Thứ sáu, 27 Tháng mười hai, 2024

Suy niệm Tin Mừng tuần XIX Thường Niên

THỨ HAI TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
 
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 17,22-27
Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.
Khi thầy trò tới Ca-phác-na-um, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phê-rô: “Thầy các ông không nộp thuế sao? “Ông đáp: “Có chứ! ” Ông về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Anh Si-môn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài? “Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”
 
+ SUY NIỆM
Chúa Giêsu dần dần dạy các môn đệ hiểu về con đường cứu độ của Người là giải phóng toàn nhân loại khỏi ách nô lệ của ma quỷ, khỏi tội lỗi và sự chết. Con đường cứu độ này chỉ được thực hiện bằng con đường qua thập giá đến vinh quang, con đường chấp nhận trọn kiếp người trong xã hội loài người và chu toàn bổn phận của một con người.
Có hai bài học được rút ra từ Bài Tin Mừng hôm nay:
 
* Qua đau khổ vào vinh quang
Khi Chúa Giêsu nhắc lại (đây là lần thứ 2) Chúa sẽ phải chịu đau khổ nhục nhã và bị giết đi… thì các môn đệ buồn, vì trong họ lúc bấy giờ chỉ nghĩ đến một viễn cảnh Đức Giêsu vinh quang và họ theo Người cũng vì điều đó.
Bởi vì từ lúc chọn theo Chúa Giêsu cho đến lúc trước Phục Sinh, các môn đệ chỉ nhìn Ðức Giêsu với cái nhìn của con người. Họ nghĩ Người mang sứ mệnh chính trị, dùng quyền lực giải phóng Israel khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma, lên ngôi vua Israel. Từ đó các môn đệ cũng được chia phần vương giả.
Khi Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó, các môn đệ không hiểu nổi nhưng lại không dám hỏi, vì các ông sợ phải đối diện với sự thật về đau khổ. Làm sao có thế chấp nhận được một kết cục như thế, chẳng lẽ Thầy bị giết là mọi hoài bão của mình tan tành mây khói sao? Điều đó là không thể được.
Cũng vậy, ngày hôm nay khi chọn theo Chúa, không ít các bạn trẻ mang trong mình hoài bão đổi đời, được chia sẻ chức vị, được kính trọng… Nếu được cảnh tỉnh thì họ không dám đối diện với sự thật là phải dấn thân hy sinh và tìm vinh quang cho Chúa chứ không phải cho mình. Chính vì thế mà chúng ta dễ oán trách khi gặp thất bại, dễ nghi ngờ khi gặp thử thách và dễ thoái lui trước những đau thương.
Là Kitô hữu, chúng ta vẫn thích một sự dễ dãi hơn là những hy sinh sớm tối. Gặp khó khăn chúng ta không dám đối diện với sự thật mà tìm cách né tránh; gặp đau khổ thì dễ than trách hơn là nhẫn nhục lập công phúc trước mặt Chúa. Chúng ta dễ giữ đạo khi thấy mọi sự diễn ra êm ả, chúng ta dễ quan tâm chia sẻ với người đang tổ chức tiệc tùng vui vẻ, chúng ta dễ đi theo Chúa khi mọi chuyện êm đẹp nơi cộng đoàn. Nhưng khi gặp thử thách, chúng ta dễ phàn nàn, chúng ta trốn tránh trách nhiệm, chúng ta thoái lui.
 
