Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

TÍCH CỰC – Suy niệm Thứ Hai, Tuần XI TN – Vp. Duyên Thập Tự

TN-072-TUẦN XI-thứ Hai

TÍCH CỰC

(2Cr 6,1-10 / Mt 5,38-42)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Tích cực là một tính từ, diễn tả một vài ý nghĩa sau đây: có tác dụng khẳng định, thúc đẩy sự phát triển, ví dụ nhân tố tích cực, mặt tích cực của vấn đề; tỏ ra chủ động, có những hoạt động tạo ra sự biến đổi theo hướng phát triển như phương pháp phòng bệnh tích cực; tỏ ra nhiệt tình, đem hết khả năng và tâm trí vào công việc, ví dụ tích cực học tập, làm việc rất tích cực. Như vậy, tích cực là phẩm chất của một con người luôn hướng tới sự phát triển bằng việc nhìn ra khía cạnh sáng của vấn đề và nhiệt tâm thực hiện. Chính phẩm chất tích cực làm cho mối tương giao giữa con người với nhau càng tốt đẹp hơn và công việc đảm nhận được thực hiện với tất cả khả năng.

Người môn đệ của Chúa Giêsu phải là một con người tích cực: tích cực trong tương giao với tha nhân và tích cực trong bổn phận. Khi suy niệm hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay, tôi khám phá ra nét tích cực được làm nổi bật lên trong hai khía cạnh trên.

 1. TÍCH CỰC TRONG TƯƠNG GIAO

Chúng ta tiếp tục suy niệm về Bài Giảng Trên Núi. Như đã nói, Chúa Giêsu, sau khi đã khẳng định đến để kiện toàn Luật Mô-sê và các Ngôn Sứ, Chúa đưa ra những vấn đề cụ thể được qui định trong Cựu Ước – nghĩa là Luật Mô-sê và các Ngôn Sứ – và những đòi hỏi của riêng Chúa đối với những qui định đó. Để thực hiện, Chúa Giêsu dùng kiểu nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo anh em…”

Trước đó, Chúa đã đề cập đến Luật Mô-sê cấm giết người. Hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục nói đến mối tương giao với tha nhân trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 5 từ câu 38 đến 42. Chúa nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng”. Điều luật này được ghi chép trong sách Xuất Hành: “Nếu ai có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm” (Xh 21, 23-25). Chúng ta cũng đọc thấy điều qui định đó trong sách Lê-vi: “Nếu ai đã làm cho người đồng bào phải mang tật, thì phải xử với nó như nó đã xử với người ta: chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng; nó đã làm cho người khác mang tật thế nào, thì người ta cũng sẽ làm cho nó như vậy” (Lv 24,19-20). Trong sách Đệ Nhị Luật, có qui định: “mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền rằng, tay đền tay, chân đền chân” (Đnl 19,21). Những trích đoạn trên liên quan đến Luật Mô-sê – luật được chính Thiên Chúa qui định – thật rõ ràng. Đây là luật báo phục tương xứng. Đối với chúng ta, những qui định đó vẫn mang dấu vết tàn ác và man rợ. Nhưng chúng ta phải hiểu bối cảnh của Luật này. Đây là một sự tiến bộ rồi. Chúng ta đọc được một lời nói còn làm cho chúng ta choáng váng. “Ông La-méc nói với các bà vợ: “A-đa và Xi-la, hãy nghe tiếng ta! Thê thiếp của La-méc, hãy lắng tai nghe lời ta! Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút xây sát, ta đã giết một đứa trẻ. Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy”        (St 4,23-24).

Điều khoản Luật Mô-sê này xây dựng trên sự tương xứng, và so với trước đó, đã là một sự tiến triển rồi. Như chúng ta đã nói về đề tài “KIỆN TOÀN”, Thiên Chúa mặc khải cho con người với não trạng thực tế và hiểu biết cụ thể của họ; và, dần dần với thời gian, sự kiện toàn được thực hiện. Qui định của Luật Mô-sê trên có mục đích răn đe, để không làm điều ác cho tha nhân, như chính ông Mô-sê nói: “Anh em phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh em. Nghe nói thế, những người khác sẽ sợ và không còn làm điều xấu như thế giữa anh em” (Đnl 19,19-20).

