Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

Thư dịp Lễ Hiện Xuống 2023 của Tổng phụ Dòng Xitô

Thư dịp Lễ Hiện Xuống 2023 của Tổng phụ Dòng Xitô

“ANH EM HÃY Ở LẠI TRONG TÌNH THƯƠNG CỦA THẦY” (Ga 15,9)

Anh chị em thân mến, với lá thư dịp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống này, tôi muốn kết thúc loạt bài suy niệm của chúng ta qua bài huấn từ của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với các thành viên Tổng Công nghị nhân dịp tiếp kiến ngày 17 tháng 10 năm 2022, giờ đây chúng ta sẽ khám phá sâu hơn lời mời gọi của ngài để sống ơn gọi của chúng ta trong bản giao hưởng vĩ đại của Giáo hội.

Trái tim của Đấng Phục Sinh

Trong chương 15 của Tin mừng theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với chúng ta một điều tuyệt vời cần phải thường xuyên suy gẫm: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Chúa Giêsu ban cho chúng ta tất cả những gì Người có. Không có món quà nào cao cả và tuyệt vời hơn là được Chúa Con yêu thương chúng ta như như chính Người đã yêu mến Chúa Cha. Quà tặng của Chúa Thánh Thần, món quà Hiện Xuống, đó chính là sự thông truyền Tình Yêu Ba Ngôi, được Chúa Cha thực hiện cho chúng ta qua Chúa Con, Đấng làm cho Giáo hội được sinh động.

Khi hiện ra ở Nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu phục sinh đã diễn tả món quà này: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,19-23).

Thời gian vừa qua, tôi đã tổ chức một ngày tĩnh tâm để suy tư về đời sống thánh hiến ở thành phố Vilnius, thủ đô nước Lithuania. Có một nhà thờ được mở cửa suốt ngày đêm để chầu mình thánh Chúa, cũng như để tôn kính ảnh tượng Lòng thương xót Chúa khi hiện ra lần đầu tiên với chị thánh Faustina Kowalska. Đó là một i-con, ảnh Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra vào ngày Phục Sinh như Tin mừng Gioan đã mô tả về Người. Các nhà thần bí Xitô của chúng ta rất thích chiêm ngắm Thiên Chúa, khi Người còn từ trên Thập giá và sau khi Phục sinh, Đấng luôn đón nhận chúng ta trong những vết thương còn rớm máu của Người, đó chính dấu chỉ không thể xóa nhòa và nguồn mạch vô tận của tình yêu khôn cùng của Người đối với chúng ta là những kẻ tội lỗi. Trong nhà thờ ở Vilnius đó, người ta nhận thấy rằng, cảnh Chúa hiện ra vào ngày Phục Sinh vẫn hiện diện với chúng ta, như nguồn yêu thương, niềm vui và bình an, thổi hồng ân của Đấng An Ủi xuống trên chúng ta và trên thế giới. Chúa Giêsu luôn chờ đợi chúng ta, luôn lôi kéo chúng ta đến dòng suối này, để biến chúng ta thành khí cụ thông truyền tình yêu xót thương của Người dành cho nhân loại này.

Đôi mắt của cô dâu

Nhưng trong khung cảnh Nhà Tiệc Ly vào chiều ngày Phục Sinh, rõ ràng là tất cả mầu nhiệm này có một mối liên kết không thể tách rời với cộng đoàn các môn đệ và sự hiệp nhất của họ. Chúng ta hiểu điều này nhờ sự vắng mặt và cứng tin của thánh Tôma. Chúa Giêsu không muốn hiện ra riêng với Tôma vì các tông đồ phải là những chứng nhân đầu tiên rằng, hình thức hiện diện chắc chắn của Đấng Phục Sinh chính là sự hiệp thông của Giáo hội. Bí quyết để nhìn thấy Chúa Giêsu và tin vào Người không phải là do khả năng hay hay sự thánh thiện của một ai đó, nhưng là sự sẵn sàng chia sẻ đức tin với người khác. Con mắt đức tin cùng chiêm ngắm Chúa Kitô với người khác, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta. Nếu muốn được nhìn thấy Chúa, mỗi người chúng ta được mời gọi kết hợp với cái nhìn của Giáo hội, bởi Giáo hội có đôi mắt như là cô dâu tràn ngập niềm vui khi nhìn thấy Chàng Rể. Như đã xảy ra vào ngày Phục Sinh: “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20). Chỉ bằng cách kết hợp trong sự khiêm nhường và tạ ơn trong ánh mắt chia sẻ này, chúng ta mới sống đức tin với niềm vui, nghĩa là với tình yêu hân hoan vì Đấng Yêu mến. Một người thực sự gắn bó với đức tin của Giáo hội khi nó cho phép chúng ta tìm thấy Chúa Giêsu nơi con tim hân hoan được chia sẻ với người khác.