* Bổn phận công dân
Khi được hỏi có nộp thuế không, Phêrô đáp ngay là có vì người Do Thái phải nộp thuế đền thờ hàng năm mỗi người 2 đồng bạc (trừ những người trong đền thờ như Thượng Tế, Tư Tế). Chúa Giêsu là Chúa, là Đền Thờ và là Thượng Tế đích thực (là con cái trong Nhà Cha Người), nhưng Người vẫn nạp thuế là vì:
– (Có thể nói, Người giữ thể diện cho Phêrô, chẳng lẽ Phêrô bảo có rồi, bây giờ lại không làm…? – Suy tư này không chỉnh lắm).
– Theo Tin Mừng, để tránh cho họ vấp ngã, nghĩa là trong tư cách là một người thầy dạy, Người nêu gương cho dân.
– Là một người sinh ra trong đất nước Do Thái và sống trong Đạo Do Thái, nên Chúa Giêsu chu toàn quyền làm con trong Dân Riêng của Chúa Cha, đồng thời Người cũng chu toàn quyền công dân trong đất nước. Chúng ta cũng thế, là con Giáo Hội trong một cộng đoàn hay giáo xứ, chúng ta có trách nhiệm đóng góp xây dựng cộng đoàn và giáo xứ của mình. Là công dân của đất nước, chúng ta cũng sống nghĩa vụ này.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn ý thức rằng chân lý qua thập giá vào vinh quang Nước Trời là bất biến mà Chúa đã đi trước nêu gương cho chúng con, để chúng con không ngại khó ngại khổ mà trung thành bước theo chân Chúa trong khi vẫn chu toàn bổn phận làm người nơi xã hội trần thế này, cho đến khi đạt tới vinh quang muôn đời trong Nước Chúa. Amen
 
 
THỨ BA TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
 
15/08: ĐẠI LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI
 
 
+ BÀI TIN MỪNG: Lc 1,39-56
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”
Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
 
+ SUY NIỆM
Tin vào sự phục sinh của thân xác là một tín điều mà các Kitô hữu tuyên xưng trong kinh Tin Kính. Bởi vì Đức Kitô cứu chuộc không chỉ là cứu vớt linh hồn mà thôi, nhưng Đấng là “Người” đầu tiên sống lại từ cõi chết với thân xác phục sinh đi vào trong vinh quang đời đời, đã mặc cho thân xác những ai được Người cứu độ một ý nghĩa mới, là đến ngày chung thẩm sẽ được phục sinh và được trọn vẹn hưởng tôn nhan Thiên Chúa. Mẹ Maria thân mẫu rất thánh của Con Thiên Chúa được kể là “con người” đầu tiên được hưởng nhờ ơn cứu độ của chính Đấng mà Mẹ sinh ra. Ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô có giá trị vượt thời gian và không gian đã gìn giữ thân xác Mẹ đạt tới mức trong sạch vẹn toàn, cùng với ơn Chúa Thánh Thần phủ bóng trên Mẹ khi từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã chuẩn bị một thân xác tuyệt mỹ và hoàn hảo cho Con Thiên Chúa ngự vào cung lòng của Mẹ. Chính vì vậy, sau khi Mẹ cùng trải qua một lần cái chết thể lý như chính Con Mẹ là Đức Kitô, Thiên Chúa không để thân xác Mẹ phải hư nát trong phần mộ, nhưng đã cho Mẹ được chỗi dậy đi vào trong vinh quang của Con Mẹ với cả sự trọn vẹn thân xác và linh hồn. Niềm tin Mẹ Maria hồn xác lên trời tuy không được nói đến trong Thánh Kinh, nhưng niềm tin này đã được các Kitô hữu tuyên xưng ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, đặc biệt các thánh Giáo Phụ từ thế kỷ thứ IV cho đến ngày 01 tháng 11 năm 1950 Đức Thánh Cha Piô XII ban hành Thông điệp “Munificentissimus Deus” long trọng định tín Mẹ Maria linh hồn và xác lên trời là một tín điều buộc mọi người phải tin. Hôm nay toàn Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, như là một sự xác tín về sự phục sinh thân xác, đồng thời là một lời mời gọi và khích lệ con cái mình cùng hướng về cõi trời để rồi sẽ được cùng với Mẹ chung hưởng vinh quang phục sinh trên nước Chúa trong ngày chung thẩm.
 
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm về chân dung đầy bác ái và niềm vui trao ban phục vụ của Mẹ Maria, qua câu chuyện Mẹ đến viếng thăm bà Elizabeth:
 
