Vụ án Đức Giêsu là vụ án chính trị hay tôn giáo?
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.
Dẫn nhập
Goethe đã nói: “Cái Thập tự u sầu trên Canve là điều ghê tởm nhất dưới ánh mặt trời.”[1] Vậy mà chính Đức Giêsu đã chịu chết trên Thập tự. Đây là một biến cố lịch sử, người ta có thể truy tầm niên đại cũng như diễn tiến vụ việc này. Mặt khác, đây còn là biến cố siêu lịch sử vì người ta chỉ có thể hiểu và lãnh hội được nhờ ánh sáng đức tin.
Hành hình trên Thập giá là một thông lệ có nguồn gốc ở Á châu, được các nhà cai trị Hasmoneus Do Thái và người La Mã áp dụng, bắt chước các dân tộc sống ở phía đông địa Trung hải. Hành hình trên Thập giá là cách hành quyết mang tính chất làm nhục, để chết dần chết mòn[2]. Đức Giêsu đã làm gì để phải chịu một bản án tử giữ dằn như vậy? Vì lý do gì? Ai sẽ chịu trách nhiệm về vụ án Đức Giêsu? Trong phạm vi bài viết này, chúng ta dựa vào các sách Tin Mừng và một số sử liệu nhằm xem xét vụ án Đức Giêsu là vụ án tôn giáo hay chính trị.
I. Tổng quan bối cảnh chính trị, xã hội, tôn giáo Israel thời Đức Giêsu
- Bối cảnh chính trị [3]
Từ trước thời Đức Giêsu rất lâu người Do Thái đã ở trong sự kìm kẹp của đế quốc Rôma. Thảm cảnh khởi đi từ khi Pompay vị tổng trấn Rôma dùng con triền của Rôma vào thời Hyrcanus II (63-40 BC). Từ đây người Do Thái bị thu hẹp quyền kiểm soát trên lãnh thổ và ngay cả trên sinh mạng mình. Tất cả những người cai trị dân Do Thái, dù là ông vua bù nhìn như Hêrôđê (40-4 BC), hay những quan tổng trấn P. Philato chỉ là những tay sai những công cụ của đế quốc Rôma không hề suy giảm trong thời Đức Giêsu .
Chính vì thế đã có nhiều cuộc nổi dậy, người Do Thái không biết đến hoà bình, không có an ninh. Theo sử gia Josephus thì một người “đại diện” rất mới, là “La mã thái thú” Copinis, ông đưa ra một hệ thống tôn giáo mới với một đạo luật dồn ép sức mạnh người Do Thái vào một tình trạng nguy kịch. Ong ra lệnh điều tra dân số và định mức thuế trên tài sản của người Do Thái hầu có thể cống nộp sao cho thật chính xác.
Năm 26, P. Philatô làm tổng trấn ông đặt Caipha làm Thượng tế; chức vị của họ mong manh như sợi tơ trước những cuộc bạo động. Theo sử gia Josephus: chìa khoá làm ông lãnh đạo thành công là thui chột mọi hướng cách mạng ngay khi chúng còn trong trứng nước bằng việc tạo nên sự mập mờ giữa sự bất đồng chính trị và tôn giáo. Sự bất đồng không có động cơ thúc đẩy, không tụ tập gào thét đó là mục tiêu của ông.
Trong bối cảnh đó, hiển nhiên người ta dễ hiểu tại sao lúc đó dân Do Thái nôn nóng chờ mong một sự thay đổi tận gốc. Lòng dạ ai ai cũng nao nức hy vọng Đấng Mêsia sẽ đến. Họ trông một Đavít mới sẽ xuất hiện để tái lập Israel trong cảnh huy hoàng ngày xưa[4]. Bối cảnh chính trị và xã hội như thế, chắc chắn có ảnh hưởng quan trọng trong vụ án Đức Giêsu.
- Bối cảnh tôn giáo [5]
Có nhiều nhóm tôn giáo vào thời Đức Giêsu: nhóm quý tộc bảo thủ và tư tế đi sát với Đền Thờ, hướng dẫn phái Sadducéo: không tin có sự sống lại (x. Mt 23,23), chủ trương khoan nhã đối với kẻ xâm lăng “Phái này họp thành một đảng chính trị hơn là một tôn giáo, mặc dù các tư tế ủng hộ nhất. Nhưng chính trị và tôn giáo không có gì là phân minh trước con mắt của họ”[6]. Trái lại, phái Nhiệt Thành chỉ mong giải phóng xứ sở bằng võ lực.
Phái Esséni mà theo một số người thì Kitô giáo phát xuất từ đó, phái này rút vào hoang địa để sống và đợi ngày Giavê sắp sửa đến
Sau cùng phần đông dân chúng, trong đó phái Pharisêu (Biệt Phái)[7] được kính nể nhờ lòng đạo đức của họ. Theo sử gia Joseph, Biệt phái trổi hơn các người Do Thái khác về việc tuân giữ kĩ càng tục lệ của tổ tiên. Họ lưu truyền cho dân một số tập tục do truyền thống cha ông để lại, nhưng không được ghi trong Luật Môsê. Vì thế, họ tìm cách giải thích những tình huống vụn vặt, có khuynh hướng lấy điều phụ làm điều chính; cho nghi lễ một vẻ quan trọng quá mức, quá đề cao việc tuân giữ tục lệ đôi khi đưa đến lạm dụng lố lăng.
