Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

Công đồng Vaticano II: Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội – Lumen Gentium

 

Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội

Lumen Gentium

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

Lời Giới Thiệu

Căn cứ vào những vấn đề đã được trình bày, ngày nay ai cũng công nhận Hiến Chế tín lý về Giáo Hội là then chốt của cả Công Ðồng Vaticanô II. Là vì, sau thế chiến thứ nhất, vấn đề bản tính Giáo Hội đã trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận về thần học. Quả thực các Công Ðồng trước, như lịch sử chứng minh, đã luôn cố gắng đưa ra những giải đáp thích hợp với nhu cầu thời cuộc; nhưng vấn đề bản tính sâu xa của Giáo Hội vẫn còn là trọng tâm cho các cuộc tranh luận và cho các quyết định của Công Ðồng Vaticanô II.

Người ta có thể viện dẫn nhiều lý do lịch sử, xã hội, thần học để giải thích cho sự tập trung chủ đề ấy về Giáo Hội.

Công Ðồng Vaticanô I, do những đòi hỏi của thời cuộc, đã khởi sự suy tư về bản tính thần học của Giáo Hội. Tuy nhiên, chương trình quá rộng rãi và hoàn cảnh chính trị bất lợi đã không cho phép công cuộc khẩn thiết ấy được kết thúc tốt đẹp. Bởi vậy, những chương trình dang dở của Vaticanô I cần phải được bổ túc cấp thời, nếu không, khoa Giáo hội học có nguy hiểm là quá thiên về một phía, tức về quyền tối thượng của Giáo Hoàng Rôma và các quyền bính của Ngài, dễ làm phương hại đến những giá trị khác trong Giáo Hội.

Hơn nữa, sau thế chiến thứ nhất, một tình trạng mới đã nảy sinh, lôi kéo theo một lối nhìn mới về Giáo Hội và một cách thức cảm nghiệm mới về những thực tại của Giáo Hội. Ðể có lối nhìn mới đó – ngoài những yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội mà chúng ta không muốn nhắc tới ở đây – chúng ta hãy nêu lên những động lực sau đây thuộc khoa Giáo hội học đã gây nên một ảnh hưởng không nhỏ:

  1. a) Phong trào Công giáo Tiến Hành hoặc những phong trào tương tự trong giáo dân đã cổ võ một tinh thần tông đồ mới và đồng thời làm cho họ tin tưởng cách chính đáng là họ thuộc về Giáo Hội nhiều hơn. Sự ý thức “thuộc về” sâu xa hơn ấy tiến triển dần dần trong cộng đoàn Giáo Hội. Giáo Hội không được coi là một thực tại dành riêng cho các giáo sĩ nhưng cho hết mọi người cùng sống, cùng khổ và cùng làm việc trong đó. Như thế, khoa thần học về giáo dân được phát huy một cách đặc biệt và sống động, nêu ra mối suy tư thần học về Giáo Hội.
  2. b) Sự suy tư thần học nàyđã giúp nhiều cho lối nhìn mới về Giáo Hội, vì đã áp dụng những tiến bộ của các khoa Thánh Kinh, lịch sử và nhân văn. Thật vậy, thần học phô bày ý nghĩa xã hội gắn liền với chính nhân vị. Sự liên hệ giữa đặc tính xã hội hóa đang vươn lên và ý thức mãnh liệt về địa vị con người không thể không bày tỏ mối suy tư thần học về Giáo Hội. Do đó mà khoa Giáo hội học ngày nay có những khía cạnh xã hội và nhân loại, huyền nhiệm và tượng trưng dễ đối kháng với một khoa Giáo hội học nặng tính cách pháp lý trước đây.
  3. c) Phong trào hiệp nhấtcũng ảnh hưởng đến sự biến đổi này. Ước nguyện hiệp nhất tạo nên những cuộc đối thoại về thần học, trong đó các vấn đề không được thảo luận đặt trong tình trạng tương phản biện chứng với các ý kiến khác nhau. Nhờ thế mà những trực giác về bản tính Giáo Hội nhất thiết phải phát hiện.

Những điều đó đặt ra cho Giáo Hội hai việc cần thực hiện: làm sáng tỏ và tìm hiểu các vấn đề của Giáo Hội trong toàn bộ. Ðã đến lúc Giáo Hội càng ngày càng phải nghiên cứu, đào sâu và diễn tả chân lý về chính mình. Ngoài ra, ý thức về chính mình cũng cần được xếp đặt cho có hệ thống theo tính cách năng động cổ truyền.

Cần nói thêm rằng “trực giác minh bạch về sự kiện này là: cộng đoàn Kitô giáo chắc chắn sẽ không theo kịp bước tiến của thế giới ngày nay và phải chịu tăng triển chậm chạp dù đã đi tiên phong về vấn đề Giáo hội học”, trực giác ấy không thể không buộc Giáo Hội suy nghĩ về những trách vụ cấp bách của mình, cũng như không thể không buộc Giáo Hội phải làm cho tổ chức của mình không còn bị cô lập, sự cô lập mà Giáo Hội có thể rơi vào.

Những điều nói trên cho ta thấy một hình ảnh khá chính xác của một khoa Giáo hội học tiền Công Ðồng:

  1. a) Trước hết nó mang tính chất đối thoại. Ðối thoại chân thành và cởi mở với mọi thực tại thụ tạo, trong đó ý định cứu rỗi của Thiên Chúa được hoàn tất. Giáo Hội không thể chỉ tự giải thích về bản chất của mình, nhưng còn cần phải tự đả thông với người khác: với các Kitô hữu không công giáo và với một thế giới thờ ơ với ơn cứu rỗi.
  2. b) Tuy nhiên, cuộc đối thoại – dù cần thiết – cũng không thể tự hạn chế vào việc thông cảm đơn thuần nhằm mục đích hiểu biết. Nhưng Giáo Hội còn phải đi sâu vào những nguyện vọng của mọi người. Giáo Hội phải hiện diện với mọi thực tại và với những nỗ lực của mọi người để làm cho xã hội nên tốt đẹp hơn. Bởi vậy, khoa Giáo hội học cũng mang tính chất nhập thể vì Giáo Hội hiện diện sống động theo kiểu Chúa Kitô, hầu có thể cứu chuộc thế giới.
  3. c) Muốn thế, cần phải có sự canh tân tận bên trong, phải cải tổ cơ cấu, phải mở rộng tới những cách thức hiện hữu mới, mà không làm Giáo Hội mất sự canh tân và cải tổ. Khuynh hướng cải tổ, tuy đôi khi đi đến tận căn và thái quá, nhưng nói chung vẫn có giới hạn chính đáng, rõ ràng, theo câu châm ngôn cổ truyền: “Giáo Hội phải được cải tổ không ngừng”.
  4. d) Khuynh hướng cải tổ trong khoa Giáo hội học nói lên một tính chất tiêu biểu khác: tính chất hiệp thông. Giáo Hội phải là trung tâm hiệp thông nhân loại trong các hoạt động thế tục cũng như trong các hoạt động tôn giáo. Bởi vậy, Giáo Hội như là bí tích tạo nên sự hiệp thông ấy.

Những đặc điểm trên của khoa Giáo hội học ngày nay được thu thập và chấp nhận trong văn kiện mà chúng ta sẽ giải thích sau đây. Chắc hẳn, văn kiện chúng ta hiện có không phải chỉ được soạn thảo một lần. Trong Giáo Hội vẫn còn nhiều chống đối với lối nhìn vấn đề theo cách thức mới mẻ này: Có hai khuynh hướng xuất hiện trong các cuộc thảo luận ở Công Ðồng: khuynh hướng thứ nhất ủng hộ quan niệm hiện tại mới mẻ và sống động hơn về Giáo Hội mà yếu tính là như một sự hiệp thông với mầu nhiệm đời sống Ba Ngôi; khunh hướng thứ hai coi Giáo Hội như một thể chế, một xã hội hoàn hảo giữa lòng thế giới, có những bổn phận và quyền lợi riêng. Ðấy chỉ là những vấn đề được nhấn mạnh vì không bên nào cho quan điểm đối lập là sai. Chính vì đó mà giai đoạn khởi đầu của văn kiện đã trở nên rất sôi nổi, lâu dài và đôi khi bi đát. Chúng ta sẽ cố gắng rút ra những đường nét chính từ việc soạn thảo này.

Lược đồ đầu tiên gồm một tập dầy 123 trang đã được gửi đến các Giám Mục vào tháng 11 năm 1962. Lược đồ gần như là một bản toát yếu các vấn đề mà trước khi họp Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII đã hỏi ý kiến cả thế giới. Lược đồ gồm 11 chương và một phụ trương, trong đó không thấy có những tiêu chuẩn rõ rệt. Ðây là những vấn đề được bàn đến: về bản tính của Giáo Hội chiến đấu ở trần gian; về những phần tử của Giáo Hội chiến đấu và về việc Giáo Hội cần cho ơn cứu rỗi; về chức Giám Mục chính tòa; về các bậc sống theo đường lối hoàn hảo của Phúc Âm; về giáo dân; về quyền giáo huấn của Giáo Hội; về uy quyền và sự vâng phục trong Giáo Hội; về liên quan giữa Giáo Hội và chính quyền; về sự cần thiết của Giáo Hội để loan báo Phúc Âm cho mọi dân tộc trên khắp mặt đất; về sự hiệp nhất. Trong phần phụ trương còn thêm lược đồ về “Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại”.

Lược đồ đầu tiên ấy được thảo luận trong kỳ họp thứ nhất (từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 12 năm 1962 trong 6 phiên họp: phiên họp khoáng đại thứ 31 tới 36). Tất cả đồng thanh dành ưu tiên cho đề tài về Giáo Hội nhưng cũng có đôi điều chỉ trích: lược đồ thiếu liên kết và tổng hợp, không nêu ra những đường nét chủ chốt. Người ta còn mong muốn một lược đồ có tầm mức mục vụ hơn. Về nội dung, nhiều Nghị Phụ nhấn mạnh cần phải lưu ý tới những viễn tượng rộng lớn hơn của khoa thần học hiện đại, bởi vì cái gọi là “mới”, thường chỉ là một ý thức sắc bén hơn về một chân lý đã quá xa xưa. Cần nhấn mạnh khía cạnh Giáo Hội là cộng đoàn thiêng liêng, là hiệp thông và mầu nhiệm, hơn là khía cạnh Giáo Hội là một xã hội hoàn hảo. Một cách tiêu cực, người ta chỉ trích lược đồ đầy vẻ phô trương thanh thế (trình bày Giáo Hội như một thế lực đi từ chiến thắng này tơi chiến thắng khác), quá thiên về giáo sĩ (giản lược đời sống Giáo Hội vào hoạt động của giáo phẩm mà gạt giáo dân ra ngoài), có tính cách pháp lý (quá nhấn mạnh những yếu tố pháp lý, vì dù có cần thiết và chính yếu thật, chúng không phải là những yếu tố duy nhất trong Giáo Hội). Một cách tích cực, người ta muốn lược đồ đề nghị phải trình bày một Giáo Hội thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, nghĩa là một tinh thần cởi mở và phổ quát, một tinh thần truyền giáo, một tinh thần khiêm tốn và phục vụ. Có lưu ý đến những điều đó rồi mới thấy việc sửa chữa lại lược đồ là việc làm không thể tránh được.

Theo sự chỉ dẫn của Công Ðồng, ủy ban thần học bắt tay vào việc trong thời gian giữa kỳ họp nhất và kỳ họp hai. Ủy ban lưu tâm vào phần trên của lược đồ sơ khởi: phần dưới, ủy ban chỉ giữ lại một vài đoạn và đưa lên một trong các chương trên. Văn thể cũng được sửa lại hết. Tất cả chỉ còn lại 4 chương và được gửi tới các Nghị Phụ vào mùa hè năm 1963. Bốn chương đó bàn về:

I. Mầu nhiệm Giáo Hội.

II. Cơ cấu phẩm trật Giáo Hội, đặc biệt về chức Giám Mục.

III. Dân Chúa, đặc biệt về giáo dân.

IV. Lời kêu gọi nên thánh trong Giáo Hội.

Trước kỳ họp hai, theo sự gợi ý bằng giấy viết của nhiều Nghị Phụ, thứ tự này đã được sửa đổi. Ủy ban chấp thuận. Và đây là thứ tự mới: các đoạn mà toàn thể có đặc điểm về Dân Chúa đều được rút ra khỏi các chương I và III. Những yếu tố này được đặt trong một phần khai triển mới, nằm ngay sau phần trình bày về mầu nhiệm Giáo Hội và trước phần nói về phẩm trật. Chương III không còn đề cập đến Dân Chúa, nhưng chỉ bàn về những phần tử của Dân Chúa trên toàn thế giới, tức là giáo dân. Sau cùng là tu sĩ được đề cập rõ ràng trong tựa đề của chương IV.

Trong nghị trường, các Nghị Phụ thảo luận theo cách chia sơ khởi là bốn chương. Các thảo luận kéo dài từ ngày 30 tháng 9 đến 31 tháng 10 năm 1963. Bản trình bày mới được tiếp nhận nồng hậu. Hầu như toàn thể các phiếu (2,301 chống với 43) đều chấp thuận coi nó như nền tảng cho việc tranh luận. Nhưng hai khuynh hướng thần học, như chúng ta đã nói trên, tiếp tục biện hộ cho quan điểm của mình. Phần đông các Giám Mục hoan hỉ và hài lòng về lối trình bày tỉ mỉ và nhận định rằng toàn bộ từ đây đã được xây dựng vững chắc hơn. Các ngài vui mừng đón nhận những ý kiến gợi lên việc hiệp nhất và mục vụ. Các cuộc thảo luận trở nên gay go khi bàn về Giám Mục Ðoàn (chương II). Người ta sợ Giám Mục Ðoàn sẽ phương hại tới quyền tối thượng của Giáo Hoàng. Một cuộc bỏ phiếu để làm sáng tỏ đã được tổ chức ngày 30 tháng 10 năm1963. Kết quả là đa số nghiêng về Giám Mục Ðoàn. Tuy nhiên các cuộc thảo luận vẫn tiếp diễn và cũng nhờ có thảo luận mà cơ ấu của lược đồ thay đổi dần dần. Một cơ cấu mới hình thành. Chủ đề Dân Chúa làm thành chương II và tiếp theo sau là chủ đề về Phẩm Trật. Các tu sĩ xin Công Ðồng bàn về họ trong một chương biệt lập. Chương IV của lược đồ phân thành hai: lời kêu gọi nên thánh (chương V) và các tu sĩ (chương VI). Sau các cuộc thảo luận khá sôi nổi và sau một cuộc bỏ phiếu với kết quả sát nút, Công Ðồng quyết định cho xen lược đồ về Ðức Mẹ vào Hiến Chế về Giáo Hội (Chương VIII). Sau cùng, Công Ðồng còn thêm một chương khác (chương VII) nói về đặc tính cánh chung của Giáo Hội, về sự liên lạc giữa Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên trời. Ðó là diễn tiến của bản văn chung quyết như chúng ta hiện có.

Theo cách sắp xếp hiện thời, thì cứ hai chương một đi với nhau, theo một thứ tự hợp lý, có lẽ không ngờ tới, nhưng dễ biện minh:

1) Hai chương đầu nói về mầu nhiệm Giáo Hội, trước hết theo chiều hướng siêu việt, sau đó theo hình thức lịch sử. Những đặc điểm căn bản của Giáo Hội như phương tiện cứu rỗi đều thấy xuất hiện trong suốt cả hai chương. Cách mô tả giản dị nhưng không một ai có thể nghi ngờ về ý tưởng phong phú của chúng.

2) Hai chương kế tiếp mô tả cơ cấu hệ thống của cộng đoàn được Chúa Kitô thiết lập. Các mục tử giảng dạy, thánh hóa và cai trị. Còn giáo dân, dưới sự chỉ dẫn của các ngài, tham gia vào một công trình cứu độ: đó là hai mặt của một bức hình: một mặt là chương III nói về Phẩm Trật và mặt kia là chương IV, về Giáo Dân.

3) Sau đó, lược đồ chú ý tới sứ mệnh cốt yếu của Giáo Hội tức là việc thánh hóa mọi phần tử trong Dân Chúa. Ðời sống tu trì gắn liền với mục đích ấy và đó là lý do khiến Giáo Hội coi nó là quan trọng và rất lưu tâm đến. Xét trên bình diện này, người ta không còn để ý tới sự phân biệt giữa giáo phẩm và giáo dân. Ðức ái hoàn hảo là luật sống độc nhất cho mỗi người, trong khi đó không phải ai cũng giữ qui luật đời tu. Phản đối nguyên tắc này có nghĩa là không biết đến giá trị Kitô giáo của hôn nhân và gia đình.

4) Chúng ta đi hai chương cuối cùng: chương VII trình bày sự bành trướng cánh chung của Giáo Hội trong huy hoàng và trong cộng đoàn các Thánh; chương VIII và cũng là chương sau cùng, bàn về địa vị và sứ mệnh của Ðức Trinh Nữ, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ nhân loại, ở trong cộng đoàn có Ngài là kiểu mẫu và là Ðấng bảo trợ. Nhờ có chung nền tảng mà hai chương này liên kết được với nhau. Cả hai cùng hướng về cuộc kết thúc huy hoàng, lúc đó bóng đêm của mầu nhiệm sẽ nhường chỗ cho ánh sáng.

Sau các cuộc thảo luận gay go và nhiều lần bỏ phiếu, người ta đã đi đến kết thúc. Nhưng một thiểu số ngoan cố không chịu khuất phục. Ðể xoa dịu và để mọi người đồng thanh chấp nhận một vấn đề quan trọng như thế – một sự đồng thanh cần thiết trong tất cả các quyết định của Công Ðồng – ngày 16 tháng 11 năm 1964, Ðức Giáo Hoàng đã đề nghị với Công Ðồng để thêm một phần “chú thích sơ khởi” cho chương III của Hiến Chế. Giáo lý của chương III trong Hiến Chế phải được giải thích và được hiểu theo phần chú thích này. Một số đông các Nghị Phụ bối rối về phần chú thích, nhưng dường như không có lý do. Thật vậy, phần đó không chứa đựng điều gì thực sự mới mẻ nhưng chỉ giải thích rõ rệt hơn một vài ý niệm pháp lý, vì có một số Nghị Phụ dựa vào những ý niệm này để bênh vực cho những thắc mắc của các ngài. Cũng nên biết rằng, phần chú thích sơ khởi ấy tương ứng với phần giải thích rất tỉ mỉ về 5 vấn đề đặt ra ngày 30 tháng 10 năm 1963, phần giải thích mà ngay cả những vị bây giờ thắc mắc với phần chú thích cũng đã không ngần ngại bỏ phiếu chấp thuận. Lời diễn tả ở hai phần kể là như nhau. Khi mây đen dần dần tan biến, người ta đã xóa tan được những ngộ nhận sau cùng, nhờ xem kỹ lại phần chú thích sơ khởi. Trong cuộc đầu phiếu ngày 19 tháng 11 năm 1964 về toàn bộ lược đồ, chỉ còn 10 phiếu chống; trong cuộc đầu phiếu chung quyết trọng thể ngày 21 tháng 11 năm 1964, số phiếu chống trụt xuống còn 5. Như thế kể là mọi người đã đồng thanh chấp nhận.

Sau phần phác họa về lịch sử các biến cố, chúng ta sang phần phân tích bản văn, đi theo thứ tự của Hiến Chế. Mục đích mà chúng ta muốn nhằm tới là: qua những chú thích đơn sơ vắn tắt, chúng ta sẽ trung thành hết sức có thể với điều Công Ðồng giảng dạy. Chúng ta nhằm đến phần chính yếu, tìm cách xác định nội dung những điều Công Ðồng quả quyết và bỏ qua những điều giải thích sâu rộng hơn cũng như những vấn đề đang được các thần học gia tranh luận.

 

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II

Khóa V Ngày 21 tháng 11 Năm 1964

 

Phaolô Giám Mục

Tôi Tớ Các Tôi Tớ Thiên Chúa

Hiệp Nhất Với Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng

Ðể Muôn Ðời Ghi Nhớ

 

Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội

Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

 

 

Chương I

Mầu Nhiệm Giáo Hội 1*

  1. Giáo Hội, bí tích trong Ðức Kitô. Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội, bằng việc rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo vật (x. Mc 16,15). Vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại, nên, dựa trên giáo huấn của các Công Ðồng trước, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới. Những hoàn cảnh hiện tại làm cho nhiệm vụ của Giáo Hội thêm khẩn thiết hơn, để ngày nay mọi người liên hệ chặt chẽ hơn bởi nhiều ràng buộc xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng được hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô. 2*
  2. Ý định cứu chuộc phổ quát của Chúa Cha3*Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ; Ngài đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh, và Ngài đã không từ bỏ con người sa ngã trong Adam, nhưng luôn ban sự trợ giúp để họ được cứu rỗi, nhờ Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, “là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, Con đầu lòng của tạo vật” (Col 1,15). Thực vậy, từ muôn thuở tất cả mọi người được tuyển chọn, Chúa Cha “đã biết trước và đã tiền định cho họ trở nên giống hình ảnh Con Chúa, hầu người Con đó được trở nên Trưởng Tử trong nhiều anh em” (Rm 8,29). Thế nên Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội. Từ nguyên thủy, Giáo Hội được phác thảo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong giao ước cũ 1, được thành lập trong thời cuối cùng, và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ kết thúc trong vinh quang. Bấy giờ, như chúng ta đọc thấy nơi các Giáo Phụ, mọi người công chính từ Adam, “từ Abel công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng” 2sẽ được tập họp trong Giáo Hội phổ quát bên Chúa Cha.
  3. Sứ mạng và công cuộc của Chúa Con. Thế là Chúa Con được phái đến do Chúa Cha, Ðấng đã tuyển chọn chúng ta nơi Người trước khi tạo dựng vũ trụ và tiền định chúng ta làm dưỡng tử, vì Ngài mong ước cải tạo tất cả trong Chúa Con (x. Eph 1,4-5 và 10). Bởi thế, để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô đã khai nguyên nước trời nơi trần gian, mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Ngài, và thực hiện việc cứu thế bằng việc vâng phục Chúa Cha. Giáo Hội hoặc nước Chúa Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm, nhờ thần lực Thiên Chúa, phát triển trong thế gian cách hiển nhiên. Sự khai nguyên và phát triển đó được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu chịu đóng đinh (x. Gio 19,34) và được tiên báo qua lời Chúa nói về cái chết của Người trên thập giá: “Và Ta, khi bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” (Gio 12,32, bản Hy lạp). Mỗi lần hy lễ thánh giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó “Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế” (1Cor 5,7), thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Bí tích Thánh Thể cũng biểu thị và thực hiện sự hiệp nhất các tín hữu, là những kẻ hợp thành một thân thể, trong Chúa Kitô (x. 1Cor 10,17). Mọi người đều được mời gọi kết hiệp cùng Chúa Kitô như vậy. Người là ánh sáng thế gian. Chúng ta phát xuất từ Người, sống nhờ Người và hướng về Người.
  4. Việc thánh hóa Giáo Hội của Chúa Thánh Thần. Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x. Gio 17,4) Chúa Thánh Thần được phái đến trong ngày lễ Hiện Xuống để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi, và như thế những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong một Thần Khí duy nhất (x. Eph 2,18). Chính Ngài là Thánh Thần ban sự sống, là mạch nước vọt lên sự sống vĩnh cửu (x. Gio 4,14; 7,38-39), nhờ Ngài, Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, đợi đến khi phục sinh thân xác hay chết của họ trong Chúa Kitô (x. Rm 8,10-11). Chúa Thánh Thần ngự trị trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ (x. 1Cor 3,16; 6,19). Trong họ, Ngài cầu nguyện và chứng nhận họ là dưỡng tử (x. Gal 4,6; Rm 8,15-16 và 26). Ngài dẫn đưa Giáo Hội trong hiệp thông và phục vụ. Ngài huấn luyện và dẫn dắt Giáo Hội bằng muôn ơn theo phẩm chức và đoàn sủng, trang điểm Giáo Hội bằng hoa quả của Ngài (x. Eph 4,11-12; 1Cor 12,4; Gal 5,22). Nhờ sức mạnh Phúc Âm, Ngài là tươi trẻ, không ngừng canh tân và dẫn đưa Giáo Hội đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân mình 3. Thực vậy, Chúa Thánh Thần và Hiền Thê nói cùng Chúa Giêsu rằng: “Xin hãy đến” (x. Kh 22,17).

