CUỘC ĐỐI THOẠI VỀ VIỆC ĂN CHAY
Lm M.Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn
Bối cảnh:
Bài Tin Mừng theo thánh Marcô hôm nay tường thuật cho chúng ta thấy lúc bấy giờ các môn đệ ông Gioan và các người Pharisiêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các người Pharisiêu ăn chay mà môn đệ của ông lại không ăn chay?” Đây là cuộc đối thoại thứ ba về việc ăn chay, một trong năm cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với các Kinh sư và Pharisiêu mà thánh Marcô diễn tả ý nghĩa sứ mạng Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì vậy với đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta căn cứ vào lời giải đáp của Đức Giêsu, cùng nhau suy niệm.
Suy niệm:
Lý do việc ăn chay: Thực ra chúng ta không rõ cho lắm về bối cảnh của cuộc đối thoại này liên quan gì đến thực trạng và lý do người Pharisiêu và các môn đệ Gioan Tẩy Giả ăn chay?
Thông thường theo luật cũ chỉ buộc: Người Do Thái ăn chay mỗi năm một lần vào “Ngày Xá Tội” cho dân đã được ghi trong sách Lêvi (Lv 23, 27-29). Ngoài ra, người Do Thái còn ăn chay trong vài trường hợp: Như là gặp một biến cố đau buồn. Chẳng hạn ông Đavít đã xé áo mình ra và ăn chay khi hay tin vua Saolê và thái tử Gionathan tử trận. Bà Giuđitha ăn chay để thọ tang chồng. Dân Do Thái ăn chay cả nước khi quốc gia thất trận hoặc khi gặp biến cố thiên tai. Thứ đến là ăn chay để dọn đường chuẩn bị đón tiếp Chúa: Trước khi diện kiến Đức Chúa Giavê ban Mười Điều Răn trên núi Sinai, ông Môisê đã ăn chay. Ngôn sứ Êlia cũng đã ăn chay trước khi đến núi Hored để gặp Chúa. Hay ông Gioan Tiền Hô ăn chay, uống nước lã, ăn châu chấu, mặc áo lông lạc đà để dọn lòng đón Chúa Cứu Thế sắp đến.
Còn Đức Giêsu và các môn đệ Ngài không ở trong các trường hợp ấy! Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể và mang ơn cứu độ cho nhân trần, không phải là một biến cố đau thương, nhưng là một tin vui cho toàn thể nhân loại. Ngài chính là Đấng Mêsia, nên không cần phải khắc khoải chờ mong Đấng Cứu Thế nào khác, như những người Pharisiêu và các môn đệ ông Gioan.
Vả lại, Đức Giêsu không có ý đả kích việc ăn chay, nhưng Ngài đả kích sự ăn chay không đúng lúc, đúng tâm tình và Ngài cũng không dạy chúng ta đừng ăn chay, nhưng dạy chúng ta ăn chay theo một tinh thần mới, là để tỏ lòng thống hối tội lỗi vì đã xúc phạm đến tình yêu Chúa. Do đó, điều cần không phải là chỉ giữ một mớ luật buộc vô hồn, mà phải biến đổi tâm hồn, không phải tỏ cho mọi biết để khoe khoang mà là chứng tỏ với Chúa lòng mình đã từ bỏ tội lỗi mà quay về với Ngài. Nói như thánh Phaolô: “Chúng ta không nên giữ chay cốt để làm trọn lề luật được ghi chép bằng giấy trắng mực đen hay khắc ghi trên bia đá khô cằn nhưng chúng ta sống theo luật mới được ghi khắc trong chính con tim chúng ta và do chính Chúa Thánh Thần”. Có như thế việc ăn chay mới biến đổi tâm hồn cuộc sống của chúng ta, chính là để thể hiện sống động lề luật mới của Đức Giêsu như thánh Phaolô đã nói: “Anh chị em chính là những bức thư của Chúa Kitô do chúng tôi viết, không phải viết bằng mực đen mà là bằng thần linh Chúa, không phải trên tấm bia đá, mà là trong chính tâm hồn anh chị em” (2Cr 3, 1-6).
Rượu mới phải để trong bầu da mới: Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, rượu mới gợi lên ý nghĩa vui mừng, hoan lạc. Biến cố Đức Giêsu xuống trần là một biến cố vui mừng “Tôi báo cho anh em một Tin Mừng vĩ đại” (Lc 2, 10). Ngài đến như một tân lang mang rượu mừng đến cho mọi người cùng uống. Nhưng rượu mới phải chứa trong bầu da mới. Qua hình ảnh trên, Đức Giêsu muốn nói tới một giáo huấn mới cần phải được đón nhận bởi một tinh thần mới, và đưa đến một nếp sống mới. Cái mới không chỉ là một sự vá víu, một chút gì đó gán ghép thêm vào cái cũ. Nó đòi một sự đổi mới toàn diện. Vì Đức Giêsu mang lại cho mọi người một cuộc sống mới với những nét căn bản nhất đó là:
Sống với Thiên Chúa, không phải sống với tâm tình sợ sệt, mà bằng tình yêu đích thực.
Sống với Đức Giêsu trong tâm tình vui mừng hân hoan, như đang dự tiệc cưới.
Sống với tha nhân không còn theo luật mắt đền mắt, răng đền răng mà bằng tình yêu kiên trì luôn tha thứ.
Trong mọi hoàn cảnh luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Tóm lại, Tin Mừng của Đức Giêsu luôn giới thiệu cho chúng ta những nét mới giúp chúng ta thoát khỏi những lề thói cũ, giải thoát chúng ta khỏi những định kiến, thay vào đó, Tin Mừng ban cho chúng ta một con tim mới, một cái nhìn mới, một niềm vui mới sung mãn trong Chúa Thánh Thần.
Đức Giêsu là vị tân lang: Câu trả lời của Đức Giêsu thật là thâm thúy khi đặt trong bối cảnh trên: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay khi tân lang đang ở giữa họ sao?” Ngài muốn nói với các môn đệ của Ngài là những người mới đến dự tiệc cưới Nước Trời và chính Ngài là tân lang đang ở giữa họ. Chính thánh Gioan Tẩy Giả đã có lần trả lời cho các môn đệ mình: “Ai cưới cô dâu chính là chú rể, còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó cũng là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã nên trọn vẹn. Ngài phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 29-30). Đáng lý ra họ phải hiểu lời Đức Giêsu nói, vì họ đã biết sách Hôsê và đã từng được Cựu Ước dạy dỗ về ý Chúa muốn đính hôn với dân người. Chính Đức Giêsu đã từng ví Nước Trời như tiệc cưới mà vua cha mở tiệc cho hoàng tử. Chỉ có điều là họ chưa mở mắt ra mà nhìn nhận Đức Giêsu chính là Emmanuel, là Thiên Chúa kết hôn với loài người. Việc Đức Giêsu đồng bàn với những người tội lỗi chứng tỏ tiệc cưới giữa trời với đất, giữa thánh thiêng với tục lụy, giữa trung tín với bất trung đang diễn ra trước mắt. Lẽ ra họ phải hành động như các môn đệ Đức Giêsu là tin vào Ngài, đi theo Ngài, lãnh nhận các ân phúc Ngài mang lại là công chính, nhân nghĩa, tín thành, thánh thiện như Hôsê loan báo. Tiệc cưới ấy, lại được cử hành trên bàn thánh này; vị tân lang là Đức Giêsu sẽ hiện diện giữa chúng ta như xưa Ngài hiện diện giữa các môn đệ.