Đối với người Do Thái, tuân giữ Luật Torah, bất kể là luật luân lý, phụng tự hay dân sự đều có giá trị ngang nhau. Tình trạng ấy càng trầm trọng hơn khi người ta thêm vào bộ Luật rất nhiều luật và truyền thống các bậc tiền bối và cũng đòi phải tuân giữ một cách tuyệt đối [8].
Đavít Flussen viết: “Không chấp nhận tất cả những điều người ta dạy và nghĩ trong Do Thái giáo thời đó, Đức Giêsu, nếu không là Biệt phái theo môn phái của Hillel là môn phái yêu mến Thiên Chúa hơn là sợ hãi Ngài. Nhưng Đức Giêsu đã đi xa hơn con đường môn phái đó chuẩn bị. Chỉ một mình Ngài rao giảng một tình yêu vô điều kiện, nhất là yêu kẻ thù, và yêu tha nhân bất luận họ là ai”[9].
II. Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa
- Quan niệm Nước Thiên Chúa
Lịch sử Israel họ tha thiết mong đợi một nhân vật sẽ đến Đấng ấy có một ý nghĩa vô cùng lớn lao cho mọi dân tộc (x. St 49,10) và sẽ hành động như Ngôn sứ Môsê để truyền lại những lời của Chúa, sẽ giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ (x. Đnl 18,18).
Thật ra, từ nhiều thế kỷ, các Ngôn sứ đã cảnh giác lối giải thích về Nước Thiên Chúa sẽ đến trinh phục, chiến thắng, măc dù đề phòng như thế mà nhiều người vẫn không chịu hiểu. Nhiều người Do Thái thời Đức Giêsu cũng hiểu Nước Thiên Chúa sẽ đến như một sự phục thù trên các quốc gia, như một sự thống trị toàn diện của Israel, vì Israel biết vâng phục Giavê. Việc đó xảy ra không phải mơ hồ, vì Thiên Chúa là chủ tể tuyệt đối trời và đất và Đấng cứu tinh có quyền làm phép lạ [10].
Hơn nữa, dân Do Thái có một quan niệm thần quyền, vì thế không có phân biệt giữa đạo và đời, nên tự nhiên tiếng “Nước Thiên Chúa Chúa” hay “Thiên Chúa là Vua” là chỉ về triều đại của Thiên Chúa, quyền làm Vua của Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu nói về Nước Thiên Chúa thì họ nghĩ ngay Nước Thiên Chúa như một cái gì sẽ phải đến thời sau cùng, khi hết thảy tất cả những viễn tượng cao cả nhất của loài người được thành toàn, và ý định của Thiên Chúa trên người ta được thực hiện[11].
Nhưng, Nước Thiên Chúa đối với một số người dân là phải lo cho cái bụng và chỉ cần có thế thôi[12]. Vì thế họ hiểu lầm và giải thích sai lầm việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh: Thấy phép lạ Ngài vừa làm, người ta nói: Hẳn Ngài là vị tiên tri, Đấng phải đến trong thế gian. Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt Ngài tôn làm vua thì Ngài rút luy lên núi một mình ( x. Ga 6, 14-15). Đối với họ tìm kiếm Nước Thiên Chúa là cậy trông vào một người có thể bảo đảm cho họ một đời sống ổn định (x. Ga 6, 25-26).
Ngay cả các môn đệ theo Đức Giêsu cũng có quan niệm Nước Thiên Chúa tương tự như dân Do Thái. Khi các ông xin được ngồi bên tả bên hữu trong Nước Thiên Chúa (x. Mt 20,21 ; Mc 10,37), khi Phêrô cản Đức Giêsu đừng lên Giêrusalem để chịu chết [13]. Vì thế khi Đức Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa thì dân chúng thực sự hi vọng một sự đổi đời theo ý họ.
- Giáo lý và những xung đột
Trong tư cách là một ngôn sứ Đức Giêsu bắt đầu rao giảng về Nước Thiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến, hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15 ; Lc 17,21). Nghĩa là Nước Thiên Chúa đã gần đến nơi, bây giờ bắt đầu thực hiện như Kinh Thánh đã báo trước. “Nước Thiên Chúa” tiếng Hylạp: Basileia có nghĩa đen về việc vua. Trước tiên nói đến việc làm “Vua”, tức là nói đến việc cai trị, chứ không nói đến cái chỗ, cái ranh giới… và như thế là nói đến triều đại mới. Triều đại của thần linh nay đã đến, cái thao túng của hư hỏng, cái triều đại của tội lỗi hư đốn thống trị, cái hư vong của người ta bắt đầu biến đi rồi và bây giờ là triều đại của Thiên Chúa làm vua trên dân Người và trên những ai thuộc về Người. Việc Thiên Chúa làm vua đưa đến việc cứu thoát, là ban ơn cứu thoát… vậy tiếng Thiên Chúa làm vua hay Thiên Chúa cứu thoát là như nhau[14].
Có thể nói toàn thể Tin Mừng chỉ nói đến việc Đức Giêsu rao giảng Nước Thiên Chúa: “Lời rao giảng này trở thành trung tâm cho lời và hoạt động của Đức Giêsu. Một ghi chú cần được nhấn mạnh: thuật ngữ Nước Thiên Chúa Reich Gottes xuất hiện trong Tân ước tất cả 122 lần, mà 99 lần nằm trong Phúc Âm nhất lãm; trong đó có 90 lần do chính miệng Đức Giêsu nói ra”[15]. Khi rao giảng Đức Giêsu cư xử như người tự do không bị trói buộc vào uy thế và truyền thống (x. Mt 6, 14 ; Mc 8,27). Là Thầy, Đức Giêsu bảo vệ dân nghèo và nói họ chiếm địa vị ưu tiên trong Nước Thiên Chúa: “Thần Khí ngự trên tôi vì đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…”(Lc 4,18). Ngài tôn trọng người phụ nữ (x. Mt 10,1tt), đề cao dân (x. Mt 8,10 ; Lc 10,37).