Như thế Giáo Hội phổ quát xuất hiện như “một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” 4.

  1. Nước Thiên Chúa4*Mầu nhiệm Giáo Hội thánh thiện được biểu lộ trong chính việc thành lập. Thực thế, Chúa Giêsu đã khai sinh Giáo Hội bằng việc rao giảng Phúc Âm rằng Nước Thiên Chúa đã đến như đã hứa trong Thánh Kinh từ ngàn xưa: “Thời gian đã trọn, Nước Thiên Chúa gần đến” (Mc 1,15; x. Mt 4,17). Nước này chiếu sáng trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Chúa Kitô. Lời Chúa ví như hạt giống gieo trong ruộng (x. Mc 4,14): ai tin nghe lời Chúa và gia nhập đàn chiên nhỏ của Chúa Kitô (x. Lc 12,32), thì đã đón nhận chính Nước Ngài; rồi tự sức mình, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho đến mùa gặt (x. Mc 4,26-29). Các phép lạ của Chúa Giêsu cũng chứng minh rằng Nước Ngài đã đến thế gian: “Nếu Ta dùng ngón tay Thiên Chúa để trừ ma quỉ, ắt Nước Thiên Chúa đã đến nơi các ngươi rồi” (Lc 11,20; x. Mt 12,28). Nhưng trước tiên, Nước ấy biểu lộ trong chính con người Chúa Kitô, Con Thiên Chúa và Con loài người, Ðấng đã đến “để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc thiên hạ” (Mc 10,45).

Vì sau khi chịu chết trên thập giá cho nhân loại, Chúa Giêsu đã phục sinh, nên Người được phong làm Chúa, làm Ðấng Kitô và làm Linh Mục muôn đời (x. CvTđ 2,36; Dth 5,6; 7,17-21); và Người đổ tràn Thánh Thần mà Chúa Cha đã hứa trên các môn đệ Người (x. CvTđ 2,33). Vì thế, với ân huệ của Ðấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo Hội đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Giáo Hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian. Ðang lúc từ từ phát triển, Giáo Hội vẫn khát mong Nước ấy hoàn tất và thiết tha hy vọng, mong ước kết hợp với Vua mình trong vinh quang. 5*

  1. Hình ảnh diễn tả Giáo Hội. Trong Cựu Ước, việc mạc khải Nước Thiên Chúa thường được trình bày bằng hình bóng; cũng thế, ngày nay bản tính thâm sâu của Giáo Hội được diễn tả bằng nhiều hình ảnh lấy từ đời sống du mục, canh nông, kiến trúc, hoặc gia đình và hôn lễ. Sách các tiên tri đã phác họa những hình ảnh đó.

Thực thế, Giáo Hội là chuồng chiên mà Chúa Kitô là cửa vào duy nhất và cần thiết (x. Gio 10,1-10). Giáo Hội cũng là đàn chiên mà chính Thiên Chúa đã tiên báo Ngài là mục tử (x. Is 40,11; Ez 34,11 tt). Tuy được các mục tử phàm nhân chăn dắt, những chiên ấy luôn được chính Chúa Kitô, Mục Tử nhân lành và Thủ Lãnh các mục tử, dẫn dắt và nuôi dưỡng (x. Gio 10,11; 1P 5,4). Người đã hiến mạng sống mình vì đàn chiên (x. Gio 10,11-15).

Giáo Hội cũng là thửa ruộng hay cánh đồng Thiên Chúa (x. 1Cor 3,9). Trong cánh đồng ấy, mọc lên cây dầu cổ thụ mà các Tổ Phụ là gốc rễ thánh. Nơi cây cổ thụ này, sự hòa giải giữa dân Israel và các dân ngoại đã được và sẽ được thực hiện (x. Rm 11,13-26). Người trồng nho thiên quốc vun trồng Giáo Hội như một cây nho được tuyển chọn (x. Mt 21,33-43 song song; x. Is 5,1 tt). Chúa Kitô là cây nho đích thực. Người ban sức sống và hoa trái cho các nhánh là chúng ta. Nhờ Giáo Hội, chúng ta ở trong Người; và không có Người, chúng ta không thể làm gì được (x. Gio 15,1-5).

Giáo Hội cũng thường được gọi là tòa nhà của Thiên Chúa (x. 1Cor 3,9). Chúa Kitô đã tự ví Người như viên đá mà các thợ xây loại bỏ, nhưng đã trở thành viên đá góc (x. Mt 21,42 song song; CvTđ 4,11; 1P 2,7; Tv 117,22). Trên nền móng này, các Tông Ðồ đã xây dựng Giáo Hội (x. 1Cor 3,11), và Giáo Hội được bền vững, liên kết nhờ nền móng đó. Tòa nhà này còn được gọi bằng nhiều tên khác: Nhà Thiên Chúa (x. 1Tm 3,15), nơi gia đình Ngài cư ngụ. Nhà Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần (x. Eph 2,19-22), “Lều Tạm của Thiên Chúa giữa loài người” (Kh 21,3), và nhất là Ðền Thánh, tiêu biểu bằng các cung thánh bằng đá, đã từng được các Thánh Giáo Phụ ca tụng, và được Phụng Vụ sánh ví rất chính xác với Thành thánh, thành Giêrusalem mới 5. Thực vậy, trong Giáo Hội tại thế, chúng ta là những viên đá sống động dùng vào việc xây cất (x. 1P 2,5). Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng Thành thánh ấy từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống trong ngày cải tạo vũ trụ, “sẵn sàng như hiên thê trang điểm để đón tân lang mình” (Kh 21,1tt).

Giáo Hội còn được gọi là “thành Giêrusalem trên trời” là “mẹ chúng ta” (Gal 4,26; x. Kh 12,17), được mô tả như hiền thê tinh tuyền của Con Chiên không tì ố (x. Kh 19,7; 21,2 và 9; 22,17) được Chúa Kitô yêu mến “và hiến thân để thánh hóa” (Eph 5,25-26), được Người kết hợp bằng một giao ước bất khả phân ly, được “nuôi dưỡng và săn sóc” không ngừng (Eph 5,29). Sau khi thanh tẩy hiền thê, Chúa Kitô muốn hiền thê ấy kết hợp và vâng phục mình trong tình yêu và trung tín (x. Eph 5,24). Sau cùng, Người vĩnh viễn ban cho dư tràn ơn thiêng trên trời để chúng ta hiểu thế nào là tình yêu Thiên Chúa và Chúa Kitô đối với chúng ta, tình yêu ấy vượt trên mọi hiểu biết (x. Eph 3,19). Bao lâu còn là lữ hành trên dương thế xa cách Chúa (x. 2Cor 5,6), Giáo Hội nhận mình bị lưu đày, nên luôn tìm kiếm và nếm hương vị trên trời, nơi Chúa Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa; nơi tiềm ẩn sự sống của Giáo Hội cùng Chúa Kitô trong Thiên Chúa, cho đến ngày xuất hiện với Phu Quân mình trong vinh quang (x. Col 3,1-4). 6*

  1. Giáo Hội, thân thể Ðức Kitô. Khi Con Thiên Chúa chiến thắng sự chết bă�ng cái chết và phục sinh, trong nhân tính mà Người kết hợp, Người đã cứu chuộc và biến con người thành một tạo vật mới (x. Gal 6,15; 2Cor 5,17). Thực vậy, Người tạo lập cách mầu nhiệm các em Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thê� Người, bằng cách thông truyền Thánh Thần cho họ.

Trong thân thể ấy, sự sống Chúa Kitô tràn lan trên các tín hữu. Nhờ các bí tích, các tín hữu được kết hợp thực sự và cách mầu nhiệm với Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển 6. Quả thực, nhờ phép thánh tẩy chúng được nên giống Chúa Kitô: “Vì tất cả chúng ta được tẩy rửa trong một Chúa Thánh Thần để nên một thân thể” (1Cor 12,13). Nghi thức thánh thiện ấy diễn tả và thực hiện sự hiệp nhất với cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô: “Nhờ phép thánh tẩy, chúng ta được mai táng cùng Người trong cái chết”; và nếu “chúng ta liên kết với Người trong cuộc tử nạn thế nào thì cũng sẽ được sống lại với Người như vậy” (Rm 6,4-5). Khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Người và với nhau. “Chúng ta tuy nhiều, nhưng là một tấm bánh, một thân thể, vì hết thảy chúng ta đồng thông hưởng cũng một tấm bánh” (1Cor 10,17). Thế nên tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân Thể ấy (x. 1Cor 12,27), “vì mỗi người là chi thể của nhau” (Rm 12,5).

Thật vậy, tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể; cũng thế, các tín hữu hợp thành một thân thể trong Chúa Kitô (x. 1Cor 12,12). Trong việc xây dựng thân thể Chúa Kitô, cần có nhiều chi thể với phận vụ khác nhau. Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Giáo Hội theo sự sung mãn của Ngài và tùy nhu cầu của công việc (x. 1Cor 12,1-11). Trong các ân sủng ấy, ơn ban cho các Tông Ðồ đứng hàng đầu: chính Chúa Thánh Thần đặt dưới quyền các ngài cả những người lãnh nhận những ơn đặc biệt (x. 1Cor 14). Cũng chính Thánh Thần ấy tự mình hợp nhất thân thể bằng thần lực Ngài và bằng sự liên kết tinh thần các chi thể lại với nhau; như thế Ngài làm phát sinh và thúc bách đức ái giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể nào đau đớn thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự thì tất cả các chi thể khác cùng chung vui (x. 1Cor 12,26).

Chúa Kitô là Ðầu của Thân Thể này. Chính Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, và trong Người mọi vật được tác thành. Người có trước mọi người và mọi sự được bền vững trong Người. Người là Ðầu của Thân Thể là Giáo Hội. Người là nguyên lý, là anh cả của những kẻ phải chết, hầu nắm quyền thủ lãnh mọi sự (x. Col 1,15-18), Người thống trị mọi vật trên trời dưới đất bằng thần lực lớn lao, và ban dư tràn sự vinh hiển phong phú của Người cho toàn thân thể nhờ sự toàn thiện và hoạt động siêu đẳng của Người (x. Eph 1,18-23) 7.

Mọi chi thể phải nên giống Chúa Kitô cho đến khi Người hình thành trong họ (x. Gal 4,19). Vì thế, chúng ta được kết nạp vào mầu nhiệm sự sống của Người, trở nên giống Người, cùng chết và sống lại với Người, cho đến khi cùng cai trị với Người (x. Ph 3,21; 2Tm 2,11; Eph 2,6; Col 2,12; v.v�). Ðang khi còn là lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Người trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, hiệp với sự thương khó của Người để được cùng Người vinh hiển (x. Rm 8,17).

Trong Người, “toàn thân tìm được lương thực và sự liên kết nhờ các mối dây ràng buộc cấu kết với nhau, để lớn lên trong Thiên Chúa” (Col 2,19). Trong thân thể Người là Giáo Hội, Người luôn ban ơn huệ là các chức vụ, nhờ đó, với thần lực Người, chúng ta giúp nhau cứu rỗi, hầu khi thực hiện chân lý trong bác ái, chúng ta lớn lên về mọi phương diện trong Người, là Ðầu của chúng ta (x. Eph 4,11-16, bản Hy lạp).

Ðể chúng ta không ngừng canh tân trong Người (x. Eph 4,23), Người đã cho thông dự vào Thánh Thần Người, cũng một Ðấng duy nhất hiện hữu trên Ðầu cũng như trong các chi thể, làm sống động, liên kết và thúc giục toàn thân, đến nỗi các thánh Giáo Phụ đã ví nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần với công việc mà nguyên lý sự sống, tức là linh hồn, hoàn thành trong thân xác 8.

Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội như hiền thê Người, Người trở thành gương mẫu của người chồng yêu vợ mình như yêu chính bản thân (x. Eph 5,25-28); phần Giáo Hội thì tùng phục Ðầu (n.v.t, 23-24); “Vì tất cả sự sung mãn về bản tính Thiên Chúa ở trong Người cách hữu hình” (Col 2,9), nên Người đổ tràn ơn thiêng trên Giáo Hội, là thân thể, là sự sung mãn của Người (x. Eph 1,22-23) để Giáo Hội cố gắng đạt tới sự viên mãn hoàn toàn của Thiên Chúa (x. Eph 3,19). 7*

  1. Giáo Hội, thực tại hữu hình và thiêng liêng8*Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện, một cộng đoàn đức tin, cậy và mến, như một toàn bộ cấu trúc hữu hình trên trần gian mà Người không ngừng bảo vệ 9. Qua Giáo Hội, Người đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người. Giáo Hội là xã hội có tổ chức qui củ, và Nhiệm Thể Chúa Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội tại thế và Giáo Hội dư tràn của cải trên trời không được quan niệm như hai thực thể nhưng chỉ là một thực thể phức tạp, duy nhất, do yếu tố nhân loại và thần linh kết thành 10. Vì thế, nhờ loại suy xác thực, chúng ta có thể ví Giáo Hội với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thực vậy, nhân tính mà Ngôi Lời mặc lấy phục vụ Người như cơ quan cứu rỗi sống động và kết hợp với Người cách bất khả phân ly; cũng thế, toàn thể cơ cấu xã hội của Giáo Hội phục vụ Thánh Thần Chúa Kitô, Ðấng làm cho Giáo Hội sống động để tăng triển thân thể (x. Eph 4,16) 11.

Ðó là Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô mà trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền 12. Sau khi phục sinh, Ðấng cứu chuộc chúng ta đã trao phó cho Phêrô chăn dắt Giáo Hội đó (Gio 21,17); Người phó thác cho Phêrô cũng như cho các Tông Ðồ khác truyền bá, cai quản (x. Mt 28,18tt), và thiết lập Giáo Hội nên “rường cột và nền tảng chân lý” đến muôn đời (x. 1Tm 3,15). Như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian, Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, do Ðấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với Ngài điều khiển 13, và mặc dù bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội còn có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý, nhưng những yếu tố ấy là những ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, thúc bách đến sự hiệp nhất công giáo.

Như Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi cùng đường lối ấy hầu thông ban ơn cứu rỗi cho loài người. Chúa Giêsu Kitô “vốn có hình thể Thiên Chúa… tự hủy mình, tự nhận thân phận tôi tớ” (Ph 2,6-7), và “vốn giàu có, Người đã hóa ra nghèo hèn” vì chúng ta (2Cor 8,9): cũng thế, tuy cần đến những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ mệnh mình, Giáo Hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ, bằng gương lành của chính mình. Chúa Kitô được Chúa Cha phái đến “rao truyền Phúc Âm cho kẻ bần cùng… cứu chữa các tâm hồn đau khổ” (Lc 4,18), “tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất” (Lc 19,10). Cũng thế, Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Ðấng Sáng Lập khó nghèo và khổ đau, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ. Nhưng Chúa Kitô “thánh thiện, vô tội, tinh tuyền” (Dth 7,26), không hề phạm tội (x. 2Cor 5,21), chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng (x. Dth 2,17), còn Giáo Hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân.

“Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa” 14, Giáo Hội rao truyền cái chết và thánh giá Chúa, cho đến khi Người trở lại (x. 1Cor 11,26). Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh, để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương và kiên trì, và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết.

 

Chú thích

1* Hai chương đầu của Hiến chế tín lý về Giáo Hội nhằm trình bày mầu nhiệm Giáo Hội trong ý định cứu rỗi của Thiên Chúa như Thánh Kinh đã mạc khải, trước khi phân tích cơ cấu phẩm trật (ch. III) và tác động siêu nhiên.

Sau khi đã xác định Giáo Hội khai sinh từ Mầu Nhiệm Ba Ngôi, chương I của Hiến Chế tìm hiểu những danh xưng và những hình ảnh khác nhau mà Thánh Kinh xử dụng để chỉ Giáo Hội, đặc biệt nhấn mạnh tới danh xưng của Thánh Phaolô gọi Giáo Hội là “Thân Thể Chúa Kitô” (các số 5-7), nhưng không tuyệt đối theo cách gọi đó. Sau cùng, chương I còn cắt nghĩa thực tại Giáo Hội trong tình trạng cụ thể (số 8). (Trở lại đầu trang)

2* Số 1: Nhập đề

Ðây là phần nhập đề tổng quát, nói lên chiều hướng riêng biệt của Hiến Chế. Công Ðồng quả quyết sứ mệnh cứu rỗi phổ quát của Giáo Hội đã được Chúa Kitô trao phó, qua ý niệm bí tích phổ quát của ơn cứu rỗi. Ở đây, sự cứu rỗi được quan niệm dưới hình thức hợp thông với Ba Ngôi. (Trở lại đầu trang)

3* Các số 2-4: Giáo Hội từ Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Các số này có sự thống nhất khá chặt chẽ về đề mục và cơ cấu, nói lên hoạt động của Ba Ngôi trong đời sống Giáo Hội. Giáo Hội khai sinh từ ý định tự do của Chúa Cha hằng hữu (số 2), ý định đó được thực hiện qua sứ mệnh của Chúa Con (số 3), và được bổ túc nhờ sự thánh hóa mà Chúa Thánh Thần đem đến (số 4). Như vậy chúng ta thấy rõ Giáo Lý Công Giáo về Giáo Hội được xây dựng trên tín điều căn bản của Kitô giáo. Công Ðồng nói theo kiểu nói của Thánh Kinh chứ không theo kiểu nói thần học. Và không muốn giải quyết vấn đề: phải hiểu những hoạt động của Ba Ngôi như thế nào. Câu sau cùng của số 4 bao gồm chủ đích và nội dung của số đó. (Trở lại đầu trang)

1 Xem T. Cyprianô, Epist. 64,4: PL 3,1017; CSEL (Hartel), III B, trg 720. T. Hilariô Pict., In Mt. 23,6: PL 9,1047. T. Augustinô, nhiều chỗ khác. T. Cyrillô Alex. Glaph. in Gen. 2, 10: PG 69, 110A. (Trở lại đầu trang)

2 T. Gregoriô Cả. Hom. in Evang. 19,1: PL 76,1154 B. Xem T. Augustinô, Serm. 341, 9,11: PL 39,1499t. T. Gio. Damascenô, Adv. Iconoct. 11: PG 96,1357. (Trở lại đầu trang)

3 Xem T. Ireneô, Adv. Haer. III, 24, 1: PG 7, 966 B; Harvey 2, 131; x. b. Sagnard, Sources Chr., trg 398. (Trở lại đầu trang)

4 T. Cyprianô, De Orat. Dom. 23 : PL 4, 553: Hartel, III A, trg 285. T. Augustinô, Serm. 71, 20, 33: PL 38, 463t. T. Gioan Damascenô, Adv. Iconocl. 12: PG 96, 1358 D. (Trở lại đầu trang)

4* Các số 5-7: Giáo Hội trong lịch sử cứu rỗi.

Các số này trình bày sự hiện diện và hoạt động siêu nhiên của Thiên Chúa qua Giáo Hội trong công cuộc cứu độ. Công Ðồng muốn giải thích ý định cứu rỗi của Ba Ngôi thực hiện qua Giáo Hội (các số 2-4) tiến triển như thế nào trong lịch sử cứu rỗi. Việc đó phải nhờ vào sự phân tích tỉ mỉ những cách diễn tả của mạc khải Thánh Kinh. Như thế trong số 5, Công Ðồng nói về Giáo Hội như một Nước Thiên Chúa ở trần gian; số 6 trình bày những hình ảnh và những hình bóng khác nhau mà Thánh Kinh xử dụng để mô tả Giáo Hội như là việc của Thiên Chúa; và sau cùng, trong số 7, Công Ðồng giải thích sâu xa hơn về Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, theo sát với giáo lý của Thánh Phaolô. (Trở lại đầu trang)

5* Số 5: Giáo Hội là Nước Chúa.

Nước phải hiểu theo nghĩa Thánh Kinh chứ không chỉ nguyên nghĩa xã hội, tức là phải hiểu như là một hành động cai trị (chính sự thống trị) hơn là sự nới rộng đất đai (hiệu quả của hành động thống trị). Trong viễn tượng ấy, Công Ðồng quả quyết có hai sự kiện tạo nên Giáo Hội, tức là Nước Thiên Chúa: hoạt động của Chúa Kitô trước Phục Sinh trong đó Nước Thiên Chúa (theo ý nghĩa đã giải thích) đã được biểu lộ, và việc Chúa thiết lập qua Mầu Nhiệm Phục Sinh. Như thế, ngay cả những yếu tố giúp Nước Thiên Chúa thực hiện cũng đã được phác họa:

a/ Yếu tố siêu nhiên: Là những hồng ân mà Vị Sáng Lập Giáo Hội ban cho (tổng kết: là ơn trọng đại của Chúa Thánh Thần);

b/ Yếu tố luân lý: Chấp nhận những đòi hỏi tinh thần về việc Chúa thống trị trên con người, một cách tự do và toàn vẹn;

c/ Yếu tố thừa sai: Giáo Hội lãnh nhận từ Ðấng Sáng Lập sứ mệnh loan báo và tạo lập sự thống trị này của Thiên Chúa trên mọi người;

d/ Yếu tố cánh chung: Việc thống trị ấy còn bất toàn trên trần gian, bởi vậy khuynh hướng cánh chung của toàn thể Giáo Hội hướng tới một Nước hoàn hảo phải được thực hiện trong thời sau hết (x. số 48c). (Trở lại đầu trang)

5 Xem Origenê, In Mat 16,21: PG 13, 1443 C. Tertullianô, Adv. Marc. 3,7: PL 2, 357 C; CSEL 47,3 trg 380. Về tài liệu phụng vụ, xem Sacramentarium Gregorianum: PL 78,160 B. Hoặc C. Mohlberg, Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae, Roma, 1960, trg 111, XC: “Thiên Chúa không bị ràng buộc đã ban cho ngươi nơi cư ngụ vĩnh cửu của các thánh…”. Ca ngợi Urbs Jerusalem beata trong sách kinh nhật tụng đan viện, và Coelestis urbs Jerusalem trong sách kinh nhật tụng Roma. (Trở lại đầu trang)

6* Số 6: Những hình ảnh về Giáo Hội theo Thánh Kinh.

