Thứ tư, 4 Tháng mười hai, 2024

Giới thiệu tổng quát về Công đồng Vaticano II

 

Lời Giới Thiệu Tổng Quát Về Công Ðồng
Sứ Ðiệp Của Công Ðồng Gửi Ðến Tất Cả Mọi Người
Nhân kỷ niệm 40 năm: Dấu Ấn Công Ðồng Vatican II Tại Một Ðịa Phương
Vài Nét Về Công Ðồng Vaticanô II Nhân Kỷ Niệm 40 Năm
Kỷ niệm 40 năm kết thúc Công đồng Vatican đệ nhị, 08.12.1965 – 08.12.2005
Công Ðồng Vaticanô II: Một Hành Ðộng Của Lòng Tin
Tổng Kết Thánh Quả của Hiến Chế Mục Vụ Vui Mừng và Hy Vọng
Mạc Khải Kitô Giáo và Các Tôn Giáo Khác Theo Ánh Sáng CÐ Vaticanô II
Vai trò của người giáo dân Việt Nam dưới ánh sáng Công Ðồng Vatican II
Kỷ niệm 50 năm Công Ðồng Chung Vaticăng II
Một số kỷ niệm liên quan tới Công Ðồng Chung Vaticăng II
Một vài kỷ niệm về Công Ðồng Chung Vaticăng II
Giá Trị Vĩnh Viễn Của Tuyên Ngôn Nostra Aetate
Tuyên ngôn Nostra Aetate về Ðối Thoại tôn giáo vẫn giữ nguyên vẹn giá trị
Tương quan chặt chẽ giữa Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật
Hướng đến Nicêa 2025
46 năm Thông điệp Humanae Vitae 25/07/1968 – 25/07/2014
Kỷ niệm mười năm Huấn thị Dignitas connubii về tính vô hiệu của hôn nhân
Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích công bố Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết

 

 

Lời Giới Thiệu Tổng Quát Về Công Ðồng

I. Một Vài Khái Niệm Về Các Công Ðồng

A. Ðịnh Nghĩa Công Ðồng:
Công Ðồng là gì? Ðó là câu hỏi mà thiết tưởng cần được trả lời trước hết. 
Một cách tổng quát Công Ðồng là một hội nghị gồm các Giám Mục cùng một số chức vị trong Giáo Hội chính thức nhóm họp với mục đích bàn luận và quyết định những vấn đề thuộc giáo lý hoặc qui luật của Giáo Hội.
Có những cấp bậc Công Ðồng khác nhau, được kể trong hai loại tổng quát: Công Ðồng phổ quát và Công Ðồng riêng. Công Ðồng phổ quát còn được gọi là Công Ðồng Chung. Theo pháp chế hiện hành của Giáo Hội, Công Ðồng Chung là một hội nghị toàn thể các Giám Mục của Giáo Hội, được triệu tập do và dưới thẩm quyền của Ðức Giáo Hoàng. Từ ngữ “chung” được dịch từ một tỉnh từ Hy Lạp mang ý nghĩa “thuộc về mọi phần đất có người ở”: nghĩa là chỉ toàn thể thế giới.
Trước Công Ðồng Vaticanô II, chỉ có những Giám Mục tông tòa mới có quyền tham dự Công Ðồng Chung. Nhưng ngày nay, Sắc lệnh về Nhiệm Vụ Giám Mục xác định lại: “Thánh Công Ðồng chế định: mọi Giám Mục đều có quyền tham dự Công Ðồng Chung, vì là thành phần của cộng đoàn Giám Mục” (GM 4). Thứ đến, được gọi là Công Ðồng riêng, một hội nghị gồm các Giám Mục của khu vực nào đó trong Giáo Hội. Công Ðồng riêng được gọi là Ðại Công Ðồng, nếu hội nghị gồm các Giám Mục của nhiều giáo tỉnh khác nhau, dưới quyền chủ tọa của Sứ Thần Tòa Thánh. Nếu chỉ có các Giám Mục của một giáo tỉnh, dưới quyền chủ tọa của Tổng Giám Mục hay một Giám Mục thâm niên công vụ, thì Công Ðồng được gọi là Công Ðồng tỉnh. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể thêm vài loại khác như Công Ðồng toàn quốc, Công Ðồng toàn miền, v.v…
Chúng ta còn thấy có những hội nghị Giám Mục khác, chẳng hạn như các thượng hội đồng. Thượng hội đồng giáo phận được dùng để chỉ những phiên họp của vị Giám Mục giáo phận với hàng giáo sĩ của mình. Còn thượng hội đồng Giám Mục là một hội nghị, được thành lập ngay sau Công Ðồng Vaticanô II, gồm những Giám Mục được chọn trong số các Giám Mục toàn thế giới, do chính Ðức Giáo Hoàng triệu tập, với mục đích cùng tìm hiểu và cố vấn cho Ngài trong những vấn đề có tính cách thời sự của Giáo Hội.

B. Thẩm quyền của Công Ðồng:
Công Ðồng giữ thẩm quyền tối thượng trong Giáo Hội. Nền tảng này dựa vào chính ý muốn của Chúa Kitô là Ðấng đã ban quyền cho các Tông Ðồ và những người kế vị các Ngài, để dạy dỗ và điều khiển Giáo Hội.
Công Ðồng Chung là cơ quan lập pháp và giáo huấn tối cao của Giáo Hội. Thực ra, đó chính là Giám Mục Ðoàn qui tụ về một nơi. Những sắc lệnh giáo lý của Công Ðồng này giữ một giá trị giáo thuyết rất cao: với một vài điều kiện, chúng thành bất khả ngộ.
Những sắc lệnh Công Ðồng có thể chia làm hai loại: giáo lý hoặc qui luật. Sắc lệnh về qui luật đề cập đến luật lệ, tập quán, nghi lễ v.v… Sắc lệnh về giáo lý nhằm ngay đến giáo lý mạc khải, làm sáng tỏ những điểm còn nghi ngờ, xác quyết những chân lý bị lạc giáo chối từ v.v… Vì thế, trong những sắc lệnh về loại này, chúng ta thấy có những “định thức”. Gọi là định thức, những công thức ngắn về một điểm của giáo lý, hoặc xác quyết một chân lý, hoặc lên án một lạc giáo, và kết thúc bằng phán quyết “tuyệt thông”. Giáo lý ở các định thức thuộc về tín điều: chối bỏ sẽ bị liệt vào hàng lạc giáo.

C. Các Công Ðồng trong lịch sử:
Trước hết chúng ta nói đến Công Ðồng “Giêrusalem”. Ðó là cuộc hội nghị của các Tông Ðồ và những môn đồ khác, vào khoảng năm 48-50 (x. CvSđ 15). Giáo Hội sơ khai đã bắt đầu tổ chức hội nghị công đồng rất sớm, vì thực sự đó chính là sự thể hiện tính cách cộng đoàn của Giám Mục. Ngay trước thời kỳ thanh bình dưới đời vua Constantinô, đầu thế kỷ thứ IV, cũng đã có Công Ðồng Elvira (Tây Ban Nha), nổi tiếng trong quyết nghị công bố luật độc thân giáo sĩ. Sau đó, do lệnh vua Constantinô, Công Ðồng Arles (Pháp) được nhóm họp để chống lại lạc giáo Ðonatô. Cũng chính vị Hoàng Ðế này triệu tập Công Ðồng Chung thứ nhất ở Nicea (Nikaia) vào năm 325.
Bảy Công Ðồng Chung đầu tiên đã có một thẩm quyền đặc biệt: ngày nay Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương cũng như nhiều người Tin Lành đều nhìn nhận. Tất cả bảy Công Ðồng đó đều được triệu tập do hoàng đế (hay nữ hoàng) chứ không do Ðức Giáo Hoàng: và đôi khi chống lại Ðức Giáo Hoàng, như Công Ðồng Chung thứ II thành Constantinopla. Thẩm quyền của những Công Ðồng Chung đó dựa vào sự chấp nhận của Giáo Hội phổ quát, bởi Giáo Hội nhìn thấy ở đó sự phản chiếu trung thành của Mạc Khải. Sau đây là danh sách:
1. Công Ðồng Nicea (Nikaia) năm 325: thành phần tham dự gồm khoảng 300 Giám Mục Ðông Phương, 4 Giám Mục Tây Phương, với 2 linh mục Roma giữ chức vụ sứ thần cho Ðức Giáo Hoàng Silvester I. Công Ðồng lên án lạc giáo Ariô, và định tín rằng Ngôi Lời đồng bản tính với Ðức Chúa Cha.
2. Công Ðồng Constantinopla I, năm 381: do Hoàng Ðế Theođosiô triệu tập. Khoảng 186 Giám Mục Ðông Phương tham dự. Không có một Giám Mục Tây Phương nào. Ðức Giáo Hoàng Ðamasô không được phép chủ tọa. Công Ðồng lên án lạc giáo Maceđôniô, và tuyên bố thiên tính của Chúa Thánh Thần.
3. Công Ðồng Êphesô, năm 431: do Hoàng Ðế Theođosiô II triệu tập. Thành phần tham dự: khoảng 250 Giám Mục Ðông Phương, 1 Giám Mục Tây Phương và 1 phó tế thành Carthagô, cùng với 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Celestinô I (2 Giám Mục và 1 linh mục). Công Ðồng lên án 2 thủ lãnh lạc giáo: Nestoriô và Pelagiô. Công Ðồng tuyên bố Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, và xác định sự Ngôi hiệp nơi Chúa Kitô.
4. Công Ðồng Calceđonia (Khalkedon), năm 451. Hoàng Ðế Marcianô đứng ra triệu tập. Thành phần tham dự: có lẽ khoảng 600 Giám Mục Ðông Phương, 2 Giám Mục Phi Châu và 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Lêô I (2 Giám Mục và 1 linh mục). Công Ðồng lên án thủ lãnh lạc giáo Eutiches, và tuyên bố Chúa Kitô có một ngôi vị và hai bản tính.
5. Công Ðồng Constantinopla II, năm 553, do Hoàng Ðế Giustinianô I triệu tập. Thành phần tham dự: khoảng 150 Giám Mục Ðông Phương, 8 Giám Mục Phi Châu. Ðức Giáo Hoàng Vigiliô không muốn tham dự (mặc dầu Ngài có mặt ở Constantinopla cùng với 16 Giám Mục La tinh). Công Ðồng lên án “Ba Giảng Thuyết” tức các tác giả: Origenes, Theođoretô và Ibas.
6. Công Ðồng Constantinopla III, năm 680. Thành phần tham dự: 165 Giám Mục Ðông Phương, 6 Giám Mục Tây Phương, và 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Agathon (2 linh mục và 1 phó tế). Công Ðồng lên án lạc giáo nhị-tính-nhất-ý và dạy rằng Chúa Kitô có 2 ý chí.
7. Công Ðồng Nicea II (Nikaia), năm 787. Hơn 300 Giám Mục Ðông Phương và 2 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Hadrianô I (1 linh mục hạt trưởng và 1 linh mục) tham dự. Công Ðồng lên án phái chủ trương bác bỏ việc tôn kính ảnh tượng.
Ðối với 7 Công Ðồng vừa kể trên, người ta không đặt vấn đề nghi ngờ về giá trị. Nhưng với Công Ðồng thứ 8 mà chúng ta sắp nói đến, có nhiều bất đồng ý kiến.
8. Công Ðồng Constantinopla IV: Theo Công Giáo, Công Ðồng được nhóm họp năm 870, do Hoàng Ðế Basiliô triệu tập, có 102 Giám Mục Ðông Phương, 3 Sứ thần của Ðức Giáo Hoàng Hađrianô II (2 Giám Mục và 1 phó tế). Công Ðồng lên án Ðức Thượng Phụ Photios. Nhưng theo Giáo Hội Ðông Phương, Công Ðồng này đã bị Công Ðồng năm 880 hủy bỏ, và đây mới thực là Công Ðồng Chung giá trị.
Sau đây chúng ta sẽ kể đến những Công Ðồng nhóm họp ở Tây Phương; không có Giáo Hội Ðông Phương tham dự, trừ ở hai Công Ðồng Lyon và Firenze (Florentinô).
9. Công Ðồng Lateranô I, năm 1123. Ðức Giáo Hoàng Callitô II triệu tập, và gồm 300 Giám Mục Tây Phương tham dự. Công Ðồng bàn luận về vấn đề “ban chức”.
10. Công Ðồng Lateranô II, năm 1139. Ðức Giáo Hoàng Innocentiô II triệu tập. Khoảng 1,000 nhân vật tham dự. Công Ðồng lên án các giáo phái ly khai, và đề cập tới vấn đề qui luật.
11. Công Ðồng Lateranô III, năm 1179, do Ðức Giáo Hoàng Alexanđrô III triệu tập. 300 Giám Mục và 400 giáo sĩ tham dự. Công Ðồng bàn về việc bầu Giáo Hoàng, và lên án lạc giáo Albigenses (hoặc Cathari).
12. Công Ðồng Lateranô IV, năm 1215, do Ðức Giáo Hoàng Innocentiô III triệu tập. Thành phần tham dự: 412 Giám Mục và 388 giáo sĩ. Công Ðồng lên án lạc giáo Albigeois, và các lạc giáo do P. de Vaux và do Joachim khởi xướng.
13. Công Ðồng Lyon I, năm 1245, do Ðức Giáo Hoàng Innocentiô IV triệu tập, với sự tham dự của 140 Giám Mục và nhiều giáo sĩ. Công Ðồng cách chức Hoàng đế Frederic II.
14. Công Ðồng Lyon II, năm 1274, do Ðức Giáo Hoàng Gregoriô X triệu tập. Thành phần tham dự: khoảng 500 Giám Mục và 570 giáo sĩ (có Thánh Tôma và Thánh Bonaventura) với Hoàng Ðế Ðông Phương Michael Paleologô. Công Ðồng bàn luận về vấn đề hiệp nhất giữa Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương.
15. Công Ðồng Vienne, năm 1321, do Ðức Giáo Hoàng Clementê V triệu tập. Người ta không rõ thành phần tham dự: có người cho là 114, người khác bảo 300. Công Ðồng hủy bỏ dòng tu Ðền Thờ và lên án lạc giáo do Lambert de Bègue chủ xướng.
16. Công Ðồng Constance, từ năm 1414 đến 1418, do Hoàng Ðế Segismunđô triệu tập, với sự tham dự của 32 Hồng Y, 183 Giám Mục, 100 linh mục và 350 giáo sĩ. Công Ðồng bãi nhiệm 3 Ðức Giáo Hoàng đang tranh chấp nhau, chấm dứt tình trạng ly khai ở Tây Phương, lên án Wiclef và Huss. Sau hết, Công Ðồng chọn Giáo Hoàng Martinô V.
17. Công Ðồng Firenze, từ năm 1438 đến 1445, do Ðức Giáo Hoàng Eugentiô IV triệu tập. Ðều tiên Công Ðồng nhóm ở Basel, sau rời về Ferrara và cuối cùng ở Firenze. Thành phần tham dự: 150 Giám Mục Tây Phương, với 30 Giám Mục Ðông Phương. Các Giám Mục tham dự ký một bản công thức hiệp nhất.
18. Công Ðồng Lateranô V, năm 1512-1517, do Ðức Giáo Hoàng Giuliô II triệu tập, gồm 115 Giám Mục Tây Phương. Công Ðồng bàn về vấn đề canh tân Giáo Hội và lên án những nhà tân thuyết Aristoteles (Neo-aristotelismô).
19. Công Ðồng Triđen, từ năm 1545 đến 1563, do Ðức Giáo Hoàng Phaolô III triệu tập. Lúc đầu 70 Giám Mục tham dự và lúc cuối có 252 Giám Mục, với nhiều giáo sĩ khác. Công Ðồng lên án giáo phái Tin Lành và tuyên bố nhiều định tín khác. Công Ðồng ra lệnh canh tân Giáo Hội.
20. Công Ðồng Vaticanô I, năm 1870, do Ðức Giáo Hoàng Piô IX triệu tập, với sự tham dự của 747 Giám Mục. Công Ðồng lên án thuyết duy lý và thuyết chủ trương Giáo Hội Pháp độc lập. Công Ðồng tuyên bố tính cách bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng.
21. Công Ðồng Vaticanô II, do Ðức Gioan XXIII triệu tập và kết thúc ở thời Ðức Phaolô VI.
Ngoài những Công Ðồng Chung kể trên, chúng ta biết còn có nhiều Công Ðồng riêng ảnh hưởng lớn lao trong Giáo Hội, như Công Ðồng Cathagô (do Thánh Cyprianô khởi xướng năm 256) và Công Ðồng Toleđô. Trong thời Trung Cổ, các Công Ðồng và Thượng Hội Ðồng được triệu tập rất thường.

 

II. Công Ðồng Vaticanô II

A. Vaticanô II, một ý nghĩ cá nhân của Ðức Gioan XXIII:
Nguồn tin Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII loan báo triệu tập Công Ðồng đã làm cho toàn thế giới ngạc nhiên; hầu như không một ai chờ đón và nghĩ tới sự kiện đó. Lúc đó là ngày 25 tháng Giêng năm 1959. Ðức Giáo Hoàng và một vài Hồng Y đến tham dự một nghi lễ tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phaolô ngoại thành. Sau buổi lễ, trong một phòng khách của tu viện cạnh thánh đường, khi ngỏ lời với các Hồng Y, Ðức Thánh Cha nói Ngài đã có ý định triệu tập một Công Ðồng Chung, một Thượng Hội Ðồng giáo phận Roma và muốn cải tổ giáo luật.
Lúc đó, người ta bắt đầu nói đến một “Công Ðồng Hiệp Nhất” mọi Kitô hữu; thực vậy chính Ðức Thánh Cha muốn Công Ðồng trở thành một lời mời gọi đến hiệp nhất. Cũng ngày 25 tháng Giêng năm 1959, Ðức Gioan XXIII bế mạc tuần lễ hiệp nhất, và bốn ngày sau Ngài đã tuyên bố về Công Ðồng như sau: “Chúng ta hãy hiệp nhất với nhau và chúng ta hãy chấm dứt mọi bất hòa”. Tinh thần hiệp nhất đã trở nên niềm hy vọng và là động lực hướng dẫn cho Công Ðồng, cũng như sau này sẽ là một trong những thành quả hiển nhiên nhất của Công Ðồng.
Ý nghĩ triệu tập Công Ðồng là một linh ứng đặc biệt của Ðức Gioan XXIII. Ngài không thổ lộ với ai, cũng như chưa có ai đề nghị cho ngài ý tưởng đó. Hơn thế, lúc ấy người ta nghĩ rằng các Công Ðồng sẽ không còn cần thiết nữa. Sau Công Ðồng Vaticanô I với định tín ơn bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng, nhiều người đã ngầm chấp nhận “luận đề” của Bismark cho rằng từ nay Công Ðồng trở nên vô ích. Và trong suốt thế kỷ sau Công Ðồng Vaticanô I, uy quyền Giáo Hoàng vươn dần tới chỗ độc tôn đến nỗi ai cũng công nhận rằng ngay cả quyền giáo huấn thông thường của Giáo Hoàng vẫn là “mực thước của đức tin” cho tín hữu thực hành. Bởi thế, do ơn quan phòng, Ðức Gioan XXIII, “vị Giáo Hoàng chuyển tiếp”, như người ta vẫn gọi thế, đã đưa Giáo Hội thoát xa “duy giáo hoàng thuyết”, để đến gần với “nguồn Phúc Âm” hơn.

B. Tổng luận về Công Ðồng Vaticanô II:
Vaticanô I phải chấm dứt vào ngày 20 tháng 10 năm 1870, khi giáo phận Roma bị sát nhập vào vương quốc Ý. Công Ðồng đành đình hoãn vô thời hạn. Chương trình các vấn đề bàn cãi còn dang dỡ. Tối thượng quyền và ơn bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng là những vấn đề không nằm trong chương trình ban đầu, lại được Công Ðồng định tín trước; còn nhiều tiết mục quan trọng khác về Giáo Hội, nhất là về vấn đề truyền giáo, về nhiệm vụ các Giám Mục v.v… chưa được bàn cãi tới. Vì thế, Công Ðồng Vaticanô I là một Công Ðồng đã ngưng trệ nhưng chưa hoàn tất.
Ðức Piô IX, Ðức Leô XIII và cả Ðức Piô X hình như đã không nghĩ tới việc tiếp tục và hoàn tất Công Ðồng. Sau trận đại chiến, Ðức Piô XI đã quan tâm đến vấn đề: trong Thông Ðiệp đầu tiên Ubi arcano (23-12-1922), ngài có đề cập tới vấn đề tiếp tục tiến hành công việc còn dang dỡ của Công Ðồng (AAS 14 (1922) 692). Ngài đã đề cử một ủy ban để tìm hiểu các văn kiện của Công Ðồng Vaticanô I và tìm cách thức tiến hành.
Rồi đến Ðức Piô XII, ngay khi vừa nhận chức Giáo Hoàng, ngài đã được Hồng Y Ruffini đề nghị tiếp tục Công Ðồng. Ðã có một nhóm chuyên viên làm việc trong nhiều năm với mục đích chuẩn bị Công Ðồng, cho tới khi Ðức Piô XII băng hà.
Ðức Gioan XXIII đã tiếp tục. Tuy nhiên, điều mới mẻ nơi ngài là ý định triệu tập Công Ðồng không phải phát sinh từ việc học hỏi các tài liệu, nhưng từ những nhu cầu cấp bách thực tế của Giáo Hội. Và đó cũng là hướng đi đặc biệt của Vaticanô II.
Thông thường, Công Ðồng là một giải đáp của Giáo Hội trước một khủng hoảng rõ ràng, chẳng hạn một lạc giáo hay một cuộc ly khai v.v… Thế nhưng vào năm 1959, người ta có cảm tưởng rằng Giáo Hội không phải bận tâm về một khó khăn nào: không có lạc giáo, không có bách hại. Hơn thế, uy quyền Giáo Hội lớn mạnh hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào bề mặt của Giáo Hội, người ta mới nhận thấy rằng hơn bao giờ hết. Giáo Hội đang đương đầu với những vấn nạn cực kỳ khó khăn. Từ Vaticanô I, thế giới đã đổi thay còn nhanh hơn 19 thế kỷ qua. Cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật đã có hấp lực hướng về viễn ảnh tương lai, mà đối với họ, hình như đang ở trong tầm tay. Con người đặt trọn niềm hy vọng của mình nơi thế giới vật chất này, vì đối với họ, những hứahẹn của các tôn giáo đều tan vỡ. Nhưng đồng thời và hơn bao giờ hết, con người lại cảm thấy luôn bị đe dọa do chính những khám phá của họ: hiểm nguy tiêu diệt của bom nguyên tử, bầu khí thiếu lành mạnh và nhiễm độc của môi trường văn minh, chiến tranh liên lỉ…
Ðang khi đó, các Kitô hữu, thành phần thiểu số của thế giới, lại chia rẽ hơn bao giờ hết. Giáo Hội Công Giáo đã mất đi những cơ hội truyền giáo hứa hẹn nhất, và đau đớn vì những rạn nứt nội bộ không ngừng xảy ra nơi các xứ Kitô giáo lâu đời.
Vì sự hiệp nhất Kitô hữu đã trở nên hết sức cần thiết. Nhưng sự hiệp nhất không thể đương nhiên thành tựu, mà trái lại chính người Kitô hữu phải bắt đầu và khởi sự đi dần tới hiệp nhất. Bởi vậy, cần phải thay đổi nhiều và “tự cải hóa”…

 

Những vấn đề ấy là những lý do đủ để khai mở một Công Ðồng.

1. Giai đoạn tiền chuẩn bị (từ 17-5-1959 đến 5-6-1960)
Công Ðồng bao giờ cũng là công việc rất quan trọng, cho nên ngay cả công cuộc chuẩn bị, người ta cũng phải sửa soạn trước. Do đó có giai đoạn được gọi là “tiền chuẩn bị”.
Trong giai đoạn này, người ta có thể theo hai phương pháp làm việc: hoặc tiếp tục công trình của Vaticanô I, hay khởi sự từ những vấn đề mới. Trong phương pháp thứ hai, người ta còn có thể bàn luận những đề mục do Tòa Thánh Roma đề nghị hay hỏi ý kiến các Giám Mục về những đề mục. Phương pháp thứ hai được áp dụng cho giai đoạn này của Công Ðồng Vaticanô II.
Ðể thực hiện việc này Ðức Gioan XXIII đã đề cử một Ủy Ban do Hồng Y Tarđini làm chủ tịch. Và đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các Nghị Phụ Công Ðồng tương lai được tham khảo ý kiến (ở Công Ðồng Vaticanô I, chỉ có 35 Giám Mục được hỏi ý kiến). Các Ðại Học cũng được thăm dò. Hơn thế, một sự kiện chưa từng có là không có vấn đề giới hạn các đề mục. Con số trả lời lên tới 2,109, làm thành 8 quyển. Tổng kết gồm 8,972 đề nghị.
Ðể khai triển những đề nghị trên, Ðức Giáo Hoàng ra tự sắc Superno Dei nutu ngày 5-6-1960, ngày Lễ Hiện Xuống, trong đó, ngài thành lập 12 Ủy Ban và 3 Văn Phòng. Các Ủy Ban này tương đương với những Thánh Bộ của Giáo Triều Roma, cũng có một bộ trưởng tướng ứng. Ủy Ban Trung Ương do chính Ðức Giáo Hoàng làm Chủ Tịch, và Tổng Thư Ký lúc đó là Ðức Cha Felici, sau này trở thành Tổng Thư Ký của Công Ðồng. Thành phần các Ủy Ban được tuyển chọn trong toàn thế giới, mặc dầu phần đông thuộc Âu Châu, vì lý do tài chánh và kỹ thuật.
Còn về tên gọi của Công Ðồng, người ta bàn cãi không biết đó có phải là một Công Ðồng khác, hay là kế tiếp Vaticanô I. Cuối cùng, vào ngày 7 tháng 12 năm 1959, Ðức Giáo Hoàng chính thức đặt tên là Vaticanô II.

2. Quá trình giai đoạn chuẩn bị (từ 14-11-1960 đến 11-10-1962)
Ngày 14-11-1960, Ðức Giáo Hoàng đọc diễn văn khai mạc giai đoạn chuẩn bị trước 33 Hồng Y và hàng trăm Giám Mục: mục đích của Công Ðồng là “đem lại chân giá trị cho tư tưởng con người, cũng như cho đời sống nhân loại và Kitô giáo”, trong một tinh thần biết tìm về nguồn và biết vâng theo Chúa Thánh Thần (AAS 59 (1960) 1004-1014).
Ngay trước khi khai mạc, các Ủy Ban đã phải làm việc ngày đêm. Họ lo soạn thảo các lược đồ hội nghị. Ðể hoàn thành một lược đồ, các thành phần của Ủy Ban phải họp lại với nhau, dưới quyền chủ tọa của một Hồng Y; bên họ luôn có những nhà chuyên môn tài giỏi. Trong 8 quyển chứa đựng các đề nghị, họ phải chọn lựa ra những chất liệu căn bản, dựa theo tầm quan trọng và theo con số những người đề nghị v.v…
Sau đó, họ bàn cãi để đi đến chấp nhận cách tổng quát những đề tài và những tiêu chuẩn làm việc. Thế rồi, để tiến hành công việc, các chất liệu lại được phân chia thành những tiểu đề do các tiểu ban hoặc các nhóm chuyên viên đảm trách.
Các nhóm và tiểu ban này một lần nữa sẽ đúc kết các tiểu dề và phân thành chương, rồi cuối cùng soạn thành một bản sơ thảo. Bản sơ thảo này sẽ được chính tiểu ban soạn thảo bàn cãi một lần nữa, tu bổ lại, hoặc có khi loại bỏ. Sau đó, tiểu ban sẽ soạn lại một sơ thảo mới. Khi tiểu ban đã đồng ý, bản sơ thảo sẽ được cho in và gởi đến mọi thành phần của Ủy Ban và các cố vấn; những vị này sẽ gởi nhận xét đến tiểu ban. Một số các cố vấn; những vị này sẽ gởi nhận xét đến tiểu ban. Một số các nhà chuyên môn sẽ tìm hiểu các nhận xét đó, sắp xếp và chuyển về cho các thành phần tiểu ban. Tiểu ban sẽ xem xét các nhận xét, chấp thuận hay loại bỏ. Cuối cùng lược đồ sẽ được Ủy Ban nhóm họp lại bàn cãi tự do và bỏ phiếu quyết định.
Một lược đồ đã được Ủy Ban chấp thuận còn phải đệ trình lên Ủy Ban Trung Ương. Ủy Ban này do chính Ðức Giáo Hoàng chủ tọa, được coi như một tiểu Công Ðồng: gồm nhiều Hồng Y, Thượng Phụ và Giám Mục… của 57 quốc gia. Lại có một tiểu ban đặc biệt chuyên xem xét các lược đồ thuộc các Ủy Ban khác nhau để tránh sự lập lại chất liệu.
Khi một lược đồ được đệ trình, Ủy Ban Trung Ương sẽ cẩn thận duyệt xét, để xem có đáp ứng đủ với những tiêu chuẩn đã ấn định hay không. Sau đó Ủy Ban sẽ bỏ phiếu: đồng ý, không đồng ý, hay đồng ý với vài sửa đổi. Nếu hơn một phần ba không đồng ý, lược đồ bị loại bỏ; và Ủy Ban có trách nhiệm phải soạn thảo một lược đồ khác. Nếu được chấp thuận, lược đồ sẽ được đệ trình lên Ðức Giáo Hoàng, và chính Ngài sẽ quyết định cho đem trình bày với các Nghị Phụ ở Công Ðồng.
Thành quả của những công việc lâu dài này là 70 dự án được chấp thuận, làm thành 2,060 trang giấy in. Tuy nhiên, các chất liệu vẫn còn quá bao la, nên đòi hỏi phải lược tóm hơn nữa.

3. Kỳ họp đầu tiên của Công Ðồng (từ 11-10 đến 8-12-1962)
Trong Tông Hiến Humanae Salutis (ngày 25-12-1961), Ðức Giáo Hoàng quyết định triệu tập Công Ðồng vào năm 1962; và ngày giờ chính xác để khai mạc được ấn định trong Tự Sắc Concilium (ngày 2-2-1962).
Có tất cả 2,904 Nghị Phụ được mời gọi tham dự, và con số các Nghị Phụ có mặt lên rất cao (trong các lần họp, nhiều nhất là 2,449 vị và ít nhất là 2,086 vị tham dự). Vài ngày trước khi khai mạc, Ðức Thánh Cha đã hành lương đến Loretto và Assisi (vào ngày 4-10-1962) để cầu xin Ơn Trên.
Trong bài diễn văn khai mạc, Ðức Gioan XXIII đã đưa ra những tôn chỉ hướng dẫn Công Ðồng: cởi mở với thế giới; thông cảm chứ không lên án tuyệt thông; xót thương hơn là khắt khe; nhận chân rằng thế giới cũng rất nhậy cảm, không chấp nhận sai lầm: loan truyền Phúc Âm với niềm hy vọng hơn là với tâm trạng của “những tiên tri loan báo sự dữ”.
Khoảng thời gian từ ngày 13 đến 20-10, các Nghị Phụ tuyển chọn những thành phần các ủy Ban Công Ðồng. Mỗi Ủy Ban gồm 16 thành phần tuyển chọn và 9 thành phần do Ðức Giáo Hoàng chỉ định. Vị chủ tịch chính là Hồng Y chủ tịch của Ủy Ban trong giai đoạn chuẩn bị, do Ðức Giáo Hoàng đề cử. Có tất cả 10 Ủy Ban, cộng với Hội Ðồng chủ tịch điều hành, Ủy Ban đặc vụ và Văn Phòng thống nhất. Tất cả các thành phần là 273 Nghị Phụ: 54 vị thuộc Âu Châu, 66 vị thuộc Mỹ Châu, 38 vị thuộc Á Châu, 12 vị thuộc Phi Châu và 3 vị thuộc Ðại Dương Châu.
Ngày 20 tháng 10, trong phiên họp khoáng đại lần thứ ba, Công Ðồng đã gởi “một sứ điệp cho thế giới”. Sau đó, các Nghị Phụ bắt đầu công việc theo các lược đồ đề nghị. Bảy lược đồ đã được phân phát cho các Nghị Phụ, và các Ngài bắt đầu lược đồ về Phụng Vụ. Những cuộc bàn luận không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì có nhiều giờ phút thật căng thẳng, giằng co. Cuối cùng vào ngày 14 tháng 11 lược đồ đầu tiên này được bỏ phiếu và được chấp thuận với 2,162 phiếu thuận, và 46 phiếu chống. Công Ðồng đã đạt được một bước thắng lợi.
Ngay sau đó, cuộc bàn cãi được tiếp tục với lược đồ về các nguồn mạc khải. Ðây là vấn đề gai góc hơn vì tầm quan trọng của nó trong lãnh vực thần học. Có một nguồn hay hai nguồn? Ðó là vấn đề, và thực tế hai trường phái thần học đều phải đương đầu trước khó khăn của quan niệm về “mạc khải”, về “chân lý”, về “linh ứng”, về “thánh truyền” và về những tương quan của chúng. Các ý kiến bênh vực hay chống đối đã được phát biểu trong bầu không khí thật sôi động và căng thẳng. Nhưng rồi lược đồ bị đa số bác bỏ và Ðức Giáo Hoàng đã phải gởi trả về cho Ủy Ban liên hệ.
Ngày 23 tháng 11, các Nghị Phụ đề cập tới lược đồ về phương tiện truyền thông xã hội, nhưng cũng bị gởi trả về cho ủy Ban soạn thảo để sửa lại. Lược đồ về hiệp nhất các Kitô hữu cũng bị bác bỏ, lý do là vì lược đồ này chỉ được Ủy Ban phụ trách các Giáo Hội Ðông Phương soạn thảo, đang khi đáng lý nó thuộc thẩm quyền của Ủy Ban về hiệp nhất. Và chính Ủy Ban này cũng đang soạn thảo một lược đồ. Lại nữa, một Ủy Ban thần học khác lại cũng đề cập đến vấn đề hiệp nhất này trong một lược đồ về Giáo Hội. Cuối cùng, các Nghị Phụ bỏ phiếu tổng hợp cả ba lại thành một lược đồ duy nhất về vấn đề này.
Vào cuối tháng 11, các Nghị Phụ lại nhận được một lược đồ về Giáo Hội (123 trang), gồm cả một chương về Ðức Trinh Nữ Maria. Một số Nghị Phụ muốn bàn luận ngay về chương này; nhưng vì các lý do hiệp nhất và giáo hội học, lược đồ về Giáo Hội được khởi sự bàn cãi ngay từ chương đầu vào ngày 1 tháng 12 năm 1962. Cuộc bàn cãi mang lại nhiều lợi ích và chuẩn bị cho công việc giữa hai kỳ họp.
Ở cuối kỳ họp, các Nghị Phụ nhận thấy rằng chất liệu còn quá bao la, số lược đồ lại tăng lên tới 73, và nếu so sánh với tất cả những Công Ðồng trước, số trang tài liệu của các lược đồ đã nhiều hơn gấp ba lần. Vì thế, Ðức Giáo Hoàng quyết định rút lại còn 20 lược đồ. Các Nghị Phụ có chín tháng để lo đúc kết các lược đồ này và soạn thảo công việc cho kỳ họp tới.
Nhưng trong thời gian đó, Ðức Gioan XXIII, Người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa, đã được cất về Trời. Ðức Hồng Y Montini lên ngôi Giáo Hoàng kế vị, lấy danh hiệu Phaolô VI.

4. Kỳ họp thứ hai (từ 29-9 đến 4-12-1963)
Có những dư luận đối nghịch nhau về vị Tân Giáo Hoàng. Nhiều người cho rằng Ngài “bảo thủ”, một số khác tiên đoán Ngài thuộc phái “cấp tiến”. Người ta có cảm tưởng những hướng đi đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của ngài nằm trong con đường “bảo thủ”. Nhưng về sau, mọi người mới nhận ra tinh thần của ngài vượt trên mọi thành kiến và còn tiến xa hơn cả Ðức Gioan XXIII: Ngài cải tổ lại các qui tắc của Công Ðồng để đem đến nhiều hiệu năng hơn; Ngài mạnh dạn tuyên bố chỉnh đốn lại giáo triều Roma vào ngày 21-9-1963, đó là điều Ðức Gioan XXIII không dám nghĩ tới.
Trong bài diễn văn khai mạc, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cụ thể hóa chương trình làm việc của Công Ðồng; ngài tuyên bố: “Thánh Công Ðồng phải đào sâu giáo lý về chức Giám Mục, về những nhiệm vụ và những liên lạc của chức vụ đó với Phêrô”. Giáo lý cần trở nên thiết thực và thích ứng hơn. Ngài nói đến “những anh em bất hòa (chứ không phải “ly khai”) là những người được kêu mời để trở nên đồng tâm nhất trí với Giáo Hội”; và một điều được xem là táo bạo, mới lạ chưa từng có từ bao nhiêu thế kỷ qua đó là chính Ðức Giáo Hoàng lên tiếng cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và của những anh em bất hòa này vì những lỗi lầm của Giáo Hội Roma trong việc chia rẽ Kitô giáo.
Phiên họp bắt đầu với những bàn cãi về lược đồ Giáo Hội. Lược đồ được chấp thuận như là nền tảng cho các cuộc tranh luận sau này, với 2,301 phiếu thuận và 43 phiếu chống. Trong suốt thời gian tranh luận, phiên họp đã có những lúc thật căng thẳng, những cuộc bênh vực cũng như những cuộc chống đối đều rất dữ dội, đến nỗi lúc đó người ta gọi là “cơn sốt tháng 10”. Sau cùng, vào cuối tháng 10, các Nghị Phụ bỏ phiếu quyết định về “vấn đề Ðức Maria”: lược đồ về Ðức Trinh Nữ được sát nhập vào lược đồ về Giáo Hội với 1,114 phiếu thuận và 1,074 phiếu chống.
Ngày 5 tháng 11, lược đồ về “các Giám Mục và sự điều khiển giáo phận” được đưa ra bàn luận. Khái niệm và sự thực thi “cộng đoàn tính của các Giám Mục” đã gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Rồi từ ngày 18 đến 21 tháng 11, các Nghị Phụ đi đến một vấn đề tế nhị, quan trọng và sôi nổi nhất: vấn đề hiệp nhất. Chương về những người Do Thái do Ðức Hồng Y Bea viết đã bị các Nghị Phụ Ả Rập chống đối mãnh liệt. Chương về tự do tôn giáo, được Ðức Cha De Smedt trình bày khéo léo, cũng là đối tượng của cuộc bàn cãi sôi nỗi nhất.
Trong thời gian đó, Sắc Lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội và những đề nghị tu chỉnh của Hiến Chế về Phụng Vụ được bỏ phiếu. Ngày 4 tháng 12, sau Thánh Lễ, các Nghị Phụ đã bỏ phiếu và cả hai đều được chấp thuận. Sau đó Ðức Thánh Cha chính thức công bố các văn kiện được chấp thuận. Trước đó theo luật qui định thì công thức ban hành sẽ là: “Ta ra sắc lệnh, thiết lập và phê chuẩn… với sự chấp thuận của Thánh Công Ðồng” (kh 46). Như thế có nghĩa là chính Ðức Giáo Hoàng công bố và Công Ðồng chỉ có việc chấp nhận, và như vậy “cộng đoàn tính” của các Giám Mục vẫn còn là một vấn nạn. Bởi đó, Ðức Phaolô VI đã sử dụng một công thức khác: “Tất cả và từng điều được ban bố trong Hiến Chế… này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính… Chúng Tôi phê chuẩn…”. Ðó là một bước tiến biểu lộ tính cách cộng đoàn của các Giám Mục.
Cho tới cuối kỳ họp lần thứ hai này, chương trình dự định vẫn chưa được hoàn thành. Bốn lược đồ về Giáo Hội, về Giám Mục, về Giáo Dân và về Hiệp Nhất kéo dài từ kỳ họp đầu tiên và cho đến kỳ họp này vẫn còn nhiều phần chưa được giải quyết.

