Thứ bảy, 21 Tháng mười hai, 2024

TỪ NGOẠI CẢNH – QUA BẢN THÂN – ĐẾN THIÊN CHÚA _Duyên Thập Tự

TỪ NGOẠI CẢNH –

QUA BẢN THÂN –

ĐẾN THIÊN CHÚA

 

Duyên Thập Tự   

Hình ảnh cha Biển Đức Thuận mà chúng ta thường thấy là tấm ảnh chụp cộng đòan Phước Sơn có lẽ vào năm 1925, từ đó được tách ra làm thành hình chân dung cá nhân và di ảnh của ngài. Đó là hình ảnh một đan sĩ Xitô khiêm nhường cúi mặt xuống đất, trong tư thế của người tuân giữ bậc khiêm nhường thứ mười hai trong tu luật Thánh Biển Đức.
Hình ảnh đó cho chúng ta có cảm tưởng cha Biển Đức Thuận là một con người cam chịu, sẵn sàng đón nhận vô điều kiện những gì xảy ra cho mình và cho công cuộc mình gầy dựng. Thái độ cam chịu như mang tính thụ động, bạc nhược và đánh mất mọi sáng kiến, mọi tìm kiếm. Phải chăng thái độ đó phản ảnh tâm hồn của ngài? Nếu chấp nhận là ngài thuộc loại người cam chịu, thì phải hiểu sao về thái độ này?
Trong số nội san này với chủ đề DÁM ĐỐI DIỆN, tôi cố gắng tìm ra trong cuộc đời của cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận một vài dấu tích trực tiếp hoặc gián tiếp, để từ đó hiểu thêm một chút tâm hồn sâu xa của ngài. Tôi sẽ trình bày việc ngài dám đối diện từ bên ngoàn đến tận sâu thẳm bên trong, nghĩa là từ hoàn cảnh bên ngoài, qua bản thân, cho đến tận Thiên Chúa.

1.Đương đầu với ngoại cảnh

Chúng ta đã biết cuộc đời cha Biển Đức Thuận được chia làm ba giai đoạn :
23 năm đầu đời tại nước Pháp (1880-1903) là thời gian huấn luyện chuẩn bị cho sứ vụ tông đồ truyền giáo.
15 năm đầu tiên tại Việt Nam (1903-1918) là thời gian hoạt động của vị thừa sai.
15 năm tiếp theo (1918-1933) là thời gian sống đời đan tu.
Khi bàn tới việc cha Biển Đức Thuận “đương đầu với ngoại cảnh”, chúng ta muốn nêu lên một số môi trường và hòan cảnh ngài đã đương đầu.

 

