Chúa Nhật III MC – B
Lật đổ và xây mới lại nền phụng tự
(Xh 20,1-17; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25)
Tin mừng chúng ta vừa nghe, không khỏi làm cho chúng ta ngạc nhiên vì cách hành động của Chúa Giesu tại đền thờ trong ngày đại lễ. Ngài nổi giận, đuổi người buôn bán ra khỏi đền thờ, lật đổ bàn của người đổi tiền, rồi nói với những người buôn bán chim câu, đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán.
Ở đây, Chúa Giesu không chủ ý tấn công người đổi tiền, người buôn bán, nhưng vượt lên đó là một tôn giáo, một nền phụng tự, và cách sống đạo của người Do thái.
Tâm của đạo là Đền thờ Gierusalem là nơi Chúa ngự; nơi quy tụ cộng đoàn. Tâm của việc thực hành đạo như luật 10 điều răn dạy: phải được yêu mến Chúa với hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực rồi; rồi yêu tha nhân với việc thảo hiếu với mẹ cha; rồi không giết người, không gian dối, không lường gạt, không tham lam, không ham muốn bất chính…
Tất cả tâm đạo, tâm tôn giáo đã bị biến chất, giáng cấp, tục hóa, chỉ còn cái vỏ rỗng và chỉ còn các xác không hồn.
Đền thờ là sự hiện diện của Chúa, là nơi đầy tràn sự thánh thiện, thì giờ đây không còn được tinh tuyền. Thiên Chúa không còn là Đấng được tôn thờ, được yêu mến hết lòng, hết sức, hết linh hồn. Ngài đã bị con người làm công tác tôn giáo, nhân danh chức vụ tôn giáo lợi dụng để trục lợi.
Đền thờ là nơi gặp gỡ, quy tụ mọi con người, nhưng ở đây đã có sự phân cấp, phân biệt đối xử và là nơi trao đổi vật chất. Đã có sự phân hạng, vị trí cao thấp, sang hèn ở nơi thờ tự: sân dành cho dân ngoại, sân dành nơi buôn bán, đổi tiền, sân dành cho người Do thai, và chỗ vị trí ưu tiên, cực trọng dành cho giới tư tế, luật sĩ, giới quản trị đền thờ. Người thường dân, người tội lỗi, người ngoại, người nghèo, người bệnh… không tìm thấy vị trí xứng hợp nơi thờ tự.
Đền thờ là nơi phục vụ các giá trị tâm linh đã biến thành nơi buôn bán hàng hóa: buôn bò, chiên, chim câu, đổi tiền. Đức Giesu dùng từ rất nặng để gọi nơi này : “nơi buôn bán; hang trộm cướp”.
Đền thờ là nơi để biểu lộ việc thực hành tâm đạo như luật 10 giới răn dạy là cấm giết người, cấm ngoại tình; chớ lấy của người, chớ làm chứng dối, chớ nuôn lòng tham… Nhưng nơi đây đã có bất công “người bóc lột người, rồi gian dối, tham lam… Những tín hữu đến đây phải mua của lễ là chiên, bò, chim câu làm lễ dâng vào đền thờ với giá đắt đỏ; đồng tiền ngoại tệ phải đổi ra tiền Do Thái mới xử dụng để xin khấn, xin lễ. Người bán ngân lợi dụng cơ hội để bán một đồng tiền Dothai lấy một đồng rưỡi hoặc hai đồng ngoại tệ.
Tất cả mọi người, từ giới tư tế biệt phái đến dân chúng, Đức Giesu đã đọc thấy trong sâu lòng họ cách thức hành đạo đã hoàn toàn sai lạc. Tôn giáo đã không còn là nơi để phục vụ các giá trị thiêng của con người. Tất cả đã bị đảo ngược. Tôn giáo thay vì giúp cho con người đi tìm thờ phượng Chúa lại làm cớ cho con người đi tìm kiếm những tham vọng trần tục. Tôn giáo phục vụ gía trị tâm linh thì lại làm cho lương tâm con người ra hư hỏng; Phục vụ công lý, công bằng bác ái thì lại gây ra bất công, chia rẽ, phân biệt đối xử.
