Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

TRÁI TIM CỦA CHÚA – TUẦN XXII-thứ Bảy- Vp. Duyên Thập Tự

TN-155-TN-TUẦN XXII-thứ Bảy

TRÁI TIM CỦA CHÚA

(Lc 6,1-5)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Tôi ghi nhận việc các người Pha-ri-siêu khiển trách các môn đệ Chúa luôn liên quan đến vấn đề ăn uống. Họ nhận định rằng các môn đệ của Chúa “chỉ ăn với uống”, không cầu nguyện ăn chay như các môn đệ của họ (Lc 5,33). Tiếp đến họ đặt vấn đề các môn đệ của Chúa lỗi luật ngày sa-bát vì bứt lúa vò trong tay mà ăn khi đi qua đồng lúa (Lc 6,1-2). Rồi họ trách các môn đệ Chúa trước khi ăn uống mà không rửa tay (Lc 7,1-5). Trong tất cả những trường hợp đó, Chúa luôn bênh vực các môn đệ với những lý do chính đáng. Những lý do đó không dựa trên luật mà trên tình, nghĩa là trên những lý do của trái tim. Nhưng đồng thời, Chúa cũng nêu lên ý nghĩa của những khoản luật liên quan đến những sự kiện xảy ra.

Trong trích đoạn hôm nay, các người Pha-ri-siêu trách các môn đệ của Chúa: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát?” Số là các ông, vì đói, đã bứt lúa, vò trong tay và ăn khi đi qua một cách đồng. Qua câu chuyện này và những câu trả lời của Chúa, tôi khám phá thêm một chút “TRÁI TIM CỦA CHÚA”.

 1. ĐỒNG HÀNH VỚI TRÁI TIM

Câu chuyện xảy ra với bối cảnh “vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su băng qua một cánh đồng lúa, các môn đệ bứt lúa…”. Chúng ta tưởng tượng một chút hình ảnh của thầy trò cùng đi với nhau. Từ ngày kêu gọi những người đi theo Người để làm môn đệ, Chúa Giê-su luôn đồng hành với các ông. Việc cùng đi này nói lên tình yêu thương Chúa dành cho các ông. Chúa luôn ở bên các ông, và sẵn sàng bênh đỡ các ông trong mọi tình huống. Nơi Chúa, không chỉ là đôi chân cùng nhịp với các môn đệ, mà con tim cùng đập với con tim của các ông. Chúa chia sẻ với các ông tất cả. Các ông nhận ra Chúa là chỗ dựa, là điểm tựa của mình.

Sự kiện hôm nay là một bằng chứng là Chúa ở bên các ông: Chúa cũng như các ông, đang đói. Chúa không bứt lúa, vò trong tay mà ăn; nhưng Chúa để cho các ông làm như vậy, may ra giảm được cơn đói một chút nào khi kiến bò trong bụng. Chúa ở với, ở cùng, chứ không ở ngoài cuộc sống của các môn đệ. Và đó là một trong những nét đẹp của mầu nhiệm Nhập Thể: Con Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta. Người là Em-ma-nu-en.

Trái lại, những người Pha-ri-siêu, thấy sự kiện đó, liền trách các môn đệ. Họ đứng ngoài mà nhìn và nhận xét. Họ không ở trong cuộc. Trái tim của họ bên ngoài cuộc sống của các môn đệ Chúa. Cho nên, họ dựa vào lề luật mà phán xét. Họ có thể đúng, nhưng cái đúng của họ không dẫn đến sự thu phục nhân tâm.

Điểm thứ nhất này gợi cho chúng ta đến với nhau, và nhất là sống với nhau – trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội hay Giáo Hội – cần để trái tim chúng ta đi vào cuộc sống. Nếu chỉ xử với nhau bằng lý – dù lý trí là cần thiết -, bằng luật – dù luật là cần thết – vẫn không thu phục nhau, thu phục con tim của nhau. Trái tim chắc chắn sẽ có những lý lẽ mà lý trí không biết được. Hãy để con tim rung động hơn là sự khô lạnh của lề luật. Tôi không phá bỏ lề luật, nhưng còn có thứ lề luật của con tim, lề luật yêu thương quan trọng hơn những qui định khắt khe, lạnh lùng của lề luật. Tôi thiết tưởng đó là cấp độ thứ nhất của trái tim chúng ta dành cho nhau: đồng hành cùng nhau với trái tim.

 2. HIỂU BẰNG TRÁI TIM

Để có thể bênh vực hành động của các môn đệ và nhất là để mang lại ý nghĩa đích thực cho các hành vi nào đó xảy ra trong những bối cảnh cụ thể, Chúa đã trích dẫn câu chuyện xảy ra trong trường hợp của ông Đa-vít. “Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào Nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Câu chuyện ấy, các ông chưa đọc sao?”

Chúng ta ghi nhận rằng câu chuyện Chúa nêu lên là một trường hợp ngoại lệ. Bình thường, loại bánh tiến này chỉ dành cho tư tế mà thôi. Nhưng tại sao Chúa lại nêu lên một trường hợp cụ thể và ngoại lệ để nói lên điều gì? Và phải hiểu điều luật đó như thế nào? Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 12 từ câu 1 đến 8 – là trình thuật song song với Tin Mừng theo thánh Lu-ca mà chúng ta đang suy niệm – Chúa nói: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần hy lễ, ắt các ông đã chẳng lên án người vô tội”. Như vậy, Chúa muốn hiểu luật, không chỉ theo chữ viết mà còn và hơn thế nữa, chính tinh thần của luật. Mà làm sao hiểu được tinh thần của luật, nếu trái tim không vào cuộc. Trái tim vào cuộc, nghĩa là đặt trái tim của mình vào hoàn cảnh của người trong cuộc để hiểu hoàn cảnh và con người của họ trong sự việc xảy ra. Và nếu hiểu với trái tim, sẽ không lên án hay dễ lên án, mà Chúa gọi những người trong các hoàn cảnh đó là “người vô tội”, như trường hựp các môn đệ của Chúa.