a.Môi trường

Chúng ta chỉ đề cập nơi đây kinh nghiệm của Cố Thuận, một vị thừa sai ở giữa người Việt-Nam.
Ngày bước chân xuống tàu để đến giáo phận Bắc Đàng Trong, cha Henri Denis [1]  mang tất cả những gì ngài đã hấp thụ nơi quê hương xứ sở ngài. Một khi đặt chân lên vùng đất mới, chắc chắn ngài phải đối diện với biết bao thử thách. Chính khi đối đầu với những thách đố đó, khi phải cọ sát với thực tế cuộc sống trên vùng đất truyền giáo, nhân cách ngài sẽ bộc lộ và được tài bồi. Vấn đề thứ nhất mà ngài phải đối diện là vấn đề vệ sinh công cộng. Sự thiếu vệ sinh là nguồn gốc của đủ mọi thứ bệnh tật. Sinh sống trong một môi trường như thế, Cố Thuận phải đương đầu với tất cả những gì là ghê tởm đối với một người Âu Châu. Hơn thế nữa, những nông dân sống giữa đồng quê, họ thiếu mọi thứ cần thiết, nên dễ bị nhiều thứ vi-rút tấn công và gây nên những bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch tả. Trong thư tín gửi cho song thân, Cố Thuận kể cho cha mẹ biết là ngài phải kiêm nhiệm luôn công việc của một thầy thuốc chữa bệnh cho các chủng sinh và mọi người đến xin ngài giúp đỡ. Hơn một lần ngài đã cho biết là đủ thứ mùi hôi thối xông ra từ những vết thương lở loét của các bệnh nhân. Một người Pháp sống trong môi trường như thế, thử hỏi có dễ không?
Một khía cạnh khác liên quan đến môi trường sống, là thời tiết khắc nghiệt. Tại một đất nước nhiệt đới như Việt-Nam, thời tiết luân phiên giữa mùa mưa và mùa nắng làm khổ rất nhiều cho những người Châu-Âu. Thời tiết nóng bức hay những cơn mưa không dứt, quả là một thứ khí hậu giết người. Qua thư tín, Cố Thuận đã cho cha mẹ ngài thoáng thấy ngài đã phải chịu đựng khí hậu này như thế nào. Đúng là phải có một sức khỏe dẻo dai, rắn chắc mới có thể chịu đựng nổi một thứ khí hậu như thế này. Đã rất nhiều vị thừa sai, sau một thời gian hoạt động, đã cần nghỉ ngơi ở nơi khác để lấy lại sức. Sống trọn cả cuộc đời trên đất nước Việt-Nam luôn là một thách đố lớn đối với người Pháp. Cần phải có một ý chí sắt đá. Cố Thuận thuộc hạng những con người kiên cường đó.
Cùng với những khó khăn trên, còn có cảm giác bất an. Những con hổ lượn quanh rừng rú, sẵn sàng giết chết những kẻ đi đường thiếu cẩn thận. Những con rắn độc, ẩn trên cây, trong bụi rậm, sẵn sàng cắn bất cứ ai đụng chạm tới chúng. Qua thư từ, Cố Thuận kể cho cha mẹ biết là ngài đã từng có những cuộc gặp gỡ bất ngờ với những con vật nguy hiểm trên. Ngoài những con vật nguy hiểm trên, thì muỗi, vắt, cũng không tha cho bất cứ ai và sẵn sàng chích, đốt, hút máu, gây lở loét, dị ứng khó chịu. Sống trong một hoàn cảnh như thế quả không phải là một điều dễ dàng. Để bền bỉ cho tới cùng trên mảnh đất Việt-Nam chắc hẳn cần phải biết kiên trì chịu đựng!

 

b.Hoàn cảnh chính trị

Chúng ta cũng cần xét đến hoàn cảnh chính trị, để hiểu rõ hơn những thách đố mà Cố Thuận phải đối diện và đương đầu.
Thời gian bắt đạo đã qua rồi, nhưng trong lòng nhiều người Việt-Nam, đặc biệt các quan chức Việt-Nam, vẫn có một sự hiềm khích và có cái nhìn không thiện cảm với các kitô hữu, đặc biệt với các vị thừa sai ngoại quốc.
Cùng với mối ác cảm đó là chính sách cai trị của các quan thống đốc hay các quan Khâm sứ thuộc Hội Tam Điểm hoặc có khuynh hướng bài giáo sĩ. Họ sử dụng báo chí để tấn công Giáo Hội, các thừa sai và các tín hữu. Trong nhiều trường hợp, các quan chức người Pháp cấu kết với các quan chức hoặc các chức sắc Việt-Nam để cản trở Kitô giáo phát triển. Chúng ta hãy lắng nghe các vị Đại Diện Tông Tòa giáo phận Bắc Đàng Trong tường trình:
Đức cha Caspar Lộc viết:
Cần phải nói rằng sự ác cảm đầy tính hiềm thù của người ngoại đạo luôn gặp được sự thông đồng của những người đại diện chính quyền Bảo Hộ, bởi họ dễ dàng chấp nhận các mối quan hệ với các viên chức Phật giáo để chống lại các tân tòng, bởi họ tỏ ra cực kỳ nghiêm khắc đối với những người mới trở lại đạo, và từ chối lắng nghe các thừa sai do ảnh hưởng hợp đạo lý của các ngài khiến họ e ngại; họ xem các ngài như những kẻ bóc lột đê tiện[2] .
Đức cha Allys Lý đã tâm sự như sau:
Nhà cầm quyền Bảo Hộ, tuy không công khai tỏ thái độ thù nghịch với công giáo, nhưng họ chỉ thi hành công lý với giáo dân chúng tôi khi họ không thể làm cách nào khác. Còn quan lại, bằng những thủ đoạn tinh vi, thường khiến các quan chức bảo hộ bức tức với các kitô hữu. Trong những tình huống như thế, nhiệm vụ của các thừa sai thật tế nhị[3].
Tỉnh Quảng Trị, sau những ngày quang đãng với những vụ mùa bội thu, nay bị kẻ thù giấu mặt phá hoại, đến mức mỗi năm phải khó khăn lắm mới có được mươi người trở lại đạo[4] .
Một khía cạnh khác của bối cảnh chính trị làm cho công việc của các vị thừa sai thêm khó khăn; đó là nghĩa vụ đóng thuế cho chính quyền bảo hộ. Trong suốt thời gian Bảo Hộ, người dân Việt Nam đã phải đóng nhiều thứ thuế, và hầu hết rất nặng nề. Chính vì lý do đó nhiều cuộc biểu tình với qui mô lớn đã diễn ra vào năm 1909 để yêu cầu giảm hoặc bãi bỏ các khoản thuế. Trong thời gian làm cha sở Nước Mặn, Cố Thuận phải trực diện với vấn đề này, như cha đã báo cáo cho đức cha Allys Lý trong thư đề ngày 8 tháng tư năm 1908:
Ông quan huyện Phú Hội đến thăm con. Ông yêu cầu con giúp ông ta xoa dịu dân chúng hiện đang muốn nổi loạn vì vấn đề thuế má. Ông ta đặc biệt xin con vui lòng báo cho ông biết những gì về các cuộc hội họp trong làng hoặc là các cuộc diễn tập có tổ chức ít nhiều. Ông ấy nói với con rằng: “Tôi chăm lo cho người ngoại đạo, còn cha lo cho giáo dân và mọi sự sẽ êm xuôi thôi[5] .
Một vài khía cạnh của bối cảnh chính trị giúp chúng ta hiểu những tình huống của Cố Thuận khi sinh sống và truyền giáo và những thách đố mà ngài phải trực diện hằng ngày. Đó mới chỉ là những hoàn cảnh bên ngoài. Bây giờ chúng ta đi tiếp một bước nữa trong việc Cố Thuận đối diện với cuộc sống mới tại Việt Nam.