Tôi luôn suy nghĩ về điều này khi chứng kiến anh em đan sĩ của chúng ta ở Êthiôpia khi họ cử hành phụng vụ như là một lễ hội: ca hát và nhảy múa với đầy niềm vui, thường là cùng với các Kitô hữu. Như tôi mới đây đã có kinh nghiệm ở Mendida nhân kỷ niệm một trăm năm thành lập đan viện Lazarist, sau đó nó được giao lại cho Dòng Xitô. Thánh lễ kéo dài gần năm tiếng đồng hồ: một tiệc cưới đích thực của Con Chiên. Niềm vui cho chú rể là toàn bộ con người của cô dâu. Thông thường trong các cử hành phụng vụ, chúng ta hạn chế chú ý đến bề ngoài và ngoại cảnh, hoặc than khóc nếu chúng ta không thể diễn tả được nữa, mà quên rằng vẻ đẹp thực sự của con người là niềm vui, nụ cười, chứ không phải hình thức bề ngoài. Tôi sẽ không bao giờ quên khuôn mặt của một cậu bé vô cùng dị dạng mà tôi đã gặp nhiều năm trước. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một khuôn mặt đẹp như vậy, bởi vì cậu ấy tràn đầy niềm vui khi gặp gỡ mọi người. Thực ra, vẻ đẹp sâu thẳm của con người là ở trong lòng. Thật vậy: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, nhưng Thiên Chúa thấy tận đáy lòng” (1Sm 16,7).

Niềm vui hòa điệu

Vì thế, niềm vui Kitô giáo luôn như là một bản giao hưởng. Đó là niềm vui mà mỗi người chúng ta cảm nhận được nếu họ chấp nhận trở thành nhạc cụ của bản giao hưởng vĩ đại mà Chúa Thánh Thần luôn cất lên trong Giáo hội.

Trong buổi triều yết, Đức Giáo hoàng nói với chúng ta việc cùng đi theo Chúa Kitô “liên quan đến một nỗ lực hoán cải liên tục […] một sự hoán cải, từ một cái tôi khép kín sang một cái tôi rộng mở, từ một trái tim tập trung vào chính mình sang một trái tim vượt ra khỏi chính mình và hướng tới tha nhân. Và bằng cách loại suy, điều này cũng áp dụng cho các cộng đoàn: từ một cộng đoàn tự quy chiếu về mình đến một cộng đoàn vươn ra hướng tới tha nhân, theo nghĩa tốt đẹp nhất của hạn từ này, đó là tiếp đón và truyền giáo. Đó là chuyển động mà Chúa Thánh Thần luôn cố gắng thúc đẩy trên Giáo hội, hoạt động trong từng thành viên và trong mỗi cộng đoàn và mỗi hiệp hội. Một phong trào có từ ngày Lễ Ngũ Tuần, như một “phép rửa” của Giáo hội. Sau đó, Chính Chúa Thánh Thần đã linh hứng và khơi dậy rất nhiều đặc sủng và nhiều hình thức sống, như một “bản giao hưởng” tuyệt vời. Các hình thức rất nhiều, rất khác nhau, nhưng để trở thành một phần của bản giao hưởng của Giáo hội, thì họ phải tuân theo sự chuyển động này của Chúa Thánh Thần. Không phải là một cuộc hành trình trong sự hỗn loạn, không theo một trật tự cụ thể nào: nhưng là một đi chung cùng nhau, tất cả đều hướng về một trái tim duy nhất của Giáo hội, đó là tình yêu.”

Trái tim duy nhất của Giáo hội chính là tình yêu Chúa Kitô, Đấng liên kết các môn đệ và đồng thời sai họ ra đi: “‘Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.’ Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’” (Ga 20,21-22). Sự cấp bách mà Đức Giáo hoàng truyền đạt cho chúng ta cũng giống như điều mà Chúa Kitô đã truyền đạt cho các Tông đồ và cũng như cho toàn thể Giáo hội: sự cấp bách để sống ơn gọi của chúng ta tập trung vào tình yêu duy nhất là ôm lấy toàn thể nhân loại.

