TRONG CHÚA KITÔ
Kn 4,7-15; Rm 6,3-4.8-9; Mc 15,33-39
Châu sơn mồng Hai Tết Giáp Thìn
Đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt
Hai giờ chiều ngày 30 Tết tất cả chúng ta đều bàng hoàng khi nghe tin thầy Gioan Thiên Chúa, người anh em của chúng ta đã tử nạn. Cả một bầu trời đau đớn xót xa tràn dâng trong mỗi người, trong tất cả cộng đoàn, và trong cả những người quen biết lẫn không quen biết. Đau đớn xót xa vì thương tiếc một người anh em hết sức dễ thương dễ mến. Đau đớn xót xa vì tuổi đời thầy còn quá trẻ. Đau đớn xót xa vì cái chết quá bất ngờ và quá đau thương. Đau đớn xót xa vì thầy ra đi giữa lúc mọi người đang vui vẻ chờ đón mùa xuân mới. Cái chết quả thật là phi lý.
Vừa nghe tin, tôi đã cầu nguyện cho thầy. Tôi thưa với Chúa: Lạy Chúa, sao Chúa lại gửi cho gia đình và cộng đoàn chúng con một thánh giá nặng thế này? Tại sao cái chết lại phi lý như thế này? Nhìn lên thánh giá, chiêm ngắm Chúa chịu chết, tôi như nghe được câu trả lời của Chúa.
Chẳng có cái chết nào phi lý hơn cái chết của Chúa Giêsu. Một người trẻ tuổi đang khoẻ mạnh mà chết một cách đau đớn. Một người tốt lành đi đâu cũng làm việc lành mà chết vô cùng tủi nhục. Một người vô tội mà bị kết án oan ức. Trước khi chịu đóng đinh còn chịu sỉ nhục. Bị đánh đòn. Bị đội mão gai. Bị vác thánh giá. Hành hình khiến khuôn mặt và thân hình tan nát không còn hình tượng người nữa. Khi bị đóng đinh rồi vẫn còn bị nhạo cười chế giễu. Và còn bị đâm thủng cạnh nương long. Cái chết của Chúa thật là tức tưởi. Lúc chết Chúa hét lên đau đớn. Trời đất tối sầm lại. Động đất núi non vỡ lở. Màn trong đền thờ xé ra làm đôi. Thật là đau đớn. Thật là phi lý.
Nhưng chính cái chết phi lý của Chúa lại đem đến cho cái chết của con người một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì Chúa là Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa làm người đã biến đổi phận người. Chúa là Con Thiên Chúa làm người để loài người được làm con Chúa. Chúa từ trời xuống đất để nâng loài người từ đất lên trời. Chúa làm những việc của con người để việc làm của con người có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Chúa từ vĩnh cửu bước vào thời gian để làm cho thời gian thành vĩnh cửu. Chúa đã từ bỏ tất cả mọi sự ở trần gian nên Chúa Cha trao lại cho Chúa tất cả mọi sự trên trời. Chúa chịu chết để con người được sống. Chính vì thế những ai biết từ bỏ mình như Chúa sẽ được chết trong Chúa. Và những ai chết trong Chúa cũng sẽ được sống lại với Chúa. Được hưởng vinh quang với Chúa. Đó chính là điều thư Rôma khẳng định với chúng ta.
Suy đến đây tôi được an tâm về cái chết của thầy Gioan Thiên Chúa. Quả thật cuộc đời thầy là một cuộc chọn Chúa Giêsu. Không lấy gì làm hơn Chúa Giêsu. Chính vì thế mà thầy không ngừng từ bỏ mình để hiến cuộc đời mình cho Chúa. Cuộc đời thầy đã trải qua những cuộc từ bỏ lớn.
Cuộc từ bỏ thứ nhất là khi chịu phép rửa tội. Ông bà cố bế thầy đến nhà thờ để được thanh tẩy. Bấy giờ thầy còn bé nên chưa ý thức rằng: rửa tội là cùng chết với Chúa Kitô để được cùng sống lại với Chúa. Nhưng ông bà cố đã ý thức nên đã giáo dục thầy sống đức tin một cách trung kiên. Cuộc từ bỏ chỉ rõ nét khi thầy đã lớn và quyết định gia nhập đan viện.
