Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

25-7: THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ * GIỖ CHA TỔ PHỤ M. BIỂN ĐỨC THUẬN (+ 1933) * KỶ NIỆM M. FRANçOIS DE SALES THỤ PHONG LINH MỤC (PHƯỚC LÝ – 1995)

25-7: THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ

 

* GIỖ CHA TỔ PHỤ M. BIỂN ĐỨC THUẬN (+ 1933)

* KỶ NIỆM M. FRANçOIS DE SALES

THỤ PHONG LINH MỤC (PHƯỚC LÝ – 1995)

 

2 Cr 4,7-15; Mt 20,20-28

 

I.          Giai thoại : Ông Trương Thích Chi, thời Tây Hán, giữ chức Đình Úy trưởng quản tư pháp cả nước. Đình Úy một chức vô cùng quan trọng trong Tam Công Cửu Khanh (*). Ngày kia, khi quan viên văn võ đang có mặt tại triều để chờ triều yết vua, vị đạo sĩ già tên Vương Sinh quay đầu lại nói với Trương Thích Chi rằng: Giày của tôi bị tuột rồi, xin ngài giúp tôi mang lại”. Trương Thích Chi liền quỳ xuống, cẩn thận mang lại giày cho đạo sĩ Vương Sinh.

Sau, có người hỏi đạo sĩVì sao ngay tại triều đình, trước mặt mọi người, ngài lại bảo ông ấy giúp ngài mang giày lại ?” Vương Sinh nói: “Tôi già rồi, không có đồ vật gì quý tốt để tặng cho Trương Đình Úy. Trương Đình Úy bây giờ là thiên hạ danh thần, ông ta quỳ xuống mang giày giúp tôi, là gia tăng thanh danh của ông ta. Vì thiên hạ nhìn vào việc này, sẽ không ngừng ca ngợi ông là một người quyền cao chức trọng lại khiêm nhường sẵn sàng phục vụ”.

* ) Tam công: Thừa tướng, Thái uý, Ngự sử đại phu;

Cửu khanh: Phụng thường; Tông chính Lang trung lệnh ;Vệ uý ; Thái bộc Đình uý ; Điển khách Thiếu phủ ; Trị túc nội sử.

 

II.         Khiêm nhường phục vụ là sứ vụ của Chúa Giêsu (x. Mc 10,45; Pl 2, 6-11). Khiêm nhường phục vụ là việc Người muốn nêu gương khi rửa chân cho các tông đồ, và Người còn truyền lệnh cho các ông phải làm điều đó (x. Ga 13,1-15). Nhưng, tự bản tính, dường như con người có niềm khao khát cháy bỏng cho mình có danh tiếng, tài năng và quyền thế để làm chủ cuộc đời mình và làm chủ cuộc đời người khác.

Hiện tượng Giacôbê và Gioan (Mt 10, 2) trong Tin Mừng hôm nay chứng minh điều đó. Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay xảy ra khi Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó lần thứ ba và cũng là lần cuối. Trong lần loan báo này, Người nói về cuộc Thương Khó với nhiều chi tiết nhất (x. Mt 20, 18-19). Người đang hướng tới con đường Thập Giá để xóa mình đi trong khi hiến thân phục vụ. Các tông đồ lại nghĩ đến giấc mơ quyền bính của mình sắp thành hình.

Chúa Giêsu bảo các ông Giacôbê và Gioan: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Người bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được” (Mt 20,22-23).

Chúa Giêsu chỉ quan tâm đến chén Người sắp uống, thậm chí còn nói Người không có quyền. Người không có quyền theo kiểu : “thủ lãnh thế gian thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền cai quản dân” (Mt 20, 25). Quyền của Chúa Giêsu là quyền người tôi tớ hiến thân phục vụ (x. Mt 20, 25-27).

Người nêu ra cách thức thi hành quyền giữa các môn đệ hoàn toàn ngược hẳn với cách thức bình thường. Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng lời của Người rất triệt để: “ai muốn làm lớn…ai muốn làm đầu…”. Người không nói: “ai được đặt làm lớn; ai được đặt làm đầu”. Nhưng Người nói đến ý muốn, và ý muốn này đang có nơi tất cả các môn đệ xưa kia và cũng đang có nơi tất cả chúng ta thời đại hôm nay.

