CHIA SẺ CHÚA NHẬT XXXI TN NĂM A- Mt 23, 1-12
TRÁNH THÓI NGÔN- HÀNH BẤT NHẤT
FM. Đaminh Minh, Thiên Phước
Lời Chúa trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật XXXI A hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu chỉ trích các Kinh sư và những người Biệt phái về lối sống giả dối và nhất là thói “ngôn hành bất nhất” của họ. Qua đó, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở các môn đệ và những người theo Ngài, thiết tưởng trong đó có cả chúng ta nữa, hãy sống trung thực trong lời nói và việc làm. Là môn đệ của Chúa, đang sống giữa một xã hội đầy rẫy những thất tín, bất công, Lời Chúa hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta hoán cải và canh tân, phải sống thực với chính mình để “lời nói đi đôi với việc làm”.
Truyện kể rằng: “Tháng 5 năm 1945, một thiếu niên mười lăm tuổi, mặc đồng phục Đức quốc xã, chán nản vì mộng ước bị sụp đổ, bởi nước Đức thua trận, nên đã ngã bệnh.
Thế nhưng, cậu đã được một gia đình Công Giáo nhận nuôi và lo chạy chữa thuốc thang, mặc dầu chưa biết rõ lý lịch cậu. Tên cậu là Adolf Martin Bormann, con của Bornann, người đã được chính Hitler đỡ đầu khi chịu phép rửa tội theo đạo Tin Lành. Cậu là một người cuồng tín, đã được giáo dục theo lề lối đặc biệt của Đức Quốc xã. Cậu không biết gì về tôn giáo và nhất là có những ác cảm gay gắt đối với Công Giáo.
Tuy nhiên, chính thái độ ân cần chăm sóc của gia đình này đã làm cho cậu thay đổi hẳn lập trường và đã trở lại đạo. Ngày 28.9.1948 cậu lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và gia nhập Giáo Hội Công Giáo.
Sau đó, cậu từ giã cha mẹ nuôi, theo học thần học rồi vào dòng các linh mục Thánh Tâm. Cuối cùng, vào dịp lễ Phục Sinh năm 1958. Bormann đã được thụ phong linh mục”.
Câu chuyện trên một lần nữa chứng thực rằng: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.
Trở lại bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án các Luật sĩ và các Biệt phái. Nhưng Chúa lên án điều gì?
THÓI ĐẠO ĐỨC GIẢ
Nói mà không làm, tức là ngôn- hành bất nhất. Thật ra, chẳng ai ưa những kẻ ngôn- hành bất nhất. Vì họ nói mà không làm hoặc nói một đàng làm một nẻo. Họ dạy những điều hay lẽ phải nhưng thực tế họ không sống. Họ lại tự ý đặt thêm những luật lệ tỉ mỉ và khắt khe rồi bắt người khác thi hành, trong khi họ lại dễ dãi với chính mình.
Vẫn biết các Luật sĩ và Biệt phái sống giả hình như thế, nhưng họ ngồi trên toà Môsê dạy thì dân chúng phải vâng nghe và thực hành. Bởi họ là những người kế vị ông Môsê. Họ được quyền giải thích và dạy luật Môsê một cách hợp pháp. Cả đến Chúa Giêsu cũng công nhận quyền ấy của họ nên Ngài nói rõ trong bài Tin Mừng hôm nay rằng: “Các Luật sĩ và Biệt phái ngồi trên toà ông Môsê. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm”.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu cảnh giác dân chúng và các môn đệ về tật xấu của các Luật sĩ và Biệt phái. Bởi vì họ là những người ngôn- hành bất nhất. Họ không hề làm như lời họ giảng dạy. Trong một bài viết, tiêu đề: “Cầu Nguyện với Chúa về Tình Hình Quỷ Dữ Lộng Hành Ngày Nay”, Đức Giám Mục G.B. Bùi Tuần chia sẻ thẳng thắn: “Kinh nghiệm cho tôi thấy những gì Chúa phán đều đã xảy ra nhiều cách khác nhau. Có một số ít người được lãnh nhận chức thánh, do tranh đấu, do vận động, do mưu lược. Có nghĩa là đã có sự lừa dối trong việc trở thành mục tử. Mục tử giả bị Chúa gọi là kẻ trộm, kẻ cướp. Cũng có một số ít người vào chuồng chiên một cách đàng hoàng, nhưng không hy sinh cho đoàn chiên thì bị Chúa gọi là kẻ làm thuê (x. Ga 10, 12). Nghĩa là họ cũng có sự lừa dối trong trách nhiệm, một trách nhiệm đòi nhiều từ bỏ chính mình, vác thánh giá mà theo Chúa”. Ngày xưa, Thánh Phaolô đã nói rõ: “Chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng! Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó đội lốt người phục vụ sự công chính” (2 Cr 11, 14-15). Đáng sợ quá!