Sau đây là những khẳng định của Công Ðồng:

a/ Những hình ảnh và hình bóng ấy là mạc khải thực về Giáo Hội nhờ đó chúng ta hiểu rõ hơn bản tính sâu xa của Giáo Hội. Hơn nữa chúng ta còn bầy tỏ sự thống nhất và tiến triển của một mạc khải được chuẩn bị trong Cựu Ước và được hoàn tất trong Tân Ước.

b/ Giáo thuyết đại cương trong số 5b được giải thích rõ rệt hơn theo tiến trình tiệm tiến và năng động. Những hình ảnh về đời sống du mục bày tỏ sự khởi xướng của Thiên Chúa trong Giáo Hội, luôn tiến triển để đạt tới kết quả sau cùng, những hình ảnh về xây cất chứng tỏ sự kiên cố, và những hình ảnh gia đình nói lên sự kết hợp thân mật giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. (Trở lại đầu trang)

6 Xem T. Tôma, Summa Theol. III, q. 62, a.5, ad 1. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Piô XII: Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 208. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Leô XIII, Tđ. Divinum illud, 9-5-1897: AAS 29 (1896-97), trg 650. Piô XII Tđ. Mystici Corporis, n.v.t., trg 219-220; Dz 2288 (3808). T. Augustinô, Serm. 268, 2: PL 38, 1232, và nơi khác. T. Gioan Kim Khẩu, In Eph. bài giảng 9, 3: PG 62. 72. Didymô Alex., Trin, 2, 1: PG 39, 449t. T. Tôma, In Col. 1, 18, lect. 5: x.b. Marietti, II, số 46: Thân thể được tạo thành nên một do sự thống nhất của linh hồn, cũng thế Giáo Hội được tạo thành nên một do sự thống nhất của Thánh Thần…” (Trở lại đầu trang)

7* Số 7: Giáo Hội là thân thể Chúa Kitô.

Người ta có thể nhận thấy rằng, để khai triển ý niệm này, những bản văn của Phaolô đã được lập lại một cách phong phú, chứ không chỉ được sắp xếp theo thứ tự. Những nhà soạn thảo lưu tâm đến việc trưng dẫn cho “hòa hợp” hơn là đến việc khai triển cho hợp lý. Bởi vậy người ta đã đi theo tiến trình lịch sử của tư tưởng Phaolô: các đoạn a-c trích những thư lớn nhiều hơn; các đoạn khác trích các thư thời lưu đày. Nhưng cũng nên lưu ý Công Ðồng không muốn trực tiếp gọi Giáo Hội là “nhiệm thể”, nhưng quả quyết rằng Chúa Kitô phục sinh đã tạo cho các anh em mình thành thân thể riêng mình, theo một cách thức bí nhiệm. Có hai lý do:

  1. a) Thánh Phaolô không bao giờ nói về nhiệm thể. Ngài chỉ quả quyết là các tín hữu trở nên cùng một thân, một người, một thân thể của Chúa Kitô.
  2. b) Ý kiến Thần học bất đồng về vấn đề này.

Ðây là tư tưởng chính yếu hướng dẫn tất cả tiến trình: ơn cứu rỗi biến cải con người thành một tạo vật mới. Chính Chúa Kitô là tạo vật mới ấy trong thân xác vinh hiển của Người, trong đó Người triệu tập và nối kết mọi anh em nhờ sức mạnh của Thần Khí Người (7a).

Ý tưởng ấy được khai triển trong hai chủ đề:

  1. a) Chủ đề “thân xác”: (7b-c): nhấn mạnh tới hai đặc điểm:

– Một cộng đoàn sinh hoạt thiêng liêng được bí tích nuôi dưỡng (7b).

– Sự khác biệt giữa các chi thể nhưng cùng “hiệp sức” trong sinh hoạt nhờ cùng một Thánh Thần khích động, vì lợi ích toàn thể (7c).

  1. b) Chủ đề “Ðầu” (7d-g). Ðiều khẳng định chính yếu là sự trổi vượt của Chúa Kitô, Ðấng tạo thành và cứu chuộc, theo như đoạn đầu của các thư gửi tín hữu Ephêsô và Colosê, sự trổi vượt được Người trang bị cho toàn thân (7d).

Chúa Kitô là Nguyên Lý, là Thủ Lãnh Giáo Hội được trình bày dưới ba khía cạnh:

– sự hòa hợp các chi thể với Ðầu nhờ tham dự cuộc tử nạn và phục sinh của Người (7c).

– sự tăng triển của toàn thân hướng về Chúa Kitô là Ðầu: như vậy Chúa Kitô là Nguyên Lý hợp nhất và tăng triển có cơ cấu và có hòa hợp (7f).

– sự tăng triển này là công trình của Thánh Thần Chúa Kitô, luôn làm sống động, nối kết và hướng dẫn Giáo Hội (7g).

Vài hàng kết luận nói lên chủ đề Giáo Hội là một Hiền thê (7h). (Trở lại đầu trang)

8* Số 8: Bản tính nhân thần của Giáo Hội.

Trong Giáo Hội, phải phân biệt – nhưng không được phân tán – hai khía cạnh, có thể so sánh với hai bản tính của Ngôi Lời nhập thể: một khía cạnh nhân loại và một khía cạnh thần linh. Giáo Hội như một mầu nhiệm thực sự xuất hiện trên trái đất dưới hình thức cụ thể và hiển nhiên, và Giáo Hội vẫn hiện diện, nếu không chúng ta không thể nói tới mầu nhiệm (Giáo Hội là bí tích cứu rỗi, là dấu hiệu hữu hình của ơn cứu rỗi vô hình và là dụng cụ của quyền năng Thiên Chúa, xem số 1). Mầu nhiệm là chương trình cứu rỗi được Chúa mạc khải ở trần gian này dưới những tấm màn trong suốt (8a).

Vậy Giáo Hội được Thiên Chúa triệu tập và qui tụ, phù hợp với Chúa Kitô, là thân thể của Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần làm cho hoạt động. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn là nơi qui tụ mọi người với tất cả những yếu tố mà nơi qui tụ đó bao gồm, không những về tổ chức, cơ cấu, thế lực xã hội, mà cả những yếu đuối và tội lỗi. Thực tế phức tạp của Giáo Hội là như thế, nhưng cũng đừng nên tách biệt hay đối kháng mà phải nhìn với con mắt đức tin như một công trình của lòng nhân hậu Chúa muốn xử dụng mọi yếu tố nhân loại, không khinh chê sự yếu hèn của nó. Sự thống nhất có tính cách nền tảng của Giáo Hội sống động được xác quyết qua ba cách thức khác nhau: không thể có sự đoạn giao giữa từng hai ý niệm đi với nhau:

“Xã hội phẩm trật – Nhiệm thể Chúa Kitô”;

“Công hội hữu hình – Cộng đoàn thiêng liêng”;

“Giáo Hội trần gian – Giáo Hội tô điểm bằng hồng ân thiên quốc”.

Chúng ta đứng trước một thực tại phức tạp không chia cắt, nhưng lại bao gồm một yếu tố nhân loại và một yếu tố thần linh. Trong thực tại phức tạp này, Giáo Hội là dấu hiện có Chúa Thánh Thần hiện diện và chính Ngài sẽ hoàn tất trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội ơn cứu độ của những người được tuyển chọn.

Sự kiện vừa là dấu hiệu vừa là lý do sinh ra ơn thánh cấu tạo nên chính yếu tính của bí tích hay mầu nhiệm: dấu hiệu hữu hình của thần lực vô hình (8b).

Giáo Hội thánh thiện thật, nhưng một trật cũng luôn đòi được thanh tẩy; tội lỗi tồn tại trong Giáo Hội, nhưng Giáo Hội lại được Chúa Thánh Thần thánh hóa sâu xa. Do hai đặc tính này mà công cuộc cứu độ luôn được thực hiện dưới dấu chỉ khó nghèo và bách hại: đó chính là con đường mà Giáo Hội phải dấn thân để theo gương Chúa Giêsu; đường riêng của Chúa luôn là đường Thánh Giá. Giáo Hội là Giáo Hội của tội nhân nên luôn luôn cần được thanh tẩy. Nhưng nếu từ đó mà vội kết luận rằng Giáo Hội như thế không còn thánh thiện là kết luận sai, bởi vì như vậy là chỉ nhìn toàn bộ con số những chi thể chứ không nhìn đến một cái gì khác trong Giáo Hội. Giáo Hội là một xã hội do Chúa Kitô thiết lập và được Chúa Thánh Thần làm cho sống động chỉ với mục đích tranh đấu và chiến thắng tội lỗi. Ðó chính là lý do và là cách thức thánh thiện tinh tuyền của Giáo Hội: Chắc hẳn không phải nơi chi thể hay thủ lãnh, nhưng là trong chính yếu tính. Giáo Hội là Hiền thê không tì ố, không bụi nhơ, nhưng chỉ hiện hữu nơi trần gian này trong tình trạng chuẩn bị (8c).

Giáo Hội sẽ toàn thắng trên chặng đường nguy khó này, nhưng chỉ có thể nhờ sự bác ái và nhẫn nại của Thánh Thần mới có thể lướt thắng được những trở ngại dồn dập. Những yếu đuối, những khó khăn, những thiếu sót của Giáo Hội, của một xã hội trần gian, không phải là những ảo tưởng, nhưng chúng có thực. Cuộc chiến thắng của Giáo Hội Chúa trên tất cả những nghịch cảnh này cũng không phải là giả tưởng, nhưng là cuộc chiến thắng thực sự cho người có lòng tin. Như vậy, Giáo Hội thực sự mạc khải mầu nhiệm Chúa Kitô dù vẫn còn mây đen mờ tối cho tới khi có ánh sáng huy hoàng chiếu soi (8d). (Trở lại đầu trang)

9 Leô XIII, Tđ. Sapientiae christianae. 10-1-1890: AAS 22 (1889-90), trg 392. n.t., Tđ. Satis cognitum 29-6-1896: AAS 28 (1895-96), trg 710 và 724 tt. Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, n.v.t., trg 199-200. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Piô XII Tđ. Mystici Corporis, n.v.t., trg 221 tt. n.t., Tđ. Humani generis, 12-8-1950: AAS 42 (1950), trg 571. (Trở lại đầu trang)

11 Leô XIII, Tđ. Satis Cognitum, n.v.t., trg 713. (Trở lại đầu trang)

12 Xem Symbolum Apostolicum: Dz. 6-9 (10-13). Symb. Ni.-Const. : Dz. 86 (150). So sánh với Prof. fidei Trid. : Dz. 994 và 999 (1862 và 1868). (Trở lại đầu trang)

13 Ðọc “Giáo Hội Rôma thánh thiện (công giáo và tông truyền)”: trong Prof. fidei Trid., n.v.t., và CÐ Vat I, Hiến chế tín lý về đức tin công giáo, Dei Filius : Dz. 1782 (3001). (Trở lại đầu trang)

14 T. Augustinô, De Civ. Dei, XVIII, 51, 2 : PL 41, 614. (Trở lại đầu trang)

 

 

Chương II

Dân Thiên Chúa 9*

9. Giao Ước mới và Dân Tộc mới. Chắc chắn trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài đoái thương (x. CvTđ 10,35). Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, Ngài đã chọn dân Israel là dân Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần bằng cách tỏ chính mình và ý định mình qua lịch sử dân ấy, và Ngài đã thánh hóa họ để dành riêng cho mình. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và hình bóng của giao ước mới và hoàn hảo, sẽ được ký kết trong Chúa Kitô, và là chuẩn bị cho mạc khải trọn vẹn hơn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mang đến. Thiên Chúa phán: “Này đây sẽ tới ngày Ta ký giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa… Ta sẽ ban luật Ta trong lòng chúng, và khắc ghi luật ấy vào trái tim chúng, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ trở thành dân Ta… Tất cả mọi người từ nhỏ chí lớn đều sẽ nhận biết Ta. Ðó là Lời Chúa phán” (Gier 31,31-34). Chúa Kitô đã thiết lập minh ước mới ấy, đó là giao ước mới trong máu Người (x. 1Cor 11,25), Người triệu tập dân chúng từ dân Israel và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt, để làm họ nên dân tộc mới của Thiên Chúa. Thực vậy, những ai tin kính Chúa Kitô đều được tái sinh không phải bởi mầm mống hay hư nát, nhưng do mầm mống bất diệt nhờ lời Thiên Chúa hằng sống (x. 1P 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng bởi nước và Thánh Thần (x. Gio 3,5-6), và cuối cùng trở thành một “dòng giống được tuyển chọn, thành hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, dân tộc đã được Thiên Chúa thu phục, trước kia không phải là một dân, mà nay là dân của Thiên Chúa” (1P 2,9-10).

Dân thiên sai này có vị thủ lãnh là Chúa Kitô, “Ðấng đã bị nộp vì tội lỗi ta và phục sinh cho ta nên công chính” (Rm 4,25), và bây giờ Người được một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, và đang hiển trị trên trời. Ðịa vị dân này là được vinh dự và tự do làm Con Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ. Luật của họ là giới răn mới: phải thương yêu nhau như chính Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Gio 13,34). Sau cùng, cứu cánh của họ, tức là phát triển thêm Nước Thiên Chúa, đã được Ngài khai nguyên trên trần gian, cho tới khi được Ngài hoàn tất trong ngày tận thế, ngày mà Chúa Kitô, sự sống của chúng ta, hiện đến (x. Col 3,4), ngày mà “chính tạo vật cũng được giải phóng khỏi ách nô lệ hư nát, lại được tự do trong vinh quang con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21). Vì thế, dân tộc thiên sai ấy, tuy hiện nay chưa bao gồm toàn thể nhân loại và đôi khi tỏ ra như một đàn chiên nhỏ, nhưng lại là một mầm mống vững chắc nhất của hiệp nhất, hy vọng và cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Dân tộc thiên sai ấy được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người xử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16).

Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. 2Esd 13,1; Ds 20,4; Dnl 23,1tt), dân Israel mới tiến bước trong thời đại này đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt (x. Dth 13,14) cũng được gọi là Giáo Hội Chúa Kitô (x. Mt 16,18). Thực vậy, chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lấy Giáo Hội đó (x. CvTđ 20,28), Người đổ tràn Thánh Thần và ban các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình. Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người 1. Với bổn phận phải lan rộng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt. 10*

  1. Chức tư tế cộng đồng11*Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm được chọn nơi loài người (x. Dth 5,1-5), để biến dân tộc mới thành một “vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người” (Kh 1,6; x. 5,9-10). Thực vậy, những người đã lãnh phép Thánh Tẩy, nhờ được tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được cung hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người Kitô hữu, dâng của lễ thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Ðấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài (x. 1P 2,4-10). Vì thế, tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (x. CvTđ 2,42-47), họ phải dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát. (x. 1P 3,15).

Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình 2. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng thánh lễ 3, và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực. 12*

  1. Hành sử chức tư tế cộng đồng trong các bí tích13*Ðặc tính thánh thiện và có tổ chức của cộng đoàn tư tế được thể hiện trong hành động nhờ các bí tích và các nhân đức. Các tín hữu tháp nhập vào Giáo Hội bởi phép Thánh Tẩy, và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng thờ Kitô giáo và, được tái sinh làm con Thiên Chúa, họ có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Giáo Hội 4. Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, họ gắn bó với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô 5. Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ 6. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách lộn xộn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này.

Những ai đến nhận lãnh bí tích Cáo Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Ngài. Ðồng thời họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Nhưng Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải họ. Bằng phép Xức Dầu Thánh và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và hiển vinh để Người an ủi và cứu rỗi họ (x. Giac 5,14-16); hơn nữa, Giáo Hội còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với Chúa Kitô chịu đau khổ và chịu chết (x. Rm 8,17; Col 1,24; 2Tm 2,11-12; 1P 4,13) để mưu ích cho Dân Thiên Chúa. Còn những người trong các tín hữu có hân hạnh lãnh nhận chức Thánh, được đặt lên nhân danh Chúa Kitô để chăn dắt Giáo Hội bằng ân sủng và Lời Thiên Chúa. Sau cùng, nhờ sức thiêng của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Eph 5,32); họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; cũng vì đó, họ được những ơn riêng cho đấng bậc mình trong Dân Chúa 7. Từ sự kết hợp ấy phát sinh ra gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài người được sinh ra, và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con cái Thiên Chúa, hầu Dân Chúa tồn tại mãi trong dòng lịch sử. Trong gia đình như một Giáo Hội nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như phải lo chăm sóc đến ơn gọi riêng của từng đứa con, và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục.

Ðược ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người. 14*

  1. Cảm thức của đức tin và đoàn sủng trong Dân Thiên Chúa. Dân Thánh Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô bằng cách phổ biến chứng tá sống động về Người, nhất là qua đời sống đức tin và đức ái; và dâng lên Thiên Chúa của lễ ca tụng, hoa trái của những miệng lưỡi ngợi khen thánh Danh Người (x. Dth 13,15). Toàn thể tín hữu, được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1Gio 2,20 và 27), không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi “từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết” 8đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa. Thực vậy, nhờ cảm thức về đức tin được Thánh Thần chân lý khơi dậy và duy trì, dưới sự hướng dẫn và giáo huấn thần linh của Giáo Hội mà họ trung thành tuân theo, Dân Thiên Chúa nhận lãnh không phải lời nói của loài người nữa, mà thực sự là lời của Thiên Chúa (x. 1Th 2,13; họ gắn bó hoàn toàn “với đức tin chỉ một lần được ban bố cho các thánh” (Gđa 3), họ tiến sâu hơn trong đức tin nhờ phán đoán đứng đắn, và sống đức tin cách hoàn hảo hơn.

Hơn nữa, cũng chính Thánh Thần ấy, không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích, các chức vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu “phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài” (1Cor 12,11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội như lời chép rằng: “Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích” (1Cor 12,7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo Hội. Nhưng không nên liều lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt, và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự xử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo (x. 1Th 5,12 và 19-21). 15*

  1. Tính cách phổ quát nơi Dân duy nhất của Thiên Chúa. 16*Mọi người được mời gọi gia nhập Dân Tộc mới của Thiên Chúa. Vì thế, Dân mới này, một dân duy nhất và hằng hiệp nhất, có bổn phận phải lan rộng khắp thế giới trải qua mọi thế hệ, hầu hoàn tất kế hoạch của Thánh Ý Thiên Chúa, Ðấng từ nguyên thủy đã tạo dựng một bản tính nhân loại duy nhất, và quyết định sau này tập họp tất cả con cái Ngài tản mát đó đây thành một dân tộc độc nhất (x. Gio 11,52). Chính vì mục đích ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Ngài xuống, Ðấng mà Ngài đã đặt làm thừa kế vũ trụ (x. Dth 1,2), hầu trở nên Thầy, Vua và Tư Tế cho mọi người, và nên Thủ Lãnh của dân tộc mới và phổ quát của con cái Thiên Chúa. Sau cùng, cũng vì mục đích đó mà Thiên Chúa đã sai Thánh Thần của Con Ngài, là Chúa và là Ðấng ban sự sống. Ðối với toàn Giáo Hội, với tất cả cũng như với mỗi tín hữu, Thánh Thần là nguyên lý qui tụ và hiệp nhất, trong giáo lý của các Tông Ðồ, trong sự hiệp thông, bẻ bánh và kinh nguyện (x. CvTđ 2,42, bản Hy lạp).

Như thế, Dân duy nhất của Thiên Chúa hiện diện nơi mọi dân nước trần gian. Tuy dân của Nước Ngài là công dân của các nước, song thực ra, đặc tính của Nước ấy không thuộc về thế gian nhưng thuộc về Trời. Quả thực, mọi tín hữu rải rác trên khắp hoàn cầu đều hiệp thông trong Thánh Thần với tất cả các tín hữu khác, và vì thế “kẻ ở Rôma biết rằng người Ấn Ðộ là chi thể mình” 9. Nhưng vì Nước Chúa Kitô không thuộc về thế gian này (x. Gio 18,36), nên Giáo Hội, tức Dân Thiên Chúa, hợp thành Nước ấy, không loại bỏ bất cứ một phần di sản trần thế nào của các dân tộc; trái lại, Giáo Hội chăm sóc và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi gia sản, nơi nguồn lực và phong hóa của các dân tộc, và khi thu dụng, Giáo Hội tinh luyện, kiện toàn và làm chúng nên cao thượng. Thực vậy, Giáo Hội nhớ rằng mình phải kết hợp với Vua ấy là Ðấng đã lãnh nhận các dân nước làm gia nghiệp mình (x. Tv 2,8), và các dân nước mang đến Thành Ðô Người của lễ và tặng vật (x. Tv 71 (72),10; Is 60,4-7; Kh 21,24). Ðặc tính phổ quát này, tư trang của Dân Thiên Chúa, là một ân huệ do chính Thiên Chúa ban, nhờ đó Giáo Hội Công Giáo luôn nỗ lực cách hữu hiệu qui tụ toàn thể nhân loại cùng những gì tốt lành nơi họ dưới một Thủ Lãnh là Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần 10.

Nhờ đặc tính công giáo ấy, mỗi phần tử mang những ân huệ riêng của mình đến cho các phần tử khác và cho toàn Giáo Hội, do đó toàn thể và mỗi phần tử tăng triển nhờ hiệp thông với nhau và nhờ nỗ lực tiến đến viên mãn trong sự hiệp nhất. Vì thế, Dân Thiên Chúa tạo thành không những do các dân nước qui tụ lại nhưng còn do các chức vụ khác nhau trong nội bộ nữa. Thực vậy, giữa các phần tử trong dân, có nhiều sự khác biệt: hoặc do chức vụ, như những người thi hành thừa tác vụ thánh để mưu lợi ích cho anh em mình, hoặc do hoàn cảnh và nếp sống, như những người sống trong bậc tu trì, cố gắng nên thánh bằng con đường khắc khổ hơn và nêu gương khích lệ anh em. Cũng vì thế, ngay trong sự hiệp thông của Giáo Hội cũng có sự hiện diện hợp pháp của những Giáo Hội địa phương, thừa hưởng những truyền thống riêng, mà vẫn không phương hại đến quyền tối thượng của Tòa Thánh Phêrô, Tòa Thánh này, thủ lãnh toàn thể cộng đoàn đức ái 11, bảo vệ các dị biệt hợp pháp không phương hại, trái lại còn sinh ích cho sự hiệp nhất đó. Cũng vì thế các thành phần khác nhau của Giáo Hội liên kết với nhau bằng mối dây hiệp thông mật thiết về của cải thiêng liêng, về thợ truyền giáo và về sự trợ giúp vật chất. Quả thực, mọi phần tử Dân Thiên Chúa được kêu gọi chia sẻ của cải mình và lời nói sau đây của vị Tông Ðồ cũng có giá trị cho mọi Giáo Hội: “Mỗi người hãy tùy theo ơn đã nhận được mà giúp đỡ lẫn nhau, như những quản lý tài ba phân phối mọi thứ ơn của Thiên Chúa” (1P 4,10).

Vì thế mọi người đều được mời gọi vào sự hiệp nhất công giáo này của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy tiên báo và cổ võ nền hòa bình phổ quát. Họ thuộc về hoặc hướng về sự hiệp nhất đó dưới nhiều thể cách khác nhau, được sắp xếp hoặc họ là tín hữu công giáo hay là những người tin Chúa Kitô, hoặc sau cùng tất cả mọi người không trừ ai đều được ơn Thiên Chúa kêu mời lãnh nhận phần rỗi. 17*

  1. Tín hữu công giáo. 18*Vậy trước tiên, Thánh Công Ðồng hướng lòng về các tín hữu công giáo. Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, Thánh Công Ðồng dạy rằng: Giáo Hội lữ hành này cần thiết cho phần rỗi. Thực vậy, chỉ mình Chúa Kitô là Trung Gian và là đường cứu độ, Người hiện diện giữa chúng ta trong thân thể Người là Giáo Hội; chính Người đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và của phép Thánh Tẩy (x. Mc 16,16; Gio 3,5), đồng thời Người đã xác nhận sự cần thiết của Giáo Hội mà mọi người phải bước vào qua cửa phép Thánh Tẩy. Vì thế, những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Giáo Hội này thì không thể được cứu rỗi.

