Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

GIỜ ĐỀN TẠ TỐI THỨ NĂM TUẦN THÁNH (Hiền Lâm)

Xem hình ảnh, xin click vào đây

GIỜ ĐỀN TẠ TỐI THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần… 

1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con đến bên Chúa trong Giờ chầu đặc biệt của tối thứ năm tuần thánh hôm nay, để được cảm nghiệm lòng Chúa yêu thương, “yêu thương cho đến cùng” như Tin Mừng Gioan đã thuật lại tại khung cảnh Bữa Tiệc Ly; chúng con cũng muốn được ở bên Chúa như ba người môn đệ thân tín đã được Chúa kêu mời đi vào vườn Cây Dầu, cùng Chúa canh thức để đón nhận thánh ý Chúa Cha mà vâng phục, vâng phục cho đến chết.
Lúc này đây, Chúa đang đưa chúng con vào mầu nhiệm hiến tế của Chúa. Chúa muốn trao gửi cho các tông đồ và chúng con chính bản thân của Chúa. Chúa muốn chia sẻ sự sống của Chúa cho chúng con và mời gọi chúng con biết chia sẻ chính mình mỗi khi cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể.
Giờ đây chúng con vui sướng được quì trước tôn nhan Chúa, để tỏ bầy lòng tri ân cảm mến của chúng con đối với Bí tích Thánh Thể mà Chúa đã thiết lập, để ban lương thực thiêng liêng cho chúng con. Chúng con hiểu rằng Bí tích Thánh Thể nói cho cùng là Bí tích Tình yêu. Bởi vì Chúa thương yêu chúng con đến cùng, không những Chúa đã xuống thế làm người chịu chết chuộc tội cho chúng con, đem lại cho chúng con chức vị làm con Thiên Chúa, mà Chúa còn muốn ban Thịt Máu Mình làm lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng con, và muốn ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế.
Trở về với Chúa trong Bí tích Thánh Thể, chúng con tìm gặp được tình yêu đích thực và bền vững, từ đó cho chúng con nhận ra Thánh Thể Chúa chính là nơi gặp gỡ của tất cả, giữa Chúa và mỗi người chúng con, cũng như giữa mỗi người chúng con với mọi anh chị em. Thánh Thể Chúa đã cho chúng con cảm nếm được vị dịu ngọt của tình Chúa yêu chúng con.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện khiêm tốn và đích thực trong dấu chỉ tấm bánh. Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, chúng con chúc tụng, tri ân cảm tạ và yêu mến Chúa. Xin Chúa quy tụ chúng con lại bên Chúa, như Chúa đã quy tụ các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Xin cho chúng con đêm nay, khi ở lại bên Thánh Thể, chúng con cảm nếm được tình thương bao la, một tình yêu đến cùng mà Chúa dành cho chúng con, để nhờ cảm nếm tình yêu ấy mà tâm hồn chúng con được biến đổi và sống tình yêu Chúa cách tràn đầy hơn nữa trong cuộc sống hằng ngày. Xin ban cho chúng con Thánh Thần để soi lòng mở trí chúng con biết lắng nghe, yêu mến và đón nhận Lời Chúa trong giờ cầu nguyện này cũng như trong đời sống thường ngày.

Hát: Thờ lạy Chúa…

 

2. Đọc Tin MừngLc 22,14-20.39-46 (Mọi người đứng nghe Tin Mừng)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
Khi giờ đã đến, Đức Giê-su vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa.”
Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến.”
Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.
Rồi Người đi ra núi Ô-liu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.”
Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.” Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.
Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.”

 

3. Suy niệm: THÁNH THỂ LÀ SỰ TRAO BAN TRỌN VẸN.
(tùy nghi có thể ngồi hoặc quỳ)
Bài Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giê-su lập Bí tích Thánh Thể và sau đó Người đi vào vườn cây dầu để cầu nguyện trước khi phó nộp mình chịu chết chuộc tội cho nhân loại. Tất cả nói lên mầu nhiệm Tình yêu cao vời của Chúa dành cho con người, một tình yêu trao ban thân mình cho nhân loại và ở lại với nhân loại trong Bí Tích Tình Yêu – Bí Tích Thánh Thể.

… Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì tình yêu đã có từ đời đời, nghĩa là có trước cả vũ trụ. Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu thì tình yêu không lệ thuộc một không gian nào, nghĩa là tình yêu ở khắp mọi nơi. Thế mà nhiều người vẫn hát: tình yêu có từ nơi đâu, để rồi đi tìm tình yêu ở một khúc sông cầu nào đó. Tình yêu rất trừu tượng nhưng cũng rất thực tế, ngọt mà đắng, bùi mà cay, gần mà xa… Tình yêu được ví như căn bệnh ngặt nghèo của hai con tim lành mạnh. Tình yêu là sự bay bổng của hai con người không có cánh. Tình yêu là sự bùng nổ động cơ đốt trong của hai tâm hồn. Tình yêu là điều tốt đẹp lan tỏa khắp thế giới… Tình yêu nếu thêm một sẽ bằng tất cả nhưng trừ đi một sẽ chẳng còn gì hết. Tình yêu còn được thi vị hóa như làn gió thoảng, như ánh trăng chiếu qua cửa sổ…
Nếu định nghĩa về tình yêu sẽ không bao giờ hết, và như đã nói ở trên, tình yêu ở khắp mọi nơi nên đâu phải dày công đi tìm nó, nhưng tình yêu sẽ đến và ra đi tùy tâm hồn của mỗi người. Vì thế, không phải đi tìm nhưng là hãy phá bức rào chắn của tâm hồn để đón nhận tình yêu và trao ban nó cho đối tượng mình yêu.

Khi gọi “Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu”. Một câu định nghĩa rất ngắn, nhưng lại rất đầy đủ, rất súc tích và bao hàm một ý nghĩa thật bao la. Thật thế, từ ngày xửa ngày xưa cho tới bây giờ và còn mãi, không ai định nghĩa được tình yêu một cách đầy đủ. Tình yêu được Thiên Chúa phú ban cho loài người và chỉ có loài người mới có để sống và trao ban mà thôi. Hai chữ “tình yêu” đã đi vào huyền nhiệm. Tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào.

Bí Tích Thánh Thể được mang danh gọi là Bí Tích Tình Yêu, và có lẽ chỉ có danh gọi này mới làm toát lên được ý nghĩa sâu xa nhất của Huyền Nhiệm Thánh Thể: là trao ban, là tự hiến, là hiệp thông, là tự hủy, là hy sinh… nói tóm: Thánh Thể là Tình Yêu.
Cũng như không ai nói hết được về tình yêu, thì khi nói Thánh Thể là Tình Yêu cũng có nghĩa là không thể suy sao thấu, kể sao hết và nói sao cùng về ý nghĩa của Bí Tích cao cả này.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người xuống trần gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). 
Phải, như lời Chúa Giê-su đã tuyên bố: “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 13,13).
Không ít người đặt câu hỏi rằng: “Tại sao Thiên Chúa đầy quyền năng lại không chọn phương thế khác dễ hơn, mà chọn nhập thể, sống kiếp khổ đau rồi chết nhục nhã như thế để cứu chuộc con người?”. Có thể trả lời rằng: “Chúa Giêsu chọn phương cách nhập thể là vì muốn cho con người biết rằng, con người có một giá trị rất cao quý mà Người không ngại mặc lấy thân xác con người, và cũng qua sự nhập thể Người nâng phẩm giá con người lên”. 
Một cách giải thích dễ hiểu hơn là: Giống như khi một chàng trai kia muốn tìm kiếm bạn đời, thì không thể cứ ở một chỗ gửi thư hay gọi điện, nhưng phải tìm gặp gỡ cô gái mình yêu, trao đổi tìm hiểu nhau, đến nhà giúp đỡ nhau… thì mới có cơ hội cưới được nửa kia của đời mình. Chúa Giêsu cũng thế, nếu Người cứ ở trên trời nói vọng xuống: “Ta yêu các con, Ta sẵn sàng chết vì các con…” thì làm sao con người kiểm chứng được tình yêu đó và đáp lại được. Vì thế, Chúa Giêsu phải xuống với con người, cùng chấp nhận kiếp sống, cùng đồng hành chia sẻ và sẵn sàng hy sinh để cứu con người là đối tượng mà Người yêu. Đúng vậy, Người đã làm như thế, và bằng chứng hùng hồn nhất là “chết đi cho người mình yêu”.