Lối nói ví về bản giao hưởng âm nhạc giúp chúng ta hiểu điều này phải xảy ra như thế nào, bởi vì “bản giao hưởng” có nghĩa là những nhạc cụ cùng nhau phát ra âm thanh to nhỏ một cách hòa điệu. Điều này ngụ ý sự hiệp nhất, nhưng một sự hiệp nhất lan tỏa, vang vọng, tự lan tỏa. Trong một bản giao hưởng, các nhạc cụ kết hợp với nhau để vang xa hơn, để truyền tải tốt hơn vẻ đẹp của âm nhạc. Chúa Giêsu cũng yêu cầu các môn đệ tập trung tại nhà Tiệc Ly để có thể đón nhận Thần Khí, Đấng lập tức sai các ông đi khắp thế gian.

Chúng ta chỉ có thể hiểu điều này phải diễn ra như thế nào đối với các cộng đoàn và toàn Dòng của chúng ta nếu chúng ta tìm kiếm sự hiệp nhất trên hết, sự hiệp thông trong cầu nguyện và trong đời sống huynh đệ, điều mà Chúa Giêsu đã yêu cầu các môn đệ trước khi về trời: “Xin cho tất cả nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). Khi chúng ta vâng lời Đức Kitô khi Người cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa chúng ta, Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta có khả năng truyền đạt cho thế giới vẻ đẹp của Tin mừng. Ai đón nhận sự hiệp nhất trong Chúa Kitô thì nhận được từ Chúa Thánh Thần ân sủng của tình yêu phổ quát, ân sủng thông truyền Chúa Kitô cho thế giới.

Chúng ta phải biết ơn lòng quảng đại của các anh em Xitô Nhặt Phép (Trappist) ở đan viện Thánh Mẫu Neiges đã trao lại cho các chị em ở Boulaur của chúng ta đan viện của họ, nơi mà thánh Charles de Foucauld, vị thánh của “tình huynh đệ đại đồng,” đã vào tu ở đó và mãi ở đó để kết nối con người lại với nhau! Chúng ta hãy để mình được tưới mát bởi sự nuôi dưỡng quý báu này từ người cha chung kính yêu, Đức Giáo hoàng Phanxicô!

Ân huệ của sự đa dạng

Với lý do này, Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta hãy sống sự đa dạng đặc trưng của chúng ta như một lời mời gọi tìm kiếm sự hiệp nhất trong Chúa Kitô chứ không phải trong những gì chúng ta là. Sống bản giao hưởng của Giáo hội có nghĩa là hòa hợp mọi sự đa dạng trong sự hiệp thông của một Nhiệm thể Chúa Kitô mà Thần Khí sự sống ban cho.

Chúng ta đáng trích dẫn lại bài huấn từ của Đức Phanxicô, nhấn mạnh đến sự hiệp thông đa dạng này một cách tích cực: “Giống như Nhóm Mười Hai, những người luôn ở với Đức Giêsu và bước đi với Chúa, các ngài đã không tự chọn nhau, nhưng chính Chúa đã chọn các ngài. Không phải lúc nào cũng dễ dàng sống hòa hợp với nhau: bởi họ rất khác nhau, mỗi người đều có những “khía cạnh” và niềm kiêu hãnh riêng của mình. Chúng ta cũng vậy, và để cùng nhau tiến bước trong sự hiệp thông thì không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, hồng ân thánh hiến mà chúng ta đã đón nhận không bao giờ hết kinh ngạc, và mang lại cho chúng ta niềm hân hoan: chúng ta được quy tụ trở thành cộng đoàn của Chúa, như chúng ta đang thể hiện, dù không hoàn hảo, không đồng nhất, không, không phải như thế, nhưng chúng ta được Chúa quy tụ, được tham gia, được kêu gọi hiện hữu và cùng nhau bước theo Đức Giêsu, là vị Tôn Sư và là Đức Chúa của chúng ta

Quay trở lại hình ảnh – hay đúng hơn là âm thanh – của bản giao hưởng, tôi đề nghị anh chị em hãy ôm ấp hơi thở truyền giáo cao cả của Giáo hội bằng cách tăng cường tính bổ sung giữa các cộng đoàn nam và các cộng đoàn nữ, cũng như sự đa dạng văn hóa giữa Á châu, Phi châu, Mỹ châu Latinh, bắc Mỹ, và Âu châu. Tôi khuyến khích anh chị em trên hành trình đa diện này, dù không hề dễ dàng, nhưng chắc chắn có thể là một kho báu cho các cộng đoàn và cho toàn Dòng của anh chị em.

