TN-080-TUẦN XII-thứ Ba
ƯU TIÊN
(St 13,2.5-18 / Mt 7,6.12-14)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trong đời sống con người, ngay trong nếp sinh hoạt, luôn có những ưu tiên, nghĩa là có những điều cần phải thực hiện trước những việc khác. Không những trong việc thực hiện, mà trong tâm trí, có những điều ưu tiên hơn các điều khác để quan tâm và suy tư. Ở phi trường hay trên xe buýt, có những hàng ghế dành cho những người thuộc dạng ưu tiên. Những điều hay những việc ưu tiên, có khi được xếp hạng do giá trị hơn, hoặc do sự cần thiết phải thực hiện, hoặc do do tính cấp bách của hoàn cảnh. Cho nên, ưu tiên là được chú ý trước nhất trước các đối tượng khác, vì được coi là trọng hơn.
Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay gợi lên trong tâm trí tôi ý nghĩa về sự ưu tiên. Đó là sự ưu tiên trong việc chọn lựa. Đó là sự ưu tiên vì bản chất của sự vật đòi hỏi. Đó cũng là cách thức ưu tiên trong mối tương giao với Thiên Chúa, với tha nhân hay với chính bản thân.
1. ƯU TIÊN CHO VIỆC CHỌN LỰA
Hôm qua chúng ta đã chứng kiến Thiên Chúa mời gọi ông Áp-ram lên đường đến một nơi Người sẽ chỉ cho. Ông đã lên đường cùng với vợ là bà Xa-rai, cùng với người cháu tên là Lót. Ông mang trong mình niềm tin vào lời Thiên Chúa hứa cũng như đem theo những tài sản ông đã thủ đắc và những gia nhân. Chúng ta đã cùng lên đường với ông và đoàn tuỳ tùng. Một số địa danh đã được băng qua.
Hôm nay, trong trích đoạn sách Sáng Thế chương 13 câu 2 và từ câu 5 đến 18, chúng ta chứng kiến một sự việc mà có lẽ khi ra đi, ông Áp-ram không ngờ sẽ xảy ra. Số là “ông Áp-ram rất giầu, ông có nhiều súc vật và vàng bạc. Ông Lót, người cùng đi với ông Áp-ram, cũng có những chiên bò và những chiếc lều.” Hai bác cháu đều là những người giầu có về của cải, đàn vật và gia nhân. Một vấn đề đã xảy ra và phải tìm phương cách giả quyết. Nguyên do: thứ nhất “họ có nhiều tài sản nên không ở chung với nhau được”, thứ hai là đất không đủ cho tất cả các đàn vật nên đã xảy ra tranh chấp. Chúng ta thoáng thấy vấn đề những người giầu khó sống chung với nhau và tranh chấp dễ xảy ra. Của cải nhiều quá cũng sinh ra lắm sự! Ông Áp-ram đã chủ động đưa ra giải pháp để đừng sứt mẻ tình gia tộc. Ông đưa ra giải pháp là “chọn” đất riêng để tách xa nhau mà sống. Trong vấn đề này, chúng ta – đang suy niệm về “ưu tiên” – có hai điều cần nêu lên như bài học cụ thể.
– ƯU TIÊN CHO THA NHÂN CHỌN TRƯỚC
Ông Áp-ram đề nghị mỗi người chọn đất sống cho gia đình mình, và ông dành cho người cháu là ông Lót được ưu tiên chọn trước. Ông Áp-ram nói: “Tất cả xứ chẳng trước mặt cháu đó sao? Cháu hãy xa bác đi. Nếu cháu đi về bên trái thì bác sẽ đi về bên phải; nếu cháu đi về bên phải thì bác sẽ đi về bên trái”. Ông Áp-ram đã dành cho cháu “quyền ưu tiên”. Dành cho người khác quyền ưu tiên là nhận phần thua thiệt cho mình. Nhưng đây là thái độ của người quân tử. Trong trường hợp ông Áp-ram, vì là bác – như cha – nên việc nhường cho người dưới đi trước, chọn trước, còn hơn là quân tử nữa, thái độ đó mang tính Tin Mừng. Trong tương giao với người khác, để tránh sự cạnh tranh và hơn thế, để bảo toàn đức ái, cần có sự “hạ mình” xuống để dành quyền ưu tiên cho người khác. Đó là bài học thứ nhất.