Hoạt động và lời rao giảng của Đức Giêsu là nguyên cớ gây ra những xung đột ngày càng gay gắt với giới lãnh đạo Do Thái giáo. Đức Giêsu đả phá nhiều tục lệ tôn giáo chính thức như sự thanh sạch và ô uế. Khi môn đệ Đức Giêsu ăn mà không rửa tay, liền bị người Pharisêu lên án là không theo truyền thống các bậc liên trưởng (lề luật truyền khẩu). Câu trả lời của Đức Giêsu là sự cáo buộc người Phaisêu là những kẻ đạo đức giả, gạt bỏ điều răn của Thiên mà duy trì truyền thống người phàm (x. Mc 7,6-8). Hơn nữa Đức Giêsu lập luật: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế… nhưng từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình… (x. Mc 7,15).
Nhiều câu chuyện xung đột tập trung vào vấn đề tuân giữ trong ngày Sabát. Vào ngày Sabát Đức Giêsu đi băng qua cánh đồng, các môn đệ bứt lúa ăn (x. Mc 2,23). Hành động bứt lúa này có thể hiểu là thu hoạch và thu hoạch là một việc làm mà trong ngày Sabát không được phép làm việc[16]. Đức Giêsu biện minh hành động của các môn đệ bằng cách viện dẫn câu chuyện Đavít, dưới thời Thượng tế Abiathan, vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến rồi còn cho cả thuộc hạ ăn. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế (x. Mc 2,25-25). Nếu như Đavít có thể làm như vậy thì Đức Giêsu, Đavít mới lại không thể làm điều tương tự hay sao? Hơn nữa, sự vi phạm luật trong ngày Sabát này có hai lý do biện minh khác: “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát, và “Con Người” làm chủ cả ngày Sabát” (Mc 2,27-28).
Việc Đức Giêsu chữa lành bệnh trong ngày Sabát (x. Mc 3,1-6), được biện minh bằng cách đặt vấn đề của Đức Giêsu: “Ngày Sabát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi”(Mc 3,4 ; Lc 6,9). Đức Giêsu nhấn mạnh tôn giáo đích thực không ở tại nghi thức và tính truyền thống (dù truyền thống quan trọng: x. Mc 12,37tt), nhưng tại công bằng, thương xót, nhân từ đối với tha nhân (như Is 1, 11-17).
Hoạt động quyết liệt của Đức Giêsu đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ[17] là âm mưu dẫn đến việc giết hại vị ngôn sứ Nazaret. Bởi lẽ: “Điều chắc chắn là trong thời hoạt động công khai, Đức Giêsu đã có những lời lẽ và thái độ gây chống đối về phía giai cấp quý tộc ở Giêrusalem mà thế lực và lợi tức tuỳ thuộc vào Đền Thờ”[18]. Thật vậy, Đức Giêsu đã lên án giới lãnh đạo Do Thái theo kiểu các Ngôn sứ:“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Is 65, 7; Gr 7,11; Lc 19,46). Nghe những lời ấy các Thượng tế và các Kinh sư càng thêm quyết tâm giết Đức Giêsu nhưng họ không biết phải thực hiện điều ấy như thế nào. Họ sợ dân chúng đang ngưỡng mộ Đức Giêsu có thể nổi loạn chống lại họ (x. Mc 11, 18; Lc 19, 47-48)[19].
Cả bốn Tin Mừng đều ghi lại hoạt động của Chúa Giêsu trong Đền Thờ (x. Mt 21,12-17 ; Mc 11, 15-19 ; Lc 19, 45-48 ; Ga 2, 13-22). Cuộc hỏi cung về phía giáo quyền Do Thái mà Đức Giêsu đã trải qua rõ ràng nhắc đến sự việc dữ dội này.
Bên cạnh đó, Đức Giêsu bị giới lãnh đạo Do Thái giáo nặng lời trách móc giao du với quân thu thuế và đồng bàn với phường tội lỗi (x. Lc 6, 36-50). Người Pharisiêu thừa biết Đức Giêsu ngồi ăn với người tội lỗi vì Ngài muốn mình là chứng nhân của Thiên Chúa, Đấng duy nhất có thể tha thứ và cho họ vào trong giao ước của Người. Lối xử sự này của Đức Giêsu bị coi là tội “phạm thượng”[20]: Vì trong luật Torah, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Vậy mà Đức Giêsu tha tội. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có khả năng yêu thương kẻ thù. Vậy mà Đức Giêsu yêu mến họ, tham vọng làm Thiên Chúa của Đức Giêsu đối với người Pharisêu thật khó chấp nhận”[21].
Các cuộc xung đột giữa Giêsu và giới lãnh đạo Do Thái ngày càng tăng, Đức Giêsu bị tố là người phá Luật lại dám xưng mình là Con Thiên Chúa thì làm sao tránh khỏi án tử đã định. Nhưng làm sao có thể thi hành được bản án khi Đức Giêsu có đầy uy quyền và dân chúng say mê theo Người?