“Khi yêu nhau người ta cần nhau”. Trong khi những thứ thư từ, quà cáp, tiền bạc, lời nói… chỉ là những thứ phụ thuộc, điều hai người yêu nhau cần nhất chính là con người của nhau, cần hiến dâng hoàn toàn cho nhau, cần được kết hợp với nhau tuy hai mà một…, và đó cũng là chất thể của Bí Tích Hôn Nhân. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Người quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Người. Những lời nói, hành động của Người để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Người cho con người? Và Thánh Thể khi được trao ban cho loài người mang một ý nghĩa tròn đầy của một sự kết hiệp, vừa mang tính thể chất vừa mang tính thần thiêng. Thật vậy, Chúa Kitô đã chứng minh tình yêu của Người đối với nhân loại bằng sự trao ban tuyệt đỉnh là thân mình chí thánh của Người. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất và là ý nghĩa nhất của trao ban. Trao ban cả mạng sống, trao ban đến giọt máu cuối cùng. Trao ban vượt trên tất cả mọi sự trao ban là cho đi tất cả, không so đo tính toán. Trao ban bằng chính tình yêu đích thật.

Yêu thương là cho đi, là trao tặng, dù cả đến bản thân. Trao ban là phục vụ cách không tính toán, nhưng vô vị lợi chính là bằng chứng của yêu thương. Yêu thương chính là hy sinh chia sẻ tất cả những gì mình có.
Chúa Giêsu nêu gương cho mọi người về một tình yêu đồng cảm, một tình yêu thông chia một cách thẳm sâu, nhất là thông chia những khó khăn của cả nhân loại này. Người chia sẻ thân phận con người khi chấp nhận sống giữa thế giới loài người. Người chạnh lòng thương những đám dân không có mục tử chăn dắt (Mt 9, 36). Người hóa bánh ra nhiều để nuôi những người đang đói (Mt 15, 32). Và chính Thánh Thể là một dấu lạ cả thể để nuôi sống con người trong ơn cứu độ đời đời. Chúa đã cho đi tất cả và mãi mãi vẫn tiếp tục ban tặng thế gian chính mình Người.

Hát: “Thầy yêu chúng con lời ai nói cho cùng”
(Đọc Kinh Đền Tạ)

 

– Suy niệm tiếp theo: BÍ TÍCH THÁNH THỂ LÀ CÁCH CHÚA Ở LẠI VỚI NHÂN LOẠI
Trong tình yêu, ai cũng muốn kề cận, nên một với người mình yêu. Cũng thế, Chúa Giê-su không những đã hy sinh chịu chết trên thập giá mà còn muốn ở lại cùng nhân loại mãi mãi. Vì thế, Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể. Đó là điều đã được loan báo từ trong Cựu Ước, qua hình ảnh bữa tiệc mà Thiên Chúa sẽ thiết đãi muôn dân và cuối cùng đã được thực hiện trong chiều Thứ năm Tuần thánh này, ngay trước lúc Chúa Giê-su bước vào cuộc khổ nạn của Người.