5. Giai đoạn giữa kỳ họp thứ hai và kỳ họp thứ ba
Vào cuối kỳ họp thứ hai người ta có cảm tưởng Công Ðồng như thất bại. Và cuộc hành hương của Ðức Giáo Hoàng đến Palestina ngày 4 và 5 tháng 1 năm 1964, đối với nhiều người, đó là một chuyến đi nhằm thoái thác công trình dang dở.
Tuy nhiên, thực sự thì lúc đó tình trạng phải được coi là đáng lạc quan hơn.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều công việc phải làm, và các Nghị Phụ bắt đầu thực hiện chương trình mà người ta gọi là “Dopfner”, và đó cũng chính là ý kiến trước kia của Ðức Hồng Y Montini. Theo chương trình đó, tất cả các lược đồ của Công Ðồng sẽ được bố cục lại dựa theo một trục chính là Giáo Hội.
Trong thực tế, các Nghị Phụ vẫn giữ nguyên các lược đồ quan trọng như lược đồ về Giáo Hội, Giám Mục, Giáo Dân, Mạc Khải, Hiệp Nhất và “Lược đồ XIII” rất nổi tiếng. Những lược đồ khác đều được rút gọn thành những đề mục ngắn. Các ủy Ban, nhất là Ủy Ban Thần Học, đã làm việc cách tuyệt hảo, đã cộng tác với nỗ lực của Ðức Giáo Hoàng để đem lại can đảm và hy vọng cho Công Ðồng (diễn văn của Ðức Giáo Hoàng cho hàng Giám Mục Ý ngày 14-3-1964, và Thông điệp Ecclesiam suam).

6. Kỳ họp thứ ba (từ 14-9 đến 21-11-1964)
Kỳ họp được khai mạc bằng một Thánh Lễ đồng tế, là kết quả đầu tiên của việc canh tân phụng vụ. Trong bài diễn văn khai mạc, Ðức Thánh Cha một lần nữa xác quyết giáo lý về tính cách cộng đoàn của Giám Mục. Qui luật của Công Ðồng lại được sửa đổi cho thích hợp trong việc thẩm định quyền của các Nghị Phụ điều hành. Các Nghị Phụ phải báo trước 5 ngày những ý kiến muốn phát biểu trong các phiên họp, với mục đích tránh những ý kiến lập lại; các Hồng Y cũng mất đặc ân phát biểu không cần báo trước v.v… Nhờ đó các công việc tiến hành nhanh hơn. Trong kỳ họp đầu tiên, có 33 điểm được bỏ phiếu, ở kỳ họp thứ hai có 94 và trong kỳ họp thứ ba này có 150 điểm được chung quyết.
Phiên họp bắt đầu với những tranh luận về chương VII của lược đồ Giáo Hội nói đến sự cánh chung. Ðề mục này đã được chính Ðức Gioan XXIII đề nghị, với mục đích minh chứng bộ mặt siêu việt hơn của Giáo Hội. Nhưng rồi cuộc tranh luận đã đưa tới thất vọng: chỉ có 17 diễn giả phát biểu và một số Nghị Phụ lại không thấu triệt được vấn đề.
Từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 9, Công Ðồng đề cập trở lại đề mục về Ðức Trinh Nữ, chương sau cùng của lược đồ về Giáo Hội. Bản văn lại phải tu chỉnh vì phần đầu của đề mục bị chống đối quá mạnh; cũng chỉ có 33 Nghị Phụ phát biểu về vấn đề này, vì sự khe khắt của luật phát biểu.
Nhiệm vụ mục vụ của Giám Mục được bàn cãi từ ngày 13 đến 23 tháng 9. Nhờ đã sửa đổi ở các lần tranh luận trước, bản văn này được các Nghị Phụ bàn cãi và chấp thuận dễ dàng hơn.
Từ ngày 23 đến 28 tháng 9, các Nghị Phụ bàn cãi lần thứ hai về Tự Do Tôn Giáo. Trước kia, đề mục này là chương thứ ba của lược đồ Hiệp Nhất, bây giờ đã trở thành một Tuyên Ngôn riêng biệt. Có thể nói đây là một vấn đề gây nhiều ngộ nhận, nghi ngờ và dè dặt nhất. Thông thường trên nguyên tắc các nhà thần học vẫn chủ trương rằng sự lầm lẫn tôn giáo của những người ngoài công giáo đều bị kết án; nhưng theo hoàn cảnh thực tế người ta cảm thấy cần có sự khoan hồng, nhượng bộ và chấp nhận. Các ý kiến bênh vực và bác bỏ của các Nghị Phụ rất sôi nổi và xung khắc nhau. Dư luận bên ngoài cũng chia làm hai phe và hồi hộp theo dõi. Ðồng thời, các Nghị Phụ cũng tranh luận nẩy lửa “về những người Do Thái”. Cuối cùng các Nghị Phụ quyết định bỏ phần tố cáo “tội giết Thiên Chúa” của toàn dân Do Thái, cũng như bãi bỏ tất cả những đoạn nào mang ý nghĩa kết án tương tự đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Ngày 30 tháng 9, Công Ðồng bàn lại lược đồ về Mạc Khải; cuộc tranh luận kéo dài tới ngày 6 tháng 10. Khi lược đồ này bị bác bỏ ở kỳ họp đầu tiên và không được nhắc tới ở kỳ họp thứ hai, người ta cứ nghĩ rằng vấn đề có lẽ thông qua. Nhưng Ðức Phaolô VI cương quyết cho soạn thảo lại lược đồ vì nó có tầm mức quan trọng về thần học cũng như về hiệp nhất. Ðức Hồng Y Ottaviani và Bea hợp tác với nhau trong việc soạn thảo. Và trong kỳ họp thứ ba này, cuộc tranh luận đã đem lại nhiều đề nghị mới, giúp cho lược đồ hoàn mỹ hơn. Tuy thế, lược đồ này vẫn chưa được bỏ phiếu.
Ngày 7 tháng 10, Công Ðồng đề cập tới lược đồ về Tông Ðồ Giáo Dân. Phải nói rằng Giáo Hội Tây Phương đã quên lãng giáo dân, những thành phần của dân Thiên Chúa. Ngay cả những văn kiện chính thức cũng chấp thuận phân chia Giáo Hội thành hai cấp, như trong “Tự điển biện giáo Ðức Tin Công Giáo”: Truyền lệnh là quyền của hàng giáo sĩ và vâng lời là bổn phận của giáo dân (DAFC, bộ II, cột 1769). Vaticanô II là Công Ðồng đầu tiên đề cập tới vấn đề này, và các Nghị Phụ đã hăng say bàn luận: có đến 65 lần phát biểu ý kiến, và còn nhiều đề nghị viết khác. Tuy nhiên, vì bản văn chưa mỹ mãn, các Nghị Phụ quyết định sẽ hoàn tất trong kỳ họp sau.
Lược đồ về Linh Mục đã được rút ngắn thành một vài tiểu đề, và được bàn cãi từ ngày 13 đến 15 tháng 10; nhưng lại phải gởi trả về cho Ủy Ban liên hệ vì có tới 930 phiếu chống với 1,199 phiếu thuận. Sau đó các Nghị Phụ khảo cứu lược đồ về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, từ ngày 15 đến 20 tháng 10. Lược đồ được chấp thuận.
Ngày 20 tháng 10, Công Ðồng bắt đầu cuộc bàn cãi về lược đồ XIII sẽ trở thành Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Ðây là vấn đề quan trọng nhất trong kỳ họp thứ ba này và được thế giới hồi hộp theo dõi. Các nghị Phụ đã thành thật nhìn nhận sự chia cách của Giáo Hội với thế giới, và cảm thấy cần phải góp phần giải quyết những vấn nạn của xã hội; nhưng các Ngài không biết phải làm thế nào. Lược đồ được khen ngợi nhiều nhưng cũng bị chỉ trích mạnh mẽ. Tính cách pháp chế tuyệt đối trong nhiều giới luật của Giáo Hội bị đã kích và chê bai. Các Nghị Phụ yêu cầu đời sống các giáo sĩ nên mang sắc thái đơn giản hơn theo tinh thần Phúc Âm. Các Ngài đề cập tới những vấn đề sôi nổi như quyền lợi của nhân vị con người, sự điều hòa sinh sản, sự chênh lệch trầm trọng về văn hóa và kinh tế trong thế giới v.v… Bản văn của lược đồ bị bác bỏ; và Công Ðồng thành lập một hội đồng với mục đích soạn thảo lại lược đồ, để đem ra bàn cãi trong kỳ họp tới và cũng là kỳ họp sau cùng của Công Ðồng.
Trong lúc lược đồ XIII còn dang dỡ, vào ngày 6-11-1964 chính Ðức Giáo Hoàng đã đến Ðại Hội Ðường và bằng những lời khen ngợi, Ngài giới thiệu lược đồ về Truyền Giáo. Nhưng sau nhiều cuộc tranh luận, các Nghị Phụ đã thẳng tay bác bỏ lược đồ khái quát gồm 14 mệnh đề đó, bởi quá cô đọng và giản lược đối với tầm mức lớn lao của công việc truyền giáo. Sự kiện này đã cho chúng ta hai bài học đáng nhớ: sự tự do của Thánh Công Ðồng đối với Ðức Giáo Hoàng, và mối quan tâm đối với công việc truyền giáo.
Trong những ngày sau hết của kỳ họp, các Nghị Phụ đã bắt tay làm việc gấp rút về những lược đồ ngắn. Từ ngày 10 đến 11 tháng 11, lược đồ về Dòng Tu được bàn luận và được chấp thuận với 1,155 phiếu thuận và 882 phiếu chống; nhưng lại có tới 1,000 đề nghị tu chỉnh, và như vậy đòi hỏi phải duyệt xét lại lược đồ. Ngày 12, 14, 16 và 17 tháng 11, các Nghị Phụ bàn về lược đồ Chủng Viện, và dầu có những phê bình khắt khe, lược đồ vẫn được chấp thuận với 2,117 phiếu thuận và 41 phiếu chống. Ngày 17, 18 và 19 tháng 11, lược đồ về Giáo Dục Kitô Giáo được đưa ra và được chấp thuận dễ dàng. Trong phiên họp cuối cùng, các Nghị Phụ bàn tới bản văn ngắn nhất nói về các Bí Tích, hay đúng hơn về qui luật hôn phối. Nhưng vì không đủ thời giờ, các Nghị Phụ gởi trả bản văn lại cho Ðức Giáo Hoàng. Bởi vậy, không có sắc lệnh của Công Ðồng về vấn đề này.
Trong buổi lễ kết thúc kỳ họp, ngày 21 tháng 11, Thánh Công Ðồng đã công bố ba văn kiện: Hiến Chế về Giáo Hội, Sắc Lệnh về Hiệp Nhất và Sắc Lệnh về các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương. Dịp này, Ðức Giáo Hoàng chính thức tuyên bố Ðức Maria là Mẹ Giáo Hội, và loan báo kỳ họp tới sẽ là kỳ họp kết thúc.
Nhìn lại thành tích của kỳ họp thứ ba này, người ta phải nhìn nhận có một bầu khí bi quan vây phủ, vì những nguyên do đáng chú ý. Trước hết, bản chú thích sơ khởi được thêm vào Hiến Chế Giáo Hội dường như làm giảm giá trị của bản văn Công Ðồng. Thứ đến, 19 đề nghị tu chỉnh của Ðức Giáo Hoàng xen kẽ vào Sắc Lệnh về Hiệp Nhất tạo cho niềm hy vọng hiệp nhất bớt hứng khởi. Ðàng khác, người ta cũng cảm thấy hơi bất bình vì sự trì hoãn việc chung quyết lược đồ về Tự Do Tôn Giáo. Sau cùng, việc Ðức Giáo Hoàng tuyên bố nhận Ðức Maria làm Mẹ Giáo Hội không được tham khảo ý kiến của Thánh Công Ðồng và có nguy hiểm gây đụng chạm anh em Tin Lành.
Tuy nhiên, về phương diện tích cực, kỳ họp này cũng đã đem lại những thành quả mỹ mãn: các văn kiện giá trị được công bố, những lược đồ còn lại được cải tiến khả quan sẵn sàng chuẩn bị cho kỳ họp tới; vì thế, bầu không khí bi quan cảm thấy lúc đầu tan biến dần dần với thời gian.

7. Kỳ họp thứ tư (từ 14-9 đến 8-12-1965)
Trong bài diễn văn khai mạc kỳ họp, Ðức Phaolô VI loan báo quyết định thành lập Thượng Hội Ðồng Giám Mục. Quyết định này đã gây ngạc nhiên cho mọi người. Ngày hôm sau, trong phiên họp khoáng đại lần thứ 128, Tự Sắc “Apostolica Sollicitudo” được long trọng đọc trước Thánh Công Ðồng, dưới sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng. Ðây là một bước tiến đáng kể trên con đường canh tân Giáo Hội.
Sau đó, cuộc tranh luận bắt đầu với lược đồ về Tự Do Tôn Giáo. Lần này tình thế có vẻ lạc quan hơn. Tuy nhiên, lược đồ cũng phải qua nhiều khó khăn vì các Nghị Phụ chống đối vẫn đưa ra những lý luận cũ. Kết cuộc, vào ngày 21 tháng 9 các Nghị Phụ thử bỏ phiếu lược đồ, và kết quả cho thấy 1,997 phiếu thuận, 224 phiếu chống, 1 phiếu bất hợp lệ.
Sau đó, các Nghị Phụ đề cập tiếp lược đồ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Trước kia, các Nghị Phụ đã chấp thuận cách tổng quát vấn đề này, nhưng các Ngài đòi hỏi phải thay đổi nhiều, và kết quả lần này cho thấy lược đồ đã đổi mới, nhất là về kết cấu và mạch văn (nguyên văn của lược đồ bằng Pháp ngữ và do Ðức Cha Haubtmann viết). Lược đồ bây giờ được gọi tên là “Hiến Chế Mục Vụ”, và đây là một tựa đề mới trong lịch sử các Công Ðồng, mặc dầu có nhiều Nghị Phụ chỉ muốn gọi là “Sắc Lệnh”. Và thực sự Hiến Chế đã bị một số Nghị Phụ tố cáo có tính cách lạc quan ngây thơ với thái độ im lặng trước những hậu quả của tội lỗi. Một số khác cho rằng Hiến Chế có tính cách quá Tây Phương, quá lý thuyết trong vấn đề vô thần, và quan niệm về “thế giới” không minh bạch. Một bản kiến nghị gồm 334 Nghị Phụ ký tên thỉnh nguyện thêm vào Hiến Chế một khoản lên án rõ ràng chủ thuyết cộng sản. Ngày 7 tháng 10, Công Ðồng chấm dứt các tranh luận về vấn đề này, nhưng cho mãi cuối kỳ họp, lược đồ mới được hoàn tất và chung quyết.
Ngày 7 tháng 10, Công Ðồng bàn đến Sắc Lệnh về Truyền Giáo. Lược đồ được soạn thảo lại và chỉ còn 5 chương. Quan điểm thần học về sứ mệnh truyền giáo là công trình của cha Y. Congar và J. Ratzinger, đặt nền tảng trên Giáo Hội học của Hiến Chế về Giáo Hội. Bản văn về cải tổ Thánh Bộ Truyền Bá Ð ức Tin (số 27; bản văn chung quyết là số 29) đã được ủy ban phụ trách thay đổi, và trở thành đối tượng cho những cuộc bàn cãi sôi nổi ở nghị trường. Ngày 12 tháng 10, các Nghị Phụ bỏ phiếu thuận trên nguyên tắc bản văn ấy với 2,070 phiếu thuận và 15 phiếu chống.
Ngày 13 tháng 10, vấn đề Chức Vụ và Ðời Sống Linh Mục được đưa ra bàn luận, với bản tường trình của Ðức Cha Marty.
Trong suốt thời gian này, các Nghị Phụ lần lượt bỏ phiếu chung quyết các bản văn đã bàn cãi và chấp thuận.
Ngày 6 tháng 10, Sắc Lệnh về Giám Mục được bỏ phiếu chấp thuận với 2,167 phiếu thuận và 14 phiếu chống. Ngày 11 tháng 10, Sắc Lệnh về đời sống Dòng Tu được chấp thuận do 2,161 phiếu, có 13 phiếu chống. Ngày 13 tháng 10 các Nghị Phụ chấp thuận Sắc Lệnh về Ðào Tạo Linh Mục với 2,196 phiếu thuận, 15 phiếu chống và 1 phiếu bất hợp lệ. Ngày hôm sau tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo được bỏ phiếu thuận với 1,912 phiếu và 183 phiếu chống (Tuyên Ngôn này đã gặp sự chống đối gắt gao của nhiều Nghị Phụ Châu Mỹ La Tinh và Indonesia). Cùng ngày, Ðức Hồng Y Bea đọc bản tường trình lược đồ về Các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo, và cuộc bỏ phiếu ngay sau đó với kết quả 1,763 phiếu thuận, 250 phiếu chống, 10 phiếu bất hợp lệ.
Ngày 28 tháng 10, khóa VII được khai mạc. Dịp này, Ðức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh Lễ đồng tế cùng với 24 Nghị Phụ (trong số này có Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình) và nhân danh “Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh và cả vị là Cha, Con và Thánh Thần”, Ngài chính thức công bố 5 văn kiện đã được chấp thuận.
Ðức Cha De Smedt một lần nữa giới thiệu Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo; cuộc bỏ phiếu diễn ra trong vòng 2 ngày và cuối cùng bản văn được chấp thuận nhưng với 1,640 đề nghị tu chỉnh. Ngày 29 tháng 10, các Nghị Phụ bỏ phiếu, và 27 phiếu chống. Từ ngày 9 đến 10 tháng 11, các Nghị Phụ lại bỏ phiếu cho Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân. Công Ðồng có bàn cãi một “quan điểm” về các ân xá, và có nhiều ý kiến gay gắt chống lại quan điểm chính thức của Giáo Hội. Nhưng xem ra giới thẩm quyền đã ngăn cản cuộc tranh luận. Cuối cùng Sắc Lệnh Tông Ðồ Giáo Dân được chấp thuận với đa số phiếu tuyệt đối: 2,201 phiếu thuận với 2 phiếu chống.
Từ ngày 10 đến 12 tháng 11, Sắc Lệnh về Truyền Giáo được bỏ phiếu chấp thuận với đa số tuyệt đối, ngoại trừ vấn đề cải tổ Thánh bộ truyền bá Ðức Tin (số 29) có tới 712 đề nghị tu chỉnh. Kế đó, các Nghị Phụ lại bỏ phiếu chấp thuận Sắc Lệnh về Chức Vụ và Ðời Sống các Linh Mục (bỏ phiếu 15 lần). Như vậy, đến lúc này, Công Ðồng đã thu lượm được kết quả của công việc lâu dài. Ngày 15 tháng 11, các Nghị Phụ lại được nghe đọc 2 bản tường trình về Hiến Chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay, do Ðức Cha Garrone và Ðức Cha Mc. Grath viết; sau đó các Nghị Phụ bỏ phiếu chấp nhận. Trong khóa VIII ngày 18 tháng 11, Ðức Giáo Hoàng công bố 2 văn kiện mới: Hiến chế về Mạc Khải và Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân.
Vào thời gian cuối Công Ðồng, công việc được giới hạn trong vấn đề xem xét lại các đề nghị tu chỉnh của 4 văn kiện còn lại. Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhóm Coetus internationalis patrum (các Nghị Phụ bảo thủ) đã cho đó là một trong những “thành phần gây bế tắc cho công trình chung”, và ngày 18 tháng 11 đã cho in một truyền đơn nhằm chống lại tuyên ngôn đó, đồng thời họ cũng đệ đơn lên Ðức Giáo Hoàng để phản đối. Kế đến, hai bản văn về Truyền Giáo và về Linh Mục được đưa ra xem xét; cả hai được chấp thuận dễ dàng hơn (trừ số 29 của Sắc Lệnh Truyền Giáo vẫn còn khúc mắc).
Bản văn sau cùng được bỏ phiếu quyết định Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay. Ủy Ban liên hệ đã phải làm việc tối đa để sửa đổi Hiến Chế vì có đến 2,247 đề nghị tu chỉnh.
Tuy thế, sau những cố gắng tu chỉnh, tất cả những văn kiện kể trên đều đã sẵn sàng để được bỏ phiếu quyết định, và để được công bố, trong khóa IX, vào ngày 7 tháng 12.
Những ngày sau hết của Công Ðồng được đánh dấu bằng những sự kiện mang ý nghĩa hiệp nhất đáng nhớ. Ngày 4 tháng 12, Ðức Cha Felici, Tổng thư ký Công Ðồng, đọc một sứ điệp ca ngợi và tin tưởng của tất cả các quan sát viên gởi đến các Nghị Phụ, trong đó họ đặc biệt thán phục tinh thần hiệp nhất của các Ngài. Trong khi ấy, tại Vương Cung Thánh Ðường Thánh Phaolô, cùng với các quan sát viên ngoài Công Giáo, Ðức Giáo Hoàng đã dự một lễ nghi cầu cho hiệp nhất. Tinh thần hiệp nhất đạt tới mức độ tuyệt vời khi Ðức Phaolô VI ở Roma và Ðức Thượng Phụ Athenagoras ở Istambul, vào ngày 7 tháng 12, đã cùng một lúc xóa bỏ án tuyệt thông lẫn nhau, một nguyên do phát sinh sự ly khai vào năm 1054. Chính sự kiện này cũng đã là thành quả tốt đẹp và giá trị nhất của Công Ðồng!

 

C. Một vài đặc điểm tiêu biểu của Công Ðồng Vaticanô II

Với mục đích giúp thấu triệt hơn Công Ðồng quan trọng này, chúng ta nêu ra đây một vài đặc điểm tiêu biểu:

1. Công Giáo tính
Chưa có một Công Ðồng nào đã tạo được tính cách “Công Giáo” đầy đủ như Vaticanô II. Hãy tạm miễn bàn vấn đề “giáo lý về công giáo tính” mà chỉ đề cập đến các sự kiện. Chưa có một Công Ðồng nào đã đề cập tới nhiều vấn đề phức tạp và phong phú cùng với những tầm mức rộng rãi như vậy. Chỉ cần nhìn vào những con số biểu trưng, chúng ta cũng có đủ lý do để xác nhận sự kiện này.
Trước hết chúng ta nói đến thành phần các Nghị Phụ. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử mà chúng ta có quyền quả quyết rằng toàn thế giới có mặt ở Công Ðồng. Con số các Nghị Phụ được triệu tập là 3,058, trong đó có 129 Bề Trên Tổng Quyền các dòng. Trong kỳ họp đầu tiên, có 2,449 Nghị Phụ tham dự trong số 2,904 vị được triệu tập, như vậy tỉ số tham dự là 84.34%. Ở kỳ họp thứ hai, có 2,488 Nghị Phụ đến tham dự, trong số 3,022 vị được triệu tập, tức 82.34% tham dự. Và trong số 3,074 vị được mời cho kỳ họp thứ ba, có mặt 2,466 Nghị Phụ, nghĩa là 80.23% tham dự. Cuối cùng ở kỳ họp thứ bốn, trong số 3,093 vị được triệu tập, có 2,625 Nghị Phụ đến Công Ðồng, và như thế tỉ số tham dự lên tới 84.88%. Như vậy chúng ta có thể kết luận rằng đại đa số thành phần Giám Mục Ðoàn đã tham dự Công Ðồng.
Nếu xét qua nguồn gốc địa dư, chúng ta thấy rằng các Nghị Phụ từ khắp năm châu trên toàn thế giới đều tựu về: 1,060 vị ở Âu Châu, 408 Nghị Phụ ở Á Châu, 351 ở Phi Châu, 416 ở Bắc Mỹ, 89 ở Trung Mỹ, 531 ở Nam Mỹ, và 74 vị ở Ðại Dương Châu.
Trong các phiên họp, có tất cả 695 Nghị Phụ lên tiếng tại nghị trường. Tổng cộng tất cả, các ngài đã nói tới 2,234 lần; trong đó các Nghị Phụ Pháp 231 lần, các Nghị Phụ Ðức 141 lần, các Nghị Phụ Ba Lan 75 lần v.v…, các Nghị Phụ Việt Nam lên tiếng 16 lần. Nghị Phụ được xem là hùng biện nhất là Hồng Y Ruffini, ngài lên tiếng 36 lần.
Trong thời gian họp Công Ðồng có 253 Nghị Phụ qua đời, và cùng lúc có 296 người được tấn phong Giám Mục.
Ngoài sự tham dự của các Nghị Phụ, chúng ta còn phải kể đến sự có mặt của những phần tử khác của Dân Chúa. Trước hết phải nói đến các nhà chuyên môn, vì họ đã tích cực góp phần cho công việc có kết quả. Ðược đề cử từ giai đoạn chuẩn bị Công Ðồng, các nhà chuyên môn này đã tham gia vào công việc của các Ủy Ban, trong việc soạn thảo các lược đồ, thăm dò ý kiến của các Giám Mục v.v… Con số các nhà chuyên môn lên tới 460 vị, gồm 235 linh mục giáo phận, 45 tu sĩ Dòng Tên, 42 tu sĩ Ða Minh, 15 tu sĩ Phanxicô, 12 đan sĩ Dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm, 6 tu sĩ Biển Ðức, 5 tu sĩ Dòng Don Boscô, với nhiều thành phần Tu Hội và giáo dân.
Công Ðồng cũng kêu mời nhiều Cha Sở, với tư cách là cộng tác viên thân cận của các Giám Mục. Thực sự họ chỉ được mời gọi sau các dự thính viên giáo dân. Trong kỳ họp thứ ba, có tất cả 39 vị, chia ra: Hoa Kỳ và Ý mỗi nước 5 vị; Tây Ban Nha, Pháp, Canađa, Ðức, mỗi nước 4 vị; Argentina, Úc, Brazil, Liban, mỗi nước 2 vị; Bỉ, Nhật, Mexicô, Hòa Lan, Palestina, mỗi nước 1 vị. Ở kỳ họp thứ bốn con số các cộng tác viên này lên tới 45 vị. Và ngày 27 tháng 10 năm 1965, cha sở Thomas Fall, thuộc giáo phận Philadelphia Hoa Kỳ, lên tiếng trước nghị trường.
Các giáo dân được mời tham dự với tư cách là những dự thính viên. trong thời gian chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, Ðức Giáo Hoàng đã đề cử một nhóm gồm 13 giáo dân cả nam lẫn nữ giới, được chọn lựa trong các tổ chức tông đồ quốc tế Công Giáo. Ở kỳ họp cuối cùng, số dự thính viên này lên tới 42. Ngoài ra, còn có sự tham dự của 10 nữ tu dự thính. sau cùng, để đại diện cho gia đình Kitô giáo hai vợ chồng Mexicô, J. Alvarez Icaza, được mời tham dự. Tất cả các dự thính viên giáo dân này đã lên tiếng 6 lần ở Công Ðồng, và đã góp ý kiến về nhiều vấn đề cho các Ủy Ban.

2. Tinh thần hiệp nhất
Một trong những ý tưởng chính yếu của Ðức Gioan XXIII khi ngài triệu tập Công Ðồng Vaticanô II là nỗ lực nối lại vòng dây thân ái giữa các Kitô hữu. Chúng ta nhận thấy Công Ðồng đã đạt được mục đích này, qua những văn kiện giáo lý và các cuộc gặp gỡ thân thiện từ bầu khí Công Ðồng.
Thật vậy, Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo và Tuyên Ngôn về các Tôn Giáo ngoài Kitô giáo đều nhấn mạnh đến tinh thần hiệp nhất. Quan niệm mới mẻ này cũng xuất hiện ở Hiến Chế tín lý về Giáo Hội, nhất là ở Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, khi Công Ðồng đề cập tới thái độ phải có của Giáo Hội đối với thế giới.
Tìm hiểu qua những ý kiến của các Nghị Phụ phát biểu ở nghị trường, chúng ta cũng thấy các ngài ý thức rõ rệt tinh thần này.
Sau hết, một sáng kiến đã tạo được thành quả tốt đẹp cho mối dây hiệp nhất, đó là việc mời các quan sát viên ngoài Công Giáo. Sáng kiến này do Ðức Hồng Y Ben khởi xướng và chính Ngài đã cố gắng can thiệp với Ủy Ban Trung Ương Chuẩn Bị Công Ðồng. Sau đó ít lâu, Hội Ðồng Thế Giới các Giáo Hội (CME) đã mời 5 quan sát viên Công Giáo đến tham dự Ðại Hội Quốc Tế ở Tân Ðề Ly, với sự chấp thuận của Giáo Triều Roma, mặc dầu gặp nhiều khó khăn. Dựa vào đó, Văn Phòng Hiệp Nhất gởi lời mời các quan sát viên ngoài Công Giáo đến tham dự Công Ðồng. Ban đầu, một số giáo hội từ chối; nhưng cuối cùng sau thời gian đắn đo, họ đã gởi các đại diện đến Công Ðồng. Như vậy, trong kỳ họp đầu tiên, con số quan sát viên ngoài Công Giáo được gởi tới là 46 người, cộng với 8 quan sát viên do Văn Phòng mời: họ đại diện cho 17 Giáo Hội và Cộng Ðồng Kitô Giáo. Ở kỳ họp thứ hai, có 59 quan sát viên đại diện và 9 vị do Văn Phòng mời. Trong kỳ họp thứ ba, có 70 quan sát viên đại diện và 13 do Văn Phòng mời. Ở kỳ họp cuối cùng, con số quan sát viên ngoài Công Giáo lên tới 90, cộng với 16 người do Văn Phòng mời; và họ đại diện cho 29 Giáo Hội và Cộng Ðồng Kitô Giáo.

D. Một vài con số tiêu biểu trong công việc của Công Ðồng
Ðể ý thức được công trình vĩ đại của Công Ðồng, chúng ta lược nhìn qua vài con số tiêu biểu nhất.
Trước hết, chúng ta nói đến các cuộc bỏ phiếu. Có tất cả 538 cuộc bỏ phiếu toàn phần hay từng phần: 33 lần được tổ chức ở kỳ họp đầu tiên, 94 lần ở kỳ họp thứ hai, 150 lần ở kỳ họp thứ ba và 261 lần ở kỳ họp cuối cùng.
Ủy Ban ấn loát của Tòa Thánh phải làm việc ngày đêm. Ở giai đoạn tiền chuẩn bị, họ đã phát hành 19 quyển sách và mỗi quyển gồm 2,000 bản. Tổng cộng các lần phát hành các lược đồ, câu hỏi thăm dò, các bản tường trình, các đề nghị tu chỉnh v.v… mỗi thứ 3,000 bản, lên tới 40 triệu trang. Ngoài ra có khoảng 16 triệu trang khác được in cho các Nghị Phụ sử dụng. Tổng cộng: 150 tấn giấy in. Ðài phát thanh Vaticanô cũng đã làm việc ngày đêm liên miên để thâu băng các phiên họp của Công Ðồng; và để hoàn tất, các chuyên viên đài đã tiêu thụ tới 712 cuốn băng, dài 284,000 mét.
Như vậy, các con số ghi được khả dĩ cho chúng ta thấy tầm mức khổng lồ của các công việc ở Công Ðồng.

E. Những ý hướng chính yếu của Vaticanô II
Bất cứ Công Ðồng nào cũng đều xoay quanh một trục ý thức hệ: hoặc lên án một lạc giáo, hoặc định tín một tín điều. Chẳng hạn ở Công Ðồng Calcedonia, trục ý thức hệ là Kitô học, và ở Vaticanô I là vấn đề tối thượng quyền của Ðức Giáo Hoàng. Vậy với Vaticanô II, đâu là trục ý thức hệ? Ðể có thể có câu trả lời chính xác, dĩ nhiên chúng ta phải chờ đợi lịch sử trong tương lai phê phán. Thế nhưng, hiện tại với những viễn ảnh trông thấy của giai đoạn hậu Công Ðồng, chúng ta cố gắng đưa lên vài điểm chính yếu và chắc chắn làm nền tảng cho Công Ðồng.

1. Vaticanô II: một Công Ðồng của Giáo Hội nói về Giáo Hội
Giáo Hội là trung tâm điểm cho mọi giáo lý của Vaticanô II. Thật vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử một Công Ðồng bận tâm về đề mục này: Giáo Hội đi tìm định nghĩa cho chính mình.
Dĩ nhiên, như chúng ta đã biết, Ðức Gioan XXIII tha thiết lưu tâm tới vấn đề hiệp nhất các Kitô hữu. Nhưng đồng thời ngài cũng biết rằng Công Ðồng này chưa có thể là một Công Ðồng tái tạo sự hiệp nhất theo đúng nghĩa; vì trên bước đường hiệp nhất, Giáo Hội sẽ gặp không biết bao nhiêu chướng ngại vật và vượt qua được những chướng ngại vật ấy là một điều không thể thực hiện được một sớm một chiều.
Bởi thế, ngài đã quan niệm rằng trước hết phải đổi mới bộ mặt của Giáo Hội, làm tươi trẻ lại các cơ cấu và đem lại nhựa sống cho thân thể xem ra đã già nua của Giáo Hội, sao cho hợp với nhựa sống luôn mới mẻ của Phúc Âm. Lúc đó, theo Ðức Thánh Cha, chúng ta mới có quyền nói với các anh em ly khai rằng: “Ðây, Giáo Hội thật của Chúa Kitô, xin anh em hãy nhìn vào, hãy chiêm ngưỡng, vì đó cũng chính là Giáo Hội của anh em. Vậy chúng ta hãy hiệp nhất với nhau”.
Bởi vậy, Thánh Công Ðồng đã lưu tâm đặc biệt tới Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, không những vì tầm quan trọng của nó, nhưng Hiến Chế này còn là ánh sáng chiếu soi cho các văn kiện khác. Các văn kiện được công bố không theo lược đồ có sẵn của Ủy Ban soạn thảo, nhưng được kết tạo bằng những đề nghị của các Nghị Phụ mà đời sống nội tâm của Thánh Công Ðồng đã thôi thúc các Ngài chọn lựa và xếp đặt cho thích hợp theo suy tư của các ngài về Giáo Hội.
Giáo Hội do đó được định nghĩa dựa theo các hình ảnh khác nhau của Thánh Kinh. Giáo Hội trước tiên là Dân Thiên Chúa, định nghĩa này bao hàm các khía cạnh xã hội và lịch sử của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, vì Giáo Hội muốn làm nổi bật khía cạnh Kitô học, và huyền nhiệm của mình. Giáo Hội là Nước Thiên Chúa để diễn tả tính cách cánh chung và nhiều hình ảnh khác được ám chỉ Giáo Hội như đoàn chiên của Chúa Kitô, cánh đồng, công trình kiến trúc, gia đình của Thiên Chúa, đền thờ của Chúa Thánh Thần. Sau hết, Giáo Hội được quan niệm như Hiền Thê của Chúa Kitô, để cho thấy sự khác nhau cũng như sự thân mật của Giáo Hội với vị Hôn Phu là Chúa Giêsu.
Chúng ta có thể nói tất cả những văn kiện của Vaticanô II xoay quanh vấn đề Giáo Hội. Hiến Chế về Giáo Hội là một văn kiện Công Ðồng còn lại, cách trực tiếp hay gián tiếp, đề cập tới đời sống của Giáo Hội. Thật vậy, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh nhằm diễn tả nhiệm vụ thánh hóa của Giáo Hội; các Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Giám Mục và các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương có mục đích minh định chức vụ điều khiển của Giáo Hội và Hiến Chế về Mạc Khải cũng như Tuyên Ngôn về Giáo Dục đều muốn giải thích quyền Giáo Huấn của Giáo Hội. Lại nữa, để phác họa các chức bậc cũng như cách sống khác nhau trong Giáo Hội, Công Ðồng đã ban hành nhiều văn kiện khác: hai Sắc Lệnh về đời sống và đào tạo Linh Mục đề cập đến các Linh Mục; các dòng tu có Sắc Lệnh về Dòng Tu và giáo dân có Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân. Cuối cùng, một số văn kiện khác đề cập tới sứ mệnh của Giáo Hội. Sắc Lệnh về Hiệp Nhất nhằm diễn tả mối liên lạc với các người ngoài Kitô giáo. Sau hết, với toàn thể thế giới nói chung, Công Ðồng ban hành Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay và Tuyên Ngôn về các phương tiện truyền thông xã hội.
Như thế, chúng ta không do dự khi nói rằng Giáo Hội là trung tâm điểm của Vaticanô II.

