Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

VÌ SỰ SỐNG THA NHÂN- TUẦN XXIII-thứ Hai – Vp. Duyên Thập Tự

TN-157-TUẦN XXIII-thứ Hai

VÌ SỰ SỐNG THA NHÂN

(Cl 1,24-2,3 / Lc 6,6-11)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Một yếu tố quan trọng nhất, đó là sự sống. Đây không phải chỉ là một yếu tố quan trọng nhất mà còn là một yếu tố quyết định bao trùm lên tất cả: nếu không có sự sống, con người cũng như các sinh vật khác, và cả thực vật, đều không thể tiếp tục hiện hữu. Nếu có sự sống thực vật, thể lý, thì cũng có những sự sống ở cấp độ cao hơn dành riêng cho con người. Để sự sống được phát triển, cần có sự trợ giúp của người khác, vì bản thân khó có thể tự cứu giúp mình được. Chính vì sự sống của tha nhân mà có những người sẵn sàng hy sinh và chấp nhận những gian truân vất vả.

Hai bài đọc Lời Chúa hôm nay – Tin Mừng theo thánh Lu-ca chương 6 từ câu 6 đến 11 và thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Cô-lô-xê chương 1 từ câu 24 đến chương 2 câu 3 – gợi cho tôi một số điều kiện để có thể hành động “VÌ SỰ SỐNG THA NHÂN”

 1. QUAN TÂM TẬN TÌNH

Điều tôi nhận ra đầu tiên, đó là sự quan tâm. Để có thể giúp người khác được sống tốt hơn, cần phải có sự quan tâm, nghĩa là đưa trái tim, tình yêu của mình liên quan đến người mình trợ giúp. Sự quan tâm đó phải được diễn tả ra bên ngoài, dù rằng nó phát xuất từ tâm hồn con người.

Trong bài Tin Mừng, thánh sử Lu-ca thuật lại sự kiện một hôm Chúa vào một hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị bại tay phải. Chúa đã nhìn thấy anh. Đồng thời Chúa cũng khám phá ra một sự việc khác, đó là các kinh sư đang rình xem Người có chữa lành người này không vào ngày sa-bát để tìm thấy cớ tố cáo Người. Điều ưu tiên của Chúa là chữa lành anh. Chúa quan tâm đến tình trạng của anh.

Sự quan tâm của Chúa được diễn tả qua việc Chúa mời anh đứng ra giữa cộng đoàn: “Anh chỗi dậy, ra đứng giữa đây!”. Đứng giữa cộng đoàn để mọi người thấy anh, thấy cánh tay phải bị liệt của anh. Thấy để quan tâm. Cũng để cho những người đang rình với ý đồ xấu, cũng biết đổi thay tâm trạng mà nhìn thấy con người đáng thương kia, hơn là chú tâm đến ý đồ đen tối của mình. Chúa quan tâm và Chúa muốn những người hiện diện cũng biết quan tâm.

Sự quan tâm của Chúa được diễn tả thêm một bước nữa bằng cách đặt câu hỏi về ý nghĩa ngày sa-bát “được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu sống người hay huỷ diệt”. Đặt câu hỏi như vậy, để mọi người dồn tâm trí vào hiện tại, vào điều lành, vào việc cứu sống người đang đứng ở đây. Đây là câu hỏi về nguyên tắc, nhưng là nguyên tắc ảnh hưởng trực tiếp đến thực tế. Nghĩa là cần cứu sống con người này. Biết ý nghĩa của một khoản luật – như luật ngày sa-bát – để hiểu được mối quan tâm của chính người thiết lập luật đó. Vậy, ai là người đã thiết lập luật ngày sa-bát? Chính là Thiên Chúa trao qua trung gian ông Mô-sê. Ngày sa-bát được lập nên là để cứu sống, để làm việc lành. Cánh tay phải bị liệt là cánh tay chết. Một chi thể chết ảnh hưởng lớn đến sự sống của toàn thân. Cứu sống cánh tay cũng là cứu sống thân thể người này.

Và cuối cùng, sự quan tâm của Chúa không chỉ dừng nơi lời nói – dù đã rất đẹp rồi – mà bằng hành động chữa lành anh: “Anh giơ tay ra”. Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường.

Trong trích thư Cô-lô-xê, thánh Phao-lô đã nói lên mối quan tâm của chính Thiên Chúa khi trao cho ngài sứ vụ là “rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được tỏ cho dân thánh của Thiên Chúa. Người muốn cho họ biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa dân ngoại: đó chính là Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt vinh quang. Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô”. Sự quan tâm của Thiên Chúa là muốn cho mọi người nhận biết Chúa Ki-tô và Chúa Ki-tô đang ở giữa, đang hiện diện. Đây chính là mầu nhiệm của sự sống. Chúa Giê-su Ki-tô là sự sống. Vì thế, thánh Phao-lô chuyên tâm rao giảng cho dân ngoại và tìm mọi cách để các anh chị em Ki-tô hữu ngày càng nên hoàn thiện trong Chúa Ki-tô, nghĩa là sự sống của Chúa ngày càng dồi dào nơi họ. Quan tâm đến sự sống của Chúa Ki-tô nơi họ là để họ được ơn cứu độ, được sự sống đời đời.

Sống với nhau, chúng ta cần lắm sự quan tâm đến nhau, không những giữa các Ki-tô hữu mà còn mọi người, nhất là những người sống chung quanh mình. Quan tâm đến sự sống thể lý và tâm linh của họ, để trợ giúp họ được có một cuộc sống tốt đẹp hơn về nhiều phương diện, nhất là sự sống linh hồn, sự sống đời đời, ơn cứu độ. Để có thể đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần vượt thắng những chướng ngại và nhất là chấp nhận mọi vất vả gian nan.