Cuộc từ bỏ thứ hai là khi vào nhà dòng. Thầy đã từng đi lại nhiều nước. Đã từng làm nhiều nghề. Đã kiếm được nhiều tiền. Đã biết nhiều thú vui chơi. Nhưng cuối cùng thầy quyết tâm từ bỏ tất cả để chọn một mình Chúa. Không những dâng hiến cuộc đời cho Chúa mà còn vào đan viện để âm thầm sống cho một mình Chúa mà thôi. Đây là một ý thức trọn vẹn. Đây là một từ bỏ lớn lao. Từ khi vào nhà dòng thầy rất vâng lời bề trên và phục vụ anh em. Chúng ta đã nói về công tác thể thao của thầy. Nhưng ngoài công tác thuộc phạm vi trách nhiệm bất cứ anh em nào cần gì thầy cũng sẵn sàng phục vụ. Cha Phêrô cần làm giàn bầu, thầy đã bỏ ra nhiều tuần lễ hoàn thành một giàn bầu vừa kiên cố vừa đẹp mắt trên ao cha Thánh Trưởng. Cộng đoàn Đầm Mo Thái nguyên muốn có sân bóng, thầy không quản ngại sẵn sàng lên Thái nguyên để giúp làm sân bóng. Thầy không từ chối bất ai và bất cứ việc gì. Nhưng cuộc từ bỏ quyết liệt nhất là khi thầy khấn dòng.
Cuộc từ bỏ thứ ba là ngày thầy khấn dòng. Ngày khấn dòng là ngày rửa tội lần thứ hai. Nhưng lần này với ý thức rõ ràng hơn. Đó là công khai tuyên khấn từ bỏ tất cả mọi sự. Chết cho thế gian. Để chỉ sống cho một mình Chúa.
Việc từ bỏ mình của thầy được thấy rõ trong lễ Tạ Ơn tại Làng Nam, sau khi thầy khấn trọng. Trong thánh lễ Tạ Ơn, thầy đã quì gối giữa nhà thờ Làng Nam, xin lỗi mọi người về tất cả những lỗi lầm thầy xúc phạm đến mọi người. Đó là một cuộc từ bỏ hoàn toàn. Đó là một cái chết trọn vẹn cho con người cũ. Cuộc xin lỗi công khai ấy đã khiến mọi người cảm động đến rơi lệ.
Thầy kể với tôi rằng khi còn bé thầy đã cùng chúng bạn vào nhà một bà già bên lương. Người thì đánh lạc hướng bà già để người khác vào ôm con gà chạy trốn. Khi biết thì bà đuổi theo không kịp nữa. Khấn trọn rồi, thầy về xin lỗi bà già ấy. Bà không nhớ gì nữa. Nhắc mãi thì mới nhớ ra. Và bà mừng rỡ khôn xiết. Vì thấy một đứa bé nghịch ngợm mà nay đã nên người trưởng thành, ngay thẳng, có trách nhiệm. Thay vì trách mắng bà lại khen ngợi thầy. Thay vì bắt đền, bà lại thịt con gà khác mời thầy dùng cơm.
Thầy kể lại những lỗi lầm quá khứ của mình đơn sơ hồn nhiên. Chứng tỏ thầy đã từ bỏ cái tôi của mình. Hạ mình khiêm nhường thẳm sâu. Kiên quyết thanh tẩy linh hồn. Vét rỗng bản thân để Chúa ngự trị. Quả thật thầy đã chết cho bản thân để sống cho Chúa Kitô. Thầy đã sống trong Chúa Kitô. Thầy đã chết trong Chúa Kitô. Vì thế những việc thầy làm trong Chúa Kitô đều có giá trị trước mặt chúng ta và trước mặt Thiên Chúa.
Sách Khôn ngoan dạy: Giá trị đời sống con người không đo bằng tuổi thọ nhưng đo bằng lòng mến. Chúa Giêsu chết trẻ nhưng ơn cứu độ Chúa mang lại là vô song. Chúa không để lại công trình gì lớn lao nơi trần thế nhưng tình yêu mến của Chúa làm đẹp lòng Chúa Cha hơn tất cả mọi công trình khác. Điều đó khiến cho chúng ta tin tưởng: thầy Gioan Thiên Chúa của chúng ta đã có lòng yêu mến Chúa. Đã sống cho Chúa và đã chết cho Chúa. Thầy đã dâng hiến chính thân mình. Cái chết trở thành cuộc từ bỏ rốt ráo cuối cùng. Đó là của lễ hoàn hảo. Của lễ thầy dâng đã được Thiên Chúa chấp nhận. Nên giờ đây chúng ta tin chắc thầy đang ở trong Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta đang thương tiếc thầy Gioan Thiên Chúa. Nhưng như Chúa nói với phụ nữ Giêrusalem rằng: Đừng khóc làm gì. Thương tiếc tốt nhất và có ý nghĩa nhất, đó là chúng ta hãy noi gương thầy. Biết từ bỏ chính mình. Biết sám hối tội lỗi mình. Biết dâng hiến tất cả cho Chúa. Khi chúng ta noi gương thầy như thế chúng ta sẽ thuộc về Chúa. Sống trong Chúa Kito. Chết trong Chúa Kito. Như thế chắc chắn sau này chúng ta sẽ được sum họp với thầy trong Nước Trời.
Lạy Chúa, xin đón nhận linh hồn thầy Gioan Thiên Chúa, người đã hết lòng yêu mến Chúa và phục vụ Chúa trong anh em. Amen.