THỨ NĂM TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
Lu-ca 11,47-54
Tố Cáo Những Nhà Thông Luật
Cha M. Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP
Feodor Dostoevski, trong cuốn sách của anh có viết: “Người ta từ chối các vị tiên tri và giết họ nhưng lại yêu các vị tử đạo và tôn vinh những người mà họ đã giết.” Những lời của Dostoevski cách nào đó lặp lại những lời của Chúa Giêsu đã nói với những người Pha-ri-sêu trong phúc âm hôm nay: “Khốn cho các ngươi! Các ngươi xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các ngươi đã giết chết các vị ấy!” (c.47).
Chúa Giêsu đã khiển trách các nhà lãnh đạo tôn giáo trong thời của Ngài vì lòng một dạ hai, thích đòi hỏi trách nhiệm nơi người khác nhưng chính họ lại không tuân giữ. Họ tuyên bố sự ngưỡng mộ đối với các tiên tri bằng cách xây dựng đài tưởng niệm cho các ngài, nhưng cũng đồng thời phản đối thông điệp mà các ngài rao giảng, bưng tai bịt mắt trước Lời Chúa. Tìm cách gài bẫy để giết hại Đức Giêsu và các kẻ tin vào Lời rao giảng của Ngài. Và lịch sử đã cho chúng ta thấy, việc bị bách hại và bị đổ máu đã xẩy đến trước cả Đức Giêsu đối với các tiên tri của Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng không ngoại lệ, và tất cả những ai tin vào Ngài thì cách nào đó cũng sẽ đi trên con đường thập giá và hy sinh mà Ngài đã đi, con đường của tử đạo.
Từ ‘tử đạo’ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘nhân chứng’. Từ điển Công giáo định nghĩa ‘tử đạo’ là:
Một người, vì đức tin Ki-tô giáo, tự do và kiên nhẫn chịu đựng cái chết dưới tay của những kẻ bắt bớ. Một vị tử đạo chọn cái chết thay vì từ chối đức tin của mình bằng lời nói hay hành động; đó là noi theo tấm gương của Đức Ki-tô, Ngài đã không chống lại những kẻ bắt bớ mình, đã phải chịu cái chết dưới tay của con người, mặc dù người ta có thể gán cho một số lý do luật lệ khác, nhưng sự thực, hành động của họ là do sự thù ghét đối với các Ki-tô hữu hoặc đối với một số những nhân đức của các Ki-tô hữu. Nhiều người trong số họ, đã không từ chối Chúa Ki-tô, họ thực sự đã chịu đựng hành hạ và cái chết. Do đó, cái tên ‘tử đạo’, mà ngay từ đầu kỷ nguyên Ki-tô giáo có nghĩa là một nhân chứng của Chúa Ki-tô, sau một thời gian được gán cho những người chịu chết vì đức tin.
Trong đời sống Ki-tô hữu, việc trở thành một vị tử đạo, được nhìn nhận dưới ba hình thức như sau:
Đầu tiên là các vị tử đạo tiên khởi. Họ là các Ki-tô hữu thời tiên khởi, bị đem cho những con sư tử ăn thịt, bị đóng đinh, bị tra tấn và bị giết vì đức tin, đây là một thực tế của Giáo hội sơ khai. Giống như các tiên tri đầu tiên, và giống như chính Đức Ki-tô, người ta sẵn sàng đổ máu vì đức tin như một nhân chứng của tình yêu Đức Ki-tô trong cuộc sống của họ.
Thứ hai là tử đạo riêng lẻ của mỗi chúng ta. Có lẽ chúng ta không dám tin rằng, mình cũng là một con người tử đạo, vì chúng ta đâu có đổ máu ra như các thánh xưa đâu! Nhưng xét theo việc tử đạo không chỉ có việc đổ máu hay bị giết chết mà là việc trở nên một nhân chứng của Đức Ki-tô và của Tin Mừng, thì bất kỳ ai trong chúng ta cũng được kêu gọi tử đạo. Đó sẽ là một cuộc tử đạo liên lỉ qua mỗi hành động, sẽ đổ máu trong cuộc sống hàng ngày: xuyên qua việc làm bác ái với tha nhân, tinh khiết trong tâm hồn và trong hành động, kiên nhẫn và từ bi, khiêm nhường phục vụ tha nhân. Vì không có con đường nào khác đem chúng ta đến ơn cứu độ ngoài con đường mà Đức Giêsu đã đi qua, đó là thập giá và hy sinh. Vì thế, sống đời sống chứng nhân cho Tin Mừng của Đức Ki-tô chính là đời sống tử đạo, là dám chết đi mỗi ngày vậy.
Thứ ba là thái độ lạc quan vui vẻ. “Sad Saint Is a Bad Saint” (Một vị Thánh buồn là một vị Thánh tồi). Đó là khi chúng ta khư khư ôm lấy đau khổ và thập giá của cá nhân mình rồi u sầu ủ dột. Chúng ta cần làm dịu đi đau khổ bằng tình yêu và niềm vui, bằng cách chấp nhận đau khổ khi nó đến từ Thiên Chúa, và biết rằng đây là một cơ hội vàng để giúp ta cứu các linh hồn. Chúng ta cần phải giống như một con chim nhỏ được bao quanh bởi những cái gai trong bụi rậm, nó vẫn hót và hót líu lo bất chấp nỗi đau. Mọi người trên thế gian này đều phải chịu đựng những gai nhọn của cuộc sống theo một cách nào đó: về mặt đạo đức, thể chất và tâm lý và cả tâm linh, nhưng ít có ai biết cách che đi những giọt nước mắt của họ bằng một nụ cười vì tình yêu trong sự cảm thông. Đây là những gì có thể chạm vào trái tim của mọi người; đây là những gì có thể thay đổi thế giới.
Nhưng Đức Giêsu của chúng ta còn hơn cả một anh hùng, hơn cả một vị tử đạo. Chỉ cần tưởng tượng, Ngài là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta và Ngài ban sự sống của Ngài cho chúng ta, chịu mọi đau khổ cho chúng ta, thậm chí là cái chết, để chúng ta có được sự sống, một cuộc sống vĩnh cửu với Ngài. Như vậy chúng ta có đủ lý do để nở những nụ cười nhân ái với mọi người và làm khô đi những dòng nước mắt của nhân loại trong niềm vui sướng và biết ơn.
Lạy Chúa, khó khăn và đau khổ không bao giờ vắng bóng đối với những người trung thành với niềm tin yêu phó thác vào Chúa. Nhưng xin giúp chúng con biết nhận ra Chúa đang hiện diện trong mọi biến cố ấy để giúp chúng con sống tròn đầy viên mãn trong việc thi hành thánh ý Ngài. Amen.