NÊN YẾU VÌ YÊU
Sr M.Thomas Aquino, Xitô Vĩnh Phước
Sự kiện Giáng Sinh đã tiết lộ nhân tính của Ngôi Hai Thiên Chúa. Những con người đầu tiên đón nhận sự kiện trọng đại này khiến cho người nghe không tin được: Các mục đồng. Sau khi tạm biệt các thiên sứ đã loan tin, họ đã bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết” (Lc 2,15). Cái biết của họ đã không đơn thuần chỉ dừng lại ở sự kiện, nhưng điều lớn lao biết mấy là qua sự kiện, Thiên Chúa đã gửi đến cho họ mặc khải về chính yếu tính của Người.
Xung quanh sự kiện Giáng Sinh của Con Thiên Chúa là bao chi tiết lạ lùng, gây kinh ngạc: những kẻ bé mọn được đón nghe một Tin Mừng trọng đại. Quả thật, “Chúa đã tỏ cho ta biết”: Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô Đức Chúa, Đấng cứu chuộc muôn dân đã sinh ra. Chúa đã tỏ “ta” mà ta đây là những kẻ bé mọn và trong xã hội, ta chẳng mấy giá trị và chẳng được đề cao. Thế mà Chúa tỏ cho ta biết bởi vì bản thân Ngài đã chọn địa vị cũng như ta. Nếu Chúa chọn sinh ra nơi gia đình những bậc vị vọng, những người có địa vị thì sẽ ra sao? Họ sẽ không để Ngài quấn tã và nằm trong máng cỏ. Nhưng chăn ấm nệm êm sẽ được trưng dụng, vồn vã săn sóc Ngài. Thế rồi khi nghe biết, thay vì hối hả, ta sẽ thật do dự trong quyết định nên hay không cho việc đến viếng thăm Ngài. Giả như có đến nơi và được biết nơi Ngài ở là nhà sang cửa đẹp thì hẳn ta sẽ thật ngại ngùng bày tỏ tâm tình tôn kính, mến yêu, biết đâu nhìn vào người ta sẽ nói ta là kẻ “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Nhưng không, Ngài đã không chọn những điều ấy. Ngài chọn lấy thân kiếp nghèo nàn để gần gũi ta và để ta tin là Ngài yêu ta. Ngài yêu ta thật vì ta nhận ra mình chẳng có gì để cậy và cho là mình đáng yêu. Chính qua đó ta lại nhận được mặc khải phi thường và quan trọng về yếu tính của Ngài, một “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Và khi suy chiêm, ta chỉ có thể diễn tả như thánh Louis Gonzaga: “Khi suy chiêm về tình yêu Thiên Chúa, tâm trí tôi bàng hoàng”. Không bàng hoàng sao được, bởi vì “làm sao cao cả như Ngài mà đã trở thành con người như ta?”. Thánh Bênađô đã bận tâm với suy tư ấy, và với trực giác đức tin, khi khám phá ra, Ngài đã thốt lên: “Ôi sức mạnh của tình yêu”. Chỉ có tình yêu mới giải nghĩa được những gì Thiên Chúa làm khiến con người sửng sốt và “tưởng mình như giữa giấc mơ” (Tv 125,1). Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm quả đã lạ lùng, lại còn chọn đứng chung vị trí của những kẻ yếu hèn khiến con người để tâm suy nghĩ: “Hóa ra Thiên Chúa không đánh giá con người dựa theo những thước đo và tiêu chuẩn nhất thời, phiếm diện như người người vẫn dùng để đánh giá nhau”. Quả thật, chính vì Thiên Chúa thương xót mà Ngài đã làm cho tôi ngạc nhiên về chính mình và chỉ biết hãnh diện vì mình được yêu. Tôi trở thành lý do khiến Con Thiên Chúa không ở xa để thương, nhưng đã nên giống và ở gần tôi. Nhưng chẳng lẽ chỉ dừng lại ở đó? Sự thân hành của Thiên Chúa cao cả quyền uy đến với tôi, lại không thôi thúc tôi đến với những anh em chung chia phận người với tôi, để rồi tôi cũng như anh, chúng ta sẽ “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa” (Lc 2,20) vì chúng ta đều đã nhận ra tình yêu cao cả mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Đó là hệ quả tất yếu vì tình yêu tôi đã lãnh nhận nhưng không.
Việc Thiên Chúa tỏ bày chính mình tự bản chất đã mang đến cho kiếp nhân sinh một niềm an ủi sâu xa. Bởi trong dòng chảy cuộc đời với biết bao thăng trầm đan chen, Thiên Chúa nhập thể và nhập thế đã diễn tả tình yêu cứu chuộc, một tình yêu nhập cuộc. Ước mong mặc khải cao quý này giúp con người được nâng đỡ, khơi lên trong tâm hồn con người niềm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và tình thân liên đới giữa người với người mà dấn bước trọn vẹn hành trình tiến về Tình Yêu vĩnh cửu.