Chúa nhật IV Mùa Chay, năm C
NGƯỜI MỚI
Bài đọc 1: Gs 5, 9a. 10-12
Bài đọc 2: 2Cr 5, 17-21
Tin Mừng: Lc 15, 1-3. 11-32
Theo qui chế Những ngày lễ công giáo 1995-1996, tt 55-56, Phụng vụ Chúa nhật IV Mùa Chay các linh mục có thể mặc lễ phục màu hồng và ca đoàn được phép sử dụng phong cầm cũng như các dụng cụ khác. Vì thế Chúa nhật IV Mùa Chay như có thói quen thường gọi là Chúa nhật hồng giữa mùa tím. Tính về thời gian, hôm nay là đúng 3 tuần sau Chúa nhật đầu Mùa Chay và đúng 3 tuần trước Chúa nhật Chúa Phục Sinh, nghĩa là ngay chính giữa Mùa Chay Thánh. Chính vì thế Chúa nhật hồng phụng vụ còn gọi là Chúa nhật mừng vui lên, vui vì đã đi qua được nửa Mùa Chay và tiến gần tới lễ Phục Sinh.
Nói về Mùa Chay ta nghĩ ngay tới việc ăn chay. Nhớ hồi còn ở Sài Gòn vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, một lần tôi có dịp được vào sân vận động Thống Nhất xem trận cầu bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Indonesia. Trước khi trận đấu diễn ra, người ta nói nhiều về tình hình hai đội, trong đó có điểm đáng chú ý là trận cầu diễn ra vào một ngày trong tháng Ramadan, tháng ăn chay của người Hồi Giáo. Vì đa số các cầu thủ đội Indonesia là những tín đồ đạo Hồi, nên họ cũng phải giữ chay và không được ăn uống bất cứ thứ gì từ khi mặt trời mọc cho đến khi chiều xuống. Do đó, báo chí Việt Nam rầm rộ đưa ra những dự đoán rằng phần thắng hoàn toàn có lợi cho Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả sau đó lại hoàn toàn trái ngược, bởi đội tuyển Việt Nam đã phơi áo ngay tại sân nhà với tỷ số 0-2 trước Indonesia.
Trong mấy năm tu học tại Roma, tôi có dịp sống và học chung với các bạn Chính Thống Giáo, tôi thấy họ giữ chay rất đúng mực. Trong suốt 40 ngày Mùa Chay, họ giữ chay từ sáng sớm, họ không ăn thịt, không ăn trứng và không uống sữa.
Như vậy, nhìn vào các tôn giáo khác ta thấy việc ăn chay cũng có nhiều khác biệt. Đạo Công Giáo cử hành Mùa Chay trong 40 ngày, nhưng các tín hữu chỉ buộc giữ chay nhặt trong ngày thứ Tư Lễ Tro và ngày thứ Sáu Tuần Thánh.
Nói thế không phải để so sánh trọng-khinh hay hơn-kém, nhưng cho thấy sự đa dạng về mục đích khác nhau giữa các tôn giáo. Từ sau Công đồng Vanticano II, Giáo hội Công Giáo nhấn mạnh chiều kích nội tâm của việc giữ chay hơn là ăn chay đánh tội trước đó; đặc tính Tin Mừng của việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí được đề cao: «Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh em ăn chay ngoại trừ Cha của anh em, Đấng hiện hiện nơi kín đáo, sẽ thưởng công cho anh em» (Mt 6, 18; x. 6, 1-6).
40 ngày trong Mùa Chay vì thế không còn là thời gian lê thê, ảm đạm như tôi từng cảm nhận khi còn trẻ, nhưng nó lại mang một chiều kích thần học. Con số 40 gợi nhớ 40 năm dân Israel đi trong sa mạc để tiến về Đất Hứa (Ds 14, 33; 32, 13), Lụt Hồng Thủy kéo dài 40 đêm ngày (St 7) và 40 ngày của Đức Giêsu cầu nguyện trên núi trước khi đi rao giảng Tin Mừng (Mt 4, 2; Lc 4, 1-2). Cũng như tổ phụ Abraham sau 40 ngày đêm lênh đênh trong Lụt Hồng Thủy, đã bắt đầu lại một thời đại mới; như dân Israel sau 40 năm gian khổ trong sa mạc, họ đã đến miền Đất Hứa chảy tràn sữa và mật; và như Đức Giêsu sau 40 ngày cầu nguyện, đã bắt đầu rao giảng một Triều Đại Mới đã đến gần; thì sau thời gian 40 chay tịnh, Giáo hội cử hành Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Vì thế, Mùa Chay còn được xem là «Mùa Vọng của lễ Phục Sinh». Hành trình mùa Chay là hành trình hồi tâm sám hối mà đích điểm là niềm vui vỡ òa trong ánh sáng Phục Sinh.
Phục Sinh, là việc cử hành lễ Vượt Qua của Đức Kitô, đồng thời cũng gợi nhắc lại cuộc Vượt Qua Biển Đỏ của dân Israel ra khỏi đất Ai Cập để về miền đất mới, với đời sống mới, nơi đó họ khai khẩn ruộng vườn và bắt đầu hưởng dùng những thổ sản do công họ làm ra (Bài đọc I). Với Giáo hội, cuộc Vượt Qua của Đức Kitô đã thay đổi hoàn toàn, từ tình trạng tội lỗi trở thành công chính, từ nô lệ sự dữ trở thành con Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, Giáo hội trở thành thụ tạo mới và được hòa giải với Thiên Chúa (Bài đọc II).
Trở nên con người mới, trở thành thụ tạo mới được khắc họa rõ nét trong bài Tin Mừng với hình ảnh của người con thứ. Quả nhiên, hình ảnh người con thứ gợi lại hình ảnh của dân Israel xưa đọa đày trong cảnh nô lệ bên Ai Cập, lầm lũi trên hành trình sa mạc với khát khao về miền Đất Hứa; đó còn là hình ảnh của Giáo hội cũng như mỗi Kitô hữu ngày nay sống Mùa Chay với tâm tình «Tôi sẽ đứng lên và trở về với Cha tôi» (Lc 15, 18).
Đứng lên và trở về, để tìm lại niềm vui và hạnh phúc đã bị đánh mất. Hành trình trở về thật buồn bã, cô độc và đáng sợ; nhưng đó lại là con đường đẹp, bởi nơi đó có niềm hy vọng, có niềm vui trùng phùng trong mái ấm gia đình, có tình yêu thương hạnh phúc dâng trào «chúng ta phải mở tiệc ăn mừng, vì con ta đây đã chết nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy» (Lc 15, 23-24).
Trong lịch sử Giáo hội không thiếu những cuộc trở lại thật đẹp, trước tiên phải kể đến là cuộc trở lại của Thánh Phaolô, kế đến là sự trở về của thánh Augustinô,… Ngày nay tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi trở thành thụ tạo mới trong Chúa Kitô bằng nhiều hình thức. Trở thành thụ tạo mới có thể là biết tự chủ mình, là có đời sống lạc quan với cách nhìn mới. Trở thành thụ tạo mới là kiến tạo mối tương quan mới với tha nhân, dẹp bỏ ích kỷ để quan tâm đến tha nhân. Mùa Chay là mùa đổi mới con người, Giáo hội mời gọi các tín hữu ra khỏi mùa đông tâm hồn để can đảm bắt đầu cuộc sống mới với đời sống cầu nguyện và tâm hồn hướng về ngày đại lễ Vượt Qua của Đức Kitô trong bài thánh ca Hallêluia, Hallêluia.
Quốc Vũ