Thứ năm, 16 Tháng Một, 2025

VÁC THẬP GIÁ MÌNH ĐI THEO CHÚA (Bài suy niệm Thứ 4 tuần XXXI TN) – Mai Thi

 

VÁC THẬP GIÁ MÌNH ĐI THEO CHÚA

(Bài suy niệm Thứ 4 tuần XXXI TN)

 

Thập giá tự thân là điều nhạy cảm, rất nhiều người nếu không muốn nói là tất cả mọi người đều không muốn nhắc tới hoặc tìm đủ cách để tránh né bao nhiêu có thể. Dù người lớn hay kẻ nhỏ, người ta đều muốn nói không với thập giá: từ chối sự hiện diện hoặc miễn cưỡng chấp nhận vì không thể làm khác được. Người ta là vậy, nhưng đối với Đức Giêsu “vác thập giá mình đi theo Chúa” trở thành một đòi buộc, một điều kiện tất yếu, một chuyện đương nhiên… nhờ đó mới có thể bước theo Chúa được.

Thập giá có mặt mọi nơi mọi lúc và mọi thời, nó gắn liền với cuộc đời mọi người và mỗi người. Những giới hạn bản thân, những đau bệnh phần xác hay tinh thần, những tương quan bị trục trặc, những hoài bão và ước mong không đạt được….. tất cả chẳng được coi là những thập giá cuộc đời sao? Tuy nhiên chỉ khi nào chúng ta chấp nhận sự thật đó, coi thập giá cuộc đời như bạn đồng hành, đón nhận và ấp yêu như là thánh giá Chúa Kitô, tìm cách chiến đấu với nghịch cảnh cuộc đời, lúc đó chúng ta mới đủ khả năng và sức mạnh để dễ dàng chấp nhận, vui lòng đón nhận, khao khát vì được vinh dự tham dự vào con đường tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Thập giá luôn gắn liền với đời sống con người nhưng một điều tiên quyết là chúng ta không dừng lại ở đó: thập giá của đời mình cần phải đối xử như là thánh giá Chúa. Cuộc đời mỗi người đều có rất nhiều thập giá và chúng ta phải tìm cách vượt qua, nói đúng ra là vác lấy thập giá cuộc đời và thánh hóa chúng theo như ý Chúa muốn. Có thể nói rằng cơn cám dỗ thường xuyên đối với chúng ta là tìm kiếm một Đức Giêsu không thập giá, muốn một thứ “Kitô Giáo” dễ dãi và hợp thời hơn, là khát khao một thứ “Tin Mừng” không nhuốm nước mắt. Nếu ta cố tìm một Đức Giêsu không thập giá, ta sẽ gặp thập giá mà không có Đức Giêsu (x. Thánh Giá và Đời Tu – http://daminhvn.net/doi-song-thanh-hien/thanh-gia-va-doi-tu-10818.html). Kinh nghiệm này không phải của chúng ta nhưng từ rất nhiều thế kỷ trước đây đã được Thomas Kempis tổng hợp và ghi lại trong sách Gương Phúc rằng:

“- Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác thánh giá với Người.

– Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người.

– Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người.

– Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người.

– Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ muốn uống chén đắng với Người.

– Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người”.

Đúng vậy, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta, những người môn đệ thực thụ và chân chính của Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34) và “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10, 38). Cuộc đời mỗi Kitô hữu chúng ta muốn sống trọn tư cách người môn đệ là phải vậy: người môn đệ Đức Kitô không có chọn lựa nào khác ngoài điều kiện Đức Giêsu đưa ra. Sống đời Kitô hữu đích thực là bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá, chấp nhận đau khổ vì Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Không ai được phép từ chối thập giá vì đây là căn tính của Kitô hữu, là yếu tố nền tảng, là khả năng hạ mình để chấp nhận trở nên ngu dại trước mặt người đời vì ơn cứu độ của mình và nhân loại. Thập giá mà mỗi chúng ta phải vác mỗi ngày chính là bổn phận phải chu toàn, là từ bỏ những thứ không cần thiết trên hành trình tin Chúa, là từ bỏ ý riêng… để sống vai trò chứng nhân của người môn đệ và phục vụ mọi người trong yêu thương.  

Đối với thánh tông đồ Phaolô, thập giá là niềm vui, sự hãnh diện, là báu vật trên hết, ngài cảm thấy vui sướng được khổ vì Chúa Kitô. Những câu Kinh thánh sau đây sẽ cho chúng ta thấy tinh thần sống của vị tông đồ dân ngoại mạnh mẽ như thế nào:

– “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2, 2).

– “Tôi mang trong thân mình tôi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10).

– “Tôi thông phần vào sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Người, để làm sao đạt tới ơn Phục Sinh từ cõi chết” (Pl 3,10-11).

Như vậy, thập giá cuộc đời của mỗi người vẫn còn đó: dù bạn là ai, ở bậc sống nào hay thi hành sứ mạng nào thì cũng không thể tránh né những thập giá đi kèm. Với sứ điệp Tin mừng hôm nay (Lc 14, 25-33), mỗi Kitô hữu chúng ta tha thiết cầu xin ơn Chúa để có thêm xác tín rằng tất cả những khó khăn hồn xác của chúng ta không phải là nỗi khổ, thử thách, gánh nặng hay nhục nhã nhưng đó là quà tặng hồng phúc, là yếu tố cần có trong việc xây dựng và hoàn thiện cuộc đời mình. Bao lâu chúng ta chưa khám phá giá trị của những đau khổ thử thách và bao lâu chúng ta chưa có kinh nghiệm hay sức mạnh của ơn thánh để chiến thắng thì chúng ta chưa vui lòng đón nhận tất cả những gì mình gặp phải và như vậy không thể vác thập giá đời mình để đi theo Chúa một cách đúng nghĩa được.

Ước gì…!!!.

 

Mai Thi

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Tư, Tuần I, Thường niên (Mc 1,29-39) Cầu nguyện và làm việc Chúa chọn cả hai

Thứ Tư, Tuần I, Thường niên (Mc 1,29-39) Cầu Nguyện Và Làm Việc Chúa Chọn Cả Hai Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Với nhịp sống hối hả...

Thứ 3 Tuần I TN – Mc 1,21-28 Đức Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền

Đông Kỳ. PV Sau khi chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả ở sông Jordan, Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai rao...

Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, Mc 6,45-52: “Chính Thầy đây, đừng sợ!”

    „CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!“  (Mc 6,45-52) Lam Châu, Phước Lý Phải chân nhận rằng, trong cuộc đời, chúng ta sợ nhiều thứ: sợ đói, sợ cô...

Thứ 2, ngày VI Tuần BNGS, Lc 2,36-40: Nói về Chúa cho mọi người

    NÓI VỀ CHÚA CHO MỌI NGƯỜI Thứ 2, Ngày VI Tuần Bát Nhật Giáng Sinh (Lc 2,36-40) Lam Châu, Phước Lý Trong tất cả các trình thuật về...

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử đạo Tiên khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60)

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60) Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôn qua, chúng ta đã long trọng mừng kính...

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...