Tôi cám ơn về sự dấn thân của anh chị em, đã nỗ lực cộng tác, điều mà toàn thể Giáo hội đang thực hiện theo nghĩa này trong tất cả mọi cộng đồng Giáo hội địa phương: kinh nghiệm gặp gỡ với sự đa dạng văn hóa hiện đang là một dấu chỉ của thời đại hôm nay. Dòng Xitô của anh chị em chính là một sự đóng góp thật quý giá, đặc biệt phong phú, bởi vì xuất phát ơn gọi chiêm niệm của anh chị em, anh chị em không chỉ bằng lòng với việc quy tụ sự đa dạng lại với nhau ở mức độ bề ngoài, nhưng anh chị em còn cảm nghiệm sự đa dạng đó ở mức độ nội tâm, cầu nguyện, đối thoại tâm linh. Và điều này làm phong phú thêm “bản giao hưởng” với những cộng hưởng sâu sắc hơn và mang tính tổng thể hơn.”

Đức Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta rằng không được hủy bỏ sự đa dạng về bản chất, giới tính, văn hóa, chủng tộc, tính cách, thị hiếu, cũng như đặc sủng. Vì trong những điều này, Chúa Giêsu, Đấng đã chọn chúng ta và kêu gọi chúng ta sống chung với nhau, Người muốn chúng ta nghe tiếng của Người, mời gọi chúng ta hiệp thông trong tình yêu chịu đóng đinh của Người. Sự đa dạng khiến cho một người cảm thấy anh chị em mình thật xa cách, thực ra đó là tiếng gọi của Chúa Kitô, mời gọi chúng ta tham dự sâu xa hơn vào tình yêu của Thánh Tâm Người.

Chúng ta phải thừa nhận rằng thường thì chúng ta có xu hướng san bằng những khác biệt để không làm phiền nhau. Cuối cùng, chúng ta muốn mọi người thích ứng với những gì chúng ta cho là tốt và vừa ý cho chính mình, ở mọi cấp độ: tư tưởng, cảm thức tôn giáo, quan niệm sống và ơn gọi, v.v… Chúng ta quên rằng ẩn sau những khác biệt giữa các môn đệ Chúa Kitô là những con đường và những cây cầu mà Chúa Kitô mời gọi chúng ta đi và xây dựng để được kết hợp chặt chẽ hơn với Người, theo sát Người hơn, cùng nhau bước theo Người. Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta sống điều này một cách sâu sắc, nhắc nhở chúng ta rằng chiêm niệm không có nghĩa là chạy trốn khỏi tha nhân, mà là sống các mối tương quan với chiều sâu của trái tim và tình yêu mà Chúa Kitô thổi vào chúng ta khi Người ban Thánh Thần cho chúng ta. Biết bao cộng đoàn bị chia rẽ hay tệ hơn nữa là sống những tương quan dửng dưng, vì sợ đi con đường hướng về trái tim Chúa Kitô! Thật là mầu nhiệm khi nghĩ rằng Chúa là người bạn riêng của mỗi người anh chị em mình, rằng đối với Người mỗi môn đệ là một “môn đệ Chúa yêu,” rằng Chúa Kitô đã đổ hết máu mình ra cho mỗi người! Có lẽ trước hết chúng ta nên xin Chúa Thánh Thần mặc khải cho chúng ta biết tình yêu của Chúa Kitô đối với mỗi anh chị em mà chúng ta sống chung, đặc biệt những người không đáng mến đối với chúng ta.

Những nốt nhạc đầu tiên của hy vọng

Nhiều người trong chúng ta có thể tự hỏi rằng: “Vâng, thật tuyệt vời khi nói về một bản giao hưởng của sự hiệp thông. Nhưng trong những cộng đồng và những hoàn cảnh mà chúng ta dường như bị thu nhỏ đến cùng cực, thì hỏi làm sao chúng ta có thể chơi một bản giao hưởng tỏa ra niềm vui và vẻ đẹp của Chúa Kitô được chứ?”

Có lẽ chính vì tôi quá thường xuyên tự chất vấn mình bằng những câu hỏi này, liên quan đến bản thân hoặc các cộng đoàn mà tôi thăm viếng và đồng hành, mà tôi đặc biệt bị ấn tượng trong phụng vụ khi đọc Sách Công vụ Tông đồ thuật lại việc Phaolô và Sila bị cầm tù ở Côrintô (x. Cv 16,22-34). “Đám đông nổi lên chống hai ông. Các quan tòa, sau khi đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận” (Cv 16,22-24). Thật khó để tưởng tượng một tình huống về thể chất hoặc tinh thần tồi tệ hơn thế. Ai hiểu được nỗi đau nào hơn nỗi đau mà da thịt bị đánh bầm dập, vì những vết trầy xước và vết rách nát trên thân thể trần trụi! Ai biết tình trạng đối xử trong nhà tù đó như thế nào! Ai biết được những tù nhân khác trong nhà tù đó khó ưa ra sao!