– ƯU TIÊN ĐỂ THIÊN CHÚA CHỌN CHO BẢN THÂN
Sau khi ông Lót rời đi, đâu là vùng đất mà ông Áp-ram chọn? Chúng ta ghi nhận một chi tiết – mà tôi coi là quan trọng – đó là việc Thiên Chúa ngỏ lời với ông Áp-ram. Thiên Chúa nói: “Ngước mắt lên, từ chỗ ngươi đang đứng hãy nhìn về phía bắc, phía nam, phía đông, phía tây, vì tất cả miền đất ngươi đang thấy đó, Ta sẽ ban cho ngươi và cho dòng dõi ngươi mãi mãi… Đứng lên! Hãy đi ngang dọc khắp miền đất này, vì Ta ban nó cho ngươi”. Chúng ta nhận ra điều gì trong chi tiết này? Đó là Thiên Chúa chọn đất cho ông Áp-ram. Ông không chọn, mà để cho Thiên Chúa chọn. Nếu ông chọn, thì coi đó là vùng đất của mình; nhưng nếu để Thiên Chúa chọn, thì đó là quà tặng của Thiên Chúa ban “Ta ban nó cho ngươi”. Đây là kinh nghiệm cho cuộc sống chúng ta – về nhiều phương diện, nhất là trong đời sống tâm linh -, đó là để Thiên Chúa hành động và chúng ta đi theo chọn lựa của Thiên Chúa. Và chọn lựa của Thiên Chúa bao giờ cũng lớn hơn rất nhiều, giá trị hơn rất nhiều. Chúng ta đi tìm và chọn những thứ giới hạn, hạn hẹp, còn Thiên Chúa lại chọn cho chúng ta những gì cao vả, lớn lao. Thiên Chúa đã chọn cho ông Áp-ram tất cả những vùng đất ông thấy về bốn phía đông tây nam bắc.
Ngay trong câu chuyện này, về việc chọn đất, chúng ta nhận thấy là ông Lót đã tìm vùng đất trù phú vì có nhiều nước, “giống như vườn của Thiên Chúa”. Đó là vùng đất Xơ-đôm, vùng đất mầu mỡ nhưng tiềm ẩn những nguy cơ về luân lý. Như vậy, hãy để Thiên Chúa tìm cho chúng ta, tỏ cho chúng ta thấy, và chúng ta hãy bước vào. Hình ảnh của vùng đất địa dư diễn tả cho chúng ta vùng đất tâm linh và cuộc sống, rất cần cho chúng ta.
2. ƯU TIÊN CỦA TIN MỪNG
Chuyển sang bài Tin Mừng, chúng ta tiếp tục suy niệm về Bài Giảng Trên Núi. Trong trích đoạn hôm nay chương 7 câu 6 và từ câu 12 đến 14, Chúa Giê-su đề cập đến ba yếu tố tượng trưng cho mối tương giao. Tôi xin được suy niệm ba yếu tố đó trong luồng tư tưởng về ưu tiên.
– ƯU TIÊN VỀ SỰ THÁNH THIÊNG
Đối tượng ưu tiên thứ nhất là ưu tiên về bản chất của sự vật liên quan đến Thiên Chúa. Sự vật được Chúa Giê-su đề cập ở đây là “thánh “. Thánh là liên quan đến chính Thiên Chúa và liên quan đến những gì thuộc về Thiên Chúa. Chúa nói: “Của thánh đừng quăng cho chó”. Nơi đây có hai thái cực; một bên là “của thánh” là điều gì cao trọng, thánh thiêng, bên kia là con chó không có ý thức, không phải là vật có phẩm giá cao quí. Điều được nhấn mạnh ở đây là phải biết trân trọng, tôn kính những gì thánh thiêng. Tôn kính, trân trọng là hết lòng yêu mến. Lời Chúa có phải là của thánh không? Mình Thánh Chúa có phải là của thánh không? Đạo của chúng ta có phải là của thánh không? Con người chúng ta – hồn và xác – có phải là của thánh không? Gia đình chúng ta có phải là của thánh không?… Chúng ta đã tôn trọng, trân quí những thực tại đó như thế nào? Đã hết lòng yêu mến chưa?