Ðược kể là gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội, những ai lãnh nhận Thánh Thần Chúa Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu rỗi được thiết lập trong Giáo Hội; và nhờ các mối liên lạc do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai trị của Giáo Hội và sự hiệp thông, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Giáo Hoàng và các Giám Mục. Dù được tháp nhập vào Giáo Hội, nhưng nếu không kiên trì sống trong đức ái thì vẫn không được cứu rỗi, vì tuy “thể xác” họ thuộc về Giáo Hội, nhưng “tâm hồn” họ không ở trong Giáo Hội 12. Nhưng các con cái của Giáo Hội phải nhớ rằng, địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng mình, nhưng do đặc ân của Chúa Kitô; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn 13.

Phần những người dự tòng, nhờ Thánh Thần thúc đẩy, nếu minh nhiên xin gia nhập Giáo Hội, thì do chính ước muốn ấy, họ đã được kết hợp cùng Giáo Hội rồi; và Giáo Hội là Mẹ hiền yêu thương săn sóc họ như con cái mình. 19*

  1. Giáo hội và Kitô hữu không công giáo. Với những kẻ đã lãnh phép Thánh Tẩy, mang danh hiệu Kitô hữu, nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, hoặc không hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phêrô, Giáo Hội vẫn biết mình có liên hệ với họ vì nhiều lý do 14. Thực vậy, có nhiều người cung kính lấy Thánh Kinh làm mẫu mực cho lòng tin và đời sống, giữ đạo cách nhiệt thành, thành thực, hết lòng tin kính Chúa Cha toàn năng, và Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa 15. Ðược bí tích Thánh Tẩy ghi ấn, họ kết hợp với Chúa Kitô, họ còn công nhận và lãnh một số bí tích khác trong Giáo Hội, hoặc trong các cộng đồng Giáo Hội của họ. Nhiều người trong họ còn có chức giám mục, họ vẫn cử hành bí tích Thánh Thể và tôn kính Ðức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa 16. Họ cũng hiệp thông trong lời cầu nguyện và các việc lành thiêng liêng khác; hơn nữa, họ thực sự kết hợp trong Chúa Thánh Thần, Ðấng cũng dùng ân huệ và thánh sủng tác động trong họ nhờ thần lực thánh hóa của Ngài, và đã củng cố một số người trong họ đi đến chỗ đổ máu tử đạo. Vì thế, Thánh Thần thúc giục hết thảy các môn đệ Chúa Kitô ước muốn và hành động để tất cả được an bình hiệp nhất trong một đàn chiên dưới quyền một Chủ Chăn duy nhất 17, theo cách thức Chúa Kitô đã vạch ra. Ðể được vậy, Giáo Hội, Mẹ hiền không ngừng cầu nguyện, hy vọng và hành động, cũng như khuyên giục con cái thanh tẩy và canh tân, để ấn dấu của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo Hội. 20*
  2. Giáo hội và những người không thuộc Kitô giáo. Sau cùng, những ai chưa lãnh nhận Phúc Âm cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa 18. Trước tiên phải kể dân tộc đã lãnh nhận lời hứa và giao ước, mà bởi dân ấy, Chúa Kitô đã sinh ra theo thể xác (x. Rm 9,4-5). Họ là dân rất được yêu quí, bởi đã được tuyển chọn vì cha ông họ: Thiên Chúa không ân hận gì vì đã ban ơn và kêu gọi họ (x. Rm 11,28-29). Nhưng kế hoạch cứu độ cũng còn bao hàm những ai nhận biết Ðấng Tạo Hóa: trước tiên phải kể đến người Hồi Giáo; họ xưng rằng họ giữ đức tin của Abraham; cùng với chúng ta, họ thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, nhân từ, Ðấng sẽ phán xét loài người trong ngày sau hết. Những kẻ đang tìm kiếm Thiên Chúa trong bóng tối và qua ngẫu tượng, Thiên Chúa mà họ không biết, cả những kẻ ấy, Ngài cũng không xa họ, bởi vì chính Ngài ban cho mọi người sự sống, hơi thở và tất cả mọi sự (x. CvTđ 17,25-28), và vì là Ðấng Cứu Thế, Ngài muốn mọi người đều được cứu rỗi (x. 1Tm 2,4). Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi 19. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi. Thực vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm 20, và như một ân huệ mà Ðấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống. Nhưng thường con người bị ma quỉ gạt gẫm làm sai lạc phán đoán của mình khiến họ đánh đổi chân lý Thiên Chúa lấy sự giả dối, khiến họ phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo Hóa (x. Rm 1,21 và 25); hoặc vì họ sống chết như không có Thiên Chúa trên đời này, nên liều mình rơi vào sự thất vọng tột độ. Vì hằng quan tâm làm vinh danh Thiên Chúa, và cứu rỗi tất cả những người ấy và hằng nhớ lời Chúa truyền: “Hãy rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật” (Mc 16,15), nên Giáo Hội tận tâm lo lắng và cổ võ việc truyền giáo. 21*
  3. Tính cách truyền giáo của Giáo Hội. Như Chúa Cha sai Người thế nào, Chúa Con cũng sai các Tông Ðồ như vậy (x. Gio 20,21) khi Người phán: “Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Lệnh ấy, lệnh mà Chúa Kitô long trọng truyền rao giảng chân lý cứu rỗi, Giáo Hội đã nhận lãnh từ các Tông Ðồ để chu toàn khắp cõi đất (x. CvTđ 1,8). Vì thế, Giáo Hội xem lời sau đây của Thánh Tông Ðồ như lời của mình: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1Cor 9,16), và vì thế Giáo Hội không ngừng gửi sứ giả Phúc Âm cho đến khi các Giáo Hội trẻ được trưởng thành hoàn toàn và tự mình tiếp tục việc rao giảng Phúc Âm. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa là Ðấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới. Bằng việc rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Thánh Tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhập họ vào thân thể Chúa Kitô, hầu nhờ đức ái, họ tăng triển mãi trong Người cho đến khi đạt tới viên mãn. Thực ra, những gì thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của loài người, hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Giáo Hội không nhằm tiêu diệt chúng, nhưng lành mạnh hóa, nâng cao và hoàn thành chúng, hầu làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỉ và mưu cầu hạnh phúc cho con người. Mỗi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần truyền bá đức tin 21. Tuy bất cứ ai cũng có thể ban phép Thánh Tẩy cho những kẻ tin, nhưng chỉ có linh mục mới hoàn tất, xây dựng Nhiệm Thể bằng hy lễ tạ ơn, làm trọn lời Thiên Chúa đã phán qua miệng tiên tri: “Từ đông sang tây, Danh Ta sẽ được lừng lẫy khắp muôn dân; khắp nơi đều sát tế và dâng lễ vật thanh sạch kính Danh Ta” (Mal 1,11) 22. Như thế Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thể vũ trụ biến thành Dân Thiên Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và Ðền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Chúa Kitô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Chúa Cha Ðấng Tạo Thành vũ trụ. 22*

 

Chú thích

9* Chương nhất của Hiến Chế tín lý về Giáo Hội bàn về mầu nhiệm Giáo Hội đặc biệt trong chiều hướng ngoài thời gian. Chương hai trình bày hình ảnh mầu nhiệm Giáo Hội cụ thể của Chúa Giêsu Kitô trong chiều hướng lịch sử: sự xuất hiện, bản tính là Dân Thiên Chúa đang trong cuộc hành trình, sự bành trướng của Giáo Hội trong không gian và thời gian. Lịch sử tính phổ quát của mầu nhiệm Giáo Hội – như số 8 đã khai mào – có thể diễn tả một cách tổng hợp như sau: Giáo Hội là Dân Thiên Chúa trên đường lữ hành qua lịch sử thánh, bắt đầu từ lúc Israel được Chúa gọi đi tới Giáo Hội với những chiều hướng phổ quát của cuộc hoàn tất trong sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi. Công Ðồng đã lưu tâm xây dựng khoa Giáo Hội học dựa trên lịch sử cứu rỗi, như thế là trở về với dự kiến nền tảng của khoa Giáo Hội học thời Giáo Hội sơ khai mà khoa thần học thời Trung Cổ (ít quan tâm đến lịch sử), thời chống phái Cải Cách (nhấn mạnh đặc biệt tới khía cạnh phẩm trật), thuộc thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ XX (khám phá ra đặc tính huyền thiêng của Giáo Hội và khai triển ý niệm tĩnh về Nhiệm Thể) đã bỏ qua. Dự kiện nền tảng ấy như sau: chỉ mình Giáo Hội Chúa Kitô là sự hoàn tất hợp pháp của dân tộc mang lời hứa Cựu Ước; công đoàn con người là Giáo Hội (với những nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm khác nhau) mặc hình thức một dân tộc được triệu tập và liên kết bởi một Tân Ước tiếp nối cho Cựu Ước. Triệu tập là tiếp tục lời mời đối với Israel trước đây, nhưng không còn dành riêng cho một chủng tộc nào nữa: từ nay trong Tân Ước, lời mời gọi của Thiên Chúa qua Máu Chúa Kitô sẽ đến với mọi người. Như thế Giáo Hội được coi như Dân Thiên Chúa đang tiến tới viên mãn dưới Thần Khí Chúa Kitô. Dự kiện ấy là nền tảng cho tất cả những khai triển của Hiến Chế. Ðể có thể cân nhắc chính xác vai trò của các hạng người trong Giáo Hội (phổ quát tính của Dân Chúa), cần phải định vị các nhóm này (giáo phẩm, giáo dân, tu sĩ) trong toàn thể Dân Chúa: “Dân Chúa nơi đây phải hiểu là cả mục tử lẫn con chiên… Phải nhìn Dân Chúa trong toàn diện; có vậy mới thấy rõ trách vụ của mục tử là cung ứng cho con chiên những phương thế cứu rỗi, và ơn gọi của con chiên là phải cộng tác với mục tử để truyền bá Phúc Âm và mở mang Giáo Hội” (Rel. Gen.). Trước khi đề cập chi tiết đến những hạng người khác nhau, cần phải mô tả cộng đoàn và cho biết yếu tố chung của mỗi người, tức là: phải thuộc về Dân Thiên Chúa như là nơi tập hợp các tín hữu.

Ý niệm về Dân Thiên Chúa giữ một vị trí then chốt trong toàn thể Hiến Chế và nói lên hai điểm:

  1. a) Sự liên tục lịch sử của kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa thực hiện trong mầu nhiệm Giáo Hội, như là dân mới của Tân Ước với đặc tính đón nhận mọi người;
  2. b) Cộng đoàn sống trong đức tin của tất cả những nhóm và những hạng người tạo thành Dân Thiên Chúa.

Chương này có kết cấu đơn giản. Sau phần nhập đề về Dân Thiên Chúa cách tổng quát (số 9), phần nhất mô tả địa vị chung và đồng nhất cho mọi Kitô hữu được Chúa chọn để tham dự vào Dân Ngài: Dân Thiên Chúa là dân tư tế (các số 10-12). Phần hai bàn về ơn gọi phổ quát – công giáo tính – của Dân Chúa, ý định được cụ thể hóa trong lịch sử Dân Ngài. Công Ðồng cố gắng bày tỏ sao cho những hạng người khác nhau nói lên mối tương quan với Dân Thiên Chúa, là sự phô diễn lịch sử của mầu nhiệm cứu độ phổ quát (các số 13-16). Phần kết luận của chương này nói về Chúa Thánh Thần là Ðấng xướng xuất ra phổ quát tính ấy mà những sứ mệnh của Ngài là biểu tượng sống động. (Trở lại đầu trang)

1 Xem T. Cyprianô, Epist. 69, 6 : PL 3, 1142 B ; Hartel 3 B, trg 754: “bí tích hiệp nhất bất khả phân ly”. (Trở lại đầu trang)

10* Số 9: Giao ước mới và dân tộc mới.

Thần học về Dân Thiên Chúa được trình bày qua ba giai đoạn:

  1. a) Ý định hữu hiệu của Thiên Chúa muốn cứu vớt nhân loại qua việc Chúa làm cho nhân loại trở thành một dân tộc mà Israel cũ là hình bóng chuẩn bị trước. Dân tộc mới của Chúa kế nghiệp dân tộc cũ và cũng dành cho mình những tước hiệu của dân tộc cũ (số 9a).
  2. b) Những chiều hướng của dân tộc mới: có thủ lãnh là Chúa Kitô, có qui chế là chức vị và sự tự do của các con cái Chúa, có luật pháp là giới răn mới, có không gian là phổ quát tính, có cùng đích là Nước Trời. Nó vượt quá biên cương một quốc gia để tiến tới mọi quốc gia (số 9b).
  3. c) Dân tộc mới này là Giáo Hội Chúa Kitô. Vì chính trong dân ấy mà ý định cứu rỗi đạt được mục đích là qui tụ các con cái tản mát của Thiên Chúa về hiệp nhất. Nhờ các con cái ấy mà Dân Thiên Chúa tạo thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của một ơn cứu rỗi. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa luôn tiến tới viên mãn là Nước Trời. Bén rễ trong lịch sử, thiết lập trên trái đất và giữa trần gian, Giáo Hội đang trên đường đi về Giêrusalem thiên quốc (số 9c; x. số 5 và chương VIII). (Trở lại đầu trang)

11* Các số 11-12: Dân tư tế.

Dân tộc này là một dân “tư tế”. Công Ðồng giải thích vắn tắt bản tính của chức tư tế (số 10) và việc thi hành chức vụ ấy (các số 11-12). (Trở lại đầu trang)

2 Xem Piô XII, Huấn từ Magnificate Dominum, 2-11-1954 : AAS 46 (1954), trg 669. Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947 : AAS 39 (1947), trg 555. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Piô XI, Tđ. Miserentissimus Redemptor, 8-5-1928 : AAS 20 (1928), trg 171t. Piô XII, Huấn từ “Vous nous avez”, 22-9-1956 : AAS 48 (1956), trg 714. (Trở lại đầu trang)

12* Số 10: Bản tính của chức tư tế cộng đồng.

Công Ðồng đi theo đường lối truyền thống khi quả quyết là người đã chịu phép Thánh Tẩy đều được thánh hiến để lãnh nhận chức tư tế thánh. Quả thực, Dân Thiên Chúa tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô vì là dân tộc được thừa hưởng những đặc ân của dân tư tế mà Thiên Chúa đã tuyển chọn và dành riêng cho Ngài trên núi Sinai. Chúa Kitô đã được thánh hiến để trở thành vị Tư Tế (tức là vị Trung Gian của Tân Ước), nhờ Ngôi Hiệp. Chức vụ tư tế ấy được Dân Thiên Chúa tham dự, trở thành chung cho mọi tín hữu nhờ phép Thánh Tẩy. Công Ðồng gọi là “chức tư tế cộng đồng”. Chúa Kitô biến dân này thành một cộng đoàn được thánh hiến. Người theo đuổi sứ mệnh của Người trong mỗi tín hữu, mỗi phần tử của Dân Thiên Chúa. Ai chịu phép Thánh Tẩy để vào Giáo Hội, thì cũng đều nhận được sự thánh hiến tư tế này, nghĩa là, Chúa Kitô cho người đó tham dự vào chức tư tế, và sứ mệnh tiên tri và vào chức vụ vương giả của Người (sô 10a).

Nhưng phải phân biệt chức tư tế cộng đồng này với chức tư tế thừa tác được trao phó cho một số người đã chịu phép Thánh Tẩy. Chức tư tế thừa tác bao gồm quyền hành trên Dân Thiên Chúa. Cả hai chức tư tế đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô, và có liên quan với nhau: chức tư tế cộng đồng hoàn tất nhờ chức tư tế thừa tác và chức tư tế thừa tác dựa trên chức tư tế cộng đồng (số 10b). (Trở lại đầu trang)

13* Các số 11-12: Việc thi hành chức tư tế cộng đồng.

Việc thi hành bao gồm hai nhiệm vụ riêng cho Dân Chúa: tham dự vào các bí tích và chứng tá cho đức tin. (Trở lại đầu trang)

4 Xem T. Tôma, Summa Theol. III, q.63, a.2. (Trở lại đầu trang)

5 Xem T. Cyrillô Hieros., Catech. 17, về Chúa Thánh Thần, II, 35-37 : PG 33, 1009-1012. Nic. Cabasilas, De vita in Christo, C. III, về lợi ích của dầu thánh: PG 150, 569-580. T. Tôma, Summa Theol. III, q. 95, a.3 và q. 72, a.1 và 5. (Trở lại đầu trang)

6 Xem Piô XII, Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947 : AAS 39 (1947), nhất là trg 552 t. (Trở lại đầu trang)

7 1Cor 7,7: “Mỗi người Chúa ban cho ơn riêng (idion charisma), người được ơn này, người được ơn kia”. Xem T. Augustinô, De Dono Persev. 14, 37 : PL 45, 1015t: “Không những tiết dục, nhưng cả khiết tịnh của đôi bạn cũng là ơn Chúa ban”. (Trở lại đầu trang)

14* Số 11: Tham dự vào các bí tích.

Chức tư tế cộng đồng biểu thị tính chât một cộng đoàn có tổ chức hệ thống nên phải được thi hành bằng những phương tiện có hệ thống và hữu hình. Bí tích chiếm hàng đầu, nhưng cũng đừng bỏ qua những nhân đức Kitô giáo do các bí tích truyền thông và thăng tiến nhờ chính những hoạt động của chúng. Ðoạn này nhắc cho chúng ta ý niệm thần học cổ điển đã nói trong Thông điệp “Mediator Dei”: việc tham dự vào các bí tích (không phải chỉ tiếp nhận thụ động, nhưng phải tiếp nhận trong sự thấu suốt bằng đức tin) là sự thi hành chức tư tế ấy. Thực ra, Công Ðồng nhấn mạnh tới hiệu quả mà bí tích mang lại cho đời sống Kitô hữu hơn là tới chính việc tham dự vào quyền tư tế của Chúa Kitô. Thần học sẽ còn phải đào sâu về quyền tư tế, một thứ quyền chủ động, trên bình diện toàn thể Dân Chúa. (Trở lại đầu trang)

8 Xem T. Augustinô, De Praed. Sanct. 14,27 : PL 44, 980. (Trở lại đầu trang)

15* Số 12: chứng tá cho đức tin.

Hiến chế coi việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo liên quan tới chức vụ tư tế cộng đồng và đặc tính vô ngộ của đức tin nơi toàn thể Dân Thiên Chúa là do Chúa Thánh Thần linh ứng. Ðức tin này không chỉ là việc tuân theo các lời giáo huấn của Giáo Hội, các công thức Giáo Hội đề ra, nhưng còn diễn tả một “ý thức” sâu thẳm do Chúa Thánh Thần ghi tạc trong Dân Chúa, ý thức ấy giúp phân biệt chân lý, vững tâm chấp nhận chân lý mà không sợ sai lầm. Những chân lý ấy được Công Ðồng quảng diễn theo ba cách:

  1. a) Trước hết mối dây liên lạc giữa chức tư tế cộng đồng với sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô, sứ mệnh mà Dân Chúa tham dự và cũng nhờ đó mới có thể minh chứng đức tin.
  2. b) Ý thức đức tin có ảnh hưởng trong cộng đoàn nhờ việc Chúa Thánh Thần xức dầu, và như vậy chính tín hữu, được soi sáng trong tâm hồn, sẽ phân biệt giáo lý chân chính với tà thuyết.
  3. c) Trong ý thức đức tin, người ta có thể nhận ra một đoàn sủng được trao ban cho toàn thể cộng đoàn, và biểu lộ bằng những ân sủng đặc biệt do Chúa Thánh Thần tự do ban phát vì lợi ích cộng đoàn. Các đoàn sủng bày tỏ quyền năng hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Dân Chúa. Tuy nhiên, các thủ lãnh của Giáo Hội phải cho biết giá trị chính thực của những ân sủng đặc biệt này. (Trở lại đầu trang)

16* Các số 13-16: Công giáo tính của một Dân Thiên Chúa.

Từ số 13, Công Ðồng bắt đầu một khai triển mới, nhấn mạnh tới điều cốt yếu của hiệp nhất công giáo, nghĩa là tới sự hiệp nhất của Giáo Hội đang lan rộng khắp cả thế giới. Ðể quả quyết cho đặc điểm công giáo tính này, Công Ðồng chú trọng đến ý định cứu rỗi của Thiên Chúa (1Tm 2,3). Có hai hiệu quả là, một đàng Giáo Hội tự mình phải lan rộng đến mọi dân tộc; đàng khác, mọi người có thiện chí, dù sống trong tình trạng nào đi nữa, thì cũng hoặc thuộc về Giáo Hội, hoặc có tương quan với Giáo Hội, hoặc hướng về Giáo Hội. Chủ đề được khai triển trong hai phần: phần nhất bàn về các nguyên tắc (số 13), và phần hai trình bày những áp dụng cụ thể. (Trở lại đầu trang)

9 Xem T. Gioan Kim Khẩu, In Jo., bài giảng 65, 1 : PG 59, 361. (Trở lại đầu trang)

10 Xem T. Ireneô, Adv. Haer. III, 16, 6; 22, 1-3 : PG 7, 925C – 926A và 955C – 958A; Harvey 2, 87t. và 120-123; Sagnard, x.b. Sources Chrét. Trg 290-292 và 372tt. (Trở lại đầu trang)

11 Xem T. Inhaxiô Tử Ðạo, Ad Rom., Lời mở đầu : x.b. Funk, I, trg 252. (Trở lại đầu trang)

17* Số 13: Công giáo tính cứ luật của Giáo Hội.

Số 13 đã được sửa đổi hầu hết trong lần tu chính sau cùng. Theo thuyết trình viên thì “chủ đích của bản văn này là trình bày những nguyên tắc của hiệp nhất tính và phổ quát tính của Dân Chúa, trước khi mô tả những phương thức khác nhau làm cho con người liên kết với Dân Chúa (các số 14-16). Bởi vậy, đoạn này chính là gạch nối giữa hai phần của chương hai: phần đầu nói lên những đặc tính tổng quát của Dân Chúa, phần sau bàn về các thành phần, hoặc hiện là thành phần, hoặc là thành phần trong tiềm năng” (Rel. Gen.).

Những chủ đề được quảng diễn như sau:

  1. a) Ðoạn đầu (13a) chỉ nhấn mạnh tới sự hiệp nhất nối kết Giáo Hội mọi lúc và mọi nơi. Thiên Chúa đã muốn qui tụ toàn thể nhân loại trong Con của Ngài nhờ hoạt động hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, và còn muốn nối kết nhân loại trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Sự hiệp nhất thấy được trong việc bẻ bánh và trong kinh nguyện.
  2. b) Ðoạn hai (13b) khai triển ý tưởng Dân Chúa hiện diện trong mọi quốc gia trên mặt đất mà không đồng hóa với một quốc gia nào. Dân Chúa phổ quát theo sự lan rộng về địa lý nhưng lại vượt quá biên cương mọi quốc gia do đặc tính siêu việt và do sự kiện bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính thế mà mọi dân mọi nước khác biệt lại trở thành anh em và sự hiệp nhất của Dân Chúa có tính cách “công giáo” thực sự. Chủ đề thu-về-một-mối được áp dụng triệt để.
  3. c) Nhờ đặc tính công giáo ấy, tất cả các phần tử Dân Chúa đặt mọi của cải và ân huệ riêng biệt của mình làm của chung. Cơ cấu nội tại của sự hiệp nhất công giáo của Giáo Hội thật phức tạp. Bởi vậy mới có sự dị biệt hiệp nhất trong mọi tầng lớp của Dân Chúa và mọi phần tử phải hợp tác vào sự hiệp nhất dị biệt. Ngay trên bình diện Giáo Hội, cũng cần phải có các giáo hội địa phương khác biệt nhau nhưng bổ túc cho nhau, mà không phương hại tới sự hiệp nhất. Hủy bỏ mọi khác biệt sẽ tạo nên tình trạng nhàm chán nghèo nàn, và là lý do gây nguy hại cho chính việc hiệp nhất. Nhưng muốn cho sự dị biệt sinh hiệu quả phong phú, cần phải có yếu tố thông hảo trong đức ái. Trong chiều hướng ấy, Giáo Hội Rôma là năng lực cai trị và là sự thống nhất các nguyên tắc nhờ trung thành với đức ái (13c).

