Thứ Ba, 6 Tháng 5, 2025

THỨ HAI TUẦN XXVII TN: DỤ NGÔN NGƯỜI SAMARI TỐT LÀNH

 

THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lu-ca 10,25-37

Dụ Ngôn Người Samari Tốt Lành

Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP

 

Tin Mừng hôm nay kể về một người thông luật hỏi Đức Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi?” Đôi khi chúng ta nhìn câu hỏi này cách tiêu cực, như thể người thông luật đang đặt câu hỏi để tự biện minh cho mình hoặc có thể để không tán đồng với Đức Giêsu về giới răn đứng đầu.

Ai là người thân cận của tôi? Một số người trong thời của Chúa Giêsu đã hiểu từ ‘thân cận’ một cách rất hạn hẹp. Giống như nhóm Essenes của Qumran, (Thánh Gio-an Tẩy Giả đã từng sống với nhóm người này) người ta yêu cầu các thành viên mới của họ thề sẽ yêu các con trai của ánh sáng và ghét các con trai của bóng tối. Đối với họ, người thân cận là người có chung niềm tin tôn giáo với mình.

Một nhóm khác là nhóm người nhiệt thành (Zealots: Simon tông  đồ thuộc nhóm người này), người ta hiểu người thân cận chỉ bao gồm những người có cùng quốc tịch và dân tộc với họ. Vì thế, người Do Thái bình thường sẽ không coi người Samari là hàng xóm. Họ là người ngoại, (lai căng) và bị đặt ra ngoài giới hạn của tình yêu người thân cận.

Điều mới mẻ trong giáo huấn về tình yêu đối vơi người thân cận của Đức Giêsu là sự khẳng định rằng, toàn thể nhân loại là một gia đình. Do đó, Ngài đã phá vỡ các bức tường của sự chia rẽ và biên giới của định kiến, của sự nghi ngờ mà con người đã dựng lên giữa người này và người khác. Đức Giêsu đã dựng nên câu chuyện về người Samari tốt lành, nhưng đối với người Do Thái, người Samari là kẻ thù số một của họ và ngược lại. Thế nhưng người Samari này lại là người cuối cùng thể hiện mình là người thân cận của người đàn ông Do Thái bị trọng thương. Do đó, đối với câu hỏi, ai là người thân cận của tôi, câu trả lời của Đức Giêsu là: Bất cứ ai và mọi người không có ngoại lệ.

Trong khi Tư tế và thầy Lê-vi trong dụ ngôn, dường như có một thái độ không thể chấp nhận được, vì họ đã không làm gì cả khi đi ngang qua nạn nhân. Thật ra, họ đã đúng theo nghĩa pháp lý khi không chạm vào người đàn ông đang giở sống giở chết, vì điều đó sẽ khiến họ không trong sạch, đặc biệt là họ đang trên đường đến Đền thờ để thờ phượng. Và theo Luật Do Thái, nếu họ chạm vào cơ thể của người chết, họ sẽ phải trải qua nghi thức thanh tẩy và trường hợp ở đây không có đủ thời gian để họ làm điều đó. Nếu vị tư tế được lên kế hoạch giữ một vai trò của buổi phụng vụ, ông ta sẽ làm tất cả trong khả năng của mình để tránh sự ô uế trong nghi lễ và đây có thể là cơ hội duy nhất của anh ta trong đời. Anh ấy sẽ có nguy cơ bị lỡ cơ hội và đó là một tình huống dễ hiểu. Tuy nhiên, họ đã tuân thủ luật pháp một cách mù quáng nên họ không nhìn thấy nhu cầu thực sự của người anh em cần giúp đỡ. Cho dù luật lệ được viết để hướng dẫn một hành động khác nhưng không nên giới hạn tình yêu với người đồng loại. Tình yêu của chúng ta dành cho người khác phải đủ rộng như tình yêu Thiên Chúa, điều này là vô điều kiện. Chúa Giêsu muốn cho thấy tình yêu thực sự phải vượt trên mọi lề luật.

Qua Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn nói rằng, chúng ta phải biết động lòng trắc ẩn trước bất cứ ai cần sự giúp đỡ, không có giới hạn họ là ai, dân tộc hay quốc gia nào. Cũng có nghĩa ‘tứ hải giai huynh đệ’ bốn biển đều là anh em, là con cùng một Cha trên trời. Điều này là một thử thách rất lớn đối với bản tính tự nhiên và ích kỷ, sợ thiệt thòi của chúng ta. Nhưng nó nói lên nét độc đáo của người Ki-tô Hữu, một người thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Vị thông luật đã nhận ra ai là người thân cận của kẻ bị thương, những người cần đến sự giúp đỡ qua dụ ngôn. Đức Giêsu đã nói với anh ta: “Hãy đi và làm như vậy.” Hôm nay Ngài cũng nói với mỗi người chúng ta, hãy đi và làm tương tự như người Samari tốt lành.

Lạy Chúa, xin phá tan đi những tư tưởng và suy nghĩ cục bộ, ích kỷ, hẹp hòi nơi chúng con. Giúp chúng con ý thức được tất cả mọi người chúng con gặp gỡ đều là con của Chúa và là anh chị em của nhau, đặc biệt những người cần đến sự giúp đỡ của chúng con. Để chúng con ngày càng trở nên giống Cha hơn, biết động lòng trắc ẩn như Cha (x. Lc 6,36). Amen.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Ba Tuần III Phục Sinh, Ga 6,30-35 Cuộc sống bất tử cần “bánh trường sinh”

Thứ Ba Tuần III Phục Sinh, Ga 6,30-35 Cuộc sống bất tử cần “bánh trường sinh” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người Việt Nam ta thường dùng...

Thứ Hai Tuần III Phục Sinh, Ga 6,22-29: Khát vọng Tuyệt Đối

Thứ Hai Tuần III Phục Sinh, Ga 6,22-29 Khát vọng Tuyệt Đối Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng cho thấy có nhiều người tìm đến với...