Thứ Tư Lễ Tro 2020
Nhân Danh Đức Kitô
Tôi Xin Anh Em Hãy Làm Hòa Với Thiên Chúa
Viện trưởng Đaminh Savio CSNQ
Gioen vị tiên tri của thời hậu lưu đầy đang phải chứng kiến tai ương khủng khiếp sắp xẩy đến trên dân Chúa. Nạn dịch châu chấu phá hoại, ruộng đồng phì nhiêu với cây cỏ xanh tươi không còn cho hoa lợi rượu nho thơm, lúa mỳ hảo hạng, nhưng đã hóa ra sa mạc khô cằn. Cả người và xúc vật sẽ rơi vào nạn đói, khát, chết chóc. Nhà tiên tri trực giác tâm linh thấy rằng, chỉ có sự sám hối chay tịnh: “xé lòng” sẽ đẹp lòng Đức Chúa và sẽ làm cho Chúa dủ lòng thương xót cứu độ. Bởi thế, ông đã ra lời hiệu triệu đại hội chay thánh: “hãy rúc tù và tại Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập đại lễ”. Việc ăn chay bắt buộc mọi thành phần: “tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa”. Mọi cuộc vui hỷ phải gác bỏ: “Tân lang hãy ra khỏi nhà và tân nương hãy ra khỏi khuê phòng”. Bổn phận những người phụng sự Thiên Chúa là các tư tế: “hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng để các dân tộc thống trị nó ...”
Chỉ có Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử mới cứu con người khỏi mọi tai họa và sự chết. Con người cần phải làm hòa với Thiên Chúa để được cứu sống, chữa lành và ban mọi ơn phúc.
Tin mừng, mở ra con đường đi đến hòa giải với Thiên Chúa bằng ăn chay, cầu nguyenj và bố thí. Đưc Thánh Cha Phanxico đã ra sứ điệp mùa chay năm 2020 với chủ đề: “Chúng tôi cầu xin anh em, nhân danh Chúa Kitô, hãy hòa giải với Thiên Chúa” để thôi, hướng dẫn Giáo Hội bước vào mùa chay thánh sám hối, bác ái và sống mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa.
Chay tịnh, hoán cải. Con đường giao hòa với Thiên Chúa trước hết được thực hiện bằng việc hoán cải. Giáo Hội chuẩn bị Mùa Chay thánh kéo dài 40 ngày để thực thành con đường hoản cải. Chúng ta thường nghĩ rằng, thời gian mùa chay dành cho việc hoán cải là thời gian đương nhiên, tự nó có và sẽ đến. “Không bao giờ coi việc Thiên Chúa, một lần nữa, muốn dành cho chúng ta một thời gian thuận lợi để chúng ta hoán cải như một điều đương nhiên. Cơ hội mới này phải đánh thức trong chúng ta một cảm thức biết ơn và khuấy động chúng ta khỏi cơn lười biếng của chúng ta“. Trong mùa thuận lợi này, chúng ta hãy để cho mình được dẫn dắt vào sa mạc như Israel (Hs 2,14), để có thể nghe tiếng của Chúa vang lên mỗi ngày một sâu hơn trong chúng ta. Chúng ta càng gắn bó với lời nói của Người, chúng ta sẽ càng trải nghiệm được lòng thương xót mà Người ban cho chúng ta. Mong sao chúng ta không để thời gian ân sủng này trôi qua vô ích.
Sống Cuộc Vượt Qua Của Chúa. Nhưng đặt mình ở đích nào để bước tới trong hành trình của sự hoán cải? Chúng ta sống mùa chay 40 ngày để đi lại chặng đường đức tin của dân Chúa 40 năm trong sa mạc; để sống lại kinh nghiệm gặp gỡ Chúa như Moise, đã ở và sống với Chúa 40 ngày trên núi Sinai, như ngôn sứ Elia, đã đi bốn mươi ngày lên núi Khoreb để được gặp Chúa; và như Chúa Giêsu đã đi vào sa mạc để ăn chay, chịu cám dỗ và cầu ngyện với Chúa Cha trong 40 ngày. Nhưng vượt trên tất cả và trọng tâm của hành trình mùa chay, theo Đức Thánh Cha, là chúng ta sống mầu nhiệm Vượt qua – mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu nạn, chịu chết và Phục sinh. Đó là nền tảng cho sự hoán cải bước tới của Mùa Chay và lộ trình sống đạo của chúng ta. Chúng ta thường rơi vào thói quen cử hành mầu nhiệm Tử Nạm- Phục Sinh của Chúa Kito như một cuộc tưởng niệm quá khứ. Đức thánh Cha thức tỉnh chúng ta rằng: ” mầu nhiệm Vượt qua của Chúa không phải là câu chuyện trống rỗng,... Chúng ta hãy hướng mắt nhìn lên Chúa bị đóng đinh, nhờ đó mà chúng ta được vực dậy hết lần này đến lần khác. Chúa Giêsu Phục sinh không phải là một sự kiện quá khứ…nhưng luôn là một sự kiện sống động hiện tại, cho phép chúng ta nhìn nhận và đụng chạm tới một Chúa Kitô hiện thân chịu khổ nạn”.