Thánh Gioan là người có kinh nghiệm sâu xa về tình yêu Thiên Chúa. Ngài viết: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính người đã yêu thương chúnh ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (Ga 4, 10) . Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đã đến sống giữa trần gian và chia sẻ kiếp người với mỗi người. Từ khi Con Thiên Chúa trở thành “Emmanuel”- Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Người nên nguồn an ủi lớn lao cho chúng ta. Kiếp người vốn bất tất từ nay không còn vô nghĩa, nhưng có giá trị, vì Chúa Kitô đã làm người để cứu độ loài người. Dù là Thiên Chúa, nhưng khi đã làm người, Chúa Kitô làm người cách trọn vẹn, làm người như người chứ không “khác người”. Có thể nói: Thiên Chúa làm người như cách con người là con người. Chúa hiểu và thông cảm với thân phận con người của chúng ta bằng trái tim của Thiên Chúa đã trở nên phàm nhân. Vì thế, Người mời gọi chúng ta: “Hãy đến với Người… Người sẽ nâng đỡ bổ sức cho chúng ta” (Mt 11, 28).

Chúa Giêsu đã lập phép Thánh Thể để ban Thịt và Máu Người làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Người còn muốn Giáo Hội hãy làm lại việc Người đã làm, để tưởng nhớ đến Người và để Người có thể hiện diện thực sự với loài người mỗi ngày cho đến tận thế. Hằng ngày trên mọi bàn thờ khắp thế giới, thánh lễ được cử hành để Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta. Đó là hồng ân quí giá nhất mà Chúa dành cho chúng ta, chúng ta chỉ biết dâng lời cảm tạ Người với tất cả lòng hân hoan cảm mến.

Từ sau bữa Tiệc Ly, Hội thánh đã tin vào sự hiện diện đích thực của Mình và Máu thánh Chúa Kitô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, trong hình bánh rượu. Như Hội thánh dạy, chắc chắn Chúa Kitô hiện diện với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng cách riêng là dưới hình bánh rượu. Thánh Thể đã trở thành hy tế : hy tế cứu chuộc và đồng thời là hy tế của Giao Ước mới. Hy tế này được kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để lại cho Hội thánh Người việc tượng niệm cái chết và sự phục sinh của Người (x. SC 47). Cũng vậy, cuộc sống của các tín hữu, công việc, đau khổ, lời ca ngợi, kinh nguyện của họ được kết hợp với Chúa Kitô và lễ dâng toàn hiến của Người và nhờ đó có được một giá trị mới.

Thánh Kinh còn trình bày Thánh Thể như một lương thực bổ sức cho người tín hữu trên đường dương thế, như bánh manna xưa Chúa đã ban xuống cho dân It-ra-en để nuôi dưỡng họ trong cuộc hành trình trong sa mạc bốn mươi năm trường. “Ai ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi”, lời nói đó của Chúa Giêsu cho người kitô hữu thấy nhu cầu khẩn thiết phải nuôi dưỡng mình bằng chính Chúa, là bánh từ trời xuống. Việc tham dự bàn tiệc thánh này xây dựng chúng ta thành nhiệm thể Chúa Kitô. Vì thế Chúa Giêsu Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo hội. Thánh Thể là lương thực nâng đỡ và biến đổi Giáo hội từ bên trong, nhờ đó chúng ta được đồng hóa với Chúa Kitô, được biến đổi thành con người mới, kết hợp mật thiết với Chúa, là Đầu của Nhiệm thể. Sự sống mới mà Chúa Giêsu ban cho con người trong bí tích Thánh Thể biến thành “liều thuốc trường sinh bất tử, để được mãi mãi sống trong Chúa Kitô”.