– Đặc trưng đức ái (trao ban và phục vụ).
Việc Đức Maria vội vã ra đi đến Ain Carem khi vừa được báo tin là người chị họ trong lúc tuổi già đã mang thai được sáu tháng, được thôi thúc bởi ba động lực là để chia sẻ niềm vui, trao ban “ân sủng” và tinh thần đức ái: Đức Maria đến chia sẻ niềm vui kép đôi vì vừa được cưu mang Chúa Giêsu, vừa vui mừng cho bà Elisabeth được Thiên Chúa cất đi nỗi nhục son sẻ của bà; Đức Maria đến để đem Chúa Giêsu đến cho Gioan được nhảy mừng và bà Elisabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần; và Đức Maria đến để giúp đỡ bà Elisabeth trong thời kỳ thai nghén. Tất cả được gói gọn trong một động lực duy nhất là đức ái tuyệt hảo của Mẹ Con Thiên Chúa.
Niềm vui trươc hết và trên hết mà Đức Maria muốn chia sẻ chính là niềm vui được Thiên Chúa cứu độ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Thật vậy, Đức Maria là người đầu tiên được Thiên Chúa thương cứu độ, giữ gìn cho khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ, như con người thuở ban đầu được tạo dựng, nghĩa là sống trong sự sống siêu nhiên, trong ơn thánh sủng. Được cứu độ là niềm vui lớn nhất mà bao thế hệ đợi chờ, chính vì thế mà Đức Maria, người được cứu độ đầu tiên, tràn ngập niềm vui, vừa cất tiếng chào thì Gioan trong dạ bà Elisabeth cũng nhảy lên vui sướng vì ơn cứu độ đã đến.
Đức Maria mang đến cho gia đình bà Elisabeth ân sủng của Thiên Chúa, vì Mẹ tràn ngập ân sủng, nên ân sủng đó trào tràn trên bà Elisabeth làm cho bà cất lớn tiếng và ca ngợi Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria mang trong mình Đấng là ân sủng và được bao quanh bằng ân sủng của Thánh Thần, Mẹ hiểu rõ bản chất của ân sủng không cho phép tích trữ và giữ lấy như của riêng, mà cần phải trao ban, ân sủng không dừng lại nơi Mẹ mà được tặng ban cho con cái loài người. Thật vậy, nếu ân sủng là để phân phát, thì người làm đầu chỉ có thể là để phục vụ (x. Mt 23, 11), và thế giới ân sủng còn là thế giới của tình thương. Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng. Đức Maria đã thực hiện trọn vẹn tinh thần đức ái khi hạ mình làm người tôi tớ phục vụ.
Dù được diễm phúc hơn mọi người phụ nữ vì đã cưu mang Con Thiên Chúa, cưu mang Đấng Cứu Thế mà cả dân Israel và muôn dân trông đợi, nhưng Đức Maria đã không tự coi mình cao trọng trong phẩm vị “Hoàng Thái Hậu” mà hạ mình để phục vụ, mà người đầu tiên được diễm phúc Mẹ Thiên Chúa đến phục vụ là bà Elisabeth. Nếu Đức Giêsu là Chúa và là Thầy mà đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ, thì trươc đó chính Mẹ Người là Mẹ Thiên Chúa đã hạ mình phục vụ một thụ tạo, và với một công việc rất thấp hèn suốt một thời gian ba tháng theo lời kể của Luca (x. Lc 1, 56).
 