III. Vụ án Đức Giêsu
- Phía tôn giáo Do Thái
Cả bốn sách Tin Mừng đều cho biết việc Đức Giêsu bị bắt không phải là điều ngẫu nhiên, tất cả đều có tính toán xếp đặt. Theo thánh sử Máccô (14,1-2) và Luca (22,1-2), hai ngày trước lễ Vượt Qua, các thượng tế kinh sư tính kế bắt Người và giết đi. Thánh Mátthêu còn cho biết là các thượng tế và kì mục đã họp nhau tại nhà thượng tế Caipha; còn theo thánh sử Gioan (11,47), các thượng tế và người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng dưới quyền chủ toạ của Caipha[22].
Quyết định căn bản cho cuộc xử án chống lai Đức Giêsu do buổi họp của Công nghị (Sanhedrin/synedrium). Cuộc xét xử được diễn ra sau khi Đức Giêsu bị bắt tại vườn Giếtsêmani, Giuda Itcariốt một trong những môn đệ đã hợp đồng với các tư tế để phản bội Đức Giêsu (x. Lc 22,3-6 ; Mt 26,14-16 ; Mc 14,10-11). Giuđa tiến đến với một toán cảnh vệ Đền Thờ và có lẽ có vài binh sĩ Rôma nữa. Thánh sử Matthêu nói đến các gia nhân vị thượng tế và các kì lão trong dân (x. Mt 26,47), Luca nói đến các thầy thượng phẩm, các trưởng vệ binh Đền Thờ và các bô lão (x. Lc 22,52), còn thánh Gioan nói đến các Biệt phái và tiểu đội lính với vị chỉ huy (x. Ga18.3). Họ dẫn Ngài đến nhà thượng tế Caipha, ở đấy đã tập trung những thành phần của Thượng Hội Đồng Do Thái. Thượng Hội Đồng không có quyền kết án tử. Tuy nhiên các thành viên tuyên bố Đức Giêsu đáng tội chết, và họ giải Ngài đến tổng trấn Rôma[23].
Theo thánh sử Gioan, thầy Thượng tế và nhóm Pharisêu – hai nhóm lãnh đạo kình chống nhau của Do Thái giáo vào thời Đức Giêsu đã họp chung với nhau. Họ có cùng một lo sợ: “Người Rôma sẽ đến hủy diệt dân tộc chúng ta và “nơi thánh” (tức Đền Thờ nơi thờ phượng Thiên Chúa). Theo nghĩa này, quyết định giết Đức Giêsu, có hai ý kiến chồng chéo lên nhau: một mặt là âu lo chính đáng để bảo vệ Đên Thờ và dân tộc, mặt khác đòi hỏi quyền lực của nhóm thống trị”[24].
Còn theo thánh sử Mátthêu và Máccô đều cho biết, trước khi đưa ra những điều tố cáo Đức Giêsu, họ không tìm được những bằng chứng nào có tính xác thực. Chứng cớ mà họ muốn tìm ra là làm thế nào để có thể lên án tử cho Người (x. Mt 26,59 ; Mc 14,55). Chính vì thế mà họ đã gặp phải sự rắc rối khi tìm các lời chứng minh bạch.
Sự việc kéo dài mài cho tới khi vị Thượng tế nhân danh Thiên Chúa hỏi Đức Giêsu : “Ông có phải là Con Thiên Chúa không?”. Theo Mátthêu, Đức Giêsu đáp lại: “Chính ngài vừa nói” (Mt 26,46). Còn Luca thuật lời của Đức Giêsu: “Chính tôi đây” (Lc 14,62). Nghe Đức Giêsu trả lời như vậy họ không cần phải tìm chứng cớ gì nữa mà quy tội cho Ngài và kết án ngay tức khắc: “Hắn nói phạm thượng! Hắn đáng chết” (Mt 26, 65-66).
Theo Norbeto: “Truyền thống Kitô giáo từ thời đầu đã giản lược cuộc xung đột giữa Đức Giêsu và người Do Thái vào cuộc tranh luận về nguồn gốc của Người. Người đã muốn tự cho mình là Mêsia và là Con Thiên Chúa, nên người Do Thái đã tuyên án tử hình”[25]. Tuy nhiên, vì không có quyền lên án tử Đức Giêsu nên họ phải nại đến Rôma. Chính vì thế người Do Thái ra sức tạo áp lực đòi Philatô thi hành án tử Đức Giêsu: “Đại tư tế đã cho Đức Giêsu nói phạm thượng, đồng thời đã xin xử tử. Họ phải đem sang toà án mẫu quốc La mã, lúc đó Philatô là chủ toạ”[26].
Cuộc hỏi cung trước Công Nghị đã kết thúc như Caipha mong đợi. Việc kết án Đức Giêsu coi như đã xong! Đức Giêsu bị tuyên bố mang tội “phạm thượng”, một tội đã định là phải chết (x. Lv 24,9-16). Nhưng người La Mã dành lấy quyền kết án tử hình, nên cuộc xử án phải chuyển tới Philatô, từ đây xem ra vụ án Đức Giêsu dường như đi sang hướng chính trị [27].
- Phía chính quyền Rôma
Trước mặt Philatô Đức Giêsu bị tố cáo như một người nổi loạn. Thái độ của Philatô được Tin Mừng Gioan đoạn 18,34-35 nói rõ: Philatô dựa theo những thông tin mà ông nắm trong tay, xét thấy không có gì phải chống lại Đức Giêsu cả. Thẩm quyền La Mã không nhận được thông tin nào có thể gây nguy hiểm cho hòa bình trật tự. Những lời tố cáo đến từ những người đồng hương của Đức Giêsu, từ những người có thẩm quyền ở Đền Thờ, Philatô lấy làm lạ, khi những người đồng hương của Đức Giêsu, xuất hiện như những kẻ bảo vệ đế quốc Rôma, trong khi những thông tin không đem lại cho ông ấn tượng cho một sự cần thiết như thế. Philatô biết rõ Đức Giêsu không tạo một phong trào nổi dậy nào theo những gì ông nghe được, Đức Giêsu chỉ là một người nhiệt thành với vấn đề tôn giáo, có lẽ vi phạm đến trật tự Do Thái về quyền hành và niềm tin, nhưng điều này không hề gây ấn tượng gì cho ông.
