THỨ BA TUẦN V THƯỜNG NIÊN
Mác-cô 7,1-13
Truyền Thống Của Tiền Nhân
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Trong cuốn sách các bài giảng hàng tuần William Barclay, đã kể câu chuyện về một giáo sĩ Do Thái đang ở trong nhà tù La Mã. Giáo sĩ sử dụng khẩu phần nước nhỏ hằng ngày của mình không phải để uống, mà dùng cho nghi thức tôn giáo rửa tay trước khi ăn. Vì quyết tâm tuân thủ các quy tắc của sự sạch sẽ trong nghi lễ, ông ta đã suýt chết vì khát.
Câu chuyện này giúp chúng ta biết thêm lý do tại sao những người Pha-ri-sêu ngạc nhiên khi thấy các môn đồ của Chúa Giêsu dùng bữa mà tay còn ô uế, tức là chưa rửa sạch theo nghi thức.
Tôn thờ Thiên Chúa qua luật lệ
Người Pha-ri-siêu tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ, họ đặt trọng tâm vào các hình thức bên ngoài đến độ quên đi cả ý nghĩa bên trong. Các nghi thức trở nên quan trọng đối với họ hơn là những thứ thuộc về trái tim, như tình yêu và lòng thương xót. Họ thích áp đặt những quy định này coi như cách để mọi người thực hiện và làm hài lòng Chúa. Vì vậy, trong con mắt của những người Pha-ri-siêu các môn đệ của Chúa Giêsu đã bỏ bê truyền thống của cha ông cũng có nghĩa là đang xúc phạm đến Thiên Chúa. Vì trong cái nhìn của người Do Thái, không được phạm tội xấu, không ở bẩn thỉu theo nghĩa sức khỏe, vì đó là ô uế trước mặt Thiên Chúa. Đối với những người này, ăn bằng tay ô uế phải chịu sự tấn công của quỷ, có khả năng trở nên nghèo đói và bị hủy diệt.
Luật giúp bảo vệ sức khỏe.
Rửa tay trước khi ăn đó là một hành động giữ vệ sinh và bảo vệ sức khỏe, và có lẽ ta cũng được cha mẹ giáo dục ngay từ còn nhỏ, đó là một việc nên làm. Hơn nữa là người con của gia đình Công Giáo còn được dạy cách cầu nguyện trước khi dùng bữa, vì của ăn chính là ân sủng mà Thiên Chúa ban cho. Vì vậy, ta đón nhận nó với sự tôn trọng và lòng biết ơn.
Thêm nữa, cần loại trừ những tư tưởng tiêu cực cũng như sự tranh luận gắt gao trong khi dùng bữa, hay đúng hơn khi đón nhận ân sủng của Chúa người ta nên có những tâm thế hòa bình, và biết nhạy bén quan tâm đến nhu cầu của người chung quanh. Đặc biệt lưu tâm đến cả những người vắng mặt và nhưng ai thiếu thốn không có gì để ăn. Nói tóm lại, điều mà Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ của Ngài không chỉ rửa tay trước khi ăn mà còn làm sạch tâm hồn nữa.
Tôn thờ Thiên Chúa trong trái tim
Ta biết rằng, nơi mà Thiên Chúa muốn cư ngụ, nơi mà Ngài muốn được tôn vinh nhất, là trong trái tim của dân Ngài. Vì trái tim biểu tượng của tình yêu, nơi mà Thiên Chúa thực sự gặp gỡ con người trong Giao Ước Mới. Điều này thôi thúc ta khao khát chuẩn bị một trái tim, một tấm lòng trong sạch để trở thành ngôi nhà xứng đáng cho Thiên Chúa ngự. Hãy cố gắng làm cho trái tim của mình nên một đền thờ thực sự của Thiên Chúa; Một trái tim đầy khiêm nhường, yêu mến và xót thương. Từ nơi trái tim, Thiên Chúa còn ngự lại với các tín hữu của Ngài qua Bí tích Thánh Thể mà họ có thể đón nhận vào trong chính thân thể của mình! Cùng với Thánh Linh của Ngài đang sống trong họ. Nói như thánh Phaolô: thân xác của các tín hữu chính là một phần thân thể của Đức Ki-tô, và còn là đền thờ của Thánh Thần (x. 1Cr 6,15.19).
Đôi khi, ta tôn vinh Thiên Chúa ở bên ngoài qua các buổi rước sách và nghi lễ rất hoành tráng và rầm rộ, nhưng vẫn giữ một khoảng cách trong trái tim của ta với Ngài!
Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần Chúa đến biến đổi những hành vi thờ phượng bên ngoài của chúng con, để trở nên sự phản ánh chân thực của trái tim đang khao khát mở rộng để đón Chúa ngự vào và ở cùng chúng con luôn mãi. Xin biến đổi trái tim chúng con nên như Trái Tim Cực Thánh Đức Giêsu Ki-tô Con Chúa. Amen.