THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN
Mát-thêu 9,1-8
Chúa Giêsu Chữa Người Bại Liệt: “Con Đã Được Tha Tội Rồi”
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Robert Muller đã đề xuất một chương trình để đạt được một trái tim thực sự tha thứ:
Chủ nhật: Tha thứ cho bản thân bạn. Thứ hai: Tha thứ cho gia đình bạn.
Thứ ba: Tha thứ cho bạn bè và cộng sự của bạn.
Thứ tư: Tha thứ trên các dòng kinh tế trong quốc gia của bạn. Thứ năm: Tha thứ trên các dòng văn hóa trong quốc gia của bạn. Thứ sáu: Tha thứ trên các đường chính trị trong quốc gia của bạn. Thứ bảy: Tha thứ cho các quốc gia khác.
Muller tiếp tục, chỉ có người dũng cảm mới biết cách tha thứ. Một kẻ hèn nhát không bao giờ tha thứ. Đó không phải là bản chất của hắn ta.
Tội lỗi có một ảnh hưởng trực tiếp đến thể lý, Tin Mừng hôm nay đã cho thấy sự liên hệ chặt chẽ của hai phạm trù này. Khi người ta khiêng đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt nằm trên giường xin Ngài chữa. Ngài không nói: Ta chữa cho con, bệnh con đã khỏi hãy đi bình an, nhưng Ngài lại bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” Qua hình ảnh của người bại liệt, Chúa Giêsu còn nhìn thấu tâm trạng trong linh hồn đang dao động của anh ta, và nguyên nhân của bệnh chính là những tội lỗi ám ảnh con người này. Vì vậy khi nhìn thấy đức tin của những người khiêng anh đến, Ngài đã an tâm cho người bại liệt trước bằng cách tha tội. Và một khi nguyên nhân chính được loại trừ thì bệnh tật cũng biến mất.
Khi phạm tội, chúng ta làm tê liệt chính mình. Không nhất thiết làm tê liệt thể xác; nhưng, từ quan điểm tâm linh, khi phạm tội, có một hiệu ứng xảy ra trong con người và trong lãnh vực tội lỗi đó, người ta trở nên tê liệt. Không thể sáng suốt về những vấn đề trong tình trạng tội lỗi đang đè nặng trong tâm hồn. Trong phạm vi phạm tội, chúng ta bị mù, bị tê liệt, không thể hành động đúng đắn và không thể nhìn rõ sự việc. Ví như kẻ chuyên trộm cắp, đi đâu cũng cảm thấy có công an rình mình. Kẻ làm điều mờ ám hại người, lúc nào cũng bất an vì sợ ai đó biết việc xấu xa mình đã làm. Kẻ hay phạm tội thì rất làm biếng đi xưng thú vì tâm hồn bị tê liệt, thậm chí cần đến tác động của những người thân như thể khiêng tới, họ mới đón nhận ơn chữa lành của Chúa qua bí tích hoà giải.
“Con đã được tha tội rồi”. Đối với niềm tin của người Do thái, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội, nên khi nghe lời công bố của Đức Giêsu, các kinh sư là những người thông thạo Kinh Thánh đã thắc mắc trong đầu, mặc dù họ chưa dám nói ra nhưng đã nghĩ rằng Đức Giêsu là một kẻ phạm thượng, tự cho mình cái quyền của Thiên Chúa và ngang bằng với Thiên Chúa. Để đánh tan đi những ý nghĩ thiển cận cũng như chứng minh cho họ biết Ngài chính là Thiên Chúa Làm Người nên đã chất vấn: “Một là bảo: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn?” đối với con người phàm tục như chúng ta chả có điều nào là dễ cả. Nhưng đối với Thiên Chúa thì điều nào cũng dễ. Đức Giêsu đã chứng minh quyền năng của Thiên Chúa ở nơi Ngài, quyền năng tha tội và chữa lành. Và quyền năng ấy từ đây Ngài cũng ban cho con người những thừa tác viên của ngài ở dưới đất, để họ thay mặt Ngài mà tha tội cho những ai tin và đến thú nhận với Ngài qua bí tích hòa giải. Đồng thời Ngài cũng dạy cho tất cả mọi người biết sống tha thứ cho nhau vì chính họ đã được Chúa tha thứ.
Khi tha thứ, chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu là Đấng tha thứ, tuy nhiên, sự tha thứ của ta khác với ơn tha tội của Thiên Chúa qua các bí tích. Hành động tha thứ cho người khác không phải là một sự ban ơn, mà là để giải thoát cho chính mình. Ai không biết tha thứ cho người khác, không dễ dàng tha thứ, hoặc chỉ tha thứ trên cơ sở có điều kiện, từ từ họ xây đắp một sự cay đắng trong chính họ, luôn giữ trong mình cảm xúc tiêu cực, mang theo tất cả những tổn thương, giận dữ, sợ hãi, thất vọng trong chính tâm hồn mình. Gói hành lý tiêu cực ngày càng chồng chất, nó làm mờ tầm nhìn của mình và khiến nhận thức của ta về thế giới; về những người xung quanh bị bóp méo. Một thái độ không thể tha thứ không chỉ ảnh hưởng đến một cảm xúc, mà cả thể chất lẫn tinh thần. Nó có thể dần dần làm cho linh hồn mình trở nên tê liệt. Đồng thời cũng đóng cửa lòng mình lại với ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu, Ngài tha thứ cách hết sức dễ dàng ngay khi vừa gặp người tội lỗi, và ngay cả khi bị người ta đóng đinh cách bất công vào thập giá, Ngài cũng nói lời tha tội cho những ai xúc phạm đến Ngài. Và qua thập giá, Ngài tha tội cho tất cả những ai đến với Ngài, tin vào Ngài. Chúa Giêsu chính là mẫu gương của chúng ta trong việc tha thứ và giải thoát chúng ta bằng ơn tha thứ của Ngài.
Lạy Chúa, xin tha tội chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có lỗi với chúng con. Amen.