Chúa Giêsu không nêu ra một nguyên tắc xuông, nhưng Người luôn luôn nói điều Người là. “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng  để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). “Cũng như” thường được hiểu là các môn đệ và chúng ta được mời gọi soi gương Người, sống theo cung cách của Người.

Đó chính lẽ sống của Người. Nên, phục vụ đối với Người, không chỉ là một công trình phải cố gắng thực hiện cho bằng được, nhưng trên tất cả, phục vụ là lý do hiện hữu của Người. Vì, quyền bính và chức vụ không có tình yêu và tôn trọng là bất nhân, sẽ không biết động lòng trắc ẩn trước nỗi đau, trước nhu cầu của tha nhân.

Phục vụ và hiến dâng phải là lẽ sống của Kitô hữu, bởi vì chính Kitô hữu đang được Chúa Giêsu phục vụ và hiến dâng mỗi ngày trong Thánh Lễ giữa lòng Hội Thánh. Trong phục vụ và hiến dâng, Người đồng hành phục vụ và hiến dâng với Kitô hữu, và Người cũng phục vụ và hiến dâng trong Kitô hữu, như Hội Thánh vẫn tuyên xưng trong mỗi Thánh Lễ: “Chính nhờ Người, với Người, và trong Người”.

Để làm triển nở đời sống phục vụ và hiến dâng, Kitô hữu hy sinh mạng sống mình. Đó là “qui luật của muôn đời của Tình Yêu” (x. Ga 15,13). Người đã đến trần gian để đi đến cái tận cùng con đường “hạt lúa mì” (x. Ga 12, 20-33), biến “phục vụ và hiến dâng” trở thành “hạnh phúc” cho Kitô hữu (x. Mt 25, 34). 

Đối với thánh Phaolô (x. 2 Cr 4,7-15), “hạnh phúc” này là kho tàng các hồng ân của Thiên Chúa và sức mạnh của Chúa Giêsu ban cho Kitô hữu. Nhưng kho tàng này lại chứa đựng trong bình sành là thân xác yếu đuối của con người, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, không phải từ con người. Vì thế, thánh nhân xác tín và mời gọi Kitô hữu cũng xác tín, dù cuộc sống có :

+ Bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp.

+ Bị hoang mang, nhưng không tuyệt vọng.

+ Bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi.

+ Bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt.

 

III.        Nhân ngày giỗ thứ 85 (+ 1933) của Cha Tổ Phụ M. Biển Đức Thuận, chúng ta nhắc lại một vài lời giáo huấn của ngài, để sống “hạnh phúc” trên:

Trong ‘Lời Trối’, Cha Tổ Phụ trối rằng : “Cha khuyên chúng con hãy nhớ: đàng nhân đức là tuân theo Thánh Ý Chúa, mà theo Thánh Ý Chúa là giữ Luật Dòng cho trọn. Cha còn nói một lần nữa: chúng con muốn nên thánh thì hãy giữ Luật Dòng; muốn nên thánh thì hãy giữ Luật Dòng” (Di Ngôn – DN, 150).

Thánh Ý Chúa muốn thầy Dòng Xi-tô Thánh Gia chúng ta là gì ? Cha Tổ Phụ dạy (x. DN, 128) :

– Không nên than van kêu trách (x. Tu Luật 4, 5, 23, 34, 35, 40, 41, 53).

– Phần vụ của thầy dòng chúng ta, không phải là hoạt động bên ngoài (x. SL Đức Ái Hoàn Hảo, 9), nhưng là việc dâng lên Chúa bài ca chúc tụng liên lỉ (x. Thánh Augustino chú giải Tv 72,1 : ‘Hát hay là cầu nguyện hai lần – Bene cantare, bis orare’).

            – Phước của đời chúng ta, là trở nên một “loài chim”, hót lên lời ca ngợi Chúa, theo gương Đức Mẹ, là “con chim hót hay hơn cả”.

            Nhờ lời chuyển cầu của Cha Tổ Phụ, chúng ta cầu nguyện cho nhau luôn một lòng tín thác vào Chúa, và luôn có lòng tôn kính Mẹ Maria.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI