ĐAN VIỆN CHÂU SƠN
DÂNG LỄ CẦU CHO NHỮNG NGƯỜI ĐÃ QUA ĐỜI
TẠI ĐẤT THÁNH CỦA ĐAN VIỆN
Ngày 02 tháng 11 năm 2018
Mỗi khi tháng 11 về, dòng người công giáo tấp nập sửa sang viếng mộ người thân. Mỗi ngôi mộ được sửa sang, lau trùi mọi bụi bẩn, được thay những bát hoa mới, được thắp lên những ngọn nến sáng, những nén nhang nghi ngút khói bay. Cả Đất thánh mờ ảo trong làn khói hương, những con người đến đây với những nét mặt hiện lên bao nỗi niềm và suy nghĩ về thân phận mỏng dòn mau qua của mình.
Cũng tháng 11, là khoảng thời gian Giáo hội dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn. Để nói lên mối liên đới giữa những người còn sống với những người đã qua đời. Những người đã qua đời là những người đã từng sống trên trần gian, đã trải qua bao những thăng trầm của cuộc sống. Và lẽ tự nhiên sẽ không tránh khỏi những yếu đuối, lỗi phạm, vướng mắc còn trăn trở. Bây giờ, chúng ta là những thế hệ hậu sinh, với lòng hiếu thảo, chúng ta có nghĩa vụ phải cầu nguyện cho các ngài. Lòng thương xót của Chúa luôn rộng mở, mà các linh hồn ông bà, tổ tiên, các bậc thân nhân, ân nhân của chúng ta đang chờ mong chúng ta cầu nguyện cho các ngài.
Cuộc đời là một cuộc hành trình, mà hành trình ấy sẽ có lúc dừng bước. Khi ra đất thánh, chúng ta nhìn những ngôi mộ nằm bất động. Nhìn lại bản thân, ai cũng sẽ đến lúc phải đến đó. Lạnh lẽo, cô đơn! mỗi người một nấm mồ nếu như không có sự quan tâm của những người còn sống. Tháng 11 trở thành khoảng thời gian nhắc nhở mỗi người hãy quan tâm đến những bậc tiền bối đã ra đi và nhất là những người còn đang ở chốn luyện tội mong chờ chúng ta cầu nguyện cho họ.
Chiều nay, ngày 02/11/2018, Đan viện Châu Sơn dâng thánh lễ tại Đất thánh của Đan viện, để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Trong đó có các bậc tiền bối đã từng sống đời đan tu chiêm niệm tại Đan viện. Thánh lễ tại đây không chỉ cầu nguyện riêng cho các Cha anh đã qua đời trong Đan viện, nhưng cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời.
Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt chủ sự thánh lễ, trong bài chia sẻ Lời Chúa, ngài nói lên ba ý nghĩa của ngôi mộ của người công giáo, đó là:
1. Mộ chìm dưới đất nói lên tâm tình đau buồn. Người chết bị chôn dưới lòng đất. Cát bụi trở về cát bụi. Điều này gây nên nỗi đau đớn cho người còn ở lại.
2. Tuy nhiên nếu mộ chìm sâu khiến ta đau buồn thì thánh giá nổi bật trên mộ đem cho ta niềm hi vọng. Thánh giá cắm trên mộ là Chúa Giêsu vào mộ Lazarô để chia sẻ với gia đình người bạn những đau thương mất mát. Chúa vào mộ để cảm thông với thân phận con người phải chết. Và Chúa vào mộ để đưa Lazarô ra khỏi thế giới kẻ chết, trở lại thế giới người sống.
3. Tâm tình sau cùng ta phải có là tạ ơn. Trước hết là tạ ơn Chúa Giêsu Kitô. Người là Đấng hằng sống và hiển trị với Chúa Cha, nhưng đã tự nguyện chịu chết để cảm thông với chúng ta và để giải thoát ta khỏi sự chết. Người là Đấng ngự cao hơn các tầng trời, nhưng đã tự nguyện xuống thẳm sâu dưới âm ty để nâng chúng ta lên đến trời cao. Người là Đấng các thiên thần thờ kính đã phải có lúc thua kém các thiên thần một chút để chia sẻ thân phận phải chết của con người. Người đã để rơi dòng lệ trước mộ người thân để ta được an ủi trong cảnh sầu thương tang tóc. Khi từ cõi chết sống lại, Người đã thiết lập trời mới đất mới để thay đổi số phận con người. Để từ nay những ai chết trong Người sẽ cùng được sống lại với Người.
Tiếp bài giảng, ngài còn nhắn nhủ với mỗi người rằng: Hãy ngắm nhìn mồ mả để ý thức được thân phận phù du mong manh của kiếp người. Để đừng gắn bó với những gì nay còn mai mất. Nhất là đừng vất vả toan tính tranh giành đến đấu đá, đừng để cho những ích kỷ ganh tị nhỏ nhen vướng bận tâm hồn. Mà hãy chiêm ngắm thánh giá để chúng ta có niềm hi vọng và biết đặt niềm hi vọng đúng chỗ. Chính thánh giá là niềm hi vọng duy nhất của chúng ta. Chính Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết và sống lại để đưa chúng ta đến sự sống đích thực.
Sau thánh lễ, Cha bề trên, Đức tổng Giuse, quý cha, quý thầy và một số các tín hữu thắp hương để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã qua đời.
Du Thăng