VỊ TRÍ CỦA ĐẤNG CỨU THẾ TRONG ĐỜI TÔI
(Bài Suy niệm Thứ 4 tuần III MV)
Đoạn Kinh Thánh Chúa Giêsu công bố trong hội đường Nazaret (Lc 4, 18-19) được trích từ sách ngôn sứ Isaia (Is 61, 1-2). Những lời đó đã được áp dụng vào chính mình khi Đức Giêsu thực sự trở nên phàm nhân, sống như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Sứ mạng của Đấng Cứu Thế đến trần gian để giải phóng con người khỏi những vướng mắc, chữa lành bệnh tật, giải thoát và cứu vớt… để nhân loại được hạnh phúc và nhận lại ơn cứu độ đã bị mất do tội lỗi gây ra. Qua những can thiệp của Chúa vào cuộc đời từng người, cũng là câu trả lời gián tiếp của Chúa Giêsu cho các môn đệ Gioan Tẩy Giả khi ông sai họ đến hỏi Đức Giêsu như trình thuật Tin mừng hôm nay (Lc 7, 19-23).
Sau hai phép lạ ngoạn mục được Đức Giêsu thực hiện để chữa lành bệnh hiểm nghèo cho người nô lệ của viên đại đội trưởng và cho con trai bà góa thành Nain sống lại (Lc 7, 1-17); đồng thời có sự mâu thuẫn nảy sinh giữa nhiều thành phần chung quanh nhân vật mang tên Giêsu, nên ông Gioan (lúc đó đang ngồi tù) quyết định sai các môn đệ đến với Đức Giêsu để xác minh “thân thế và sự nghiệp” của Người: “Thầy có thật là Đấng phải đến không hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác” (Lc 7, 19).
Mặc dù Gioan là kẻ dọn đường, đóng vai trò chuẩn bị, công bố và làm chứng về Đấng Cứu Thế nhưng khi bản thân bị giam tù và nghe được những đánh giá khác nhau từ phía các tầng lớp tôn giáo và xã hội về Đấng ông công bố là “Đấng phải đến” thì ông lại phân vân, đến nỗi phải gởi các môn đệ thẩm vấn Đức Giêsu để xác minh lại. Đấng Cứu Thế đến trần gian quá âm thầm, bình dị và “lu mờ” đến mức khó có thể tưởng tượng được, chính vì vậy chỉ có các mục đồng, những kẻ có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn…. mới nhận ra Đấng Emmanuel chính là Đức Giêsu Kitô. Thánh sử Gioan trong phần Tự Ngôn sách Tin mừng thứ 4 đã viết: “Người (Đức Giêsu) ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người” (Ga 1, 10) và “Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chẳng chịu đón tiếp” (Ga 1, 11). “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, vậy mà ít có ai nhận ra, chấp nhận hay tin phục. Trong thời điểm này chính Gioan Tẩy Giả cũng bị phân vân về sứ mạng của Đấng đến sau ông.
Khi các môn đệ của Gioan đến hỏi Chúa Giêsu, Người không trả lời trực tiếp cho họ nhưng bảo họ rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7, 22- 23). Ai có thể làm những điều phi thường đó nếu không phải là Đấng được Thiên Chúa sai đến? Và tất cả những điều môn đệ ông Gioan sẽ nói lại được áp dụng từng chữ nơi Đức Giêsu, như lời loan báo của ngôn sứ Isaia về Đấng Cứu Thế.
Cũng như Gioan Tẩy Giả hay thánh Gioan Thánh Giá mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay, vị thánh lúc thực hiện kế hoạch tốt nhất của Thiên Chúa đã bị chính anh em trong dòng kết án, cuộc đời chúng ta cũng vậy. Đã không ít lần chúng ta cũng bị chao đảo mỗi khi đối diện với đau khổ thử thách…. để nhóm lên trong lòng nỗi hoài nghi hay đặt nhiều câu hỏi trách Chúa chứ không “phản tỉnh” chính mình: “liệu Chúa có phải là Đấng phải đến với cuộc đời tôi ở đây và lúc này không? Đâu là ý Thiên Chúa? Tại sao và tại sao…
Trong những ngày chúng ta đang tiến gần đến lễ Giáng Sinh, mối tương quan của chúng ta với Đức Giêsu càng phải được xác định gấp rút, rõ ràng và nghiêm túc hơn nữa. Lời loan báo của Gioan Tẩy Giả, vai trò của đức tin và lòng cậy trông sẽ là những yếu tố cần và đủ giúp chúng ta gia tăng lòng mến Chúa, để cuối cùng sẽ nhận được lời hứa của chính Chúa Giêsu: “Phúc cho người không vấp ngã vì Ta” (Mt 11, 6).
Mai Thi