CHA TÔI
Ngôi sao hy vọng
M. Đaminh_VP
Khi tôi chưa được hình thành trong dạ mẹ, “Cha tôi” đã qua đời. Tôi biết mặt Cha qua tấm hình duy nhất, được nghe lời nói của Cha qua quyển Di Ngôn và biết về cuộc đời Cha qua cuốn Hạnh Tích. Tôi muốn kể cho các bạn nghe đôi nét về “Cha tôi”. Người Cha cho tôi niềm hãnh diện. Qua bức hình, tôi nhận ra nét đẹp rất riêng nơi Cha. Cha có khuôn mặt thánh thiện của một người suốt cuộc đời đi tìm và sống kết hợp với Chúa. Hai gò má hao gầy của một người Cha yêu thương, lo lắng cho đoàn con hết mực. Sống mũi thẳng cùng với bộ râu dài mang đậm nét quốc tịch Châu Âu của Cha. Đôi tai to thêm vầng thái dương rộng – Cha là một người rất thông minh tài giỏi và là người Cha luôn biết lắng nghe để thấy được những nhu cầu của con cái. Cuối cùng, điểm đặc biệt nhất trên khuôn mặt của Cha đó là đôi mắt, phải tả đôi mắt Cha như thế nào nhỉ? Bởi trong bức hình, đôi mắt Cha nhìn xuống. Nhiều lần đứng ngắm Cha, tôi cười rồi hỏi Cha: “Cha chụp hình gì kì vậy? Có ai đời nào chụp hình lại nhìn xuống dưới đâu chứ?” Điều đó khiến tôi thắc mắc rất nhiều. Và rồi một ngày kia tôi chợt khám phá ra một điều thật tuyệt diệu về đôi mắt hơi lạ lùng của Cha. Đôi mắt “Cha nhìn xuống không phải vì sợ ống kính nhưng để nói lên Cha là người đã sống “trọn” bậc khiêm nhường thứ mười hai trong Tu luật thánh phụ Biển Đức: “Bậc khiêm nhường thứ mười hai: Không những trong lòng mà cả phong cách bên ngoài, đan sĩ đều tỏ lòng khiêm tốn trước mặt mọi người; nghĩa là trong thần vụ, nơi nhà nguyện, trong đan viện, ngoài vườn, trên đường đi, ở ngoài đồng hoặc bất cứ ngồi đâu, đi đâu, đứng đâu, lúc nào đầu cũng cúi, mắt nhìn xuống đất” (TL 7, 62-63). Giờ đây, khi đứng trước Cha, tôi luôn nhận được lời dạy ân cần, âu yếm Cha dành cho tôi: “Con ơi! Là đan sĩ phải khiêm nhường nghe con” !!!
Tiếp đến, tôi kể bạn nghe về giọng nói của “Cha tôi”. Đọc lại những lời dạy của Cha trong quyển Di Ngôn, tôi nhận ra “Cha tôi” có giọng nói trầm ấm đầy yêu thương, thêm vào đó là vẻ hài hước, vui tính của Cha khi gặp khó khăn, thử thách. Nhưng sự hài hước đó là để đem lại cho con cái sự bình an cũng như biết hoàn toàn phó thác và tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Mỗi lời dạy của Cha còn chất chứa sự thao thức: làm sao để con cái trở thành những đan sĩ thật, đan sĩ thánh. Sự thao thức đó, Cha ấp ủ cho đến giây phút cuối đời để rồi lời cuối cùng Cha nói với đoàn con: “Các con muốn nên thánh, hãy giữ luật dòng”. Điều đó cho tôi nghiệm ra: có lẽ mơ ước lớn nhất của Cha là nhìn thấy tôi cũng như anh chị em tôi, trở thành những đan sĩ thật, đan sĩ thánh.
Cha ơi! Thực hiện mơ ước của Cha, con trở thành đan sĩ thật, đan sĩ thánh:
Để là đan sĩ thật
Con sống sự khiêm nhường
Luôn ý thức mình là
Đang ở trước mặt Chúa
Điều đó để giúp con
Đừng ảo tưởng về mình
Nhưng sống thật “mình là”
Lời nói và hành xử
Tránh giống như người đời
Không mảy may gian dối
Dù cho có thua thiệt
Vì đó là bản chất
Của con cái Thiên Chúa
Đan sĩ thật còn là
Con thật lòng đón nhận
Mọi anh chị em con
Với những gì họ có
Cả giới hạn yếu đuối
Bởi vì con ý thức
Người chị em Chúa chọn
Cần thiết ở bên con
Để giúp con nên thánh.
Con thành đan sĩ thánh
Khi con để cho mình
Đắm chìm trong Thiên Chúa
Với tình nghĩa Cha – con
Nghĩa là con trở thành
Một con người cầu nguyện
Đan sĩ thánh còn biết
Sống mầu nhiệm thập giá
Băng mình qua cửa hẹp
Tiết chế những đam mê
Từ bỏ những cám dỗ
Thế gian và xác thịt
Để sống cho mình Chúa.
Cuối cùng cao hơn cả
Con sống lời Cha dạy
“Con ơi, muốn nên thánh
Hãy tuân giữ luật dòng”