Trước những lời tố cáo của người Do Thái, Philatô hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là vua không?” Đức Giêsu trả lời: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi sinh ra và đến thế gian vì đều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Trước đó, Đức Giêsu đã xác định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này…” (Ga 18,36)[28].
Qua việc hỏi cung: “Điều Philatô muốn biết đã trở thành hiển nhiên. Đức Giêsu không phải là một người xách động, sứ điệp cũng như thái độ của Người không có gì nguy hiểm cho sự thống trị của La Mã. Nếu Người có vi phạm luật Torah, thì đối với ông, một người Rôma không quan trọng gì”[29].
Xét thấy Đức Giêsu vô tội ông tìm cách tha. Thánh Luca giới thiệu Đức Giêsu như là một người bị giới lãnh đạo Do Thái tố cáo tội gây rối loạn chính trị (x. Lc 23, 2. 5. 18-19). Luca cho thấy quan Philatô ba lần tuyên bố Đức Giêsu vô tội (x. Lc 23, 4.14-15.22). Sau cùng khi quan nộp Đức Giêsu, thì Luca tuyên bố rõ ràng là tiếng kêu la của họ lấn át tiếng ông. Lúc đó Philatô mới truyền tha Baraba như họ đã xin… còn Đức Giêsu thì ông trao cho họ làm gì tùy ý (x. Lc 23,23-25).
Trước tòa án Rôma việc kết án và thi hành án cho Đức Giêsu có vẻ nhùng nhằng, phức tạp. Mãi đến khi những người Do Thái tạo áp lực, dồn Philatô vào chân tường, qua lời hăm dọa: “Nếu ngài tha nó ngài không phải là bạn của Xêda. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda” (Ga 19,12). Lúc đó Philatô đành nhượng bộ chuẩn y và trao cho họ hành quyết Người, vì mối lo âu về sự nghiệp và địa vị, vì không muốn gặp rắc rối cho bản thân, có thể ông sợ sẽ bị tố cáo lên Xêda mà ông trao Đức Giêsu cho họ đóng đinh Ngài (Ga19,16)[30].
Sự lừng khừng của Philatô còn một lí do khác: “Một cáo thị quan trọng nằm trong mục chống đối hoàng đế như vậy, không khỏi làm sao động một vị đại diện chính quyền trấn nhiệm một miền xa xôi không khéo sẽ bị mất chức. Philatô nhượng bộ và tuyên án đóng đinh vì tội phản lại Cêsarê”[31]. Đến đây chúng ta có thể rút ra vài nhận định như sau.
- Nhận định
- Yếu tố Tôn Giáo và Chính Trị trong Vụ Án Đức Giêsu
Khi cuộc tấn công trực diện về giáo lí và uy quyền giảng dạy của Đức Giêsu bị thất bại, các Luật sĩ và Thượng tế (x. Lc 20,19) đổi chiến lược bằng cách gài bẫy Ngài (x. Mt 22, 15-22 ; Mc 12,13-017 ; Lc 20, 20-22). Thực ra, từ lâu các cử chỉ của Đức Giêsu (x. Lc 6,7) cũng như các lời nói (x Lc 11,54) đã bị giới Luật sĩ và Pharisêu canh chừng. Đặc biệt ở đoạn (Mt 22,15-22 ; Mc 12, 13-17 ; Lc 20,22-26) nộp thuế cho Xêda, các thám tử được sai đến để tìm cách nắm lấy một vài cử chỉ có tính cách phản động về phương diện chính trị hầu làm cớ nộp Người cho nhà chức trách có thẩm quyền là tổng trấn Rôma. Cách xử trí phải theo là: không nói về những tranh chấp tôn giáo, mà làm nổi bật trước Philatô những “tội” chính trị[32].
Trong Luca 23, 2-25 họ bắt đầu tố cáo Người rằng: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này xách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân tộc chúng tôi nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia là vua nữa”. Đây là một điều rất tế nhị dưới mắt nhà cầm quyền chiếm đóng- và chống lại với Xêda.
Philatô thận trọng hỏi Đức Giêsu để xem Ngài có phải là vua dân Do Thái không (Lc 23,3). Qua lời đáp:“Chính ngài nói đó” Philatô hiểu rằng đây không phải là vương quốc chính trị và như thế ông quyết đoán rằng bị cáo vô tội[33].
Như đã nói ở trên: “Đối với Israel, bình diện chính trị và tôn giáo không thể tách rời nhau thế nên những lời kết án (nơi Công nghi Sanhedrin) cũng mang màu sắc chính trị: Đền Thờ là nơi tế tự của Israel toàn dân đều hướng về đó vào những dịp hành hương; Đền Thờ là nền tảng cho sự hợp nhất nội tại của Israel. Yêu cầu về Đấng Mêsia cũng là đòi hỏi vương quyền của Israel. Vì thế, các chữ trên thập giá: “Vua dân Do Thái” là lý do cho cuộc hành hình Đức Giêsu”[34].