2. Vaticanô II: Công Ðồng của tự do và đối thoại
Nói lên điều này, chúng ta không muốn ám chỉ rằng những Công Ðồng khác thiếu tự do hoặc thiếu tinh thần đối thoại; vì thực ra Công Ðồng nào tự nó cũng đã là một cuộc đối thoại rồi. Ðiều mà chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là Vaticanô II được coi là Công Ðồng đầu tiên đã biết sử dụng sự tự do như một đề mục để dạy dỗ và lấy tinh thần đối thoại với người ngoài làm chương trình. Ở đây chúng ta cũng phải nhấn mạnh rằng sự tự do sung mãn này không phải là không có nền tảng Thánh Truyền; không một Nghị Phụ nào nghi ngờ các tín lý cổ truyền của Giáo Hội.
Nhiều nhà thần học chủ trương rằng sự bàn cãi lại một vài “chân lý”, một số quan niệm và một số thái độ được coi là cổ truyền của Giáo Hội là một vấn đề không thể chấp nhận được nên khi soạn thảo các lược đồ, họ đã mặc nhiên đem tất cả vào bản văn vì coi như những điều chắc chắn. Thế nhưng các Nghị Phụ đã tự do bác bỏ chủ trương đó, vì đối với các ngài, một số các điều ấy vẫn phải được đem ra mổ xẻ lại. Hơn thế nữa, các Nghị Phụ cũng đã nhiều lần bác bỏ các đề nghị sửa đổi của chính Ðức Giáo Hoàng và ngay cả một lược đồ mà Ðức Giáo Hoàng khuyến khích chấp thuận.
Trong cuộc tranh luận về tự do tôn giáo, lần đầu tiên Thánh Công Ðồng đã minh chứng cho thế giới thấy rằng Giáo Hội không úp mở cũng như không e ngại khi phải đề cập tới tự do, bởi chính nhân phẩm của con người đòi hỏi điều đó. Giáo Hội cố gắng thoát ra khỏi “pháo đài” của mình, khỏi “chủ trương khép kín huy hoàng” của mình, để đối thoại và thông cảm với anh em Kitô hữu, với các tôn giáo khác và ngay với anh em vô thần. Giáo Hội nhìn nhận và kính trọng những giá trị, những nền văn hóa khác nhau cũng như các hệ thống chính trị khác nhau của thế giới.
Vaticanô II là Công Ðồng đầu tiên không có đề mục nào lên án tuyệt thông. Ðây là nét độc đáo của Công Ðồng này trong lịch sử Giáo Hội.

3. Vaticanô II: Công Ðồng Mục Vụ
Ðức Gioan XXIII mong mỏi Công Ðồng này sẽ là Công Ðồng “mục vụ”. Ngài không muốn Công Ðồng dề cập tới vấn đề lên án tuyệt thông cũng như không bận tâm đến các tín điều. Thực tế, dầu Công Ðồng có hai Hiến Chế Tín Lý (Hiến Chế về Giáo Hội và về Mạc Khải), đó cũng chỉ là những điều được xác định lại, chứ không có một tín điều nào mới.
Dĩ nhiên, nếu cần, Thánh Công Ðồng phải nhắc lại những chân lý tín lý và phải bác bỏ các sai lầm trong các văn kiện. Nhưng hướng đi của Công Ðồng nhằm ở Mục Vụ. Thay vì đưa ra các qui tắc từ những suy luận tiên thiên nơi các “nguyên lý vĩnh cửu”, Thánh Công Ðồng đã đi tìm những tiêu chuẩn hướng dẫn thuộc loại đoàn sủng mới nơi những trạng huống thực tại.
Trong tinh thần đó và để dung hòa các khía cạnh trái ngược nhau của các vấn đề, thay vì dùng công thức “hoặc là… hoặc là…”, Thánh Công Ðồng chọn công thức “cả… cả…”. Như vậy Công Ðồng có thể giảm bớt tình trạng chú trọng đến khía cạnh này mà lãng quên những khía cạnh kia, như Giáo Hội đã gặp phải trong quá khứ. Trong mức độ đứng đắn, Công Ðồng đã tìm dung hòa cả tối thượng quyền Giáo Hoàng cả cộng đoàn tính của các Giám Mục. Công Ðồng đã đặt đúng chỗ cả hàng giáo phẩm cả hàng giáo dân, đã giữ quân bình giữa cả Giáo Hội phổ quát cả Giáo Hội địa phương, giữa cả các giá trị tu trì cả các giá trị phàm trần…
Sau hết tinh thần mục vụ thể hiện rõ rệt nhất trong chiều hướng chung của Thánh Công Ðồng khi chủ trương không chống lại một phần tử nào nhưng nhằm lợi ích cho mọi người, khi Giáo Hội trình bày tất cả sứ mệnh của mình dưới ánh sáng tinh thần phục vụ, Giáo Hội nhận mình như nữ tì, như kẻ được sai đến đem ơn cứu độ cho nhân loại.

4. Vaticanô II: nguồn sáng mới
Công Ðồng không mang lại một tín điều nào mới. Thế nhưng, trong những văn kiện đã công bố, Công Ðồng tạo được một đặc điểm độc đáo khi nỗ lực xác định rõ một số khía cạnh của kho tàng chân lý. Ở đây chúng ta chỉ nêu lên một vài nét điển hình cho đặc điểm này.
Trước hết Công Ðồng đã trình bày một nền thần học về Chúa Thánh Thần, mà từ lâu hầu như bị lãng quên trong Giáo Hội Tây Phương. Việc này được xem là công lao của các Nghị Phụ Ðông Phương. Chẳng hạn ở các văn kiện về Giáo Hội (ví dụ các số 4, 19, 48) và về Truyền Giáo (ví dụ số 4), Công Ðồng đã trình bày rõ ràng quan điểm này. Thứ đến, trong thần học về Mạc Khải, Công Ðồng lại đưa ra một quan niệm mới về chân lý của Thánh Kinh và về linh ứng (x. MK 11).
Nhưng phải nhìn vào quan điểm thần học về Giáo Hội, chúng ta mới thấy rõ những ánh sáng huy hoàng của Công Ðồng. Sự trở về với cộng đoàn tính giám mục, quan niệm về Giáo Hội như bí tích cứu rỗi, như dân Thiên Chúa, hay thái độ mới đối với thế giới v.v… đều là những ánh sáng độc đáo. lại nữa, Công Ðồng cũng đã giải chiếu ánh sáng mới cho tính cách bí tích của hàng GiámMục, cho chức phó tế. Sau cùng, với các bí tích khác. Công Ðồng đã thực sự đem đến bộ mặt mới, sáng sủa. Công Ðồng đã quan niệm bí tích Giải Tội là sự hòa giải không những với Thiên Chúa mà còn với Giáo Hội. Bí Tích Hôn Phối được nhấn mạnh hơn ở khía cạnh tình yêu nhân loại và các mục đích chính yếu; Công Ðồng cũng đưa ra qui chế mới cho các cuộc hôn nhân tạp giáo v.v… Trong bí tích Thánh Thể, Công Ðồng đã khéo léo đổi mới các nghi thức Thánh Lễ. Còn về quan điểm thần học chủ trương giáo lý mới về “chức linh mục phổ quát nơi mọi giáo dân”, thì chúng ta cần phải đợi thời gian mới thấy kết quả. Sau hết, tính cách cánh chung là một ánh sáng mới được đưa vào trong tất cả các lãnh vực thần học, ví dụ khía cạnh cánh chung của Giáo Hội lữ hành (x. GH ch 7), của hoạt động truyền giáo (x. TG 9) của đời sống dòng tu (x. GH 44) v.v…

III. Có Thể Có Vaticanô III Không?

Ðặt câu hỏi trên, chúng ta không nghĩ rằng Công Ðồng Vaticanô II đã lỗi thời. Nhưng ý kiến của chúng ta được nêu lên có mục đích tìm hiểu chỗ đứng hiện tại của Công Ðồng này trong lịch sử Giáo Hội.
Ngày hôm nay, hơn bao giờ hết, một Công Ðồng phải được quan niệm như là một bổ túc cho Công Ðồng trước và trở thành nhịp cầu để nối kết Công Ðồng mới trong tương lai. Thế giới tiến bộ nhanh chóng và Giáo Hội cần thích ứng không ngừng theo dòng lịch sử, nếu Giáo Hội không muốn lùi bước. Ðàng khác, ngay từ Công Ðồng Nicea, trong định thức số 5, Giáo Hội cũng đã đòi hỏi rằng các Giám Mục trong một giáo tỉnh phải họp nhau mỗi năm hai lần. Dĩ nhiên, nguyên tắc điều khiển giáo tỉnh theo thể chế Công Ðồng nói ở đây phải hòa hợp với tối thượng quyền của Giáo Hoàng trong những phạm vi thuộc toàn thể Giáo Hội: tuy nhiên tính cách cộng đoàn của Giám Mục được Vaticanô II cổ võ nói lên phương thức làm việc theo thể chế Công Ðồng từng thịnh hành trong nhiều thời đại trước.
Vào thế kỷ thứ XIX, vì quan tâm tìm kiếm một bảo đảm vững chắc cho giáo lý của Giáo Hội, Công Ðồng Vaticanô I lúc đó đã đi tới định tín quyền bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng. Do định tín ấy, người ta đã lầm tưởng rằng thời đại Công Ðồng đã chấm dứt. Thế rồi, trong thời đại hiện tại của chúng ta, vì nhu cầu của tính cách cộng đoàn Giám Mục đòi hỏi, Giáo Hội đã thiết lập các Thượng Hội Ðồng Giám Mục rồi cũng vì đó, nhiều người hiện nay nghĩ rằng không cần thiết phải triệu tập các Công Ðồng Chung nữa. Họ đã lầm tưởng, một lầm tưởng sâu xa. Thực ra Công Ðồng Vaticanô II đã khai mào những viễn ảnh mới, báo hiệu cho một Công Ðồng trong tương lai để bổ túc, cũng như Vaticanô II đã làm nhiệm vụ bổ túc cho Công Ðồng trước.
Nhìn vào thực tại, chúng ta thấy rằng nếu Vaticanô II đã cố gắng dung hòa sự chia cách giữa Giáo Hoàng và Giám Mục thì cũng cần phải có một Công Ðồng trong những ngày sắp tới để tìm lại mức quân bình cho hàng Giám Mục với hàng linh mục mà thực tế đang cách biệt trầm trọng. Nói tổng quát hơn, cần đến một Công Ðồng trong tương lai để tìm ra những dây liên lạc chân thực giữa giáo sĩ và giáo dân, nghĩa là có mục đích tìm hiểu và đề cập đến các vấn đề liên quan tới linh mục và giáo dân, cũng như Vaticanô II đã đặt vấn đề ấy với các Giám Mục.
Hơn nữa, ý hướng hiệp nhất của Vaticanô II chỉ mới ở những bước đầu. Công Ðồng này đã rộng mở những cánh cửa mới để có lẽ với cố gắng của một Công Ðồng trong tương lai, những ai còn ở ngoài Giáo Hội sẽ vào trong Giáo Hội. Sự hiện diện của “các quan sát viên” ở Công Ðồng Vaticanô II tiên báo sự tham dự của toàn thế giới trong một Công Ðồng mới hoàn toàn hiệp nhất, ở đó tính cách Công Giáo sẽ đạt tới sung mãn. Rồi nếu các cộng đoàn anh em ly khai là những Giáo Hội chân thật, họ sẽ cần hiện diện thực sự với Giáo Hội chúng ta. Hơn thế nữa, bởi vì các Giám Mục các Giám Mục Chính Thống cũng là những người kế vị thật của các Tông Ðồ, không có lý do gì họ lại không có quyền đến họp vớ anh em thật của họ, với người kế vị Thánh Phêrô, trong một Công Ðồng thật sự hiệp nhất mà chúng ta mong ước.
Chúng ta đặt trọn niềm hy vọng vào sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, để tất cả chúng ta đều tiến theo con đường tươi đẹp nhất, cho dầu nẻo đường đó có thể không phù hợp với những tính toán nhân loại và giới hạn của chúng ta.

Sứ Ðiệp Của Công Ðồng
Gửi Ðến Tất Cả Mọi Người

I. Sứ Ðiệp Của Công Ðồng Nhân Dịp Khai Mạc (29-10-1962)

1. Chúng tôi muốn gửi sứ điệp cứu độ, tình yêu và hòa bình đến tất cả mọi người, đến mọi dân tộc, sứ điệp đã được Ðức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đem đến cho thế giới và giao phó cho Giáo Hội Người.
Chính vì mục đích đó, theo lời mời gọi của Ðức Giáo Hoàng khả kính Gioan XXIII và “đồng tâm nhất trí trong kinh nguyện cùng với Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu”, chúng tôi, những người kế vị các Sứ Ðồ, đã qui tụ nơi đây trong sự hiệp nhất của một Ðoàn Thể Sứ Ðồ mà người đứng đầu là Ðấng kế vị Thánh Phêrô.
2. Ước gì khuôn mặt của Ðức Giêsu Kitô tỏa chiếu! Trong Nghị Hội Công Ðồng này, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng tôi quyết tìm cách canh tân chính mình chúng tôi để “càng ngày chúng tôi càng nên trung thành hơn với Phúc Âm của Ðức Kitô”. Chúng tôi sẽ chuyên tâm trình bày chân lý của Thiên Chúa cho con người thời đại, một chân lý toàn vẹn và thuần khiết để họ có thể hiểu được dễ dàng và nhiệt tâm gắn bó với chân lý đó.
Ý thức trách nhiệm chủ chăn, chúng tôi muốn đáp ứng những nhu cầu của mọi người tìm kiếm Chúa, “đang mò mẫm cố tìm với hy vọng khám phá ra được Ngài và quả thực Ngài không xa cách mỗi người chúng ta” (CvTđ 17,27).
Chính vì thế, vâng theo ý định của Ðức Kitô Ðấng đã nộp mình chịu chết “hầu tự hiến cho mình một Giáo Hội không vết nhơ hay nét nhăn… nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Eph 5,27), chúng tôi sẵn sàng hiến trọn con người chúng tôi cho công cuộc canh tân tinh thần này để Giáo Hội, từ các thủ lãnh cho đến các phần tử, chứng tỏ cho thế giới thấy khuôn mặt đáng yêu của Ðức Kitô tỏa chiếu trong tâm hồn chúng ta “để làm rạng ngời vinh quang của Thiên Chúa” (2Cor 4,6).
3. Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian. Chúng tôi tin rằng Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con mình hầu cứu rỗi thế gian, giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, “giao hòa cả vạn vật với Cha Người, thiết lập hòa bình nhờ bửu huyết đổ ra nơi thập giá Người”, nhờ đó chúng ta trở thành “con của Thiên Chúa, theo danh hiệu cũng như thực sự là thế”. Người đã sai đến cho chúng ta Thánh Thần Người từ nơi Cha, để cho chúng ta sống bằng chính cuộc sống thần linh của Người trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với những người anh em chúng ta khiến tất cả nên một trong Ðức Kitô.
4. Nhưng thay vì làm chúng ta quay lưng lại với những nghĩa vụ trần thế, việc chúng ta gắn bó với Ðức Kitô trong Ðức Tin, Ðức Cậy và Ðức Ái lại khiến chúng ta dấn toàn thân vào việc phục vụ những người anh em chúng ta, theo gương Thầy đáng kính “Ðấng không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 20,28). Chính vì thế, Giáo Hội được thiết lập không để cai trị nhưng để phục vụ. “Người đã trao ban mạng sống mình vì chúng ta và chúng ta cũng phải giao phó mạng sống chúng ta vì anh em” (1Gio 3,16).
Ngoài ra, khi hy vọng những công việc của Công Ðồng làm cho ánh sáng đức tin trở nên rực rỡ hơn sống động hơn, chúng tôi ước mong tạo được một sự canh tân tinh thần và từ đó đem lại một niềm hứng khởi lý thú làm phong phú gia tài nhân loại trong những phát minh khoa học, tiến bộ kỹ thuật và phổ biến văn hóa.
5. Tình yêu Ðức Kitô thúc đẩy chúng tôi. Từ khắp mọi dân tộc trên mặt đất chúng tôi đến đây mang theo với mình những nỗi khốn quẫn về vật chất cũng như tinh thần, những khổ đau và khát vọng của các dân tộc đã được giao phó cho chúng tôi. Chúng tôi hằng chú ý đến những vấn đề đang bao vây họ. Trước tiên chúng tôi muốn đem sự săn sóc ân cần đến tận những người hèn mọn nhất, bần cùng nhất và yếu kém nhất. Theo gương Ðức Kitô, chúng tôi thương xót đám đông dân chúng đang phải khổ đau vì đói kém, vì khốn cùng, vì dốt nát. Chúng tôi hằng nhìn đến tất cả những người, vì thiếu sự trợ giúp đầy đủ, hiện chưa thể đạt tới mức sống xứng hợp với con người.
Vì thế, khi bắt tay vào việc, chúng tôi sẽ rất chú trọng đến tất cả những gì có liên quan đến phẩm giá con người, những gì góp phần vào sự hiệp thông thực sự giữa các dân tộc. “Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng tôi” (2Cor 5,14) “Nếu ai thấy người anh em mình lâm cơn túng thiếu mà lại khép kín cửa lòng với người anh em, thì làm gì còn tình yêu của Thiên Chúa nơi mình?” (1Gio 3,17).
6. Hai vấn đề chính yếu. Trong sứ điệp truyền thanh ngày 21-09-1962, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã đặc biệt nhấn mạnh đến hai điểm:
Ðiểm thứ nhất là vấn đề hòa bình giữa các dân tộc. Ai lại không gớm ghét chiến tranh? Ai lại không hết sức khao khát hòa bình? Giáo Hội cũng vậy và còn hơn hết mọi người vì Giáo Hội là mẹ tất cả mọi người. Qua tiếng nói của các Giáo Hoàng, Giáo Hội không ngừng tuyên bố lòng yêu mến hòa bình, thiện chí xây dựng hòa bình và hết lòng cộng tác vào mọi nỗ lực chân thành nhằm kiến tạo hòa bình. Giáo Hội hết sức làm việc để các dân tộc xích lại gần nhau, hiểu biết nhau và kính trọng lẫn nhau. Chính Công Ðồng này, với những dị biệt kỳ lạ về chủng tộc, về quốc gia và về ngôn ngữ lại không phải là chứng từ sống động, là dấu chỉ hữu hình cho một cộng đoàn yêu thương huynh đệ hay sao? Chúng tôi khẳng quyết rằng tất cả mọi người đều là anh em dù thuộc bất cứ chủng tộc hay quốc gia nào.
Ðiểm thứ hai, Ðức Giáo Hoàng chú trọng đến công bằng xã hội. Giáo thuyết được trình bày trong thông điệp Mẹ và Thầy chứng tỏ rõ ràng hơn bao giờ hết Giáo Hội trở thành cần thiết cho thế giới hiện đại để tố giác những bất công và những bất bình đẳng trắng trợn, để tái tạo một bậc thang đúng đắn cho các giá trị, làm cho đời sống trở thành nhân bản hơn theo những nguyên tắc của Phúc Âm.
7. Sức mạnh của Thánh Thần. Chắc hẳn chúng tôi không có những phương tiện kinh tế cũng như không có thế lực trần gian, nhưng chúng tôi đặt niềm tin tưởng nơi sức mạnh của Thánh Thần mà Chúa Giêsu Kitô đã hứa ban cho Giáo Hội. Vì thế, với lòng khiêm cung và nhiệt thành, chúng tôi kêu mời không phải chỉ những anh em mà chúng tôi đang phục vụ với tư cách chủ chăn nhưng cũng kêu mời tất cả những anh em tin vào Ðức Kitô và tất cả mọi người thiện chí “mà Thiên Chúa muốn cứu thoát và đưa dẫn tới chỗ nhận biết chân lý” (1Tim 2,4). Ước gì tất cả đều kết hiệp với chúng tôi trong công cuộc xây dựng ngay tại trần gian này một xã hội công bằng hơn và huynh đệ hơn. Bởi vì ý định của Thiên Chúa là muốn nước của mình chiếu tỏa phần nào trên mặt đất nhờ đức ái như một hình bóng của vương quốc vĩnh cửu.
Giữa một thế giới còn đang quá xa cách hòa bình mình mong đợi, còn đang lo âu trước những đe dọa đè nặng bởi những tiến bộ kỹ thuật tự chúng rất đáng khâm phục nhưng cũng nguy hại bao lâu chúng không qui chiếu vào một lề luật luân lý cao hơn, ước gì bừng lên ánh sáng của niềm hy vọng lớn lao vào Ðức Giêsu Kitô, Vị Cứu Tinh duy nhất của con người chúng ta.

II. Sứ Ðiệp Của Công Ðồng Nhân Dịp Bế Mạc (8-12-1965)
Ð.G.H. Phaolô VI tuyên đọc
Nhập Ðề
8. Chư huynh đáng kính,
Giờ lên đường, giờ giải tán đã điểm. Lát nữa, Chư huynh sẽ từ giã nghị hội Công Ðồng để trở về gặp gỡ nhân loại, mang về cho nhân loại tin vui của Phúc Âm Ðức Kitô và của việc canh tân Giáo Hội mà chúng ta đã làm từ bốn năm nay.
Ðây là giờ phúc độc nhất, giờ phút đầy ý nghĩa và phong phú vô cùng! Trong cuộc đại hội hoàn cầu, ở một thời gian và một địa điểm đặc biệt này, chúng ta thấy qui tụ lại tất cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ vì ở đây tụ họp lại toàn thể Giáo Hội Ðức Kitô, với truyền thống lịch sử của mình với các Công Ðồng, các Tiến Sĩ, và các Thánh của mình. Hiện tại: vì chúng ta đang từ giã nhau để đi về gặp gỡ thế giới ngày nay, một thế giới với các khốn cùng, đau thương và tội lỗi của nó nhưng cũng có giá trị và nhân đức của mình. Sau cùng, tương lai: với tiếng gọi khẩn cấp của các dân tộc đang mong mỏi công bình, với ý chí muốn xây dựng hòa bình và với khát vọng ý thức hay vô ý thức về một đời sống cao đẹp hơn, đời sống mà chính Giáo Hội Chúa Kitô hiện có thể và đang muốn mang lại cho họ.
9. Chúng tôi thấy như từ khắp nơi trên thế giới đang vọng về tiếng xôn xao tuy mơ hồ nhưng lớn lao của tất cả những người hướng nhìn về Công Ðồng và lo lắng hỏi chúng ta: các ngài lại không nói lời nào với chúng tôi sao…? Vâng chúng tôi đây là những nhà cầm quyền, những nhà trí thức, những người lao động, những nhà nghệ sĩ…? Chúng tôi, những phụ nữ, những thanh niên, những người đau ốm và nghèo khổ, các ngài không có lời nào cho chúng tôi sao?
Những tiếng gọi thiết tha ấy phải được đáp lại. Chính vì tất cả mọi tầng lớp nhân loại mà Công Ðồng làm việc từ bốn năm nay; chính vì muốn dành cho họ nên “Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay” đã được soạn thảo và hôm qua chúng tôi đã ban hành giữa những tiếng hoan hô nhiệt liệt của Chư Huynh.
10. Từ cuộc suy niệm lâu dài của chúng ta về Chúa Kitô và về Giáo Hội Người, giờ đây phải thốt lên tiếng nói đầu tiên, loan báo nền hòa bình và sự cứu độ cho bao đám đông đang mong đợi. Trước khi từ biệt, Công Ðồng muốn hoàn thành chức vụ tiên tri này. Công Ðồng muốn diễn tả “Tin Mừng” mà Công Ðồng mang đến cho toàn thế giới bằng những sứ điệp vắn và trong một ngôn ngữ mọi người có thể hiểu dễ dàng. Tin mừng này sẽ được một vài Vị trong những phát ngôn viên có thẩm quyền của Công Ðồng nhân danh Chư Huynh nói chuyện với toàn thể nhân loại.

Hồng Y A. Liénart tuyên đọc:
Gửi Các Nhà Cầm Quyền
11. Trong giờ phút long trọng này, chúng tôi, những Nghị Phụ trong Công Ðồng thứ 21 của Giáo Hội Công Giáo sắp sửa từ giã nhau sau bốn năm cầu nguyện và làm việc, ý thức trọn vẹn về sứ mạng của mình đối với nhân loại, chúng tôi trân trọng và tín cẩn ngỏ lời với những vị hiện đang cầm trong tay vận mệnh của mọi người trên địa cầu, cùng hết mọi người đang cầm quyền bính trên trần gian.
Chúng tôi lớn tiếng tuyên bố: chúng tôi kính trọng quyền hành và chủ quyền của quí vị, chúng tôi tôn trọng chức vụ của quý vị. Chúng tôi nhìn nhận những pháp luật chính đáng của quí vị, chúng tôi quí chuộng người làm ra cũng như người áp dụng những luật ấy. Nhưng chúng tôi có một lời chí thánh để nói với quí vị, đó là: chỉ một mình Thiên Chúa là cao cả. Chỉ một mình Thiên Chúa là nguyên thủy và là cứu cánh. Chỉ một mình Thiên Chúa là nguồn gốc của quyền bính và là nền tảng các luật lệ của quí vị.
12. Chính quí vị có nhiệm vụ phải cổ võ cho nền trật tự và hòa bình giữa mọi người trên trái đất. Nhưng xin đừng quên: Thiên Chúa chân thực và hằng sống là Cha mọi người. Và chính Chúa Kitô, người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa đã đến nói cho chúng ta biết điều ấy và dạy cho chúng ta biết tất cả đều là anh em với nhau. Chính Người là thợ cao cả của trật tự và hòa bình thế giới vì chính Người hướng dẫn lịch sử nhân loại và chỉ một mình Người mới có thể khiến các tâm hồn từ khước những dục vọng xấu xa, mầm mống phát sinh ra chiến tranh và đau khổ. Chính Người là Ðấng chúc lành cho cơm bánh của nhân loại, thánh hóa việc làm và những vất vả của nhân loại, mang lại cho nhân loại những niềm vui mà quí vị không thể mang lại cũng như làm cho họ vũng mạnh lại trong những đau thương mà quí vị không thể an ủi được.
13. Trong xã hội thế trần và hữu hạn của quí vị, Chúa Kitô xây dựng cách nhiệm mầu xã hội tinh thần và vĩnh cửu của Người tức là Giáo Hội của Người, vậy Giáo Hội mong muốn gì ở quí vị, sau hai ngàn năm biến chuyển thăng trầm về mọi phương diện trong mối bang giao với quí vị, những người nắm quyền lực trần gian? Ngày nay Giáo Hội cầu mong gì ở quí vị? Giáo Hội đã nói nguyện vọng ấy cho quí vị trong một bản văn quan trọng của Công Ðồng: Giáo Hội chỉ yêu cầu quí vị để tự do: tự do tin và rao giảng niềm tin của mình, tự do yêu mến Thiên Chúa và phụng sự Ngài, tự do sống và mang đến cho mọi người sứ điệp về sự sống. Xin đừng kiêng sợ Giáo Hội: Giáo Hội theo gương chủ mình nên hoạt động mầu nhiệm của Giáo Hội không dẫm chân lên những đặc quyền của quí vị nhưng để cứu nhân loại khỏi sự tàn tạ oan nghiệt, biến đổi nó, đổ đầy niềm hy vọng, chân lý và vẻ đẹp.
Xin hãy để Chúa Kitô thi hành công việc tinh luyện xã hội này! Xin đừng đóng đinh Người lại một lần nữa: việc đó là phạm thánh vì Người là Con Thiên Chúa; đó cũng là tự sát vì Ngài là Con Người. Xin để yên chúng tôi, những thừa tác viên khiêm tốn của Người, đừng cản trở chúng tôi trong việc gieo rắc khắp nơi “tin mừng” của Phúc Âm hòa bình, tin mừng đã được chúng tôi nghiền ngẫm trong suốt thời kỳ Công Ðồng. Dân chúng của quí vị sẽ là những người đầu tiên được hưởng ơn ích tin mừng hòa bình này vì Giáo Hội nhằm đào tạo cho quí vị những người công dân liêm chính biết yêu chuộng hòa bình và tiến bộ.
Trong ngày long trọng bế mạc các phiên hội của Công Ðồng Chung lần thứ 21 này, Giáo Hội, qua tiếng nói của chúng tôi, xin gửi tới quí vị tình thân hữu, ý chí phục vụ và những năng lực tinh thần cũng như đạo đức của mình. Giáo Hội xin gửi đến tất cả quí vị sứ điệp cứu độ và chúc lành. Xin hãy tiếp nhận sứ điệp ấy trong cùng một tinh thần như đã được gửi đi, nghĩa là với một tấm lòng hoan hỉ, chân thành và xin quí vị cũng chuyển tới tất cả dân chúng của quí vị.

Hồng Y P. Léger tuyên đọc:
Gửi Giới Trí Thức
14. Công Ðồng đặc biệt gửi lời chào kính tới những người kiếm tìm chân lý, những nhà tư tưởng và khoa học, những nhà thám hiểm vũ trụ, lịch sử và con người. Xin chào thăm tất cả quí vị, những người lữ hành đang tiến về ánh sáng, cả những người đã đứng lại dọc đường vì mệt mỏi hoặc thất vọng vì tìm không thấy.
Tại sao chúng tôi lại chào kính đặc biệt quí vị? Bởi vì tất cả chúng tôi đây, những giám mục, Nghị Phụ Công Ðồng, chúng tôi cũng đang ngóng tìm chân lý. Nỗ lực của chúng tôi trong bốn năm qua là gì, nếu không phải là một cuộc tìm kiếm chú ý hơn và đào sâu sứ điệp chân lý đã được giao phó cho Giáo Hội, một nỗ lực lắng nghe thuần thục và chăm chú hơn trước tiếng nói của Thần Chân Lý?
Vì thế chúng tôi không thể không gặp gỡ quí vị. Con đường quí vị cũng là con đường của chúng tôi. Ðường lối quí vị cũng không bao giờ xa lạ với những đường lối chúng tôi. Chúng tôi là những người bạn đồng hành cùng được kêu gọi để tìm kiếm như quí vị, cùng chia sẻ mệt nhọc với quí vị, cùng chung tiếng thán phục những thành quả của quí vị, và nếu cần, có thể khích lệ khi quí vị nản chí và thất bại.
15. Vì thế chúng tôi có một sứ điệp gửi tới quí vị. Sứ điệp ấy như sau: xin hãy tiếp tục tìm kiếm và đừng bao giờ nản chí, thất vọng vì không tìm được chân lý! Xin hãy nhớ tới lời người bạn thân thiết của quí vị là Thánh Augustinô: “Hãy tìm kiếm với ước muốn gặp thấy, và gặp thấy với ước muốn kiếm thêm mãi”! hạnh phúc cho những ai đã gặp thấy chân lý nhưng vẫn còn kiếm tìm thêm mãi để đổi mới, để đào sâu chân lý và mang chân lý tới cho người khác. Hạnh phúc cho những ai dù chưa gặp gỡ chân lý, nhưng vẫn thành tâm tiến tới chân lý: mong họ tìm ánh sáng ngày mai nhờ ánh sáng hôm nay, cho đến lúc chan hòa ánh sáng.
Xin cũng đừng quên: suy nghĩ là một việc cao cả, nhưng trước hết là một nhiệm vụ. Bất hạnh thay cho những người cố tình nhắm mắt trước ánh sáng! Suy nghĩ còn là một trách nhiệm: bất hạnh thay cho những người làm tinh thần mờ tối bằng trăm ngàn thủ đoạn khiến họ chán nản, kiêu căng, lầm lẫn và sai lệch! Nguyên tắc căn bản của những nhà khoa học là gì nếu không phải là: cố gắng suy nghĩ đúng?
16. Ðể giúp suy nghĩ đúng, chúng tôi đến cống hiến quí vị ánh sáng của cây đèn mầu nhiệm là đức tin, không phải để làm quẩn chân hay làm chói mắt quí vị. Ðấng trao gởi ánh sáng đức tin cho chúng tôi là vị tôn sư của tư tưởng và chúng tôi là những đệ tử khiêm tốn của Người, chỉ một mình Người đã nói và có quyền nói: “Ta là ánh sáng thế gian. Ta là đường, là sự thật và là sự sống”.
Lời nói trên đây có liên hệ đến quí vị. Nhờ ơn Thiên Chúa, cái khả năng hòa đồng sâu xa giữa khoa học chân chính và đức tin chân chính có lẽ không bao giờ lại hiện rõ hơn ngày hôm nay vì cả hai điều phục vụ cho chân lý duy nhất. Xin đừng ngăn cản cuộc gặp gỡ quí báu này! Xin hãy tín nhiệm đức tin, vốn là người bạn thân của trí tuệ! Xin hãy để ánh sáng đức tin soi sáng quý vị ngõ hầu nắm được chân lý, toàn thể chân lý. Ðó là lời cầu chúc, sự khích lệ và hy vọng mà các Nghị Phụ trên khắp thế giới họp Công Ðồng tại Roma gửi tới quí vị trước giờ phút chia tay.

Hồng Y L. Suénens tuyên đọc:
Gửi Giới Văn Nghệ Sĩ
17. Giờ đây, chúng tôi xin ngỏ lời với quí vị văn nghệ sĩ, những người say mê và phục vụ cái đẹp: quí vị là những thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, điều khắc gia, kiến trúc sư, nhạc sĩ, diễn viên cũng như chuyên viên kịch nghệ và điện ảnh… Qua tiếng nói của chúng tôi, Công Ðồng Giáo Hội xin ngỏ lời với toàn thể quí vị: nếu yêu chuộng nghệ thuật chân chính thì quí vị là bạn hữu của chúng tôi.
Ðã từ lâu, Giáo Hội liên kết với quí vị. Quí vị đã xây dựng và trang hoàng những đền thờ, suy tôn các tín điều, làm giàu cho phụng vụ của Giáo Hội. Quí vị đã giúp đỡ Giáo Hội diễn tả sứ điệp thánh của mình ra ngôn ngữ hình thể và sắc thái, khiến cho thế giới vô hình có thể được cảm nhận.
18. Ngày nay cũng như trong quá khứ, Giáo Hội vẫn cần đến quí vị và hướng về quí vị. Qua tiếng nói của chúng tôi, Giáo Hội ngỏ lời cùng quí vị: xin đừng để tan vỡ mối liên kết phong phú tột bực. Xin đừng chối từ đem tài năng ra phụng sự chân lý Thiên Chúa. Xin đừng đóng cửa tinh thần quí vị trước hơi thở của Thánh Thần Chúa!
Thế giới chúng ta sống ngày nay đang cần đến cái đẹp để khỏi chìm đắm vào thất vọng. Cái đẹp, cũng như sự thật mang lại niềm vui cho tâm hồn con người, đó chính là những hoa trái quí giá không tàn úa vì thời gian nhưng nối kết các thế hệ lại và làm cho họ thông cảm nhau khi thán phục nhau. Công trình ấy là do bàn tay của quí vị…
19. Ước mong những bàn tay ấy được thanh sạch, vô vị lợi! Xin hãy nhớ rằng quí vị là những người bảo vệ cái đẹp trong thế giới: mong rằng chỉ điều đó cũng đủ khiến quí vị vượt qua những thị hiếu phù du không có giá trị đích thức, đủ khiến quí vị tránh tìm những lối diễn tả dị kỳ và bất nhã.
Ước chi lúc nào và chỗ nào quí vị cũng vẫn xứng đáng với lý tưởng mình để rồi sẽ xứng đáng với Giáo Hội, mà ngày hôm nay qua tiếng nói của chúng tôi, xin gửi đến quí vị sứ điệp thân hữu, cứu độ, ân phúc và chúc lành.

Hồng Y L. Duval tuyên đọc:
Gửi Giới Phụ Nữ
20. Giờ đây chúng tôi xin ngỏ lời với nữ giới thuộc hết mọi thành phần: các thiếu nữ, các người vợ, người mẹ, các quả phụ, cả những người đồng trinh đã dâng mình cho Chúa và các người ở độc thân: tất cả quí vị chiếm một nửa đại gia đình nhân loại.
Như quý bà và chị em đã biết, qua các thời đại, Giáo Hội hãnh diện vì đã làm vẻ vang và giải phóng người phụ nữ, đã làm nổi bật trong sự khác biệt phái tính sự bình đẳng căn bản của Nữ giới với Nam giới.
Nhưng bây giờ đã đến lúc sứ mệnh người nữ được thể hiện hoàn toàn. Ðây là lúc người phụ nữ có một ảnh hưởng, một sự phát huy và một quyền lực từ trước đến nay chưa từng có trong xã hội.
Vì thế, trong khi nhân loại đang trải qua một biến động sâu xa như lúc này, những phụ nữ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm có thể giúp đỡ rất nhiều cho nhân loại thoát khỏi sự suy đồi.
21. Quý bà và chị em bao giờ cũng góp phần bảo vệ gia đình, tuôn chảy nguồn yêu thương và dưỡng dục trẻ thơ. Quý bà và chị em hiện diện lúc mầu nhiệm sự sống bắt đầu và ủi an trong giờ cuộc đời chấm dứt. Nền kỹ thuật của chúng ta có thể trở nên vô nhân đạo nên xin quý bà và chị em hãy hòa giải con người với sự sống. Nhất là chúng tôi tha thiết thỉnh cầu quý bà và chị em hãy săn sóc đến tương lai của giống nòi chúng ta. Hãy giữ tay người đàn ông lại nếu trong một phút điên cuồng họ muốn tiêu hủy nền văn minh nhân loại.
Hỡi các người vợ, người mẹ gia đình, là những nhà giáo dục đầu tiên của nhân loại trong lòng tổ ấm gia đình, xin truyền thụ cho con trai con gái quý bà những truyền thống của cha ông chúng ta, đồng thời chuẩn bị cho chúng một tương lai xa vời. Các bà hãy luôn nhớ là nhờ con cái nên người mẹ góp phần vào tương lai, một tương lai có lẽ mắt quý bà sẽ không được nhìn thấy.
Cả những chị em ở độc thân nữa, xin ý thức rằng chị em có thể chu toàn trọn vẹn sứ mệnh phục vụ của mình. Xã hội khắp nơi đang kêu gọi chị em, ngay các gia đình cũng không thể sinh hoạt nếu gạt bỏ sự trợ giúp của những người không lập gia đình.
Nhất là những người đồng trinh đã dâng mình cho Chúa trong một thế giới mà chủ nghĩa ích kỷ và sự ham tìm khoái lạc muốn trở nên qui luật sống, chị em hãy duy trì đức trong sạch, lòng vô vị lợi và tinh thần đạo đức. Chúa Giêsu, Ðấng đã ban cho tình yêu vợ chồng trọn vẹn ý nghĩa của nó cũng đã đề cao sự từ khước tình yêu nhân loại này khi nó hướng về tình yêu vô biên và nhằm phục vụ mọi người.
Sau cùng, hỡi những người đang bị thử thách, quý bà và chị em đang đứng thẳng dưới chân thánh giá như Ðức Maria, biết bao lần trong lịch sử, quý bà và anh chị em đã mang lại cho người đàn ông sức mạnh để chiến đấu tới cùng, đã giúp họ làm chứng nhân ngay cả tử vì đạo, một lần nữa xin hãy giúp họ can đảm làm những công cuộc lớn, đồng thời biết kiên nhẫn và biết bắt đầu bằng những công việc nhỏ.
22. Hỡi tất cả phụ nữ, quý bà và chị em biết cách làm cho chân lý trở nên êm ái, dịu dàng, dễ hiểu, xin hãy chuyên chú làm cho tinh thần Công Ðồng được thấm nhập vào cơ cấu, trường học, gia đình và đời sống hằng ngày.
Hỡi các phụ nữ trên toàn thế giới thuộc Kitô giáo hay vô tín ngưỡng, sự sống đã được giao phó cho quý vị trong phút giây lịch sử nghiêm trọng này, quý bà và chị em có nhiệm vụ cứu vãn nền hòa bình thế giới.