HÁO DANH
Tệ hơn nữa, mọi công việc của các Luật sĩ và Biệt phái làm đều có ý khoe khoang cho người ta thấy. Bởi vì họ là những người háo danh cầu lợi. Họ tự ý nới rộng thẻ kinh để được người ta chú ý và khen tặng là những người đạo đức. Thẻ này có mục đích rất tốt là nhắc nhở người ta luôn nhớ đến luật Chúa để thi hành. Vì vậy, người Do Thái thường đeo thẻ kinh trên trán hay bên tay trái mỗi khi đọc kinh cầu nguyện.
Tính háo danh của các Luật sĩ và Biệt phái còn thúc đẩy họ đến những tham vọng đáng trách khác nữa, đó là ưa chọn chỗ nhất trong đám tiệc và trong Hội đường. Vì người Do Thái thường xếp chỗ ngồi theo tuổi tác, chức vụ hay tài trí khôn ngoan. Thực tế ta thấy người tuổi cao và chức vụ lớn thì dễ nhận biết, còn tài trí khôn ngoan thì khó nhận ra. Ấy thế mà, các Luật sĩ và Biệt phái đi đâu cũng muốn tỏ ra mình là người tài trí khôn ngoan nên họ thường chiếm chỗ nhất để ngồi. Họ còn ưa được bái chào nơi đường phố và những nơi công cộng. Vì người Do Thái thường chào người trên để tỏ vẻ kính trọng. Do đó, các Luật sĩ và Biệt phái tự nhận họ là người trên để được mọi người bái chào kính trọng. Thậm chí họ còn liều lĩnh đến độ muốn được người ta gọi là Thầy. Danh xưng “Thầy” ở đây chỉ để gọi Chúa Giêsu là Thầy đích thực. Bởi Ngài là Thiên Chúa, tự bản chất là Thầy, là Cha, là Người Chỉ Đạo. Còn loài người chúng ta nếu có ai được gọi là Thầy thì có nghĩa là người ấy được thông phần vào chức vụ của Chúa và do Chúa ban cho chứ không phải tự mình mà có. Bởi lẽ ấy, không ai được tự tôn, kiêu ngạo, hám danh và trục lợi bởi danh xưng cao trọng ấy. Vì khi được làm thầy, làm cha thì những người ấy chỉ làm những việc được Chúa giao và tất cả nhằm để nhân danh Chúa Kitô (x. Gc 3, 1).
Thực tế danh xưng “thầy” hay “cha” mà chúng ta vẫn dùng trong các tổ chức như gia đình, trường học hoặc tôn giáo đều có chung một ý nghĩa là thông phần vào danh hiệu Thầy hoặc Cha đích thực là Thiên Chúa. Bởi vậy, những ai được làm những chức vụ ấy đều phải ý thức mình chỉ là người thừa hành vai trò đại diện Thiên Chúa chứ không phải được phép coi những quyền chức đó là của riêng mình để lên mặt và hành hà người khác. Thánh Biển Đức, trong Tu luật của ngài cũng nhắn nhủ Viện phụ: “Thế nên, ai đã nhận danh hiệu viện phụ, phải biết hướng dẫn môn đệ bằng hai hình thức giáo hoá: nghĩa là lấy việc làm hơn là lời nói mà chỉ cho họ tất cả những gì lành thánh. Vậy, với những môn đệ có khả năng nhận thức, ngài dùng lời nói mà giảng dạy lề luật Chúa; còn với những môn đệ cứng lòng hoặc chất phác, ngài hãy lấy việc làm mà bày tỏ huấn lệnh Chúa. Tất cả những gì ngài dạy cho môn đệ biết là trái, ngài hãy lấy việc làm mà chỉ cho họ là không được làm, kẻo giảng cho người mà chính ngài lại bị luận phạt” (Tl 2, 11- 13).
LỜI NÓI PHẢI ĐI ĐÔI VỚI VIỆC LÀM
Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI từng nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Thật vậy: “Người làm không nói, người nói chưa chắc làm”.
