NIỀM VUI VÌ ĐƯỢC SỐNG LẠI VỚI CHÚA GIÊSU
(Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9)
Vp. Vicent, PV
Mặc dầu mừng lễ Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta không có những trang hoàng, mua sắm hay tiệc tùng quà cáp… như trong dịp lễ Giáng sinh. Nhưng không vì thế mà ngày lễ Phục Sinh không phải là ngày lễ quan trọng nhất, mang lại niềm vui lớn nhất cho tất cả mọi người chúng ta. Có thể nói niềm vui Tin Mừng Phục sinh là niềm vui lớn nhất, là niềm vui của mọi niềm vui cho toàn thể nhân loại chúng ta. Để hiểu được niềm vui của Tin Mừng Phục Sinh thế nào, chúng ta cần so sánh hai thái độ của các tông đồ: trước và sau cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu. Trước cuộc Thương Khó, đó là nỗi thất vọng của các ông khi phải đối diện với Cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu, lúc đó các ông đã sợ hãi và bỏ trốn hết vì sợ liên lụy. Lúc đó tâm trạng của các ông hoàn là một nỗi thất vọng ê chề, sống mà như đã chết vậy, vì: Chúa chết hết truyện. Nhưng nỗi thất vọng của các ông đó đã được bừng lên thành niềm hy vọng của Ngày Phục Sinh hôm nay: vì Chúa đã sống lại, và do đó mọi biến cố của quá khứ giờ đây cùng sống lại trong các ông, mọi sự giờ đây được nhìn và được mang ý nghĩa cùng với Chúa Phục Sinh.
Các Bài Đọc trong ngày lễ Phục sinh hôm nay tập trung vào các nhân chứng của Mầu Nhiệm Phục Sinh, cũng như Tin Mừng họ làm chứng và rao giảng.
- Nhân chứng và bằng chứng Tin Mừng Phục Sinh
Nhân chứng đầu tiên của Mầu Nhiệm Phục Sinh được nhắc tới, đó là bà Maria Mađalêna và hai tông đồ Phêrô và Gioan. Và bằng chứng để biết và tin chắc là Chúa Giêsu đã Phục sinh đó là ngôi mộ trống. Tin Mừng kể lại cho chúng ta thấy Bà Maria Mađalena đã ra thăm mộ Chúa từ sáng sớm khi trời còn tối. Bà không tìm thấy xác Chúa nên đã vội chạy về báo cho các môn đệ biết. Và hai thánh Phêrô và Gioan, khi được báo tin, đã vội vã chạy đến mộ. Và rồicác ông đã thấy và các ông đã tin. Các ông đã tin những gì Chúa Giêsu đã tiên báo, đã nói với các ông trước khi Ngài chịu chết.
Vậy các ông đã thấy gì? Thưa các ông thấy ngôi mộ trống. Khi được bà Maria Mađalêna báo cho biết tảng đá lớn đã lăn khỏi mộ và không còn thấy Chúa Giêsu trong ngôi mộ nữa, hai ông Phêrô và Gioan chạy ra thăm mộ. Và các ông đã thấy tất cả những sự kiện giống như Bà Maria Mađalêna đã nói. Chúng ta biết, trong suốt cuộc thương khó của Chúa Giêsu, các môn đệ đã sợ hãi, không dám đi theo hay xuất hiện trước công chúng vì họ sợ sẽ bị truy tố như Thầy mình. Nhưng khi được bà Maria Mađalêna báo tin cho biết về ngôi mộ trống, thì lập tức ông Phêrô và môn đệ kia liền chạy ra mộ. Tin Mừng cho chúng ta biết là cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau, nhưng khi đến nơi, ông đã vào thẳng trong mộ, ông đã thấy những băng vải để ở đó, cùng với khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.
Hai câu hỏi được nêu ra từ trình thuật này đó là:
– Thứ nhất là: Tại sao người môn đệ kia, tức Gioan, chạy tới trước mà không vào, nhưng lại chờ cho Phêrô tới và vào trước? Có người cho rằng vì ông sợ? Nhưng cũng có người khác lại cho rằng, vì ông muốn tôn trọng quyền bính của Phêrô? Điều này xem ra có lý, vì tuy Phêrô mặc dầu đã chối Chúa ba lần, nhưng ông vẫn luôn là người đứng đầu của Nhóm Mười Hai. Vì chính Chúa Giêsu đã đặt Phêrô vào địa vị này.
– Thứ hai đó là, cũng giống như bà Maria Mađalêna, các ông không biết là Chúa đã sống lại, và các ông cũng đã nghĩ là có ai đó đã đánh cắp xác Chúa. Nhưng điều làm các ông ngạc nhiên là tại sao người ta lấy cắp xác Chúa mà không lấy khăn niệm, lại còn cuộn lại cẩn thận và xếp gọn lại rồi để sang một nơi?
Chính từ bằng chứng ngôi mộ trống như thế mà Gioan, cũng như Phêrô đã thấy và đã tin. Các ông tin rằng Chúa đã phục sinh thật sự, điều mà trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: “theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.”