Hồng Y P. Zoungrana tuyên đọc:
Gửi Giới Lao Ðộng
23. Trong suốt Công Ðồng này, chúng tôi, các Giám Mục Công Giáo khắp năm châu, đã cùng nhau suy nghĩ những vấn đề nghiêm trọng trong số bao nhiêu đề tài khác đặt ra trước lương tâm nhân loại do những điều kiện kinh tế xã hội của thế giới ngày nay, vấn đề sống chung giữa các quốc gia, vấn đề võ trang, chiến tranh và hòa bình. Chúng tôi hoàn toàn ý thức rằng cách thức giải quyết những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến đời sống cụ thể của nam nữ công nhân trên khắp thế giới. Vì thế, sau những phiên thảo luận, chúng tôi mong ước gửi đến tất cả anh em lao động một sứ điệp tín cẩn, hòa bình và thân hữu.
Hỡi những người con rất thân mến, thoạt tiên xin hãy yên trí rằng Giáo Hội hiểu biết những nỗi thống khổ, cuộc tranh đấu, niềm hy vọng của anh em. Giáo Hội rất khâm phục những đức tính làm cho tâm hồn anh em nên cao đẹp, đó là lòng can đảm, sự tận tụy, lương tâm nghề nghiệp, lòng yêu chuộng công bình. Giáo Hội nhìn nhận đầy đủ những sự phục vụ lớn lao anh em đã mang lại cho xã hội khi mỗi người ở địa vị mình, và đôi khi trong những địa vị khiêm tốn nhất, bị khinh rẽ nhất, Giáo Hội rất hài lòng và xin cảm tạ anh em qua tiếng nói của chúng tôi.
24. Trong những năm vừa qua, Giáo Hội không ngừng lưu tâm đến những vấn đề càng ngày càng phức tạp của thế giới lao động. Tiếng vọng từ trong hàng ngũ lao động đối với những thông điệp vừa qua của các Ðức Giáo Hoàng đã chứng tỏ tâm hồn người lao động ngày nay hòa hợp mật thiết với các vị lãnh đạo tinh thần cao cả nhất của mình.
Ðức Gioan XXIII, Ðấng làm giàu cho gia tài Giáo Hội bằng những sứ điệp trứ danh, đã tìm ra được ngôn ngữ thấu đến tâm hồn anh em. Nơi con người của ngài, ngài đã làm sáng tỏ tất cả tình yêu của Giáo Hội đối với người lao động cũng như đối với chân lý, công bình, tự do, bác ái, là những nền tảng xây dựng hòa bình thế giới.
25. Cũng trong tinh thần ấy, chúng tôi cũng muốn được tỏ bày lòng yêu mến của Giáo Hội đối với anh em, những người lao động, và với tất cả lòng xác tín chân thành, chúng tôi xin nói với anh em rằng: Giáo Hội là bạn của anh em. Xin hãy tín cẩn vào Giáo Hội! Trong quá khứ, những hiểu lầm đáng tiếc đã kéo dài quá lâu sự nghi kỵ và sự bất đồng giữa chúng ta; Giáo Hội và giới thợ thuyền đều phải đau khổ vì việc đó. Ngày nay, giờ hòa giải đã điểm, và nhờ tinh thần của Công Ðồng Giáo Hội mời gọi anh em hoan hỉ cử hành giờ đó với tất cả sự tin tưởng thành thực.
Giáo Hội luôn luôn cố tìm để hiểu rõ anh em hơn. Nhưng anh em cũng phải tìm hiểu Giáo Hội là gì đối với anh em, những người lao động, những tay thợ chính yếu đang thực hiện các biến đổi lạ lùng cho thế giới ngày nay. Anh em quá biết rằng: nếu một luồng linh khí mãnh liệt không phổ vào những biến đổi này, chúng ta sẽ trở thành tai họa cho nhân loại thay vì mang lại hạnh phúc cho họ. Không phải hận thù sẽ cứu vớt thế giới! Không phải chỉ có cơm bánh trần gian có thể làm no thỏa cơn đói của con người!
Vì thế, hãy đón nhận sứ điệp của Giáo Hội. Hãy đón nhận đức tin được Giáo Hội hiến dâng cho anh em để soi đường dẫn lối. Ðó là đức tin của vị kế nghiệp Thánh Phêrô và của hai ngàn Giám Mục họp lại nơi Công Ðồng, đó là đức tin của toàn dân Chúa. Mong Ðức Tin ấy soi sáng cho anh em, dẫn lối cho anh em, làm cho anh em hiểu biết Chúa Giêsu, bạn đồng lao với anh em, là Thầy và là Ðấng Cứu Ðộ của toàn thể nhân loại.

Hồng Y P. Méouchi tuyên đọc:
Gửi Người Nghèo, Bệnh Tật Và Ðau Khổ
26. Ðối với tất cả các bạn, những anh em đang bị thử thách, đang bị đau khổ dày vò dưới muôn hình vạn trạng. Công Ðồng xin gửi đến một sứ điệp đặc biệt.
Công Ðồng cảm thấy anh em đang ngóng nhìn về mình với những con mắt cầu khẩn, sáng rực vì cơn sốt hoặc đờ đẫn vì mệt nhọc, những cái nhìn dò hỏi đang vô vọng tìm hiểu tại sao con người lại đau khổ hay đang lo âu tự hỏi xem bao giờ và tự đâu sẽ có nâng đỡ.
Anh em rất thân mến, chúng tôi cảm thấy rất sâu đậm những lời rên siết và than thở của anh em đang vang lên trong lòng những người cha và chủ chăn của chúng tôi, chúng tôi càng buồn sầu khi nghĩ rằng mình không thể mang lại sức khỏe thể xác cũng như sự thuyên giảm đau đớn bên ngoài cho anh em như các bác sĩ, y tá và tất cả những người săn sóc bệnh nhân đang cố gắng tận tình cứu chữa.
27. Nhưng chúng tôi có một cái gì sâu xa hơn, quí giá hơn để mến tặng anh em, một chân lý duy nhất có thể trả lời cho mầu nhiệm đau khổ và mang lại cho anh em sự an ủi chân thật: đó là đức tin và sự kết hiệp với con người đau khổ là Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng bị đóng đinh vì tội lỗi cũng như để cứu rỗi chúng ta.
Chúa Kitô đã không diệt trừ đau khổ. Người cũng không muốn vén lên hoàn toàn chiếc màn mầu nhiệm của đau khổ cho chúng ta: Người lại nhận đau khổ cho mình và vì thế đã quá đủ cho chúng ta hiểu rõ giá trị của đau khổ.
Hỡi tất cả anh em, những người đang cảm thấy thập giá đè nặng, những người nghèo túng, bị bỏ rơi, những người đang khóc lóc, đang bị bách hại vì sự công chính, những người không được ai nói đến, những người đau khổ vô danh, xin hãy lấy lại can đảm. Anh em là những người được ưu đãi trong nước Chúa, nước có hy vọng, hạnh phúc và sự sống. Anh em là những người em của Chúa Kitô đau khổ và nếu anh em muốn, anh em cùng cứu vớt thế gian với Người.
Ðó là học thuyết Kitô giáo về đau khổ, học thuyết duy nhất mang lại bình an. Xin biết chắc chắn rằng anh em không cô độc, không bị loại trừ, bị bỏ rơi hoặc bị coi là vô dụng. Trái lại anh em là những người được Chúa Kitô kêu gọi, là hình ảnh sống động và trong suốt của Chúa. Nhân danh Chúa, Công Ðồng âu yếm chào thăm anh em, cảm ơn và đoan chắc với anh em về tình thân hữu, về sự giúp đỡ của Giáo Hội và chúc phúc lành cho anh em.

Hồng Y G. Agagianian tuyên đọc:
Gửi Giới Trẻ
28. Sau hết Công Ðồng muốn gửi cho các bạn thanh niên và thiếu nữ toàn thế giới bức sứ điệp sau cùng vì chính các bạn sắp được nhận lấy ngọn đuốc từ tay phụ huynh và sẽ sống trong thế giới vào lúc diễn ra những biến đổi vĩ đại nhất của lịch sử. Chính các bạn, trong khi thừa hưởng phần tốt nhất của gương sáng và giáo huấn nơi cha mẹ cũng như thầy dạy, các bạn đang tiến tới việc kiến tạo xã hội ngày mai: các bạn sẽ tự cứu được mình hay sẽ bị tiêu diệt cùng với xã hội ấy.
Ròng rã bốn năm qua, Giáo Hội đã làm việc để làm trẻ lại khuôn mặt mình, sao cho mỗi ngày một phù hợp với ý định của Ðấng sáng lập, Ðấng Hằng Sống Cao Cả là Chúa Kitô muôn đời trẻ trung. Vào phút chót cuộc “duyệt lại đời sống” quan trọng này, Giáo Hội hướng về các bạn. Chính cho những người trẻ các bạn, phải, đặc biệt cho các bạn mà Giáo Hội qua Công Ðồng vừa thắp lên một ánh sáng: ánh sáng soi cho tương lai, tương lai đời các bạn.
29. Giáo Hội lưu tâm muốn cho xã hội các bạn sắp thiết lập biết tôn trọng phẩm giá, tự do, quyền lợi của con người, cũng là chính con người các bạn.
Giáo Hội đặc biệt lưu tâm làm sao cho xã hội này sẽ để cho cái kho tàng luôn luôn cổ kính và luôn luôn mới mẻ là đức tin được nảy nở, và sao cho tâm hồn các bạn có thể tự do tắm gội trong ánh sáng tốt lành của nó. Giáo Hội tin tưởng rằng: các bạn sẽ gặp được một sức mạnh và một niềm vui lớn lao đến độ các bạn sẽ không bị quyến rũ như một số đàn anh, buông mình theo những triết thuyết ích kỷ và khoái lạc, thất vọng và hư vô, đ�ng thời đứ�ng trước chủ nghĩa vô thần, hiện tượng của suy nhực và già cỗi, các bạn có thể củng cố lòng mình tin tưởng ở đời và tin chân lý làm cho đời sống có một ý hướng: đó là xác tín có một Thiên Chúa công bình và tốt lành.
30. Chính nhân danh Thiên Chúa và Con Ngài là Chúa Giêsu, chúng tôi khuyên các bạn hãy mở rộng tâm hồn ra tới mọi chiều hướng của thế giới, lắng nghe tiếng gọi của các anh em và đem những nghị lực trẻ trung ra phục vụ cho họ.
Hãy chiến đấu chống mọi ích kỷ. Hãy chống lại, đừng tự buông thả theo các bản năng hung bạo và hận thù, là mầm mống gây nên chiến tranh và biết bao điều khốc hại khác. Xin hãy đại độ, trong sạch, kính cẩn và chân thành. Xin hãy đem nhiệt huyết ra xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cái thế giới của đàn anh các bạn!
Giáo Hội nhìn đến các bạn với lòng đầy tín cẩn và yêu thương. Vốn mang một dĩ vãng lâu dài và hằng sống động trong mình đồng thời luôn luôn đi tới sự hoàn thiện nhân loại qua thời gian cũng như vừa tiến tới những chân trời sau cùng của lịch sử và sự sống. Giáo Hôi là sự trẻ trung đích thực của thế giới. Giáo Hội mang vốn liếng làm nên sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi trẻ: đó là khả năng biết hoan hỉ trước những gì mới bắt đầu, biết cho đi mà không mong trả lại, biết tự đổi mới và ra đi tìm những chinh phục mới. Xin hãy nhìn Giáo Hội và các bạn sẽ khám phá ra khuôn mặt Chúa Kitô, vị anh hùng chân chính, khiêm tốn và khôn ngoan, vị ngôn sứ của chân lý và tình yêu, là bạn đường và bạn thân của người trẻ. Nhân danh chính Chúa Kitô chúng tôi chào thăm, khuyên nhủ và chúc lành cho các bạn.

Nhân kỷ niệm 40 năm
Công đồng Vatican II
(11/10/1962-11/10/2002)
Dấu Ấn Công Ðồng Vatican II
Tại Một Ðịa Phương

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Con số 40 hay được dùng trong Kinh Thánh. Nó nói lên những thời gian có ý nghĩa về lịch sử cứu độ. Xin trích dẫn một số trường hợp.
Tiếng nói của con số 40.
Ông Maisen ở trên núi Xinai 40 ngày đêm (Xh 24,18).
Dân Israel đi trong sa mạc suốt 40 năm (Ðnl 8,2).
Vua David cai trị Israel trong thời gian 40 năm (2 Sb 29,27).
Vua Salômôn trị vì toàn thể Israel tại Giêrusalem trọn 40 năm (2 Sb 9,30).
Bài ca bà Ðơvora và ông Barắc kết thúc bằng câu: Và lãnh thổ bình an 40 năm (Tl 5,31).
Ông Êli chết, sau khi làm thủ lãnh xét xử Israel 40 năm (1 Sm 4,28).
Tiên tri Êlia đi suốt 40 ngày đêm tới Khôrếp là núi của Thiên Chúa (1 V 19,8).
Chúa Giêsu ăn chay ròng rã 40 đêm ngày trong hoang địa (Mt 4,1-2).
Các sự kiện kể trên gợi ý cho tôi hiểu: Thời gian 40 ngày đêm hay 40 năm là một hành trình của một sứ mạng.
Theo cách hiểu đó, tôi nhìn lại Công đồng Vatican II. Công đồng này đã khai mạc phiên họp đầu tiên vào ngày 11 tháng 10 năm 1962 do Ðức Thánh Cha Gioan XXIII. Từ đó đến tháng 10 năm 2002 này thời gian đã chẵn 40 năm.
Ðối với chúng ta, 40 năm qua là một hành trình đưa Công đồng Vatican II vào cuộc sống. Các đề tài mà Công đồng muốn chúng ta đưa vào cuộc sống có thể lược tóm vào bốn nhiệm vụ:
(1) Nhiệm vụ Hội Thánh nhận thức về chính mình. (2) Nhiệm vụ đổi mới Hội Thánh. (3) Nhiệm vụ tìm kiếm sự hiệp nhất giữa những người cùng tin theo Ðức Kitô. (4) Nhiệm vụ đối thoại với mọi người.
Ðể góp phần làm tốt các nhiệm vụ trên, chúng ta nên tìm chỉ dẫn của Công đồng. Riêng tôi, do nhu cầu và với kinh nghiệm tu đức cũng như mục vụ, tôi quan tâm nhiều hơn đến mấy chỉ dẫn sau đây của Công đồng.
Tập trung vào Ðức Kitô, Ðấng cứu độ loài người.
Ðể khai mạc kỳ họp thứ hai vào ngày 29/9/1963, Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố hướng đi căn bản của Công đồng là tập trung vào Ðức Kitô, Ngài nói: “Ðức Kitô là nguyên lý của chúng ta, là con đường của chúng ta, là đích điểm của chúng ta. Chính từ Người mà chúng ta đến, chính trong Người mà chúng ta lên đường, chính để đến với Người mà chúng ta rảo bước”.
Trong 40 năm qua, sự tập trung vào Ðức Kitô, theo sự chỉ dẫn của Công đồng, đã góp phần đổi mới Hội Thánh. Thay vì tản mác, lòng đạo nhiều người đã thực sự qui tụ vào Ðức Kitô. Thay vì mang tên một Ðức Kitô trên lý thuyết, lòng đạo nhiều người đã thực sự mang sự sống được chia sẻ từ Ðấng cứu chuộc nhân loại. Một Ðức Kitô hiện diện như ánh sáng trong đêm tăm tối, như lương thực trong cơn đói khổ, như nước mát trong cơn khát lả, như nguồn cứu chữa trong cơn hoạn nạn, như sự sống lại trong cõi chết tuyệt vọng. Ðức Kitô đến cứu độ, chỉ với điều kiện là người ta nhận mình bệnh tật, muốn được lành mạnh, muốn đón nhận Người, muốn trú ẩn nơi Người, thực sự tin Người là tình yêu cứu độ, như chính Người đã quả quyết:
“Ta là cửa” (Ga 10,9).
“Ta là mục tử nhân lành” (Ga 10,11).
“Ta là sự sống và là sự sống lại” (Ga 11,25).
“Ta là đường, là sự thực và là sự sống” (Ga 14,6).
“Ta là cây nho thật” (Ga 15,1).
“Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5).
“Ta là bánh trường sinh” (Ga 6,34).
“Ta là bánh từ trời xuống” (Ga 6,41).
Một lòng đạo tập trung như vậy vào Ðức Kitô sẽ đích thực là Kitô hữu, là đúng Phúc Âm. Một lòng đạo tập trung vào Ðức Kitô sẽ giúp cho việc đối thoại với Hội Thánh Tin Lành, và các giáo phái cùng tin vào Ðức Kitô được dễ dàng hơn.
Tha thiết với Lời Chúa.
Cùng với việc hô hào tập trung lòng đạo vào Ðức Kitô, Công đồng kêu gọi mọi tín hữu hãy tha thiết với Lời Chúa. “Mọi lời giảng dạy trong Giáo Hội cũng như chính đạo thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội. Lời Chúa là lương thực linh hồn, là nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội”.
“Vì thế, tất cả các giáo sĩ, nhất là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh, nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh, cho các giáo hữu được uỷ thác cho họ, không ai trong họ sẽ trở thành “kẻ huênh hoang rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng, bởi không lắng nghe lời Thiên Chúa trong lòng” (Hiến chế về Mạc Khải).
Những thao thức trên đây của Công đồng về vai trò của Lời Chúa đã có những vang vọng tích cực trong nhiều tâm hồn tại Việt Nam ta.
Càng ngày Lời Chúa càng đi sâu vào đời sống đạo. Như cầu nguyện với Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa, học hỏi Lời Chúa, đọc Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa, tôn vinh Lời Chúa.
Lời Chúa đã thay đổi sâu xa não trạng người có đạo chúng ta. Với gương sáng Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cầu nguyện cho hoà bình chung với các tôn giáo bạn, Lời Chúa đã mở rộng lòng trí ta, để biết có cái nhìn kính trọng đối với nhiều giá trị thiêng liêng của các tôn giáo khác. Với gương sáng Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công khai xin lỗi nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo về những lỗi lầm trong quá khứ, Lời Chúa đã dẫn lòng trí ta bước sâu xuống đức khiêm nhường, để biết nhìn nhận những sai sót của mình đối với nhiều nền văn hoá, nhiều tôn giáo và nhiều dân tộc.
Với những gương sáng đó và nhiều gương sáng khác, Lời Chúa đã giúp chúng ta phấn đấu với chính mình, để trở thành những con người hoà giải, xây dựng hoà bình, liên đới.
Sáng tạo sự hiện diện của Tin Mừng giữa thế gian.
“Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (Sắc lệnh về Truyền giáo).
Truyền giáo thường được hiểu là bổn phận riêng của những người được chọn và được sai đi, để chuyên về công việc đó. Nhưng nói chung, mọi tín hữu đều có bổn phận truyền giáo. Ít ra bằng sự hiện diện của mình giữa môi trường mình sinh sống.
Theo Công đồng dạy, thì để sự hiện diện của chúng ta có tính cách truyền giáo, chúng ta phải là con người cầu nguyện, có một đời sống thiêng liêng và luân lý tốt, biết đến với mọi người với tâm hồn rộng mở, với con tim bao dung, với lòng nhiệt thành, tự nguyện hy sinh và tận hiến cho các linh hồn. Ðể được như vậy, chúng ta gia tăng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hằng ngày.
Hiểu những chỉ dẫn trên đây, tôi thấy bí quyết truyền giáo trong mọi thứ hiện diện chính là lửa tông đồ. Phải có nhiều lửa tông đồ trong trái tim ta. Không phải các giáo lý, các lý thuyết, các lý lẽ sẽ chuyển tải được Tin Mừng vào lòng người. Nhưng chính lửa mến Chúa yêu người sẽ thúc bách ta. Chính lửa tình yêu mới đốt lên được sự khát khao chia sẻ Tin Mừng và đón nhận Tin Mừng.
Khi lòng ta đầy lửa tông đồ, ta sẽ nhạy bén với những thời cơ. Và ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nếu lòng ta bừng cháy lửa tông đồ, ta sẽ biết sáng tạo những cách làm chứng cho tình yêu Chúa một cách âm thầm mà hữu hiệu.
Tại Việt Nam hôm nay, không thiếu những sáng tạo truyền bá Tin Mừng. Ta có thể không biết đến những sáng tạo đó. Nhưng không biết đâu có nghĩa là không có. Nhiều việc rất nhỏ, nhiều cộng đoàn rất nhỏ, đang là những dòng sông nhỏ âm thầm chuyên chở Tin Mừng vào các tâm hồn, đặc biệt là các tâm hồn khó nghèo, đơn sơ.
Những dòng sông nhỏ này là những tình thương âm thầm của những người bé mọn. Họ thể hiện lời Ðức Thánh Cha Phaolô VI nói về Hội Thánh của Công đồng Vatican II: “Ðó là Hội Thánh yêu thương. Hội Thánh yêu thương với một trái tim mục tử, với một trái tim đại kết, với một trái tim mở ra về phía mọi người, kể cả về phía những ai bắt bớ Hội Thánh. Công đồng này, thay vì kết án chống lại ai, sẽ chỉ có những tình cảm nhân ái và bình an” (14/9/1965).
Trên đây là ba dấu ấn Công đồng Vatican II, mà tôi nhận thấy trong nếp sống đạo tại Việt Nam hôm nay. Nơi có nhiều, nơi có ít. Tất nhiên, Công đồng không phải chỉ có thế. Nhưng nơi nào, người nào có được như thế, kể cũng đã đáng được tôn vinh.
Sau 40 năm, Công đồng Vatican II vẫn còn mới. Chúng ta không dừng lại ở những cái mới đó. Chúng ta sẽ vừa tiếp tục triển khai những cái mới của Công đồng, vừa nắm bắt những vấn đề mới phát sinh từ sau Công đồng. Và đó là một nhiệm vụ cũng phải đặt ra cho hành trình đi về phía trước.
Năm nay, đúng ngày kỷ niệm 40 năm Công đồng Vatican II, đã xảy ra một sự kiện đáng kể cho Giáo Hội Việt Nam.
Ðó là ngày 11/10/2002 tại thủ đô Hà Nội, phái đoàn Toà Thánh đã có những gặp gỡ với Ban Tôn Giáo của Nhà Nước Việt Nam, để thông báo về dự kiến bổ nhiệm một số nhân sự cho Giáo Hội Việt Nam.
Sự kiện này gợi ý cho tôi nghĩ tới trách nhiệm tế nhị về liên đới và cộng tác với Toà Thánh mà tinh thần Công đồng Vatican II muốn Hội Thánh địa phương nói chung và từng giáo phận có liên hệ nói riêng phải quan tâm. Cộng tác nhất là trong việc giúp thăm dò tâm lý, tham khảo ý kiến và đề cử ứng viên thích hợp sẽ lãnh nhận trọng trách đứng đầu cộng đoàn dân Chúa, để việc xây dựng hiệp nhất và loan báo Tin Mừng được hữu hiệu. Bởi vì, theo tinh thần Công đồng Vatican II, dấu ấn của Giáo Hội địa phương cũng rất quan trọng. Ðịa phương chịu phần lớn trách nhiệm về sự tồn vong và hưng thịnh của mình.
Tới đây, tôi ái ngại nhớ tới lời Chúa trong Thánh vịnh, mà Phụng vụ giờ kinh đọc lên hàng ngày: “Suốt 40 năm, dòng giống này làm Ta chán ngán. Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta” (Tv 94,10-11). Với lời trên đây, Chúa muốn đánh thức lương tâm chúng ta. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Công đồng Vatican II, chúng ta nên khiêm tốn xét mình và chân thành sám hối vì những trì trệ và sai lạc, nếu có, đối với Công đồng Vatican II.

Ðức Cha GB. Bùi Tuần
Nhân kỷ niệm 40 năm Công đồng Vatican II
(11/10/1962-11/10/2002)

 

Vài Nét Về Công Ðồng Vaticanô II
Nhân Kỷ Niệm 40 Năm
Ngày Khai Mạc Công Ðồng
(11/10/1962-11/10/2002)

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Công đồng Va-ti-can II khai mạc đúng ngày hôm nay, 11.10.2002, cách đây 40 năm về trước. Trong 40 năm đó, đã có biết bao chuyển biến giữa lòng Hội Thánh, cũng như biết bao thay đổi trong tương quan giữa Hội Thánh và thế giới.
Chúng ta cùng ôn lại những nét lớn của một Công đồng đã và sẽ còn mãi ghi đậm dấu ấn trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn của các Ki-tô hữu.
Lý Do Triệu Tập
Có thể xếp các lý do vào 2 loại: xa và gần. Tâm điểm để đo cự ly ở đây chính là Hội Thánh, vừa hiểu như một cơ chế hữu hình, có phẩm trật, có chiều kích xã hội, vừa là một cộng đoàn tín hữu hiệp thông trong đức ái với Chúa Ki-tô là Thủ Lãnh, và hiệp thông với nhau như những chi thể liên kết với �ầu, có những giá trị tâm linh, vượt khỏi tiêu chí lượng định tự nhiên.
Lý do xa
Một là, từ ngày Công đồng Va-ti-can I kết thúc vào năm 1870 đến đầu thập niên 1960, đã có quá nhiều thay đổi trong tương quan chính trị, kinh tế và xã hội quốc tế. Nhân loại đã qua 2 cuộc thế chiến, bản đồ thế giới được vẽ lại cho nhiều quốc gia xuất hiện hoặc biến mất. Thế giới không chỉ được quan niệm như xưa theo địa dư gồm 5 châu 4 biển, mà nay còn bị phân cực bắc-nam, kỹ nghệ-nông nghiệp, tư bản-cộng sản, một thế giới đa dạng, đa nguyên về chính trị, kinh tế.
Hai là, mối tương quan giữa Hội Thánh và xã hội cũng không còn giản đơn như trước. Châu Âu từ lâu là một lục địa tiêu biểu cho văn minh phương Tây dưới ảnh hưởng sâu đậm của Ki-tô giáo, giờ đã trở thành một cộng đồng đa dạng, đa nguyên, kết quả của những giao tiếp kinh tế, chiến tranh, và chính trị. Từ các thuộc địa, tài nguyên thiên nhiên, của cải vật chất, vốn liếng con người, và cả những kho tàng văn hóa, triết lý, tôn giáo bản địa được đem về: một xã hội đa dạng, đa nguyên về văn hóa, và tôn giáo.
Ba là, ngoài ra, quan niệm tách rời nhà nước khỏi nhà thờ càng lúc càng có chiều hướng biến thành thái độ đối kháng, nếu không muốn nói là thù nghịch, một hố sâu không dễ gì lấp đầy. Người ta có thể cho là vì xã hội đã văn minh, tiến bộ hơn về khoa học, kỹ thuật, trình độ tư duy đã chững chạc, độc lập hơn, nên không còn chấp nhận bị chèn ép, kềm hãm dưới ảnh hưởng của thần quyền. Thậm chí, người ta còn tìm thấy nguyên nhân chính của phản ứng dữ dội đó là từ thái độ bảo thủ, lạc hậu, đồng thời đầy tính cách cha chú và độc đoán của Hội Thánh trong suốt nhiều thế kỷ.
Xét cho cùng, tất cả những lý do xa đó không phải là hoàn toàn không có tác động thúc đẩy Hội Thánh tự kiểm điểm, nhận ra sự thật, để chấn chỉnh, cải tổ và canh tân. Bởi vì nhiệm vụ của Hội Thánh, do Chúa Ki-tô ủy thác, vẫn luôn là một dấu chỉ, là bí tích của Tin Mừng Cứu Ðộ cho thế giới. Bởi vì “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhứt là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng các tín hữu.” Nhưng chính ơn gọi nên thánh, qua tiến trình không ngừng hoán cải và nhiệm vụ thánh hóa, qua việc cử hành các mầu nhiệm Chúa Ki-tô của Hội Thánh, là lý do gần, lý do chính, lý do cấp bách, khiến Hội Thánh phải có một cuộc duyệt xét, cải tổ và canh tân toàn bộ, toàn diện.
Lý do gần
Lý do thứ nhứt là để hoàn tất công trình còn dở dang của Công đồng Va-ti-can I. Công đồng Va-ti-can I phải kết thúc giữa chừng ngày 20 tháng 10 năm 1870, do giáo phận Rô-ma bị sát nhập vào vương quốc Ý. Nhiều đề tài quan trọng của công đồng (như vấn đề truyền giáo, nhiệm vụ các giám mục) chưa kịp bàn thảo, phải tạm xếp lại. Có vấn đề không nằm trong chương trình nghị sự ban đầu (như vấn đề ơn bất khả ngộ), lại được giải quyết trước.
Lý do thứ hai là để cổ võ sự hiệp nhứt trong Hội Thánh. Vào thời điểm trước ngày Ðức Thánh Cha Gio-an 23 triệu tập Công đồng Va-ti-can II, tình trạng rạn nứt trong các miền đất cứ sở lâu đời của Ki-tô giáo trở nên trầm trọng, trong lúc xét về số lượng và tầm ảnh hưởng, Hội Thánh đang càng ngày càng bị giảm thiểu thành một đàn chiên nhỏ bé.
Lý do thứ ba là để củng cố lại đời sống tâm linh của Hội Thánh. Sau Công đồng Va-ti-can I, Hội Thánh hình như trở nên cứng rắn trong nề nếp kỷ luật, khuôn phép, nhưng thiếu hẳn sức sống tươi trẻ, sinh động của Tin Mừng. Giáo Hội cần tìm trở lại nguồn mạch Lời Chúa, cần đổi mới toàn diện theo ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Lý do thứ tư là để mở rộng hoạt động truyền giáo. Lý do hiện hữu của Giáo Hội, như ý muốn của Chúa Ki-tô, chính là để truyền giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. “Vô phúc cho tôi nếu tôi không truyền giảng Tin Mừng của Chúa!” Lời của Thánh Phao-lồ cũng chính là tâm niệm của Hội Thánh. Với những chuyển biến của tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên thế giới vào thời điểm bấy giờ, công cuộc phúc âm hóa các dân tộc trở nên một đòi hỏi rất gay gắt, đồng thời là thách đố lớn lao chưa từng thấy.
Ai Triệu Tập
Vị giáo hoàng có công suy tư, cầu nguyện, tham khảo ý kiến các thành phần trong Hội Thánh, chuẩn bị, và quyết định triệu tập Công đồng Va-ti-can II, chính là Ðức Thánh Cha Gio-an 23.
Khi được bầu làm giáo hoàng vào ngày 20.10.1958, Ðức Thánh Cha Gio-an 23 đã 76 tuổi, cái tuổi cổ lai hy, lại là một người hiền lành, ít nổi danh so với nhiều vị hồng y, giám mục khác. Trong khi đó, vị tiền nhiệm của người là Ðức Thánh Cha Pi-ô 12 đã rất lừng lẫy danh tiếng trong và ngoài Hội Thánh. Bởi đó, ai cũng xem Ðức Gio-an 23 như một nhân vật giao thời, đóng vai trò chuyển tiếp, để chờ đợi một vị giáo hoàng kế tiếp có khả năng tạo nên vĩ nghiệp cho Hội Thánh.
Quả thật, Ðức Gio-an 23 đã đóng vai trò trung chuyển hết sức hoàn chỉnh, vượt ngoài sức tưởng tượng của con người. Với quyết định triệu tập Công Ðồng Va-ti-can II, bằng tông hiến “Humanae Salutis” Ơn Cứu Ðộ Loài Người, ban hành ngày 25.12.1961, gây sửng sốt cho cả Hội Thánh và thế giới, người đúng là nhịp cầu (từ La ngữ gọi đức giáo hoàng là pontifex, có nghĩa là người thợ bắc cầu), đưa Hội Thánh và thế giới nhích lại gần nhau.
Quá Trình Chuẩn Bị
Trong thời gian chuẩn bị từ 17.05.1959 đến 11.10.1962, Ðức thánh cha Gio-an 23 đã cử Ðức Hồng Y Tardini làm chủ tịch Ủy ban trù bị, thu nhận ý kiến, đề nghị của các tham dự viên trong Công đồng sẽ nhóm họp. Tổng kết có 2,190 tờ phúc đáp, gồm 8,972 ý kiến, đề nghị, được đóng lại thành 8 quyển sách. Cần lưu ý là thời Công đồng Va-ti-can I, chỉ có 35 vị giám mục được tham khảo ý kiến.
Ðể nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến và đề nghị trên, vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 05.06.1960, Ðức thánh cha ra tự sắc “Superno Dei Nutu” Lịnh Truyền Tối Thượng Của Thiên Chúa, thành lập 12 Ủy ban và 3 Văn phòng, tương ứng với các phòng, bộ của Tòa Thánh.
Ngày 07.12.1959, Ðức thánh cha chính thức đặt tên cho Công đồng sẽ nhóm họp là Va-ti-can II. Danh xưng này cho thấy ý hướng của Hội Thánh muốn thực hiện hoàn hảo công trình của Công đồng Va-ti-can I.
Ngày 14.11.1960, Ðức thánh cha đọc diễn văn khai mạc giai đoạn chuẩn bị trước sự hiện diện của 33 vị hồng y, và hàng trăm vị giám mục. Ðức thánh cha nhấn mạnh: “Mục đích của Công đồng là đem lại giá trị chân thật cho tư tưởng con người, cũng như cho đời sống nhân loại và đời sống Ki-tô giáo, trong tinh thần trở về nguồn và vâng phục Chúa Thánh Linh.”
Trong khi đó, các ủy ban trù bị của Công đồng đã chuẩn bị sẵn sàng các lược đồ, hoặc dự án, hoặc đề cương, xác định những vấn đề sẽ được thảo luận trong Công đồng, đệ trình lên Ðức thánh cha xin phê chuẩn. Kết quả có 70 đề cương, gồm 2,060 trang tài liệu, được chấp thuận đưa vào chương trình nghị sự của các vị tham dự Công đồng.
Diễn Tiến Công Ðồng
Công đồng Va-ti-can khai mạc ngày 11.10.1962, tại vương cung thánh đường Thánh Phê-rô, theo quyết định của Ðức thánh cha Gio-an 23 trong tự sắc “Concilium” Công Ðồng, ban hành ngày 02.02.1962.
Trong tổng số 2,904 vị đại biểu được mời đến dự công đồng, thông thường số hiện diện cao nhứt là 2,449 vị, và thấp nhứt là 2,086 vị.
Ðức thánh cha Gio-an 23 nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc 5 tôn chỉ của Công đồng Va-ti-can II:
1. Cởi mở với thế giới
2. Thương xót hơn là lên án
3. Từ tâm hơn là khắt khe
4. Nhìn nhận thế giới có sự nhạy cảm đối với chân lý
5. Truyền giảng một Tin Mừng hy vọng hơn là công bố những tai họa
Kỳ họp thứ 1 kéo dài đến ngày 08.12.1962.
Ngày 03.06.1963, Ðức Gio-an 23 được Chúa gọi về trời. Ðức Thánh Cha Phao-lồ VI lên kế vị ngày 21.06 cùng năm, và tiếp tục lãnh đạo công việc của vị tiền nhiệm.
Từ ngày 29.09 đến 04.12.1963 là kỳ họp thứ 2 của Công đồng.
Từ ngày 14.09 đến 21.11.1964, Công đồng nhóm phiên họp thứ 3.
Ngày 14.09.1964, Công đồng bắt đầu phiên họp thứ 4, cũng là phiên cuối cùng, và kết thúc vào ngày 08.12 cùng năm ấy.
Thành Quả Công Ðồng
Ðã có rất nhiều sách vở viết về Công đồng Va-ti-can II, khen có, chỉ trích cũng có. Thậm chí, người ta còn quy trách cho Công đồng tất cả mọi nhiễu nhương, mọi tai ương xảy ra trong Hội Thánh, kể từ khi các nghị quyết của Công đồng đi vào cuộc sống. Nhưng có điều chắc chắn là không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng lớn lao của tinh thần canh tân – hòa giải do Công Ðồng Va-ti-can II thổi vào Hội Thánh, đem lại một sức sống mới, giúp Dân Chúa sẵn sàng bước vào thiên niên kỷ thứ 3.
Ðã qua 40 năm rồi, từ ngày Công đồng khai mạc, và gần 37 năm Công đồng bế mạc. Nhưng có lẽ, cần phải có thêm thời gian nữa để thăm dò cho thấu đáo chiều kích tâm linh sâu thẳm của Công đồng Va-ti-can II, nhứt là để sống cho hết, cho trọn tinh thần của Công đồng.
Lời nhận định sau đây của Ðức thánh cha Gio-an Phao-lồ II phải chăng cách nào đó đã đem lại công lý cho Công đồng Va-ti-can II, khi vị thủ lãnh của Hội Thánh gọi Công đồng là “một biến cố do Chúa quan phòng”:
“Công đồng Va-ti-can II là một biến cố do Chúa quan phòng, qua đó Hội Thánh khởi sự chuẩn bị khẩn trương cho dịp Ðại Toàn Xá của thiên niên kỷ thứ hai. Tuy cũng tương tự như các Công đồng trước đây, nhưng Công đồng này lại hết sức khác biệt. Ðây là một Công đồng có tiêu điểm là Chúa Ki-tô và Hội Thánh của Người, và đồng thời hướng tấm lòng ra với thế giới. Tâm tình cởi mở này là một đáp ứng theo Tin Mừng trước những thay đổi gần cận trong thế giới, bao gồm cả những cảm nghiệm gây hoang mang một cách sâu xa xảy ra trong thế kỷ 20, một thế kỷ mang đầy thương tích của 2 trận thế chiến, của các trại tập trung, và của những cuộc thảm sát ghê rợn. Tất cả những biến cố đó chứng tỏ hết sức mạnh mẽ rằng thế giới cần được thanh tẩy, thế giới cần phải hoán cải.
Công đồng Va-ti-can II thường được coi như khởi điểm của một thời kỳ mới trong đời sống Hội Thánh. Ðiều này quả đúng như vậy. Tuy nhiên, cũng khó mà coi nhẹ sự kiện là Công đồng đã rút tỉa được rất nhiều điều từ những kinh nghiệm và suy tư của thời đại vừa mới đi qua trước đó, đặc biệt là từ di sản trí thức do Ðức Pi-ô 12 để lại. Trong lịch sử Hội Thánh, cái “cũ” và cái “mới” luôn quấn quyện chặt chẽ với nhau. Cái “mới” trưởng thành nhờ cái “cũ”, và cái “cũ” đạt tới tầm vóc hoàn mỹ nơi cái “mới”. Ðó chính là điều ứng dụng cho Công đồng Va-ti-can II và cho hoạt động của các vị giáo hoàng có quan hệ với Công đồng này, bắt đầu với Ðức Gio-an 23, tiếp tục với Ðức Phao-lồ VI và Ðức Gio-an Phao-lồ I, cho tới vị giáo hoàng đương nhiệm.
Những gì các vị giáo hoàng này đã thực hiện trong, cũng như sau thời gian diễn ra Công đồng, khi thực thi Huấn quyền, cũng như lúc hoạt động mục vụ, chắc chắn đã góp phần rất ý nghĩa cho việc chuẩn bị một mùa xuân mới của đời sống Ki-tô giáo, sẽ được tỏ hiện qua dịp cử hành Ðại Toàn Xá, nếu mọi Ki-tô hữu biết vâng phục tác động của Chúa Thánh Thần.
Trong khi không hề hạn chế tính cách nghiêm khắc của Thánh Gio-an Tẩy giả trong lời giảng thống hối và hoán cải trên bờ sông Giô-đan, Công đồng quả đã bộc lộ một điều gì đó của vị Ngôn sứ cựu trào, thẳng thắn chỉ rõ cho người thời nay thấy rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian, là Ðấng Cứu Chuộc loài người, và là Chúa của lịch sử. Trong thời gian nhóm họp Công đồng, chính do khát vọng được sống thủy chung trọn vẹn với Ðức Chúa của mình, Hội Thánh đã tự chất vấn về căn tính, và tái khám phá chiều sâu huyền nhiệm của chính mình, trong tư cách là Nhiệm Thể và Tân Nương của Chúa Ki-tô. Khiêm cung lắng nghe Lời Chúa, Hội Thánh tái xác quyết về ơn gọi nên thánh dành cho tất cả mọi thành phần Dân Chúa. Hội Thánh đưa ra những tiên liệu cho một cuộc cải tổ phụng vụ, cội nguồn và thượng đỉnh của đời sống Ki-tô giáo; thúc đẩy việc canh tân nhiều lãnh vực trong đời sống Dân Chúa, ở mức độ toàn cầu cũng như địa phương; nỗ lực cổ võ các ơn gọi Ki-tô hữu khác nhau, từ giáo dân cho đến tu sĩ, từ tác vụ phó tế cho đến linh mục và giám mục; và đặc biệt, tái khám phá tính cộng đoàn của các giám mục, diễn ngữ đặc sắc để chỉ việc phục vụ đàn chiên do các giám mục thực hiện, trong mối hiệp thông với người kế vị Thánh Phê-rô. Dựa vào nền tảng sâu xa của công cuộc canh tân này, Công đồng mở rộng cõi lòng ra với các Ki-tô hữu thuộc những danh xưng khác, với tín đồ của các tôn giáo khác, và với tất cả mọi người thuộc thời đại chúng ta. Chưa từng có một Công đồng nào đề cập rõ ràng như vậy về vấn đề hiệp nhứt Ki-tô giáo, về đối thoại với các tôn giáo không phải là Ki-tô giáo, về ý nghĩa đặc biệt của Cựu Ước và dân tộc Ít-ra-en, về phẩm giá lương tâm của mỗi con người, về nguyên lý tự do tôn giáo, về những truyền thống văn hóa dị biệt, trong đó Hội Thánh đang thừa hành sứ mạng truyền giáo, và về những phương tiện truyền thông xã hội.
Toàn bộ giáo huấn vô cùng phong phú của Công đồng và âm điệu thôi thúc trong cách trình bày nội dung đạo lý ấy tạo thành một lời công bố về những thời điểm mới. Các vị nghị phụ đã ngỏ lời bằng ngôn từ của Tin Mừng, ngôn từ của Bài giảng trên Núi và Tám Mối Phúc. Sứ điệp Công đồng giới thiệu Thiên Chúa trong uy quyền tuyệt đối của một vì vương chủ thống trị vạn sự, song cùng lúc cũng cho thấy Người là Ðấng bảo đảm cho các thực tại trần thế được hưởng quyền tự chủ thật sự.
Bởi vậy, cách chuẩn bị tốt đẹp nhứt để chào mừng thiên niên kỷ mới không gì hơn là việc lặp lại cam kết quyết tâm áp dụng trung thành hết sức giáo huấn của Công đồng Va-ti-can II vào đời sống mỗi cá nhân và toàn thể Hội Thánh. Chính ra, với Công đồng Va-ti-can II, nói theo nghĩa rộng nhứt của từ ngữ, thì công cuộc chuẩn bị trực tiếp mừng năm Ðại Toàn xá 2000 đã được bắt đầu rồi. Nếu như chúng ta so sánh với việc cử hành phụng vụ, thì có thể nói việc cử hành Mùa Vọng mỗi năm rất gần gũi với tinh thần của Công đồng. Vì lẽ, Mùa Vọng chuẩn bị tâm hồn chúng ta gặp gỡ Ðấng đã có, hiện có, và sẽ đến.”
Ðôi Ðiều Cảm Nghĩ
Ðúng như nhận xét của Ðức thánh cha Gio-an Phao-lồ II: “Công đồng Va-ti-can II đã mở ra một thời kỳ mới trong đời sống Hội Thánh.”
Ðây là thời đại của tự do dành cho con cái Thiên Chúa, của việc phụng tự trong Thần Khí và Chân Lý, của tình yêu đoàn kết và hiệp nhứt giữa những anh chị em cùng tin Chúa Ki-tô là Ðấng Cứu Thế, của một nhiệt tâm tông đồ, dấn thân vào công cuộc truyền giảng Tin Mừng mới mẻ cho thế giới.
Những thế hệ Ki-tô hữu sinh trưởng trong thời kỳ hậu Công đồng Va-ti-can II, dầu có cảm nhận ra điều này hay không, vẫn đang thực sự thụ hưởng hoa trái phong phú và tốt lành phát sinh từ một trong những Công đồng vĩ đại nhứt của lịch sử Hội Thánh.