Trong Tin Mừng Nhất Lãm theo thánh Mátthêu, Máccô, Luca thì có hai sự kiện liên can đến án tử Đức Giêsu là: thái độ của Người đối với Đền Thờ và việc Ngài xưng mình là Mêsia. Theo lời các thánh sử, Ngài tự ban cho mình đặc quyền Con Thiên Chúa ngự bên hữu Đấng Toàn Năng (x. Mc 14,53-64): “phạm thượng” một người không thể đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa[35];“Lí do sâu xa của sự xung đột đưa tới bản án Đức Giêsu, là cách cư xử của Ngài, tự đặt mình trên lề luật, và tự nhận có uy quyền như Thiên Chúa: “Tội phạm thượng”[36].
Theo một số học giả khác: Ngài lĩnh án chết trên thập giá là kết quả của việc Ngài sống và rao giảng về Nước Thiên Chúa, làm chứng cho sự thật, như Lm. Felip Gómez nhận xét về hai cuộc xét xử Đức Giêsu: “Trong cả hai trường hợp án lệnh đưa ra như thế không phải là sự ngẫu nhiên hoặc là điều nhầm lẫn đáng tiếc: đó là hậu quả “hợp lí” của những gì Đức Giêsu đã nói và đã làm”[37].
Xét như thế, vụ án Đức Giêsu là vụ án cốt lõi tôn giáo nhưng lại mang hình thức chính trị. Đúng như Lm. Nguyễn Thế Thoại nhận định: “Vì khó khăn để kết án Đức Giêsu vì tội lộng ngôn, phạm thượng, xúc phạm Đền Thờ, nên họ tạo áp lực để đại diện chính quyền Rôma kêu án đóng đinh Ngài vì tự xưng mình là Vua”[38].
Điều dễ thấy là:“Những hành động và giáo lý của Chúa Giêsu không những tố cáo nếp sống đạo hình thức của các thượng tế, kinh sư và kỳ mục trong dân mà còn lôi cuốn đông đảo dân chúng nữa:“Vì Người giảng dạy như Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư của họ” (Mc 1,27). Đó là nguyên nhân khiến cho các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy ghen ghét Chúa, nhất là họ sợ địa vị của họ bị lung lay. Vì thế họ tìm mọi cách để triệt hạ Người. Tuy nhiên, họ không thể ra tay được trước khi giờ của Người đến, hay nói đúng hơn, chính Người tự nộp mình chịu chết để làm chứng cho chân lý Người rao giảng, nhất là để biểu lộ tình yêu tột cùng đối với nhân loại”[39]. Như vậy, chúng ta phải nhận xét thế nào về trách nhiệm của những người liên can trong vụ án Đức Giêsu?
- Ai Gây ra cái chết của Đức Giêsu và ai chịu trách nhệm về cái chết đó?[40]
Theo các thánh sử, chúng ta thấy có những điểm căn bản như sau: Trong khi Đức Giêsu rao giảng và thi hành sứ vụ, cũng như khi Ngài chữa bệnh đã gặp nhiều sự chống đối từ các phe nhóm:“…Nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê để tìm cách giết Đức Giêsu” (Mc 3,6). Nhóm Pharisêu bàn tính để bắt Đức Giêsu (x. Mt 12,14 ; 21, 46-47 ; Mc 12,12 ; Lc 6, 11 ; 20, 20-26). Còn nhóm Sađốc là đại diện cho quyền bính Rôma thì không tin có sự sống lại (x. Mt 22,23-33 ; Mc 12,18-27 ; Lc 20, 27-40).
Như vậy, là đã có nhiều xung đột giữa Đức Giêsu và các “đối phương” của Ngài (x. Mt 21,23 ; 26, 3-4 ; Mc 11, 18-19 ; Lc 19, 47-48 ; Ga2,18). Theo Tin Mừng Gioan thì:“Người Do Thái tìm cách giết Đức Giêsu, vì người phá Luật ngày Sabát và nói Thiên Chúa là Cha mình, và như thế là coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,8). Đặc biệt, tường thuật thương khó trong Máccô chương 14 và 15 cho chúng ta thấy: “đối phương” của Đức Giêsu chính là các thủ lãnh và trưởng lão. Những người này là người lãnh đạo cả về phương diện tôn giáo lẫn chính trị thời đó. Chính họ là người bắt nộp Đức Giêsu cho Philatô, chính họ xúi giục dân xin tha Baraba và đòi giết Đức Giêsu.
Qua những điểm trình bày như trên, thì dường như trách nhiệm thuộc về các trưởng lão. Bởi vì, chính họ đã chống đối Đức Giêsu và họ tìm cách thuyết phục Philatô thực hiện theo như ý của họ: “Ngay từ đầu sứ vụ công khai của Giêsu, những người Pharisêu và nhóm Hêrôđê, cùng với các Tư tế và Kinh sư đã toa rập với nhau để hại Người,…Người bị tố cáo về tội phạm thượng, về tội làm tiên tri giả, về những tội thật sự thuộc về tôn giáo mà luật phạt tử hình bằng cách ném đá”[41].
Về phương diện pháp luật, Philatô là người chịu trách nhiệm. Án tử đóng đinh là một “án” chỉ có người Rôma mới có thể quyết định. Việc đóng đinh là hình phạt công khai dành cho người “chống đối” hoặc người “nô lệ”. Còn đối với Do Thái giáo, án tử là “ném đá”.
Về bối cảnh chính trị, thời bấy giờ là thời đế quốc Rôma có những “tham nhũng”, “thối nát” về mặt chính trị. Vì thế, họ có thể nhượng cho các trưởng lão và giới lãnh đạo tôn giáo được quyền lên án tử đối với người nổi loạn, người nô lệ hay bất cứ một người nào họ muốn. Như vậy là có sự thỏa hiệp trách nhiệm giữa lãnh đạo tôn giáo Do Thái và người Rôma đô hộ.
