VAI TRÒ TRUNG GIAN CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ
(Bài Suy Niệm Thứ 6 tuần IV Ps)
Trong lá thư mục vụ viết cho Timôthê, thánh Phaolô đưa ra lời khuyên dành cho người đồ đệ yêu quí của mình, đồng thời kêu gọi mọi người chuyên cần cầu nguyện với Thiên Chúa, với Đức Giêsu Kitô. Thánh Tông Đồ nhắc nhở mọi người về niềm tin căn bản rằng: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (x. 1Tm 2, 5-6).
Cùng một nội dung thần học như vậy, khi thánh Phaolô viết thư cho giáo đoàn Corintô, một lần nữa ngài cũng xác quyết và quảng diễn rõ hơn: “chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1Cr 8, 6).
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ trần gian, vừa là Thiên Chúa vừa là con người đích thật. Biến cố nhập thể của Người đã chứng minh rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta hết mức và yêu chúng ta đến tận cùng thời gian. Người là Ađam mới chấp nhận thân phận và kiếp sống của con người để đền bù sự bất tuân của Adam cũ và tội lỗi của tất cả chúng ta. Con đường thập giá mà Đức Giêsu đã chọn như một minh chứng rõ ràng, cụ thể về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành tất cả cho nhân loại: Vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Đức Giêsu Kitô sẵn sàng hy sinh mạng sống.
Khi hiến trao mạng sống cho con người, Đức Giêsu đã trả lại cho chúng ta địa vị làm con Chúa, địa vị mà chúng ta nhận được trước khi tổ tông phạm tội. Mạc khải Kinh Thánh xác nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng cứu độ duy nhất và cũng là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Nhưng để “qua Thầy”, cần ơn của Cha lôi kéo: “Không ai đến được với Ta mà không được Cha lôi kéo” (Ga 6, 44).
Từ hai câu Kinh Thánh trên đây chúng ta thấy rằng để đến được với Đức Giêsu là do ơn của Cha lôi kéo và để đến được với Cha cần qua trung gian của Đức Giêsu. Đó vừa là điều kiện vừa là cách diễn tả và mạc khải quí báu để chúng ta phần nào biết về mầu nhiệm Thiên Chúa.
Khi Đức Giêsu khẳng định: Ta và Cha Ta là một (Ga 10, 30) hay “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha” (Ga 10, 38) là Người muốn nói đến mối liên hệ hợp nhất và khắng khít giữa Người với Cha. Đức Giêsu là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là hiện thân của Chúa Cha, là trung gian duy nhất giữa con người và Thiên Chúa: “chưa bao giờ có ai thấy Thiên Chúa; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18; x. Mt 11, 27). Với Đấng Emmanuel, Người Con duy nhất của Thiên Chúa, mọi mạc khải được chấm dứt và hoàn tất. Đức Kitô là Đấng Cứu chuộc thế giới, là Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, và dưới gầm trời này không có một danh nào khác để chúng ta kêu cứu (x. Tông thư Ngàn năm thứ ba số 4; Cv 4, 12).
Nói về sứ mạng trung gian của Ngôi Lời đến trần gian, chính Đức Giêsu cho biết khi chính Người xác nhận: “Những gì Người nghe được nơi Cha, Người sẽ nói lại cho chúng ta” và “người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5, 19; 14, 10; 17, 8). Nhiều người cho rằng Đạo công giáo là đạo đa thần vì chẳng hiểu tại sao tín đồ của họ lại thờ 1 người mà họ lại gọi là Chúa, đã Chúa mà lại còn là người, rồi Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần…. Người công giáo tuyên xưng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,11), “Người là Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) và chúng ta thờ phượng Người: “Lạy Chúa của con và lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Khi chúng ta nói: “Tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất” là chúng ta tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con, và Thánh Thần chứ không tin vào ba Chúa (x. GLHTCG số 233).
Tóm lại:
Đức Giêsu Kitô đã tự do dâng hiến mình cho Chúa Cha để chu toàn ý định cứu độ. Người đã trao ban sự sống “làm giá chuộc cho nhiều người”(Mc 10,45). Nhờ vai trò trung gian duy nhất và là Đấng cứu độ duy nhất, Người giao hòa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa.
Với biến cố tử nạn và phục sinh, Đức Giêsu bảo đảm phần rỗi đời đời cho chúng ta miễn là….. Người đi dọn chỗ cho chúng ta vì “trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở” (Ga 14, 2), sau đó Người sẽ trở lại đón chúng ta vào nơi cư trú trong nhà của Cha (x. Ga 14, 3).
Đức Giêsu Kitô là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, Người là Đấng cứu độ trần gian. Mọi việc Người làm đều nhân danh Cha Người (x. Ga 10, 25). Phần chúng ta hãy đặt trọn vẹn niềm tin vào “Thiên Chúa và tin vào Thầy”.
Mai Thi