Radio Veritas Asia, ngày 10.10.2002
Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

 

Kỷ niệm 40 năm
kết thúc Công đồng Vatican đệ nhị
08.12.1965 – 08.12.2005

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Ðức Mẹ Maria, hình ảnh nguyên thủy của Giáo Hội Công Giáo và gương mẫu niềm tin.
Kỷ niệm 40 năm kết thúc Công đồng Vatican đệ nhị, 08.12.1965 – 08.12.2005.
Ngày 08.12.1965, Ðức cố thánh cha Phaolô đệ lục đã long trọng cử hành thánh lễ mừng kính Ðức Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội ở quảng trường Thánh Pherô. Và dịp này đã long trọng tuyên bố kết thúc Công đồng Vatican đệ nhị, kéo dài từ 11.10.1962 đến 08.12.1965:
“In nomine Domini Jesu Christi ite in pace! “
“Nhân danh Chúa Giêsu Kitô chúng ta lên đường bằng an!”.
Biến cố lịch sử này cùng với những hiến chế, nghị quyết đổi mới trong Giáo hội Công giáo của thánh công đồng là kim chỉ nam không chỉ cho đời sống cơ cấu Giáo hội, mà còn ghi khắc sâu đậm nơi tâm hồn người tín hữu Công giáo.
Một làn gió mới của đức Chúa Thánh Thần thổi vào trong đời sống Giáo hội toàn cầu, cùng lòng đạo đức cung kính Ðức Mẹ Maria được củng cố phát triển sâu rộng.
Thánh Công đồng trong hiến chế về Giáo Hội số 62 đã nói về vai trò chỗ đứng của Ðức Mẹ Maria nằm ngay trong mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội, chứ không đứng ngoài bên lề biến cố cứu chuộc. Thánh Công đồng viết:
“Ðức trinh nữ Maria trong lòng Giáo hội là người bầu cử, người trợ giúp, người bênh vực che chở và trung gian. Ðiều này được hiểu rằng, tước hiệu phẩm giá và vai trò hiệu năng của Chúa Giêsu không vì thế bị suy giảm, bị thêm vào… Ðó là vai trò thứ yếu của Ðức Mẹ Maria, mà Giáo hội không ngần ngại tuyên xưng. Giáo hội hằng cảm nghiệm rõ điều đó và hằng ôm ấp trong tâm hồn niềm tin, Ðức mẹ Maria giữ vai trò là người mẹ gìn giữ che chở hằng cùng liên kết với Chúa Giêsu, Ðấng là người trung gian và cứu chuộc con người” (Giáo Hội trong thế giới ngày nay số 62).
Thánh Công đồng Vaticano đệ nhị kết thúc vào ngày lễ đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội mang ý nghĩa sâu thẳm cùng muốn nói lên:
Ðức Mẹ Maria là hình ảnh nguyên thủy của Giáo hội và là gương mẫu cho đời sống niềm tin vào Chúa.
Trong Kinh thánh Ðức Mẹ Maria không hề nói về mình. Phúc âm ghi lại: Maria gìn giữ Lời Chúa trong tâm hồn mình.
Ðức Mẹ Maria như thế là gương mẫu niềm tin vào Chúa cho người tín hữu Chúa Kitô. Là gương mẫu niềm tin, chứ không là phao cứu độ sau cùng.
Ở những nơi hành hương kính Ðức Mẹ Maria như bên Međjugore, bên Fatima, bên Lộ-đức… có những người tín hữu không chỉ chăm chú đọc kinh lần hạt hay ca hát, đốt nến mừng kính Ðức Mẹ Maria, mà họ còn qùy gối trên nền gạch đá lết đi từ đàng xa đến gần tòa tượng Ðức Mẹ Maria.
Hình ảnh này nói lên tấm lòng tin tưởng thành kính sâu xa của họ đặt hết niềm cậy trông phó thác vào Thiên Chúa qua lời bầu cử của Ðức Mẹ, là Mẹ Thiên Chúa và mẹ của con người nơi trần thế.
Hình ảnh này cũng nói lên họ đang là người lữ hành trên đường niềm tin đến với Chúa, qua gương mẫu niềm tin và nhờ sự phù hộ che chở của Ðức Mẹ Maria.
Hình ảnh này muốn nói lên tâm tình cầu nguyện hướng về cùng Chúa của họ. Nhưng không biết phải cầu nguyện thế nào cho đúng, cho phải. Nên họ đọc kinh lần hạt, ca hát mừng kính, thắp sáng cây nến, xin Ðức Mẹ chuyển lời cầu xin than thở của họ tới Thiên Chúa.
Hình ảnh này là hình ảnh thường ngày trong cuộc sống gia đình: người con, nhất là nơi em bé bạn trẻ, thường chạy đến với mẹ mình. Tâm tình nói cùng mẹ những điều mong muốn cùng những thầm kín riêng tư đời mình. Vì tin rằng mẹ là người bênh vực che chở mang đến niềm ủi an, sự âu yếm đùm bọc cho mình.
Trong đời sống đạo giáo niềm tin cũng không khác gì. Chúng ta ai cũng cần trạm bến bờ bình an, giúp đỡ che chở cho tâm hồn đời sống hôm nay và ngày mai.

Lm. Nguyễn Ngọc Long

Công Ðồng Vaticanô II
Một Hành Ðộng Của Lòng Tin

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Công Ðồng : một biến cố
Công Ðồng Va-ti-ca-nô II đã bế mạc được bốn mươi năm (1965-2005) Những biến động sâu xa Công Ðồng gây ra trên mọi địa hạt vẫn còn vang âm trong Hội thánh. Dù muốn dù không, ai cũng phải công nhận Công Ðồng là một biến cố đặc biệt trong sinh hoat của Hội thánh, là dấu chỉ chứng tỏ bàn tay can thiệp của Chúa Thánh Thần, và là hành động không thể chối cãi của lòng tin.
Thật vậy, khi nghe Ðức Giáo hoàng Gio-an XXIII loan báo Công Ðồng sẽ được nhóm họp, rất ít người tin rằng điều ấy có thể xẩy ra. Nhưng với lòng tin không lay chuyển, Ðức Gio-an XXIII đã làm được điều đó.
Hoạt động của Chúa Thánh Thần
Sự hiện diện cũng như sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong Hội thánh là điều chắc chắn, vì chính Chúa Giêsu, trước khi về Trời đã hứa với các môn đệ: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. (Ga. 16,13). Sự ra đi của Người là điều tất yếu để các môn đệ và Hội thánh, đạt tới mức trưởng thành, một khi đức tin được tinh luyện, qua mọi gian lao thử thách và những cám dỗ của sự đời.
Cũng như những đoàn thể xã hội khác, Hội thánh sống trong trần gian đã trải qua những giai đoạn hình thành, tăng triển, ngưng đọng rồi tiến hóa theo một diễn biến được qui định bởi những luật tất nhiên của xã hội như lên, xuống, mạnh, yếu, hay, dở v.v… Nhưng có điều khác là qua mọi biến thiên đó, Hội thánh có thể bị suy giảm hay được tăng tiến, mà không bao giờ bị triệt tiêu, như Lịch sử đã chứng minh và chứng kiến bao sự tan vỡ và sụp đỗ của những quốc gia uy hùng, hay những nền văn minh rực rỡ, đi từ những đế quốc cường thịnh tới những nền học thuật tinh vi như đế quốc Ba tư, La mã hay văn minh Ai cập, Hy la v.v… Hội thánh đã đứng vững và còn trường tồn cho tới ngày nay, tuy trải qua nhiều cơn sóng gió do thời cuộc đảo điên gây nên như những cơn bách hại, hay do những biến động nội tại như sự bất đồng ý kiến về các tín điều hay sự bất tòng quyền Tòa Thánh của những nhà cải cách tôn giáo muốn ly khai với Hội thánh Rô-ma.
Một sự kiện ý nghĩa
Ðó phải chăng là một sự kiện lịch sử chứa đầy ý nghĩa và một hiện tượng sáng ngời chứng tỏ tính cách tại thế và siêu thế của Hội thánh. Vì tại thế, Hội thánh đã không tránh được những khủng hoảng, tranh chấp và chịu luật đào thải tự nhiên của thời gian (mòn mỏi, chán nản, đổi thay). Vì siêu thế, Hội thánh đã kịp thời đương đầu nổi với mọi thử thách và tàn phá, bất kỳ bởi đâu tới, để xuất hiện như một cộng đồng rộng lớn, luôn luôn biết thích nghi và đổi mới tùy theo giai đoạn lịch sử và nhu cầu thời đại. Sức trường tồn của Hội thánh quả là một điều đáng ngạc nhiên. Sức trường tồn đó là do Chúa Thánh Thần tiếp vận, vì Người là nguồn sống bất tận của Hội thánh, như Chúa Giê-su nói: “Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.”. (Ga. 16,13) Hội thánh có thể làm cho mình tươi trẻ lại nhờ các Công Ðồng. Vậy Công Ðồng Va-ti-ca-nô II là một hành động của đức tin theo nghĩa nào?
Thiên Chúa Ba Ngôi : nguyên lý làm cho Hội thánh tươi trẻ lại
Trong hiến chế Lumen Gentium, chương 1 có bàn về mầu nhiệm Hội thánh. Mầu nhiệm này bắt nguồn từ đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngay từ đời đời, Thiên Chúa đã có ý định cho con người được tham dự vào đời sống thần linh của Người và do đấy được hưởng hạnh phúc không cùng: “Người đã định nâng con người lên, cho hiệp thông với đời sống thần linh của Người” (Lumen Gentium số 2).
Vì thế, mầu nhiệm về Hội thánh được tiềm ẩn nơi Thiên Chúa từ đời đời. Nơi Thiên Chúa, thời gian triển diễn không cùng, nên không chia thành quá khứ, tương lai mà chỉ có hiện tại: hiện tại đời đời. Hiện tại đời đời này ở nơi Thiên Chúa là một mùa xuân không cùng vì Thiên Chúa không bao giờ già nua, cằn cỗi. Chính sự trường xuân của Người Chúa là sức mạnh hồi xuân cho Giáo hội: “Thày sẽ cầu xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. (Ga. 14,16)
Lời hứa hiện diện này chính là bảo đảm trường tồn cho Hội thánh
Tuy nhiên, cũng như mọi đoàn thể, cơ cấu, tổ chức trước sau đều đi tới chỗ dần mòn hao hụt, cần được “sửa sai”, “xét lại” hay điều chỉnh. Hội thánh đã đi vào con đường đó, để tránh cảnh già nua, tàn tạ. Trong lịch sử Hội thánh, các Công Ðồng đã làm công việc hồi xuân này, cùng với sức hộ giúp của Chúa Thánh Thần, kể từ Công Ðồng Ni-xê, Công-tăng-ti-nốp tới Va-ti-ca-nô ngày nay. Mỗi Công Ðồng phản ánh một thời đại và đáp ứng một nhu cầu. Công Ðồng Tren-tô biểu lộ khuynh hướng tự vệ để “chống lại” phong trào Cải Giáo do Thệ phản khởi xướng và trả lời cho một thiếu sót: giáo sĩ không được huấn luyện đầy đủ, chặt chẽ.
Công Ðồng Va-ti-ca-nô II cũng không đi ngoài con đường chung của các Công Ðồng trước là phản ánh thời đại và đáp ứng nhu cầu. Thời đại ta là thời đại kỹ thuật cơ khí, giàu sang chen lẫn với nghèo khổ, mọi việc đều diễn ra theo tốc độ và óc đấu tranh. Con người ngày nay quá ham mới, chuộng lạ, thích tiến mau đi lẹ trong mọi địa hạt, nhưng cũng dễ bực bội bất mãn, hay chống lại trật tự cổ truyền, muốn vùng lên thoát khỏi mọi ràng buộc với luật lệ uy quyền. Thành ra tâm lý của người thời nay cũng đa đoan, phức tạp. Việc truyền giáo vấp phải nhiều trở ngại lớn lao. Nhiều người mất ý thức về tội lỗi, tự mãn và quá tin vào quyền lực của con người, hoài nghi sự hiện hữu của Thiên Chúa, phủ nhận siêu nhiên, tìm hưởng thụ cuộc đời một cách vô hạn định, bận tâm với những chuyện cụ thể trong đời thường, khiến cho Hội thánh phải đương đầu với một tình trạng khó khăn chán nản dường như tuyệt vọng, nếu xét theo quan điểm loài người. Nhưng vì tin vào sức hoạt động âm thầm, bền bỉ của Chúa Thánh Thần, Hội thánh đã không nản chí. Mà quả thực, nếu chỉ tin ở mình, chắc chắn nhiều lần Hội thánh đã phải thất vọng.
Vì thế, Hội thánh đã lấy Chúa Thánh Thần làm nguyên lý hồi xuân của mình, dựa vào ý định thành lập của Chúa Giê-su cùng với với lời hứa che chở của Người, qua sự hướng dẫn, đổi mới của các nhà lãnh đạo trong Giáo hội như Ðức Gio-an XXIII, Phao-lô VI, Gio-an Phao-lô II và các vị như thánh Biển Ðức, thánh Ða Minh, thánh Phan-xi-cô At-xi-di, thánh Ca-ta-ri-na thành Xi-ê-na, thánh I-nhã, thánh An-Phong, thánh Tê-rê-xa Hài Ðồng Giê-su v.v… và các thánh tử đạo, cũng như những sáng kiến cùng sưu tầm khảo cứu của các nhà thần học, chú giải kinh thánh, tu đức, phụng vụ từ trước tới nay và còn tiếp tục mãi.
Làn gió đổi mới của Công đồng Va-ti-ca-nô II
Khi triệu tập Công đồng, Ðức Cố Giáo Hoàng XXIII đã mong ước được nhìn thấy những kết quả bất ngờ của một mùa xuân mới trong Hội thánh. Lòng ước mong của ngài đã được đáp lại bằng những thành quả, đúc kết trong các hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn của Công Ðồng về rất nhiều vấn đề liên quan đến sinh hoạt của Hội thánh cùng mối tương giao với thế giới hiện đại mà tiêu biểu là hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium), Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium Spes), vấn đề tự do tôn giáo (Dignitatis humanae), Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium). Một tinh thần mới đã nổi lên soi sáng tâm trí các vị lãnh đạo cao cấp trong Hội thánh và ảnh hưởng đến cách thế cảm nghĩ của giáo dân cũng như giáo sĩ. Ðó là tinh thần cởi mở, thông cảm, đối thoại, đón nhận, hòa đồng. Hội thánh đã không ngại mở cửa nhìn ra thế giới và để cho thế giới nhìn vào. Những cuộc công du của Ðức Phaolô VI sang Jérusalem, Bombay, Nữu ước, Fatima và những quan sát viên ngoài công giáo được mời tham dự Công đồng và nhất là những chuyến công du của Ðức cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đi khắp thế giới phải chăng đã chứng tỏ khuynh hướng đi tới và đón nhận của Hội thánh? Tinh thần này đã giải thoát một số lớn người công giáo khỏi mặc cảm, sợ hãi và biến họ đang từ thế tự vệ chuyển sang thế chủ động, sáng kiến, dấn thân vào việc xây dựng xã hội trần gian, chọn đất đứng chung với những người khác trong xã hội, dù họ không phải là công giáo, để nhận cuộc một cách lương thiện. Không thể kể hết ra đây một cách cặn kẽ tất cả những nỗ lực áp dụng tinh thần của Công Ðồng diễn ra khắp nơi trên thế giới. Chỉ biết rằng một cơn chuyển mình vĩ đại đã lay động Hội thánh, dưới sức manh của Chúa Thánh Thần, tuy chưa đồng đều ở khắp nơi.
Trở về nguồn
Có người hốt hoảng khi chứng kiến cơn chuyển mình đó. Tất nhiên thế nào cũng có những người đi ra ngoài ý muốn của Công Ðồng, nhưng không phải vì thế mà ta có quyền hoài nghi công lao của các Nghị Phụ và giá trị của những bản văn Công Ðồng, bằng chứng là bộ mặt của Hội thánh đã đổi mới. Hội thánh đã trở về nguồn để tìm lại khởi hứng sâu xa ban đầu và nhờ đó trung thành với sứ mệnh của mình hơn. Thành ra, đổi mới ở đây không phải đoạn tuyệt với dĩ vãng mà chính là nối liền dĩ vãng đã được xây dựng trên truyền thống tốt đẹp của những thế kỷ đầu: “Công đồng đã suy ngẫm truyền thống và học thuyết của Giáo hội, để rút ra cái mới mà vẫn phù hợp với cái cũ” (Dignitatis humanae I).
Trở về nguồn, trung thành với truyền thống tốt đẹp của những thế kỷ đầu: đó là những ý tưởng chỉ đạo trong việc hồi xuân của Hội thánh.
Bởi vậy, trở về nguồn cũng là trở về với Tin Mừng, với các thánh Giáo Phụ. Tin Mừng đã điều khiển và chi phối đời sống của các tín hữu lúc ban đầu: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung” (Cv. 2,44). Các thánh Tông Ðồ là những vị đã sống trọn vẹn tinh thần Tin Mừng đó và truyền lại cho các tín hữu từ đời này qua đời khác, tạo thành một truyền thống. Các thánh Giáo Phụ là những vị được thừa hưởng trực tiếp di sản tinh thần của Chúa Kitô do các thánh Tông Ðồ và các thánh soạn sách Tin Mừng viết ra, rồi tiếp tục truyền lại cho con cháu đến mãi đời ta ngày nay. Tất cả đều đã góp phần để xây nên truyền thống cho Giáo hội.
Nước ở gần nguồn bao giờ cũng trong và mạnh hơn. Bởi vậy, càng gần Tin Mừng: nguồn mạch sự sống bởi Chúa Kitô ban ra, đời sống của Hội thánh càng mạnh và càng được bảo đảm về giá trị đích thực của những điều mình giảng dạy bấy nhiêu: “Ai cũng rõ, trong Kinh thánh, dù là Tân ước, Tin Mừng xứng đáng trổi vượt hơn cả vì đó là lời chứng tối hảo về cuộc đời và Giáo huấn của Ngôi lời nhập thể, Ðấng Cứu chuộc ta” (Dei Verbum số 18).
Thật không lạ gì khi thấy thời buổi này, Hội thánh nhiệt liệt cổ võ việc học hỏi và tôn sùng Lời Chúa (Dei Verbum số 25) cũng như khuyến khích việc nghiên cứu tư tưởng và hành động của các thánh Giáo phụ (tủ sách Sources chrétiennes), vì đó chính là con đường chắc chắn bảo đảm cho sự hồi xuân, nối liền dĩ vãng với hiện tại trong mối liên tục sống động. Sự tiếp nối hiện tại với dĩ vãng phong phú và thánh thiện của Hội thánh trong những thế kỷ đầu khiến cho Hội thánh một đàng vừa trung thành với tinh thần cổ truyền, đàng khác lại mạnh mẽ uyển chuyển trong các thích nghi, đổi mới về hình thức bên ngoài cho hợp với thời đại mình sống, để đáp ứng lại những nhu cầu thúc bách đang chờ đợi mình. Vì thế, trong Sắc lệnh Perfectae caritatis bàn về sự đổi mới và thích nghi đời sống tu trì với thế giới hiện tại, Công đồng đã khuyên các tu sĩ: “Sự đổi mới thích hợp cuộc đời tu trì đòi phải luôn luôn trở về nguồn mạch của mọi đời sống Kitô hữu và khởi hứng nguyên thủy của các dòng tu, đồng thời thích ứng cho hợp với những điều kiện sinh hoạt trong xã hội hiện thời” (Perfectae caritatis, 2).
Ðổi mới
Thực ra, Công Ðồng Va-ti-ca-nô II đã đổi mới Hội thánh. Nhưng, sự đổi mới đó không hệ tại việc bày ra những điều mới cho bằng nói lại những điều cũ một cách mới mẻ. Vấn đề cốt yếu là trình bày nội dung đức tin một cách trung thực, với một bộ áo ngôn ngữ “hợp thời trang”. Mối bận tâm này đã làm cho Hội thánh chú ý nhiều hơn đến cách cảm nghĩ của người hiện đại, và cố gắng tìm hiểu họ ngay chính trong những khát vọng, phấn khởi cùng băn khoăn xao xuyến của họ, với niềm cảm thông, gần gũi. Vì vậy, Công Ðồng đã thúc đẩy người công giáo phải hòa mình với người khác: “Muốn làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu, tín hữu phải lấy lòng thương yêu trọng kính kết hiệp với mọi người, coi mình là thành phần trong xã hội, tham dự vào đời sống văn hóa, xã hội, nhờ những cuộc trao đổi và hiệp thương với nhau” (Ad Gentes số 11).
Từ bốn mươi năm qua, Công đồng đã ảnh hưởng vào tâm trí nhiều người, tạo ra một mẫu người mới không quá khích, không bảo thủ nhưng sống theo tinh thần mới mẻ của Công Ðồng, biểu lộ qua lối nhìn và sống trung thành với những đòi hỏi của Ðức tin.
Giáo hội cần những mẫu người này để phổ biến sâu rộng làn gió hồi xuân do Công đồng Vatican II khơi động.
Nhưng, nếu “một con én không làm nên mùa xuân” thì một số người, dù thiết tha với tinh thần Công Ðồng đến mấy cũng không tạo nổi mùa xuân cho Giáo hội, đành rằng Công Ðồng đã khai xuân và Chúa Thánh Thần vẫn luôn luôn làm việc hồi xuân cho Giáo hội. Ta vẫn tin có Chúa Ba Ngôi hằng khai diễn mùa xuân cho Giáo hội mỗi khi cần thiết, nhưng nếu chỉ như vậy thì mùa xuân mới được khai diễn mà chưa có phần hưởng ứng. Quả thực, như thánh Âu-tinh nói: “Chúa đã dựng nên ta mà không cần có ta, nhưng để cứu chuộc ta, Người lại cần ta cộng tác và hưởng ứng”.
Kết luận
Vì thế, mọi người đều phải đón nhận và hít thở không khí hồi xuân mà Công đồng Va-ti-ca-nô II đã đem lại cho Hội thánh, bằng cách học tập, tìm hiểu những tài liệu Công Ðồng rồi đem ra áp dụng vào đời sống hằng ngày, ngõ hầu tạo nên những mẫu người tín hữu thích hợp cho thời đại chúng ta. Những điều đã nói, những việc đã làm ở Công Ðồng thiết tưởng chưa quan trọng và tối cần cho bằng những điều phải nói, những việc phải làm, sau thời Công đồng chấm dứt như chúng ta đang sống hiện nay.
Vì nhận thấy tầm quan trọng của thời hậu Công đồng, Ðức Phaolô VI đã ra nhiều chỉ thị, đọc nhiều diễn văn hô hào, thúc đẩy và khuyên cáo mọi người phải coi chừng, áp dụng nghiêm chỉnh giáo huấn của Công Ðồng. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, một Hội đồng Thượng đỉnh các Giám Mục đã được triệu tập tại Roma (29-9-1967) bàn về nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến đức tin. Ngoài ra, theo sáng kiến riêng của từng nước hay miền, các vị giám mục cũng họp thành Hội Ðồng Giám Mục để lo bàn về những vấn đề mục vụ đặt ra cho địa phương mình. Có thể nói Công Ðồng cũng là một hình thức xuất hiện của Chúa ở thời đại ta hay một lễ Hiện Xuống mới. Vì thế, nói được rằng đón nhận Công đồng cũng là đón nhận Chúa.
“Công Ðồng sẽ là một lễ Hiện xuống mới mong đợi từ lâu, làm cho Giáo hội giàu thêm những sinh lực thiêng liêng mới và chiếu giãi hơn nữa tình mẫu tử và ảnh hưởng lành mạnh của Hội thánh trên mọi địa hạt sinh sống của con người. Công Ðồng sẽ là một bước nhảy vọt của Nước Chúa Ki-tô trong trần gian, một lời tuyên dương mới mẻ, sâu xa mạnh mẽ về tin vui giải thoát, là sự minh xác quyền lợi tối cao của Thiên Chúa Vạn Năng, là tình huynh đệ nhân loại trong bác ái, là hòa bình trên dương thế đoan hứa cho những người được Chúa yêu thương” (A.A.S.LVb. 1963 trang 39-40).
Nhưng, đừng quên hồi xuân là trở về cái khí xuân tươi mát thuở ban đầu của Hội thánh, tìm trong chất rượu cũ men vị ngây ngất làm say sưa lòng người đi tìm chân lý. Do đấy, hồi xuân không phải là chạy theo thị hiếu nhất thời mau qua của thời đại như những thứ thời trang; cũng không phải bày ra những điều mới lạ hấp dẫn, kỳ quặc, lố bịch như những nhãn hiệu quảng cáo giật gân mà chính là đốt cháy lên ngọn lửa mến yêu sốt sắng, biết sáng kiến trong sự trung thành với Chúa Kitô là Sự thật muôn đời mới mẻ, là Lời hằng sống nói ra không cùng của Thiên Chúa và Ngọn suối hồi xuân vô tận của lòng người.
Ngoài ra, mọi người còn cần xác tín mạnh mẽ: muốn Giáo hội tiến bộ, ai nấy phải đồng tâm nhất trí với nhau và phải nghe “tiếng Chúa Thánh Thần phán bảo trong Hội thánh” (Ap. 2,7) hơn là nghe tiếng mình hay tiếng người trần gian. Ðó là tiếng của những ai được “ơn chắc chắn rao giảng Chân lý” (St. Irénée, Adv. Haer. IV, 26; P.G. VII, 1058).

LM. Ðỗ Xuân Quế

 

Tổng Kết Thành Quả của
Hiến Chế Mục Vụ Vui Mừng và Hy Vọng
của Công Ðồng Vaticanô II

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

Hội Nghị tại Vatican để Tổng Kết Thành Quả của Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” của Công Ðồng Vaticanô II.
Tin Vatican (VIS 16/03/2005) – Chiều Thứ Tư, ngày 16 tháng 3 năm 2005, Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, đã khai mạc Hội Nghị kéo dài Ba Ngày, tại Phòng Họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục, bên trong nội Thành Vatican, theo chủ đề: “Lời mời gọi thực hiện sự Công Bằng: Phần Gia Tài của Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng” 40 năm sau khi được công bố.”
Năm Thuyết Trình Viên trình bày về năm khía cạnh khác nhau của hiến chế mục vụ “Vui Mừng và Hy Vọng”.
Ðức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng Giám Mục Sao Paolo, Brazile, thuyết trình về những nền tảng thần học và giáo hội học của hiến chế; Giáo Sư Andrêa Riccardi, sáng lập viên Cộng Ðoàn Thánh Egidio, trình bày khía cạnh lịch sử của Hiến Chế; Ông Rubens Ricupero, cựu Tổng Giám Ðốc của Chương Trình Liên Hiệp Quốc về Thương Mại và Phát Triển, thuyết trình về đề tài: “Lời kêu gọi thực hiện sự công bằng trong lãnh vực trật tự chính trị”; Ông Guy Pognon, người Bênin, Phi Châu, nói về đề tài: “Lời Kêu Gọi thực hiện công bằng trong lãnh vực Kinh Tế”; Giáo Sư Helen Alvare, thuộc đại học công giáo Hoa Kỳ, nói về vai trò của gia đình trong trật tự xã hội”.
Ba ngày Hội Nghị được tổ chức thành Phiên Họp Khoáng Ðại và Thảo Luận Theo Từng Nhóm. Các tham dự viên nhắm đến việc khảo sát mục tiêu của giáo huấn xã hội của Công Ðồng Vatican II qua những suy tư về những nền tảng triết học và thần học của truyền thống dấn thân xã hội của Giáo Hội Công Giáo, cũng như nhờ qua suy tư về sứ mạng của Giáo Hội trong lãnh vực xã hội. Vấn đề cần được trả lời là Giáo Hội đã đáp trả như thế nào trước những dấu chỉ của thời đại và những vấn nạn to lớn thuộc lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, như hiện tượng toàn cầu hóa, sự nghèo cùng, nền hòa bình thế giới, hiện tượng di dân, nạn khủng bố, tinh thần tiêu thụ.

