Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh, Ga 21,15-19
Con có yêu mến Thầy không?
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” nói lên ba cấp độ yêu khác nhau. Bản dịch Việt ngữ dịch ba câu hỏi này ở cùng một mức độ “yêu mến” chung chung, nhưng Người Hy Lạp cổ đại xác định bốn hình thức của tình yêu rất rõ ràng:
Storge: chỉ về tình cảm họ hàng hay tình anh em ruột thịt.
Philia: chỉ về tình bạn bè.
Erot: chỉ về sự ham muốn tình dục hoặc cảm xúc lãng mạn.
Agape: chỉ về tình yêu quảng đại, tình bác ái (x. TĐ Thiên Chúa là tình yêu; Razinger, Đức Gêsu Thành Nazarét)
Kinh Thánh sử dụng bốn từ ngữ khác nhau trong tiếng Hy Lạp này để diễn tả tình yêu: storge, philia, eros, agape. Đặc biệt, agape là một danh từ mới được các tác giả Tân ước đã phải sáng chế ra nhằm diễn tả nét đặc trưng của tình yêu Kitô giáo. Bởi vì những từ Storge (tình cảm họ hàng hay tình anh em ruột thịt); eros (sự ham muốn tình dục hoặc tình yêu lãng mạn) và philia (tình bạn bè) không thích hợp với Thiên Chúa (https://catechesis.net/tinh-yeu-va-chan-ly-tu-do-cong-binh)
Thánh Phêrô đã tuyên xưng lần lượt theo ba cấp độ tình yêu philia, eros, agape, đồng thời thánh nhân đã sống và làm chứng cho Chúa Kitô ở mức độ cao nhất Agape: tức là hiến dâng mạng sống vì Chúa và tha nhân.
Tình yêu tột độ của thánh Phêrô, giúp chúng ta thức tỉnh về tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và tha nhân. Chúng ta tự hỏi tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và tha nhân đang ở cấp độ nào Philia, Erot, Agape? Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng danh Chúa trước mặt những người chống đối Chúa giữa xã hội Do Thái thời ấy khước từ Chúa. Còn chúng ta sống giữa xã hội hôm nay; một xã hội muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi mọi sinh hoạt hằng ngày: liệu chúng ta có can đảm tuyên xưng niềm tin của chúng ta nơi công ty, nơi trường học, quán ăn… biểu hiện lòng tin của chúng ta nơi nhà thờ là đương nhiên rồi, nhưng chúng ta cần biểu lộ lòng tin của chúng ta trước mặt người đời; một lòng tin nhập thế cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết, như lời Kinh Mười Bốn Mối chúng ta vẫn đọc nằm lòng.
Chúa hỏi thánh Phêrô tới ba lần: “Con có mến Thầy không?” là để thánh nhân có cơ hội tự do công khai xác định lại tình yêu của mình nơi Chúa, một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Và Thánh Phêrô một lần nữa chân thành xác nhận: Con yêu mến Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy, dù con đã chối Thầy, dù cho con đã phản bội Thầy, nhưng đó không phải là điều con muốn, chỉ vì yếu đối, vì sợ hãi… chứ thực lòng con yêu mến Thầy. Rõ ràng chúng ta dễ dàng nhận ra một Phêrô hoàn toàn mới, Phêrô cao ngạo ngày nào: “Cho dù mọi người có bỏ Thầy, thì con đây, con không bao giờ bỏ Thầy” đã nhường chỗ cho một Phêrô dịu dàng khiêm nhu: “Thầy biết mà, Thầy biết con yêu mến Thầy!”
Hành trình đức tin của thánh Phêrô phải chăng cũng phản ánh hành trình đức tin của chính chúng ta. Là kitô hữu, là môn đệ của Chúa, ngày lãnh Bí tích Thánh Tẩy chúng ta tuyên bố từ bỏ ma quỷ và mọi mưu chước của nó đồng thời quyết tâm yêu mến Chúa trọn tình, thế nhưng trong cuộc sống thường ngày đối diện với đau khổ bệnh tật, khó khăn thử thách… có khi chúng ta cũng sa ngã như thánh Phêrô, có khi chúng ta cũng chối Chúa vì ham mê danh, lợi, thú… ấy cũng là thân phận rất người của của chúng ta cũng như nhiều vị thánh. Nhưng điều quan trọng là ta có dám một lần nữa xác tín lại tự đáy lòng mình như thánh Phêrô: Con yêu mến Chúa! Lời xác tín chân thành sẽ được hiển lộ qua chính đời sống khiêm nhường hy sinh phục vụ của chúng ta.
Mong thay, cho dẫu chúng ta có nhiều yếu đuối vấp ngã, nhưng xin cho chúng ta biết đứng lên với xác tín mạnh mẽ lạy Chúa con yêu mến Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời chúng ta.