Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17
Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Người ta ăn chay vì nhiều lý do: để giữ gìn sức khỏe, để làm đẹp thân xác, hay để thanh luyện nội tâm. Người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng có những lý do tôn giáo: họ ăn chay để bày tỏ lòng sám hối, như vua Đavít sau khi phạm tội; để nuôi dưỡng đời sống đạo đức, như người Pharisêu mỗi tuần ăn chay hai lần; hoặc để chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Mêsia.
Vì thế, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã thắc mắc: “Tại sao chúng tôi và người Pharisêu ăn chay, còn các môn đệ Thầy lại không?” (Mt 9,14). Chúa Giêsu trả lời bằng cách mạc khải một thực tại mới mẻ: Ngài chính là Chàng Rể, và thời Ngài hiện diện là thời của tiệc cưới. Trong bữa tiệc ấy, không thể ăn chay! Chỉ khi Chàng Rể bị đem đi – tức là qua mầu nhiệm Thương Khó – thì lúc ấy, các môn đệ mới ăn chay. Nhưng ăn chay không còn là một hình thức của Luật, mà là sự khao khát được kết hiệp với Đấng Phục Sinh qua Chúa Thánh Thần.
Để diễn tả sự đổi mới sâu xa ấy, Chúa Giêsu dùng ba hình ảnh:
- Chàng rể và tiệc cưới:
Nước Trời là bữa tiệc cưới giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Khi Chúa hiện diện, đời sống kitô hữu không phải là sự cằn cỗi của lề luật, mà là niềm vui trong Thánh Thần. Vào Nước Trời là đi vào một mối tương quan yêu thương sống động – một “giao ước hôn nhân” giữa Chúa và mỗi linh hồn. - Miếng vải mới không thể vá vào áo cũ:
Tin Mừng không phải là miếng vá nhỏ cho đời sống cũ, mà là một cuộc thay đổi tận căn. Tin Mừng đòi hỏi “đổi mới tâm trí” (x. Ep 4,22-24), bỏ đi con người cũ để mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Không thể giữ lại lối sống cũ mà mong sống đời mới của Thần Khí. - Rượu mới không thể đựng trong bầu da cũ:
Rượu mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần – Đấng làm mới hóa lòng người và canh tân thế giới. Nhưng Thánh Thần chỉ được ban cho những ai có “bầu da mới”, tức là một tâm hồn rộng mở, mềm mại trong khiêm tốn và vâng phục. Người ta không thể nhận Thánh Thần nếu còn khép kín, cố chấp và khư khư giữ lề luật cũ như một hình thức trống rỗng.
Từ đó, đời sống ăn chay của kitô hữu không dừng lại ở việc kiêng ăn, bớt uống, giảm tiêu xài, mà sâu xa hơn là chay tịnh trong tâm hồn, là từ bỏ chính mình để sống cho Chúa và cho tha nhân. Chúng ta ăn chay bằng cách:
- Chay trí: ngưng những suy nghĩ tiêu cực, ích kỷ, ganh tị.
- Chay miệng: từ bỏ nói hành nói xấu, nói lời vô bổ.
- Chay mắt và tai: tránh nhìn, nghe những điều làm tâm hồn chai đá.
- Chay tay chân: tránh những hành động làm tổn thương tha nhân.
- Và nhất là chay lòng: làm cho trái tim mình nghèo khó, dịu dàng, dễ chạnh lòng thương như lòng Chúa Giêsu.
Chúng ta ăn chay như một cách mở lòng ra với Chúa Thánh Thần. Không có sự đổi mới nào thực sự nếu không có Thánh Thần. Người là “rượu mới” được đổ tràn vào tâm hồn biết khát khao, biết trút bỏ cái tôi cũ kỹ. Chính Người biến những hy sinh nhỏ bé mỗi ngày thành niềm vui sâu xa trong Chúa.
Chúa Giêsu không đến để thêm gánh nặng lề luật, nhưng để mời gọi ta bước vào một đời sống mới – đời sống của người đã “chết đi cho con người cũ” để được sống lại với Ngài. Thế nhưng biết bao lần ta vẫn sống đạo như một thói quen, giữ đạo mà chưa sống đạo, mang danh là người kitô hữu nhưng không phản chiếu được gương mặt Đức Kitô. Đó là điều mà Mahatma Gandhi từng nói: “Tôi yêu mến Đức Kitô, nhưng tôi không thấy Ngài nơi những người xưng là kitô hữu.”
Hôm nay, lời Chúa mời gọi chúng ta:
Hãy mặc lấy con người mới.
Hãy mở lòng đón nhận rượu mới của Thánh Thần.
Hãy để đời sống đạo không còn là một bổn phận, nhưng là một cuộc tình – tình yêu với Chàng Rể Giêsu, Đấng yêu ta đến chết trên thập giá.