TÌNH YÊU TỰ HỦY CỦA VUA KITÔ
SNTM Lc 23, 35-43; Chúa Kitô – Vua vũ trụ, Chúa nhật 34, Năm C
Lasan Châu Sơn
Một điều thường gây ngỡ ngàng và thắc mắc nơi người ngoại đạo mỗi khi vào nhà thờ Công giáo chúng ta, đó là trong nhà thờ nào cũng có tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, mà chúng ta gọi là tượng chịu nạn, hay tượng chuộc tội. Nhìn phía đầu Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy tấm bảng có chữ INRI đây là những chữ viết tắt của bản văn Latinh mà Philato đã viết “Ieus Nazarenus Rex Iudaeorum”, nghĩa là “Giêsu Nadarét, Vua dân Dothái” (Ga 19,20). Nhìn lên thánh giá, Người ngoại không thể hiểu nổi: Tại sao người Công giáo lại đi kính thờ một người chết trần trụi, chết đau thương khổ nhục như vậy làm vua được? Thế thì, chúng ta sẽ trả lời thế nào về niềm tin của chúng ta đây? Thưa…
Nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Trước hết chúng ta phải khẳng định với nhau, đây là một mầu nhiệm, mầu nhiệm tình yêu cứu độ Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa ngàn trùng chí thánh, Đấng tạo thành và chăm sóc muôn loài, Đấng không biết đến đau khổ. Thế mà vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã nhập thể làm người, chia sẻ phận người sinh, bệnh, lão, tử như chúng ta mọi đàng. Đúng như người Việt Nam ta thường nói: “Yêu nhau muôn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cùng kê cho bằng”. Vâng, vì yêu chúng ta Thiên Chúa đã hạ mình xuống để nâng chúng ta lên đồng hàng với Ngài. Và hơn thế nữa Ngài tự nguyện chết trên thánh giá để cho chúng ta được sống.
Thành ra… Tin Mừng được công bố long trọng trong ngày lễ Chúa Kitô- Vua vũ trụ, không phải là Tin Mừng về những phép lạ hiển hách chứng tỏ uy quyền của Chúa. Mà là Tin Mừng thương khó, Tin Mừng Chúa Giêsu chịu chết trên thánh giá. Trong khi các thủ lãnh và dân chúng, rồi quân lính và cả tên cướp cũng a dua, hả hê, sỉ nhục, thách thức Chúa: Nếu nó thật là Đấng Kitô- vua, nếu ông thật là vua, thì hãy tự cứu mình và cứu chúng tôi nữa. Đây thật là một sự ngạo mạn, hỗn sược, xấc láo của loài thụ tạo đối với Đấng sáng tạo, của kẻ chịu ơn đối với Đấng ban ơn.
Trước tất cả sự súc phạm nặng nề đó, Chúa im lặng, Ngài không xuống khỏi thập giá, theo lời phàm nhân thách thức, mà trái lại Chúa đi trọn con đường thập giá tình yêu: “Khi nào Ta được treo lên, Ta sẽ lôi kéo mọi người lên cùng Ta” (Ga 12,32). Tình yêu có sức kiên nhẫn lạ lùng. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn với kẻ phỉ báng Ngài, qua mọi thời đại. Cũng như Thiên Chúa cứ mãi yêu thương chúng ta cho dù chúng ta có phạm tội phản nghịch cùng Ngài. Vì yêu thương chúng ta nên Chúa cứ nhẫn nại đợi ta trở về với Ngài trong Bí tích giao hòa. Đúng như lời Đức thánh cha Phanxicô nhiều lần xác tín: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, cho nên chúng ta đừng bao giờ thất vọng về lòng thương xót vô biên của Ngài.
Mừng lễ Chúa Kitô là vua vũ trụ, vua lòng mọi người. Xin cho chúng ta biết sống trọn vẹn con đường tình yêu của Chúa, sống xứng đáng là công dân nước Chúa, bằng cuộc sống khiêm nhường phục vụ, bác ái với hết mọi người, trong gia đình, trong giáo họ, giáo xứ cũng như ngoài xã hội, nơi từng người chúng ta gặp gỡ hằng ngày.
Xin cho chúng ta được thêm lòng tín thác vào vua Kitô để dù gặp đau khổ, tủi nhục, thất bại trong cuộc đời này, chúng ta biết nhìn lên thánh giá Chúa, để tìm lại bình an hạnh phúc, như người trộm có lòng hối cải đã chân nhận: “Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm…”. Nhìn lên thánh giá Chúa để đóng đinh những khổ ải của mình vào thánh giá Chúa để mà đền bù tội mình và tội lỗi nhân loại.
Ước chi, cuộc đời chúng ta là lời thân thưa đầy tín thác vào vương quyền của Chúa: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến con”. Để được Chúa đón nhận vào vương quốc vĩnh cửu của Chúa: “Ngay hôm nay, con sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Amen.