 

c.Tâm tính người Việt Nam

Thách đố lớn nhất tại Việt Nam là sự giao tiếp với người dân bản xứ! Việc gặp gỡ với người dân bản xứ buộc vị thừa sai phải biết nói ngôn ngữ của họ và hiểu biết tính nết của họ. Thật vậy, rất hiếm người Pháp khắc phục được rào cản ngôn ngữ: nhiều người không bao giờ vượt qua nổi chướng ngại này, dù họ đã cư ngụ lâu tại Việt Nam và đã có nhiều cố gắng.
Còn về tính nết của người Việt Nam, chúng ta hãy nghe những gì Christine dAinval viết :
Đại đa số người Pháp đều đánh giá cao tính nết người Việt-Nam: phẩm chất đầu tiên mà họ nhận thấy là sự thông minh rất tinh tế, thứ đến là sự hăng say làm việc và sự ân cần tử tế. Tật xấu ư? Đó là tính giả dối, tính khoe khoang, và có khuynh hướng ăn cắp. Hơn nữa, nhìn chung, họ nhận thấy phụ nữ hơn đàn ông: phụ nữ tận tụy hơn và trung thực hơn. Còn một tật xấu khác nữa, đó là thú cờ bạc…[6] 
Về phần Cố Thuận, trong các thư gửi cho song thân cũng như cho đức cha Allys Lý, ngài kể lại những kinh nghiệm cá nhân khi tiếp xúc với người Việt Nam. Đã rất nhiều lần ngài bị lừa tiền vì những lý do khác nhau, hoặc lấy cớ theo đạo, hoặc bị người ta đem đi đánh bạc…
Những phân tích về hoàn cảnh trong đó Cố Thuận thi hành nhiệm vụ truyền giáo cho chúng ta thấy phần nào tâm trạng của ngài. Chắc hẳn ngài đã cảm thấy cô đơn dưới nhiều khía cạnh. Đây là tình trạng cô đơn khi đối diện với cuộc sống mới mẻ với bao thử thách. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự cô đơn đến từ bên ngoài. Vẫn còn nỗi cô đơn khác lớn hơn và sâu hơn.

 

2.Đối diện với những thương tổn nơi bản thân

Chúng ta tiến thêm bước nữa trong việc tìm hiểu những đối tượng mà Cố Thuận phải đối diện. Đối tượng chúng ta sắp nói đến không nằm bên ngoài như ngoại cảnh vừa được bàn đến, mà ở ngay chính con người của ngài.

