Chúa Nhật Lòng Thương Xót C
THỰC HÀNH THƯƠNG XÓT
(Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31)
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Khi còn sống nơi dương thế, Chúa Giêsu luôn bày tỏ lòng thương xót với con người. Nhưng cả khi từ cõi chết sống lại, Chúa vẫn bày tỏ lòng thương xót vô biên của Chúa. Các bài Lời Chúa hôm nay đều cho thấy lòng thương xót của Chúa.
Khi đi rao giảng Chúa rất thương người bệnh, đặc biệt những người mắc bệnh hiểm nghèo. Hôm nay Chúa vẫn tiếp tục chữa lành bệnh tật cho con người qua các tông đồ của Chúa. Thánh Phêrô giống như Chúa, chữa tất cả các bệnh mà thánh nhân gặp trên đường. Quá nhiều bệnh nhân đến nỗi ngài không thể đặt tay chữa lành từng người. Nhưng Chúa ban cho ngài chỉ cần đi qua, bóng ngài đổ xuống cũng chữa bệnh nhân được lành.
Chúa dạy chúng ta phải yêu thương thăm viếng tù nhân. Hôm nay thánh Gioan bị lưu đày ở đảo Patmos cũng được Chúa viếng thăm. Không những an ủi thánh nhân mà còn truyền cho thánh nhân viết Lời Chúa để an ủi các giáo đoàn.
Đặc biệt bài Tin mừng bày tỏ lòng thương xót vô cùng lớn lao của Chúa.
Trước hết Chúa cho Tôma xem những vết thương. Vết thương là lòng thương xót của Chúa. Vì thương ta Chúa chịu thương tích để chúng ta được chữa lành. Vết thương cũng mời gọi chúng ta hãy biết thương xót những người đang bị thương tích.
Chúa chúc bình an cho các môn đệ vì biết các ông đang bối rối lo âu. Lo âu vì đã phản bộ Chúa. Lo âu vì sợ thế gian ruồng bắt.
Rồi Chúa lập bí tích Giao hoà để tha tội cho con người. Đây là lòng thương xót tuyệt đỉnh. Luôn tha thứ. Con người chưa xin lỗi thì Chúa đã nghĩ đến tha thứ. Không tha một lần mà tha mãi mãi. Đó là lòng thương xót không biết mỏi mệt.
Đức Thánh Cha Phanxicô được mệnh danh là Giáo hoàng của lòng thương xót. Khẩu hiệu của ngài là “Được thương xót và Được tuyển chọn” nên ngài đã thực hành lòng thương xót cho đến hơi thở cuối cùng.
Nếu Chúa Giêsu bày tỏ vết thương cho ta hiểu lòng thương xót thì Đức Thánhh Cha nhìn thấy những vết thương chằng chịt trên thân thể của Chúa. Nếu coi toàn thể vũ trụ là thân thể Chúa Kitô thì thân thể ấy đang bị thương tích trầm trọng.
Đó là vết thương gây ra thủng tầng ozone. Là vết thương tàn phá rừng cây. Là vết thương ô nhiễm không khí. Là vết thương huỷ diệt sinh thái. Nên trong thông điệp Laudato Si, Đức Thánh Cha lên tiếng thay cho vũ trụ nói: chính trái đất đang “rên siết và quằn quại”. Nên ngài tha thiết mời gọi mọi người hãy chung tay góp sức bảo vệ ngôi nhà chung của thế giới.
Đó là vết thương gây ra do chiến tranh khiến hàng triệu người thiệt mạng, nhiều triệu người bị thương. Đó là vế thương gây ra do ghen ghẻt oán thù, chia rẽ, ly dị…Nên Đức Thánh Cha không ngừng kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Cả đến ngày cuối cùng trước khi qua đời, ngài vẫn kêu gọi hoà bình cho Syria, Libang, Sudan, nhất là Ucraina và Gaza.
Nếu Chúa Giêsu lập bí tích Giao hoà để tha thứ cho tội nhân thì Đức Thánh Cha kêu gọi huỷ bỏ án tử hình. Và đừng xét đoán người khác. Đối với người ly dị tái hôn và người đồng tính, ngài nói: Tôi là ai mà xét đoán họ. Nếu hôm nay Chúa ở đây và họ đến thì Chúa có đón tiếp họ không?
Nếu Chúa đến thăm thánh Gioan đang bị lưu đày thì Đức Thánh Cha luôn yêu thương thăm viếng tù nhân. Từ khi lên ngôi Giáo hoàng, thứ Năm tuần thánh nào ngài cũng rửa chân cho các tù nhân. Kể cả những nữ tù nhân, và tù nhân theo Hồi giáo.
Nếu Chúa chữa bệnh qua thánh Phêrô thì Đức Thánh Cha cũng yêu thương bệnh nhân. Việc ngài ôm hôn người bệnh voi đã làn chấn động thế giới.
Nếu Chúa chúc bình an cho các môn đệ thì Đức Thánh Cha đem bình an cho những người bị bỏ rơi. Ngài viết thư cho em bé Marasco bị bại liệt. Ngài gọi điện thăm anh Michele Ferri bị tàn tật mà mất người anh trai duy nhất thân thiết. Ngài gọi điện hẹn nhà báo vô thần Carlo Scalfari. Ngài thân thiết với giáo trưởng Do thái giáo Abraham Skorka. Ngài ca ngợi đức Thượng phụ Giáo chủ Chính thống Bartolomaios.
Quả thật Đức Thánh Cha Phanxico là vị Giáo hoàng của lòng thương xót. Chính nhờ lòng thương xót mà ngài đưa mọi người đến gần nhau. Như việc ngài giúp tái lập quan hệ ngoại giao giữa Hoa kỳ và Cuba sau năm mươi năm gián đoạn. Ngài cũng đã mời được tổng thống Israel và tổng thống Jordanie là hai kẻ thù cùng đến cầu nguyện tại Roma. Và nhờ thế ngài đưa được nhiều người đến với Giáo hội.
Thời đại này nhân loại rất cần lòng thương xót. Vì thế giới đầy tràn những vết thương. Vì con người hôm nay đang đau khổ. Ai cũng mang những vết thương đau đớn và thâm sâu trong mình. Chính vì thế Chúa đã bày tỏ lòng thương xót và mời gọi ta hãy biết sống lòng thương xót. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng của lòng thương xót phát xuất từ trái tim rỉ máu của Chúa. Và hãy noi gương Đức Thánh Cha Phanxicô thực hành lòng thương xót. Đó chính là bí quyết cứu thế giới hôm nay. Đó chính là ngôn ngữ giúp người thời nay hiểu được sứ điệp Tin mừng. Đó là cách đưa con người đến với Chúa. Vì Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.