Trong câu kết luận (13d) sửa soạn cho phần khai triển kế tiếp, Công Ðồng tái xác nhận việc mọi người được mời gọi tới ơn cứu rỗi trong Dân Chúa, nhưng mức độ tham dự và qui hướng tới Dân Chúa lại rất khác nhau, tùy như người đó đã chịu phép Thánh Tẩy hay mới chỉ là những người được định hướng tới Giáo Hội mà chính họ không hay biết. Ðể nói lên sự khác nhau đó, Công Ðồng xử dụng hai động từ: pertineri và ordinari. Chỉ những ai chịu phép Thánh Tẩy đúng ra mới thuộc về Dân Chúa, còn những người khác hướng về Dân Chúa tùy như mức độ và thiện chí của họ. Cũng như sự lôi cuốn giữa Cha và Con mà Giáo Hội được tham dự, Giáo Hội cũng lôi kéo đến mình tất cả mọi người không trừ ai, bởi vì mọi người đều qui hướng về Giáo Hội do ý định cứu rỗi phổ quát. (Trở lại đầu trang)

18* Các số 14-16: Tình trạng con người tương quan với Giáo Hội.

Ðối với Giáo Hội, không ai ở ngoài cuộc cả. Trong cố gắng cụ thể hóa dựa vào những nguyên tắc đã đề ra, Công Ðồng cứu xét, giữa các hạng người khác nhau trong tình trạng cụ thể của họ, đâu là mối tương quan của họ với Giáo Hội, là Dân Chúa, là bí tích hữu hình và phổ quát của ơn cứu rỗi. Vậy nên Công Ðồng cứu xét sự liên lạc của những người công giáo với Giáo Hội (số 14), của các Kitô hữu ly khai (số 15), của các người ngoài Kitô giáo có thiện chí (số 16). (Trở lại đầu trang)

12 Xem T. Augustinô, Bapt. c. Donat. V, 28, 39 : PL 43, 197: “Hiển nhiên, khi nói trong và ngoài Giáo Hội, phải hiểu là trong tâm hồn chứ không phải trong thân xác”. Xem n.v.t., III, 19, 26: cột 152; V, 18, 24; cột 189; In Jo., Tr. 61, 2 : PL 35, 1800, và nơi khác. (Trở lại đầu trang)

13 Lc 12,48: “Lại đã trao phó cho ai nhiều, kẻ ấy cũng bị đòi hỏi nhiều hơn”. Xem Mt 5,19-20; 7,21-22; 25,41-46; Giac 2,14. (Trở lại đầu trang)

19* Số 14: Các tín hữu công giáo.

Công Ðồng bắt đầu từ các tín hữu. Bản văn gồm 3 phần:

  1. a) Phần nhất xác quyết Giáo Hội cần cho phần rỗi, bằng những hạng từ tổng quát dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền. Có thuộc về Giáo Hội thì mới được cứu rỗi vì chỉ có một vị Trung Gian cho ơn cứu độ là Chúa Kitô, Ðấng hiện diện trong Giáo Hội là Thân của Người. Hơn nữa, Chúa cũng đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và phép Thánh Tẩy để dẫn đưa chúng ta vào Giáo Hội. Nhưng, như Công Ðồng đã minh định, hai yếu tố đó cần thiết với điều kiện là phải biết Thiên Chúa đã nhờ Chúa Giêsu Kitô mà thiết lập Giáo Hội như phương tiện cần thiết. Nói bằng những hạn từ tổng quát thì sự cần thiết phải được giải thích như sau: người tự lỗi riêng mình mà ở ngoài Giáo Hội, phải chịu trách nhiệm về án phạt mình. Công Ðồng vẫn tôn trọng trường hợp vô tri bất khả thắng cứ thực hay cứ luật của biết bao nhiêu người trên thế giới (số 14a).
  2. b) Phần hai giải thích sự gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo Hội. Sự gia nhập này thực hiện qua những điều kiện bên ngoài như chịu phép Thánh Tẩy, tuyên xưng đức tin, thông hảo với giáo phẩm trong tinh thần tuân phục. Nhưng hơn thế nữa, còn đòi phải có Thánh Thần Chúa Kitô. Chỉ tham dự thuần bên ngoài mà thôi không đủ. Ngoài những yếu tố hữu hình, phải có dây liên lạc với Thánh Thần, tâm hồn phải thuộc về Chúa Kitô, nghĩa là sống trong đức ái và xa lánh tội lỗi. Một sự gia nhập trọn vẹn giả thiết có thể có những mối dây liên lạc bất toàn. Chúng ta sẽ xét đến những mối dây đó trong những đoạn sau (số 14b).
  3. c) Phần ba bàn về các người dự tòng. Chắc hẳn không thể liệt kê họ vào số những người không công giáo, dù họ mới chỉ đang trên đường đi tới việc tháp nhập vào Giáo Hội. Họ đã minh nhiên thỉnh nguyện để được gia nhập, và do ý muốn minh nhiên ấy mà họ được liên kết với Giáo Hội. Chỉ ý muốn này thôi cũng đủ để thuộc về Giáo Hội và đạt tới ơn cứu rỗi khi hoàn cảnh không cho phép họ lãnh nhận phép Thánh Tẩy. (Trở lại đầu trang)

14 Xem Leô XIII, Tông thư Praeclara gratulationis, 20-6-1894 : AAS 26 (1893-94), trg 707. (Trở lại đầu trang)

15 Xem Leô XIII, Tđ. Satis Cognitum, 29-6-1896 : AAS 28 (1895-96), trg 738. Tđ. Caritatis studium, 25-7-1898 : AAS 31 (1898-99), trg 11. Piô XII, Diễn văn truyền thanh Nell Alba, 24-12-1941 : AAS 34 (1942), trg 21. (Trở lại đầu trang)

16 Xem Piô XI, Tđ. Rerum Orientalium, 8-9-1928 : AAS 20 (1928), trg 287. Piô XII, Tđ. Orientalis Ecclesiae, 9-4-1944 : AAS 36 (1944), trg 137. (Trở lại đầu trang)

17 Xem Giáo huấn của Bộ thánh vụ, 20-12-1949 : AAS 42 (1950), trg 142. (Trở lại đầu trang)

20* S 15: Những mối dây liên lạc của Giáo Hội đối với các Kitô hữu không công giáo.

Ðoạn này coi là căn bản và tóm lược điều mà Sắc lệnh về Hiệp Nhất sẽ trình bày: nền tảng thần học của việc Hiệp Nhất. Công Ðồng vẫn công nhận các anh em ly khai là Kitô hữu, dầu họ không tuyên xưng một đức tin trọn vẹn hoặc không hiệp thông với Ðấng kế vị Thánh Phêrô. Sau đó, Công Ðồng liệt kê những mối dây liên lạc khác nhau nối kết Giáo Hội với anh em ly khai: dây hữu hình như Thánh Kinh, đức tin vào Thiên Chúa Cha và Chúa Kitô, phép Thánh Tẩy và một số bí tích khác; dây vô hình như sự kết hợp thiêng liêng qua kinh nguyện, qua sự trao đổi những việc lành siêu nhiên; sự kết hiệp chính thực nhưng bất toàn: đó là hai khía cạnh của một sự kết hiệp mà ngày nay trở thành rộng rãi hơn. (Trở lại đầu trang)

18 Xem T. Tôma, Summa Theol. III, q. 8, a. 3 ad 1. (Trở lại đầu trang)

19 Xem Thư của Bộ thánh vụ gửi cho Tổng giám mục Boston: Dz 3869 – 72. (Trở lại đầu trang)

20 Xem T. Eusebiô Caes., Praeparatio Evangelica, 1, 1: PG 21, 28 AB. (Trở lại đầu trang)

21* Số 16: Tình trạng của các người ngoài Kitô giáo đối với Giáo Hội.

Số này muốn phác họa một khoa thần học về những tôn giáo ngoài Kitô giáo mà Tuyên Ngôn về các Tôn Giáo này sẽ lặp lại và đào sâu hơn. Công Ðồng xác quyết ba đề xướng thần học:

  1. a) Tất cả những người ngoài Kitô giáo đều được qui hướng về Dân Chúa, do hiệu quả của ý muốn cứu rỗi phổ quát. Công Ðồng xếp họ thành những lớp khác nhau tùy theo đặc tính qui hướng về Giáo Hội hữu hình. Một vài tôn giáo như Do Thái Giáo và Hồi Giáo, còn bảo trì Cựu Ước và đức tin của Abraham, thì qui hướng nhiều hơn. Ðối với các tôn giáo khác, nỗ lực tìm về “một Thượng Ðế chưa được biết đến” mà ai cũng có thể có được, phần nào chứng tỏ Thiên Chúa muốn lôi kéo họ đến với Ngài là Thiên Chúa Chân Thật.
  2. b) Sự qui hướng ấy được thực hiện nhờ ân sủng. Ân sủng hỗ trợ hữu hiệu khiến mọi người thiện chí sống một đời ngay thẳng, và trong các việc làm biết nỗ lực chu toàn ý muốn của Thiên Chúa mà họ nhận ra qua tiếng lương tâm.
  3. c) Tuy nhiên, nhiều trở ngại (về suy lý, tâm lý, thực tiễn) khiến cho việc tìm về Thiên Chúa trở thành hết sức khó khăn, có thể làm cho họ phải thất vọng.

Tựu trung, đối với những người ngoài Kitô giáo có thiện chí, Thiên Chúa sẽ đưa họ tới Giáo Hội bằng ân sủng của Ngài. Ngoài ra, “tôn giáo” họ theo cũng nâng đỡ họ và ngoại cảnh xã hội (chuẩn bị cho Phúc Âm) còn giúp họ sống ngay chính theo lương tâm. Và như vậy họ được qui hướng tới Giáo Hội.

Những trở ngại mà các người ngoài Kitô giáo gặp phải trên đường tìm về Thiên Chúa giúp ta nhận rõ tầm quan trọng của việc truyền giáo trong đời sống Giáo Hội. Ở số cuối cùng trong chương hai này, Công Ðồng lặp lại tính cách phổ quát của Dân Chúa dưới khía cạnh đặc biệt là nỗ lực truyền giáo. (Trở lại đầu trang)

21 Xem Benedictô XV, Tông thư Maximum illud: AAS 11 (1919), trg 440, nhất là trg 451tt. Piô XI, Tđ. Rerum Ecclesiae: AAS 18 (1926), trg 68-69. Piô XII, Tđ. Fidei Donum, 21-4-1957: AAS 49 (1957), trg 236-237. (Trở lại đầu trang)

22 Xem Didachè, 14: x.b. Funk I, trg 32. T. Giustinô, Dial. 41: PG: 6, 564, T. Ireneô, Adv. Haer. IV, 17,5: PG 7, 1023; Harvey, 2, trg 199t. CÐ Trentô, khóa 22, ch. 1: Dz 939 (1742). (Trở lại đầu trang)

22* Số 17: Ðặc tính truyền giáo của Giáo Hội.

Một số người công kích vì dựa vào những sự mập mờ của những công cuộc truyền giáo và vì chủ trương giản dị rằng người lương chỉ cần có thiện chí và với ơn Chúa giúp cũng có thể được cứu rỗi; để chống lại, Công Ðồng đã quả quyết việc truyền giáo cần thiết trong viễn tượng phổ quát riêng biệt của chương hai này. Quả quyết bằng cách định nghĩa rõ ràng mục đích việc truyền giáo và những nguyên tắc của việc tông đồ. Sau đây là những chủ đề:

  1. a) Việc truyền giáo đặt nền tảng trong sứ mệnh của Ba Ngôi. Như Cha đã sai Con mình, Ðấng Cứu Thế cũng sai các Tông Ðồ đi rao giảng, thánh hóa và chăn dắt; Giáo Hội có nhiệm vụ phải lưu truyền sứ mệnh ấy. Ðó là lý do khiến Giáo Hội tồn tại. Giáo Hội là Giáo Hội truyền giáo do huấn lệnh truyền giáo (Mt 28,19-20).
  2. b) Ðối tượng riêng của việc truyền giáo khi thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận, không những là rao giảng Chúa Kitô, nhưng còn phải thiết lập các Giáo Hội bản xứ, và chính những Giáo Hội này cũng mang tính cách truyền giáo nơi người đồng hương của mình. Hoạt động truyền giáo là chuẩn bị cho con người đón nhận đức tin và phép Thánh Tẩy, giũ bỏ lầm lạc để gia nhập Giáo Hội. Làm thế là thừa nhận và thanh tẩy cho thành tựu tất cả những mầm mống thiện hảo trong tâm hồn mọi người và mọi dân tộc (chuẩn bị cho Phúc Âm).
  3. c) Môn đệ nào của Chúa Kitô cũng có nhiệm vụ này. Nhưng chính những Linh Mục có một nhiệm vụ không thể thay thế được. Tất cả Giáo Hội sẽ nhờ kinh nguyện và việc làm để cố gắng thực hiện lần lần sự sung mãn của Dân Chúa, vì vinh quang Chúa Cha trong Chúa Kitô.

Một khoa thần học truyền giáo chính đáng phải lưu ý tới ba khía cạnh mà Công Ðồng đã nêu ra đây: vấn đề là phải biết tổng hợp cả ba khía cạnh: khía cạnh nhân loại bản vị (ơn cứu độ của con người), khía cạnh Giáo Hội (việc thiết lập Giáo Hội) và tương quan của cả hai với một ý niệm tập trung về Chúa Kitô và Ba Ngôi.

Trong hai chương trên, Công Ðồng đã đặt nền móng vững chắc cho một khoa Giáo Hội học chính thực. Việc mô tả các cơ cấu của Giáo Hội trong các chương sau cũng sẽ dựa trên những nền tảng tín lý đó. Các chương sau này phải được quan niệm dưới ánh sáng mạc khải về mầu nhiệm Giáo Hội và Dân Chúa thì mới có giá trị đích thực. (Trở lại đầu trang)

 

 

Chương III

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội

Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục 23*

  1. Lời mở đầu. Ðể chăn dắt và phát triển Dân Thiên Chúa luôn mãi, Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Giáo Hội hầu mưu ích cho toàn thân. Thực vậy, các thừa tác viên xử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em mình, để mọi người thuộc Dân Thiên Chúa và đương nhiên hưởng phẩm giá Kitô hữu sẽ đạt đến phần rỗi, nhờ nỗ lực tiến tới cùng một cứu cánh trong tự do và trật tự.

Bước theo dấu vết của Công Ðồng Vaticanô I, Thánh Công Ðồng này cũng giảng dạy và tuyên bố rằng: Chúa Giêsu Kitô, Mục Tử vĩnh cửu đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện khi sai các Tông Ðồ như Chúa Cha đã phái Người (Gio 20,21), và Người đã muốn các đấng kế vị, tức các Giám Mục, làm chủ chăn trong Giáo Hội cho đến tận thế. Nhưng để Chức Giám Mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa đã đặt Thánh Phêrô làm Thủ Lãnh các Tông Ðồ khác, và trong Ngài, Chúa đã đặt nguyên lý cùng nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của hiệp nhất đức tin và hiệp thông 1. Thánh Công Ðồng một lần nữa nêu lên cho mọi tín hữu tin vững vàng giáo lý về sự thiết lập, sự trường tồn, về quyền lực và quan niệm của quyền tối thượng nơi Giáo Hoàng Rôma cùng quyền Giáo Huấn bất khả ngộ của Ngài. Tiếp tục công trình đã khởi sự, Thánh Công Ðồng muốn công bố và giải thích cho mọi người giáo lý về các Giám Mục, những đấng kế vị các Tông Ðồ và cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô, Ðại Diện Chúa Kitô 2, và là Thủ Lãnh của toàn thể Giáo Hội hữu hình điều khiển gia đình Thiên Chúa hằng sống. 24*

  1. Kêu gọi và thiết lập nhóm 12 Tông Ðồ25*Chúa Giêsu, sau khi cầu nguyện lâu giờ cùng Chúa Cha, đã gọi đến với mình những kẻ Người muốn và thiết lập mười hai người để chung sống với Người, cùng sai họ đi rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 3,13-19; Mt 10,1-42); Người tổ chức (x. Lc 6,13) các Tông Ðồ này theo cách thức một cộng đoàn, nghĩa là một nhóm người kiên vững; Người chọn Phêrô, một người trong số họ, làm đầu cộng đoàn ấy (x. Gio 21,15-17). Người sai họ đến với con cái Israel trước tiên, rồi đến với tất cả các dân nước khác (x. Rm 1,16), hầu, nhờ tham dự vào quyền bính của Người, các Tông Ðồ làm cho mọi dân tộc nên môn đệ Người cùng thánh hóa và điều khiển họ (x. Mt 28,16-20; Mc 16,15; Lc 24,45-48; Gio 20,21-23), như thế, dưới sự hướng dẫn của Chúa, các Ngài mở mang và chăn dắt Giáo Hội bằng việc phục vụ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngày Lễ Hiện Xuống, các ngài được hoàn toàn kiên vững trong sứ mệnh này (x. CvTđ 2,1-36), như lời Chúa hứa: “Các con sẽ nhận lấy sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ làm chứng về Thầy tại Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa, Samaria, cho đến tận cùng trái đất” (CvTđ 1,8). Khi các Tông Ðồ rao giảng Phúc Âm khắp nơi (x. Mc 16,20) và có nhiều thính giả đón nhận nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, các ngài qui tụ họ thành Giáo Hội phổ quát, Giáo Hội này đã được Chúa thiết lập trên các Tông Ðồ và xây dựng trên Thánh Phêrô, thủ lãnh của các ngài; và Chúa Giêsu Kitô là viên đá góc cao cả của Giáo Hội ấy (x. Kh 21,14; Mt 16,18; Eph 2,20) 326*
  2. Các Giám Mục, kế nghiệp các Tông Ðồ. Sứ mệnh thần linh được Chúa Kitô trao phó cho các Tông Ðồ phải tồn tại cho đến tận thế (x. Mt 28,20), bởi lẽ Phúc Âm mà các ngài có nhiệm vụ rao truyền là nguyên lý ban sự sống toàn diện cho Giáo Hội qua mọi thời đại. Vì thế, các Tông Ðồ đã quan tâm đặt người kế vị trong cái xã hội có phẩm trật này.

Thực thế, không những các ngài có nhiều phụ tá giúp thi hành chức vụ 4, nhưng, để sứ mệnh phó thác cho các ngài được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông Ðồ còn ủy thác, như một di chúc, cho các cộng sự viên trực tiếp của mình, nhiệm vụ hoàn tất và củng cố công trình các ngài đã khởi sự 5, đồng thời căn dặn họ coi sóc tất cả các đoàn chiên, mà Chúa Thánh Thần đã đặt họ chăn dắt Giáo Hội Chúa (x. CvTđ 20,28). Bởi vậy các ngài đề cử những người như thế, rồi ban quyền chức cho họ, hầu khi các ngài qua đời, đã có những người xứng đáng nhận lãnh chức vụ của các ngài 6. Giữa những chức vụ khác nhau được thi hành trong Giáo Hội từ buổi sơ khai, theo chứng tá của truyền thống, chức vụ chính yếu là chức vụ của những vị đã được bổ nhiệm lên Giám Mục; nhờ liên tục kế vị từ buổi ban đầu, 7các ngài vẫn có những mầm mống hạt giống tông đồ 8. Như thế, theo chứng tá của Thánh Irêneô, truyền thống tông đồ được biểu hiện trên khắp hoàn cầu 9 và được bảo tồn 10 nhờ những đấng được các Tông Ðồ đặt làm Giám Mục và các vị kế nghiệp các ngài cho đến ngày nay.

Nhờ thế, các Giám mục đã nhận lãnh việc phục vụ cộng đoàn với sự giúp đỡ của các linh mục và phó tế 11. Thay thế Thiên Chúa, các ngài đứng đầu đàn chiên 12 mà các ngài là chủ chăn, với tư cách là Thầy dạy giáo thuyết, tư tế lo phụng tự thánh và thừa tác viên lãnh đạo 13, cũng như chức vụ mà Chúa đã trao phó riêng cho Thánh Phêrô, Tông Ðồ Cả, và phải được trao lại cho các đấng kế vị Phêrô, chức vị đó luôn tồn tại, cũng thế, chức vụ chăn dắt Giáo Hội của các Tông Ðồ phải tồn tại và được thi hành liên tục do thánh chức Giám Mục 14. Vì thế, Thánh Công Ðồng dạy rằng, chính Chúa đã lập các Giám Mục kế vị Tông Ðồ 15 làm mục tử Giáo Hội. Bởi vậy, ai nghe lời các ngài là nghe lời Chúa Kitô, còn ai khinh dể các ngài là khinh dể Chúa Kitô và Ðấng đã phái Chúa Kitô đến (x. Lc 10,16) 1627*

  1. Chức Giám Mục có tính cách bí tích. Vậy, qua các Giám Mục được các linh mục trợ giúp, Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm, hiện diện giữa các tín hữu. Thực vậy, ngự bên hữu Chúa Cha, Người vẫn hiện diện giữa cộng đoàn các linh mục của Người 17, nhưng nhất là qua sự phục vụ quí hóa của các ngài, Chúa Kitô rao giảng lời Thiên Chúa cho các dân nước và không ngừng ban phát các bí tích cho tín hữu. Nhờ nhiệm vụ làm cha của các ngài (x. 1Cor 4,15), Chúa tháp nhập vào thân thể Người những chi thể mới nhờ sự tái sinh siêu nhiên. Và sau cùng, nhờ sự khôn ngoan thận trọng của các ngài, Chúa điều khiển và hướng dẫn dân tộc của Tân Ước trong cuộc lữ hành tiến về hạnh phúc muôn đời. “Các mục tử này, được chọn để chăn dắt đoàn chiên Chúa, là thừa tác viên của Chúa Kitô và ban phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. 1Cor 4,1); các ngài được ủy thác việc làm chứng Phúc Âm của ân sủng Thiên Chúa (x. Rm 15,16; CvTđ 20,24) và việc thi hành công cuộc của Thánh Thần và của công lý trong vinh quang (x. 2Cor 3,8-9).

