Chúa Nhật XXX TN – Năm A: YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT
(Xh 22,20-26; 1Tx 1,5c-10; Mt 22,34-40)
M. Benado
Trong cuộc sống chúng ta vẫn nghe được những câu hỏi: đâu là linh đạo nổi bật trong đạo Công giáo? Chúng ta vẫn thường trả lời là “lòng bác ái và yêu thương”. Đúng thế, chúng ta phải yêu thương vì đó là căn tính của đời sống người Kitô hữu. Đạo chúng ta là đạo mạc khải. Và Thiên Chúa cũng mạc khải điều chính yếu là tình yêu. Thánh Gioan đã khẳng định: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).
Tất cả các bài đọc lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay đều diễn tả lòng bác ái yêu thương. Đó là linh đạo của đời sống người Kitô hữu. Linh đạo đó dẫn chúng ta kết nối với Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta chỉ đạt đến sự trọn lành khi chúng ta chu toàn lề luật của Chúa. Tất cả lề luật Chúa được gói trọn trong giới răn “mến Chúa và yêu tha nhân” . Vậy chúng ta phải yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân như thế nào mới đúng với lời Chúa mời gọi hôm nay?
Một hôm, khi nghe tin Đức Giêsu đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, những người Pharisêu họp nhau lại, nhóm này “không tin có sự sống lại” nên chuyên tìm cách “gài bẫy” Chúa Giêsu nhiều lần mà không được. Lần này, có một người thông luật trong nhóm hỏi để thử Đức Giêsu: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”.
Đúng là một câu hỏi đầy tính gài bẫy và thách đố Chúa Giêsu vậy. Vì theo truyền thống Do Thái, luật gồm 613 điều răn: 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Cả một rừng luật như vậy mà người thông luật đã hỏi Đức Giêsu: “Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?”. Đức Giêsu thản nhiên đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy”.
Thế nào là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn? Nghĩa là tình yêu đối với Chúa phải đặt trên hết mọi sự, trên cả thân xác, lý trí, linh hồn. Yêu bằng cả con người trọn vẹn, yêu cách tuyệt đối, chứ không nửa vời, để lại một phần cho bản thân hay cho điều gì khác. Đây là tình yêu triệt để theo Tin Mừng. Bởi Thiên Chúa yêu chúng ta hết mực. Ngài yêu đến nỗi ban chính Con Một, chịu chết đau thương trên thập giá vì chúng ta và để cứu độ chúng ta. Ngài yêu đến nỗi sống với, sống cùng và chịu chết đền tội thay cho chúng ta. Một tình yêu triệt để đến từ Thiên Chúa, nên Ngài cũng muốn chúng ta đáp lại mối tình ấy một cách triệt để: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” (Mt 22,37b).
Thế nào là yêu người thân cận như chính mình? Thời Cựu Ước, Thiên Chúa truyền nghiêm luật: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập. Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp (…) ” (Xh 22,20-23). Luật Chúa rạch ròi đến từng chi tiết: “Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi. Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ?”(Xh 22,24-26). Thiên Chúa là Đấng luôn chạnh lòng thương người thấp cổ bé miệng như mẹ góa, con côi, người nghèo, khách ngoại kiều. Họ chỉ được luật Chúa chở che khỏi những áp bức của những kẻ quyền thế trong xã hội đương thời. Như vậy, lề luật Cựu Ước đã định rõ giới hạn và đối tượng cần được tỏ lòng yêu thương bác ái cách rõ ràng. Nhưng đến thời Tân Ước, cũng các giới răn đó, các lề luật đó, nhưng được Chúa Giêsu kiện toàn và làm viên mãn hơn. Chúa Giêsu đã mặc cho Lề Luật một tinh thần mới. Tinh thần đó đã phá tan những ranh giới, những quy định mang tính quy tắc chặt chẽ như các nhà thông luật, các nhà lãnh đạo Do Thái thời Cựu Ước đã mặc cho nó. Giới răn yêu thương lúc này không còn đóng khung cho một số đối tượng, nhưng một tình yêu quảng đại cho hết mọi người, không phân biệt bất kỳ thành phần nào, dù đó là kẻ thù của mình.
Quả thực, yêu Chúa và yêu tha nhân là hai khía cạnh của tình yêu. Không thể yêu Chúa mà không yêu tha nhân. Và ngược là yêu tha nhân là đã yêu Chúa, một tình yêu không thể giới hạn, không thể loại trừ. Nếu còn loại trừ thì chưa yêu đúng ý Chúa, và chưa yêu Chúa hết lòng hết sức và hết trí khôn được. Yêu Chúa là chu toàn lề luật của Chúa. Mà luật của Chúa chỉ tóm lại trong giới răn yêu thương. Thánh Phaolô đã đòi hỏi nơi chúng ta một sự kiểm chứng cho tình yêu đích thực: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ nơi Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4, 20-21).
Như thế, Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ một khoản nhỏ nào trong lề luật Thiên Chúa, nhưng để kiện toàn lề luật, mặc cho lề luật một tinh thần mới: Bác ái yêu thương là luật vượt lên trên và xuyên suốt mọi lề luật. Không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn.
Vì Thiên Chúa là tình yêu (x.1Ga 4,8.16), nên tất cả lề luật của Thiên Chúa đều quy hướng về tình yêu. Là người Kitô hữu thì phải “giữ trọn giới răn yêu thương”. Đó là lẽ tất nhiên, không yêu không được. Tại sao? Thánh Gioan cho biết thêm: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Cuối cùng thánh Phaolô kết luận: “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,10).
Lề luật là thể hiện ý muốn của Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, và sống yêu thương. Như thế, muốn chu toàn mọi lề luật thì trước tiên phải sống yêu thương. Hay nói khác đi, sống yêu thương là đã chu toàn lề luật của Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền tin với du khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 03.09.2017, nói rằng: “Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa và hạnh phúc cho cuộc sống. Chúa Giêsu luôn khôn ngoan tuyệt vời, luôn tỏ lòng từ bi thương xót với con người”.
Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận luôn nhắn nhủ con cái biết lấy tình thương mà an ủi nhau, giúp nhau sống đời tu. Mỗi người trong cộng đoàn luôn biết quan tâm đến nhau, gánh đỡ gánh nặng cho nhau, biết nhịn nhục nhau khi lầm lỗi… Ngài còn lấy gương của thánh Gioan Tông đồ mà giáo huấn con cái về giới răn yêu thương: anh em hãy yêu thương nhau, chỉ một điều đó là quan trọng thôi, vì là giới răn Chúa dạy, nếu ai giữ trọn điều đó thì đã đủ (x. LGH, 16). Chỉ có một linh đạo, một điều để quy hướng về là tình yêu thương bác ái, lề luật vượt trên mọi luật: “Cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, cái đạo chầu Thánh Thể, các đạo ấy dễ mà không chắc chi; còn cái đạo yêu thương anh em, đạo ấy thì chắc là đạo. Đó là nhân đức đại độ” (LGH, 6).
Lạy Chúa, hôm nay Chúa dạy chúng con về giới răn yêu thương, xin cho chúng con biết sống trọn giới răn đó, yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn, và yêu thương mọi người như chính tình yêu Chúa dành cho chúng con. Amen.