Nhưng lạ thay, từ những khó khăn thiếu thốn trong cảnh lao tù, Phaolô và Sila bắt đầu hát những bài thánh ca ngợi khen Thiên Chúa, các vị đó bắt đầu một bản giao hưởng thiêng liêng. Họ không dừng lại ở việc than thở về hoàn cảnh và tình trạng ngặt nghèo của mình, về những vết thương và sự bất công mà họ phải gánh chịu. Các ngài thậm chí còn không nghĩ đến việc được nghỉ ngơi xứng đáng. Các ngài bắt đầu ca hát và cầu nguyện cùng nhau trong đêm tối. Tôi đoán rằng chất lượng của bài thánh ca đó không có gì đặc biệt. Chưa hết, những người bạn tù của các ngài, chắc chắn là những người ít hiểu biết về âm nhạc hoặc tôn giáo, đã không bắt đầu la hét nguyền rủa họ để ngừng làm phiền giấc ngủ của họ. “Vào quãng nửa đêm, ông Phaolô và ông Sila hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát” (Cv 16,25). Bài thánh ca của hai người môn đệ đã thu hút những người bạn tù, đã thu hút tâm hồn bị xơ cứng và khô cằn bởi thói hư tật xấu và bị băng hoại bởi không biết đến sự hối hận là gì cả. Giờ đây, trong họ, trái tim con người được tạo ra cho Chúa, được tạo ra cho tình yêu thương, sự thuần khiết, hòa bình, lòng thiện hảo, tình bằng hữu lại được bừng cháy. Ngay cả khi không ca hát, thì trái tim của họ cũng hòa vào bản giao hưởng của hai anh em tín hữu bị đòn rất dữ dội để chia sẻ cảnh ngộ đau buồn của họ. Tình tiết tiếp theo – trận động đất đã giải thoát tất cả các tù nhân, mở toang tất cả các cửa ngục, việc hoán cải và rửa tội cho người lính canh cùng cả gia đình trở thành Kitô hữu, bữa tiệc linh đình và có lẽ cả Bí tích Thánh Thể – không gì khác hơn là sự vang dội hơn nữa của bản giao hưởng được bắt đầu bởi hai vị Tông đồ khi họ quyết định chỉ đơn giản khi họ bắt đầu cùng nhau hát thánh ca trong bóng tối của cái đêm tồi tệ đó. Nhưng trong trái tim của những người bạn tù, được chinh phục bởi bài thánh ca Kitô giáo, bao gồm cả thế giới loài người mà chính Chúa Kitô đã mang Tin mừng đến cho họ. Ngay khi những tù nhân bắt đầu lắng nghe Phaolô và Sila, thì sứ vụ của hai vị tông đồ đã đạt đến tận cùng của thế giới và của lịch sử, chính bởi mối dây ràng buộc này nằm ngay trong tâm hồn chúng ta là những tội nhân, mà Đức Kitô đã đến để trao yêu thương và cứu rỗi, để dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha.

Vì thế, chỉ cần bắt đầu chia sẻ lời cầu nguyện và ca tụng Thiên Chúa một cách huynh đệ giữa chúng ta với nhau, như Phaolô và Sila, là đủ để tạo nên một bản giao hưởng vang tới tận cùng thế giới. Đó chính là thành quả đích thực và vĩnh cửu của ơn gọi đời sống chúng ta. Điều này, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với chúng ta rằng, chính điều này đã “làm phong phú ‘bản giao hưởng’ với những âm vang sâu sắc hơn và sinh nhiều hoa trái hơn.”

Cùng với Mẹ Maria và các môn đệ tụ họp trong Nhà Tiệc ly, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn này, để tái khám phá một thành quả mới mẻ, đầy hy vọng, khi sống ơn gọi và sứ vụ của chúng ta trong lòng Giáo hội và cho toàn thể nhân loại!

Mauro-Giuseppe Lepori, Tổng phụ Dòng Xitô

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cáo phó: Thầy Phêrô Khoa Trần Văn Thướng

  CÁO PHÓ Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn kính báo Đan sĩ M. Phêrô Khoa Trần Văn Thướng, O.Cist. sinh...

Mừng Thượng thọ Cửu tuần chị M. Têrêsa Avila Lưu Thị Nhàn

Mừng Thượng thọ Cửu tuần chị Maria Têrêsa Avila Lưu Thị Nhàn Tuổi già là ân phúc Chúa ban không chỉ riêng cho bản thân...