Ðể chu toàn nhiệm vụ cao trọng ấy, các Tông Ðồ được Chúa Kitô đổ tràn Thánh Thần cách đặc biệt (x. CvTđ 1,8; 2,4; Gio 20,22-23). Và các ngài thông truyền các ơn thiêng ấy cho các cộng sự viên khi đặt tay trên họ (x. 1Tm 4,14; 2Tm 1,6-7). Và qua việc tấn phong Giám Mục, ơn thiêng ấy được thông truyền cho đến chúng tôi 18. Thánh Công Ðồng dạy rằng, khi được tấn phong, các Giám Mục nhận lãnh sự trọn vẹn của bí tích Truyền Chức Thánh mà tập tục phụng vụ Giáo Hội và các Thánh Giáo Phụ gọi là chức linh mục tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ 19. Việc tấn phong Giám Mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị; tuy nhiên, các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với Thủ Lãnh và các phần tử của Giám Mục Ðoàn. Thực vậy, truyền thống được diễn tả nhất là qua các nghi thức phụng vụ và qua thói quen của Giáo Hội Ðông Phương cũng như Tây Phương cho thấy rõ ràng là qua sự đặt tay và qua các lời tấn phong, ơn Chúa Thánh Thần được thông ban 20 và ấn dấu thánh được in 21 trên các Giám Mục, nên các ngài thi hành nhiệm vụ của chính Chúa Kitô là Thầy, Chủ Chăn và Linh Mục, và hoạt động nhân danh Người 22 một cách cao quí và hữu hình. Các Giám Mục có phận sự nhận vào Giám Mục Ðoàn, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, những người mới được tuyển chọn. 28*

  1. Giám Mục Ðoàn và vị Thủ Lãnh. 29*Thánh Phêrô và các Tông Ðồ khác tạo thành một cộng đoàn Tông Ðồ duy nhất theo như Chúa đã ấn định; tương tự như thế, Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Phêrô, cùng với các Giám Mục là những người kế vị các Tông Ðồ đều liên kết với nhau. Ðặc tính và bản chất cộng đoàn của hàng giám mục được biểu lộ qua luật lệ cổ truyền: theo đó Giám Mục trên khắp hoàn cầu thông hiệp với nhau và với Giám Mục Roma bằng mối dây hiệp nhất, bác ái và bình an 23và qua sự triệu tập các Công Ðồng 24 để cùng nhau quyết định những vấn đề quan trọng đặc biệt 25 sau khi Nghị Phụ đã cân nhắc kỹ lưỡng 26. Bản chất ấy được xác nhận bởi việc triệu tập các Công Ðồng Chung qua bao thời đại. Và bản chất cộng đoàn ấy cũng được một tập truyền xa xưa công nhận, đó là việc nhiều Giám Mục được mời đến tấn phong một người mới được chọn lên nhiệm vụ tối cao của chức linh mục. Người lãnh nhận bí tích truyền chức và hiệp thông giáo phẩm với Thủ Lãnh cùng các phần tử trong Cộng Ðoàn trở thành phần tử của Giám Mục Ðoàn.

Nhưng cộng đoàn giám mục hoặc giám mục đoàn chỉ có quyền hành khi hiệp với Giáo Hoàng Roma, đấng kế vị thánh Phêrô, Thủ Lãnh của cộng đoàn giám mục; nhưng quyền tối thượng trên tất cả các Chủ Chăn và tín hữu của Giáo Hoàng Roma vẫn luôn luôn được bảo toàn trọn vẹn. Thực vậy, do nhiệm vụ của mình, là Ðại Diện Chúa Kitô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma có một quyền bính trọn vẹn, tối cao, phổ quát trên Giáo Hội, và bao giờ Ngài cũng được tự do thi hành quyền bính ấy, Giám Mục Ðoàn kế vị cộng đoàn Tông Ðồ trong việc giáo huấn và chăn dắt, chính trong Giám Mục Ðoàn mà cộng đoàn Tông Ðồ được trường tồn. Hiệp nhất với Thủ Lãnh, tức Giáo Hoàng Roma, và không bao giờ tách rời khỏi Thủ Lãnh ấy, giám mục đoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội 27, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng Roma. Chúa đã đặt một mình Phêrô làm đá nền, trao chìa khóa Giáo Hội cho một mình Ngài (x. Mt 16,18-19), cũng đã đặt Ngài là Chủ Chăn của toàn thể đàn chiên Chúa (x. Gio 21,15tt); những quyền tháo gỡ cầm buộc của Người đã ban cho Phêrô (x. Mt 16,19), hẳn cũng đã ban cho cả cộng đoàn Tông Ðồ hiệp nhất với Thủ Lãnh (x. Mt 18,18; 28,16-20) 28. Gồm nhiều phần khác nhau, cộng đoàn giám mục diễn tả đặc tính đa dạng và phổ quát của Dân Thiên Chúa; đồng thời, tụ họp dưới quyền thủ lãnh duy nhất, cộng đoàn giám mục diễn tả sự hiệp nhất của đàn chiên Chúa Kitô. Trong cộng đoàn này, các Giám Mục, khi trung thành tôn trọng quyền tối thượng và quyền điều khiển của vị Thủ Lãnh, các Ngài thi hành quyền bính riêng để mưu ích cho tín hữu mình và cho toàn thể Giáo Hội, nhờ có Chúa Thánh Thần không ngừng củng cố cơ thể và sự thuận hòa trong cơ thể ấy. Quyền bính tối cao của giám mục đoàn trên toàn thể Giáo Hội được thi hành cách trọng thể trong Công Ðồng Chung. Nhưng không bao giờ có Công Ðồng Chung nếu không được Ðấng kế vị Thánh Phêrô phê chuẩn hay ít ra chấp nhận; Ðức Giáo Hoàng Roma có đặc quyền triệu tập, chủ tọa và phê chuẩn các Công Ðồng này 29. Hiệp nhất với Giáo Hoàng, các Giám Mục trên khắp thế giới còn có thể thực hành quyền cộng đoàn ấy, khi vị Thủ Lãnh cộng đoàn mời gọi các ngài cùng hành động cách cộng đoàn, hay ít ra khi ngài ưng thuận hoặc tự do chấp nhận hành động hiệp nhất của các Giám Mục rải rác để làm cho nó trở thành một hành động có tính cách cộng đoàn thực sự. 30*

  1. Mối liên lạc giữa các Giám Mục trong cộng đoàn. Sự hiệp nhất của Giám Mục Ðoàn còn được biểu lộ qua mối tương giao giữa mỗi Giám Mục với các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát. Ðức Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu 30của sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi Giám Mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương 31. Các Giáo Hội này được thành lập theo hình ảnh Giáo Hội phổ quát: chính nhờ và trong các Giáo Hội ấy mà có một Giáo Hội công giáo, duy nhất 32. Vì thế mỗi Giám Mục đại diện cho Giáo Hội mình, và tất cả các Giám Mục cùng với Giáo Hoàng đại diện cho toàn thể Giáo Hội trong mối dây bình an, yêu thương và hiệp nhất.

Mỗi Giám Mục được đặt làm Thủ Lãnh một Giáo Hội địa phương, thực hành quyền mục vụ trên phần Dân Thiên Chúa được trao phó cho mình, chứ không thực hành quyền mục vụ trên các Giáo Hội địa phương khác, hoặc Giáo Hội phổ quát. Nhưng với tư cách là phần tử giám mục đoàn, và là người kế vị hợp pháp các Tông Ðồ, mỗi Giám Mục, do sự thành lập và giới lệnh của Chúa Kitô, có bổn phận 33 ân cần săn sóc đến toàn thể Giáo Hội. Sự ân cần săn sóc đó, cho dầu không được thể hiện bằng một hành động thuộc quyền tài thẩm, vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội phổ quát. Thực vậy, tất cả các Giám Mục có nhiệm vụ phát huy và bảo vệ sự hiệp nhất đức tin và kỷ luật chung của cả Giáo Hội, dạy cho tín hữu biết yêu mến toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhất là các chi thể nghèo khó, đau khổ và đang chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt 5,10), sau cùng các ngài còn có nhiệm vụ phát huy mọi sinh hoạt chung của toàn Giáo Hội, nhất là phát triển đức tin và làm cho ánh sáng chân lý toàn vẹn chiếu soi trên mọi người. Ðàng khác, khi điều khiển khéo léo Giáo Hội địa phương là một phần Giáo Hội phổ quát, dĩ nhiên các Giám Mục đã góp phần hữu hiệu vào công ích của toàn Nhiệm Thể cũng là thân thể của các Giáo Hội 34.

Lo lắng rao truyền Phúc Âm cho khắp thế giới là một bổn phận của cộng đoàn các Chủ Chăn. Chúa Kitô đã ra lệnh chung cho tất cả các ngài và giao phó cho các ngài một bổn phận chung, như Ðức Giáo Hoàng Coelestinô đã nhắc nhở các Nghị Phụ Công Ðồng Ephesô 35. Vì thế các Giám Mục, trong phạm vi trách nhiệm riêng của các ngài cho phép, phải cộng tác với nhau và với Ðức Giáo Hoàng là người được đặc biệt ủy thác nhiệm vụ cao cả truyền bá danh hiệu Kitô hữu 36. Do đó, các Giám Mục phải dốc toàn lực đóng góp cho các xứ truyền giáo nhiều thợ gặt, nhiều sự trợ giúp thiêng liêng và vật chất, vừa bằng cách tự mình trực tiếp giúp đỡ, vừa khuyến khích các tín hữu nhiệt thành cộng tác. Sau cùng, trong niềm cảm thông phổ quát của đức ái, theo gương lành đáng kính của các thế kỷ đầu, các Giám Mục hãy sẵn lòng lấy tình huynh đệ trợ giúp các Giáo Hội khác, nhất là những Giáo Hội gần nhất và túng thiếu nhất.

Các Giáo Hội khác nhau mà các Tông Ðồ và những đấng kế vị đã thành lập tại nhiều nơi khác nhau theo dòng thời gian, Chúa Quan Phòng đã muốn tụ hợp lại thành nhiều nhóm được liên kết ở tổ chức; các nhóm này có kỷ luật riêng, phụng vụ riêng, thừa hưởng di sản thần học và thiêng liêng riêng mà không phương hại đến sự hiệp nhất đức tin cũng như bản chất duy nhất và thần linh của Giáo Hội phổ quát. Trong các Giáo Hội ấy, một vài Giáo Hội, nhất là những Giáo Hội cổ xưa do các Giáo Chủ lãnh đạo, như các bà mẹ đức tin, đã sinh nhiều Giáo Hội khác như con cái mình, và vẫn còn liên kết với nhau cho đến ngày nay bằng mối dây bác ái mật thiết và bằng đời sống bí tích trong sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ lẫn nhau 37. Các Giáo Hội địa phương tuy khác nhau như thế nhưng đều hướng về sự hiệp nhất, nên càng minh chứng đặc tính công giáo của một Giáo Hội không phân chia. Cũng thế, ngày nay các Hội Ðồng Giám Mục có thể góp phần phong phú bằng nhiều thể cách để cụ thể hóa tinh thần cộng đoàn.31*

  1. Thừa tác vụ Giám Mục32*Chúa Giêsu, Ðấng được ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, đã trao cho các Giám Mục, vì là những người kế vị các Tông Ðồ, sứ mệnh dạy dỗ muôn dân và rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật, hầu mọi người được rỗi nhờ lãnh nhận đức tin, phép Thánh Tẩy, và việc chu toàn giới răn Chúa (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-16; CvTđ 26,17t). Ðể hoàn thành sứ mệnh đó, Chúa Kitô đã hứa ban Thánh Thần từ trời xuống, để nhờ sức mạnh của Thánh Thần, các ngài làm chứng cho Chúa Kitô đến tận cùng trái đất, trước mọi dân nước và vua chúa (CvTđ 1,8; 2,1tt.; 9,15). Nhiệm vụ Chúa đã trao phó cho các chủ chăn của dân Người thực là một việc phục vụ, mà Thánh Kinh gọi rõ ràng là “diakonia” nghĩa là thừa tác vụ (x. CvTđ 1,17 và 25; 21,19; Rm 11,13; 1Tm 1,12).

Chức vụ bổ nhiệm theo giáo luật được trao cho các Giám Mục hoặc theo tập tục hợp pháp chưa bị quyền tối thượng và phổ quát của Giáo Hội đoạn tiêu, hoặc theo các luật lệ được Giáo Hội ban hành hay thừa nhận, hoặc trực tiếp do chính đấng kế vị Phêrô; nếu Ðức Giáo Hoàng phản đối hoặc từ chối không cho hiệp thông với Tòa Thánh, thì các Giám Mục không thể được lãnh nhận chức vụ 3833*

  1. Nhiệm vụ giáo huấn. Việc rao giảng Phúc Âm 39là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám Mục, Giám Mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô, Giám Mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, giảng dạy cho những kẻ được trao phó cho các Ngài, một đức tin phải được xác tín và phải được áp dụng vào các phong tục, và làm sáng tỏ đức tin đó bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Các Ngài rút ra những cái mới cái cũ trong kho tàng Mạc Khải (x. Mt 13,52) để làm cho đức tin trổ sinh hoa trái, và luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm lạc đang đe dọa đàn chiên mình (x. 2Tm 4,1-4). Mọi người phải kính trọng các Giám Mục như những chứng nhân của chân lý thần linh và công giáo khi các ngài thông hiệp với Giáo Hoàng Roma mà dạy dỗ, các tín hữu phải chấp nhận phán quyết của Giám Mục mình, khi nhân danh Chúa Kitô, công bố những gì về đức tin và phong hóa, cũng như phải tuân theo ngài với một lòng kính cẩn tuân phục. Mọi người phải lấy ý chí và lý trí mà kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của Giáo Hoàng Roma, dù khi ngài không tuyên bố từ thượng tòa. Như vậy là kính trọng, nhận biết giáo huấn tối thượng và chân thành chấp nhận các phán quyết của ngài theo đúng tư tưởng và ý muốn ngài trình bày, đặc biệt biểu lộ qua tính chất các tài liệu, hoặc qua việc ngài lập lại nhiều lần đề nghị một giáo thuyết, hay qua cách diễn tả của ngài.

Tuy mỗi Giám Mục riêng rẽ không có đặc quyền bất khả ngộ, nhưng dù tản mác khắp thế giới, nếu thông hiệp với nhau và với đấng kế vị Thánh Phêrô, các ngài cùng đồng ý dạy cách chính thức những điều thuộc đức tin và phong hóa là tuyệt đối buộc phải giữ, thì lúc đó các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo thuyết của Chúa Kitô 40. Ðiều đó còn rõ ràng hơn, khi hợp nhau trong Công Ðồng Chung, các ngài là những tiến sĩ và thẩm phán về đức tin và phong hóa cho toàn thể Giáo Hội. Phải tuân theo các định tín của các ngài 41 với một lòng vâng phục và với tinh thần đức tin.

Chúa Cứu Thế đã muốn Giáo Hội Người bất khả ngộ khi xác định giáo thuyết về đức tin và phong hóa; ơn bất khả ngộ đó có phạm vi rộng rãi tùy theo kho tàng Mạc Khải mà Giáo Hội phải bảo toàn cách cẩn trọng và phải trình bày cách trung thực. Giám Mục Roma, vị thủ lãnh của Giám Mục Ðoàn hưởng ơn bất khả ngộ đó do nhiệm vụ của Ngài khi với tư cách là mục tử và tiến sĩ tối cao của mọi Kitô hữu, ngài củng cố anh em mình vững mạnh trong đức tin (x. Lc 22,32), công bố giáo thuyết về đức tin và phong hóa bằng một phán quyết chung thẩm 42. Vì thế, các phán quyết của ngài tự nó, chứ không do sự đồng ý của Giáo Hội, phải được coi là không thể sửa đổi, vì đó là những phán quyết được công bố dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần, mà Chúa đã hứa ban cho ngài qua Thánh Phêrô nên không cần ai khác chấp thuận và không nại tới phán đoán nào khác. Khi đó Giáo Hoàng Roma không phán quyết với tư cách cá nhân, nhưng trình bày và bảo vệ giáo thuyết đức tin công giáo với tư cách là thầy dạy tối cao của toàn thể Giáo Hội; nơi ngài đặc biệt có ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội 43. Ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội cũng hiện hữu nơi Giám Mục Ðoàn khi các ngài xử dụng quyền giáo huấn tối thượng cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô. Do tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, Giáo Hội không thể không chấp nhận những phán quyết đó, và Chúa Thánh Thần bảo vệ và phát triển toàn thể đàn chiên Chúa Kitô trong sự hợp nhất đức tin 44.

Khi Giáo Hoàng Roma, hoặc Giám Mục Ðoàn cùng với ngài, phán quyết một điều gì, thì các ngài tuyên bố điều ấy theo chính Mạc Khải mà các vị ấy phải trung thành tuân giữ. Mạc Khải trong Kinh Thánh hay trong Thánh Truyền đều được truyền lại trọn vẹn nhờ sự kế vị hợp pháp các Giám Mục và nhất là nhờ sự quan tâm của chính Giáo Hoàng Roma. Nhờ Thánh Thần Chân Lý, Mạc Khải ấy được gìn giữ cách cẩn trọng và trình bày cách trung thực 45. “Ðể có thể khảo sát đứng đắn và trình bày cách thích hợp Mạc Khải này, Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục làm việc cẩn thận bằng phương tiện thích hợp, tùy theo nhiệm vụ và tầm quan trọng của sự việc” 46; nhưng các ngài không nhận được một Mạc Khải công khai mới nào thêm vào kho tàng thần khải của đức tin 4734*

  1. Nhiệm vụ thánh hóa. Giám Mục, bởi nhận lãnh bí tích Truyền Chức Thánh cách viên mãn, là “người quản lý ơn sủng của chức linh mục tối cao” 48, nhất là trong hy lễ tạ ơn do chính ngài dâng hoặc lo liệu cho có lễ dâng 49, nhờ đó Giáo Hội luôn sống động và tăng triển. Giáo Hội Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương hợp pháp. Những đoàn thể này, vì hợp nhất với các chủ chăn, nên trong Tân Ước cũng được gọi là Giáo Hội 50. Thực vậy, trong phần đất mình, mỗi đoàn thể là Dân Tộc Mới được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự viên mãn đầy tràn (x. 1Th 1,5). Nơi các đoàn thể đó, tín hữu được tụ hợp lại nhờ sự rao giảng Phúc Âm Chúa Kitô, và mầu nhiệm Tiệc Ly của Chúa được cử hành “để nhờ Thịt và Máu Chúa, tất cả kết thành huynh đệ và thành một thân thể”51. Mỗi lần Giám Mục cử hành nhiệm vụ 52với cộng đoàn tụ hợp quanh bàn thờ, đó là biểu hiệu đức ái và “sự hiệp nhất của nhiệm thể, và nếu thiếu sự hiệp nhất đó, không thể có ơn cứu rỗi” 53. Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ thần lực Người, Giáo Hội hiệp thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền 54. Bởi vì “việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành Ðấng mà chúng ta lãnh nhận” 55.

Mọi việc cử hành hợp pháp hy lễ tạ ơn đều do Giám Mục điều khiển; ngài là người lãnh nhận nhiệm vụ dâng lên nhan uy linh Chúa sự thờ phượng của Kitô giáo và có phận sự điều hành việc thờ phượng đó theo đúng giới răn Chúa và lề luật Giáo Hội. Ngài dùng phán quyết riêng để xác định những lề luật đó cho giáo phận mình.

Như thế, khi cầu nguyện và làm việc cho dân chúng, các Giám Mục đổ đầy tràn trên họ, dưới nhiều hình thức, những ơn lành do sự thánh thiện sung mãn của Chúa Kitô. Bằng thừa tác vụ lời Chúa, các ngài thông truyền cho tín hữu sức mạnh của Thiên Chúa hầu cứu rỗi họ (x. Rm 1,16). Các ngài thánh hóa giáo hữu bằng các bí tích mà với quyền giám mục, các ngài lo ban phát cách đều đặn và phong phú 56. Các ngài xác định việc cử hành bí tích Thánh Tẩy là bí tích ban quyền tham dự vào chức linh mục vương giả của Chúa Kitô. Chính các ngài là thừa tác viên căn nguyên của bí tích Thêm Sức, là người truyền các chức thánh, ra qui luật về phép Giải Tội và tận tình khuyên bảo, giáo huấn giáo dân để họ kính cẩn và tin tưởng chu toàn phận sự họ trong phụng vụ và nhất là trong Thánh Lễ hy tế. Sau cùng, các ngài phải làm gương cho những kẻ thuộc quyền bằng lời ăn tiếng nói của mình. Trong cách sống, các ngài phải xa tránh mọi điều ác, và với ơn Chúa giúp, cố gắng hoàn thiện theo hết khả năng, để cùng với đoàn chiên Chúa trao phó, đạt tới đời sống vĩnh cửu 5735*

  1. Nhiệm vụ cai quản. Là đại diện và sứ giả Chúa Kitô, các Giám Mục điều khiển Giáo Hội địa phương mà Chúa đã ủy thách cho 58, nhờ lời khuyên bảo, khuyến khích, gương lành, và còn bằng uy thế cùng quyền bính thánh thiện nữa. Thực vậy, các ngài chỉ dùng quyền bính để xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện, và luôn tâm niệm rằng: kẻ cao trọng hãy nên như kẻ rốt hết, người làm chủ hãy nên như tôi tớ (x. Lc 22,26-27). Quyền bính các ngài đích thân thi hành nhân danh Chúa Kitô, là quyền bính riêng biệt, thông thường và trực tiếp; nhưng việc thi hành cuối cùng còn lệ thuộc vào quyền tối cao của Giáo Hội, và có thể bị giới hạn phần nào vì lợi ích của Giáo Hội hay của các tín hữu. Với quyền bính ấy, các Giám Mục có quyền thiêng liêng và trước mặt Chúa có nhiệm vụ đặt ra các luật lệ cho những người thuộc quyền, xét xử và qui định tất cả những gì liên hệ tới việc thờ phượng và việc tông đồ.

Chính các Giám Mục được trao phó trọn vẹn trách nhiệm mục vụ, tức là thường xuyên và hàng ngày săn sóc con chiên mình. Không được coi các ngài như những đại diện của Giáo Hoàng Roma, vì các ngài thi hành quyền bính riêng của mình và thực sự là thủ lãnh của các dân mà các ngài cai quản 59. Vì thế, quyền bính Giám Mục không bị quyền tối cao và phổ quát làm giảm bớt, nhưng trái lại còn được nâng đỡ, củng cố và bảo đảm 60, vì Chúa Thánh Thần hằng duy trì thể thức cai quản do Chúa Kitô thiết lập trong Giáo Hội.

Ðược Chủ sai đi cai quản gia đình mình, Giám Mục phải chiêm ngắm gương mẫu Chúa Chiên Lành, Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và hiến mạng sống mình vì con chiên (x. Gio 10,11). Ðược chọn giữa loài người và đầy yếu hèn, ngài có thể cảm thông nỗi đau khổ với những ai dốt nát và lầm lạc (x. Dth 5,1-2). Giám Mục không nên từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy ân cần săn sóc họ như những người con đích thực, và khuyên nhủ họ hăng hái cộng tác với mình. Vì phải trả lẽ với Chúa về linh hồn con cái mình (x. Dth 13,17), Giám Mục hãy cầu nguyện, rao giảng và làm mọi việc bác ái săn sóc họ và cả những người chưa thuộc đoàn chiên duy nhất mà ngài cũng phải coi như được trao phó cho mình trong Chúa. Như Tông Ðồ Phaolô, Giám Mục mắc nợ tất cả mọi người, cho nên hãy hăng hái rao giảng Phúc Âm cho mọi người, (x. Rm 1,14-15) và khuyến khích các tín hữu làm việc tông đồ và truyền giáo. Còn tín hữu phải liên kết với Giám Mục như Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, và như Chúa Giêsu Kitô gắn bó với Chúa Cha, hầu nhờ sự hiệp nhất ấy tất cả mọi sự đều hòa hợp 61 và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa (x. 2Cor 4,15). 36*

  1. Các linh mục trong mối tương quan với Chúa Kitô, với các Giám Mục, với anh em Linh Mục và với dân Chúa. 37*Ðược Chúa Cha thánh hóa và phái đến thế gian (x. Gio 10,36), Chúa Kitô nhờ các Tông Ðồ, đã làm cho các Giám Mục, những vị kế nghiệp các Tông Ðồ, có thể tham dự vào việc cung hiến và vào sứ mạng của mình 62. Các Giám Mục lại giao nhiệm vụ thừa tác của mình một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Giáo Hội theo từng cấp bậc. Như thế, thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Giáo Hội được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau mà từ xưa được gọi là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế 63. Linh Mục, dù không có quyền tư tế tối cao và tùy thuộc Giám Mục khi thi hành quyền bính, cũng hiệp nhất với Giám Mục trong tước vị Linh Mục 64. Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh 65, linh mục được cung hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dth 5,1-10; 7,24; 9,11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước 66. Theo cấp bậc thừa tác của mình tham dự vào nhiệm vụ Chúa Kitô, Ðấng trung gian duy nhất (x. 1Tm 2,5), các linh mục loan báo lời Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng các ngài thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất là trong Thánh Lễ hoặc cộng đồng tạ ơn, trong đó, các ngài thay thế Chúa Kitô 67công bố mầu nhiệm của Chúa, kết hợp với ước nguyện của tín hữu vào hy lễ của thủ lãnh và trong hy tế Thánh Lễ, hiện tại hóa và áp dụng hy lễ duy nhất của Tân Ước 68, là của lễ tinh tuyền đã một lần tự dâng hiến lên Chúa Cha (x. Dth 9,11-28), cho tới ngày Chúa trở lại (x. 1Cor 11,26). Linh mục chu toàn cách tuyệt hảo chức vụ giao hòa và an ủi đối với các tín hữu thống hối và bệnh tật. Linh mục dâng lên Chúa Cha các nhu cầu và lời khẩn nguyện của các tín hữu (x. Dth 5,1-3). Trong quyền hạn mình, linh mục thi hành nhiệm vụ Chúa Kitô mục tử và thủ lãnh 69, tụ họp gia đình Thiên Chúa là cộng đoàn huynh đệ có cùng một tâm hồn 70, và nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Thiên Chúa Cha. Linh mục thờ lạy Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý giữa đoàn chiên (x. Gio 4,24). Sau hết, vất vả truyền giáo và dạy dỗ (x. 1Tm 5,17), linh mục tin những gì ngài đã đọc thấy và suy niệm trong lề luật Chúa, dạy dỗ những gì mình tin và thực hành những điều mình dạy 71.