 

a.Những nghi ngờ về tính tình thay đổi

30 năm Cố Thuận sống tại Việt Nam được chia đều cho hai giai đoạn chính: 15 năm hoạt động truyền giáo với tư cách một thừa sai (1903-1918), 15 năm sống đời đan tu (1918-1933). Nhiều biến chuyển công tác và nội tâm trong hai giai đoạn này: những chuyển biến đó được một số các linh mục thừa sai người Pháp đọc và hiểu như hậu quả của một thứ tính tình thay đổi, bất nhất. Chúng ta đọc lại những gì mà viện phụ Emmauel-Triệu Chu Kim Tuyến trình thuật trong cuốn hạnh Tích Cố Thuận lời của đức cha Hồ Ngọc Cẩn.
[…] Vậy tôi đã nghĩa thiết với cố Thuận từ khi ngài ở Nước Mặn, đổi ra làm giáo sư An-Ninh năm 1913, và từ đó ở cùng nhau đến khi ngài xuất thân lập dòng. Ngài vui miệng một khi nói về mình, lại tôi đã tai nghe mắt thấy thì cũng biết được ít nhiều điều về ngài. Thế thường nhân vô thập toàn, nơi cha Benoit cũng vậy. Tôi hân hạnh tán dương tài đức cha, song cũng không ngại nói mấy điều khiếm khuyết của ngài. Chính ngài cũng thú nhận với tôi điều ấy rằng: “Mấy điều khuyết điểm tôi đã phương trở tôi nhiều trong việc lập dòng.” Ngài còn nói mạnh mẽ hơn: “Nết xấu tôi đã làm nhiều cố bớt tin tôi, muốn cản trở tôi trong việc lập dòng. Họ in trí tôi có tính hiếu kỳ, hay thay đổi.” Tôi hỏi sao vậy? Ngài đáp: “Bởi tôi đang làm giáo sư nhà trường, nghe các cố đi dạy chầu nhưng mở nước Chúa, thì thích lắm. Xin đi. Cố Chính liền cho tôi đi Nước Mặn. Bởi hăng nồng theo tuổi trẻ, lại chưa quen tính chầu nhưng, vì khi mới qua Việt-Nam làm cha phó ở Kim Long, toàn bổn đạo dòng; khi không biết chi về bổn đạo mới, tôi quá tin các chúng, có bao nhiêu tiền bạc thì đổ ra hết, sau khốn nỗi chẳng hiệu quả gì, lại xảy ra việc này việc khác, nên tôi thua buồn xin đức cha cho khỏi chầu nhưng. Đức cha già Lý lại dạy tôi về tiểu chủng viện. Có vậy mà họ in trí tôi thay đổi. Nếu tôi không bị in trí, thì đã được lập dòng tại đất nhà chung ở Ba Trục, gần Thanh Tân. Khi ấy cố Soái (R.P. Chaiget) làm cha sở Thanh Tân, quản thủ cả Ba Trục, ngài sợ tôi lập dòng bất thành nên ngăn trở đức cha không cho lập tại đó. Cố Kính (R.P. Bonnin) cũng hợp tính với tôi và thương tôi lắm, năng cho bạc tiền khi nhiều khi ít, song khi tôi được phép lập dòng đến xin giúp, thì ngài không cho, lại rằng: “Thì là làm chi đặng tê nê”. Đức cha Hồ lại tiếp: “Ấy,điều khuyết điểm nơi cha Benoit là tính hay thua buồn, mà thua buồn thì sinh chán ngán muốn đổi việc, nên mang tiếng hay thay đổi, Tính ấy rất nghịch cùng bậc tu sĩ, vậy mà ngài đã toàn thắng, vững chí lập dòng cho đến thành công, thì làm cho ngài vang hiển hơn nữa[7].
Và đây là chứng thư của cha Lê Hữu Luyến:
“Ngày sau hết các chú lên chào, cha con thầy trò cùng nhau từ giã, thì ngài buồn và nói: đức cha nói với cha rằng: “Cho phép lập dòng, có được thì hay, nếu bất thành, thì phải để nơi ấy cho địa phận, rồi đi Lào hay đi mô thì đi”. Và tác giả sách Hạnh Tích viết thêm: “Nghe đức cha và nhiều đấng ban lời cay cực như thế, tự nhiên cha giáo Thuận phải buồn, sinh tủi phận; nếu không ơn Chúa, thì ngài chán nản ngã lòng[8] .
Một vài dòng chứng từ hé mở cho chúng ta về những thương tổn tâm lý mà Cố Thuận phải đối diện. Ngài xác tín vào công cuộc lập dòng, ngài tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và Mẹ Maria; nhưng, về phương diện con người, những thái độ và lời nói nghi ngờ về công việc sắp được khởi sự như là những gáo nước lạnh tạt vào nhiệt tâm nóng cháy của ngài.
Chúng ta thử hỏi, đã có lần nào ngài hoang mang và nghi ngờ về lựa chọn của mình, về con đường sắp bước vào? Đã có lần nào ngài giao động trước những phản ứng của người khác chống đối kế hoạch lập dòng, dù việc khởi đầu rất là đơn giản? Có bao giờ ngài hoài nghi về thành quả của công cuộc này? Chúng ta không biết, vì chẳng bao giờ ngài nói lên nỗi lòng của mình, dù rằng vẫn cảm thấy “khá buồn tủi”. Một cách chủ quan, tôi nghĩ rằng những câu hỏi trên ít nhất cũng một lần đã xuất hiện trong tâm tư của Cố Thuận. Dưới một hình thức nào đó, những thái độ và lời nói như chối từ thiện chí của Ngài đã tạo nên một loại áp lực tâm lý nào đó và trở thành cơ hội cho cuộc chiến nội tâm của ngài.
Thật vậy, làm sao một công cuộc quan trọng như việc thành lập một nếp sống hoàn toàn mới lạ – đời đan tu chiêm niệm cho những nam giới người Việt Nam – lại không phải là một cuộc chiến với những chọn lựa và những sức lực tác động trên ngài. Một đàng, ý thức tầm quan trọng của nếp sống đan tu cho người Việt-Nam và tầm ảnh hưởng trong xứ truyền giáo; đàng khác, cảm nhận chân thành những giới hạn của bản thân để có thể tiến hành một công cuộc như thế: hai ý thức đó tác động trên ngài và hình thành một áp lực, một cuộc chiến nội tâm. Điều quan trọng là ngài dám đối diện với sự thật này: ngài không chạy trốn trước giới hạn của mình và cũng không đầu hàng trước khó khăn. trái lại, ngài đã “lớn lên” thêm và dấn bước vào hành trình cam go. Chính sự can đảm đối diện với bản thân đã thêm sức cho ngài để từng bước tiến tới thành công. Dám đối diện với mình, khám phá những giới hạn của bản thân, phải là chặng đường quan trọng để có thể cộng tác với ơn Chúa, đưa “đại cuộc”, “dự phóng” của Chúa tới chỗ hiện thực.
Nhưng đối diện với chính mình, với những thương tổn tâm lý cũng mới là một giai đoạn trong hành trình tìm gặp thực sự “nơi sâu kín nhất” của vết thương tình ái.