2. Bổn phận làm chứng và rao giảng
Từ chỗ tiếp nhận Tin Mừng Phục Sinh thì Tin Mừng Phục Sinh đó đã biến đổi và thúc đẩy các tông đồ ra đi để làm chứng và rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người. Trong Bài Đọc I, chúng ta thấy Phêrô, từ một người chối từ Chúa Giêsu đến 3 lần trong Cuộc Thương Khó của Ngài, nhưng giờ đây đã can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt mọi người. Vậy điều gì đã cải biến con người của ông từ một con người nhát đảm, sợ sệt, chối Chúa, bổng dưng trở thành một con người cương nghị và can đảm làm chứng về Ngài trước toàn dân như vậy, nếu đó không phải là Tin Mừng Phục Sinh. Vì Chúa đã Phục sinh nên Phêrô tin rằng: Nếu Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, có nghĩa là quyền lực thế gian này đã không thể thắng nổi quyền lực Thiên Chúa, và do đó chẳng còn lý do gì để ông phải sợ hãi nữa. Cho nên giờ đây Phêrô đã can đảm làm chứng về cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.
Nhưng cụ thể ông đã làm chứng như thế nào?
– Thứ nhất, Phêrô làm chứng cho sự chết của Đức Kitô trên Thập Giá, ông nói với toàn dân rằng: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi.”
– Thứ hai, Phêrô làm chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô khi tuyên bố rằng: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.”
Như thế bổn phận của các tông đồ giờ đây không chỉ dừng lại ở việc làm chứng về Tin Mừng Phục sinh mà thôi, mà giờ đây, đã đến lúc các ông còn phải thay Chúa Giêsu để rao truyền Tin Mừng về Ngài cho muôn dân nữa. Cụ thể hai bổn phận chính yếu mà các Tông đồ phải ý thức và phải làm, đó là: Rao giảng và làm chứng.
– Các ông phải ý thức về việc rao giảng, vì đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu đối với các ông, như Phêrô công khai nói rằng: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân.”
– Các ông phải ý thức làm chứng cho Chúa Giêsu. Cụ thể các ông phải làm chứng rằng, Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Và Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên Sai mà các tiên tri đã loan báo như thánh Phêrô quả quyết: “Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.” Đây là lời của tiên tri Isaia trong các Bài ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa mà chúng ta đã được nghe trong những ngày Tuần Thánh vừa qua.
Nếu như sự chết luôn là một điều đau khổ và tuyệt vọng nhất đối với con người, thì sự sống lại hay phục sinh cũng phải là một niềm vui lớn nhất đối với chúng ta. Do đó mừng lễ Chúa Giêsu Phục Sinh hôm nay quả là một niềm hạnh phúc tột cùng đối với chúng ta, vì việc Phục Sinh của Chúa Giêsukhông chỉthuần tuý là một biến cố như bao biến cố khác mà chúng takỷ niệm hàng năm để tưởng nhớ đến Ngài, nhưng sự kiện mang lại cho chúng ta một niềm hy vọng và một niềm vui lớn lao hơn bất cứ niềm vui hay niềm hy vọng nào khác. Tại sao? Thưa vì sự kiện Chúa Giêsu Phục Sinh hôm nay không chỉ đơn thuần là một biến cố của riêng Ngài, không liên hệ gì đến chúng ta, nhưng đây là một sự kiện liên luỵ đến vận mạng sống chết của tất cả mọi người và mỗi người chúng ta. Rằng nhờ biến cố Phục Sinh này của Ngài mà chúng ta – những người đang chết vì tội lỗi- cùng được phục sinh với Ngài. Vì như thánh Phaolô nói: nếu chúng ta cùng chết với Người, chúng ta sẽ cùng sống lại với Người. Qua bí tích Rửa Tội chúng ta đã thực sự chết với Ngài nên chúng ta cũng được sống lại với Ngài. Sự phục sinh này, đối với chúng ta, không phải đợi đến ngày sau, nhưng là ngay bây giờ, trong đời sống hiện tại này, như chúng ta vẫn đọc hằng ngày trong mầu nhiệm “năm sự mừng” của kinh mân côi. Ở đó, khi suy niệm về sự sống lại của Đức Giêsu, chúng ta cầu xin cho được sống lại thật về phần linh hồn. Với chúng ta, được sống lại về phần linh hồn còn quan trọng hơn cả việc sống lại của thân xác, vì nếu thân xác chúng ta sống nhưng tinh thần chết thì cuộc sống đó chẳng còn có ý nghĩa gì cả, sống nhưng bị coi như đã chết rồi vậy. Vì khi đó chúng ta sống trong tình trạng tuyệt vọng, sống mà không có sinh khí. Trái lại một khi linh hồn đã sống lại, thì chúng ta sẽ có niềm hy vọng và luôn sống trong niềm vui và hạnh phúc.
Vậy hôm nay khi mừng kính trọng thể Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta phải cảm nhận được, đây phải là một ngày lễ đem lại một niềm hy vọng và một niềm vui lớn lao cho tất cả mọi người chúng ta, hơn bất cứ niềm vui hay niềm hy vọng nào khác, vì: 1) thứ nhất, biến cố Chúa Giêsu phục sinh đã chứng tỏ cho chúng ta một điều quan trọng đó là: Chết không phải là hết, vì thế, chúng ta không được sống như không có niềm hy vọng đời sau. 2) thứ hai, Chúa Giêsu đã gánh chịu mọi đau khổ để đền thay tội lỗi của chúng ta, và Ngài đã phục sinh vinh hiển để chuẩn bị cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Như thế chúng ta phải xác tin rằng trên đời này không có ai có thể yêu thương và lo lắng cho chúng ta hơn Chúa Giêsu nữa. Vậy chúng ta phải dành trọn vẹn tình yêu cho Ngài, phải làm sao cho có được tình yêu với Chúa Giêsu giống như bà Maria Mađalêna. Một khi có được tình yêu như thế, chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống để trung thành với Thiên Chúa và làm chứng cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của chúng ta.