(Ðặng Thế Dũng)

 

Mạc Khải Kitô Giáo
và Các Tôn Giáo Khác
Theo Ánh Sáng Công Ðồng Vaticanô II
Linh Mục A. H. Kishi Hidesshi
Hiệu trưởng Ðại Học Công Giáo Eishi tại Osaka, Nhật Bản

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

(Cha A. H. Kishi Hidesshi là Hiệu trưởng Ðại Học Công Giáo Eishi tại Osaka, Nhật Bản. Ngài đã theo học tại Montréal, Canada, và đậu tiến sĩ với luận đề “Spiritual consciousness in zen from Thomistic Theological Point of view”).
Mạc Khải Kitô Giáo và Các Tôn Giáo Khác Theo Ánh Sáng Công Ðồng Vaticanô II.
Công Ðồng Vaticanô II, khi cứu xét (một cách tỉ mỉ hơn) thái độ của Giáo Hội đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, đã đưa ra bản Tuyên Ngôn “Nostra Actate”. Nguyên tắc căn bản thể hiện qua bản Tuyên Ngôn này là: đối với nhân loại, Thiên Chúa là nguồn gốc độc nhất và đồng thời cũng là cứu cánh sau cùng. Bởi đó, tất cả mọi người, Kitô hữu cũng như không Kitô hữu, đều lệ thuộc vào Thiên Chúa Quan Phòng. Trong bài trình bày ngắn ngủi này, chúng tôi không có ý định giải thích bản Tuyên Ngôn, mà chỉ muốn dựa vào bản Tuyên Ngôn đó và một số tài liệu khác của Công Ðồng để nhận định về những mối tương quan giữa Mạc Khải Kitô giáo và tất cả các tôn giáo khác.
I. Chân Lý của các Tôn Giáo
Trong những tôn giáo đươc chọn làm tiêu biểu trong bản Tuyên ngôn, thì Ấn độ giáo, Phật giáo, rồi đến Hồi giáo và Do thái giáo được đặc biệt quan tâm hơn cả. Ðối với Ấn độ giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác, bản Tuyên ngôn viết: “Giáo hội Công giáo không hề bác bỏ những gì là chân thật và thánh thiện trong các tôn giáo đó. Với một niềm kính trọng thành thật. Giáo hội xem xét những cách thức hành động và những lối sống; những luật lệ và những giáo lý đó, mặc dầu về nhiều điểm có khác với những điều chính Giáo hội tuân giữ và đề nghị, nhưng thường mang lại tia sáng của Chân lý (radium illius Veritatis) chiếu soi hết mọi người” (N.A. số 2).
Thật sự, những lời nói đó của bản Tuyên ngôn có nghĩa gì? Người ta có thể nghĩ rằng Công Ðồng, khi dùng những lời lẽ đó, đã nhìn nhận các tôn giáo khác cũng mang lại một ánh sáng, mặc dầu đó không phải là ánh sáng toàn vẹn của Chân lý, và tuy vậy, đó cũng là một ánh sáng phát xuất từ Ðấng chính là Chân lý.
Trong Hiến chế Mục vụ (Gaudium et Spes), chúng ta thấy có những đoạn văn quan trọng liên hệ với điều vừa được trình bày. Thật vậy, Hiến chế quả quyết: “Bởi vì có nội giới mà con người hơn tất cả mọi vật. Con người trở về với nội giới sâu xa đó là khi con người trở về với chính mình, nơi mà Thiên Chúa Ðấng thấy tận tâm can, đang chờ đợi, con người, và nơi mà con người tự quyết định lấy vận mạng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa” (G.S. số 14).
Như thế, Công Ðồng chứng tỏ rằng Thiên Chúa thấu suốt lòng con người và Người đang ở đó chờ đợi.
Theo truyền thống lâu đời của Kitô giáo, sự kiện này minh chứng rõ ràng thật sự có một “ánh sáng bên trong”, có “Thiên Chúa” ở giữa loài người. Giáo huấn này rất giống với ý niệm Nội tại tuyệt đối là một ý niệm căn bản nơi các người Ðông phương. Thiên Chúa ở tận đáy lòng con người, theo kiểu nói của Hiến chế, có nghĩa là Thiên Chúa chính là “chân lý sâu xa của sự vật” (ipsa produndarei veritas). Như thế, việc Thiên Chúa ở trong lòng mọi người tự nhiên có nghĩa là Người biểu lộ chân lý trong tất cả các tôn giáo. Trong bài tựa, Hiến chế nói: “Vậy, khi Công Ðồng tuyên bố sứ mạng của con người là rất cao cả và quả quyết rằng con người mang trong mình mầm mống Thiên Chúa…” (G.S. số 3).
Chỉ căn cứ vào sự kiện có mầm mống Thiên Chúa trong lòng mọi người, cũng có thể quả quyết rằng mọi người có thể đạt tới chân lý. Nếu mọi người không nương dựa vào Thiên Chúa ở trong lòng mình thì họ không thể tìm thấy Thiên Chúa. Con đường đưa người ta đến Thiên Chúa luôn luôn là con đường nội tâm đó. Các tôn giáo khác giảng dạy con đường đó. Chúng ta phải xác định rằng Thiên Chúa chiếu giải chân lý trong các tôn giáo khác bởi vì các tôn giáo đó chỉ dạy con đường ấy.
Nếu chúng ta nghiên cứu, dầu chỉ là những yếu tố của Giáo lý Phật giáo và Ấn độ giáo mà thôi, chúng ta cũng sẽ nhận thấy rằng các giáo lý đó chứa đựng nhiều chân lý khiến chúng ta phải ngạc nhiên và không khỏi thán phục. Chắc chắn, trong các giáo huấn đó, người ta sẽ tìm thấy những ý niệm: “Hữu thể” – “Thiên Chúa” – “Ðấng tuyệt đối” và sẽ có kinh nghiệm về Thiên Chúa.
Trong Ấn độ giáo, “Ðấng Tuyệt Ðối” chính là Ðấng người ta không thể biết được, là Ðấng người ta không thể đặt tên được, và theo kểu nói của Yâjnavalkya, là Ðấng mà người ta chỉ có thể gọi được là “Netti, Netti” (không phải như thế, không phải như thế).
Trong Phật giáo Ðại thừa, thực thể cuối cùng chính là cái không thể tả được, – “là cái hư vô”, “cái rỗng không” và ngoài những từ ngữ đó ra, không có một từ ngữ nào khác để diễn tả thực thể đó. Hơn nữa, chính tất cả những từ ngữ đó cũng chỉ là những kiểu diễn tả bất toàn. Ðó là tất cả những gì để chỉ thực thể độc nhất và tối hậu.
Trong Kitô giáo cũng vậy: vì Thiên Chúa là Ðấng không thể biết được, Ðấng không thể gọi tên được, nên chính kiểu nói “Thiên Chúa” cũng chỉ là một danh từ tạm thời mà thôi.
Hiến chế Gaudium et Spes còn lưu ý: ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là được Thiên Chúa mời gọi thông phần với Người (G.S. số 19).
Chắc chắn trong các tôn giáo khác, người ta cũng có thể thông phần với Thiên Chúa. Theo phương diện thần học mà nói, người ta không thể quả quyết rằng những kinh nghiệm đó về Thiên Chúa chỉ hoàn toàn có tính cách tự nhiên; trái lại, những kinh nghiệm đó có thể là siêu nhiên nhờ ân sủng của Thiên Chúa.
Nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei) (Cf Gn 1,27), nếu trong con người có mầm mống Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa ở tận đáy lòng con người và nếu Thiên Chúa có thể ban ân sủng, con người, dầu thuộc về các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo, cũng có thể đạt tới chân lý. Một bằng chứng đầy đủ chứng minh cho lời quả quyết trên là, trong lịch sử các tôn giáo tây phương cũng như đông phương, có những người đã sống qua con đường huyền bí “Via Negativa” đó.
Chính Hữu Thể tuyệt đối, siêu việt đã mạc khải mầu nhiệm đó trong đáy lòng con người.ngày nay, chúng ta phải mở mắt nhìn nhận rằng tính chất chân lý thực sự thể hiện một phần trong tất cả các tôn giáo, tính chất đó có thể nói được là tính chất Kitô giáo của Chân lý.
II. Sự tuyệt hảo của Mạc Khải Kitô Giáo
Quả quyết có Chân lý trong các tôn giáo khác như vừa nói, có trái với sự tuyệt hảo của mạc khải Kitô giáo hay không? Về điểm này, trước tiên chúng ta cần lưu ý tới giáo huấn của Công Ðồng.
Bản Tuyên ngôn (Nostra Aetate), sau khi đã nhìn nhận trong các tôn giáo khác có tia sáng của Chân lý chiếu soi mọi người (Cf N.A. số 2), liền thêm: “Tuy nhiên Giáo hội rao giảng và còn phải mãi mãi kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là “Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Jn 14,6) trong Người mọi người gặp thấy đời sống tôn giáo trọn hảo (plenitudo vitae religiosae), trong Người Thiên Chúa đã giao hòa với vạn vật” (N.A. số 2).
Theo Công Ðồng, nhìn nhận tính chất Chân lý hàm chứa trong các tôn giáo khác không đi ngược lại với sứ mệnh đặc biệt của Giáo hội là “rao giảng Chúa Kitô mãi mãi”. Hơn nữa, Công Ðồng đã nói trong Chúa Kitô có đời sống tôn giáo trọn hảo. Hiến chế Gaudium et Spes mạnh mẽ tuyên xưng với thánh Tông đồ (cf. Act 4,12) rằng ngoài danh Chúa Kitô, không một danh hiệu nào khác có thể đem lại ơn cứu rỗi cho con người: “Giáo hội tin tưởng rằng dưới bầu trời, không còn một danh hiệu nào khác có thể cứu thoát con người. Giáo hội cũng tin rằng Chúa Kitô vừa là khởi đầu, là trung tâm và là cứu cánh của toàn thể lịch sử nhân loại: Người là Chúa và Thầy của mình” (G.S. số 10). Chắc chắn, Chúa Kitô là trung tâm của Vũ trụ, là khởi đầu và là cùng đích. Ngoài Chúa Kitô, không có ơn cứu rỗi. Phải tuyên xưng điều dó ngay cả trong thời buổi tân tiến này.
Hiến chế Tín lý Thiên Chúa Mạc khải (Dei Verbum) dạy bảo chúng ta rằng Chúa Kitô là “sụ sung mãn của toàn thể mạc khải” (D.V. s61 2) và thêm “ta không còn phải đợi chờ một mạc khải công khai nào khác nữa cho đến khi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện trong vinh quang” (D.V. số 4).
Bởi đó, tính chất tuyệt hảo và sung mãn của Mạc khải Kitô giáo là một Chân lý được Công Ðồng dạy bảo một cách rõ ràng. Nói tóm lại, Công Ðồng đã nêu ra tính chất Chân lý của Kitô giáo.
III. Các tương quan giữa Mạc khải Kitô giáo và mạc khải của các tôn giáo khác
Phán Ðoán Thần Học
Như đã nói, Công Ðồng nhìn nhận trong các tôn giáo khác có một phần Chân lý và đồng thời cũng tuyên xưng chỉ trong Kitô giáo mới có Mạc khải tuyệt hảo. Làm thế nào giải thích những mối tương quan giữa hai điều quả quyết đó? Chắc chắn không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, vấn đề lại thật quan trọng đối với chúng ta là những người đang sống trong thời buổi tân tiến này. Bởi vì, hiện thời, chúng ta thuộc “số ít” so với đám đông các tín đồ ngoài Kitô giáo và tất cả những người vô tín ngưỡng, kể cả những người lãnh đạm.
Vấn đề có thể rất đơn giản, nếu người ta coi Chân lý hàm chứa trong các tôn giáo khác như là Chân lý thuộc trật tự tự nhiên, và, có thể nói, như là một sự kiện không vượt khỏi Chân lý triết học, hay hơn nữa, như là một kinh nghiệm thần bí về Thiên Chúa không xa mấy chủ nghĩa thần bí triết học thuộc trật tự tự nhiên. Nói cách khác, bởi vì Mạc khải Kitô giáo là một thực tế thuộc trật tự siêu nhiên, cho nên Chân lý trong các tôn giáo khác là một thực tế thuộc trật tự tự nhiên. Vì Mạc khải và Chân lý trong các tôn giáo, khác nhau về chiều hướng, nên, nếu người ta phân biệt rõ ràng hai thực tế như thế, liệu trong thế giới này, người ta có thể nhận biết thực tế tôn giáo sâu xa nhất không?
Tôi xin trả lời là không. Người ta không thể chối cải rằng, cho đến bây giờ, lối tư tưởng như thế đã được phổ biến và đặc biệt, đó lại là thái độ căn bản của việc truyền giáo ở Ðông phương. Ðó là một sự kiện mà người ta không có thể nhắm mắt làm ngơ. Về điểm này, đây là một suy tư cần được lưu ý. Theo bài báo Moines chrétiens en Inde do André Monestier viết trong một tạp chí công giáo (Cf. Ecclesia, Paris, mai 1967, 83-92), Cha Monchanin, khi đề cập về việc truyền bá Tin Mừng cho những xứ Á châu, có đưa ra những nhận xét cột trụ sau đây: trước hết, phải nhìn nhận rằng trước đây người ta đã luôn luôn rao giảng Phúc âm cho Á châu một cách đối nghịch với tôn giáo của các dân tộc Á châu; trái lại chúng ta phải nhìn nhận rằng, trong khi chấp nhận truyền thống văn hóa ở Ðông phương, đặc biệt là ở Ấn độ, có một giá trị rất lớn, chúng ta có thể một phần nào đó diễn tả thần học công giáo bằng những từ ngữ của Vedan ta; sau hết, chúng ta phải nhìn nhận rằng việc hiểu biết chính Thiên Chúa mới thật là quan trọng, chứ không phải việc hiểu biết một cái gì về Người, và chúng ta phải chấp nhận rằng cần phải khám phá ra, nhờ Chúa Thánh Thần, sự hiện diện tàng ẩn của Chúa Kitô trong tất cả các tôn giáo khác, ngay từ lúc mới khai sinh thế giới.
Chúng ta không thể phân chia một Thiên Chúa duy nhất thành hai được: Thiên Chúa trong các tôn giáo khác đồng thời cũng là Thiên Chúa của Mạc khải; thiên Chúa của Mạc khải đồng thời cũng là Thiên Chúa trong các tôn giáo khác. Tuy nhiên, đó không phải là một sự trộn lẫn hai trật tự tự nhiên và siêu nhiên. Không, chúng ta vẫn phân biệt rõ ràng hai trật tự đó. Giữa chúng có một sự phân cách, một vực thẳm, một sự phân biệt rõ ràng. Và dầu vậy, tôi không nghĩ rằng trật tự siêu nhiên tách lìa khỏi trật tự tự nhiên.
Có lẽ người ta có thể minh chứng điều đó bằng phép ẩn dụ, nhờ hai vòng đồng tâm hay hai hình cầu đồng tâm. Trật tự siêu nhiên bao gồm trật tự tự nhiên. Trung tâm của hai trật tự đó là Thiên Chúa. Thiên Chúa trong trật tự siêu nhiên đồng thời cũng là Thiên Chúa trong trật tự tự nhiên. Có đường từ trật tự siêu nhiên dẫn đến trật tự tự nhiên, nhưng không có đường từ trật tự tự nhiên đưa tới trật tự siêu nhiên. Chỉ có “ân sủng” là nguyên lý siêu nhiên tiên khởi của Thiên Chúa mới có thể làm được việc đó. Nói tóm lại, thế giới hiện hữu này vừa là thế giới tự nhiên vừa là thế giới siêu nhiên. Cả hai thế giới này cũng có chung một tiêu điểm.
Việc không thể diễn tả được Ðấng Tuyệt đối trong các tôn giáo khác rõ ràng minh chứng rằng không có đường từ trật tự tự nhiên đưa đến trật tự siêu nhiên. Sự hiểu biết Ðấng Tuyệt đối vượt khỏi giới hạn của trí tuệ tự nhiên. Bởi đó, trực giác là kinh nghiệm siêu trí thức trở nên cần thiết. Trí tuệ tự nhiên không thể hiểu biết Ðấng Tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Sự không thể hiểu biết đó chính là trực giác rằng Thiên Chúa thuộc về trật tự siêu nhiên.
Thật sự, nếu Ðấng Tuyệt Ðối thuộc trật tự tự nhiên, thì chắc chắn trí tuệ tự nhiên phải hiểu biết Người. Khi đó trực giác siêu trí thức thiêng liêng sẽ không còn cần thiết nữa.
Phù hợp với nhận xét đó, lược đồ của Cha Garrigou Lagrange chứng minh có Chân lý siêu nhiên, thật rất có ý nghĩa.
Chân lý siêu nhiên được minh chứng ngay cả ngoài phạm vi Mạc khải theo phương diện chất thể và trong một trật tự thấp kém hơn:
Về phương diện tiêu cực, nghĩa là, theo phương diện tự nhiên, người ta không thể hiểu được trật tự Chân lý trong Thiên Chúa,
Về phương diện tích cực, nghĩa là con người tự nhiên muốn được hạnh phúc hoàn toàn và xác tín rằng mình đạt được hạnh phúc đó nhờ trực giác bản tính Thiên Chúa (Cf. Garrigou Lagrange OP. De Deo Uno, Marietti, Roma, 1950, t. 269).
Nếu như thế, người ta có thể vấn nạn: có phải tất cả các tôn giáo khác đều đưoơc coi là siêu nhiên hết không? Xin thưa là không. Chúng tôi không quả quyết rằng tất cả các tôn giáo đều trực tiếp là những tôn giáo siêu nhiên hết thảy.
Thật ra, chúng tôi muốn nói là; Thiên Chúa siêu nhiên đã mạc khải nhiều Chân lý siêu nhiên ngay trong các tôn giáo khác; còn con người, ngay trong các tôn giáo khác, cũng có thể có một kinh nghiệm nào đó về Thiên Chúa siêu nhiên. Ðiều đó có nghĩa là những Chân lý hàm chứa trong các tôn giáo khác, theo bản chất của nó, cũng là những Chân lý Kitô giáo.
IV. Kết Luận
Trong các tôn giáo khác, Thiên Chúa đã tự mạc khải một phần và bằng nhiều cách khác nhau, nhưng, trong Mạc khải Kitô giáo, Người đã chỉ nói một lần và một cách đầy đủ, chung quyết. mạc khải trong Chúa Kitô là Mạc khải toàn hảo.
Như Hiến Chế “Thiên Chúa mạc khải” (Dei Verbum) đã nói, cho đến ngày Chúa Kitô trở lại trong vinh quang, người ta không nên chờ đợi một Mạc khải công khai, mới lạ nào khác nữa. Trong Mạc khải, con người tìm thấy hình ảnh nguyên vẹn Chân lý được tìm kiếm trong các tôn giáo khác. Ðó là một sự kiện toàn Chân lý hàm chứa trong các tôn giáo khác.
Trong Mạc khải Kitô giáo, con người không tìm thấy những gì trái ngược với các Chân lý trong các tôn giáo. Chân lý trong các tôn giáo khác không đối nghịch với Mạc khải Kitô giáo. (Nói tóm lại, đó chỉ là một). Nội dung của chúng, với tính cách là Chân lý, đều bắt nguồn từ chính Thiên Chúa.
Chúa Kitô đã trở nên mọi sự cho mọi người. Người là khởi đầu và là chung cánh. Người là Cùng đích và là Nguyên thủy. Chúa Kitô là Ðấng Cứu Thế của mọi người. Ngoài Chúa Kitô ra, ở dưới thế này, không còn một danh hiệu nào khác có thể đem lại ơn cứu rỗi. Các tôn giáo khác chỉ có thể phát triển toàn vẹn trong Mạc khải mà thôi.

(Giuse Nguyễn Chính
chuyển dịch Việt ngữ từ Tuyển Tập BS non Chn số 10 tháng 3 năm 1969)

(Trích dẫn từ Tuyển Tập Thần Học số 7 tháng 1 năm 1971)

 

Vai trò của người giáo dân Việt Nam
dưới ánh sáng Công Ðồng Vatican II
trong môi trường xã hội Việt Nam thực tại

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Vai trò của người giáo dân Việt Nam dưới ánh sáng Công Ðồng Vatican II trong môi trường xã hội Việt Nam thực tại.
Như chúng ta được biết Công Ðồng chung Vatican II được long trọng khai mạc vào ngày 11 tháng 10 Năm 1960 và bế mạc ngày 8 tháng 12 năm 1965.
“Ngày 14 tháng 9 năm 1965, Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã mở đầu phiên họp thứ 4 của Công Ðồng bằng một bài giảng thuyết đáng phải được giữ lại trong ký ức chúng ta. Người nói: “Công Ðồng làm cho chúng ta hiểu rõ hơn rằng Giáo Hội chúng ta là một Giáo Hội được xây dựng trên sự hiệp nhất đức tin và phổ quát tính của tình yêu… Và tình yêu của chúng ta ở đây đã tiếp nhận và sẽ tiếp nhận các hình thức biểu thị mang đặc tính Công Ðồng này. Giáo Hội Công Giáo lúc đó đang làm gì?… Giáo Hội đã yêu… đã yêu bằng một quả tim mục vụ. Giáo Hội đã yêu bằng một quả tim truyền giáo,… và Giáo Hội đã yêu bằng một quả tim đại kết…”. (Bài giảng tại Công Ðồng Vatican II).
“Ngày nay, người ta nói nhiều về một Giáo Hội trong tranh luận. Nói đúng ra là Công Ðồng Vatican II đang mời gọi chúng ta tranh luận trong Giáo Hội. Là một Giáo Hội trong tranh luận bao hàm cả mối nguy hiểm tập trung những cái nhìn của chúng ta vào chính chúng ta. Ðúng hơn, chúng ta hãy nói về tranh luận trong Giáo Hội. Công Ðồng đã thực hiện cuộc tranh luận ấy. Trong khi khẳng định tính giám mục đoàn, Công Ðồng đã cho phép lập lên ở mọi cấp độ, những cấu trúc Synode, từ Synode Roma đến các hội đồng linh mục và đến các hội đồng mục vụ trong các giáo phận chúng ta. Biết bao nhiêu địa điểm đối thoại tập hợp các tham dự viên đồng nhất cùng một quy chế, một sứ vụ hoặc một thừa tác vụ, vẫn hoàn toàn mở rộng tới cả các chuyên viên, các quan sát viên Kitô và tới cả các khách mời khác biệt nhất như Công Ðồng đã làm trước đây vậy.
Giáo xứ cũng có một kinh nghiệm lớn trong những lĩnh vực đó. Sự cộng tác linh mục, giáo dân với nhau đã từ lâu là một thực tại, dù cho đây đó cũng gặp một vài khó khăn tạm thời,… Dù thế nào đi nữa thì cuộc đối thoại này cũng phải được theo đuổi, được ưu tiên, và nhất là muốn cho chính đối thoại đó nên như phần tử cấu tạo nên đời sống Giáo Hội. Việc mọi người tham dự vào đối thoại này cũng là một dấu chỉ cho xã hội đương thời của chúng ta”. (Trích trong: Vui mừng và hy vọng – 40 năm sau Công Ðồng, của Ðức Cha Anrê Acrampe – Tổng Giám Mục Besancon).
Vậy đề tài mà tôi được vinh dự trình bày ở đây là một trong những đề tài khá quen thuộc đã được đề cập tới ở những lĩnh vực khác nhau với các ý nghĩa khác nhau và do nhiều Ðấng bậc lỗi lạc trong Giáo Hội, và vẫn còn mời gọi chúng ta đào sâu.
Nhưng vốn biết bản thân không đủ khả năng bước vào cuộc tranh luận đó, nên tôi chỉ đề cập tới nó như một chứng nhân lịch sử trước và sau Công Ðồng Vatican II ở cả hai miền, chủ yếu là miền Bắc trong đất nước Việt Nam. Vậy nên đề tài của tôi trình bày sẽ là vai trò của người giáo dân Việt Nam dưới Ánh sáng Công đồng Vatican II trong môi trường xã hội Việt Nam thực tại.
Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước nhiều năm bị chia đôi, nhất là trong thời gian diễn ra Công đồng, chúng ta bắt buộc phải nói tới vai trò của người giáo dân ở các miền Nam Bắc khác nhau.
Trước khi có Công đồng Vaticanô II, tôi chỉ xin giới hạn từ năm 1945 trở đi, nhất là từ năm 1945 Miền bắc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào dưới chính quyền Sài Gòn.
Vai trò của người giáo dân Việt Nam miền Bắc trước Công đồng.
Nói chung, vai trò đó được tượng trưng bằng hình ảnh quen thuộc nổi tiếng: Hình ảnh kim tự tháp, “trong đó có sự phân biệt nền tảng giữa giáo sĩ với giáo dân: giáo sĩ nắm trọn mọi quyền hành, còn giáo dân chẳng có gì. Hồng y Gasquet kể giai thoại sau: ngày kia ở giai đoạn tiền Công đồng, một người dự tòng hỏi một linh mục Công giáo về vị thế của người giáo dân trong Giáo Hội. Vị linh mục điềm nhiên trả lời: giáo dân có 2 vị thế trong Giáo hội: Thứ nhất quì gối trước bàn thờ; thứ hai ngồi trên ghế, vị Hồng y dí dỏm nói thêm người ta quên mất vai trò thứ ba là: móc ví lấy tiền để công đức cho nhà thờ”. (Sứ vụ người giáo dân trong thời đại mới trong hội thảo Sống Ðạo theo cung cách Việt Nam, tác giả Lm. Nguyễn Thái Hợp, trang 114).
Ở các nước Âu châu, nền văn minh tôn trọng giá trị con người, địa vị giáo dân còn như vậy thì ở Việt Nam trong xã hội mang chút ít phong kiến chịu ảnh hưởng của Nho giáo, thường tôn sùng kính trọng quá mức đối với Bề trên, thì vai trò và địa vị của người giáo dân trước Công đồng sẽ ra sao?
Tôi còn nhớ khi làm linh mục đi làm lễ ở một xứ ngoại thành Hà Nội, trao đổi công việc với ban chánh trương trùm trưởng, thấy họ tự ti, tự hạ quá đáng đến chỗ mất hết sáng kiến, nực cười.
Tôi hỏi một vị trùm ở xứ:
– Mai lễ Chúa nhật các ông thích làm lễ mấy giờ?
– Thưa theo ý cha mọi đàng.
– Sau lễ có đi rước kiệu như mọi khi không?
– Thưa theo ý Cha mọi đàng.
– Sau lễ có dùng bữa như mọi khi không?
– Thưa theo ý Cha mọi đàng.
Tôi hơi bực mình vì có ý hỏi đùa ông,
Có thể họ bị ảnh hưởng về một số nền thần học lạc hậu trước Công đồng cho nên có thái độ:
– Khinh thường các sự việc thế gian.
– Sống co cụm trong các khu vực công giáo.
– Kỳ thị các tôn giáo khác v.v…
Cũng trong thời kỳ đó, vai trò của các giáo dân miền Nam cũng gần giống như đồng bào của họ ở miền Bắc, song nhờ vào tiếp xúc nhiều với nền văn hóa xứ tây âu, nhiều thành phần tri thức hơn, nhiều hội đoàn tiên tiến trong Giáo Hội như Công giáo tiến hành, Thanh lao công v.v… Người giáo dân cải thiện vai trò và vị trí của mình trong Giáo Hội địa phương.
Giai đoạn 1954 tới 1975 trong đó có giai đoạn diễn ra Công đồng chung Vaticanô II 1960 – 1965.
A- Miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chế độ bao cấp thịnh hành, nên người giáo dân Việt Nam ít nhiều khó tìm được vai trò đúng đắn của mình trong Giáo Hội.
Vô tri bất mộ, suốt thời gian Công đồng diễn ra cũng như sau đó một tháng, hầu như ánh sáng của Công đồng không lọt tới được miền Bắc, ngay cả tới hàng giáo sĩ, chưa nói tới hàng ngũ giáo dân. Sau khi Công đồng bế mạc tới 3, 4 năm, tôi đang dạy tại Ðại Chủng Viện Hà Nội mới được một vị trong Mặt Trận Tổ Quốc T.P. Hà Nội cho một cuốn sách tài liệu về các bản văn Công đồng bằng tiếng pháp, sau khi đã ca ngợi hướng đi đúng đắn và tiến bộ của Công đồng Vatican II, phải đợi tới khi Ðức Tổng Giám Mục giáo phận Hà Nội Giuse M. Trịnh Văn Căn tham dự Thượng Hội đồng thế giới về Giáo lý trở về mang được một số sách nói về Công đồng, nhất là sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, những thông tin tốt đẹp của Công đồng được phổ biến cho giáo dân miền Bắc trong các nhà thờ, các lớp giáo lý, sự đi lại giao lưu giữa giáo dân hai miền Nam-Bắc, tất cả đã đóng góp cho các giáo dân miền Bắc thấy vai trò của họ: là sống tính cách trần thế của họ giữa cuộc đời, dấn thân phục vụ con người, nhất là con người nghèo khổ, tôn trọng những giá trị của các thực tại trần gian, đoàn kết yêu thương đối thoại với các tôn giáo, nhiệm vụ truyền giáo v.v… Nhưng do thiếu thốn các linh mục trầm trọng ở miền Bắc, thiếu người hướng dẫn tốt, thiếu sách vở, nên tình trạng người giáo dân Việt Nam ở miền Bắc ý thức được việc làm của mình trong Giáo Hội địa phương và nhất là đem ra sống thực tế trong xã hội, ở mức độ yếu kém.
Ðàng khác do một số giáo dân vào Nam học tập không thấu đáo về những điểm tiến bộ của Công đồng chung Vatican II đem về phổ biến cho giáo dân nên gây ra tình trạng lộn xộn, tranh dành quyền lợi với hàng giáo sĩ và với nhau.
Dẫu thế, cuộc sống của người giáo dân miền Bắc mặc dù sống trong hoàn cảnh không nhiều thuận lợi nhưng nhờ vào tác động của Chúa Thánh Thần, đã có những nét tốt đẹp khác phù hợp với nội dung Công đồng chung Vatican II: như đức tin sống mạnh mẽ, lòng trung thành tuyệt đối với Giáo Hội, sự sùng kính mãnh liệt đối với Ðức Mẹ Maria. Trong bài phát biểu tại Thượng Hội Ðồng thế giới về giáo dân, tôi đã từng nói: “Giáo dân Việt Nam đã sống các lý tưởng của Công đồng trước khi biết đến Công đồng theo đúng câu phương ngôn Latinh: Primum vivere, Deinde Philosophare: “Ðầu tiên là sống trước đã rồi triết lý sau”. Và trong bài phát biểu khác ở Thượng Hội Ðồng thế giới về Á châu, tôi tả vẽ hình ảnh một người mẹ công giáo Việt Nam đầu đội thúng gạo, tay trái dắt con nhỏ, tay phải cầm tràng hạt lần kính Ðức Mẹ, và trích câu nói của nhà văn, đại ý:
“Ðạo đức mê tín đến như vậy làm sao cải tạo được, mọi cố gắng ở đây đều như hòn đá ném xuống ao tù, mặt ao đầy váng có tan ra trong chốc lát, rồi lại khép vào đâu vẫn hoàn đấy”.
Sức sống của người giáo dân Việt Nam miền Bắc là như vậy.
B- Vai trò của giáo dân miền Nam.
Chúng tôi không đề cập tới khía cạnh chính trị của vấn đề để khỏi phải gọi ai là ngụy quân ngụy quyền như Cha Thiện Cẩm đã có lần viết trên tập san Công Giáo Và Dân Tộc, song phải khách quan mà nói.
Những giai đoạn từ 1954 tới khi thống nhất, cả những năm hiện tại, người giáo dân miền Nam sống trong một xã hội mở ra thế giới bên ngoài.
Ðã mở cửa thì phải chịu hậu quả tốt xấu. Ðón làn gió mát thời cũng hứng chịu những ruồi muỗi bay vào.
Những nếp sống xa đọa của thế giới hưởng thụ đã tràn vào phá hoại không ít những gia đình giáo dân Việt Nam, nhất là đám thanh niên nam nữ, làm lung lay những khung mộng của nền lễ giáo.
Nhưng cũng làn gió mới thổi từ Công đồng Vatican II đã đến Việt Nam nhờ vào cánh cửa rộng mở này. Các Giám Mục có thể tới dự các phiên họp Công đồng. Các sách vở báo chí thông tin về Công đồng được phổ biến rộng rãi. Cuốn sách dịch công phu của Học viện Ðà lạt mang ánh sáng Công đồng đến cho dân Chúa ở Việt Nam suốt mấy chục năm qua, tạo điều kiện cho giáo dân ý thức được rõ rệt vai trò để dấn thân phục vụ kết quả hơn do tính cách thế trần của họ.
Các hội đoàn giáo dân xuất hiện ngày càng nhiều và làm cho sự phục vụ, dấn thân thêm đa dạng và kết quả.
Ngày nay, các khách tới thăm miền Nam đều ca ngợi một Giáo hội Việt Nam đầy sức sống. Hội đoàn có những sinh hoạt phong phú, các lớp học về Tôn Giáo đa dạng, các dòng tu hội đoàn dấn thân hoạt động hiệu quả. Tuy còn một số khó khăn nhất định, song hàng ngũ giáo dân đã ý thức được vai trò của mình trong Giáo Hội với xã hội và đem ra thực hiện để xây dựng sự hưng thịnh ngày nay.
Trong các lớp đàn anh tre già nhưng vẫn còn cứng cựa, còn măng non mọc lên cũng chứa chan sức trẻ. Họ chính là chủ lực cho Giáo Hội phía Nam, còn là kho dự trữ để tiếp tế cho anh em phía Bắc.
Chúng tôi được biết rõ các giáo dân miền Bắc vào Nam lập nghiệp, song cũng là để học hỏi về giáo lý, tu đức, sinh hoạt hội đoàn ngày càng đông, và cũng khích lệ các anh chị em giáo dân trong Nam bằng cách này cách khác quan tâm và nỗ lực giúp đỡ anh chị em mình, đón ánh sáng Công đồng, sống đúng vai trò của mình trong Giáo Hội và xã hội.
C- Ngày nay trong một đất nước hoàn toàn thống nhất
Ngày nay trong một đất nước hoàn toàn thống nhất, đã thoát khỏi quan liêu bao cấp, mở rộng nhiều mặt về kinh tế, chính trị v.v… chúng tôi mong muốn câu nói: “Miền Nam đi trước về sau (về mặt chính trị) và miền Bắc đi trước về sau (về mặt tôn giáo) không thành sự thực.
Các giáo dân miền Nam đã ý thức vai trò của mình được ánh sáng Công đồng Vaticanô II và đóng vai trò đó mạnh mẽ trong xã hội ngày nay được tạo mọi điều kiện tốt hơn nữa để công cuộc phục vụ dấn thân với tính thế trần của họ.
Các giáo dân miền Bắc nói chung vẫn còn mu mơ trong ý thức vai trò của mình dưới ánh sáng Công đồng Vatican II, còn yếu kém hơn trong việc thực hiện vai trò đó trong Giáo Hội và xã hội. Một lý do quan trọng nhất là họ thiếu hướng dẫn, thiếu học tập, nói chung thiếu sách vở, thiếu thầy dạy. Ðiều này rất khó khắc phục với nhân sự hiếm hoi như lá mùa thu và yếu kém ở miền Bắc. Ðiều mong ước là được các chuyên viên về giáo lý, về các hội đoàn giáo dân từ miền Nam công khai được ra giúp đỡ anh em mình ở miền Bắc. Ðất nước ta đã thống nhất mở ra trong nhiều lãnh vực, chúng ta đón các giáo sư, các chuyên viên quốc tế giảng dạy ở Việt Nam, tạo điều kiện cho các cuộc giao lưu mọi miền trong đất nước, vậy tại sao vẫn “bế quan tỏa cảng” đối với các vấn đề tôn giáo.
Ðây là lúc chứng tỏ năng lực hữu hiệu của Ủy Ban Ðoàn Kết và các Ủy ban làm cầu nối trong xã hội, không nên để tình trạng “bí quá” phải “làm chui” vừa tác hại nhiều mặt và nhiều phía.
– Về phía các tổ chức, hội đoàn, việc xử dụng giáo dân trong các cơ cấu nên rộng rãi hơn. Ủy Ban đoàn kết là của ai, gồm những ai, tôi nghĩ, có thể là một hình thức nào đó giúp giáo dân sống tính cách trần thế của mình, không nên chỉ do hàng giáo sĩ tham gia điều khiển. Tôi nghe dịp thành lập Ủy Ban đoàn kết trong giáo phận Xuân Lộc, có tới 100 linh mục đăng ký tham gia, còn “chỗ” đâu dành cho giáo dân!!!
– Ngay về phía Giáo Hội, cũng cần có sự mạnh dạn rộng rãi hơn, nhất là lòng tin vào người giáo dân. Họ là số đông trong Giáo Hội nhưng rất ít người là bè rối bè đảng hơn các Ðấng các bậc. Các Hội nghị dành cho giáo dân, các phái đoàn đi “phó” hội không nên chỉ gồm có Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ mà dành ít nhiều chỗ cho giáo dân.
Ðại hội giới trẻ mỗi năm của Việt Nam ở thế giới thành phần giáo dân cũng quá ít, luôn chỉ giữ vai trò phụ: hát hò, múa nhảy, không có cơ hội phát huy khả năng là sứ ngôn của Chúa Kitô theo Bí Tích Rửa Tội.
Mấy lần công du nước ngoài, tôi gặp các bạn bè năm châu đều ca ngợi Việt Nam chúng ta có ổn định an ninh trật tự, nhất là khéo tổ chức các hội nghị lớn thành công tốt đẹp như: Tiger Cup, Sea game 22, Agribankcup, Cộng đồng nói tiếng Pháp, Asean, Assam v.v… nhưng họ chê tôi là lạc hậu: “Ông là Chủ Tịch Ủy Ban giáo dân mà không tổ chức được một hội nghị nào mang tầm vóc quốc tế như: Ðại Hội giới trẻ ở Paris, Tôrôntô, Rôma, Philipin, thậm chí nơi rất ít Công giáo như Thái Lan, Ấn Ðộ v.v… Ở Việt Nam, tại thủ đô Hà Nội có sân Mỹ đình có thể dùng làm nơi diễn ra các cuộc Hội nghị an toàn, trật tự, an ninh… mà sân đó cũng ít người thuê trong năm.
Tôi nghe lời trở về, đề cập điều đó với các vị có trách nhiệm, được các vị trả lời: “Xưa nay không có thói quen đó. Phải đợi”.
Từ đó đến nay, 3 năm trôi qua, chúng tôi sắp sửa đón tiếp vị Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo Tòa thánh Vatican sang thăm Việt Nam và dự định phong chức cho gần 100 linh mục miền Bắc. Con số người tham dự sẽ rất đông, dự liệu có thể 40 đến 50 ngàn người. Ðức Tổng Giám Mục Hà Nội cũng đề nghị xin giúp cho thuê sân Mỹ đình để giải quyết các vấn đề trật tự giao thông, an ninh ổn định, và cũng một câu trả lời: “Xưa nay chưa có thói quen. Hãy đợi đấy”. Hay là các vị chưa thực sự tin vào giáo dân Công giáo Việt Nam. Hãy điểm lại các vi phạm luật lệ, an ninh trật tự từ khi đất nước thống nhất cho tới nay: có thể là rất ít người Công giáo so với các tổ chức và cộng đoàn khác.
Tôi cũng tâm đắc với bài báo của cụ Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đăng trên báo Tuổi trẻ số 96/2005, ra ngày 30/4/2005 có đoạn viết: “Nhìn những cháu bé đang chơi với nhau ấy, làm sao có thể phân biệt được cháu nào là con Quốc Gia, cháu nào là con Cộng Sản (tôi xin thêm: cháu nào là theo đạo Công giáo, hay Phật giáo v.v…). Cố Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình nhất trí với tôi: “Chỉ có người lớn mới phải chịu trách nhiệm về những sự phân biệt ấy”.
Nhất là chúng ta đánh giá thế nào về suy nghĩ của Thủ Tướng đương nhiệm:
Mùa Xuân năm 2000, Ban Thường vụ Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam tới chào Thủ tướng Phan Văn Khải, chúng tôi được nghe Thủ tướng nói: “Nơi nào có đồng bào (giáo dân) công giáo sống, nơi đó ít có nếp sống tiêu cực, xì ke ma túy, nơi đó có an toàn và giữ dìn trật tự an ninh tốt”.
Chúng tôi cám ơn Thủ tướng và xin Ngài tạo mọi điều kiện cho chúng tôi giúp đỡ giáo dân duy trì và phát triển nếp sống tốt lành đó.
Ngày nay giáo dân Việt Nam ý thức được vai trò của mình dưới ánh sáng Công đồng Vatican II, vẫn còn rực sáng soi trên mọi nẻo đường, đang và sẽ làm cho cuộc sống của giáo dân “tốt đời tươi đạo”. Tôi muốn đổi câu nói thường ngày “tốt đời đẹp đạo” lại thành “tốt đời tươi đạo”, vì câu đối trên không chỉnh trong lãnh vực văn chương, nhất là dưới ánh sáng của Công Ðồng Vatican II: giáo dân Việt Nam phải lạc quan yêu đời, tôn trọng thực tại trần thế sống đạo tươi vui như những bông hoa tươi rực rỡ muôn màu, như các các bạn trẻ xinh tươi, hứa hẹn một cuộc sống sáng tươi. Chúng ta hãy nghe lời khuyên của các Ðức Giám Mục trong bức thư mục vụ năm 2005 gửi cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam: “Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự thật, Kitô hữu phải tập và nêu gương sống ngay thẳng. Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự sống con người, Kitô hữu quyết tâm cổ võ và bảo vệ nền văn hóa sự sống. Trong một xã hội chạy theo lợi nhuận, thiếu tôn trọng phẩm giá con người, gạt người nghèo sang bên lề cuộc sống… Kitô hữu được mời gọi dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương”.
Ðúng như nghị quyết của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam khóa IX: “Vì tôn giáo chính là nhu cầu tinh thần đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc”.