 

3.Dám trực diện với Thiên Chúa

Như đã nói trên, tôi cảm nhận rằng cuộc đời của cha Biển Đức Thuận mang dấu ấn của một cuộc chiến. Trong ba mươi năm sống tại Việt Nam, nhất là trong mười lăm năm đầu với sứ vụ truyền giáo, ngài không ngừng chiến đấu để tiến tới điều ngài mong ước, điều mà Thiên Chúa hướng dẫn ngài đi tới mà ngài không biết.
Đọc lại một số thư ngài gởi đức cha Allys Lý cũng như phân tích vài tâm tư ngài bôc bạch – mà tôi đã đề cập trong những bài viết trước -, chúng ta đã và còn sẽ khám phá ra có điều gì đó đang đeo bám ngài, không để ngài ngơi nghỉ, mà thôi thúc ngài tiến xa hơn, để đưa ngài vào một cuộc phiêu lưu mới. Ngài cảm nhận trong thể xác lẫn tâm hồn một cuộc chiến dai dẳng để thực hiện ước mơ – đúng là một ước mơ, từ ngữ được lập đi lập lại nhiều lần. Ngài cảm nhận cần phải vâng phục bề trên, đặc biệt là giám mục sở tại. Tuy nhiên, đức vâng phục này không thể làm dịu bớt những ước mơ cháy bỏng trong ngài. Vì thế ngài phải chiến đấu với chính mình, với người khác và với chính Thiên Chúa.