Chúng ta không còn tuân thủ Luật Mô-sê, nhưng là Luật của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta không những là không trả thù mà còn “làm hơn thế nữa” cho những ai đòi hỏi: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm”. Như vậy, qui định của Chúa không xây dựng trên sự tương xứng, mà là sự bất tương xứng: không phải một đền một, mà đây một cho cả hai và hơn thế nữa. Đó là nét tích cực của tương giao. Và chính nét tích cực này mới giải quyết mọi vấn đề cách ổn thoả và êm đẹp. Nếu cứ một đền một, thì chẳng đi đến đâu, sẽ luẩn quẫn trong vòng trả đũa, tác hại nhau. Đó là tiêu cực; và tiêu cực lôi kéo tiêu cực. Còn “cho hơn đòi hỏi” là tích cực; và tích cực kêu mời tích cực.

Là môn đệ Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải như Chúa: không những bị tát mà còn bị khạc nhổ, không những đi một đoạn mà đi đến tận Can-vê, không những bị quân lính lột và chia nhau áo trong mà cả áo ngoài. Chúa như con chiên hiền lành bị dẫn đi làm thịt, im lặng và hiền từ. Và như các thánh tử đạo Việt Nam của chúng ta: hiền lành và thinh lặng, đã là chứng từ tốt lành cho những người xử tử các ngài và cho các anh chị em lương dân hiện diện. Xin Chúa cho chúng ta luôn đi bước trước như đi tìm anh chị em để hoà giải trước khi dâng lễ vật, và làm gấp đôi những gì đòi hỏi, với thái độ của một người môn đệ của Chúa.

 2. TÍCH CỰC TRONG CÔNG VIỆC PHỤC VỤ

Chúng ta tiếp tục suy niệm với bài đọc một, trích thư thứ hai của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, với trích đoạn chương 6 từ câu 1 đến 10. Cũng cần nhắc lại là giữa thánh Phao-lô và giáo đoàn này có những hiểu lầm và khúc mắc tạo nên tình hình căng thẳng và cả đau buồn. Những người công kích thánh Phao-lô, không những công kích bản thân ngài mà cả công việc phục vụ Tin Mừng của ngài. Chính vì thế, trong bức thư này, ngài đã phải lên tiếng biện minh cho mình, cho công cuộc của mình. Trích đoạn thư hôm nay đề cập đến việc ngài nêu lên công việc phục vụ của ngài và qua đó bản thân của ngài cùng với các cộng sự viên.

Trước hết, ngài khẳng định: “Phần chúng tôi, chúng tôi chẳng làm gì gây cớ cho ai vấp phạm, để không người nào có thể đàm tiếu về công việc phục vụ của chúng tôi.” Khẳng định trên lột tả nét tích cực trong công việc phục vụ của ngài, đó là tránh những gì tiêu cực như “gây vấp phạm” để có thể “bị đàm tiếu”. Những người chống đối ngài, vì có cái nhìn tiêu cực nên họ đàm tiếu công việc phục vụ của ngài; vì lòng dạ ghen tương, nên họ cố giải thích mọi sự theo hướng tiêu cực, như chúng ta đã nói đến việc ngài thay đổi lộ trình và họ kết luận là ngài bất nhất “vừa có lại vừa không”. Họ vu cáo, vì bản thân họ tiêu cực. Mọi sự tiêu cực với người tiêu cực.

Tiếp đến, thánh Phao-lô đề cập đến những nỗi vất vả hy sinh của ngài và của các cộng sự viên, nghĩa là nói đến việc các ngài rất tích cực trong công việc phục vụ. Ngài viết: “Trái lại, trong mọi sự, chúng tôi luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa: gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi rất mực kiên trì chịu đựng.” Những yếu tố đó được nêu lên chứng tỏ sự nhiệt tâm rất tích cực của các ngài. Không một chút nề hà gì. Tất cả là cái giá phải trả cho nhiệt tâm, tận tuỵ rất tích cực. Và giá này thật đáng giá để trả vì là giá trị của công cuộc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô. Nếu không tích cực, thì sẽ bỏ cuộc khi gian nan, vất vả hay những đau khổ ập đến. Chính vì tích cực trong công việc mà ngài kiên trì “chạy hết con đường” như ngài đã tuyên bố với các kỳ mục của giáo đoàn Ê-phê-sô: “Mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,24). Và ngài cũng đã tâm sự với người môn đệ yêu quí của ngài: “Còn cha, cha sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ cha phải ra đi. Cha đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4,6-7). Qua những lời này, chúng ta nghe được những tiếng nói tích cực của thánh Phao-lô. Tích cực là đậm nét của cuộc đời thánh Phao-lô.