+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Thái Bình

(Bài diễn thuyết ngày 15/9/2005 của Ðức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang)

 

Kỷ niệm 50 năm
Công Ðồng Chung Vaticăng II

Kỷ niệm 50 năm Công Ðồng Chung Vaticăng II.
Roma (Avvenire 24-2-2012; RG 2-3-2012) – Phỏng vấn Linh Mục Cristoph Théobald, dòng Tên, về ý niệm “Giáo Hội – Hiệp Thông”.
Cách đây 50 năm Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã công bố triệu tập Công Ðồng Chung Vaticăng II để duyệt xét các vấn đề của Giáo Hội và canh tân cuộc sống của dân Chúa. Ðể kỷ niệm biến cố lịch sử này đã có nhiều sáng kiến được đưa ra, trong đó có một loạt các buổi thuyết trình do đại học giáo hoàng Laterano ở Roma tổ chức, với sự cộng tác của Trung tâm thánh Louis nước Pháp và Ðại sứ Pháp cạnh Tòa Thánh. Sáu buổi thuyết trình có khẩu hiệu là “Ðọc lại Công Ðồng” đã bắt ngày mùng 1 tháng 3 năm 2012 dành cho Hiến chế tín lý về Phụng vụ Sacrosanctum Concilium.
Mỗi buổi thuyết trình đều do một chuyên viên sử học và một thần học gia đảm trách, và sẽ lần lượt tìm hiểu các tài liệu quan trọng nhất của Công Ðồng: tức 4 Hiến chế, sắc lệnh về Ðại kết và Tuyên ngôn về tự do tôn giáo.
Trong bài phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng sáng mùng 2 tháng 3 năm 2012 Ðức Tổng Giám Mục Enrico Dal Covolo, Viện trưởng đại học giáo hoàng Laterano, cho biết các buổi thuyết trình này nhằm mục đích lượng định trở lại các yếu tố chính của Công Ðồng trên bình diện khoa học, đồng thời lồng khung Công Ðồng vào trong Truyền Thống lớn của Giáo Hội, là hướng đi của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI. Một trong các cải cách lớn Công Ðồng đã đề ra là việc canh tân phụng vụ. Do đó tài liệu đầu tiên đã được Công Ðồng thông qua và công bố là Hiến chế về Phụng Vụ Thánh. Tuy nhiên, giáo sư Philippe Chenaux cho rằng so với các tài liệu khác, Hiến chế về Phụng vụ đã bị lãng quên trong bóng tối. Nó có chỗ đặc biệt trong phong trào phụng vụ nảy sinh vào cuối thế kỷ XVIII trong các đan viện Biển Ðức, và sau Ðệ Nhị Thế Chiến nó di chuyển về phía các môi trường của phong trào Giới trẻ công giáo, rồi hướng tới các giáo xứ. Năm 1947 Ðức Giáo Hoàng Pio XII cũng đã dành Thông điệp “Mediator Dei” để nói về phụng vụ, và là một hình thức thừa nhận phong trào phụng vụ, sẽ được thánh hiến trong Công Ðồng Chung Vaticăng II.
Trước loạt thuyết trình về đề tài “Ðọc lại Công Ðồng” tại đại học giáo hoàng Laterano ở Roma còn có đại hội tại Modena bắc Italia, trong các ngày 23 đến 25 tháng 2 năm 2012 về đề tài: “Công Ðồng Chung Vaticăng II, 1962-2012: lịch sử sau Lịch sử”. Ðại hội do Tổ chức “Khoa học tôn giáo Gioan XXIII” triệu tập. Tham dự đại hội có rất nhiều chuyên viên, trong số đó có Linh Mục Cristoph Théobald, dòng Tên. Cha đã chủ tọa cuộc thảo luận bàn tròn kết thúc đại hội.
Trong số các thuyết trình viên ngày thứ nhất của đại hội có các học giả như: Maria Teresa Fattori, Giovanni Turbani, Marek Saran, Yan Li Ren, Piero Doria, Massimo Faggioli. Ngày thứ hai của đại hội có các thuyết trình viên Stephan Mokry, Antonio Sorci, Philipphe J. Roy, Loioc Figoureux. Trong ngày thứ ba có các thuyết trình viên như Michael Quisinsky, Silvia Scatena, Matteo Mennini, và một cuộc thảo luận bàn tròn với sự tham dự của Joseph Famerée, Etienne Fouilloux, Peter Huenermann, Mathijs Lamberigts, Giuseppe Ruggieri, Norman Tanner và John O’ Malley. Hai học giả kết thúc đại hội là Alberto Melloni và Bernard Ardura.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Cristoph Théobald, về ý niệm “Giáo Hội – Hiệp Thông”. Cha Théobald là tác giả của bộ sách nhiều cuốn tựa đề “Việc tiếp nhận Công Ðồng Chung Vaticăng II”.
Hỏi: Thưa cha Théobald, cha nghĩ gì về việc Ðức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập Công Ðồng Chung Vaticăng II?
Ðáp: Có lẽ đây lần đầu tiên trong lịch sử, ít nhất một cách rõ ràng, một vị Giáo Hoàng – ở đây là Ðức Gioan XXIII – đã triệu tập Công Ðồng mà không trình bầy một ý tưởng hay một mô thức đã được xác định trước. Trái lại ngài đã khẳng định ý tưởng Công Ðồng như một lễ Hiện Xuống mới, hay đúng hơn như một cố gắng khiến xảy ra trong Giáo Hội công giáo một cái gì giống như một lễ Hiện Xuống mới. Khía cạnh này gắn liền với ước mong một lễ Hiện Xuống mới. Và đây là chìa khóa giúp đọc hiểu các văn bản của Công Ðồng Chung Vaticăng II như là địa bàn chỉ hướng cho thế kỷ XXI.
Hỏi: Thưa cha, làm sao có thể tóm tắt và hiểu biết việc tiếp nhận Công Ðồng Chung Vaticăng II sau 50 năm triệu tập?
Ðáp: Ðã có nhiều giai đoạn tiếp nhận khác nhau, và việc nêu rõ chúng là cách thức đơn sơ nhất để đương đầu với vấn đề. Giai đoạn thứ nhất ngay sau năm 1965 đã liên quan tới việc cải tổ các cơ cấu như Thánh Văn phòng trở thành Bộ Giáo Lý Ðức Tin, và việc áp dụng ngyên tắc Thượng Hội Ðồng cho khắp nơi trên toàn thế giới. Có lẽ đây là giai đoạn đã khơi dậy các ấn tượng sống động nhất và một hứng khởi thực sự.
Giai đoạn thứ hai bắt đầu vào năm 1985, là năm có Thượng Hội Ðồng Giám Mục nhằm cử hành Công Ðồng và kiểm thực các kết qủa. Nó đã là một biến cố vô cùng quan trọng, vì đã đề nghị một việc giải thích toàn bộ, vài luật giải thích bằng cách đưa ra ý tưởng của toàn bộ các tài liệu của Công Ðồng, hay các mối tương quan và tính cách liên văn bản giữa các tài liệu khác nhau của Công Ðồng. Chúng ta có thể định nghĩa giai đoạn này với một câu tổng kết, nhất là chung quanh ý niệm Giáo Hội – Hiệp thông. Với thời gian qua đi sự đóng góp của công việc lịch sử cũng trở thành quan trọng; nó dựa trên việc nghiên cứu càc văn bản, các lược đồ dự thảo và nhật ký riêng của các tham dự viên Công Ðồng.
Hỏi: Cha nhấn mạnh rằng cho tới nay việc thảo luận đôi khi rất giao động đã chú ý nhiều tới giáo hội học. Có cần phải nới rộng cái nhìn hay không thưa cha?
Ðáp: Sự tập trung này chắc chắn đã là điều không thể tránh được, vì tầm quan trọng của các cải tổ cơ cấu Giáo Hội. Nhưng ngày nay việc đọc hiểu các văn bản của Công Ðồng có thể giúp chúng ta tái quân bình tri giác này. Chẳng hạn như một chiều kích nền tảng của Công Ðồng xoay quanh nguyên tắc mục vụ tính, với tư tưởng là đức tin kitô rất có tích cách lịch sử và gắn liền với tính cách đa văn hóa ngay từ đầu. Diễn tả tính cách lịch sử của Kitô giáo sau cùng có nghĩa là diễn tả trở lại một cách mới mẻ nguyên tắc của sự nhập thể. Chiều kích này liên tục cật vấn chúng ta về khả năng tiếp nhận của truyền thống kitô. Tính cách mục vụ đâm rễ một cách trực tiếp ngay trong Sự Mạc Khải, được hướng tới tất cả mọi người. Như thế tính cách truyền giáo của Giáo Hội xem ra là một vấn đề lớn được mở ra theo chiều hướng của Công Ðồng.
Hỏi: Bên trong toàn thể các tài liệu rộng lớn của Công Ðồng, có các văn bản đáng được tái khám phá ra một cách đặc biệt không thưa cha?
Ðáp: Cho tới nay đã có ba tài liệu được đào sâu rất nhiều đó là Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium Ánh Sáng Muôn Dân, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes, Vui Mừng và Hy Vọng, và Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum concilium. Trong khi Hiến chế tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum Lời Chúa là một tài liệu nền tảng lại ít được nghiên cứu và giải thích. Thượng Hội Ðồng Giám Mục năm 2008 về Lời Chúa đã là một hành động chính thức mạnh mẽ tiếp nhận tài liệu về Lời Chúa. Nhưng tài liệu có tầm quan trọng nòng cốt này chắc chắn sẽ có một vai trò ngày càng tích cực hơn. Ðây cũng là điều có thể nghĩ đối với Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes.
Hỏi: Thưa cha, cha cũng cho rằng chính trong Công Ðồng có thể tìm thấy các chìa khóa giúp thắng vượt mọi tương phản liên quan tới việc giải thích nó, có đúng thế không?
Ðáp: Theo thiển ý tôi, ngày nay cần phải ra khỏi ý niệm song song, theo đó một đàng có một Công Ðồng đã kết thúc một cách toàn vẹn, đàng khác có các giải thích tốt hay xấu về Công Ðồng. Công Ðồng đã là một tiến trình học hiểu và cũng chính vì thế mà không thể tránh được vài chồng chất lên nhau đã gây tranh luận. Chẳng hạn cứ nghĩ tới nguyên tắc giám mục đoàn, một cách rõ ràng được khẳng định bên cạnh việc xác nhận quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng, người thi hành chức thừa tác của thánh Phêrô tại Roma. Trước hết Công Ðồng đã cống hiến cho chúng ta một phương cách để quyết định trong Giáo Hội, bằng cách ngầm nhắc nhở cho chúng ta biết rằng môt vài vấn đề không thể nói được rằng chúng đã được giải quyết một cách vĩnh viễn, xét vì chúng là thành phần của chính cơ cấu mâu thuẫn của Mầu nhiệm kitô.
Hỏi: Vượt ngoài cuộc thảo luận thần học, Công Ðồng sẽ có thể vẫn là một điểm quy chiếu tuyệt đối cho sự hiệp nhất của Giáo Hội không thưa cha?
Ðáp: Có thể được, nếu chúng ta biết nhấn mạnh và suy tư, không phải về các chi tiết, nhưng về cái quan điểm toàn diện, mà Công Ðồng đã đề ra. Ðó là quan điểm của một Kitô giáo đại đồng, đồng thời hội nhập một cách toàn vẹn vào nền văn hóa và vẫn khác biệt. Công Ðồng vẫn có thể là điểm tham chiếu tuyệt đối, nếu chúng ta biết tiếp nhập sư phạm và sự can đảm của Công Ðồng trong việc lắng nghe người khác, trong khả năng hoán cải, trong việc cùng nhau quyết định cho tương lai. Có một cách thức tiến hành mà Công Ðồng đã để lại cho chúng ta như là một gia tài. Một cách đặc biệt một phương thế lắng nghe Lời Chúa một cách nào đó, phân định các dấu chỉ thời đại, đi vào chiều sâu của nội tâm. Nhờ cái kiềng ba chân ấy Công Ðồng sẽ có thể tiếp tục là một ơn và là một địa bàn định hướng cho các thời mới.
(Avvenire 24-2-2012; RG 2-3-2012)

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

 

Một số kỷ niệm liên quan tới
Công Ðồng Chung Vaticăng II

Một số kỷ niệm liên quan tới Công Ðồng Chung Vaticăng II.
Roma (Avvenire 9-05-2012; Vat. 19-07-2012) – Phỏng vấn Ðức Hồng Y Jorge Maria Mejia Cách đây 50 năm, Công Ðồng Chung Vaticăng II đã khai mở với sự tham dự của 2,540 người, gồm các nghị phụ, các chuyên viên và đại diện của các Giáo Hội anh em. Trong số các chuyên viên tham dự Công Ðồng cũng có một linh muc trẻ tuổi người Argentina: đó là linh mục Jorge Maria Mejia, hiện nay là Hồng Y. Ðức Hồng Y Mejia đã là người đi tiên phong trong việc đối thoại với các anh em Do thái, và là người hiểu biết nền văn hóa Do thái sâu rộng. Là bạn thân của cha Henri de Lubac và bạn học cùng thời với Ðức Gioan Phaolo II tại Ðại học giáo hoàng Angelicum.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y về một số các kỷ niệm thời công đồng.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, vào thời khai mạc Công Ðồng Hồng Y đã được chỉ định làm chuyên viên của Công Ðồng như thế nào?
Ðáp: Hồi tháng 11 năm 1963 Công Ðồng bắt đầu khóa họp thứ hai. Một hôm Ðức Cha Juan Giaquinta đem cho tôi một phong bì của tòa Tổng Giám Mục Buenos Aires và cho tôi biết là Phủ Quốc Vụ Khanh TòaThánh chỉ định tôi làm chuyên viên của Công Ðồng. Tôi rất ngạc nhiên, vì cho tới lức đó tôi đặc trách các chuyện khác như nguyệt san công giáo Argentina Criterio. Thú thật công việc của ông Ðồng đòi hỏi nhiều năng lực lắm. Tôi đã là một trong các chuyên viên ít ỏi của châu Mỹ Latinh. Trong chỗ dành riêng cho các chuyên viên, tôi đã gặp nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có cha Henri de Lubac, mà tôi đã tiếp xúc để viết luận án thần học tại đại học giáo hoàng Angelicum, cha Jorge Arturo Medina Estevez, sau này trở thành Hồng Y Tổng trưởng Bộ Phụng Tự, và cha Egidio Viganò, sau này là Tổng quyền dòng Don Bosco Salesien. Dĩ nhiên là cũng có thần học gia trẻ tuổi người Ðức là Joseph Ratzinger nữa.
Trong số các tài liệu công đồng đã ảnh hưởng sâu đậm trên cuộc đời linh mục của tôi có tài liệu về Ðại kết Unitatis Redintegratio, và tài liệu về các tôn giáo không kitô Nostra Aetate. Tôi được giao cho nhiệm vụ tiếp xúc với các nghị phụ Argentina và Uruguay, mà tôi đã quen biết trước Công Ðồng Vaticang II. Chúng tôi hội họp thường xuyên với nhau, và từ các cuộc họp đó đã nảy sinh ra các đề nghị và yêu cầu được trình bầy trước các nghị phụ.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, đâu đã là phần đóng góp của các nghị phụ châu Mỹ Latinh cho Công Ðồng?
Ðáp: Như quý vị có thể tưởng tượng ra, đóng góp đã có thứ tự và trong một nghĩa nào đó nó đa diện. Ðiều tôi có thể nhần mạnh là phần đóng góp của Ðức Hồng Y tương lai Eduardo Francisco Pironio đối với tài liệu về tông đồ giáo dân Apostolicam actuositatem. Ngài đã nắm vai trò định đoạt trong việc soạn thảo tài liệu này. Ảnh hưởng của vị Giám Mục người Argentina này đã rất lớn nhờ kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu xa của ngài đối với phong trào Công Giào Tiến Hành tại Argentina. Nổi bật là việc bảo vệ sự nghèo khó trong Giáo Hội từ phía tất cả các Giám Mục Argentina. Người đã mạnh mẽ trình bầy đề tài này là vị Giám Mục trẻ tuổi của giáo phận Nueve de Julio, sau này trở thành Hồng Y, đó là Ðức Cha Antonio Quarracino, người Italo Argentina.
Một trong những tranh luận sôi nổi giữa các nghị phụ là việc tái phục hồi chức Phó tế vĩnh viễn như trong thời Giáo Hội khai sinh. Ở đây uy tín mục vụ của Ðức Tổng Giám Mục Lima Giáo chủ Peru, Ðức Cha Juan Landaszuri Ricketts, dòng Phanxico, đã khiến cho phần lớn các nghị phụ chấp nhận tài liệu. Các Giám Mục châu Mỹ Latinh cũng đóng góp nhiều cho đề tài Giàm Mục đoàn.
Hỏi: Ðức Hồng Y có nhớ xảy ra vụ đụng độ nào giữa các nghị phụ hay không?
Ðáp: Mặc dù Ðức Giào Hoàng Phaolo VI đã cố gắng để đi đến chỗ đồng nhất bỏ phiếu cho các tài liệu, nhưng đã luôn luôn xảy ra các vụ đụng độ liên quan tới các từ hay các định nghĩa nhỏ. Bầu khí trở thành sôi bỏng, chẳng hạn như lần Ðức Hồng Y Joseph Frings của tổng giáo phận Koeln tố cáo Thánh Văn Phòng, tức Bộ Giáo Lý Ðức Tin, là quá bàn giấy rườm rà và độc quyền liên quan tới các công việc của Công Ðồng. Ðó đã là bài phát biểu rất mạnh mẽ chống lại Ðức Hồng Y Ottaviani. Ðức Hồng Y Ottaviani đã rất xúc động và đã trả lời, nhưng không được hữu hiệu và hùng hồn bằng vị Hồng Y Ðức.
Hỏi: Thế các đung độ và các tranh luận ấy có ảnh hường gì trên việc soạn thảo các tài liệu quan trọng của Công Ðòng không thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Việc xảy ra các đụng độ và các tranh luận giữa các nghị phụ không phải là một bí mật gì. Ðặc biệt khi liên quan tới các đề tài tế nhị và định đoạt như đối thoại đại kết hay đối thoại với các tôn giáo không kitô với tài liệu Nostra Aetate. Người ta nhận ra ngay hai khuynh hướng bảo thủ và cởi mở, bào thủ như Ðức Cha Ernesto Ruffini và cởi mở như Ðức Cha Agostino Bea. Nhưng Công Ðồng đã thực sự bị chia rẽ hay rách nát trong việc soạn thảo tài liệu Dignitatis Humanae. Có những vị mạnh mẽ bênh vực tự do tôn giáo, điển hình như Ðức Tổng Giám Mục Chicago Albert Gregory Meyer, qua đời khi Công Ðồng kết thúc. Rồi tôi không thể quên sự kiên nhẫn vô bờ của Ðức Tổng Giám Mục Bruges Emiel Joseph De Smedt để có thể đi đến một lược đồ được giàn xếp khiến cho các nghị phụ hay tranh luận nhất là các nghị phụ Tây Ban Nha và Italia cũng phải chấp nhận. Vụ này cũng khiến cho tôi tận mắt chứng kiến và khâm phục tài ngoại giao khéo léo của vị thư ký Công Ðồng là Ðức Cha Pericle Felici, người Ý.
Hỏi: Có người cho rằng văn bản bị các nghị phụ đưa ra nhiều nhận định và lắm lúc bị chỉ trich nhiều nhất là Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, có đúng thế không thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Trong khi soạn thảo tài liệu, vài Giám Mục Argentina và cả chính tôi nữa, chúng tôi lo lắng vì sự kiện văn bản không chú ý đủ tới sự dữ, tội lỗi và sự hiện diện của ma quỷ trong thế giới. Vài nhận xét của chúng tôi đã được tiếp nhận và đưa vào trong văn bản. Người ta đã nhận ra, nhất là trong giai đoạn sau công đồng, sự lạc quan quá đáng mà tài liệu đề nghị với các tín hữu, khi không nhấn mạnh trên các quấy phá của sự dữ và nhiều điều không trong sáng. Ðiều khiến cho tôi chú ý đó là các phê bình của ghế giới tin lành, mà tôi thường xuyên tiếp xúc. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của một người bạn Methodist: “Văn bản này có quá nhiều rộng mở và quá nhiều lạc quan”. Trong văn bản này thiếu thần học gia Karl Barth”. Cho đến nay đề tài vẫn còn là đối tượng chú ý của nhiều thần học gia.
Hỏi: Trong thời công đồng Ðức Hồng Y cũng gặp lại bạn hoc cũ tại đại học giáo hoàng Angelicum là Ðức Cha Karol Wojtyla. Ðức Hồng Y có kỷ niệm nào về ngài?
Ðáp: Tôi nhớ ngài đã là vị Giám Mục phụ tá Cracovia, và là gương mặt nổi bật trong Công Ðồng. Và tôi nhớ là các phát biểu của ngài trong ủy ban thu hẹp họp tại Ariccia để soạn thảo văn bản của tài liệu Gaudium et Spes tương lai đã được tiếp nhận. Tôi đã ghi chép những gì ngài nói. Tôi nhớ ngài là vị Giám Mục đầu tiên nói rằng Công Ðồng phải chú ý tới giới trẻ của các thế hệ sẽ đến sau. Từ trực giác này tôi nghĩ rằng ngài đã chuẩn bị cho các Ngày quốc tế giới trẻ sau này, khi ngài lên làm Giáo Hoàng. Tôi có gặp lại ngài trong một phiên họp khoáng đại của Văn phòng thư ký hiệp nhất các tín hữu kitô, ít lâu sau khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Và ngài chào tôi như sau: “Ðây là ông bạn thời đại học của tôi, là người biết thần học của thánh Toma nhiều hơn tôi”. Tôi đỏ mặt vì mắc cỡ. Và tôi nhớ là Ðức Gioan Phaolo II tiếp tục gọi tên rửa tội của tôi là Jorge, cả khi ngài đặt tôi làm Hồng Y. Và tôi nhớ là tình bạn của chúng tôi đã không hề thay đổi, cả khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng.
Hỏi: Ngày nay có người chủ trương gạt bỏ Công Ðồng Chung Vatican II ra một bên. Riêng Ðức Hòng Y thì Ðức Hồng Y nghĩ sao?
Ðáp: Tôi lấy lại bài diễn văn của Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XVI nói hồi tháng 12 năm 2005 và kiểu đọc Công Ðồng của ngài: Công Ðồng Chung Vatican II là một viên đá đánh dấu huấn quyền chính thức của Giáo Hội và cũng có gia trị như của Công Ðồng Chung Vatican I, Công Ðồng Chung Ephexo hay các Công Ðồng Chung khác do các Giao Hoàng triệu tập. Nó đã là một biến cố thuộc truyền thống của Giáo Hội và mỗi một văn bản, tuyên ngôn hay hiến chế của nó đều mời gọi chúng ta khám phá ra gương mặt thật của Giáo Hội. Một biến cố vẫn còn có tất cả tầm quan trọng ngôn sứ của nó đối với các tín hữu và thế giới ngày nay.
(Avvenire 9-5-2012)

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

 

Một vài kỷ niệm về
Công Ðồng Chung Vaticăng II

Một vài kỷ niệm về Công Ðồng Chung Vaticăng II.
Roma (Avvenire 25-04-2012; Vat. 4-09-2012) – Phỏng vấn Ðức Hồng Y Georges Cottier, dòng Ða Minh, nguyên thần học gia Phủ Giáo Hoàng.
Ngày 11 tháng 10 năm 2012 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI sẽ chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Ðức Tin. Ðây cũng là địp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Ðồng Chung Vaticăng II và 20 năm công bố Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Georges Cottier, 90 tuổi người Thụy Sĩ, thuộc dòng Ða Minh, nguyên thần học gia Phủ Giáo Hoàng.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, hồi khai mở Công Ðồng Chung Vaticăng II Ðức Hồng Y đã là một linh mục trẻ, mà Ðức Cha Charles Provenchères chọn như thần học gia riêng theo người tham dự Công Ðồng trong khóa họp thứ hai. Ðức Hồng Y đã có kỷ niệm nào về việc Ðức Roncali được bầu làm Giáo Hoàng?
Ðáp: Thành thật mà nói, tôi đã ngạc nhiên và hơi bị đảo lộn một chút về việc lựa chọn một vị Hồng Y già nua như thế làm Giáo Hoàng. Vài môi trường đối kháng đã không đánh giá cao Ðức Roncali trong các năm người làm sứ Thần Tòa Thánh tại Paris. Nhưng qúy vị có thấy người ta dễ lầm lẫn chừng nào không! Nhưng ngay từ diễn văn đầu của người tôi đã nghĩ “Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu với con người này”, và tôi đã nghĩ tới các mầm giống của các năm trước khi bắt đầu Công Ðồng Chung. Nhất là người ta hít thở bầu khí ước mong có các thay đổi, đặc biệt là giữa các thần học gia không Roma.
Như là tu sĩ Ða Minh tôi đã chuẩn bị từ lâu trước, tìm cách trả lời cho các ước mong mà tôi nghe nói tới. Việc đào tạo của tôi đã gắn liền tôi với các Tiểu Ðệ Chúa Giêsu, một cách đặc biệt với linh mục Jacques Loew, cũng dòng Ða Minh và là linh muc thợ tại bến cảng Marseilles. Cha là một tu sĩ được qúy trọng bởi cả một người rất nghiêm khắc như Ðức Hồng Y Alfredo Ottoviani. Với cha, trong một căn nhà ván trên núi Alpes, chúng tôi đã cùng viết bản thảo của một cuốn sách nói về các thách đố mà Công Ðồng sẽ phải tiếp nhận. Và theo tôi cuốn sách này ngày nay vẫn còn thời sự và đã có một sự thành công kín đáo. Nó có tựa đề là “Năng động của đức tin và sự không tin”.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y có kỷ niệm gì về ủy ban chuẩn bị và khóa họp thứ nhất của Công Ðồng Chung Vaticăng II không?
Ðáp: Tôi nhớ rằng tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi sự kiện hai thần học gia Congar và De Lubac được chỉ định làm thành viên của ủy ban thần học. Công Ðồng Chung đã có thể tự giới thiệu như là một cơ may rất lớn cho Giáo Hội, nhưng không ai biết nó sẽ phát triển ra sao. Cũng đã có nguy cơ di chuyển trong một chân trời thu hẹp. Ðức cha De Provenchères có trong tay tất cả các lược đồ thần học của các đại học giáo hoàng Roma. Nhưng rất tiếc chúng là các lược đồ cổ điển, không biết tới nhiều vấn đề mới mẻ rất được thảo luận trong Giáo Hội thời đó. Tôi nhớ là tôi đã thảo luận với Ðức Hồng Y Charles Journet về văn bản liên quan tới sự Mạc Khải, và chúng tôi đều có cảm tưởng là nó thiếu hơi thở. Tôi nghiên cứu tất cả chất liệu ấy, kể cả các nhận xét dĩ nhiên là viết bằng tiếng Latinh.
Hỏi: Ðó là tình trang của tháng 10 năm 1962 xa xưa ấy, nhưng rồi Công Ðồng được khai thông, nhờ “cuộc nổi loạn” của các Giám Mục không chấp nhận các lược đồ do Giáo Triều Roma dọn sẵn, có đúng vậy không thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Vâng, thật đúng như thế. Nhờ phản ứng của nhiều Giám Mục Bỉ, Pháp, và Ðức, và đặc biệt là của Ðức Hồng Y Achile Liénart, sự áp đặt của Giáo Triều Roma muốn bỏ phiếu các danh sách dọn sẵn trong việc chọn thành viên của các ủy ban đã bị các nghị phụ khước từ. Các Giám Mục yêu cầu để cho các vị có thời gian làm quen với nhau trước và hiểu biết nhau hơn. Lời yêu cầu được chấp nhận. Và điều này đã đả thông các sự việc. Hồi đó đã có rất nhiều cấm đoán giữa các Giám Mục. Cả Ðức Cha De Provenchères là một người thực sự của Thiên Chúa, cũng đã bị Giáo Triều Roma can thiệp vì một cuốn giáo lý công giáo Pháp. Rất nhiều văn bản được soạn trước đã bị gạt ra ngoài lề, và như thế đã là điều tốt hơn, trong khi Công Ðồng chú trọng vào một số đề tài nòng cốt đối với Giáo Hội.
Hỏi: Ðức Hồng Y đã tham dự việc soạn thảo một tài liệu đã gây tranh luận sôi nổi đó là tuyên ngôn “Dignitatis Humanae” Nhân phẩm con người. Tại sao việc soạn thảo lại đã vất vả như vậy thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Ðây đã là một văn kiện bị chống đối nhất của Công Ðồng. Nhưng nó đã được đại đa số các nghị phụ chấp nhận, mặc dù có sự chống đối quyết liệt của Ðức Cha Marcel Lefèvre. Tôi phải công nhận rằng vào thời đó Ðức Cha không xem ra là một vị lãnh đạo: người hoạt động dưới bóng của Ðức Cha Luigi Carli, Giám Mục Segni, một vị Giám Mục tranh luận rất hăng hái và chống lại tính cách giám mục đoàn. Tôi nhớ là Ðức Cha Carli nói một thứ tiếng latinh rất là hay đẹp, và đồng điệu với Ðức Hồng Y Ottaviani là người minh xác tư tưởng của người, nhưng sau cùng Ðức Cha không chống lại Ðức Giáo Hoàng. Vị đã nắm giữ vai trò chìa khóa trong việc soạn thảo tài liệu “Dignitatis Humanae” là linh mục John Courtney Murray, người Mỹ, dòng Tên. Vì đến từ một nước trong đó tín hữu công giáo chỉ là thiểu số so với các tín hữu tin lành, nên cha là người thích hợp hơn để giải thích đề tài tự do tôn giáo. Các Giám Mục Hoa Kỳ đã chứng minh rằng tự do không phải là một vũ khí chống lại tôn giáo, trong khi người âu châu chúng ta đã luôn luôn có mô thức của Kitô giáo như là quốc giáo. Tôi nhớ là cha Jean Danielou đã yêu cầu tôi viết vài bài đăng trên nguyêt san “Nghiên cứu” của các cha dòng Tên Pháp về vấn đề hóc búa gây tranh cãi này giữa các Nghi Phụ Công Ðồng.
Hỏi: Ảnh hưởng đang lên của Ðức Hồng Y Journet liên quan tới tuyên ngôn này đã thực sự đáng kể, có đúng thế không thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Ðức Hồng Y Journet đã rất ủng hộ tài liệu này và thảo luận rất nhiều với triết gia Jacques Maritain, và cả hai đều đồng có cùng quan điểm về vấn đề này. Rất may là nhờ Ðức Hồng Y Journet mới được thăng Hồng Y mà tôi đã tháp tùng trong tư cách là chuyên viên trong khóa họp thứ tư, mà Công Ðồng đã hiểu rằng sự thật chắc chắn có các quyền của nó, nhưng con người, mỗi bản vị con người còn có các quyền nền tảng hơn nữa: chính con người kiếm tìm chân lý và có bổn phận phải chấp nhận chân lý khi tìm ra nó. Nhưng nó là một bổn phận trước mắt Thiên Chúa, chứ không phải trước mặt nhà nước. Ðức Hồng Y Journet đã đưa ra các giải thích quan trọng về tất cả những điều này. Ðức Hồng Y đã nổi tiếng là một chuyên gia lớn về thần học của thánh Toma, một thần học gia cổ điển. Sự kiện người ủng hộ tài liệu này đã cho phép nhiều Giám Mục bảo thủ yên tâm và chấp nhận văn bản chung kết.
Hỏi: Trong số các thần học gia tên tuổi thời Công Ðồng đâu đã là các cuộc gặp gỡ gây ấn tượng nhất đối với Ðức Hồng Y?
Ðáp: Chắc chắn là sự chăm chỉ của cha Yves Marie Congar, nhưng quan niệm thần học và giáo hội học của người khác với quan niệm của cha Jean Danielou đã đánh động tôi rất nhiều. Chẳng hạn như tôi đã rất bị ấn tượng khi thấy cha Gérard Philips, người Bỉ, vất vả soạn các bản thảo và lược đồ của tài liệu Lumen Gentium. Thế rồi còn có trí thông minh và tính cuồng nhiệt như núi lửa của cha Karl Rahner, mà theo tôi ngay từ hồi đó đã manh nha có vài chỉ trích đối với Giáo Hội, và các chỉ trích này sẽ trở thành cụ thể thời hậu công đồng. Thế rồi tôi còn giữ một kỷ niệm rất đẹp về cha Giuseppe Dossetti. Tôi nhận thấy nơi cha một tâm hồn rất thiêng liêng, vì cha đã có kinh nghiệm đối với Quốc hội lập hiến Italia. Nhưng chúng tôi rất hiểu nhau.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, có một tài liệu khác chắc chắn còn ghi khắc trong tim Ðức Hồng Y đó là tuyên ngôn “Nostra Aetate”. Do lời yêu cầu của cha Yves Congar, năm 1966 Ðức Hồng Y sẽ viết một cuốn chủ giải tài liệu này. Nó đã có ý nghĩa nào đối với Ðức Hồng Y?
Ðáp: Ðối với tôi đó đã là một trong các trang đẹp nhất của Công Ðồng Chung Vaticăng II. Tôi đã say mê nghiên cứu các tôn giáo không Kitô. Thế rồi tài liệu này nảy sinh từ một trực giác lớn, từ cuộc gặp gỡ của Ðức Gioan XXIII với sử gia Pháp gốc do thái Jules Isaac. Một trong những người cổ võ và hoạt động ngầm bên dưới là Ðức Cha Provenchères, vì triết gia Jules Isaac sống trong giáo phận của người. Ðây là một cuộc tiếp kiến sẽ đánh dấu một khúc rẽ thần học: Ông Isaac trình lên Ðức Gioan XXIII một tài liệu các tìm kiếm ông đã hoàn thành trong các năm sau đệ nhị thế chiến, về các gốc rễ của khuynh hướng bài do thái; với hy vọng là các tài liệu đó có thể thúc đẩy Công Ðồng tương lai thay đổi thái độ của Giáo Hội đối với Do thái giáo. Cuộc gặp gỡ đó đã là một khởi đầu mới đối với các liện hệ giữa các tín hữu do thái và các tín hữu Kitô, sẽ được đóng ấn bởi việc công bố tuyên ngôn “Nostra Aetate” về các liên lạc với các tôn giáo không Kitô.
Hỏi: Tài liệu này cũng đã gặp rất nhiều vất vả trong việc soạn thảo, có đúng thế không thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Vâng, qủa đúng như vậy. Người ta chiến đấu với từng từ một. Văn bản thứ nhất nói rằng “Giáo Hội “lên án và than phiền” về mọi hình thức bài do thái. Sau cùng thì từ “lên án” sẽ biến mất khỏi tuyên ngôn chung kết. Công Ðồng đã đi đến việc giàn xếp này để không gây khó chịu cho các Giáo Hội nhỏ vùng Trung Ðông, vì theo họ, việc công khai lên án khuynh hướng bài Do thái có nghĩa là ngấm ngầm thừa nhận nước Israel. Tôi nhớ sự đắng cay của các vị như Maritain, Congar và Journet, vì đã không đi tới một sự kết án rõ ràng hơn. Nhưng chắc chắn đó đã là một thành công đối với những ngươi chủ trương đối thoại với Do thái giáo, đứng đầu là Ðức Hồng Y Agostino Bea. Tuyên ngôn Nostra Aetate đã là viên đá đầu tiên trong cuộc đối thoại liên tôn, và nếu không có tài liệu này thì đã không có biến cố liên tôn cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi hồi năm 1986.
Hỏi: Ðức Hồng Y đã luôn luôn chủ trương rằng tinh thần lớn lao của Công Ðồng Chung Vaticăng II đã có vị đạo diễn chính là Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI. Ðức Hồng Y có thể cho biết lý do tại sao không?
Ðáp: Tôi tin rằng nhất là bởi vì cung cách Ðức Phaolô VI đã hướng dẫn các cuộc họp. Ðã không có ai trong những nghị phụ bảo thủ cũng như canh tân đã có thể cho thấy các cử chỉ thiên vị nơi Phaolô VI. Thế rồi còn có sự lựa chọn của Ðức Phaolô VI trong việc làm lắng dịu các cuộc thảo luận sôi nổi nhất, chẳng hạn như liên quan tới giám mục đoàn và quyền tối thượng của ngai tòa Phêrô. Với tài liệu nổi tiếng Nota Praevia mà Ðức Phaolô VI đã ban hành và cống hiến một sự giải thích có uy tín vả đúng đắn nhất liên quan tới đề tài được thảo luận. Tôi tin rằng người đã dạy cho tất cả các Nghị Phụ ý thức về một giám mục đoàn sống động bắng cách trực giác trước các vị khác rằng Công Ðồng không phải là một cuộc họp quốc hội.
(Avvenire 25-4-2012)

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

 

 

Giá Trị Vĩnh Viễn Của
Tuyên Ngôn Nostra Aetate
Diễn Văn Của Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh
Cổ Võ Sự Hiệp Nhất Các Kitô hữu