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Trong các ngươi, ai làm lớn sẽ là người phục vụ”. Vậy thì ai được làm Thầy, làm Cha thì cần khiêm tốn, luôn biết tôn trọng tha nhân để tận tâm phục vụ mọi người trong mọi hoàn cảnh. Điều này Công Đồng Vaticano II và Bộ Giáo Luật 1983 cũng đã nêu cao tinh thần phục vụ cách khiêm tốn cho những người có quyền bính trong Giáo Hội (G.H số 27, 36, và 40).
Nhân cơ hội Chúa Giêsu than trách các Luật sĩ và Biệt phái sống giả hình về thói ngôn- hành bất nhất; chúng ta lại có dịp tự kiểm điểm bản thân về sự giả hình dưới các hình thức sau đây:
Thứ nhất, xem thử mình có nhiều ý tưởng hay mà không hề đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày không?
Thứ hai, xem thử mình có hay nói một đàng mà lại làm một nẻo chăng?
Thứ ba, xem thử mình có kiểu lo làm dáng cho vẻ đẹp bề ngoài cốt để cho người ta trầm trồ khen ngợi không?
Thứ tư, xem thử mình có sống kiểu cách, ta đây, cha chú…là người đạo đức hơn người khác bằng cách đọc kinh cầu nguyện nơi công cộng mà thực chất trong lòng đầy những đam mê tội lỗi và bất công không?
Thứ năm, xem thử mình có hay chê trách và tỏ ra khó chịu, bực bội về những khuyết điểm nhỏ mọn của người khác nhưng chính mình lại đang mắc phải những sai phạm nặng nề tựa như những người chỉ thấy cái rác trong mắt tha nhân nhưng không chịu thấy được cái xà trong mắt mình chăng?
Nhờ xét mình kỹ lưỡng như thế, chúng ta mới biết rõ tình trạng lỗi phạm và tính hư tật xấu của mình để kịp thời hoán cải cuộc sống. Vì Chúa Giêsu dạy không dựa vào hình thức bên ngoài để xét xử mỗi người nhưng Ngài xét xử bên trong cõi lòng từng người. Một khi biết rõ ràng từ bên trong tâm hồn chúng ta, Chúa mới xét xử hoặc than trách như Ngài than trách các Luật sĩ và Biệt phái trong bài Tin Mừng hôm nay.
Ước gì những ai nghe và hiểu Lời Chúa dạy hôm nay, biết quyết tâm tránh cho được thói ngôn- hành bất nhất và luôn luôn biết sống phương châm “lời nói phải đi đôi với việc làm”. Đồng thời, mỗi người cố gắng sống điều mình nói, những lời mình giảng dạy. Sứ điệp của Lời Chúa một lần nữa muốn chúng ta không những nói được mà còn phải làm được, không chỉ nói đúng mà còn phải làm đúng, làm thật, không chỉ nói nhiều nhưng làm nhiều, nghe nhiều (nghe nhiều lời răn dạy, khuyên nhủ và tốt lành, Lời Chúa mỗi ngày…). Tốt nhất, chúng ta nên nói ít nhưng làm nhiều, vì cha ông chúng ta đã dạy:
“Nói chín thì phải làm mười,
Nói mười làm chín kẻ cười người chê”.
Nếu tất cả mọi người đều cố gắng thực hành tất cả mọi lời mình nói, mọi điều mình giảng dạy thì cho dù chúng ta có được cất nhắc lên chức vụ nào thì cũng vẫn là người khiêm nhường tận tâm phục vụ mọi người. Đó là hiện thân của Chúa ở giữa trần gian. Bởi Chúa Giêsu đã sống điều Ngài đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 45).
GỢI Ý SỐNG LỜI CHÚA
- Sứ điệp Lời Chúa qua Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay gởi đến cho chúng ta điều gì? Qua đó Chúa muốn dạy bảo chúng ta điều gì?
- Qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay, Chúa nhắn nhở chúng ta nên tránh điều gì? Bạn thường hay gặp phải điều đó trong cuộc sống không?
- Thói háo danh, giả hình và đạo đức giả có ảnh hưởng tới đời sống của bạn không? Bạn làm gì để vượt thắng nó?
- Sứ điệp Lời Chúa ảnh hưởng gì với cuộc sống của các đan sĩ Xitô Thánh Gia hôm nay?