Cuối cùng, thánh Phao-lô nhìn mọi sự dưới ánh sáng tích cực. Đây là ánh nhìn tích cực về chính bản thân khi bị những người chống đối vu cáo những điều tiêu cực. Đời sống và bản thân của ngài là tích cực. Ngài viết: “Bị coi là bịp bợm, nhưng thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh, tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực chúng tôi không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng; nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giầu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả.” Thánh Phao-lô không lấy tiêu cực đáp lại tiêu cực như mắt đền mắt, răng đền răng; nhưng lấy ánh nhìn tích cực đáp lại cái nhìn tiêu cực. Nhiệt tâm tích cực đã luôn mở ra cho thánh Phao-lô những chân trời “lớn” hơn và “sáng” hơn những chỉ trích, lên án của những người chống đối. Đối với ngài, công việc phục vụ Tin Mừng của Chúa Kitô lớn hơn tất cả những điều tiêu cực. Đây là một điều rất quan trọng trong đời sống người môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Chính ánh nhìn tích cực này làm cho thánh Phao-lô luôn nhiệt tâm, hăng say, “vui luôn trong Chúa” (Ph 4,4) và sẵn sàng trao tặng tất cả cho mọi người, “trở nên tất cả cho mọi người” (1Cr 9,22).

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có ánh nhìn tích cực về mọi sự, cần sống tích cực với mọi người và tích cực trong mọi công cuộc của Thiên Chúa.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh, Ga 6, 52-59 : Chúa và con nên một

Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh, Ga 6, 52-59 Chúa và con nên một Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tại hội đường Caphacnaum khi Chúa Giêsu tuyên...

Thứ Năm Tuần III Phục Sinh, Ga 6,44-51 : “Tôi là bánh trường sinh”

Thứ Năm Tuần III Phục Sinh, Ga 6,44-51 “Tôi là bánh trường sinh” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đọc Tin Mừng Nhất Lãm và Thư thứ I...

Thứ Tư Tuần III Phục Sinh, Ga 6,35-40 : “Ai đến với tôi, không hề phải đói…”

Thứ Tư Tuần III Phục Sinh, Ga 6,35-40 “Ai đến với tôi, không hề phải đói...” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Dù sống giữa thế giới có...

Thứ Ba Tuần III Phục Sinh, Ga 6,30-35: Cuộc sống bất tử cần “bánh trường sinh”

Thứ Ba Tuần III Phục Sinh, Ga 6,30-35 Cuộc sống bất tử cần “bánh trường sinh” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người Việt Nam ta thường dùng...

Thứ Hai Tuần III Phục Sinh, Ga 6,22-29: Khát vọng Tuyệt Đối

Thứ Hai Tuần III Phục Sinh, Ga 6,22-29 Khát vọng Tuyệt Đối Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng chúng ta nhận thấy có nhiều người tìm...

Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh, Ga 6,16-21: “Thầy đây, đừng sợ”

Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh, Ga 6,16-21 “Thầy đây, đừng sợ” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay khá ngắn, nhưng tường thuật khá...

Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh, Cv 5,34-42; Ga 6,1-15: Chúa cần con cộng tác

Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh, Cv 5,34-42; Ga 6,1-15 Chúa Cần Con Cộng Tác Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Sống tâm tình niềm vui Mùa Phục...

Thứ Năm Tuần II Phục Sinh, Ga 3,31-36: Nhân chứng giữa đời

Thứ Năm Tuần II Phục Sinh, Ga 3,31-36 Nhân Chứng Giữa Đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thời gian gần đây, dư luận xôn xao vụ anh...

Thứ Tư Tuần II Phục Sinh, Ga 3,16-21: Thiên Chúa vẫn mãi yêu thế gian

Thứ Tư Tuần II Phục Sinh, Ga 3, 16-21 Thiên Chúa Vẫn Mãi Yêu Thế Gian Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Để cảm nghiệm được tình yêu...

Thứ Ba Tuần II Phục Sinh, Cv 4,32-37; Ga 3,7-15: Kitô hữu sống Tin Mừng

Thứ Ba Tuần II Phục Sinh, Cv 4,32-37; Ga 3,7-15 Kitô Hữu Sống Tin Mừng Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng...

Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Cv 4,13-21; Mc 16,9-15 : Sống Lời Chúa Là Loan Tin Mừng

Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh, Cv 4,13-21; Mc 16,9-15 Sống Lời Chúa Là Loan Tin Mừng Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Các con hãy đi...

Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục sinh, Cv 4,1-12: Làm chứng cho Chúa như thế nào?

 Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục sinh, Cv 4,1-12 Làm chứng cho Chúa như thế nào? Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Để có thể biết lời làm...