THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Gio-an 13,1-15
Đức Giêsu Yêu Họ Đến Cùng
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Nhà xã hội học Robert Wuthnow thuộc Đại học Princeton (Hoa Kỳ) đã khám phá ra lý do mà mọi người đưa ra quyết định đạo đức hàng ngày. Ông phát hiện ra rằng nhiều người thực hiện các hành động bác ái, phục vụ và thương xót bởi vì tại một số thời điểm trong quá khứ của họ có ai đó đã hành động với lòng từ bi đối với họ. Ông viết: “Sự chăm sóc mà chúng ta nhận được có thể chạm vào cách sâu sắc đến mức chúng ta cảm thấy đặc biệt hài lòng khi chúng ta có thể truyền nó cho người khác.” Như vậy, điều người ta có thể cho chính là điều người ta đã từng được đón nhận. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta tình yêu và sự sống của Ngài. Chỉ khi nào ta chạm được, và cảm nhận được điều đó ta mới có khả năng để trao ban tình yêu như một người môn đệ Chúa Kitô. Cũng như câu nói: không ai có thể cho cái mà họ không có.
Hôm nay, Thứ Năm Tuần Thánh, Thánh lễ cử hành vào tối nay được gọi là Tiệc Ly của Chúa Giêsu, bữa tối cuối cùng của Ngài với các môn đệ khi còn ở trần gian. Trong bữa tiệc ly cuối cùng này, Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài quy tụ để ăn mừng Lễ Vượt Qua. Bữa ăn kỷ niệm ngày dân Do Thái bị đối xử bất công ở Ai Cập. Thiên Chúa đã sai ông Môi-sê đến cảnh báo Pha-ra-ô hãy để dân của mình ra đi, nhưng Pha-ra-ô cứng lòng. Vì vậy, Thiên Chúa đã gửi một cái chết trên đất Ai Cập là tất cả mọi con đầu lòng của người ai cập, từ con vua cho đến con thường dân kể cả loài vật đều phải chết, nhưng kỳ diệu là cái chết này đã vượt qua nhà của dân Do Thái khi thấy máu của con chiên bôi trên bạ cửa. Do đó, bữa tiệc Vượt qua đã được thiết lập. Bữa ăn nhắc nhở người Do Thái về những đau khổ của cha ông và sức mạnh của sự giải thoát của Thiên Chúa.
Khi cử hành cùng các môn đệ bữa tiệc này, đến cuối bữa tiệc, Chúa Giêsu thiết lập bí tích Mình và Máu Thánh để trở nên lương thực cho các môn đệ. “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.’ Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ mà nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội.’” (Mt 26, 26, Mc 14, 22 và Lc 22,19). Thông qua những lời này, Bí tích Thánh Thể được thiết lập. Đây là của lễ hy sinh duy nhất được Chúa Cha chấp nhận hoàn toàn để cứu chuộc loài người là Chúa Giêsu, người đã trở thành một trong chúng ta, vừa là linh mục vừa là hy lễ khi Ngài trao ban chính mình một lần và mãi mãi vì sự cứu rỗi của nhân loại.
Cũng trong bữa tiệc ly, Ngài còn thiết lập Bí tích Chức tư tế, có thẩm quyền và năng quyền để dâng Thánh lễ và truyền phép Bí Tích Thánh Thể. Khi Ngài nói: “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; 1Cr 11,24). Chúa Giêsu đã thiết lập chức Tư tế bởi vì Ngài muốn tưởng niệm về tình yêu, chết và Phục Sinh của Ngài được lưu truyền cho đến khi kết thúc thời gian. Thế nên, nếu không có linh mục làm chủ sự thì việc dâng Thánh Thể là không thể. Do đó, hai Bí tích về cơ bản gắn liền với nhau.
Cũng trong bữa tiệc này, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng (c. 4) rồi rửa chân cho các môn đệ. Ngài có ý thức thực hiện nhiệm vụ của một nô lệ. Nhưng theo hầu hết các học giả Kinh Thánh, ngay cả những nô lệ trong thời gian đó cũng không được yêu cầu rửa chân cho người khác. Người nô lệ sẽ mang một cái chậu với nước và một chiếc khăn nhưng vị khách sẽ tự rửa chân cho mình. Ở đây, Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa và là Chúa của họ, đã tự hạ thấp hơn cả công việc của một nô lệ, Ngài rửa chân cho các môn đệ của mình. Chúa Giêsu cố tình rửa chân để hành động này sẽ tạo ấn tượng lâu dài với họ. Ngài kết luận: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”
Nói cách khác, phục vụ trong khiêm nhường phải là đặc trưng cho tất cả những ai tự nhận mình là Kitô hữu. Phục vụ cách khiêm tốn là một trong những bài học quan trọng cuối cùng mà Chúa Giêsu đã dạy các Tông Đồ, và Ngài đã nói rõ trong Bữa Tiệc Ly. Đây phải thực sự là phong cách của người Công giáo, những người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô. Và là sự thể hiện đức tin của mình ra cho thế giới, đó chính là những Kitô hữu mà Chúa Kitô muốn nơi mỗi người môn đệ là chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, yêu thương, phục vụ trong khiêm tốn, trao ban chính mình làm lương thực cho mọi người. Đó là bài học mà trong bữa tiệc ly Chúa muốn gởi đến các môn đệ. Chúa đã làm tất cả những gì có thể cho họ vì tình yêu, để khi đón nhận bí tích của tình yêu. Chúng con cũng biết mang tình yêu đó đến với mọi người, đặc biệt những người khác niềm tin với chúng con, những người còn xa lạ với tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đang thể hiện mỗi ngày trên các bàn thờ trên thế giới. Amen.