Là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng Giám Mục 72, linh mục được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa. Các ngài hợp với Giám Mục mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau 73. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục, là hiện thân của Giám Mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng chia xẻ nỗi lo lắng của Giám Mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy. Dưới quyền Giám Mục, linh mục thánh hóa và dẫn dắt một phần đoàn chiên Chúa trao phó cho mình, làm cho người ta thấy được Giáo Hội phổ quát ngay tại địa phương mình, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân thể Chúa Kitô (x. Eph 4,12). Luôn mưu cầu ích lợi cho con cái Thiên Chúa, linh mục phải hăng hái tham gia công cuộc mục vụ của cả giáo phận, hơn nữa của toàn thể Giáo Hội. Vì tham dự vào chức linh mục và vào sứ mệnh của Giám Mục, linh mục phải thực sự xem ngài như cha mình và phải kính cẩn vâng phục ngài. Phần Giám Mục cũng phải coi sóc các linh mục cộng tác với mình như con cái và bạn hữu, như Chúa Kitô không gọi môn đệ là tôi tớ, nhưng là bạn hữu (x. Gio 15,15). Do đó, tất cả các linh mục triều cũng như dòng, bởi chức thánh và thừa tác vụ, được nối kết vào Giám Mục Ðoàn và phục vụ cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội tùy theo ơn gọi và ân sủng riêng.

Một tình huynh đệ thắm thiết nối kết tất cả các linh mục với nhau vì cùng tham dự một chức thánh và một sứ mệnh chung. Tình huynh đệ đó phải bộc lộ một cách tự phát tự nguyện qua sự tương trợ cả tinh thần lẫn vật chất, trong phạm vi mục vụ cũng như trong phạm vi cá nhân, trong các buổi hội họp, cũng như trong sự hiệp thông với nhau qua đời sống, việc làm và tình bác ái.

Linh mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô, vì đã sinh ra họ cách thiêng liêng nhờ phép Thánh Tẩy và giáo huấn (x. 1Cor 4,15 và 1P 1,23). Nêu gương cho đoàn chiên (1P 5,3), linh mục phải làm sao hướng dẫn và phục vụ cộng đoàn địa phương của mình, để họ xứng đáng mang danh hiệu Giáo Hội Thiên Chúa (x. 1Cor 1,2; 2Cor 1,1) là danh hiệu riêng biệt của toàn thể Dân Thiên Chúa là Dân duy nhất. Linh mục hãy nhớ rằng mình phải tỏ ra cho tín hữu và lương dân, cho người công giáo và ngoài công giáo thấy gương mặt của một thừa tác vụ thực sự tư tế và mục vụ, phải minh chứng cho mọi người thấy chân lý và sự sống. Như mục tử tốt lành, linh mục còn phải đi tìm (x. Lc 15,4-7) những người đã lãnh nhận phép Thánh Tẩy trong Giáo Hội công giáo nhưng đã xao lãng không lãnh nhận các bí tích hay nhất là đã mất đức tin.

Ngày nay, vì nhân loại ngày càng hiệp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên các linh mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia rẽ, phải nối kết cố gắng và khả năng mình dưới sự hướng dẫn của các Giám Mục và Giáo Hoàng, để toàn thể nhân loại hiệp nhất trong gia đình Thiên Chúa. 38*

  1. Các phó tế. Ở bậc thấp hơn của hàng giáo phẩm, có các phó tế, những người đã được đặt tay “không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng là để phục vụ” 74. Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó tế, hiệp thông với Giám Mục và Linh Mục Ðoàn, phục vụ Dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Khi được những vị có thẩm quyền chỉ định, các phó tế được cử hành trọng thể phép Thánh Tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ tọa lễ nghi tang chế và an táng. Ðược phong chức để lo việc bác ái và việc quản trị, phó tế phải nhớ lời nhắn nhủ của Thánh Polycarpô: “Hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành, và hãy bước theo chân lý của Chúa, Ðấng đã làm tôi tớ mọi người” 75.

Thực ra, trong nhiều nơi, vì kỷ luật hiện hành của Giáo Hội La tinh có thể làm trở ngại việc chu toàn những nhiệm vụ đó, những nhiệm vụ rất cần thiết cho đời sống Giáo Hội, nên trong tương lai, chức phó tế có thể được tái lập như một bậc riêng và vĩnh viễn thuộc phẩm trật. Các nhóm Giám Mục địa phương, dưới những hình thức khác nhau, với sự chấp thuận của chính Ðức Giáo Hoàng, có đủ thẩm quyền để xét xem có nên bổ nhiệm các phó tế ấy và bổ nhiệm ở đâu, để họ coi sóc các linh hồn. Với sự đồng ý của Ðức Giáo Hoàng, các Ngài có thể phong chức phó tế cho những người đàn ông đứng tuổi, dù đã kết hôn, cũng như cho các thanh niên có khả năng, nhưng các thanh niên này phải giữ vững luật độc thân. 39*

 

Chú thích

23* Chương này rất quan trọng. Muốn hiểu rõ cần phải lưu ý mấy điểm:

  1. a) Chương này lặp lại và hiệu chính cho hiến chế “Pastor Aeternus” của Công Ðồng Vaticanô I.
  2. b) Bởi vậy, hầu hết là nói về chức Giám Mục, và cũng chỉ mới đề cập được một phần như Công Ðồng Vaticanô I, vì Công Ðồng này hầu như chỉ bàn về quyền tối thượng của Giáo Hoàng. Ðể có một cái nhìn toàn diện, có lẽ nên đề cập tới cả hai Công Ðồng. Còn khá nhiều vấn đề thần học chưa được giải quyết. Hy vọng một Công Ðồng mai hậu sẽ có thể đạt được một sự tổng hợp mà chúng ta không có.

Văn thể và bút pháp chương này khác xa với hai chương trước. Văn thể của hai chương trước bàng bạc Thánh Kinh, còn văn thể ở đây cứng chắc hơn, ít biểu tượng hơn và rõ rệt hơn theo quan điểm pháp lý. Vả lại, bản văn đã được bàn cãi nhiều khiến có thể nhận ra ngày nó đã được làm đi làm lại, đầy những chú thích và sửa chữa. Bởi vậy đôi khi bản văn trở thành nặng nề và rắc rối (khiến văn phòng Tổng Thư Ký của Công Ðồng đã phải thêm phần phụ trương sau cùng, tức phần “Chú thích sơ khởi”).

Dầu vậy kết cấu nội tại cũng sáng sủa và bao gồm:

– Một phần nhập đề: cho biết nội dung của chương và xác định rõ rệt mục đích mà Công Ðồng muốn đề ra.

– Bốn tiểu mục về:

(1) Nguồn gốc chức Giám Mục (các số 19-21).

(2) Giám Mục Ðoàn, một vấn đề được thảo luận sôi nổi (các số 22-23).

(3) Thừa tác vụ Giám Mục và những quyền hành của Giám Mục (các số 24-27).

(4) Những thừa tác viên cấp dưới: Linh Mục và Phó Tế (các số 28-29).

Nội dung của chương này bàn về cơ cấu phẩm trật trong Giáo Hội. Dân Chúa là một dân có tổ chức, một cộng đoàn chứ không phải là một đám đông ô hợp, trong đó có quyền bính được thi hành trong Giáo Hội và trên Giáo Hội do các Tông Ðồ và các người kế vị hoặc các cộng tác viên tuyển chọn và chỉ định. Công Ðồng cũng xác định 3 đặc tính của quyền bính này:

  1. a) Ðây là một thứ quyền bính được ủy thác: không chỉ thi hành nhân danh Chúa Kitô mà thôi, nhưng còn phải biểu lộ Chúa Kitô phục sinh hiện diện trong Giáo Hội của Người; quyền bính ấy phải được Thánh Thần Chúa Kitô hỗ trợ.
  2. b) Quyền bính không phải là để thống trị, nhưng là để phục vụ cho cộng đoàn; việc phục vụ trước hết là giảng huấn Lời Chúa và thông ban ơn Ngài qua bí tích; còn việc điều hành và cai trị chỉ là phụ. Các vị thủ lãnh Giáo Hội là những người cha trong đức tin và là những thừa tác viên của bí tích.
  3. c) Quyền bính là do Chúa ban, nhưng liên lạc mật thiết với cộng đoàn; và theo kiểu nói của Thánh Kinh, quyền bính có sứ mệnh “chăn dắt” cộng đoàn. (Trở lại đầu trang)

1 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor aeternus: Dz 1821 (3050t). (Trở lại đầu trang)

2 Xem CÐ Firenze, Decretum Pro Graecis: Dz 694 (1307) và CÐ Vat. I, n.v.t.,: Dz 1826 (3059). (Trở lại đầu trang)

24* Số 18: Nhập đề.

Số này liên kết chương II và chương III lại với nhau. Chúa Kitô muốn thiết lập phẩm trật vì lợi ích cho toàn thể Giáo Hội. Phẩm trật vừa như là một trong những thừa tác vụ được Chúa Kitô thiết lập, vừa như là một công cuộc phục vụ huynh đệ cho tất cả Dân Chúa. Khác với Vaticanô I vì coi phẩm trật như một dữ kiện tiên quyết, Công Ðồng Vaticanô II lại khởi đầu từ Dân Chúa, sau đó mới cho biết phẩm trật là để phục vụ Dân ấy. (Trở lại đầu trang)

25* Tiểu mục 1: (các số 19-21) Về nguồn gốc chức Giám Mục. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Liber Sacramentorum của T. Gregoriô, kinh tiền tụng ngày sinh nhật của Thánh Mattheô và Tôma: PL 78,51 và 152; xem Cod. Vat. Lat. 3548, f. 18. T. Hilariô, In Ps. 67,10: PL 9,450; CSEL 22, trg 286. T. Hieronimô, Adv. Jovin. 1,26: PL 23, 247A. T. Augustinô, In Ps. 86,4 : PL 37, 1103. T. Gregoriô Cả, Mor. in Job, XXVIII, V : PL 76 455-456. Primasiô, Comm. in Apoc. V : PL 68, 924 BC. Paschasiô Radb. In Mt, c. VIII, ch. 16: PL 120, 561C. Xem Leô XIII thư Et Sane, 17-12-1888 : AAS 21 (1888), trg 321. (Trở lại đầu trang)

26* Số 19: Sứ mệnh và việc thiết lập Mười Hai Tông Ðồ.

Nhóm Tông Ðồ được Chúa Kitô tuyển chọn là một nhóm có cá tính riêng mà Công Ðồng đã nêu ra những đặc điểm như sau: họ sống với Chúa, được Chúa sai đi rao giảng Nước Trời, họ liên kết thành một Tông Ðồ Ðoàn, và có một thủ lãnh. Khó khăn là ở điểm thứ ba này, vì người ta có thể hiểu từ ngữ Tông Ðồ Ðoàn theo nghĩa hoàn toàn pháp lý. Nhưng đây không phải thế, vì Công Ðồng không xử dụng từ ngữ theo nghĩa pháp lý, nhưng theo nghĩa là một nhóm cố định, do Chúa thiết lập (x. số 1 của phần “Chú thích sơ khởi”). Ðặc tính Tông Ðồ Ðoàn còn được biểu lộ qua sự kiện chỉ mình Phêrô là thủ lãnh của nhóm. Quả quyết sự hiện hữu của Tông Ðồ Ðoàn là để chuẩn bị quả quyết về Giám Mục Ðoàn (số 22). (Trở lại đầu trang)

4 Xem CvTđ 6,2-6. 11-30; 13,1; 14,23; 20,17; 1Th 5,12-13; Ph 1,1; Col 4,11 và nhiều chỗ khác. (Trở lại đầu trang)

5 Xem CvTđ 20,25-27; 2Tm 4,6t so sánh với 1Tm 5,22; 2Tm 2,2; Tit 1,5. T. Clementê thành Roma, Ad Cor. 44, 3: x.b. Funk, I, trg 156. (Trở lại đầu trang)

6 T. Clementê thành Roma, Ad Cor, 44, 2 : x.b. Funk, I, trg 154t. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Tertullianô, Praescr. Haer. 32 : PL 2,52t. T. Inhaxiô Tử đạo, nhiều chỗ khác. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Tertullianô, Praescr. Haer. 32: PL 2,53. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Ireneô, Adv. Haer. III, 3,1: PG 7,848A; Harvey 2,8; Sagnard, trg 100: “Manifestatam”. (Trở lại đầu trang)

10 T. Ireneô, Adv. Haer. III, 3,1 : PG 7,847 ; Harvey 2,7 ; Sagnard, trg 100: “Custoditur”, xem, n.v.t., IV, 26,2 : cột 1053; Harvey 2,236, cả IV, 33,8: cột 1077; Harvey 2,262. (Trở lại đầu trang)

11 T. Inhaxiô Tử đạo, Philad., lời mở đầu: x.b. Funk I, trg 264. (Trở lại đầu trang)

12 T. Inhaxiô Tử đạo, Philad., I,1; Magn. 6,1: x.b. Funk I, trg 264 và 234. (Trở lại đầu trang)

13 T. Clementê thành Roma, n.v.t., 42,3-4; 44, 3-4; 57,1-2: x.b. Funk, I, trg 152, 156, 171t. T. Inhaxiô Tử đạo, Philad., 2; Smyrn. 8; Magn. 3; Trall.7: x.b. Funk I, trg 265t.; 281; 232; 246t. v.v� T. Giustinô, Apol., 1,65: PG 6,428; T. Cyprianô, Epist., nhiều chỗ khác. (Trở lại đầu trang)

14 Xem Leô XII, Tđ. Satis cognitum, 29-6-1896: AAS 28 (1895-96), trg 732. (Trở lại đầu trang)

15 Xem CÐ Trentô, Sắc lệnh De sacr. Ordinis, ch. 4: Dz 960 (1768); CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor aeternus, ch. 3: Dz 1828 (3061). Piô XII, Tđ Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 209 và 212, CIC, kh. 329 đoạn 1. (Trở lại đầu trang)

16 Xem Leô XIII, thư Et Sane, 17-12-1888: AAS 21 (1888), trg 321t. (Trở lại đầu trang)

27* Số 20: Công Ðồng dạy rằng do việc Chúa thiết lập mà các vị Giám Mục trở nên những người kế vị các Tông Ðồ, và với tước hiệu ấy, các ngài là những mục tử chăn dắt Giáo Hội. Trong đoạn này người ta đã cố gắng đưa ra những nhận xét để đánh giá trị một cách chính đáng bao nhiêu có thể những lời chứng của truyền thống. Lịch sử của truyền thống về sự kế vị và về các chứng tá chính yếu một khi được trình bày rồi, Công Ðồng mới quả quyết hai điểm quan trọng ở đoạn c:

  1. a) Sự trường tồn của thừa tác vụ tông đồ nơi các Giám Mục để chăn dắt Giáo Hội Chúa.
  2. b) Và kết quả của sự trường tồn ấy là: các Giám Mục là những người kế vị các Tông Ðồ. Công Ðồng không muốn định tín giáo lý này, nhưng giảng dạy một cách chắc chắn, vì xử dụng những kiểu nói chuyên biệt “Thánh Công Ðồng dạy rằng”. Sự kế vị là do Chúa lập, nhờ đó mà các Giám Mục trở thành mục tử Giáo Hội. Công Ðồng không đi vào vấn đề xem các Giám Mục có được thừa kế các đặc quyền riêng biệt của các Tông Ðồ hay không, nhưng chỉ minh nhiên quả quyết tông vụ chăn dắt Giáo Hội Chúa được nối tiếp nơi các Giám Mục. (Trở lại đầu trang)

17 Xem T. Leô Cả, Serm. 5,3: PL 54,154. (Trở lại đầu trang)

18 CÐ Trentô, khóa 23, ch. 3, trích 2Tm 1,6-7 để chứng minh phép truyền chức thánh thực sự là một bí tích: Dz 959 (1766). (Trở lại đầu trang)

19 Trong Trad. Apost. 3, x.b. Botte, Sources Chrétiennes, trg 27-30, Giám Mục có chức linh mục cao nhất (primatus sacerdotii). Xem Sacramentarium Leonianum, x.b. C. Mohlberg, Sacramentarium Veronense, Roma, 1955, trg 119: “ad sumni sacerdotii ministerium… Comple in sacerdotibus tuis mysterii tui summam”… n.t., Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae, Roma, 1960, trg 121-122: “Lạy Chúa, xin ban cho họ ngai giám mục để họ điều khiển Giáo Hội Chúa và toàn dân”: x. PL 78, 224. (Trở lại đầu trang)

20 Xem Trad. Apost. 2: x.b. Botte, trg 27. (Trở lại đầu trang)

21 Xem CÐ Trentô, khóa 23, ch. 4, dạy rằng bí tích truyền chức in dấu không hay mất: Dz 960 (1767). Xem Gioan XXIII, huấn từ Jubilate Deo, 8-5-1960: AAS 52 (1960), trg 466. – Phaolô VI, bài giảng tại giáo đường Vaticanô, 20-10-1963: AAS 55 (1963), trg 1014. (Trở lại đầu trang)

22 T. Cyprianô, Epist. 63,14: PL 4, 386; Hartel, IIIB, trg 713: “Linh mục thực sự hoạt động thay Chúa Kitô”. T. Gioan Kim Khẩu, In 2 Tim, bài giảng 2,4 ; PG 62,612: Linh Mục là “hình ảnh” (symbolon) của Chúa Kitô. T. Ambrosiô, In Ps 38,25-26: PL 14,1051-52: CSEL 64,203-204. Ambrosias-ter, In 1 Tim 5,19: PL 17,479 C và In Eph. 4,11-12: cột 387. C. Theodorô Mops., Hom. Catech. XV, 21 và 24: x.b. Tonneau, trg 497 và 503. Hesychio Hieros., In Lev. L. 2, 9,23: PG 93,894 B. (Trở lại đầu trang)

28* Số 21: Bí tích tính của chức Giám Mục.

Bố cục của số này như sau: điểm quả quyết trong số 20 (chính Chúa đã lập các Giám Mục kế vị Tông Ðồ làm mục tử Giáo Hội) được bổ túc bằng ba xác định mới:

(1) Chúa Kitô hiện diện giữa tín hữu trong con người của Giám Mục.

(2) Sự hiện diện ấy được chuyển đạt qua các nghi thức đặt tay, là nhờ hồng ân thiêng liêng của Chúa Thánh Thần.

(3) Và như vậy, sự kế vị các Tông Ðồ được chuyển trao nhờ một bí tích là bí tích truyền chức Giám Mục.

Chức Giám Mục là chức linh mục tối thượng. Qua việc truyền chức, vị Giám Mục lãnh nhận sự sung mãn của bí tích truyền chức. Việc truyền chức đem đến cho vị Giám Mục 3 nhiệm vụ: thánh hóa, giảng dạy và cai trị (x. các số 25-27). Công Ðồng đã soạn thảo đoạn này để giải quyết cho xong cuộc bàn cãi về bí tích tính của chức Giám Mục, vì có một số người chỉ coi đó là một hình thức bổ túc cho chức linh mục. Do đó mà từ nay phải nhìn bí tích truyền chức nơi vị Giám Mục chứ không phải nơi Linh Mục, vì Linh Mục chỉ tham dự vào sự sung mãn của chức tư tế Giám Mục (x. số 28). Như thế con đường đã được chuẩn bị để quả quyết về Giám Mục Ðoàn. (Trở lại đầu trang)

29* Tiểu mục 2: (các số 22-23) Giám Mục Ðoàn.

Tiết này được tranh luận nhiều nhất, có nhiều chú thích và sửa đổi nhất, đặc biệt là số 22: bởi vậy công việc soạn thảo sau cùng rất nặng nề. Người ta biết có hai bản phúc trình ngược hẳn nhau được đệ trình lên Công Ðồng, một của Giám Mục Parente, ủng hộ bản văn, sau cùng được chấp thuận với một ít điều sửa đổi, và một của Giám Mục Franic trình bày những khó khăn chống với bản văn. Cũng nhờ “bản phúc trình” sau này mà có phần chú thích sơ khởi, đến giờ chót được đặt thêm vào bản văn để xoa dịu một vài lập trường quyết liệt. Khó khăn chính là vì người ta sợ Cộng Ðoàn tính của Giám Mục có thể phương hại tới tín điều về quyền tối thượng của Giáo Hoàng. Khó khăn khác nữa là vì từ ngữ Giám Mục Ðoàn, nếu hiểu theo nghĩa pháp lý, sẽ đưa đến sự bình đẳng giữa các phần tử trong đoàn và như vậy, dường như quyền tối thượng bị đe dọa. Sau cùng, từ ngữ đó không có trong Thánh Kinh hay trong Truyền Thống. Công Ðồng vẫn lưu ý đến những vấn nạn đó khi soạn thảo bản văn và cũng vì vậy mà xác nhận một lần nữa về quyền tối thượng của Giáo Hoàng trong một bản văn đề cập đến các Giám Mục. (Trở lại đầu trang)

23 Xem Eusebiô, Hist. Eccl., V, 24,10 : GCS II,1, trg 495; x.b. Bardy, Sources Chr. II, trg 69. Dionysiô, trong Eusebiô, n.v.t. VII, 5,2: GCS II, 2, trg 638t ; Bardy, II trg 168t. (Trở lại đầu trang)

24 Xem về các Công Ðồng thời trước, Eusebiô, Hist. Eccl. V, 23-24: GCS II, 1, trg 488 tt; Bardy, II, trg 66t. và nhiều chỗ khác. CÐ Nicea, đ.th. 5: Conc.Oec. Decr., trg 7. (Trở lại đầu trang)

25 Xem Tertullianô, De Jejunio, 13: PL 2, 972B: CSEL 20, trg. 292, hàng 13-16. (Trở lại đầu trang)

26 Xem T. Cyprianô, Epist. 56, 3 : Hartel, III B, trg 650 ; Bayard, trg 154. (Trở lại đầu trang)

27 Xem phúc trình chính thức của Zinelli, trong CÐ Vat I : Mansi 52, 1109C. (Trở lại đầu trang)

28 Xem CÐ Vat I, lược đồ Hiến chế tín lý, II, De Eccl. Christi, ch. 4: Mansi 53, 310. Xem phúc trình của Kleutgen về lược đồ sửa lại: Mansi 53, 321B-322B và tuyên bố của Zinelli: Mansi 52, 1110. Cũng xem T. Leô Cả, Serm. 4,3 : PL 54, 151A. (Trở lại đầu trang)

29 Xem CIC, các kh. 222 và 227. (Trở lại đầu trang)

30* Trong số 22 này, chúng ta phân biệt bốn đề xướng:

(1) Ðề xướng thứ nhất quả quyết sự hiện hữu của Giám Mục Ðoàn kế vị Tông Ðồ Ðoàn, phác họa một chứng cứ lịch sử, và liệt kê những điều kiện gia nhập đoàn. Ðây là một trong những quả quyết quan trọng nhất của Công Ðồng mà người ta muốn bày tỏ tính cách bổ túc của nó cho Công Ðồng Vaticanô I. Công Ðồng xác nhận nguồn gốc Tông Ðồ Ðoàn là do Chúa, hợp với tinh thần Tân Ước (x. số 19), và Tông Ðồ Ðoàn được các người kế vị là Giám Mục tiếp nối liên tục. Sự liên tục đó là một kết quả hợp lý vì Chúa đã hứa cho Giáo Hội được trường tồn. Nhiều tài liệu của Truyền thống cũng xác nhận sự liên tục này. Ðược phong chức Giám Mục và hiệp thông giáo phẩm với Thủ Lãnh cũng như với các phần tử trong đoàn, là đã gia nhập Giám Mục Ðoàn. Giám Mục Ðoàn luôn đòi phải có Thủ Lãnh.