– Lời kinh Magnificat: Đặc trưng đứng về phía những người bị áp bức.
Kinh Magnificat được khởi đầu bằng niềm vui của một con người được cứu độ (x. Lc 1, 47), kế đến nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những ai hèn mọn (x. Lc 1, 48- 53). Đặc biệt, điều được nói đến nhiều nhất là sự đối nghịch giữa thế lực giàu và người nghèo bị áp bức, và Thiên Chúa đã yêu thương cứu giúp người nghèo khó khiêm hạ.
Có thể nói, Đức Maria đã cất lên bài ca của những người bị áp bức, mà trong đó Mẹ và bà Elisabeth diễn tả mối bận tâm của mình dành cho dân Israel. Đức Maria đã nhận vào trong con người của Mẹ một cảm thức và mối bận tâm của bà Anna sau khi bà này sinh hạ Samuel, và ca ngợi về tất cả những điều này vào trong một bài ca biết ơn. Luca giữ lấy cảm thức này cho chúng ta trong kinh Magnificat mà ngài đặt như là một lời dẫn cho việc công bố của Đức Giêsu về sứ mạng của Người là giải phóng người nghèo và những kẻ bị bỏ rơi (Lc 4, 18- 19).
Cụm từ tapeinoi hoặc anawim theo ngôn ngữ Hy Lạp muốn nói về một người nghèo bình thường, không quyền hành, không ảnh hưởng. Khi hát lên lời này, Đức Maria như muốn tuyên bố, Thiên Chúa không đánh giá con người theo tiêu chuẩn trần thế. Những con người thành đạt, giàu sang và leo lên đỉnh cao quyền lực, có lẽ sẽ làm cho mọi người kính nể và sợ sệt, nhưng đối với Thiên Chúa thì không. Giàu sang và quyền lực trần thế chỉ là thứ chóng qua như “con người chóng qua như cỏ”. Thiên Chúa chú tâm đến người góa bụa, trẻ mồ côi, người hèn mọn, những con người không có chút quyền hành gì, những con người vô tích sự trước mắt người đời. Kẻ giàu sang quyền thế thường thoả mãn về mình; người nghèo hèn chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Kinh Magnificat là tuyên ngôn: Thiên Chúa là Thiên Chúa của người nghèo và người bị áp bức; phúc cho người nghèo vì có Thiên Chúa là Đấng luôn chăm sóc họ. Đức Maria là mẫu gương sự nghèo khó và lời kinh Magnificat mà Mẹ hát lên phản ánh việc Mẹ đứng về phía những người bị áp bức. Điều này làm cho lời kinh này mang một tính cách mạng vĩ đại: cần phải thay đổi vị trí xã hội để mọi người được bình đẳng trước mặt Thiên Chúa.
 
Tóm lại: Mẹ Maria đã đem Chúa Giêsu đến cho người khác và trao ban Chúa Giêsu để những người lãnh nhận được tràn ngập niềm vui vì được cứu độ. Điều này cũng tựa như việc Phêrô cho anh què ở Cửa Đẹp Đền Thờ chính Chúa Giêsu và anh được chữa lành để rồi anh nhảy nhót tưng bừng ca ngợi Thiên Chúa. Biến cố thăm viếng làm nổi bật lên đặc trưng của người môn đệ là: Đức ái và cảm thông -nghĩa là thực hiện đức ái Kitô bằng việc dấn thân phục vụ và trao ban niềm vui, đồng thời cảm thông và bênh vực cho những người nghèo hèn và những người bị áp bức trong xã hội.
 
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã sống trọn vẹn một con người trần thế trong đức ái trao ban và phục vụ, và Mẹ đã đạt đến niềm vinh phúc trọn vẹn khi được Chúa nâng lên cõi trời cả xác hồn. Xin cho chúng con luôn biết hướng tâm hồn về trời nơi có Mẹ đang hiển ngự bên Chúa Kitô, trong khi vẫn chu toàn sống đức ái yêu thương phục vụ như Mẹ, để mai sau chúng con cũng được cùng với Mẹ chung hưởng phúc vinh quang bên Chúa muôn đời. Amen
 
 
THỨ TƯ TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
 
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 18, 15-20
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
“Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.
“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
 
+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến đời sống tương quan giữa con người với nhau, thể hiện qua việc giúp nhau sửa lỗi, tha thứ cho nhau và hiệp nhất với nhau phụng sự Thiên Chúa:
 
* Tính nhân bản trong việc sửa lỗi cho nhau.
Chúa Giê-su đưa ra chúng ta một tiêu chuẩn giúp nhau sửa lỗi có tính nhân bản và tế nhị. Khi muốn sửa lỗi ai, cần tôn trọng nhân phẩm của họ, ai cũng có lòng tự trọng, nếu chúng ta thiếu ý nhị sẽ làm người có lỗi cảm thấy tự ái, nhất là làm cho họ phải xấu hổ và mặc cảm trước đám đông thì sự việc sẽ càng tệ hại hơn.
Vì thế, khi muốn sửa lỗi ai, ít nhất phải qua 3 bước:
– Giữa hai người với nhau;
– Cần người thứ ba chín chắn và khôn ngoan hoặc người thứ ba này có khả năng thu phục…;
– Đưa đến cộng đoàn Hội Thánh.
Không chỉ là 3 bước, mà con số 3 trong Thánh Kinh cho thấy một sự kéo dài (không phải là tam ba bận). Nghĩa là muốn sửa lỗi ai cần đến một sự kiên nhẫn chờ đợi và cầu nguyện xin Chúa giúp hoán cải tội nhân.
 
