YÊU NHƯ CHÚA
Suy niệm Tin Mừng Ga 13,31-35; Chúa nhật V, Phục sinh, Năm C
M. Lasan Châu Sơn
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đã từng nghe nhiều, và nói nhiều từ ngữ yêu thương, nhưng để sống yêu thương không dễ chút nào. Vì thế, Đức Giêsu đã nêu gương sống yêu thương cho chúng ta và Ngài dạy mõi người chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Yêu như Chúa
Chẩn mực yêu thương mà Chúa đưa ra chúng ta rất rõ ràng: yêu như Chúa đã yêu. Yêu như Chúa là suốt cuộc đời hy sinh phục vụ hết mọi người không loại trừ một ai. Yêu như Chúa là tha thứ luôn luôn cho hết mọi người, yêu như Chúa là nhiệt tâm đem Tin Mừng cứu độ cho tha nhân. Yêu như Chúa là chết đi mỗi ngày để được sống đời đời. Yêu như Chúa là trở nên khiêm nhường trước mọi người: Chúa đã Nhập thể để được ở chúng ta, Chúa mạc khải tỏ lộ cho ta biết về Ngài. Chúa muốn chữa lành thương tích xác hồn cho chúng ta nên hoàn thiện, qua Bí tích Giao Hòa. Chúa vẫn ở bên chúng ta mọi ngày cho đến tận thế dưới hình Bánh Rượu, để nên lương thực cho linh hồn chúng ta. Chúa Giêsu đã nêu gương sống yêu thương và Ngài dạy chúng ta cũng hãy sống yêu thương quảng đại như Ngài.
Tại sao chúng ta phải yêu thương như Chúa ?
Chúa dạy chúng ta yêu thương như Chúa đã yêu, chứ không phải là yêu như chúng ta yêu nhau. Bởi lẽ chúng ta yêu nhau nhưng vẫn tính toán vụ lợi, phiếm diện, không bền vững, nhiều khi lệch lạc, ích kỷ, không yêu vì hạnh phúc và phần rỗi của tha nhân.
Đối với chúng ta là những môn đệ của Chúa, “yêu thương” không còn là một lời khuyên; thích thì làm không thích thì bỏ, nhưng là một mệnh lệnh, là Điều Răn Mới: mới ở chỗ yêu cho đi, yêu đến hiến dâng mạng sống vì người mình yêu.
Yêu thương như Chúa là điều quan trọng nhất đối với chúng ta, là điều kiện cần và đủ, điều kiện bảo đảm nhất cho chúng ta được ơn cứu độ, để được hạnh phúc trường sinh. Vì trong ngày phán xét Chúa không hỏi chúng ta có bao nhiêu của cải, có bao nhiêu bằng cấp, có bao nhiêu người tung hô… nhưng Chúa chỉ hỏi chúng ta: Con có sông yêu thương “tha nhân” không ?
Làm sao để có thể yêu thương như Chúa ?
Có lẽ với sức riêng của mình, chúng ta khó có thể yêu thương mọi người cách vô vị lợi, thế nên chúng ta cần khiêm tốn nương nhờ vào ơn Chúa giúp, hầu có thể vươn lên mỗi ngày. Hôm nay đây, Lời Chúa cũng đang mời gọi từng người trong gia đình và cộng đoàn chúng ta: Này anh A này chị B.., hãy yêu thương mọi người như Thầy đã yêu con, bằng những việc làm cụ thể như chia sẻ, ủi an những ai đang gặp buồn phiền đau khổ, tha thứ cho những người làm hại chúng ta, giúp đỡ những người đói khổ, bệnh tật, và cùng làm gương sáng dẫn dắt nhau về thiên đàng…
Trong bài ca Đức mến, Thánh Phaolô liệt kê cho chúng ta 14 việc làm chứng tỏ tình yêu: “Đức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác; nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cor 13,1-7).
Thực hành Điều Răn Yêu Thương của Chúa Giêsu trong đời sống gia đình, thánh Phaolô dạy chúng ta: Như Đức Kitô yêu thương và hiến mình vì Hội thánh thì vợ- chồng cũng phải thương yêu nhau như vậy (x. Ep 5, 21-33). Yêu thương là luôn tôn trọng tha thứ, hi sinh cho nhau. Còn gì hạnh phúc hơn trong một gia đình: chồng biết hi sinh cho vợ, vợ biết hi sinh cho chồng, bố mẹ biết hi sinh cho con cái, con cái biết hi sinh cho cha mẹ? Hi sinh là minh chứng tình yêu cách rõ ràng nhất.
Tóm lại, chúng ta sống trên đời này: “Không ai sống được mà không yêu…” (Xuân Diệu). Đặc biệt đối với Kitô hữu chúng ta, yêu thương được nâng lên bậc siêu nhiên, là một nhân đức: Đức Mến. Yêu thương là “dấu hệu” chứng thực chúng ta đã là môn đệ của Chúa. Đồng thời, yêu thương là cách tốt nhất để chúng ta làm chứng cho Chúa, để giới thiệu tình yêu của Chúa Giêsu, để cho mọi người thấy bản chất của đạo chúng ta là yêu thương. Căn cứ “dấu” đó, người ta sẽ nhận biết và tin yêu Chúa. Hoa trái của yêu thương là bình an, hạnh phúc ngay ở đời này và đời sau. Để có thể yêu thương chúng ta phải có lòng khiêm nhường, tha thứ như Chúa Giêsu.
Nguyện xin Mẹ cầu bầu, dẫn dắt chúng ta trên hành trình yêu thương. Như xưa Mẹ đã cùng Chúa Giêsu suốt cuộc đời phục vụ, tha thứ, yêu thương… hết mọi người, yêu thương trong mọi hoàn cảnh, yêu thương cả những kẻ chống đối, chế diễu và giết chết Con Mẹ. Amen.