Giá Trị Vĩnh Viễn Của Tuyên Ngôn Nostra Aetate – Diễn Văn Của Chủ Tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Cổ Võ Sự Hiệp Nhất Các Kitô hữu.
Roma (Vat. 9/11/2012) – Trong những cuộc thảo luận gần đây về khả năng đón nhận trở lại Huynh Ðoàn Thánh Pio 10 vào Giáo hội Công Giáo Roma đã nảy sinh một vài vấn nạn, không chỉ liên quan đến người Do Thái, về tầm quan trọng và giá trị của Tuyên Ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo – Nostra Aetate (số 4). Người Do thái lo ngại rằng, ngang qua một loạt hành động tái hiệp thông của một số linh mục và tín hữu vốn có theo khuynh hướng bài Do thái giáo và từ chối tuyên ngôn về Nostra Aetate, Giáo hội Công Giáo có thể đương đầu với một hướng đi mới trong việc đối thoại với Do thái giáo hay ít nhất điều này cũng cho thấy rằng đối với Giáo hội Công Giáo tầm quan trọng của Tuyên Ngôn này chỉ là tương đối. Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo đôi lúc đã nói rằng Công Ðồng Vaticano II đã đưa ra một sự phân biệt về các bản văn của mình, một sự phân biệt giữa Hiến Chế, Sắc Lệnh và Tuyên Ngôn, và rằng Nostra Aetate chỉ là một Tuyên Ngôn và có một tầm quan trọng thứ yếu và tính cách bắt buộc của nó có thể được cân nhắc trong mối liên hệ với các bản văn khác.
Trước vấn đề này, Ðức Thánh Cha đã ủy thác cho tôi trình bày vấn nạn này trong một cách thức cụ thể: Nostra Aetate không hề bị đặt lại bởi Huấn quyền của Giáo Hội, như chính Ðức Thánh Cha đã minh chứng trong các bài nói chuyện, các bài viết và các cử chỉ của ngài khi gặp gỡ người Do Thái. Một sự xích lại gần hơn với Huynh đoàn Thánh Pio không có nghĩa là chấp nhận và ủng hộ lập trường của họ. Chắc chắn rằng về hình thức, chúng ta có thể đưa ra một sự phân biệt giữa các bản văn khác nhau của Công Ðồng; tuy nhiên, xét về mặt nội dung thì chúng là một thể thống nhất không thể tách rời hay không thể đối chọi nhau.
Do đó, Nostra Aetate không thể được xem như một thiên thể độc lập, rơi trực tiếp từ trời xuống và không có sự liên hệ nào với các bản văn khác của Công Ðồng. Vì thế, khởi đầu triều đại Giáo Hoàng của mình, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã xóa tan mọi nghi vấn bằng cách đồng ý hoàn toàn với Công Ðồng và các tài liệu của Công Ðồng trong một cái nhìn thống nhất. Khi trình bày về một phương pháp chú giải các bản văn của Công Ðồng, ngài đã diễn tả rõ quan điểm này trong bài nói chuyện nổi tiếng của mình trước Giáo Triều Roma trong dịp mừng lễ Giáng Sinh năm 2005.
Nostra Aetate được xem là “tài liệu nền tảng” và là “Magna charta” (tài liệu quan trọng) trong cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công Giáo Rôma và Do thái giáo. Tuyên ngôn này bắt đầu với việc phản tỉnh về mầu nhiệm và sứ vụ của Giáo hội trong lịch sử cứu độ và cũng nhắc nhớ về mối dây hiệp thông sâu sắc nối kết dân của Tân Ước với con cháu Abraham. Tuyên ngôn này nói rõ về thái độ cần phải tránh khi đối xử với người Do thái, đó là thái độ khinh khi, hạ giá và xúc phạm. Hơn nữa, Tuyên ngôn này cũng minh nhiên nhấn mạnh về nguồn gốc Do thái của Kitô giáo và đã nỗ lực để đánh đổ những kết án dành cho người Do thái diễn ra ở nhiều nơi trong nhiều thế kỷ qua. Về phần mình, người Do thái đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Giáo Hội Công Giáo ngang qua tài liệu này đã chống lại mọi hình thức bài Do Thái. Do đó, họ tiếp tục được an ủi và hi vọng về khả năng Giáo hội Công giáo sẽ là một đồng minh đáng tin cậy trong trận chiến chống lại phong trào bài Do thái vốn chưa thể loại trừ trong thế giới hôm nay.
Những chất liệu hình thành nên bản dự thảo của tuyên ngôn Nostra Aetate có thể được tổng kết ở ba điểm sau: một sự phản tỉnh về lương tâm Kitô giáo sau thảm họa Holocaust, sự phát triển của khoa học Kinh Thánh cho đến Công Ðồng Vaticano II và cuối cùng là sự thành lập nhà nước Israel vào năm 1948. Trong bối cảnh Kitô giáo, thì những hậu quả mà con người phải đối diện trong thảm họa Holocaust chính là yếu tố quyết định thúc đẩy Giáo hội soạn thảo bản văn này. Một yếu tố khác đóng vai trò không nhỏ liên quan đến yếu tố chính trị và thực tiễn đó là sự ra đời của nhà nước Israel. Sau khi nhà nước này được thành lập, Giáo Hội Công Giáo đã có thể hiện diện ở Ðất Thánh và đã thi hành đời sống mục vụ của mình trong một đất nước vốn được xem là quốc gia của Do thái Giáo. Khi xem xét đến những nguyên lý thần học được tìm thấy trong Nostra Aetate như là một cấu trúc nền tảng chúng ta cần lưu ý rằng, trong những nghiên cứu Kinh thánh trước Công Ðồng, hình ảnh của Ðức Giêsu Nadaret đã bắt đầu được xem xét nhiều hơn trong bối cảnh của Do thái giáo trong thời đó. Do đó, Tân Ước đã được xem xét trong bối cảnh của các truyền thống của Do thái và Ðức Giêsu được xem là một người Do thái trong thời đại của Ngài và tuân theo những truyền thống này.
Khi phản tỉnh về những ảnh hưởng của các tài liệu Công Ðồng Vaticano II, chúng ta không e ngại để xác nhận rằng Nostra Aetate là một tài liệu quan trọng giữa các tài liệu này và nó đóng góp một phần quan trọng và đưa ra một định hướng nền tảng cho Giáo hội Công Giáo sau công đồng. Sự tôn trọng dành cho người Do Thái được diễn tả trong Tuyên Ngôn này đã giúp hai bên chuyển từ thái độ nghi kỵ lẫn nhau trong nhiều thế kỷ sang thái độ sang thái độ hợp tác, hai bên đã trở thành đối tác đáng tin cậy của nhau và thậm chí là thành những người bạn thân để có thể cùng nhau đối diện với những khủng hoảng và vượt qua những xung đột trong một cách thế tích cực.
Trong cuộc đối thoại với Do thái giáo, khởi đầu triều đại Giáo Hoàng của mình, Ðức Thánh Cha Biển Ðức đã nhấn mạnh rằng, theo bước chân người tiềm nhiệm, ngài không chỉ ước mong phát triển mà còn tăng cường mối liên hệ với những người Do thái. Ðiều này thì không thể nghi ngờ vì những nỗ lực của Ðức Gioan Phaolo II trong việc đối thoại giữa Công Giáo và Do thái thì được đảm bảo và được xây dựng trên Ủy Ban Giáo Lý Ðức Tin do hồng Y Ratzinger làm bộ trưởng. Với tư cách là một nhà nghiên cứu Kinh Thánh, ngang qua việc nghiên cứu Cựu Ước và Tân Ước, hồng Y Ratzinger đã xây dựng những mối tương quan thắm thiết với người Do thái; và ngài cũng đã tăng cường các mối tương quan cá nhân với người Do thái trong thời gian ngài ở Roma. Quan điểm nền tảng thần học của Ratzinger dựa trên niềm xác tín cho rằng Kinh thánh chỉ có thể được hiểu một cách đích thực khi xem nó là cuốn sách duy nhất; và do đó, “concordia testamentorum” (sự hoà hợp giữa các bản văn Kinh Thánh) là một một yếu tố thiết yếu để giải thích đúng đắn sứ điệp Kinh thánh về cứu độ.
Trong ánh sáng của những niềm xác tín này, ta không lấy làm ngạc nhiên khi Ðức Thánh Cha gánh vác sứ mạng hòa giải đã được bắt đầu bởi vị tiền nhiệm của mình trong công cuộc đối thoại giữa Công giáo và Do thái. Ngài không chỉ gửi đến vị Trưởng Hội Ðường Do thái giáo ở Roma trong là thư đầu tiên trong triều đại của ngài mà còn tái xác nhận điều này trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với vị ủy viên của người Do thái vào ngày 9 tháng 7 năm 2005. Giáo hội Công giáo đang bước những bước đi vững chắc dựa trên những nguyên lý được thiết lập bởi Nostra Aetate; và tiếp bước vị tiền nhiệm của mình, Ðức Thánh Cha chắn chắn sẽ tiếp tục cuộc đối thoại này.

Nguyễn Minh Triệu sj
(Radio Vatican)

Tuyên ngôn Nostra Aetate
về Ðối Thoại giữa Công Giáo
và các tôn giáo ngoài kitô giáo
vẫn giữ nguyên vẹn giá trị

Tuyên ngôn Nostra Aetate, về Ðối Thoại giữa Công Giáo và các tôn giáo ngoài kitô giáo, vẫn giữ nguyên vẹn giá trị.
Roma (WHÐ. 16-01-2013) – “Về Tuyên ngôn Nostra Aetate, Giáo Hội sẽ không đặt vấn đề xét lại bởi làm gì có chuyện xét lại Công đồng. Ðó là điều không thể tưởng tượng nổi. Ðức Thánh Cha không thể khước từ quyền giáo huấn của mình”.
Ðức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, kiêm Chủ tịch Ủy ban Liên lạc với Do Thái giáo, đã phát biểu như trên khi được Cơ quan thông tin tôn giáo SIR đặt câu hỏi vào hôm trước khi diễn ra Ngày Ðối thoại Do Thái – Kitô giáo được tổ chức trên khắp Italia ngày 17 tháng 01 năm 2013.
Như vậy, vị Hồng y người Thụy Sĩ này đã trả lời một cách rõ ràng trước những “mối quan ngại” liên quan đến cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và các thành viên Huynh đoàn Thánh Piô X.
Ðức hồng y tuyên bố: “Do Thái là anh em của chúng ta. Ðó là những người anh: theo quan điểm của Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI về sự hiệp nhất giữa hai Giao ước, chúng ta có mối liên hệ không gì chia cắt được với các tín đồ Do Thái giáo. Ðây chính là quan điểm đặt mọi việc dưới ánh sáng Tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng Vatican II. Trong Giáo hội Công giáo hiện nay, Tuyên ngôn này còn nguyên vẹn giá trị. Chỉ có nhóm theo khuynh hướng Lefebvre là không chấp nhận và cũng chẳng chấp nhận việc đối thoại đại kết, quan hệ với Do Thái giáo và tự do tôn giáo. Ðó lại là những điểm chính trong giáo huấn của Ðức Thánh Cha và nếu một nhóm nào không công nhận Công đồng, không chấp nhận Huấn quyền, thì phải tự hỏi liệu mình có thể được coi là Công giáo hay không. Vấn đề cơ bản là như thế”.
Tiếp đó Ðức hồng y Koch đã nhắc lại tuyên bố của cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, về phát biểu của Giám mục Fellay (thuộc Huynh đoàn Thánh Piô X): “Mọi hình thức bài Do Thái đều là hành động phi-Kitô giáo và Giáo hội Công giáo phải đem hết sức đấu tranh với hiện tượng này”.
Cũng cần nhắc lại: Tuyên ngôn Nostra Aetate, tức Tuyên ngôn của Công đồng Vatican II về liên lạc của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, được các nghị phụ Công đồng biểu quyết thông qua ngày 15-10-1965 và được Ðức giáo hoàng Phaolô VI ký ban hành và công bố ngày 28 tháng 10 năm 1965, hai tháng trước khi bế mạc Công đồng Vatican II.

(Thành Thi)

 

Tương quan chặt chẽ giữa
Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật

Tương quan chặt chẽ giữa Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật.
Vatican (WHÐ. 25-01-2013; VIS, 22-01-2013) – Hôm 22 tháng 01 năm 2013, tại Văn phòng báo chí Tòa Thánh, Hội đồng Tòa Thánh về Giải thích Văn bản Pháp luật đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Ngày Học hỏi “Giáo luật: Cuộc cải cách được Công đồng mong muốn và yêu cầu” (diễn ra ngày hôm 25 tháng 01 năm 2013, tại Hội trường Piô X, Roma), đánh dấu kỷ niệm 30 năm ban hành Bộ Giáo Luật. Ngày Học hỏi do Hội đồng Tòa Thánh về Giải thích Văn bản Pháp luật và Viện Quốc tế về Giáo luật và Tôn giáo Ðối chiếu tại Lugano, Thụy Sĩ , đồng tổ chức; và được Quỹ Joseph Ratzinger (Bênêđictô XVI) của Tòa Thánh và Quỹ Gioan Phaolô II, đồng tài trợ. Tham gia họp báo có Ðức hồng y Francesco Coccopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Giải thích Văn bản Pháp luật, Ðức giám mục Juan Ignacio Arrieta, Thư ký Hội đồng, và Ðức ông Giuseppe Antonio Scotti, Chủ tịch Quỹ Joseph Ratzinger.
Mở đầu, Ðức hồng y Coccopalmerio nhắc lại rằng Chân phước Gioan XXIII, trong diễn văn triệu tập Công đồng Vatican II vào năm 1959, đã giải thích rằng về lĩnh vực luật, Công đồng phải hoàn tất bản duyệt lại Bộ Giáo luật 1917 đang được chờ đợi. “Với tầm nhìn rộng, Ðức giáo hoàng đã nhìn thấy rõ ràng rằng việc sửa đổi Bộ Giáo luật phải được hướng dẫn bởi nền Giáo hội học mới, phát sinh từ một Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu và đại kết như Công đồng”. Chân phước Gioan Phaolô II, mà Bộ Giáo luật được ban hành trong triều giáo hoàng của ngài, cũng lặp lại rằng “rõ ràng cơ cấu Giáo hội học của Công đồng, đòi hỏi phải có một công thức mới cho luật lệ của Giáo hội”.
Như Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh khi mở đầu Tông hiến Sacrae disciplinae leges (Các luật lệ của kỷ luật thánh), lý do của mối tương quan chặt chẽ giữa Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật là: Bộ luật 1983 là đỉnh điểm của Vatican II… theo hai cách: một mặt, nó đón nhận Công đồng, long trọng tái đề nghị những thể chế cơ bản và những đổi mới chính yếu, và mặt khác, nó xây dựng các quy chuẩn tích cực để thực thi Công đồng.
Sau đó Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Giải thích Văn bản pháp luật đã đưa ra các ví dụ cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật.
Ðầu tiên là giáo thuyết về chức giám mục và mối quan hệ giữa các giám mục và giáo hoàng, tức là tính hiệp đoàn giám mục. Ðây không phải hoàn toàn là giáo thuyết mới về ý thức sâu xa về Giáo hội nhưng đúng hơn là một khám phá tuyệt diệu. Trước hết, Bộ Giáo luật, tại các khoản 330-341, trình bày giáo thuyết này một cách rõ ràng, và thứ hai, tại các khoản 342-348, bằng quan điểm tích cực, trình bày thêm về cơ cấu của Thượng Hội đồng Giám mục, giúp cho cơ cấu của tính hiệp đoàn giám mục được thực thi một cách hiệu quả.
Ví dụ thứ hai là “giáo huấn của Công đồng về giáo dân và do đó, về nhiệm vụ tích cực và thích hợp của các tín hữu giáo dân trong đời sống Giáo hội. Một lần nữa, điều này không phải là hoàn toàn mới, nhưng là một tái khám phá… qua một loạt các quy định… liên quan đến Hội đồng mục vụ giáo phận… hoặc Hội đồng mục vụ giáo xứ. Ðó là những cơ cấu cho phép người tín hữu tham gia một cách hiệu quả vào các quyết định mục vụ của giám mục hay vị mục tử. Sự đổi mới này cũng là tiếng nói hùng hồn về mối tương quan giữa Công đồng và Bộ Giáo luật.
Ví dụ thứ ba là quan niệm về giáo xứ như Công đồng đã trình bày và Bộ Giáo luật đã áp dụng. Về cơ bản, Công đồng quan niệm giáo xứ là một cộng đồng tín hữu, chứ không phải là một cấu trúc hay một địa bàn. Ðây là điều đổi mới quan trọng so với quan điểm trước đây. Bộ Giáo luật chấp nhận khái niệm này, đặc biệt là tại khoản 515, và chuẩn nhận khái niệm ấy với những quy định tích cực của các khoản tiếp theo.
Ví dụ cuối cùng là về giáo thuyết và sự canh tân được Công đồng đưa ra trong lĩnh vực đại kết có trong các văn kiện Công đồng: Lumen gentium (Ánh sáng muôn dân), Orientalium Ecclesiarum (Các Giáo hội Ðông phương), và Unitatis redintegratio (Tái lập sự hợp nhất). Các văn kiện này trình bày giáo thuyết về sự hiệp thông trong Giáo hội, dù chưa trọn vẹn nhưng vẫn có thực và tồn tại giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội khác hoặc các cộng đồng ngoài Công giáo. Ðây cũng là một thực tế có rất nhiều giá trị và phạm vi đã được Công đồng và sau này Bộ Giáo luật (x. khoản 844), đề cập đến khi cho phép các Kitô hữu ngoài Công giáo, mặc dù với những điều kiện cụ thể, được nhận lãnh các bí tích của Giáo hội Công giáo.
Ðức hồng y Coccopalmerio kết thúc: “Ðể kết luận, chúng ta có thể khẳng định rằng sự kết hợp tốt đẹp giữa Công đồng Vatican II và Bộ Giáo luật, đã sinh ra hoa trái mới mẻ trong đời sống Giáo hội ở nhiều lĩnh vực và nhiều cấp độ”.

(Minh Ðức)

 

Hướng đến Nicêa 2025.
Istanbul (WHÐ 03-06-2014) – Ðức Thượng phụ Bartholomaios và Ðức giáo hoàng Phanxicô đang mời gọi các tín hữu Công giáo và Chính thống giáo hướng đến kỷ niệm 1,700 năm Công đồng Nicêa vào năm 2025 tại Nicêa – hiện nay là Iznik thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, cách Istanbul 130 km về phía đông nam. Công đồng Nicêa năm 325 là Công đồng đã công bố Kinh Tin Kính.
Mười bảy thế kỷ sau Công đồng đại kết đầu tiên Nicêa, Thượng phụ Constantinopolis và Giám mục Roma mong muốn gặp lại nhau tại Iznik để mừng kỷ niệm Công đồng hiệp nhất này.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AsiaNews của Italia, Thượng phụ Constantinopolis loan báo: “Cùng với Ðức giáo hoàng Phanxicô, chúng tôi quyết định lưu lại một di sản cho chính mình và cho những người kế nhiệm chúng tôi với cuộc gặp gỡ tại Nicêa vào năm 2025, để cùng nhau kỷ niệm Công đồng đại kết đích thực đầu tiên đã khai sinh Kinh Tin kính, sau 17 thế kỷ”.
Nicêa, Công đồng của hiệp nhất
Năm 325, Công đồng Nicêa thứ nhất đã quy tụ hơn 300 giám mục của phương Ðông và phương Tây. Công việc chủ yếu của Công đồng là soạn ra Kinh Tin kính, khẳng định Chúa Kitô đồng bản thể với Ðức Chúa Cha, để phản bác lạc giáo Arianô.
Ðức Thượng phụ Bartholomaios đã cầu nguyện với Ðức giáo hoàng Phanxicô tại Mộ thánh Chúa Kitô hôm Chúa nhật 25-05 vừa qua trong Nhà thờ Mộ Thánh, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Ðức Thượng phụ Athenagoras và Ðức giáo hoàng Phaolô VI tại Jerusalem. Nhân dịp này các ngài đã ký một tuyên bố chung khẳng định “tiếp tục cùng nhau hướng tới hiệp nhất”.
Ðức Thượng phụ Bartholomaios nói với AsiaNews rằng “cuộc đối thoại để hiệp nhất Công giáo và Chính thống giáo bắt đầu lại từ Jerusalem. Tại đây, vào mùa thu tới, sẽ có một cuộc gặp gỡ của Uỷ ban Hỗn hợp Công giáo-Chính thống giáo, được Ðức Thượng phụ Chính Thống Hy Lạp Theophilus III đón tiếp. Con đường còn dài, mọi người đều phải dấn thân mà không giả hình”.
Ðức Thượng phụ Bartholomaios nói tiếp: “Giêrusalem là nơi Thiên Chúa đối thoại với con người, là nơi Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể. Các vị tiền nhiệm của chúng tôi là Athenagoras và Phaolô VI đã chọn nơi này để phá tan nhiều thế kỷ im lặng giữa hai Giáo hội chị em”.
Ðức Thượng phụ nhấn mạnh: “Tôi cùng với người anh em Phanxicô bước đi nơi Thánh Ðịa này không phải với sự sợ hãi của Cleophas và Luca trên đường Emmaus, nhưng được gợi hứng từ một niềm hy vọng lớn lao, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta”.
Tín biểu Nicêa
Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo giải thích rằng “Kinh Tin kính Công đồng Nicêa – Constantinôpôli được coi trọng vì phát xuất từ hai Công đồng đầu tiên (325 và 381). Cho đến nay, bản này vẫn còn là bản chung cho tất cả các Giáo hội lớn của Phương �ông và Phương Tây” (số 195)
Số tiếp theo nói thêm, Kinh Tin kính này -bản tóm kết đức tin Kitô giáo- quan trọng ra sao đối với việc dạy giáo lý: “Sách Giáo Lý này trình bày đức tin theo Kinh Tin kính của các tông đồ, vì kinh này được kể là ‘bản giáo lý Rôma cổ xưa nhất’. Tuy nhiên, để bổ túc, chúng tôi sẽ luôn tham chiếu Kinh Tin kính của công đồng Nicêa – Constantinôpôli thường minh bạch và chi tiết hơn” (số 196).
Ðức Thượng phụ trích dẫn Thánh Ambrosiô Milanô là người đã nhìn thấy nơi tín biểu này một “kho tàng” của các Kitô hữu: “Hãy lấy đức tin mà đọc Kinh Tin kính, như thế là hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần và cũng là hiệp thông với toàn thể Hội Thánh. Hội Thánh đã truyền lại đức tin cho chúng ta và trong Hội Thánh ấy chúng ta tin rằng: ‘Kinh Tin kính này là dấu thiêng liêng, là tâm niệm của chúng ta và là điều luôn canh giữ chúng ta, chắc chắn đó là kho tàng của linh hồn chúng ta” (Thánh Ambrôsiô, symb 1. PL 17, 1155C)” (số 197).
(Zenit)

Minh Ðức

 

46 năm Thông điệp Humanae Vitae
25/07/1968 – 25/07/2014

46 năm Thông điệp Humanae Vitae 25/07/1968 – 25/07/2014.
Roma (VietCatholic News 26-07-2014) – Ðức Thánh Cha Phaolô Ðệ Lục công bố bảy thông điệp trong triều đại giáo hoàng kéo dài 15 năm của ngài.
Thông điệp cuối cùng là Humanae Vitae, có lẽ một trong những tài liệu gây tranh cãi nhất trong lịch sử gần đây của Giáo Hội.
Cha Roberto Regoli thuộc Ðại học Giáo hoàng Gregoriô nói:
“Ðối với ngài, cuộc tranh luận dữ dội về tài liệu này khiến ngài bị sửng sốt đến mức từ năm 1968 cho đến khi qua đời, ngài không công bố một thông điệp nào khác. Ngài đã viết các tài liệu khác, những tông huấn, tông thư, tông hiến, nhưng không có một thông điệp nào khác.”
Năm 1968, Hoa Kỳ và nhiều nước trong thế giới phương Tây đã trải qua những thay đổi đáng kể về phương diện văn hóa và xã hội.
Các thế hệ sinh viên mới của những năm cuối thập niên 1960 đã nổi dậy chống lại các giá trị của cha mẹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực đạo đức và tình dục.
Cha Roberto Regoli nói thêm:
“Ðức Thánh Cha Phaolô Ðệ Lục đã phải thực hiện những thay đổi sâu rộng được Công đồng Vatican II đưa ra giữa một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn, vượt ra ngoài Giáo Hội, đó là một cuộc khủng hoảng xã hội, chính trị và văn hóa.”
Ngài đã quyết định viết Humanae Vitae. Tài liệu làm sáng tỏ trách nhiệm của những bậc cha mẹ và đề cập đến các vấn đề đạo đức như việc sử dụng các biện pháp tránh thai của người Công Giáo, trong đó, Ðức Giáo Hoàng đã viết rằng ” hành động hôn nhân phải gắn liền với ý nghĩa của sự hiệp nhất và sinh sản.”
Giáo Hội đã dự kiến sẽ vấp phải những chống đối từ các thành phần không phải là người Công Giáo trong xã hội, nhưng điều gây kinh ngạc là những chống báng đã đến từ ngay cả nhiều người Công Giáo.
Cha Roberto Regoli cho biết:
“Ðó là một điều chưa từng xảy ra trong Giáo Hội. Nhiều thông điệp bị chỉ trích trong thập kỷ 1800 từ các thành phần cấp tiến, nhưng chưa bao giờ có những chống đối lan rộng bên trong Giáo Hội như vào năm 1968. Các nhà thần học, dân Chúa, và ngay cả một số giám mục từ chối Huấn Quyền của ngài.”
Trong thông điệp, Ðức Thánh Cha Phaolô Ðệ Lục đã cảnh báo về những hậu quả mà phong cách sống mới này có thể gây ra cho gia đình. Những hậu quả như ngoại tình, mất sự tôn trọng đối với phụ nữ, và các biện pháp tránh thai trở thành quốc sách của các nhà nước trên thế giới.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố tháng Ba vừa qua, Ðức Thánh Cha Phanxicô nói rằng thông điệp Humanae Vitae có tính tiên tri và Ðức Thánh Cha Phaolô Ðệ Lục đã có “can đảm đi ngược lại với đa số,” khi quyết liệt “bảo vệ kỷ luật đạo đức.”
Chủ đề của Thượng Hội Ðồng đầu tiên của Ðức Thánh Cha Phanxicô cũng là về gia đình. Và thật là một bất ngờ nho nhỏ vì ngày sau đó Ðức Giáo Hoàng Phaolô Ðệ Lục sẽ được phong chân phước vào ngày 19 tháng 10, ngày cuối cùng của Thượng Hội Ðồng.

Ðặng Tự Do

 

Kỷ niệm mười năm
Huấn thị Dignitas connubii
về tính vô hiệu của hôn nhân

Kỷ niệm mười năm Huấn thị Dignitas connubii về tính vô hiệu của hôn nhân.
Roma (WHÐ 26-01-2015) – Chiều thứ Bảy 24 tháng 01 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các tham dự viên đang tham dự Hội nghị quốc tế kỷ niệm đúng mười năm ban hành Huấn thị Dignitas connubii (Phẩm giá của hôn nhân). Huấn thị này nhằm hướng dẫn các toà án giáo phận và liên giáo phận trong việc xét xử các vụ án về tính vô hiệu của hôn nhân.
Mở đầu, Ðức Thánh Cha nói rằng con số rất đông các tham dự viên tham dự Hội nghị này chứng tỏ “lòng quảng đại của các thừa tác viên đích thực của các toà án Giáo hội đã đáp lại sứ vụ quan trọng này vì lợi ích của các linh hồn”.
Ðiều đó cũng cho thấy “tầm quan trọng của Huấn thị Dignitas connubii, vốn không dành cho các chuyên gia về luật, nhưng nhằm hướng dẫn những người làm việc tại các toà án địa phương. Thật vậy, Huấn thị này là một cẩm nang (vademecum) ngắn gọn nhưng hữu ích mà các thừa tác viên của các toà án luôn có trong tay để giúp cho việc thi hành các vụ xét xử vừa chắc chắn vừa nhanh chóng”.
“Chắc chắn, bởi vì Huấn thị nêu lên và giải thích rõ ràng mục tiêu của chính vụ án, đó là tính chắc chắn về luân lý: điều này đòi hỏi phải hoàn toàn loại bỏ mọi hồ nghi cách thận trọng rằng rõ ràng có sai lầm, ngay cả nếu chỉ là có thể có điều ngược lại cũng không được loại trừ”, Ðức Thánh Cha trích dẫn Ðiều 247, mục 2 của Huấn thị.
“Nhanh chóng vì – như kinh nghiệm chung thường dạy chúng ta – ai biết rõ đường đi thì sẽ đi nhanh hơn. Sự hiểu biết – tôi muốn nói việc sử dụng hướng dẫn này, cả trong tương lai nữa – có thể giúp các thừa tác viên toà án rút ngắn tiến trình vụ án mà các đôi vợ chồng thường cho rằng nó kéo dài và gây mệt mỏi”.
“Cho đến nay, không phải tất cả các biện pháp mà Huấn thị này đề ra để giúp tiến hành nhanh chóng các vụ án, tránh được mọi chủ nghĩa hình thức, đã được xem xét; và chúng ta cũng không loại trừ khả năng trong tương lai sẽ có thêm các văn bản luật khác nhắm đến cùng mục tiêu ấy”.
“Trong các mối quan tâm mà Huấn thị Dignitas connubii thể hiện, tôi đã nhắc đến mối quan tâm về sự đóng góp thật sự và độc đáo của người bảo hệ trong các vụ án hôn nhân. Sự tham gia và thực hiện nhiệm vụ cách trung thành của người bảo hệ không “chi phối” thẩm phán, nhưng giúp cho phán đoán của vị thẩm phán được vô tư, nhờ việc trình bày các lập luận ủng hộ và chống lại tuyên bố hôn nhân vô hiệu”.
Hội nghị Dignitas Connubii diễn ra trong ba ngày, do phân khoa giáo luật của Ðại học Giáo hoàng Gregorianô tổ chức, với sự cộng tác của Hội đồng Toà Thánh về Văn bản pháp lý và Hiệp hội quốc tế cổ võ nghiên cứu giáo luật.
Huấn thị Dignitas Connubii, được ban hành ngày 25 tháng 01 năm 2005, do Hội đồng Toà Thánh về Văn bản pháp lý soạn thảo, với sự cộng tác của các Bộ Giáo lý Ðức tin, Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, Toà Ân giải Tối cao và Toà Thượng thẩm.
Trước đó, hôm thứ Sáu 23 tháng 01 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các thẩm phán và luật sư của Toà Thượng Thẩm Rôma, nhân dịp khai mạc năm tư pháp 2015 của Toà Thượng Thẩm. Toà Thượng Thẩm là toà án phúc thẩm thông thường cao nhất trong hệ thống tư pháp của Giáo hội. Phần lớn công việc của Toà án này là phán quyết những vụ án về tính vô hiệu của hôn nhân hay “tiêu hôn”, theo cách nói thông thường.
Ngỏ lời với các thẩm phán và luật sư, Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng luật tối thượng là “salus animarum – phần rỗi các linh hồn”. Giáo hội cần có những cơ cấu pháp lý để phục vụ các tín hữu và sứ mạng rộng lớn hơn của Giáo hội, đó là giúp cả thế giới lắng nghe và sống ơn gọi nên thánh phổ quát. Ðức Thánh Cha nói: “Vì thế, tôi muốn khuyến khích anh em hãy hăng say và tận tâm hơn nữa trong sứ vụ, để bảo vệ sự hiệp nhất trong án lệ của Giáo hội.
Nhắc đến một số lớn tín hữu đang sống trong tình trạng hôn nhân bất hợp lệ, Ðức Thánh Cha kêu gọi các viên chức của Toà Thượng thẩm phải hết sức lưu tâm và bén nhạy với tầm quan trọng của lương tâm đã được huấn luyện – hoặc chưa – về bản chất và mục đích của hôn nhân, và những phương cách mà trong đó lương tâm có thể ảnh hưởng đến chính tính thành sự của các đôi hôn phối. Ðiều này thật sự là một khó khăn lớn cho sứ mạng của anh em, cũng như với các thẩm phán ở các giáo phận nhưng “đừng để ơn cứu rỗi của con người bị giam hãm trong sự hẹp hòi của chủ nghĩa duy luật pháp”.
Kết luận, Ðức Thánh Cha nhắc nhở rằng mọi tín hữu đều có quyền tiếp cận những cơ cấu pháp lý và các người đại diện luật pháp có chuyên môn và có thẩm quyền, và Giáo hội có nhiệm vụ phục vụ mà không cần để ý đến họ có khả năng trả các chi phí hay không. Ðức Thánh Cha nói: “Ðây là điều tôi muốn nhấn mạnh: Bí tích thì miễn phí. Bí tích ban ân sủng cho chúng ta – nhưng các thủ tục tư pháp lại làm cho Bí tích Hôn phối bị tổn thương. Tôi rất muốn tất cả các vụ án hôn phối đều được miễn phí”.
Hồi cuối tháng Tám năm 2014, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thành lập một Uỷ ban đặc biệt để nghiên cứu việc cải tổ các vụ án hôn nhân theo giáo luật, nhằm mục tiêu đơn giản hoá thủ tục pháp lý, làm cho thủ tục được hợp lý hơn, và vẫn bảo vệ nguyên tắc bất khả phân ly của hôn nhân. Uỷ ban do Ðức ông Pio Vito Pinto, Chánh án Toà Thượng Thẩm Rota, làm chủ tịch.

An Phú Sĩ

 

Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích
công bố Tập sách “Hướng dẫn giảng thuyết”

Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích công bố Tập sách “Hướng dẫn giảng thuyết”.
Roma (WHÐ 12-02-2015) – Ngày 10 tháng 02 năm 2015, Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích đã công bố Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết, với Lời mở đầu là Sắc lệnh của Ðức hồng y Antonio Canizares Llovera, nguyên Bộ trưởng, ký ngày 29 tháng 06 năm 2014, đại lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Ðồng ký tên là Ðức Tổng giám mục Arthur Roche, Thư ký của Bộ.
Sau đây là nội dung của Lời mở đầu:
“Thật là ý nghĩa khi Ðức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium đã muốn dành sự quan tâm đặc biệt cho bài giảng. Tại Thượng Hội đồng Giám mục, các Giám mục đã đề cập cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực của hiện tình giảng thuyết, và các Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng “Lời Chúa” (Verbum Domini) và “Bí tích Tình yêu” (Sacramentum Caritatis) của Ðức giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng đã đề ra các hướng dẫn cho các nhà giảng thuyết.
Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết này được soạn thảo theo nhãn quan trên đây, đồng thời ghi nhớ những quy định của Hiến chế về Phụng Vụ Thánh “Công đồng thánh” (Sacrosanctum Concilium), cũng như các giáo huấn của Huấn quyền tiếp theo, và trong ánh sáng “Những điều cần biết trước trong Sách các Bài đọc” (Praenotanda Ordo Missae Lectionum) và “Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma” (Institutio Generalis Missalis Romani).
Phần thứ nhất – Bài giảng và khung cảnh phụng vụ – mô tả bản chất, vai trò, chức năng, và khung cảnh cụ thể của bài giảng. Phần này cũng xác định một vài khía cạnh khác, như: chỉ thừa tác viên có chức thánh mới được giảng, bài giảng phải tham chiếu Lời Chúa, chuẩn bị bài giảng gần và xa, và người nghe giảng.
Phần thứ hai – Nghệ thuật giảng thuyết (Ars praedicandi) – trình bày các vấn đề thiết yếu về phương pháp và nội dung mà nhà giảng thuyết phải biết và ứng dụng vào việc dọn giảng và thuyết giảng. Phần này đưa ra các gợi ý giải thích -mang tính hướng dẫn chứ không phải chỉ có thế- cho chu kỳ Phụng vụ các ngày Chúa nhật và lễ trọng, bắt đầu từ trung tâm của Năm phụng vụ (Tam nhật thánh và Mùa Phục sinh, Mùa Chay, Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh và Mùa Thường niên), cũng như các Thánh Lễ ngày thường, lễ Hôn phối và lễ An táng. Trong những ví dụ này, các tiêu chí nêu ra trong phần thứ nhất của Tập Hướng dẫn được áp dụng: ý nghĩa tiên trưng của Cựu Ước đối với Tân Ước, tầm quan trọng của việc đọc Phúc Âm, thứ tự của các bài đọc, và mối quan hệ giữa Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, giữa sứ điệp Kinh Thánh và các bản văn phụng vụ, giữa cử hành và đời sống, và giữa việc lắng nghe lời Chúa với từng cộng đoàn cụ thể.
Sau bản văn chính, có hai phụ lục. Phụ lục một là các tham chiếu Sách Giáo lý theo các chủ đề giáo lý khác nhau trong các bài đọc cho mỗi Chúa nhật và lễ trọng của chu kỳ ba năm, nhằm cho thấy mối liên hệ giữa bài giảng và giáo lý của Hội Thánh Công giáo. Phụ lục hai là các tham chiếu Huấn quyền khác nhau về bài giảng.
Văn bản này đã được trình cho từng vị trong Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, và đã được xem xét và thông qua tại các Khoá họp thường lệ ngày 07 tháng Hai và 20 tháng Năm, năm 2014. Sau đó đã được đệ trình Ðức giáo hoàng Phanxicô, và ngài đã phê chuẩn việc công bố Tập sách Hướng dẫn Giảng thuyết này. Do đó, Bộ đã cho phổ biến, với mong muốn rằng “bài giảng thực sự sẽ là một trải nghiệm sâu đậm và hân hoan về Thánh Thần, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên” (Evangelii Gaudium, 135) . Mỗi nhà giảng thuyết, khi mang lấy những tâm tình như của Thánh Tông đồ Phaolô, sẽ càng hiểu thêm rằng “Thiên Chúa đã xét chúng tôi đáng được Người ký thác cho việc rao giảng Tin Mừng thế nào, thì chúng tôi cũng rao giảng thể ấy: không cần đẹp lòng người ta, nhưng là đẹp lòng Thiên Chúa, �ấng hạch xét lòng dạ chúng tôi” (1 Thes 2,4).
Bản dịch Tập Hướng dẫn này sang các ngôn ngữ chính do Bộ Phụng tự thực hiện, và các bản dịch sang các ngôn ngữ khác do các Hội đồng Giám mục liên hệ chịu trách nhiệm. Không được có bất cứ điều gì ngược lại”.
Văn phòng Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích,
ngày 29 tháng Sáu 2014,
Ðại lễ kính Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Tông đồ

Minh Ðức

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tông huấn Laudate Deum (Hãy ngợi khen Thiên Chúa)

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ Tông huấn LAUDATE DEUM (Hãy Ngợi Khen Thiên Chúa) Gửi tất cả tất cả mọi người thiện chí về sự khủng hoảng khí hậu Ban...

Thông điệp “LAUDATO SI”, của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô.

THÔNG ĐIỆP "LAUDATO SI" CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ “CHĂM SÓC NGÔI...

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II: “Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo”

  Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II   Tuyên Ngôn về Giáo...

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II: ” Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục – Optatam Totius”

  Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II   Sắc Lệnh Về Ðào...

Tông Sắc mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót

  MISERICORDIÆ VULTUS DUNG MẠO LÒNG THƯƠNG XÓT Tông Sắc mở...

Vaticano II: “Gaudium Et Spes”

  Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới...

Công đồng Vaticano II: Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium)

  Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium)     Lời Giới...

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II: Sắc Lệnh Về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội – Inter Mirifica

  Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II   Sắc Lệnh Về các...

Công đồng Vaticano II: Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium

  Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium Prepared for...

Công đồng Vaticano II: “Sắc Lệnh về Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương (Orientalium Ecclesiarum)”

  Sắc Lệnh về Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương Orientalium...

Công đồng Vaticano II: “Sắc Lệnh về Hiệp Nhất – UNITATIS REDINTEGRATIO”

  Công đồng Vaticano II: "Sắc Lệnh về Hiệp Nhất...