* Năng quyền trong Hội Thánh.
– Việc Chúa nói đến tháo cởi hay cầm giữ, có thể hiểu đến năng quyền của Hội Thánh ban cho các mục tử qua Bí Tích Cáo Giải, nhưng suy xa hơn, có một ý nghĩa bao quát về cả chính bản thân và tương quan giữa người với người trong chúng ta.
– Khi chúng ta đặt niềm tin vào tình thương của Chúa sẽ tha thứ cho mình, thì chúng ta mới thoát ra được khỏi mặc cảm của tội lỗi để bắt đầu đời sống mới. Đôi khi chúng ta xưng tội, Chúa đã tha thứ cho chúng ta rồi, nhưng về chúng ta cứ bối rối và cứ dằn vặt mãi trong tội.
– Khi ta tha thứ (tháo cởi) cho ai, thì Chúa cũng sẽ tha thứ cho chính chúng ta; còn khi chúng ta cứ mãi mãi mang trong mình sự hận thù, thì không những chúng ta trói buộc ngay chính chúng ta trong sự tự ti, mà trước mặt Chúa chúng ta cũng không được tha thứ.
 
* Tính cộng đoàn trong việc sống đạo.
“Ở đâu có hai hay ba người họp nhau vì danh Thầy, thì có Thầy ở giữa”.
Hôm nay Chúa đề cao tính cộng đoàn trong dân của Ngài. Chúng ta không phải là đơn lẻ, vì dù ở đâu chúng ta cũng thuộc về một cộng đoàn hay một giáo xứ. Giáo Hội khuyến khích và mong muốn chúng ta tham dự những giờ kinh chung và tham dự Thánh Lễ với cộng đoàn nơi chúng ta đang sống…
 
Lạy Chúa Giêsu, Nước Trời Chúa dành cho chúng con mai sau được xây dựng ngay trong đời sống tương quan giữa thế gian này. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng, chúng con chỉ thực sự yêu mến Chúa khi chúng con biết thương yêu tha nhân. Amen.
 
 
THỨ NĂM TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
 
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 18,21-19,1
Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao! ” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? ” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan.
 
+ SUY NIỆM
Thánh sử Mátthêu trình bày một cách liên tục các Lời Giáo Huấn của Chúa Giêsu về mầu nhiệm đức ái trong tương quan giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau: Thiên Chúa luôn tha thứ cho tội nhân và đi bước trước tìm kiếm họ trở về qua hình ảnh mục tử đi tìm con chiên lạc (x. Mt 18,12-14), con người tự tìm đến giúp nhau sửa lỗi cách nhân bản và tha thứ cho nhau (x. Mt 18,15-17), sự yêu thương tha thứ giữa con người chính là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ (Mt 18,35).
Tương quan giữa người với người phản ảnh chính tương quan giữa con người với Thiên Chúa, khi con người biết tha thứ cho nhau thế nào thì Thiên Chúa cũng tha thứ cho con người như thế. Đó chính là nội dung của bài Tin Mừng hôm nay:
 
* Tha thứ bao nhiêu lần là đủ?
Người ta vẫn thường nói: “Quá tam ba bận”. Nghĩa là thông thường người ta xem hạn định của sự tha thứ ba lần đã là tối đa. Trong Tin Mừng hôm nay, Phêrô còn đi xa hơn, hơn gấp đôi, ông lấy con số bảy là con số đủ của người Do-thái làm tiêu chuẩn và tưởng đó là một mức độ cao nhất, khi ông thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “. Đáp lại, Chúa Giêsu nói với Phêrô: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Bảy mươi lần bảy ở đây không phải là bốn trăm chín mươi hay là một con số lũy thừa của số bảy mươi, nhưng mang một ý nghĩa tượng trưng hàm ý là tha mãi mãi – tha không giới hạn. Thật vậy, con người thường đưa ra cho nhau những hạn định trong mọi tương quan xã hội, kể cả phương diện đức ái. Con người đưa ra số lần tha thứ, đưa ra điều kiện để tha thứ, đưa ra mức độ nặng nhẹ để tha thứ và phân loại đối tượng được tha thứ… Còn Thiên Chúa thì chỉ biết tha thứ không giới hạn, bao nhiêu lần tội nhân chạy đến với Người là bấy nhiêu lần được Người tha thứ.
Tình thương Thiên Chúa thì vô hạn như bản tính vô hạn của Người. Sự tha thứ của Người không tính đến số lần hay phân loại. Bằng chứng là chúng ta cứ xưng hoài một tội tái đi phạm lại dù lần trước hứa với Người nhưng lần sau lại phạm còn nặng hơn, nhưng Thiên Chúa chỉ biết lúc chúng chúng ta đến với Người và tha thứ cho chúng chúng ta.
Hôm nay, lời Chúa Giêsu nói với Phêrô rằng “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”, thì Người cũng đang mời gọi mọi người chúng chúng ta biết sẵn sàng để tha thứ cho nhau, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
 