 

a.Đơn độc

Dù bận rộn với bao công việc, Cố Thuận đã dành rất nhiều thời gian để sống một mình: đó là những khoảnh khắc sống trong nhà nguyện để tâm sự với Chúa. Nhưng cũng không ít lần ngài phải sống đơn độc để đối diện với cuộc sống, với dự phóng, với tương lai hoạch định. Tại sao lại có những thay đổi, mưu tìm một con đường khác với con đường đang đi? Tại sao lại đi tìm kiếm một phương cách khác, một kế thuật mới để rao giảng Tin Mừng cho dân tộc Việt nam? Bản thân ngài còn cần điều gì nữa, khi đã dốc hết nhiệt tâm cho việc truyền giáo? Ngài có thấy con đường mình sẽ đi không?
Cố Thuận quả thực đơn độc trước những thách đố như thế và chúng trở thành những bóng tối cho ngài. Chúng ta hãy tưởng tượng ngài đã phải trải qua bao đêm thức trắng để suy nghĩ về tương lai. Ngài bước đi trong bóng tối. Chúng ta cũng có thể mường tượng ngài đã phải đối diện với những câu hỏi không dễ gì tìm ngay ra câu trả lời. Liệu có bàn tay Thiên Chúa trong mọi sự việc đã xảy ra? Nếu như Thiên Chúa đã khơi gợi trong ngài những ước muốn, những ước mơ như thế, thì giải thích làm sao đây việc chúng không được nhanh chóng thực hiện? Mình có lầm chăng trong những chọn lựa này?

 

b.Trong đêm tối

Sau bao nhiêu hoạt động, kinh qua thành công cũng như thất bại trong công cuộc truyền giáo, ngài dự định một con đường là bỏ lại đàng sau tất cả. Nếu như đối với cố Thuận, Thiên Chúa là mối quan tâm duy nhất của ngài, nếu từ nay cuộc đời ngài chỉ tập trung vào một mình Thiên Chúa, thì chúng ta có thể thấy rằng ý tưởng sống đời đan tu sẽ là giải pháp duy nhất cho phép ngài thực hiện kỳ vọng ấy. Bởi vì ngài khám phá ra rằng điều quan trọng không phải là hoàn thành những công việc của Thiên Chúa, mà là sống với chính Thiên Chúa. Bằng những cách thức và biện pháp khác nhau, Thiên Chúa đã thanh luyện Cố Thuận, để chuẩn bị ngài tiến sâu hơn vào trong sâu thẳm huyền nhiệm Tình Yêu. Thiên Chúa đến, Người hiện diện ngay giữa cuộc thanh luyện ấy. Khi ấy đêm tối sẽ trở thành ánh sáng chói chang. Đức tin trong đêm tối sẽ trở thành đức tin rực rỡ rạng ngời. Thực vậy, Thiên Chúa xuất hiện cùng với ánh sáng thần hoá của Người. Cố Thuận đã nhận biết Thiên Chúa hiện diện ngay trong đêm tối của mình. Ngài đã nhận biết và đối diện với dung mạo của Thiên Chúa : một Thiên Chúa tỏ mình trong kín ẩn. Thiên Chúa đã đến băng bó và chữa lành những vết thương của Cố Thuận và từ nay ngài có thể vững tin thực hiện dự phóng của chính Thiên Chúa trong đời ngài.

 

c.Dấu chứng tình yêu

Cố Thuận tiếp tục cuộc hành trình, cuộc mạo hiểm để thực hiện “đại cuộc” của Thiên Chúa. Từ nay ngài phó thác tất cả cho Thiên Chúa, phó thác đời mình cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Kể từ nay, ngài chỉ còn tìm thấy sức mạnh nơi một mình Thiên Chúa. Hơn bao giờ hết, ngài xác tín rằng ước mơ của ngài phát xuất từ Thiên Chúa và duy một mình Thiên Chúa mới có thể biến ước mơ ấy trở thành một hiện thực hoàn hảo. Nếu Thiên Chúa khơi gợi cho Cố Thuận một ước mơ như thế, tức ước mơ sống một mình với một mình Thiên Chúa, và giúp tha nhân chuyên chú vào một mình Thiên Chúa thì chúng ta có thể tin rằng Thiên Chuá hiện diện trong chính ước mơ của ngài. Mà ước mơ đầy ân phúc này, chính là dấu chứng của Tình yêu Thiên Chúa; vì kết hiệp với Thiên Chúa là cội nguồn hạnh phúc.