Chúa Giê-su hướng nhìn về Chúa Cha để chu toàn Thiên Ý, nhưng cũng đồng thời hướng về con người để cứu độ, thì đến lượt mỗi người tín hữu cũng biết vâng theo ý Chúa và góp phần cứu độ tha nhân. Dâng hy tế của Chúa Kitô cách đích thực có nghĩa là tiếp nối hy tế này bằng một cuộc sống hiến dâng cho kẻ khác. Cũng như Chúa Kitô đã hiến mình làm hy tế dưới hình bánh rượu, chúng ta cũng phải hiến thân cho người đồng loại, qua một việc phục vụ khiêm hạ trong tình huynh đệ, tuỳ theo nhu cầu hơn là công trạng của họ, bằng cách trao tặng cho họ những gì cần thiết nhất để sống cho xứng với phẩm giá con người.
Vậy Thánh Thể mà chúng ta cử hành và chia sẻ trong bữa tiệc thánh mời gọi chúng ta kết hợp việc bẻ bánh với việc chia sẻ của cải, quyên góp để trợ giúp những người túng thiếu nhất, thắng vượt mọi chia rẽ và kỳ thị. Chứng tá tình yêu này là một yếu tố không thể thiếu trong việc phúc âm hóa đích thật.

 

4. Cầu nguyện (Mọi người quỳ)
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã có sáng kiến lập nên Bí tích Thánh Thể để ở lại với chúng con trong từng giây phút, từng biến cố, từng nẻo đường đời của chúng con. Để yêu thương, vỗ về, để nâng đỡ, dẫn dắt… và cùng đồng hành với chúng con trên con đường lữ thứ, tiến về nhà Cha. Xin cho chúng con biết dấn thân hòa mình vào cuộc sống, nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nhất là đối với những người đau khổ và nghèo khó, những người bị gạt ra bên lề cuộc sống, những người bị chà đạp nhân phẩm. Xin cho chúng con ý thức rằng, hằng ngày có biết bao nhiêu cơ hội để chúng con phục vụ, từ đó chúng con biết tận dụng từng khoảnh khắc của đời sống mình nhằm mang lại ơn thánh hóa cho chính chúng con.

(Sau từng lời cầu đáp: “Xin Chúa nhậm lời chúng con”).

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa đã lấy chính Thịt và Máu mình để làm của ăn nuôi dưỡng chúng con, cho chúng con được kết hiệp với Chúa và ở lại trong tình yêu của Chúa : “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56). Xin Chúa ở lại với chúng con trong từng giây phút, từng ngày sống, để tình yêu đối với Chúa và đối với anh em ngày càng lớn lên trong tâm hồn chúng con. Xin giúp chúng con mỗi khi đón rước Chúa thì cũng biết đón nhận anh chị em cùng chung sống với chúng con.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin cho chúng con biết lắng nghe Chúa Thánh Thần và người nghèo, lắng nghe những chất vấn về tình yêu từ tận sâu thẳm của con tim, biết nhạy cảm trước những đau khổ của anh chị em chúng con, biết tôn trọng công bình, sự thật, sống theo lương tâm ngay thẳng. Xin cho chúng con biết đến với tha nhân không phải chỉ bằng tình cảm, lời nói, nhưng còn bằng cả thái độ và hành động của lòng yêu thương. Trên hết mọi sự, xin cho chúng con hiểu rằng, yêu thương phải là phục vụ và phục vụ chính là yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi người chúng con đều có thể cho đi. Vì không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho. Chúng con có trái tim, có nụ cười, có chính bản thân mình… Vì thế, xin cho chúng con biết học lấy tinh thần yêu thương phục vụ, học lấy bài học cho đi dưới bất cứ hình thức nào.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin cho chúng con hiểu rằng, “Chính lúc hiến thân là lúc được nhận lãnh”, để biết cho đi cách tự nguyện, sẵn sàng và vui lòng. Xin cho chúng con biết phá bỏ những hàng rào ngăn cách, đi bước trước đến gặp gỡ tha nhân, biết đặt lợi ích của anh chị em lên trên lợi ích của mình.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Trái Tim Chúa rộng mở đón nhận hết mọi người và ôm trọn cả loài người chúng con. Nơi tình yêu của Chúa, kẻ lao nhọc và gánh nặng tìm được chốn nghỉ an, kẻ bất hạnh tìm được niềm vui, kẻ yếu đuối tìm được chỗ dựa vững chắc, kẻ khốn cùng tìm được nguồn an ủi, kẻ cô độc tìm được một người bạn chân thành. Xin cho chúng con có một trái tim rộng mở như Trái Tim Chúa để luôn biết đón nhận và đừng bao giờ loại trừ ai, dù là người ở bên cạnh hay người mà tình cờ chúng con gặp gỡ trên đời, bằng sự chia sẻ, yêu thương, dấn thân và phục vụ.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin cho chúng con biết chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa và khắc ghi vào lòng lời của Chúa : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Trong mỗi gia đình chúng con, xin dạy chúng con biết yêu thương nhau bằng trái tim của Chúa, biết tha thứ cho nhau với tấm lòng của Chúa, biết quan tâm đến nhau với ánh nhìn của Chúa, để các gia đình chúng con làm trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện và tỏa lan ra đến hết mọi người.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, chính nơi Thánh Thể đã là tất cả nội dung của một bài học lớn lao về lòng nhân từ xót thương và khiêm hạ; nơi Thánh Thể Chúa, chúng con nhận ra cả một bằng chứng sống, một bằng chứng cụ thể về tình yêu của một Thiên Chúa nhân từ đã cúi mình xuống chia sẻ phận người, để cùng làm người với chúng con. Xin cho tất cả chúng con luôn học nơi Chúa bài học của lòng nhân từ, hiền hậu, khiêm cung để chúng con nên giống Chúa hơn và nên người thiết nghĩa với anh em chúng con hơn. Nhờ đó, anh em chúng con sẽ được gặp Chúa nơi tấm thân nhỏ hèn của chính chúng con.