* Tha thứ là điều kiện để được thứ tha.
Liền sau lời mời gọi tha thứ không giới hạn là lời dạy của Chúa Giêsu về điều kiện để được Thiên Chúa thứ tha qua dụ ngôn “con nợ không biết thương xót”. Dụ ngôn phản ảnh bản tính của con người vốn muốn được tha thứ nhưng đến lượt mình lại khó tha thứ cho nhau.
– Sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho con người được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng chúng ta thì đến lượt chúng chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau.
– Khi không tha thứ cho nhau và mang trong mình sự hận thù, thì chính chúng ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi chúng ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản. Tha thứ thì chúng ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Có thể nói, tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
– Tha thứ, thật ra là rất khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con đời cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy yếu đuối và giới hạn, để từ đó dễ cảm thông và không lên án tha nhân. Xin cũng cho chúng con luôn biết sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, để chúng con cũng được Chúa thứ tha tội lỗi. Amen.
 
 
THỨ SÁU TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
 
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 19, 3-12
Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không? ” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ”, và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? ” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”
Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”
 
+ SUY NIỆM
Xã hội loài người thời đại nào và bất cứ nơi đâu, từ những tộc người sơ khai cho đến những xã hội văn minh, cũng đều có luật về hôn nhân gia đình. Đặc biệt nơi nhiều tôn giáo còn tâm linh hóa hôn nhân thành một định chế của niềm tin và nghi lễ.
Bộ luật Do-thái cũng đưa ra quy định về hôn nhân cách chi tiết, trong đó có cả việc cho phép ly dị (Đnl 24). Tuy nhiên, việc đặt ra quy định về ly dị của Do-thái Giáo đã để lại một sự bất công và hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ, và qua đó xem nhẹ tình yêu và sự trung tín trong hôn nhân.
Sách Đệ Nhị Luật chương 24,1-3 ghi:
“Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ mà chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế”.
Thật ra, sách Đệ Nhị Luật chỉ biên tập lần cuối và đầy đủ như ngày nay là từ sau năm -587, nên không loại trừ chuyện người ta đã thêm vào những điều có lợi cho họ, nhưng đã gán cho Môisê đã mất trước đó rất lâu. Chế độ trọng nam khinh nữ và phân biệt đối xử không chỉ có nơi Do-thái, mà là cả vùng Trung Đông, đặc biệt nơi các nước Hồi Giáo vẫn tồn tại việc bất bình đẳng này cho đến hôm nay. Người Do-thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyền nòi giống, thích thì giữ và chán thì bỏ. Không có hôn nhân đích thực vì không có được sự cao cả của tình yêu và lòng trung tín.
 
* Tính bất khả phân ly trong hôn nhân.
Hôm nay khi người Pha-ri-sêu đến hỏi Chúa Giêsu xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “Có” hay “Không” – vì Chúa Giêsu biết họ có ý gài bẫy Người sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hêrôđê – thì Chúa Giêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu là Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau “bất khả phân ly”.
“Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình yêu thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Môsê cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Chúa Giêsu: ông Môisê cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Môisê cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ.
Như vậy, Chúa Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn trung thành với luật Chúa là duy trì sự bất khả phân ly, nghĩa là khi một cuộc hôn nhân đã thành sự thì Hội Thánh không thể chấp nhận cho ly dị, trừ những trường hợp chứng minh được tiêu hôn, hoặc một số trường hợp được ly thân mà thôi.
 