 

d.Không phải một Thiên Chúa “lấp đầy chỗ trống”

Dù rằng xác tín vào con đường Thiên Chúa dẫn đưa và phó thác vào quyền năng yêu thương của Thiên Chúa, Cố Thuận luôn là con người hành động cùng với Thiên Chúa. Mặc dù Thiên Chúa là một Đức Chúa hành động, kiến tạo công trình của Người ngay trong cuộc sống con người, nhưng Người không phải là người thay thế. Trái lại, Người để con người được tự do. Người hiện diện ở đấy, nhưng một cách ẩn mặt. Nếu Thiên Chúa để con người hành động một mình, là để họ được lớn lên. Và việc lớn lên này là lớn lên trong Thiên Chúa. Nhưng con người cũng cần được Thiên Chúa chinh phục để Thiên Chúa lớn lên trong họ.
Trong cuộc đời của Cố Thuận cũng thế. Ngài phải đương đầu với bao chướng ngại trên đường đi. Ngài đã vận dụng hết mọi năng lực để chiến đấu nhằm đạt được ước mơ. Ngài hành động như thể đơn độc lèo lái con thuyền cuộc đời tới bến. Thiên Chúa không thay thế những chọn lựa, những định hướng mà Cố Thuận nhắm đến. Khi ban cho ngài sức mạnh để chiến đấu cho tới cùng, Thiên Chúa ẩn mặt trong đêm tối, trong huyền nhiệm của Người.
Một hình ảnh như thế về Thiên Chúa là Đấng không bao giờ “lấp đầy chỗ trống”, tạo cho Cố Thuận một cảm nghiệm quan trọng. Cảm nghiệm này đưa dẫn ngài tới một sự trưởng thành tâm linh. Nếu Thiên Chúa dành cho con người một không gian tự do, chính là để cho việc con người chọn lựa Thiên Chúa đích thực là một sự lựa chọn tự nguyện và phát xuất từ tình yêu. Để chọn Thiên Chúa một cách ý thức và tự nguyện, con người cần phải đối diện và chiến đấu với chính mình, với những quyền lực bên ngoài và với chính Thiên Chúa nữa.

 

KẾT

Khi nghiên cứu về Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, nhiều lần tôi tự hỏi tại sao ngài cố gắng tìm cách thay đổi: thay đổi hoạt động từ một giáo sư chủng viện chuyển sang một thừa sai, thay đổi nếp sống từ một thừa sai trở thành một đan sĩ. Quả thức, đàng sau những đổi thay bên ngoài đó được thúc đẩy bởi lòng khát khao nồng cháy, thì có Ai Đó đang ẩn mặt phía sau.
Cha Biển Đức Thuận đã DÁM ĐỐI DIỆN với Đấng Ẩn Kín đó để từng bước tìm ra con đường tương lai. Việc đối diện với Thiên Chúa đã làm chao đảo cuộc đời của ngài, vì Thiên Chúa, một khi đã có một dự phóng trên cuộc đời của người nào đó, thì Người không để họ ở yên. Người thúc đẩy tiến lên, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng và lên đường. Chúng ta có thể nói được rằng Thiên Chúa đã đánh động tâm hồn cha Biển Đức Thuận, một tấm lòng luôn khao khát những điều vĩ đại hơn, cao cả hơn, thiện hảo hơn.

 

 


 

[1] Chúng tôi dùng danh xưng cha Henri Deniskhi ngài chưa nhận tên gọi THUẬN mà đức cha Caspar Lộc đặt cho. Danh xưng Cố Thuận được dùng trước khi ngài sống đời đan tu. Danh xưng Biển Đức Thuận để gọi ngài khi đã là đan sĩ.

[2] Báo Cáo Hội Thừa Sai, 1889, tr. 225.

[3] Báo Cáo Hội Thừa Sai, 1903, tr. 205.

[4] Báo Cáo Hội Thừa Sai, 1910, tr. 192.

[5] Thư đề ngày 08.04.1908.

[6] C. dAINVAL, Les belles heures de lIndochine Française, Perrin, Paris, 2001, Pharisêu. 110.

[7] Emmanuel-Triệu Chu Kim Tuyến, Hạnh Tích Cha Benoit Cố Thuận, tái bản 1998, tr. 100-102.

[8] sdd, tr. 108.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp Nghi thức bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri Denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...