Hát: Xin cho con lòng mến yêu… 

 

Lời nguyện
Lạy Chúa Giê-su, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con thời gian ngắn ngủi này để ở bên Chúa. Giờ đây, chúng con xin dâng lên Chúa tất cả đời sống chúng con, những công việc chúng con đã làm trong ngày hôm nay, dù thành công hay thất bại, và những niềm vui nỗi buồn của một ngày sống. Xin Chúa chúc lành cho chúng con đêm nay được an lành và xin Chúa nâng đỡ những ai mà giờ này đang phải vất vả làm lụng để có của nuôi thân. Đặc biệt xin Chúa thương đến các linh hồn trong luyện ngục được vào Nước Chúa và nghỉ ngơn muôn đời. Amen.

Hát: Kinh Hòa Bình.

Hiền Lâm

 

Đức Thánh Cha rửa chân

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đan Viện Phước Lý: Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh – Mừng 75 năm thành lập Đan viện

      Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Mừng 75 năm thành lập Đan Viện Lam Châu Vào lúc 9h15, ngày 23 tháng 10 năm 2024, tại Đan viện...

Giới thiệu Cộng đoàn Phước Lý

ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ Địa chỉ: Vĩnh Thanh – Nhơn Trạch – Đồng Nai Email: dvphuocly@yahoo.com Website: danvienphuocly.com                  Viện phụ: M. Bảo Tịnh - Nguyễn Đức...

SỬ LƯỢC – ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ

SỬ LƯỢC ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC  LÝ (Viết trong dịp mừng Ngọc Khánh thành lập Đan Viện) M. Montfort  *********************   Trên chiều dài cuộc sống, có...

ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ (Sử Lược)

ĐAN VIỆN THÁNH MẪU KHIẾT TÂM PHƯỚC LÝ (Sử Lược) Mọi thực tại hữu hình đều có một lịch sử nhất định và lịch sử đó...

Hình ảnh: Lễ tạ ơn Kỷ niệm Kim Khánh Khấn Dòng (Martin Phước Lý)

CHỦ NHẬT II PHỤC SINH - CHÚA NHẬT...

Đan viện Thánh Mẫu Khiết Tâm Phước Lý mừng lễ bổn mạng.

  Hình ảnh Lễ Bổn Mạng Bài hát mừng Bổn...

“UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” (FR Montfort Nguyễn Vinh)

  I- Nhìn về nguồn cội II- Bí quyết trong...