THẦN KHÍ SÁNG TẠO VÀ CANH TÂN
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7,12-13; Ga 20,19-23)
M. Michael Hội, Phước Lý
“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống … ”. Đó là niềm tin cơ bản và nền tảng về Ngôi Ba Thiên Chúa, mà mỗi người Kitô hữu chúng ta thường tuyên xưng trong khi cử hành thánh lễ Chúa nhật hay lễ trọng. Khác với Ngôi Hai, Đấng đã đi vào lịch sử nhân loại trong tư cách là một con người cụ thể – Đức Giêsu Kitô, Ngôi Ba Thiên Chúa là Đấng ẩn thân, hoàn toàn vô hình. Tuy là một vị “Thiên Chúa ẩn mình”, nhưng Ngôi Ba vẫn luôn hiện diện và đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử sáng tạo và cứu độ thế giới. Trong ngày đặc biệt mừng kính Chúa Thánh Thần hôm nay, chúng ta cùng điểm qua những công trình quan trọng của Ngài trong suốt chiều dài lịch sử vũ trụ, đặc biệt trong công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu được tiếp nối qua Giáo Hội.
Ngay từ thuở tạo thiên lập địa, Thánh Thần đã có ở đó, Ngài là cộng tác viên trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa: “Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Là nguồn của sự sống, Thánh Thần đã thổi sinh khí vào bụi đất và biến nó thành sinh vật sống động trong mầu nhiệm sáng tạo con người (x. St 2,14), Ngài cũng phục hồi sự sống cho con người từ những đống xương khô trong thị kiến của Êdêkiel về ngày cánh chung (x. Ed 37,14). Quả thật, Thánh Thần là Đấng ban sự sống và là Đấng bảo tồn sự sống, nếu không có Thần Khí thì mọi sinh vật sẽ bị diệt vong và con người cũng sẽ trở về cát bụi (x. G 34,14-15).
Không chỉ trong công cuộc sáng tạo và bảo tồn thế giới, Ngôi Ba Thiên Chúa còn là tác nhân chính trong nhiệm cục cứu độ nhân loại. Trong Cựu ước, ngay khi con người phạm tội, Thánh Thần đã mặc khải hình ảnh một Thiên Chúa luôn khoan dung tha thứ và vạch ra một chương trình cứu độ. Ngài soi sáng và hoạt động trong các thủ lãnh và ngôn sứ, để các ông giảng dạy và lãnh đạo dân Israel, một dân tộc Chúa đã chọn. Cụ thể, Thánh Thần ban ơn khôn ngoan cho Môsê, Giôsuê, David và những người Chúa chọn (x. Ds 11; Dnl 34,9; 1Sm 16,13), hay cho các thủ lãnh sức mạnh và sự can đảm để chiến thắng quân thù như trong các trường hợp của các ông Ôtniel, Giéptê, Samson … (x. Tl 3,10; 11,29; 14,6; 15,14). Tất cả những hoạt động đó của Thánh Thần nhằm mặc khải và chuẩn bị cho Ngôi Hai giáng thế làm người cứu chuộc nhân loại.
Chính trong mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần cũng giữ một vai trò thiết yếu. Ngài luôn xuất hiện và hoạt động trong các biến cố trọng đại của Đức Kitô, từ giáng sinh, tử nạn cho đến phục sinh. Đức Trinh nữ Maria đã thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu do quyền năng của Chúa Thánh Thần, nên Mẹ được giữ cho luôn đồng trinh vẹn tuyền và đảm bảo chắc chắn cho thiên tính của Đức Giêsu (x. Lc 1,35). Khi chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng nước Thiên Chúa, Thánh Thần đã ngự xuống và ở lại trong Đức Giêsu trong sự kiện Ngài chịu phép rửa. Điều này cũng chứng thực rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messias, Đấng được Thánh Thần xức dầu tấn phong. Thánh Thần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ trong các hoạt động của Đức Giêsu như chịu cám dỗ và vượt qua thử thách trong sa mạc (x. Mc 1,12). Cũng nhờ Thần Khí, Ngài đã chữa lành các bệnh nhân, xua đuổi ma quỷ và thực hiện nhiều phép lạ khác (x. Mt 11,5; 12,28). Đặc biệt nhờ Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu đã tự hiến tế qua cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc nhân loại (x. Dt 9,14). Và sau ba ngày Ngài đã phục sinh vinh hiển nhờ tác động của Thánh Thần (x. Rm 1,4; 1Pr 3,18). Tóm lại, Chúa Thánh Thần luôn ở với Đức Giêsu, thúc đẩy và trợ lực Ngài trong suốt sứ mệnh cứu chuộc nhân loại. Hay có thể nói một cách khác, Ngôi Ba Thiên Chúa chính là Thần Khí của Đức Kitô, Thần Khí được Thiên Chúa sai đến thế gian qua và cùng với Ngôi Hai (x. Ga 14,26).