Mặt khác, có thể thấy nơi tấm bảng treo trên thánh giá: “Giêsu Nazaret Vua Dân Do Thái”. Ý nghĩa của tấm bảng này cho thấy, đối với người Rôma thì người Do Thái đã công khai tuyên bố Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế hay Đấng Được Xức Dầu. Vì Philatô cho viết tấm bảng như án phạt, và giới lãnh đạo đã đến xin: “xin đừng viết… nhưng xin viết…” (x. Ga 19,21-22).
Vậy có nhiều lý do để có thể nói rằng: về mặt chính trị người chịu trách nhiệm là Philatô còn về phương diện tôn giáo là người Do Thái. Dĩ nhiên, không phải tất cả người Do Thái phải chụi trách nhiệm, vì rằng các môn đệ của Đức Giêsu và ông Nicôđêmô thành viên Hội đồng cũng là người Do Thái.
Kết luận
Những gì trình bày trên cho chúng ta thấy được bối cảnh tôn giáo, chính trị thời Đức Giêsu, đồng thời thấy được những xung đột về Giáo Lý mới mẻ và uy quyền của Đức Giêsu (x. Mt 7,28-29 ; Mc 1,27) khi Người rao Giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa; trước những người lãnh đạo Do Thái giáo. Trong đó, những cuộc tranh luận về việc tuân giữ Luật ngày Sabát (x. Mt 12,1-12), về việc tuân giữ truyền thống của tiền nhân (x. Mt 15,2 ; Mc 7,5), như là những yếu tố thúc đẩy đến vụ án Đức Giêsu. Đặc biệt, biến cố xua đuổi con buôn trong Đền Thờ cùng với lời tuyên bố “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Và việc Đức Giêsu xưng mình là Con Thiên Chúa (x. Mt 26,57 ; Mc 14,61-63 ; Lc 22,70), như là những yếu tố trực tiếp liên can đến vụ án Đức Giêsu[42].
Rồi khi đặt vụ án Đức Giêsu trong bối cảnh chính trị và tôn giáo, theo những nhận định của các học giả, chúng ta nhận ra: Vụ án Đức Giêsu cốt lõi mang tính tôn giáo, vì lẽ chính giới lãnh đạo Do Thái đã quyết định giết Đức Giêsu (x. Mt 26,1-5; Mc 14,1-2 ; Lc 22,1-2) và nài ép Philatô thực hiện quyết định của họ (x. Ga 19,12-15). Mặt khác, vụ án này mang hình thức chính trị vì chính tổng trấn Philatô, đại diện Rôma chuẩn y bản án tử đóng đinh Đức Giêsu .
Nhưng điều quan trọng hơn chúng ta xác tín là: Cái chết của Đức Giêsu không phải là một sự ngẫu nhiên hay là một sự dàn, xếp sắp đặt của con người, nhưng là do kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (x. Cv 2,23 ; 4,28)[43]. Đức Giêsu đã nhiều lần tiên báo về cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Ngài (x. Mt 16,21 ; 20,18-19 ; 26,2 ; Mc 8,31-32 ; 9, 30-31 ; 10, 32-34 ; Lc 9,22, 43b-45 ; 18,31-34 ; Ga 3,14-15). Chính Ngài đã tự hiến mạng sống để cứu độ chúng ta (x. Ga 10,18); “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta” (Rm 4,25).
Như vậy, chính chúng ta cũng có trách nhiệm trong vụ án Đức Giêsu, mỗi khi chúng ta phạm tội, vì tội lỗi là nguyên nhân gây ra cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu Kitô[44]. Thánh Phanxicô cũng nhắc nhở chúng ta:“Không phải quỷ dữ đóng đinh Người trên thập giá. Chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Người trên thập giá; và còn đang đóng đinh Người nữa khi bạn thích thú trong thói xấu và tội lỗi”. Thực tại đó kêu mời chúng ta tránh xa tội lỗi để luôn sống tương quan tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân.
______________________________
[1] Hợp Tuyển Thần Học, số 29-30, Năm 2001, tr. 448.
[2] JOHN H. HAYES, Nhập Môn Kinh Thánh, Nxb. Tôn Giáo, tr. 486.
[3] Viết theo: Ellis Rivkin, Vụ Án Đức Giêsu Dưới Cái Nhìn Của Một Thần Học Gia Do Thái, Thế Hạnh, Op, Chuyển Ngữ ; www. Daminh. Net.
[4] x. Lm. JEAN POTIN, Đức Giêsu Tư Tưởng Và Hành Động, 2007, tr. 23.
[5] Viết theo: NORBETO, Cuộc Vượt Qua Của Đức Giêsu, Kitô Học II, 2002, tr. 223-225.
[6] Nhiều Tác Giả, Để Làm Giàu Kiến Thức Kinh Thánh, 2 Tân Ước, Chuyển Ngữ: Lm. Fx. Lã Thanh Lịch, Hiệu Đính: Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Nxb Tôn Giáo, tr. 1059.
[7] Pharisêu xuất hiện khoảng năm 135 TCN. Pharisêu : Perouchim có nghĩa là “được phân biệt” vì đệ tử của phái này chủ trương tự tách biệt khỏi những mưu kế của triều đình, cũng như khỏi sự dốt nát của quần chúng. (x. Nhiều Tác Giả, Sđd, tr. 1056).