 2. VƯỢT THẮNG NHỮNG CHƯỚNG NGẠI

Chúng ta trở lại với câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành người có cánh tay phải bị bại liệt. Để có thể chữa lành cánh tay của anh, Chúa phải vượt qua một số chướng ngại.

– Chướng ngại thứ nhất là chính lề luật về ngày sa-bát. Người ta dễ có quan niệm về ngày sa-bát với thứ mệnh lệnh “CẤM”: cấm làm việc này, việc kia, cấm đi một khoảng cách thế nào… Người ta dừng lại nơi việc cấm mà không hiểu ý nghĩa của khoản luật là “MỞ” ra cho sự sống. Khi Chúa hỏi họ về mục đích ngày sa-bát, Chúa vượt qua và mời gọi họ vượt qua thứ “chữ viết giết chết” để tiến tới chỗ “tinh thần làm cho sống”. Đây là một chướng ngại không phải nhỏ đâu, vì dài dài trong đời Chúa, vẫn có những người Pha-ri-siêu và kinh sư “rình” để lên án Chúa về việc vi phạm ngày sa-bát.

Để giúp người khác sống, chúng ta cũng phải vượt qua chướng ngại này, chướng ngại của thứ lề luật bên ngoài dựa trên chữ viết. Không phải là chính lề luật hay khoản luật, mà là những diễn giải đặt nền trên truyền thống của con người mà gạt bỏ lòng nhân nghĩa và ý định của Thiên Chúa. Đây thật sự là một cuộc chiến. Nhiều khi chúng ta không đủ yêu thương để có thể vượt qua những cách cắt nghĩa hạn hẹp. Nhiều khi chúng ta sợ mang tiếng vi phạm luật mà không dám hành đông vì lợi ích tha nhân, vì sự sống tha nhân. Chúng ta dễ tìm “giải pháp an toàn” cho bản thân bằng cách “không dính dáng, không liên quan”, ngoài cuộc!

– Chướng ngại thứ hai ở nơi con người. Trong câu chuyện Chúa chữa lành, Chúa phải vượt qua ý đồ xấu xa của những kinh sư. Họ rình để tìm cớ tố cáo Người vi phạm Luật Mô-sê. Lòng dạ xấu xa, ý đồ đen tối và hành động mờ ám nhưng lại đội lốt “đạo đức”, nghĩa là giữ gìn lề luật, giữ gìn “kỷ cương”. Những kinh sư là những thầy dạy và được dân chúng kính trọng. Đụng vào họ là có vấn đề. Để họ đụng vào cũng không thể yên thân. Đây thật là một chướng ngại. Nhưng Chúa vượt thắng lòng dạ hẹp hòi của những kinh sư, Người chữa lành cho người bị liệt tay phải. Người chấp nhận trả giá cho hành động của mình, vì Người biết đó là một việc lành, việc cứu sống, việc phải làm. Chúng ta đọc câu cuối cùng của trình thuật trong trích đoạn Tin Mừng: “Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không”.

Trong việc giúp người khác sống, hành động vì sự sống tha nhân, không phải lúc nào cũng xuôi thuận. Không phải vì đó là một việc lành, việc tốt, mà không có người chống đối. Đừng ảo tưởng mọi người đồng thuận với bạn khi bạn muốn và thực hiện một việc tốt lành, vì sự sống tha nhân. Vẫn có đó những người có thâm ý, có ý đồ xấu, để ám hại người thực hiện công việc vì sự sống tha nhân. Nếu sợ an nguy bản thân, sẽ rút lui và bỏ cuộc. Đây là phương án dễ nhất. Nhưng đó lại không phải là cách thức của người môn đệ Chúa. Người môn đệ Chúa, như Chúa, dám chấp nhận mọi hậu quả khi chọn lựa và hành động vì sự sống tha nhân.

Nhưng người môn đệ Chúa, không chỉ cố gắng vượt thắng các chướng ngại, mà còn và nhất là, chấp nhận mọi vất vả gian nan.

 3. CHẤP NHẬN VẤT VẢ GIAN NAN

Chúng ta trở lại với những dòng chữ mà thánh Phao-lô viết trong trích đoạn thư gửi giáo đoàn Cô-lô-xê. Thánh nhân đã nói đến việc ngài rao giảng mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, mầu nhiệm của sự sống. Đó là niềm vinh dự cho ngài nhưng đồng thời đó cũng là một công cuộc đòi hỏi rất nhiều hy sinh. Ngài viết: “Thưa anh em, giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh…” Ngài viết thêm khi nói về việc giúp anh chị em Ki-tô hữu nên hoàn thiện trong Chúa Ki-tô: “Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi.”

Qua những dòng chữ này, chúng ta như thấy được sức mạnh tình yêu của thánh Phao-lô trong công cuộc ngài thực hiện vì lợi ích cho các anh chị em Cô-lô-xê. Đó là tình yêu lớn lao ngài dành cho họ, vì sự sống của họ. Với tình yêu, những gian nan vất vả kia trở thành những giá trị lớn cho sự sống, vì những hy sinh “hao tổn sự sống” bản thân của thánh nhân đã làm cho sự sống tăng triển nơi các Ki-tô hữu.

Hai bài Lời Chúa hôm nay mở cho chúng ta nhận ra giá trị của việc vun trồng sự sống cho tha nhân, sự sống thể lý và nhất là sự sống đời đời. Đối với chúng ta là Ki-tô hữu, mỗi chúng ta đều nhận được sứ vụ giúp đỡ anh chị em mình, tha nhân, lớn lên trong sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đang ở giữa chúng ta.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...