Theo như trình thuật của thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho các môn đệ bằng cách thổi hơi trên các ông. Cùng với việc trao ban Thần Khí, Chúa Giêsu còn giao cho các ông một sứ vụ rất quan trọng, sứ vụ tiếp nối chương trình cứu độ thế giới của Ngài, mang bình an của Ngài đến cho mọi người. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Sứ vụ mà Chúa Giêsu đã hoàn thành theo thánh ý Chúa Cha, nhờ Chúa Thánh Thần, thì nay Ngài cũng truyền lại cho các Tông đồ, những người đại diện cho Giáo Hội. Thật vậy, công trình cứu độ đã hoàn tất nơi cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng Tin Mừng này còn phải được loan báo, để muôn dân đón nhận và tin theo. Đó chính là sứ mệnh của Giáo Hội nói chung, cách riêng là nhiệm vụ của chúng ta, những người theo Đức Kitô.
Hôm nay, ngày lễ Ngũ Tuần, chúng ta long trọng mừng đại lễ Chúa Thánh Thần cũng là mừng sinh nhật của Giáo Hội. Như lời Chúa Giêsu đã hứa, hôm nay Thánh Thần, “Đấng Bảo Trợ”, “Thần Khí sự thật”, đã được trao ban cho các môn đệ một cách tỏ tường và qua đó Giáo Hội cũng chính thức được khai sinh (x. Cv 2,1-11). Sau biến cố Hiện Xuống, các môn đệ không còn bối rối hay sợ hãi, nhưng nhờ Thần Khí soi sáng các ông đã lĩnh hội được giáo huấn của Thầy Giêsu và thấu hiểu được mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ngài, nhờ đó các ông mạnh mẽ loan báo và làm chứng về niềm tin của mình. Nhờ Thánh Thần, các tông đồ đã tập hợp được một cộng đoàn đông đảo các tín hữu theo Chúa Kitô – như sau bài giảng của Phêrô đã có khoảng ba ngàn người trở về cùng Chúa (x. Cv 2,37-41). Tất cả những người tin đều được thanh tẩy và lãnh nhận Thánh Thần nhân danh Chúa Giêsu Kitô, và tùy theo lợi ích mà Thần Khí ban cho mỗi người những đặc ân riêng (x. 1Cr 12,7). Từ nay Thánh Thần luôn hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội cũng như trong mỗi Kitô hữu, nhờ đó Giáo Hội được thánh hóa và được gọi là “cộng đoàn dân thánh” hay là Hội Thánh.
Qua Giáo Hội, nhờ bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, chúng ta cũng nhận được cùng một Thần Khí, được đầy tràn Thánh Thần. Khi chịu phép Thêm sức, ai trong chúng ta cũng rất đỗi vui mừng vì đã được lãnh nhận bảy ơn cả Chúa Thánh Thần. Nhưng theo năm tháng vì một lý do nào đó, chúng ta đã cất giấu quá kỹ các ân sủng đó và không còn cảm nhận được Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta. Xin Chúa cho mọi người chúng ta biết mở lòng để Thánh Thần tác động và tái khởi động lại các đặc sủng của Ngài, để cuộc sống của chúng ta trổ sinh “hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ“ (Gl 5,22-23).