THỨ HAI TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
Mát-thêu 9,18-26
Đức Giêsu Chữa Người Đàn Bà Bị Băng Huyết Và Cho Con Gái Một Vị Thủ Lãnh Sống Lại
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Vào thế kỷ XIII, Vua Frederick II đã tiến hành một thí nghiệm với năm mươi trẻ sơ sinh để xác định ngôn ngữ nào chúng sẽ nói nếu không hề được nghe tiếng nói. Vì vậy, ông đã chỉ định các bà mẹ nuôi tắm và cho bú mớm con mình nhưng cấm họ tuyệt đối không mơn trớn cưng chiều hoặc nói chuyện với những đứa trẻ. Thí nghiệm thất bại vì tất cả năm mươi trẻ sơ sinh đã chết[1]. Sau này người ta đã nghiên cứu và cho thấy rằng những đứa trẻ không được ai đụng chạm vào và âu yếm thường không phát triển lành mạnh. Để một con người lớn lên và phát triển lành mạnh rõ ràng không chỉ có việc cho ăn no, chăm sóc y tế đàng hoàng là đủ mà sự tiếp xúc đụng chạm trong quá trình nuôi dưỡng là rất quan trọng.
Tin Mừng hôm nay kể lại việc viên thủ lãnh đến bái lạy và cầu xin với Chúa Giêsu đến đặt tay trên con gái ông vừa mới chết, để nó sẽ được sống. Và một người phụ nữ đã bị băng huyết trong mười hai năm, đã sờ vào tua áo của Chúa Giêsu và đã được chữa lành.
Trong sách Dân Số, Môi-sê đã chỉ thị cho dân Ít-ra-el làm tua khâu vào tà áo của họ, qua mọi thế hệ, và cột lên tua áo đó một sợi dây đỏ tía. (Ds 15,38-41). Tua áo tượng trưng như một lời nhắc nhở cho dân Ít-ra-el về sự hiện diện, sự cứu rỗi và điều răn của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao người phụ nữ này tìm cách chạm vào tua áo choàng của Chúa Giêsu, với niềm tin rằng cử chỉ này sẽ mang lại cho cô phương thuốc kỳ diệu. Cô được chữa lành không phải vì cô chạm vào tua áo mà bởi những lời của Chúa Giêsu nói với cô rằng ‘lòng tin của con đã cứu chữa con’, cô đã tin vào Ngài là nguồn gốc của linh dược cho mình.
Sự đụng chạm qua xúc giác là yếu tố rất quan trọng như đã đề cập trong câu chuyện trên và nó cũng là một yếu tố quan trọng của sự chữa lành. Theo luật thờ phượng của người Do Thái, chạm vào xác chết hoặc một người chỉ được coi là đã chết, hoặc như người phụ nữ băng huyết ở đây thì bị coi là nhiễm uế (Lv 15; Ds 19). Như vậy, việc để cho người phụ nữ bị băng huyết chạm vào cũng khiến Ngài trở nên ô uế trong cái nhìn của luật pháp. Người phụ nữ nhận thức được rằng; bằng cách chạm vào Chúa Giêsu, cô ấy khiến Ngài bị ô uế, và cô ấy cũng biết rằng mình bị cấm di chuyển nơi công cộng. Nhưng Chúa Giêsu làm những gì vượt trên những quy định của lề luật, nghĩa là Ngài sẵn sàng chạm vào và để cho người ta chạm vào bởi những người mà luật pháp tuyên bố là ô uế, là không được chạm tới. Chúa Giêsu mở ra cho ta cái nhìn mới về việc Thiên Chúa chữa lành, Ngài muốn chữa lành bằng cách tiếp xúc gần, khi người ta khao khát tìm cách chạm đến Ngài, và tạo điều kiện, cho phép Ngài có thể đụng chạm đến họ.
Viên thủ lãnh đã mời Chúa đến để đặt tay và chạm đến con gái của ông đã chết và Chúa đã phục hồi sự sống lại cho con gái ông.
Không chỉ là đụng chạm qua cảm giác mà Chúa Giêsu còn muốn đến với mỗi người, muốn ngự vào trong lòng người ta, trở nên của ăn để ở cùng và làm một với con người để chữa lành và cứu độ con người. Hơn ai hết, Ngài biết rõ những dơ dáy hôi hám trong môi miệng và trong tâm hồn của con người, nhưng Ngài vẫn muốn ngự vào vì Ngài không hề sợ bị nhiễm uế, Ngài đến để đụng chạm, để ở cùng và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong tâm hồn và nơi thể xác của chúng ta.
Mỗi lần đi tham dự thánh lễ, chúng ta được kêu gọi để nhìn nhận sự bất toàn, khuyết tật và bệnh tật của mình, của con người nặng nề chai cứng như xác chết của mình. Chúng ta có biết khao khát xin Chúa đến, xin Ngài ngự vào nhà để sửa đổi và chữa lành cho mình không?
Lạy Chúa xin ngự đến đụng chạm vào trái tim, vào tâm hồn và thân xác để chữa lành những yếu đuối bất toàn của con, những bệnh tật nơi thể xác chúng con, và giúp chúng con cũng biết đưa đôi bàn tay ra để đụng chạm, giúp đỡ và chữa lành những ai đang cần đến chúng con. Amen.
[1] Theo Tiến sĩ James Dobson trong cuốn sách Come Home, Trí tuệ vượt thời gian dành cho gia đình, 1998, trang 194-195.