MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
M. Michael Hội, Phước Lý
Khi tìm hiểu về con người, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy một thứ tình cảm chi phối mọi lãnh vực của đời sống loài người. Thứ tình cảm đó người ta gọi là tình yêu. Tuy nhiên, họ chẳng thể định nghĩa được nó là gì và phải chân nhận rằng: tình yêu luôn ở thể bất quy tắc, nó không lệ thuộc vào quá khứ, hiện tại hay tương lai. Tình yêu không cần lý lẽ, nhưng luôn có những phát kiến phi thường … Xét trên bình diện này, chúng ta có thể phần nào hiểu một cách loại suy tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trong ngày lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay, xin được suy niệm về Mầu Nhiệm Tình Yêu nhập thể nơi Bí tích Thánh Thể.
Khi nhìn vào vũ trụ tốt đẹp, chúng ta nhận thấy tình yêu Thiên Chúa dành cho con người thật vĩ đại. Vì yêu, Thiên Chúa đã dựng nên con người và vì con người, Ngài đã tạo dựng vũ trụ. Tình yêu tạo dựng tuy lớn lao, nhưng tình yêu cứu độ còn vĩ đại hơn nữa. Khi con người sa ngã, đánh mất sự sống nguyên tuyền (nguyên thủy – tinh tuyền), Thiên Chúa lại thiết lập một kế đồ cứu chuộc họ. Tâm điểm của lịch sử cứu độ đó là mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Sự kiện Ngôi Lời trở thành xác phàm là một mầu nhiệm tình yêu vượt lên trí hiểu của con người.
Trong một số nền văn hóa và tôn giáo Đông phương, người ta cũng tin có một vài vị thần đã hóa kiếp thành con người hay loài vật khi đến thế gian. Đó là trường hợp của thần Vishnu trong Ấn Độ giáo, hay Đức Thích Ca và các vị Bồ-tát trong Phật giáo. Tuy nhiên, chỉ duy trong Kitô Giáo, nơi duy nhất con người Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa mới thực sự trở thành người. Ngôi Lời Thiên Chúa không biến hình hay hóa thân như Ảo Thân Thuyết chủ trương, nhưng đã trở thành người giống như mọi người và ở giữa muôn người (x. Ga 1,14; Pl 2,6-7).
Mầu Nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa chỉ xảy ra một lần duy nhất nhưng vẫn còn tiếp diện nơi Bí tích Thánh Thể. Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh rồi trao cho các môn để và nói đây là mình Thầy (x. Mc 14,22). Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Có thể nói Bí tích Thánh Thể là tột đỉnh của Mầu Nhiệm Nhập Thể. Nơi Bí Tích tình yêu này, Chúa Giêsu Kitô đã tự biến mình thành Thần lương để cho những ai tin và đón nhận Ngài được sự sống đời đời. Trong tấm bánh này Chúa Giêsu hiện diện thật sự trọn vẹn con người của Ngài (totus Christus), nghĩa là cả hồn cả xác, cả nhân tính và thần tính, một sự hiện diện theo bản thể.[1] Như thế, Thánh Thể là bảo chứng cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, là nơi Chúa Giêsu thực hiện lời hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể bằng chính Mình và Máu Người trong đêm lễ Vượt qua, trước lúc chịu khổ hình, để liên kết với hy tế thập giá của Người. Như hạt lúa phải bị nghiền nát để trở nên tấm bánh nuôi dưỡng con người, Chúa Giêsu đã chịu khổ hình, chịu chết để cho nhân loại được sống. Không giống như giao ước mà dân Do Thái đã ký kết với Đức Chúa qua ông Môsê (x. Xh 24,3-8), Chúa Giêsu đã thiết lập một giao ước mới, giao ước trường tồn, bằng chính máu của Người đã đổ ra trên thập giá để cứu chuộc toàn thể nhân loại (x. Dt 9,11-15). “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,24). Nhờ đó, khi Giáo hội cử hành Bí tích Thánh Thể tưởng nhớ sự Chết và Sống lại của Chúa Kitô, hy tế tình yêu của Người được hiện tại hóa và trường tồn qua các thời đại, cho tới khi Người đến.[2]
Với Chúa Giêsu, sống bên cạnh và hy sinh cho nhân loại vẫn chưa đủ, Ngài còn muốn kết hợp làm một với người mình yêu. Nơi Bí tích Thánh Thể, Ngài đã chủ động trở thành của ăn của uống để hoà vào từng giọt máu, từng thớ thịt của con người trong một sự kết hiệp nhiệm mầu. Vì thế, khi hiệp lễ hay thường gọi là rước lễ, chúng ta được kết hiệp với Đức Kitô, Đấng cho chúng ta tham dự vào Mình và Máu Người, để làm thành một thân thể duy nhất.[3] Và khi đó, mọi người cũng được kết hợp với nhau trong một thân mình duy nhất là Giáo hội nhờ được lãnh nhận cùng một tấm bánh là Chúa Kitô (x. 1Cr 10,17). Nơi Bí tích Thánh Thể, nơi Mầu Nhiệm tình yêu hiệp nhất này, Giáo hội được biểu lộ là thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Vì chính Chúa Kitô là “đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18).
Như vậy, vì yêu Chúa Kitô đã muốn hiện diện với Hội thánh của Người theo cách thức độc nhất vô nhị trong Bí tích Thánh Thể. Nơi Bí tích Tình Yêu này, Chúa Giêsu Kitô nhập thể, hiện diện bản thể trong hình bánh rượu. Vì yêu thương chúng ta đến cùng nên Chúa đã hiện tại hóa hy tế cứu chuộc của người mỗi khi Hội thánh cử hành Bí tích này theo lệnh của Người. Nhờ đó, chúng ta được kết hiệp với Người và hợp nhất với nhau.[4]
Để kết, xin mượn lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Thư Dominicae Cenae, số 3: “Hội Thánh và trần gian rất cần sự tôn thờ bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu này. Đừng từ chối thời gian đến gặp Người để tôn thờ, để chiêm ngắm tràn đầy đức tin và sẵn sàng đền tạ những tội lỗi và tội ác nặng nề của trần gian. Chúng ta hãy không ngừng tôn thờ Thánh Thể”.
_____________________
[1] x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1374.
[2] x. CĐ Vaticano II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, số 47.
[3] x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1331.
[4] x. Sdt., số 1380.