SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII TN, C
(Lc 21,5-19)
DẤU HIỆU BÁO TRƯỚC NGÀY CÁNH CHUNG
Bài Tin Mừng hôm nay được trình bày trong khung cảnh Đức Giêsu và các môn đệ lên đền thờ Giêrusalem. Trước vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ của đền thờ, các môn đệ cũng như khách hành hương trầm trồ khen ngợi và có phần hãnh diện về một công trình đồ sộ, kiên vững. Trong tâm tưởng họ nghĩ rằng; công trình này sẽ đứng vững, tồn tại mãi với thời gian.
Trong khi mọi người đang rất hào hứng bàn tán về đền thờ, Đức Giêsu phán một lời xem ra ngược với tâm trạng chung, và có lẽ phần nào đã làm cho mọi người cụt hứng: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”. Đây không là một lời lưu ý, nhưng là một lời tuyên bố mang tính ngôn sứ[1], một lời tiên báo đáng lo ngại. Lời khẳng định này khiến những người đang nghe Người phải thắc mắc: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra thì có điềm gì báo trước?”
Với câu hỏi này, thay vì trả lời thẳng vào vẫn đề, Đức Giêsu lại mượn đó như là một tiền đề để trình bày về một viễn tượng cánh chung; người ta hỏi Đức Giêsu về ngày giờ và dấu hiệu báo trước ngày Giêrusale bị sụp đổ, Đức Giêsu lại nêu ra một loạt các dấu hiệu dường như không liên hệ đến cuộc tàn phá Giêrusalem nhưng là đến ngày tận cùng của thế giới.
Những dấu hiệu Đức Giêsu báo trước đó lá: Những kẻ mạo danh Đức Giêsu sẽ xuất hiên, sẽ có chiến tranh loạn lạc, xuất hiện các thiên tai địa hoạ như; ôn dich, động đất, sóng thần, núi lửa… những cuộc bắt bớ, đánh đập và giết chết vì niềm tin vào danh Đức Giêsu.
Chúng ta thấy các dấu hiệu này chung chung, đúng với mọi thời. Điều này là để cho chúng ta hiểu đó chỉ là dấu hiệu báo trước chữ chưa phải là ngày tận cùng. Chính Đức Giêsu cũng đã nói rõ: “những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”.
Như vậy, ngày tận cùng của thế giới được xác định là có, chắc chắn sẽ đến trong một tương lai vô định. Vì thế, người tín hữu phải luôn sống trong sự tỉnh thức chờ đợi, can đảm đương đầu với lịch sự, kiên vững vượt qua dòng chảy của thời gian, giữ vững và làm chứng cho niềm tin trong mọi biến cố xẩy đến.
Chúa Giêsu biết trước những khó khăn, gian khổ mà những ai theo Người sẽ phải chịu nên Ngươi đề phòng và trấn an; đừng hoảng sợ, đừng lo lắng, nhưng trong những dịp và hoàn cảnh ấy là cơ hội để làm chứng cho niềm tin. Chính Chúa sẽ ban cho miệng lưỡi và sự không ngoan để đối đáp với kẻ thù. Cuối cùng Đức Giêsu bảo đảm: “dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, thì sẽ giữ được linh hồn”.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác định lối sống của người môn đệ phải có trong khi chờ Người lại đến lần thứ hai trong vinh quang. Người môn đệ phải tiến đi trong cuộc lữ hành trần gian, trong sự hiểu biết khái quát về bản chất của các thực tại trần thế và xác tín vững chắc vào chiến thắng cuối cùng của Chúa Giêsu. Đây là thời gian của Hội Thánh. Các tín hữu cần phải biết sống đức tin một cách bền chí trong mọi hoàn cảnh, tình huống của cuộc đời.
Lạy Chúa! Thế giới chúng con đang sống hôm nay đã và đang xảy ra biết bao biến động; chiến tranh, khủng bố, bão lụt, động đất, sóng thần, núi lửa, dịch bệnh, đói nghèo, kể cả đàn áp và bắt bớ niềm tin, tất cả đều đang diễn ra mỗi ngày, không những mạnh về cường độ, gia tăng về tần suất mà còn tinh vi và tàn khốc hơn bao giờ hết. Là người tín hữu, chúng con không bất ngờ, vì chính Chúa đã tiên báo trước. Tuy nhiên, xin cho chúng con biết tỉnh thức, khôn ngoan để nhận ra các dấu chỉ của thời đại mà sống và làm chứng cho niềm tin trong tâm thế của một người luôn sẵn sàng và tỉnh thức trông chờ Chúa đến.
Phanxicô Salêsio. Phạm ngân
[1] Đền thờ Giêrusalem bị tàn phá vào cuối tháng 08 hoặc đầu tháng 09 năm 70