa cứu chuộc (Mt 26, 28) cả hồn- xác (Mt 9,16-20, 35). Hơn nữa, chính Chúa dạy phải yêu người, yêu người là yêu Chúa[3] (Mt 10, 42; 22, 39; Ga 15, 13-15, 17). Cho nên, Thánh Gioan khẳng định: “Nếu ai nói mình yêu Chúa mà lại ghét tha nhân đó là kẻ nói dối” (1Ga 4, 20-21). Cha Tổ Phụ cũng giáo huấn chúng ta: “Đạo ăn chay, đạo đánh tội… các đạo ấy dễ mà không chắc chi còn yêu mến anh em là đạo thật”[4].
Xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Chúa đang trào tràn trong cuộc sống, để chúng ta biết nhận ra và yêu Chúa trong mọi người, nhất là những người đói khổ bệnh tật. Để rồi, bằng lời nói, việc làm chúng ta tích cực dấn thân đem bình an, tin yêu và hy vọng cho mọi người. Amen.
[1] Th. Augustinô; MK 2
[2] Th. Augustinô nói: “Hiểu được Thiên Chúa thì đâu còn là Thiên Chúa nữa”
[3] “sự sống, sự chết của tôi là tuỳ ở tha nhân, nếu tôi được anh em là được Chúa, xúc phạm anh em là xúc phạm Chúa” vì”anh đã gặp người anh em, anh đã gặp Chúa đó” (Th. Antôn, Viện phu)
[4] lời giáo huấn của cha Biển Đức Thuậu, sáng lập Dòng Xitô Thánh Gia.