TỘI LỖI CỦA CON NGƯỜI VÀ TÌNH YÊU THA THỨ CỦA THIÊN CHÚA
(Bài Suy niệm lễ các thánh Anh Hài)
Sau khi nguyên tổ Ađam và Evà sa ngã phạm tội, tình trạng tội lỗi và khuynh hướng làm điều dữ “dường như” trở thành chuyện đương nhiên của thân phận con người. Hơn ai hết, thánh Phaolô đã chân thành bộc bạch khi nói về kinh nghiệm bản thân: “Điều tôi muốn làm thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn làm thì tội lại làm” (Rm 7, 19). Cũng trong lá thư gởi tín hữu Roma, thánh Phaolô đã tóm tắt cô đọng và xác tín hơn nữa khi khẳng định với chúng ta: “Mọi người đã phạm tội” (Rm 3,23), “mọi người đều bị tội lỗi thống trị” (Rm 3,9). Ý thức mình mang tội trong con người hèn mọn yếu đuối nên thánh Gioan cũng đã quả quyết: “Ai nói mình không có tội, kẻ ấy là kẻ nói dối” (1Ga 1, 8).
Chính vì chịu chi phối bởi qui luật muôn thuở đó nên từ cổ chí kim, ở mọi nơi và mọi thời, chỗ nào có bóng dáng con người thì đều có dấu vết của tội lỗi. Mặc dù ai cũng thấy điều đó là sai trái, phi lý, đáng lên án…. nhưng những tiêu cực vẫn xảy ra như cơm bữa khắp mọi nơi: người ta tìm cách hạ bệ, thanh trừng nhau, thói kiêu căng, tranh đua hơn thiệt làm điên đảo con người, những mưu gian kế bẩn, chạy tội và đổ tội…. có chiều hướng gia tăng. Bị mọi người lên án nhưng chúng vẫn luôn là điều hấp dẫn, nếu không muốn nói là trở thành điều cố hữu đối với mọi người. Do đâu? Do lòng tham lam và tính ghen tị của con người.
Những cuộc “tàn sát” dù nhỏ hay lớn, đơn phương hay có qui mô, đều trở thành thảm khốc, dẫn đến hậu quả đáng tiếc, chúng đều được khởi đi ngay từ tâm địa xấu xa của con người, đó là đầu mối của tội lỗi, là hoa trái của tội nguyên tổ để lại. Hành động ngông cuồng và ác độc của Hêrôđê trong bài Tin mừng hôm nay (Mt 2, 13-18) mãi mãi được thiên hạ biết đến và chẳng có gì rửa sạch được tội lỗi tày đình của ông, nó gắn liền với sự sống vừa chớm nở của bao con trẻ, nhất là trong mối liên hệ với cuộc sinh hạ của Ngôi Lời Nhập Thể. Còn biết bao biến cố lớn nhỏ đã, đang và sẽ còn tiếp tục xảy ra, là bằng chứng rõ nét cho điều chúng ta khẳng định trên đây.
Vua Hêrôđê nghĩ rằng mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa nhưng chính vua Hêrôđê mới là người đánh lừa các nhà chiêm tinh trước (x. Mt 2,8). Vua ở trong cung điện nguy nga lộng lẫy mà dường như sống trong bóng tối mịt mùng, chỉ vì sợ “vua Israel mới sinh” chiếm mất ngôi báu nên ông ra một lệnh chết chóc đau thương trong toàn vương quốc ông cai trị: ông đúng là con cái của sự kiêu ngạo, hành động vì ích kỷ, sợ hãi.
Tuy không làm chuyện tày đình như vua Hêrôđê nhưng biết đâu chúng ta cũng có những động thái tương tự trong suy nghĩ, trong lời ăn tiếng nói, trong mưu tính ác độc của mình, chúng có thể làm tổn thương, đau khổ và chết chóc đối với người khác. Tự bản chất, tội không chỉ xúc phạm tới mình hoặc xúc phạm tới người khác, nhưng tội là chống lại Thiên Chúa. Và hậu quả của của tội là bị tước mất vinh quang Thiên Chúa (Rm 1, 18-3, 20), đáng bị phạt phải chết (x. Rm 6,23). Nhưng tình yêu Thiên Chúa thì lớn hơn tất cả mọi tội lỗi xấu xa của chúng ta: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa (1Ga 2, 2; xt. 1Ga 4, 10).
Máu của Đức Giêsu thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi vừa là quà tặng vô giá vừa là động lực để chúng ta tiếp tục sống lữ hành này. Trước sau như một, Thiên Chúa là Ðấng thương xót và tha thứ (x. Giáo lý Công Giáo số 1846-1876), nhưng có được tha thứ hay không còn tuỳ thuộc vào tự do chọn lựa của mỗi người chúng ta. Ước gì khi suy niệm mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể trong mùa Giáng Sinh này, chúng ta nhận ra tình yêu thương tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa đang chờ đợi ban ơn cứu độ chúng ta, những con người yếu hèn mang thân phận tội lỗi và đáng phải chết đời đời.
Mai Thi