– ƯU TIÊN TRONG VIỆC THỰC HIỆN TÍCH CỰC
Đối tượng ưu tiên thứ hai liên quan đến tương giao với tha nhân. Vậy đâu là ưu tiên ở đây?
Chúa Giê-su nói: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó”. Chúng ta biết là trong sách Tô-bi-a, ông Tô-bít đã đưa ra những lời khuyên bảo con ông là Tô-bia; trong đó có lời như sau: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15). Đức Khổng Tử cũng đã nói câu tương tự: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì không muốn, đừng làm cho người ta). Trong câu nói của Chúa, ưu tiên là cách tích cực “hãy làm”. Sau khi đã kể dụ ngôn về người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu, Chúa đã nói với người thông luật: “Ông hãy đi và làm như vậy”(Lc 10,37). Như vậy, ưu tiên là hành động, chứ không chỉ tránh “đừng làm”. Ưu tiên hành động cũng là ưu tiên cho người mình thực hiện cho họ. Mình đi bước trước cho họ. Họ trước mình sau.
– ƯU TIÊN CHO BẢN THÂN
Đối tượng ưu tiên thứ ba là bản thân. Bản thân phải được sống. Ai cũng muốn sống, chẳng ai muốn chết. Nếu có sự sống và cái chết thể lý, thì cũng có sự sống và cái chết của linh hồn. Nếu có sinh khí thì cũng có linh khí. Như vậy, ưu tiên là chọn sống. Nhưng ưu tiên này phải đi đôi với chọn nơi mở ra cho sự sống. Sự sống có đó, nhưng nếu không đi vào, thì làm sao đón nhận được. Chính vì thế, Chúa Giê-su nói: “Hãy qua cửa hẹp mà vào… Vì cửa hẹp và đường chặt thì đưa đến sự sống.” Chúng ta hãy suy nghĩ về một người mẹ: để đưa đứa con vào sự sống – nghĩa là sinh ra nó – thì bà phải chấp nhận bao nhiêu hy sinh, trong thể lý và tâm lý. Mang nặng đẻ đau là gì, nếu không phải là đi vào cửa hẹp, đường chặt để cưu mang và trao ban sự sống. Không muốn hy sinh, thì không sinh con, thì cũng chẳng mang đến sự sống. Sự sống của người mẹ và sự sống của người con. Bản thân người mẹ sống, thì đứa con cũng được sống. Hình ảnh đó mời gọi chúng ta đi vào con đường có ý nghĩa, là mang đến sự sống cho chính bản thân, và cho tha nhân. Hy sinh chỉ có giá trị khi mang đến sự sống. Chúng ta phải ưu tiên cho bản thân, ưu tiên cho sự sống; và đương nhiên cũng ưu tiên cho những gì dẫn tới đó, cho con đường và cánh cửa mở ra cho sự sống.
3. LẠY CHÚA, XIN HÃY DẠY CON
Ưu tiên, nói thì dễ; nhưng thực hành thì khó biết bao. Trong mỗi chúng ta đều có “huyễn ngã”, cho mình là quan trọng nhất, là ham muốn đề cao cái tôi của mình. Khi nhìn vào tấm hình chụp chung với một nhóm người, chúng ta đều tìm “chân dung” mình trước tiên. Chúng ta vẫn muốn mình được ưu tiên. Chúa Giê-su lại tìm con đường “tự huỷ”: Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã không coi mình ngang hàng với Thiên Chúa, mà chấp nhận thân phận nô lệ và chết nhục nhã trên thập tự (x.Ph 2, 6-11). Chúa Giê-su dành ưu tiên cho vinh quang Thiên Chúa và ưu tiên cho phần rỗi nhân loại.
Nếu ưu tiên cho tha nhân là khó, thì chúng ta có một phương thế là cầu xin, như chính thánh Phan-xi-cô Át-xi-di cầu xin trong Kinh Hoà Bình: “Lạy Chúa, xin hãy dạy con: tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu… Ôi, Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình”.