[8] KARL H. PESCHKE, S.V.D, Luân Lý Tổng Quát, Tập I, Tủ Sách Chuyên Đề, tr. 53.
[9] Nhiều Tác Giả, Sđd, tr. 1067.
[10] x. Nhiều Tác Giả, Sđd, tr. 1177-1178.
[11] x. Mầu Nhiệm Cứu Đô, Soạn Giả: Lm Anphong Phạm Gia Thụy, tr. 70.
[12] x. Ibid. tr. 70.
[13] x. Ibid. tr. 70.
[14] x. Mầu Nhiệm Cứu Độ, Soạn giả Lm Anphong Phạm Gia Thuỵ, tr. 62-63.
[15] JOSEPH RATZINGER – Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth. Phần I, Bản Dịch Của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Nxb Tôn Giáo, tr. 72.
[16] Cựu ước dạy rằng người nào làm việc trong ngày Sabát sẽ bị xử tử hình (x. Xh 31, 15) và người ta còn áp dụng luật này thậm chí cho cả người gặt lúa (x. Ds 15,32-36)
[17] Đền Thờ là một trong những nơi tiêu biểu nhất cho Đức tin người Do Thái. Nó tượng trương cho sự hiện diện giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Chính ở Đền thờ mà tương quan với Thiên Chúa được thể hiện một cách tuyệt vời”. (x. BERMARD REY, Chúng Tôi Rao Giảng Một Đấng Chịu Đóng Đinh, Nxb. Paris 1989, tr 25).
[18] x. BERMARD REY, Chúng Tôi Rao Giảng Một Đấng Chịu Đóng Đinh, Nxb. Paris 1989, tr. 25.
[19] x. SAMUEL TERRIEN, Những Miền Đất Kinh Thánh, Lm. Nguyễn Văn Có, Ofm dịch, Nxb. Thuận Hoá, Huế 199, tr. 80.
[20] Luật Môsê tiên liệu án chết để phạt các trọng tội, trong đó có tội phỉ báng, phạm thượng. (x. Lv 24,14-16)
[21] x. A. ABECASSIS, Kitô Giáo Qua Lăng Kính Của Do Thái giáo Trong Khai Tâm Thực Tập Thần Học, Cerf 1982, Cuốn I, tr. 474.
[22] Ông Caipha làm thượng tế từ năm 18 đến năm 36 T.C.N. Ong giữ chức vụ trong suốt thời gian ông Philatô làm tổng trấn Giuđa (từ năm 20-26), (x. Phan Tấn Thành, Về Nguồn, Tập I, tr.147).
[23] x. BERMARD REY, Những Miền Đất Kinh Thánh, Lm Nguyễn Văn Có, Ofm, dịch, Nxb. Thuận Hoá, Huế 1999, tr. 80.
[24] JOSEPH RATZINGER – Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth. Phần II, Bản Dịch Của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Nxb. Tôn Giáo, tr. 207-208.
[25] NORBETO, Cuộc Vượt Qua Của Đức Giêsu, Kitô Học II, 2002, tr. 140.
[26] Lm. Nguyễn Thế Thoại, Thiên Chúaa Giáo – Tôn Giáo Học Và Các Tôn Giáo Lớn Ơ Việt Nam, tr. 187
[27] x. JOSEPH RATZINGER, Sđd, tr. 223.
[28] JOSEPH RATZINGER – Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth. Phần II, Bản Dịch Của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Nxb Tôn Giáo, tr. 230
[29] JOSEPH RATZINGER, Sđd, tr. 237.
[30] Trần Văn Hiến Minh, Cuộc Đời Đức Kitô, Nxb. Ra Khơi, 1975, tr. 241.
[31] Lm. Hồng Phúc, Điển Ngữ Đức Tin Công Giáo, tr. 74.
[32] x. HUGUES COUSIN, Tin Mừng Luca, Chu Giải Mục Vụ, tr. 386.
[33] x. Ibid., tr. 448.
[34] JOSEPH RATZINGER – Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Đức Giêsu Thành Nazareth. Phần II, Bản Dịch Của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Nxb Tôn Giáo, tr. 216.
[35] x. BERMARD REY, Chúng Tôi Rao Giảng Một Đấng Chịu Đóng Đinh, Nxb Paris 1989, tr. 25.
[36] Lm. Phaolô Bùi Văn Đọc – Lm. Giuse Võ Đức Minh, Đức Giêsu Kitô Hôm Qua Hôm Nay Và Mãi Mãi, Tủ Sách Đại Kết, 1997, tr. 144.
[37] Felip Gómez, Đức Tin Công Giáo Trình Bày Kinh Tin Kính, An Tôn Và Đuốc Sáng, 2006, tr. 333.
[38] Lm. Nguyễn Thế Thoại, Thiên Chúa Giáo – Tôn Giáo Học Và Các Tôn Giáo Lớn Ơ Việt Nam, tr. 187-188.
[39] Lm. Dominic Nguyễn Phúc Thuần, Sss, Dẫn Vào Kinh Thánh, Tủ Sách Eymard, tr. 149.
[40] x. Mầu Nhiệm Cứu Đô, Soạn Giả: Lm Anphong Phạm Gia Thụy tr. 102-103 ; x. Lm. Vinh Sơn Đinh Trung Nghĩa, Giáo Trình Phúc Am Máccô, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, 2010, tr. 13-14.
[41] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 574.
[42] x. Lm. Vinh Sơn Đinh Trung Nghĩa, Giáo Trình Phúc Âm Máccô, Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, 2010,
- 13-14.
[43] x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 599-604.
[44] x. Ibid, số 597.