* Ơn gọi thánh hiến.
Lúc các môn đệ nói với Chúa Giê-su về việc kết hôn phức tạp: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”
Nghĩa là, Chúa Giê-su đã đưa ra có những loại người không lấy vợ hoặc không thể lấy vợ:
– Bất lực
– Thái giám
– Thánh hiến cho Chúa.
Và Chúa Giê-su kết luận: “Ai hiểu được thì hiểu”.
Mọi người, mọi nơi và mọi thời, nhất là những người không có niềm tin đã “không thể hiểu nổi”, “không thể tin được”, những nam thanh nữ tú ngời ngời sức xuân và tương lai, lại có thể bỏ lại tất cả để bước theo Chúa Giêsu.
– Để rồi khi mọi thanh niên thiếu nữ đi tìm cái niềm vui tình cảm đôi lứa, những tu sĩ lại chọn sự trinh khiết.
– Những bạn trẻ bên ngoài thích tự do, thì người sống đời thánh hiến lại sống vâng phục dưới quyền quyết định của một vị bề trên.
– Những thanh niên ở đời thích sự giàu sang tiện nghi, thì tu sỹ lại chọn một cách sống đơn sơ giản dị, sống khó nghèo theo gương Đức Giêsu nghèo khó.
Tóm lại, các tu sĩ khấn dâng cho Thiên Chúa 3 lời khấn : Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục, để trở nên chứng nhân cho Chúa và cứu độ các linh hồn.
Thế nhưng, các tu sĩ cũng là những con người như mọi người, nên mọi người chúng ta cần cầu nguyện và cộng tác với họ, để giúp họ đi trọn con đường cao quý và hy sinh mà họ đã chọn.
 
Lạy Chúa, giữa xã hội hôm nay khi mọi giá trị luân lý, nhất là hôn nhân bị đảo lộn. Xin cho chúng con biết hy sinh và lvị tha, để xây dựng hôn nhân Kitô Giáo vững chắc, từ đó giúp nhau thắng vượt được mọi khó khăn có thể làm tan vỡ gia đình. Amen.
 
 
THỨ BẢY TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
 
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13, 13-15
Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
 
+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện nhiều người đem trẻ em đến để được Chúa Giêsu đặt tay chúc lành. Các môn đệ Chúa Giêsu lấy làm khó chịu, nhưng qua hình ảnh nhưng trẻ thơ, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ bài học về tinh thần đón nhận Nước Thiên Chúa.
 
* Nước Thiên Chúa dành cho những tâm hồn bé mọn.
– Cám dỗ lớn nhất của con người là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là phải biết sống tự hạ khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.
– Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán ki bo hay những toan tính nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn…
– Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng.
– Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.
 
* Hãy để trẻ nhỏ đến với Chúa.
Một cách nào đó, chúng ta vô tình hay hữu ý đã ngăn cản trẻ nhỏ đến với Chúa khi:
– Ngay những ngày đầu trẻ được sinh ra, chúng ta bê trễ việc lo cho trẻ lãnh Bí Tích Thánh Tẩy làm con cái Chúa.
– Không tập tành cho con trẻ làm quen tiếp xúc và yêu mến Lời Chúa,Kinh Nguyện hằng ngày cùng những việc đạo đức ngay tại nơi gia đình.
– Không ngăn ngừa hoặc tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với những thứ văn hoá xấu (bạo lực, phim ảnh, sách báo, trò chơi thiếu lành mạnh) , chính những thứ đó gián tiếp ngăn ngừa trẻ tiếp cận với Chúa.
– Không sống nêu gương đạo đức và thánh thiện cho trẻ.
– Đối với những người lớn, chúng ta không ngăn cản những sáng kiến riêng tư đơn sơ của họ trong việc gặp gỡ Thiên Chúa.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con có tâm hồn đơn sơ trong trắng, để như những trẻ thơ vô tội, chúng con xứng đáng là những công dân Nước Trời, là nơi chỉ dành cho những ai đơn sơ bé mọn. Amen
 
 
Hiền Lâm.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60)

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60) Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôn qua, chúng ta đã long trọng mừng kính...

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...