SÁM HỐI: Đường Dẫn Tới Hoàn Thiện
(Bài Suy niệm Thứ 7 tuần I MC)
Nếu cùng đích của cuộc sống con người là đạt đến sự sống Thiên Chúa thì việc hoàn thiện bản thân là điều cần thiết, là yêu cầu cấp bách và đương nhiên để trở nên giống “Thiên Chúa là Đấng thánh” (Lv 19, 2).
Sám hối là nền tảng và là bước đường đầu tiên dẫn tới sự hoàn thiện. Không thể được coi là công chính hay hoàn thiện nếu người nào đó chưa sống tâm tình sám hối. Tại sao?
Vì ai cũng mắc tội và cần được tha thứ: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3, 23). Mang thân phận phàm nhân, ai cũng cần được máu của Đức Kitô tẩy rửa những vết nhơ do tội lụy, vốn làm lệch lạc hình ảnh tốt lành mà ngay ban đầu được Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài.
Mùa Chay thúc giục chúng ta hoán cải, “hết lòng” trở về với Thiên Chúa (Ge 2,12). Nhưng không thể sám hối hay đón nhận ơn tha thứ nếu không thấy hay chưa thấy mình là kẻ tội lỗi. Nhận biết mình là kẻ đáng phải chết, cần được lòng thương xót Chúa thứ tha là khởi đầu cho một tiến trình “trở về”.
Vua David nếu không được Nathanael giúp nhận ra tội lỗi tày đình của mình thì ắt hẳn ông đã không sám hối và sẽ bị rơi vào tình trạng đáng bị phạt vì tội của mình. Cũng vậy, người trộm lành nếu không nhận ra mình là ai và Người bị đóng đinh vô tội là ai trong một khỏanh khắc ngắn ngủi để hối hận vì tất cả những việc bất chính mình đã làm thì chắc chắn sẽ cùng chung số phận với tên trộm cùng bị đóng đinh bên trái Chúa Giêsu. Trái lại, thái độ của người Pharisêu trong dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện khiến ông chẳng được khen, trái lại không được tha thứ: vì không nhận biết mình nên chẳng được tha thứ. Vì tự mãn với cái mớ việc làm xem ra đạo đức trước mặt thiên hạ nhưng mục đích ông ta làm là để khoe khoang về lối sống công chính của mình mà chê bai hay lên án người khác.
Sám hối đích thực là dám để Chúa giải thoát chúng ta và nhờ có ơn Chúa chúng ta mới từ từ tiến lên sự hoàn thiện mỗi ngày. Trong bài Tin mừng hôm nay (Mt 5, 43-48), Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta mỗi ngày mỗi trở nên hoàn thiện như Cha: “Anh chị em hãy trở nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Thánh” (Mt 5,48).
Nên hoàn thiện như Cha liệu có phải là kiêu căng thái quá hay không? Ai có thể làm được điều đó vì ở nơi khác trong Tin Mừng chính Chúa Giêsu đã khẳng định:“Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10, 18). Vậy thì sao? Chúng ta cần thánh thiện như thế nào và tới mức nào?
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa yêu cầu dân Israel sống thánh thiện: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Ðức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Ðấng Thánh…. Ngươi không được để lòng ghét người anh em… Ngươi không được trả thù, không được oán hận… ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Ðức Chúa” (Lv 19, 2; 17-18).
Bước sang Tân Ước, Chúa Giêsu tiếp tục yêu cầu các Kitô hữu nên trọn lành và đòi hỏi ở mức độ cao hơn: “Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng bào và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời… Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?… Hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 43-46, 48).
Như vậy, chúng ta cần sám hối và khía cạnh trước hết chúng ta phải xét mình là việc sống luật yêu thương. Đây là điều căn bản, quan trọng và chi phối tất cả đời sống chúng ta. Chỉ giữ một luật yêu thương là chúng ta chu toàn thánh ý của Chúa và đó cũng là tiêu chuẩn để biết mức độ hoàn thiện của chúng ta. Sự thánh thiện của chúng ta sẽ được mô phỏng và đối chiếu dựa trên sự thánh thiện của Chúa Giêsu: yêu Thiên Chúa và con người đến nỗi dám hy sinh chính mạng sống mình.
Yêu thương là dấu chỉ nhận biết chúng ta thuộc về Thiên Chúa. Muốn thuộc về Thiên Chúa và trở nên thánh thiện, chúng ta cần đi qua con đường sám hối ăn năn.
Mai Thi