THỨ TƯ TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
Lu-ca 21,12-19
Cuộc Bức Hại Sắp Tới
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Một dòng trên mạng internet mà tôi đọc được đã viết: “Thiên Chúa không bao giờ hứa với chúng ta một hành trình dễ dàng trong cuộc sống, mà chỉ hứa đến nơi an toàn.” Tôi nghĩ điều này thật đúng, vì Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng cuộc sống của đời người trên thế giới này không phải là một điều dễ dàng. Đặc biệt đối với những người sống đức tin thì không khi nào thiếu những chông gai thử thách qua các hình thức bắt bớ, tù đày, đau khổ và khó khăn; thế nên điều cần đề cập đến là ta nên học cách chấp nhận thập giá của mình và tìm ra ý nghĩa trong những khó khăn. Tuy nhiên, niềm tin nói với ta rằng: Không nên quá lo lắng bi quan, vì Chúa sẽ luôn đồng hành và cung cấp cho những kẻ tin vào Người có đủ sức mạnh và khôn ngoan. Điều Ngài kêu gọi sự cộng tác của ta là sự kiên trì: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”(c.19) Vậy, ý nghĩa đích thực của sự kiên trì đó là gì?
Đó là tôi có sẵn sàng chịu đựng và đổ máu cho đến giọt cuối cùng, nếu cần thiết, cho đức tin của mình không? Vì bản chất của Ki-tô giáo là một tôn giáo tử đạo, là một tôn giáo của thập giá. Chúa Giêsu sẵn sàng đổ máu vì lợi ích của con người, Ngài mời gọi ta cũng trở nên một với Ngài trên con đường tử vì đạo. Từ ‘tử đạo’ trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘nhân chứng’. Một số nhà thần học trong quá khứ như Tét-tu-li-a-nô và những người khác đã nói về việc trở thành nhân chứng như sau: “Máu của các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu”. Thánh Cýp-ri-a-nô cũng nói: “Khi cuộc đàn áp xảy ra, binh lính của Chúa bị đặt vào thử thách và thiên đàng mở cửa cho các vị tử đạo. Chúng tôi không tham gia vào một đội quân để nghĩ đến hòa bình và từ chối chiến đấu, vì chúng tôi thấy rằng Chúa đã ở tuyến đầu, đã tiên phong trong cuộc xung đột.” Thánh Âu-gút-ti-nô đã viết: “Các vị tử đạo bị trói buộc, bị bỏ tù, bị truy quét, bị tra tấn, bị thiêu đốt, bị trấn lột, bị hành hung và trăm ngàn những khổ cực!”
Thiên Chúa mời gọi một số người trong chúng ta là những vị tử vì đạo, đổ máu mình ra vì đức tin. Nhưng đối với hầu hết các Ki-tô hữu, Ngài cũng kêu gọi họ trở thành những vị tử đạo không đổ máu mà là sống đời nhân chứng cho niềm vui của Tin Mừng giữa những thử thách, mâu thuẫn, cám dỗ và nghịch cảnh xảy đến với họ hàng ngày. Một Ki-tô hữu là người đi theo sát Chúa Ki-tô; làm chứng cho niềm vui, sự thật và sự tự do của Phúc Âm; bằng cuộc sống của mình, và lời chứng cụ thể. Đó là điều thu hút người khác đến với Tin Mừng. Người ta sẽ bị cuốn hút bởi Tin Mừng khi họ nhìn thấy đời sống của các Ki-tô hữu như: Yêu kẻ thù của mình, vui mừng trong đau khổ, kiên nhẫn trong nghịch cảnh, tha thứ cho kẻ gây thương tích, thể hiện sự an ủi và lòng thương xót cho những kẻ thất vọng và cô độc.
Theo David Watson trong cuốn Ơn Gọi Và Ủy Thác: Người Môn Đồ Thay Đổi Thế Giới (1982 trang 142-143) nói rằng; các dấu hiệu của một nhân chứng thực sự là:
1. Một nhân chứng trước tiên phải có kinh nghiệm về Chúa Ki-tô. Ví như những lời đồn đại không có giá trị tại một tòa án của pháp luật, cũng như quan điểm của tòa án của thế gian. Cũng thế, người ta sẽ chỉ lắng nghe những gì ta đã thấy và đã
2. Một nhân chứng phải có khả năng diễn đạt bằng lời nói. Chúng ta có thể chứng kiến một cách hiệu quả qua cuộc sống, công việc, mối quan hệ, thái độ, sự đau khổ và thậm chí là cái chết của mình. “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và kính trọng.” (1 Pr 3,15-16a) , và với sự chính trực trong cuộc sống để chứng minh sự thật về lời nói của mình.
3. Một nhân chứng phải có niềm tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Họ dựa vào sức mạnh của thông điệp của Chúa Ki-tô và việc đóng đinh của Ngài trên thập giá, cùng với quyền năng của Chúa Thánh Thần. Họ biết rằng Thiên Chúa có thể vượt qua mọi rào cản, và biến đổi bất kỳ trái tim nào. Sự tin tưởng này sẽ không bị tan vỡ, nhưng khiêm tốn và nhạy cảm, được ghi dấu bằng nhiều lời cầu nguyện. Nhân chứng biết rằng không có Chúa, ta không thể làm gì được, nhưng với Chúa, mọi thứ đều có thể.
4. Một nhân chứng sẽ có lòng trắc ẩn đối với người mất tinh thần, sẽ chăm sóc cho họ như những người rất quan trọng đối với Thiên Chúa: họ đã được tạo ra theo hình ảnh của Ngài, được Con của Ngài cứu chuộc và được Thánh Linh ngự trị.
Lạy Chúa, Ngài muốn chúng con biết lợi dụng những khó khăn trong cuộc sống không phải để gục ngã nhưng là cơ hội để minh chứng niềm tin và loan truyền Tin Mừng Tình yêu của Chúa. Xin cho Tin Mừng của Chúa thấm đậm vào sâu thẳm trong tâm hồn chúng con, để chúng con không quỵ ngã trước hoàn cảnh mà luôn biết vận dụng mọi khó khăn để làm sáng danh Chúa. Amen.