Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời III
THÁNH GIÁ TRÊN MỘ
2Mc 12,43-45; Kh 21,1-5a.6b-7; Ga 11,17-27
Mộ người công giáo thường gồm hai phần: Mộ và Thánh giá. Mộ chìm xuống dưới đất. Thánh giá nổi bật trên mộ. Tất cả nói lên ý nghĩa và tâm tình của lễ thứ ba này.
Mộ chìm dưới đất nói lên tâm tình đau buồn. Người chết bị chôn dưới lòng đất. Cát bụi trở về cát bụi. Điều này gây nên nỗi đau đớn cho người còn ở lại. Chính Chúa Giêsu hôm nay đến viếng mộ Lazarô cũng phải rơi lệ vì cảm thương cho thân phận con người. Dù có yêu quí cách mấy cũng phải chôn người chết. Vì thân xác người chết sẽ bị phân huỷ và bị tiêu huỷ. Khi phân huỷ thì thật đáng sợ. Khi tiêu huỷ thì chỉ còn là bụi đất. Thương đến mấy cũng không thể gần được nữa. Khi Chúa Giêsu muốn mở cửa mộ Lazarô, bà Marta ngăn lại: Thưa Thày đừng mở, em con chết đã 4 ngày, đã có mùi rồi. Còn gì đau đớn hơn khi thấy người thân của mình bị biến dạng. Đang đáng yêu đáng quí bỗng trở nên đáng gớm đáng sợ. Đang gần gũi bỗng trở nên cách xa. Đang không gì chia cắt được bỗng trở nên không còn có thể tiếp cận được. Điều đó càng gây thêm nỗi đau đớn cho con người. Càng thương yêu lại càng đau đớn. Marta có thương em Lazarô đến mấy cũng chẳng dám mở cửa mộ. Macabê có thương nhớ đồng đội đến đâu cũng chẳng thể ôm chầm lấy những xác chết xưa kia đã từng rấ thân thiết gắn bó. Và hôm nay chúng ta ở đây có yêu quí các bậc cha anh cũng chẳng làm được gì. Vì các ngài đã tan thành cát bụi cả rồi. Chỉ còn ngậm ngùi thương tiếc mà thôi.
Tuy nhiên nếu mộ chìm sâu khiến ta đau buồn thì thánh giá nổi bật trên mộ đem cho ta niềm hi vọng. Thánh giá cắm trên mộ là Chúa Giêsu vào mộ Lazarô để chia sẻ với gia đình người bạn những đau thương mất mát. Chúa vào mộ để cảm thông với thân phận con người phải chết. Và Chúa vào mộ để đưa Lazarô ra khỏi thế giới kẻ chết, trở lại thế giới người sống. Tuy nhiên đó chỉ là hình ảnh báo trước. Chỉ khi đích thân chịu chết Chúa mới thực sự vào tận thâm cung nấm mồ, xuống đến tận đáy âm ty, và gặp tất cả mọi người, đặc biệt các tổ phụ, tiên tri để an ủi các ngài. Chúa vào tận sào huyệt thần chết để chiến thắng sự chết. Và khi phục sinh Chúa đưa các ngài và tất cả loài người vĩnh viễn ra khỏi âm ty nơi tử thần canh giữ. Như thánh Phaolo nói trong thư Êphêsô: “Người đã lên cao dẫn theo một đám tù. Người đã lên có nghĩa là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất. Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Ep 4,9-10). Người đã giải thoát chúng ta khỏi tù ngục sự chết và lập ra một vương quốc mới mà sách Khải huyền hôm nay gọi là trời mới đất mới, là thành Giêrusalem trên trời, lộng lẫy như tân nương trang điểm để đón tân lang. Nơi ấy “sẽ không còn khóc lóc, không còn sự chết, không còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa”.
Như thế, từ khi Chúa chịu chết và phục sinh, thánh giá trở thành niềm hi vọng cứu độ. Những ai chết trong Chúa sẽ được sống lại với Chúa.
Và vì thế tâm tình sau cùng ta phải có là tạ ơn. Trước hết là tạ ơn Chúa Giêsu Kitô. Người là Đấng hằng sống và hiển trị với Chúa Cha, nhưng đã tự nguyện chịu chết để cảm thông với chúng ta và để giải thoát ta khỏi sự chết. Người là Đấng ngự cao hơn các tầng trời, nhưng đã tự nguyện xuống thẳm sâu dưới âm ty để nâng chúng ta lên đến trời cao. Người là Đấng các thiên thần thờ kính đã phải có lúc thua kém các thiên thần một chút để chia sẻ thân phận phải chết của con người. Người đã để rơi dòng lệ trước mộ người thân để ta được an ủi trong cảnh sầu thương tang tóc. Khi từ cõi chết sống lại, Người đã thiết lập trời mới đất mới để thay đổi số phận con người. Để từ nay những ai chết trong Người sẽ cùng được sống lại với Người.
Chính vì thế chúng ta cũng phải tạ ơn các bậc tiền nhân. Các ngài đã noi gương Chúa Kitô, đã sống và chết cho Chúa Kitô, để chúng ta được thừa hưởng công phúc của các ngài. Hôm nay chúng ta sống trong nhà cao cửa rộng đó là nhờ các ngài đã chìm xuống làm nền móng vững chắc. Hôm nay chúng ta được hưởng bao ơn phúc, được phát triển mạnh mẽ, đó là nhờ các ngài đã sống mầu nhiệm thánh giá trong cuộc đời với biết bao hi sinh hãm mình, gian khổ, kể cả tù ngục, chịu nhục mạ, chịu hành hạ và chịu chết oan ức. Các ngài đã tự nguyện vùi chôn mình trong đau đớn, hi sinh. Các ngài đã bị phân huỷ và tiêu huỷ để trở thành đất đá xi măng xây dựng nên thành Giêrusalem mới lộng lẫy xinh tươi. Là chất liệu để Chúa xây dựng trời mới đất mới cho chúng ta cư ngụ.
Chúng ta hãy siêng năng ra viếng nghĩa trang để hiểu biết ý nghĩa cuộc đời và biết sống xứng đáng.
Hãy ngắm nhìn mồ mả để ý thức được thân phận phù du mong manh của kiếp người. Để đừng gắn bó với những gì nay còn mai mất. Nhất là đừng vất vả toan tính tranh giành đến đấu đá, đừng để cho những ích kỷ ganh tị nhỏ nhen vướng bận tâm hồn.
Hãy chiêm ngắm thánh giá để chúng ta có niềm hi vọng và biết đặt niềm hi vọng đúng chỗ. Chính thánh giá là niềm hi vọng duy nhất của chúng ta. Chính Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết và sống lại để đưa chúng ta đến sự sống đích thực.
Thương nhớ và để cứu giúp người qua đời Macabê đã quyên tiền xin lễ. Thánh lễ là nguồn ơn vô giá. Sáng nay cha Gioan đã mời gọi chúng ta hãy siêng năng dâng lễ. Dâng lễ đích thực là phải sống thánh lễ trong đời mình. Hãy cùng Chúa Giêsu dâng hiến chính bản thân. Hãy cùng Chúa chết cho những tham vọng, dục vọng. Đó là cách thông chuyển ơn cứu độ cho người đã qua đời. Và góp phần chuẩn bị cho chính chúng ta bước vào cuộc sống vĩnh cửu.