Chia sẻ, hướng về cuộc Vượt Qua của thế giơi hiện tại. Hành trình Mùa Chay với việc hoán cải, đặt trọng tâm vào việc sống Cuộc Vượt Qua của Chúa không cho phép chúng ta dừng lại ở đó để thỏa mãn những khát vọng tâm linh của mình. Chúng ta được mời gọi mở ra và sống chiều kích ‘ bác ái’, tức là sống, gắn kết cuộc ‘ vượt qua’ của tha nhân và của thế giới hiện tại. Đức Thánh Cha viết ở phần thứ tư của sứ điệp Mùa Chay :”Đặt mầu nhiệm vượt qua vào trung tâm cuộc sống của chúng ta có nghĩa là, chúng ta phải cảm thương với các vết tích của Chúa Kitô bị đóng đinh hiện diện trong những nạn nhân vô tội của chiến tranh, các cuộc tấn công vào sự sống của người chưa sinh ra đến sự sống của người già, các hình thức bạo lực, Các vết thương này cũng hiện diện trong các thảm họa môi trường, sự phân phối không đồng đều của cải trên trái đất, buôn bán người dưới mọi hình thức và lòng thèm khát lợi nhuận không kiềm chế được...”.
Vâng, bước vào hành trình Mùa Chay, chúng ta tái diễn, hiện tại hóa qua phụng vụ mầu nhiệm Vượt qua của Chúa. Nhưng điều Chúa muốn chúng ta là sống mầu nhiệm ‘vượt qua’ của chính mình và nối kết vào mầu nhiệm vượt qua của thế giới hiện tại.
Chúng ta đang ở tâm điểm của đại dịch chết người hàng loạt do Virus Corona gây ra. Đó là cuộc ‘vượt qua- cánh chung‘ đầy đau khổ, chết chóc gây kinh hoàng cho thế giới hiện tại. Hãy để cho mình được đụng chạm thực sự vào mầu nhiệm vượt qua đang diễn ra trong thế giới hiện tại, chúng ta sẽ thấy hành trình bước vào Mùa Chay thánh sám hối, tập luyện chiến đấu thiêng liêng và tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa thật ý nghĩa.
Những ngưởi ở tâm dịch, đối diện với sự sống sự chết, họ không còn thời gian để làm gì thêm cho hành trình cuộc đời. Họ chỉ còn một việc là chờ thời giờ của định mệnh. Một giáo hữu ở tâm dịch Vũ Hán chia sẻ: “nỗi âu lo của tôi là sẽ phải chết trong thành phố này. Chúng tôi sống những ngày này như thể những ngày cuối cùng của đời mình. Đây có thể là Mùa Chay cuối cùng của chúng tôi. Có sống được đến lễ Phục sinh hay không là điều không ai biết được”. Đăt mình vào tình cảnh hiện tại của những người này, chúng ta sẽ sống thời gian 40 ngày của Mùa Chay và thực hiện việc hoán cải một cách triệt để hơn, như là thời gian còn lại duy nhất và sau cùng của cuộc đời.
Những người ở tâm dịch corona chắc chắn giờ này không thể nghĩ tới việc tranh giành quyền lực, tìm kiếm vật chất, danh lợi, tiền bạc. Lúc này họ chi còn một việc là bỏ lại tất cả và trông chờ, cầu xin một sức mạnh, một quyền năng từ trời đến cứu giúp mình khỏi tai họa và sự chết. Điều này thức tỉnh chúng ta khi bước vào hành trình Mùa Chay, thực hiện việc hoán cải, là biết buông bỏ những thứ phụ tùy để chọn lựa và tìm kiếm Chúa và những gì làm nên sự tồn tại vững bền cho cuộc sống chúng ta.
Những người ở tâm đại dịch đã đang cảm nhận thấy, cuộc sống dù là đang sở hữu tất cả, danh vọng, tiền bạc và mọi thứ tiện nghi, nhưng lại thật mong manh trước sự sống và cái chết, không biết mình được sống hay sẽ đi vào giờ lâm tử giây phút nào đây. Điều này giúp chúng ta sống hành trình sám hối, vượt qua của Mùa Chay khi ý thức về thân phận mỏng giòn của mình. Việc sức tro gợi ra thân phận con người của chúng ta, mang thân là tro bụi sẽ phải chết vào giờ chẳng ngờ để trở về gốc bụi tro.
Xin cho mỗi người chúng ta, khi bước vào Mùa Chay Thánh, và đang cùng với thế giới hiện tại đối diện với cuộc đại dịch- cánh chung từng ngày, biết thực hành việc hoán cải tận căn, cùng với Đức Kitô chịu thử thách, chiến đấu thiêng liêng, chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa và mong được Phục Sinh vinh quang với Ngài. Amen.