Đức Giesu đã lật đổ tất cả, không phải lật bàn ghế mà là lật đổ tất cả cơ cấu, hệ thống đạo giáo Do Thái và tất cả nền phụng tự, cách biểu lộ niềm tin của họ. Ngài đụng tới trung tâm và nền tảng tôn giáo của họ đó là đền thờ. Đền thờ là nơi mà người Do Thái tự hào là có Chúa hiện diện, là nơi biểu tỏ mọi sự khôn ngoan, sức mạnh. ĐGS muốn phá bỏ tất cả để xây lại mới. Ngài đã đưa ra chiều hướng của cuộc canh tân tôn giáo, canh tân nền phụng tự, canh tân cách thực hành đạo, Ngài tuyên bố: ” cứ phá hủy đền thờ này đi, nội ba ngày ta sẽ xây dựng lại”. Ngài muốn khởi đi từ chính Tin mừng mà Ngài loan báo, từ công cuộc cứu thế mà đỉnh cao là cuộc khổ nạn và phục sinh để cứu chuộc tất cả.
Thánh Phaolo đã trực kiến thấy con đường canh tân và cứu độ tôn giáo này nơi Đức Giesu nên trong giáo huấn của Ngài gửi cho giáo đoàn Corinto Ngài quả quyết : ” trong khi người Do thái tìm dấu lạ, người Hy lạp tìm sự khôn ngoan thì tôi lại rao giảng một Đức Giesu chịu đong đinh, sự vấp phạm cho người Do thái và sự điên rồ cho người ngoại giáo… Nhưng với những ai được ơn kêu gọi thì dù là Do thái hay Hylap, Đức Kito lại là quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa”.
Chúng ta đang đi tìm thấy con đường hoán cải, canh tân tôn giáo, canh tân cộng đoàn, gia đình, bản thân, nhất là trong mùa chay này. Những gì thuộc về tâm linh, thuộc về đời thánh hiến mà lại bị chúng ta đổi giá trị, thành mối lợi vật chất, thành chọn lựa theo kiểu khôn ngoan thế gian, sẽ không bao giờ bảo đảm cho chúng ta thay đổi và thăng tiến con người, nó sẽ là dấu hiệu báo trước hậu quả xảy đến là sự trống rỗng và làm chúng ta sụp đổ. Chu toàn một cách trung tín 10 điều luật Chúa và cuộc gặp gỡ Đức Giêsu khổ nạn và Tin mừng của Ngài chính là nội dung cho cuộc canh tân tìm kiếm của chúng ta. Khi chúng ta mải miết giữ luật Chúa và sống theo Tm, chúng ta sẽ nghiệm ra: “ Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn; Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn; Huấn lệnh Chúa thật là minh cho đôi mắt rạng ngời và lòng kính sợ Chúa tồn tại muôn đời”.
Chúng ta cũng đang tìm đến với Chúa, với Giáo Hội, nhất là trong mùa chay này. Nhưng đừng lợi dụng Chúa và Giáo Hội để nuôi những tham vọng bất chính, để khoe khoang, để kiếm lợi cho mình. Trong 15 căn bệnh, có căn bệnh thứ 15 được Đức Giáo Hoàng Phanxico nêu ra nơi Giáo Hội đó là căn bệnh “tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương”. Ngài giải thích về căn bệnh này là: “Khi tông đồ biến việc phục vụ của mình thành quyền lực, và biến quyền lực của mình thành hàng hóa để kiếm được những lợi lộc phàm tục và được nhiều quyền thế hơn”. Và kết cục của nó, Ngài nói: “ thứ bệnh gây hại rất nhiều cho thân mình, vì nó làm cho con người đi tới độ biện minh việc sử dụng bất kỳ phương thế nào để đạt tới mục tiêu ấy, thường là nhân danh công lý và sự minh bạch“. [1]
Chúng ta là tín hữu, là người thánh hiến, đang phục vụ cho các mục tiêu, sứ mạng khác nhau của Hội thánh nơi các cộng đoàn, giáo Xứ, Giáo Họ, Gia Đình. Rồi cách riêng là trong mùa chay thánh này, chúng ta đang tìm đến tham dự, cử hành long trọng việc ngắm nguyện, chay kiêng để tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. Tất cả việc tôn thờ và việc thực hiện giữ luật luân lý của đạo, phải giúp cho chúng ta biến đổi sâu xa con người nội tâm, phải diễn tả lòng thành kính; phải giúp cho anh chị em mình trị tới các giá trị tâm linh, thăng tiến phẩm giá, sự công bằng, công lý; quyền lợi của người nghèo, của người đau khổ và phần rỗi của anh chị em lương dân.
Chúng ta tha thiết xin ơn Chúa giúp thanh tẩy, lật đổ bao điều xấu xa của tâm hồn để xây lại mới việc thờ phượng Chúa, giữ luật Chúa và phục vụ phần rỗi anh chị em đồng loại.
Fm. Đaminh Savio
[1] VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-12-2014 dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, ĐTC Phanxicô liệt kê 14 thứ bệnh cần bài trừ khỏi những người phục vụ tại giáo triều Roma.