Chúa hỏi những người Pha-ri-siêu có hiểu không. Tại sao lại hỏi họ như vậy? Họ hiểu luật chứ, và vì họ hiểu nên họ mới có cớ để bắt bẻ và lên án. Thật ra, họ chỉ dừng lại nơi nguyên tắc, họ hiểu trong nguyên tắc, nhưng lại không hiểu trong các tình huống. Họ không hiểu hoàn cảnh của người mà họ cho là vi phạm. Họ hiểu bên ngoài, không đi sâu vào bên trong, vào tận những yếu tố ẩn kín, vào cả tâm hồn của người có những hành vi mà họ cho là lỗi phạm. Họ hiểu nhưng chưa hiểu thấu đáo, chưa hiểu đạt tình.

Chúng ta cần học biết những “luật trừ”. Luật trừ quan trọng, vì đó là những khoản luật có thể vượt cả nguyên tắc. Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng lấy nguyên tắc ra mà hành xử với nhau. Đương nhiên, nguyên tắc là cần thiết; nhưng cũng phải xét đến những cá biệt và đặc biệt. Cách giải thích của Chúa diễn tả cách hiểu của Chúa về những khoản luật, về những nguyên tắc. Để hiểu những hoàn cảnh đặc thù, chúng ta cần đặt trái tim của mình vào đó, vì trái tim sẽ giúp lý trí tìm ra những lý do chính đáng, không những để biện minh cho hành động, mà còn giúp mở ra cho những tương giao đặt nền trên sự tín nhiệm và cảm thông. Chúng ta cần học nhiều lắm để hiểu người khác, và mỗi trường hợp xảy ra lại là có hội để thủ đắc thêm kinh nghiệm thấu hiểu tha nhân hơn. Và đó là cấp độ thứ hai của trái tim dành cho nhau: hiểu người khác bằng trái tim.

 3. LÀM CHỦ QUA TRÁI TIM

Kết thúc câu chuyện, Chúa Giê-su tuyên bố: “Con Người là chủ ngày sa-bát”. Con Người ở đây viết bằng chữ hoa, đó là chính Chúa làm chủ ngày sa-bát. Nếu chúng ta đọc trình thuật song song trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 2 từ câu 23 đến 28, chúng ta sẽ thấy một khẳng định khác của Chúa trước câu tuyên bố trên. Chúa nói: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát”. Nơi đây, chúng ta nhận ra rằng ngày sa-bát hướng tới con người như mục đích, như điểm tới của nó. Ngày sa-bát có lý hữu và lý do tồn tại là vì con người. Thật vậy, ngày sa-bát là để con người được nghỉ ngơi, khỏi những vất vả, nghĩa là được sống và sống vui, hạnh phúc. Và đó là chính mục đích khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người, là để con người được sống và sống hạnh phúc. Cũng chính vì thế, Con Người – viết bằng chữ hoa là chính Chúa – làm chủ ngày sa-bát. Nghĩa là Chúa làm cho ngày sa-bát nên cơ hội để con người được sống hạnh phúc, vui tươi. “Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Vậy, Chúa làm chủ qua điều gì? Chắc chắn không phải qua quyền lực áp đặt, áp chế của một quan toà hay bạo chúa. Những con người này tìm cách lên án hơn là cứu sống. Chúa làm chủ qua tình yêu của Chúa, nghĩa là qua trái tim của Chúa. Chúa là Vua Tình Yêu, là Chủ Nhân Lành; vì “Thiên Chúa là tình yêu” (x.1Ga 4,16). Vương quốc của Người là Vương Quốc Tình Yêu. Con Người làm chủ ngày sa-bát là để Trái Tim của Người ngự trị trong cuộc sống con người, trong mọi tương giao và hướng dẫn mọi lề luật. Luật của Người là Luật Yêu Thương, và đó là điều răn mới của Người. “Hãy yêu thương nhau , vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” (1Ga 4,7).

Như vậy, chúng ta đừng sợ mình yêu thương quá. Không đâu! Chúng ta chưa yêu thương anh chị em mình nhiều đâu. Đừng sợ yêu quá, nhưng hãy sợ yêu chưa đủ. Và đó là cấp độ thứ ba của trái tim chúng ta dành cho nhau: đó là để tình yêu lên ngôi, trái tim ngự trị.

Lời Chúa Giê-su hôm nay ngỏ với những người Pha-ri-siêu đang phê phán và lên án các môn đệ vi phạm luật sa-bát chỉ vì mấy hạt lúa vò trong tay và đưa lên miệng, gợi mở cho chúng ta cách thức chúng ta đối xử với nhau. Với một vài hành vi nho nhỏ – như trường hợp của các môn đệ – các người Pha-ri-siêu xé ra chuyện to và kết án vi phạm luật. Họ dẫn sự việc đi quá xa, vì trái tim của họ cũng quá xa, không có sức đập những nhịp cảm thông, hiểu biết. Chúng ta cần học cách xử sự của Chúa, cách hiểu của Chúa, cách sống của Chúa, để Chúa uốn nắn trái tim chúng ta nên giống THÁNH TÂM NGƯỜI.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...