(2) Giám Mục Ðoàn cũng có quyền bính tối cao và trọn vẹn trên toàn thể Giáo Hội. Ðiều quả quyết này gây ra nhiều vấn đề thần học quan trọng, vì như chúng ta biết, Giáo Hoàng cũng có đặc quyền ấy. Việc soạn thảo đã cố gắng minh giải vấn đề với câu: “Hiệp nhất với Thủ Lãnh (là Giáo Hoàng Roma), Giám Mục Ðoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng”. Như vậy phải chăng có hai quyền bính tối cao và trọn vẹn trong Giáo Hội? Làm sao có thể thế được? Bản phúc trình chính thức đã trả lời: “Vấn nạn sẽ không còn một khi lưu ý là trong Giáo Hội không phải có hai nhưng chỉ một quyền bính mà Chúa Kitô đã trao ban cho toàn thể Tông Ðồ Ðoàn, cho cả Phêrô lẫn các Tông Ðồ. Chúng ta cũng nhận rằng quyền bính ấy thuộc về một mình Giáo Hoàng, và được thực thi trên các Giám Mục chỉ có trong thường năng; muốn có trong hiện năng phải tùy thuộc vào Giáo Hoàng. Như vậy, Giám Mục Ðoàn không hạn chế quyền tối cao của Giáo Hoàng; nhưng chỉ thừa nhận và chuẩn y cho chức vị Giám Mục theo tư tưởng của Giáo Hội sơ khai: được phong chức Giám Mục là được tham dự thường năng vào quyền hành Chúa Kitô, để khi được Giáo Hoàng mời gọi, các Giám Mục có thể thực thi quyền hành đó ở hiện năng trong cả Giáo Hội.

Ðể lưu ý đến những dự liệu này và những dự liệu của chú thích sơ khởi, chúng ta nên phân biệt:

– Quyền hành (để điều khiển Giáo Hội) nơi Giám Mục Ðoàn hiệp thông với Giáo Hoàng, là một vị trong đoàn với tư cách thủ lãnh.

– Sự thực thi (tối cao, trên toàn thể Giáo Hội) quyền hành đó đòi phải được Giáo Hoàng mời gọi, đòi phải hiệp thông hữu hiệu với Ngài hoặc ít nhất không chống lại Ngài.

– Sự chỉ định pháp lý (theo giáo luật), theo đó Giáo Hoàng trao phó cho một Giám Mục một lãnh thổ hay một nhiệm vụ và ban quyền tham dự vào trách nhiệm tập đoàn trên toàn thể Giáo Hội.

(3) Trong thực tại Giám Mục Ðoàn và trong sự thực thi quyền hành tập đoàn, toàn thể hàng giáo phẩm phải phục vụ cho việc hiệp nhất Dân Chúa. Giáo Hoàng là người gìn giữ việc hiệp nhất đó cả trên bình diện cơ cấu lẫn bình diện pháp lý và cai trị. Với các Giám Mục, thì Giám Mục Ðoàn chính là dấu hiệu của việc hiệp nhất này trong Giáo Hội, được đảm bảo qua sự hiệp thông tập đoàn và qua những mối tương giao huynh đệ trong hàng Giám Mục.

(4) Sự thực thi quyền Giám Mục Ðoàn: quyền hành tối cao của Giám Mục Ðoàn được thực thi bằng hai cách: trong Công Ðồng Chung do Giáo Hoàng triệu tập (hoặc ít nhất được Ngài chấp thuận); ngoài Công Ðồng, do các Giám Mục rải rác khắp hoàn cầu khi được Giáo Hoàng mời gọi thực thi một việc có tính cách tập đoàn. (Trở lại đầu trang)

30 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor aeternus: Dz 1821 (3050t). (Trở lại đầu trang)

31 Xem T. Cyprianô, Epist. 66, 8: Hartel III, 2, trg 733: “Giám Mục trong Giáo Hội và Giáo Hội trong Giám Mục”. (Trở lại đầu trang)

32 Xem T. Cypianô, Epist. 55, 24: Hartel, trg 642, hàng 13: “Una Ecclesia per totum mundum in multa membra divisa”. Epist. 36,4: Hartel, trg 575, hàng 20-21. (Trở lại đầu trang)

33 Xem Piô XII, Tđ. Fidei Donum, 21-4-1957: AAS 49 (1957), trg 237. (Trở lại đầu trang)

34 Xem T. Hilariô Pict., In Ps. 14,3: PL 9, 206: CSEL 22, trg 86. T. Gregoriô Cả, Moral. IV, 7,12: PL 75, 643 C. Basiliô Cả, In Is. 15, 296: PG 30,637C. (Trở lại đầu trang)

35 T. Coelestinô, Epist. 18, 1-2, gửi đến Công Ðồng Eph.: PL 50, 505AB; Schwartz, Acta Conc. Oec. I, 1,1, trg 22. Xem Benedictô XV, Tông thư Maximum illud: AAS 11 (1919), trg 440. Piô XI, Tđ. Rerum Eccl., 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 69. Piô XII, Tđ. Fidei Donum, n.v.t. (Trở lại đầu trang)

36 Leô XIII, Tđ. Grande munus, 30-9-1880: AAS 13 (1880), trg 145. – Xem CIC, kh. 1327, kh. 1350 đoạn 2. (Trở lại đầu trang)

37 Về những quyền của các Tòa giáo chủ, xem CÐ Nicea đ. th. 6 về Alexandria và Antiochia, và đ. th. 7 về Giêrusalem: Conc. Oec. Decr., trg 8. CÐ Lateranô IV, năm 1215, Hiến chế V: De dignitate Patriarcharum: n.v.t., trg 212. CÐ Ferr. – Flor.: n.v.t., trg 504. (Trở lại đầu trang)

31* Số 23: Trên bình diện liên lạc chiều ngang giữa các Giám Mục, sự thực thi quyền Giám Mục Ðoàn thường được khai triển dưới ba hình thức:

– Giám Mục là dấu hiệu và khí cụ hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương (x. sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của Giám Mục, số 6). Từ đó Giám Mục quan tâm đến trách vụ của toàn thể Giáo Hội.

– Trách nhiệm tập đoàn về việc loan báo Phúc Âm cho cả thế giới: bởi vậy phải hỗ trợ các Giáo Hội tại miền truyền giáo và các Giáo Hội ít được nâng đỡ (x. sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo, số 20).

– Ý nghĩa và giá trị các Giáo Hội có tòa thượng phụ ở Ðông Phương và các Giáo Hội khác phát sinh ra từ đó. Phải tôn trọng các Giáo Hội này vì có truyền thống và kỷ luật riêng.

Số 23 kết thúc bằng vài dòng vắn tắt nói về Hội Ðồng Giám Mục qui tụ các Giám Mục trong một lãnh thổ hay trong một quốc gia. (Trở lại đầu trang)

32* Tiểu mục 3: thừa tác vụ Giám Mục và những quyền năng (các số 24-27). (Trở lại đầu trang)

38 Xem CIC cho Giáo Hội Ðông Phương, các kh. 216-314: về các Giáo Chủ; các kh. 324-339: về các Ðại Tổng Giám Mục; các kh. 362-391: về các vị chức sắc khác; đặc biệt các kh. 238, đoạn 3; 216; 240; 251; 255: về các Giám Mục được các Giáo Chủ đặt lên. (Trở lại đầu trang)

33* Số 24: Nói về thừa tác vụ Giám Mục, tiếp tục cho số 20. Ở đây không bàn về chức vị hay quyền bính, nhưng về thừa tác vụ Giám Mục. Công Ðồng nhấn mạnh tới đặc tính phục vụ của những người được Chúa kêu gọi cai trị Dân Chúa, theo kiểu nói của Thánh Kinh (x. Mt 20, 24-28; Gio 13,1-17). Giám Mục là người phục vụ cho phần dân được trao phó, và phục vụ cho toàn thế giới. Ngài phải nỗ lực rao giảng và làm cho Phúc Âm sống động, và nếu cần, phải hiến mạng sống cho đoàn chiên. Muốn được thế, các Giám Mục nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hiến các Ngài để phục vụ. Công Ðồng còn thêm một đoạn nữa bàn đến sứ mệnh theo giáo luật, nghĩa là Giám Mục được quyền cấp trên chỉ định đặc trách một lãnh thổ hay một số dân nhất định. Có ba cách thức chỉ định được coi là có hiệu lực: tập tục chưa bị đoạn tiêu, luật lệ được Tòa Thánh ban hành hay thừa nhận, do chính Giáo Hoàng chỉ định. Với hai cách đầu tiên, phải có sự chấp thuận minh nhiên hay mặc nhiên của Tòa Thánh, nếu không sẽ bất thành sự.

Ba số kế tiếp đề cập đến quyền năng Giám Mục (các số 25-27). Nhiều nhà thần học phân biệt thành hai quyền năng phẩm trật: quyền theo chức vị và quyền theo sứ mệnh. Công Ðồng trái lại đã chọn kiểu nói ba quyền năng: giảng dạy, thánh hóa và cai trị Dân Chúa, và cho như vậy là tiện lợi hơn, vì cách phân chia này cho phép mô tả các quyền năng, và nếu cần, minh xác các quyền năng đó. Có lẽ còn lý do nữa là liên kết quyền năng của giáo phẩm với ba nhiệm vụ của Chúa Kitô (được nhắc tới trong các số 34-36): nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả. (Trở lại đầu trang)

39 Xem CÐ Trentô sắc lệnh De Reform., khóa V, ch. 2, số 9, và khóa XXIV, đ.th. 4: Conc. Oec. Decr., trg 645 và 739. (Trở lại đầu trang)

40 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Dei Filius, 3: Dz 1712 (3011). Xem ghi chú kèm theo Lược Ðồ I về De Eccl. (trích từ Thánh Rob. Bellarminô): Mansi 51, 579C, và Lược Ðồ đã được sửa đổi của Hiến Chế II De Eccl. Christi, với phần chú giải củ Kleutgen: Mansi 53, 313 AB. Ðức Piô IX, Thư “tuas libenter”: Dz 1683 (2879). (Trở lại đầu trang)

41 Xem CIC các kh. 1322-1323. (Trở lại đầu trang)

42 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor Aeternus: Dz 1839 (3074). (Trở lại đầu trang)

43 Xem giải nghĩa của Gasser trong CÐ Vat. I : Mansi 52. 1212 AC. (Trở lại đầu trang)

44 Xem Gasser n.v.t.: Mansi 1214A. (Trở lại đầu trang)

45 Xem Gasser n.v.t.: Mansi 1215 CD, 1216-1217 A. (Trở lại đầu trang)

46 Xem Gasser n.v.t. : Mansi 1213. (Trở lại đầu trang)

47 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor aeternus, 4: Dz 1836 (3070). (Trở lại đầu trang)

34* Số 25: Quyền giảng dạy (giáo huấn).

Số này trình bày những tiêu chuẩn định giá trị lời giảng dạy của giáo phẩm, trong khuôn khổ Giám Mục Ðoàn, và trình bày nguyên tắc quyền bính. Nội dung của lời giảng, những đối tượng khác nhau của giáo huấn Giáo Hội được phân tích trong sắc lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (các số 12-14).

Việc soạn thảo bản văn gặp nhiều khó khăn. Công Ðồng muốn giữ y nguyên định nghĩa về quyền giáo huấn bất khả ngộ của Giáo Hoàng, vừa muốn quả quyết quyền giáo huấn của các Giám Mục. Ðiều xác định căn bản như sau: nhiệm vụ đầu tiên của Giám Mục là rao giảng Phúc Âm. Bản văn chia ra bốn phần:

– Giám Mục là tiến sĩ của đức tin nên phải tuân theo lời giảng dạy của các Ngài.

– Bất khả ngộ tính của Giám Mục khi đồng thanh giảng dạy không những trong Công Ðồng Chung mà ngay cả khi các Ngài thông hảo với nhau và với Ðấng kế vị Phêrô để giảng dạy những giáo lý thuộc đức tin và phong hóa. Ðây là đề tài cố hữu trong khoa thần học.

– Bất khả ngộ tính của một mình Giáo Hoàng được xác định khéo léo ở đây, trong khuôn khổ của việc giảng dạy được các Giám Mục thực thi trong tập đoàn.

– Sự tương hợp của giáo thuyết Giáo Hội với Mạc Khải. (Trở lại đầu trang)

48 Lời nguyện lễ tấn phong Giám Mục theo nghi lễ Bizantinô: Euchologion to mega Roma, 1873, trg 139. (Trở lại đầu trang)

49 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Smyrn. 8,1: x.b. Funk I, trg 282. (Trở lại đầu trang)

50 Xem CvTđ 8,1; 14,22-23; 20,17 và nhiều chỗ khác. (Trở lại đầu trang)

51 Lời nguyện Tây Ban Nha: PL 96, 759B. (Trở lại đầu trang)

52 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Smyrn. 8,1: x.b. Funk, I, trg 282. (Trở lại đầu trang)

53 T. Tôma, Summa Theol. III, q. 73, a. 3. (Trở lại đầu trang)

54 Xem T. Augustinô, C. Faustum, 12, 20: PL 42, 265; Serm. 57, 7: PL 38, 389, v.v… (Trở lại đầu trang)

55 T. Leô Cả, Serm. 63, 7: PL 54, 357C. (Trở lại đầu trang)

56 Xem Traditio Apostolica của Hippolytô, 2-3: x.b. Botte, trg 26-30. (Trở lại đầu trang)

57 Xem đoạn “khảo duyệt” ở đầu lễ tấn phong Giám Mục và kinh nguyện sau lễ tấn phong Giám Mục, sau Te Deum. (Trở lại đầu trang)

35* Số 26: Quyền thánh hóa.

Số này tuy dài nhưng khúc chiết, được sắc lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (số 15) bổ túc. Ý tưởng chính là: Giám Mục là người chủ chốt ban phát các mầu nhiệm của Chúa, là người tổ chức, phát động và bảo trì đời sống phụng vụ. Ngài chủ tọa thánh lễ cộng đồng, có trách vụ loan báo lời Chúa trong công hội phụng vụ. Ngài còn là thừa tác viên chủ yếu của các bí tích. Kết luận của số này là lời ám chỉ đến gương mẫu đời sống mà các mục tử phải nêu ra. (Trở lại đầu trang)

58 Xem Benedictô XIV, Br. Romana Ecclesia, 5-10-1752, đoạn 1 Bullarium Benedicti XIV, bộ IV, Roma 1758, 21: “Giám Mục thay mặt Chúa Kitô và chu toàn công cuộc của Ngài”. Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, n.v.t., trg 211: “mỗi Giám Mục chăn dắt và điều khiển đoàn chiên được giao phó nhân danh Chúa Kitô”. (Trở lại đầu trang)

59 Xem Leô XIII, Tđ. Satis cognitum, 29-6-1896: AAS 28 (1895-96), trg 732, n.v.t., thư Officio Sanctissimo, 22-12-1887: AAS 20 (1887), trg 264. Piô IX, Tông thư gửi các Giám Mục Ðức, 12-3-1875 và huấn từ 15-3-1875: Dz 3112-3117 trong lần phát hành mới. (Trở lại đầu trang)

60 Xem CÐ Vat. I: Hiến Chế tín lý Pastor aeternus, 3: Dz 1828 (3061). Xem bài phúc trình của Zinelli: Mansi 52, 1114 D. (Trở lại đầu trang)

61 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Ad Ephes. 5,1 : x.b. Funk, I, trg 216. (Trở lại đầu trang)

36* Số 27: Quyền cai quản.

Ðoạn này còn được Sắc Lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (số 16) bổ túc. Trong số đó, Công Ðồng xác định chi tiết những bổn phận mục vụ của người tông đồ, đặc biệt đối với linh mục, và cả với những tín hữu ly khai cũng như những người chưa chịu phép Thánh Tẩy. Công Ðồng đã giữ lại và lưu ý lời quả quyết này là: các Giám Mục là đại diện và thừa phái của Chúa Kitô chứ không phải đại diện Giáo Hoàng, vì lẽ các Ngài thi hành quyền năng riêng biệt của các Ngài, và việc gọi các Ngài là thủ lãnh phần dân các Ngài hướng dẫn, quả là điều xác đáng. Ở đây Công Ðồng cũng nhấn mạnh đến ý tưởng phục vụ: quyền bính Giám Mục không để thống trị; ngoài ra còn kín đáo ám chỉ tới trách nhiệm của Giám Mục đối với những người chưa thuộc về đoàn chiên duy nhất. Giám Mục không chỉ bận tâm riêng với tín hữu, nhưng có trách nhiệm đối với mọi người; ngay trong giáo phận, Ngài phải là một vị thừa sai. Câu sau cùng nhắc nhở cho tín hữu phải biết liên kết với Giám Mục của mình như Giáo Hội đã liên kết với Chúa Kitô và Chúa Kitô với Chúa Cha. (Trở lại đầu trang)

37* Tiểu mục 4: Những cộng tác viên của Giám Mục (các số 28-29).

Công Ðồng biên soạn và khai triển đoạn này trong những cuộc bàn cãi vào tháng 9 năm 1964. Về linh mục, số 29 còn được bổ túc và minh định qua Sắc Lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (các số 28-35). Công Ðồng chưa có thời giờ quảng diễn một khoa thần học về chức linh mục thừa tác, nên tạm thời chỉ nói sơ qua khi bàn về chức Giám Mục. Sự liên lạc giữa hai bên khiến Công Ðồng liệt kê được những quả quyết chính yếu trong những số này để kết thúc cho một chương khá dài, đòi nhiều công phu. (Trở lại đầu trang)

62 Xem T. Inhatiô tử đạo, Ad Ephes. 6,1: x.b. Funk I, trg 218. (Trở lại đầu trang)

63 Xem CÐ Trentô, khóa 23, De Sacr. ord., ch. 2: Dz 958 (1765) và đ. th. 6: Dz 966 (1776). (Trở lại đầu trang)

64 Xem Innocentiô I, Epist. ad Decentium: PL 20, 554A; Mansi 3, 1029; Dz 98 (215): “Linh mục tùy thuộc và hàng tư tế bậc thấp, nên không có quyền tư tế tối cao”. T. Cyprianô, Epist. 61, 3: x.b. Hartel, trg 696. (Trở lại đầu trang)

65 Xem CÐ Trentô, n.v.t.: Dz 956-968 (1763-1778), và đặc biệt đ.th. 7: Dz 967 (1777). Piô XII, Tông hiến Sacramentum Ordinis: Dz 2301 (3857-61). (Trở lại đầu trang)

66 Xem Innocentiô I, n.v.t. – T. Gregoriô Naz., Apol. II, 22: PG 35, 432 B. Dionysiô Giả, Eccl. Hier., 1,2: PG 3,372 D. (Trở lại đầu trang)

67 Xem CÐ Trentô, khóa 22: Dz 940 (1743). Piô XII, Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947: AAS 39 (1947), trg 553; Dz 2300 (3850). (Trở lại đầu trang)

68 Xem CÐ Trentô, khóa 22: Dz 938 (1739-40) – CÐ Vat. II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosancium Concilium số 7 và 47: AAS 56 (1964), trg 100-113. (Trở lại đầu trang)

69 Xem Piô XII, Tđ. Mediator Dei, n.v.t., số 67. (Trở lại đầu trang)

70 Xem T. Cyprianô, Epist. 11,3: PL 4,242B; x.b. Hartel II, 2, trg 497. (Trở lại đầu trang)

71 Xem Pontificate Romanum, lễ truyền chức linh mục: lúc mặc áo lễ. (Trở lại đầu trang)

72 n.v.t.: kinh tiền tụng. (Trở lại đầu trang)

73 Xem T. Inhatiô Tử đạo, Philad. 4: x.b. Funk I, trg 266. T. Corneliô I, trong T. Cyprianô, Epist. 48, 2: Hartel III, 2, trg 610. (Trở lại đầu trang)

38* Số 28: Về Linh Mục.

Công Ðồng không muốn đề cập đến những vấn đề thuộc khoa chú giải do Tân Ước đặt ra, nhưng chỉ muốn xác định điều này: các linh mục, vì là những thừa tác viên cộng tác với Giám Mục, nên được tham dự vào quyền hành và sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao ban cho các Tông Ðồ.

– Tương quan giữa linh mục Chúa Kitô: tùy theo mức độ thừa tác vụ, linh mục tham dự vào nhiệm vụ Chúa Kitô là Vị Trung Gian duy nhất, nhiệm vụ được thi hành trong việc tế tự và trong công hội: thừa tác vụ của ngài là dâng Thánh Lễ, dẫn dắt đoàn chiên, dùng bí tích mà thánh hóa, rao giảng Lời Chúa.

– Tương quan giữa linh mục và Giám Mục: lặp lại hình thức linh mục đoàn ngày xưa, nghĩa là các linh mục tập trung quanh Giám Mục để cùng lãnh trách nhiệm chung là truyền bá Phúc Âm. Giám Mục phải sống tình cha con, còn linh mục phải vâng lời và tuân phục. Chức tư tế của linh mục tùy thuộc và tham dự vào chức tư tế của Giám Mục. Linh mục cộng tác vào công cuộc truyền bá Phúc Âm có tính cách tập đoàn.

– Tương quan giữa linh mục với nhau: Công Ðồng mời gọi các linh mục cộng tác với nhau về mặt thiêng liêng, mục vụ và cả trong những công việc trần thế.

– Tương quan giữa linh mục và tín hữu: linh mục quan tâm đến việc giúp đỡ các tín hữu trong Giáo Hội địa phương, nhưng cũng không quên lo cho những người còn ở ngoài Giáo Hội, và những Kitô hữu không còn sống đạo.

Ðể kết luận, Công Ðồng ước mong mọi linh mục phải nỗ lực duy trì và phát huy sự hiệp nhất với nhau và với Giám Mục, vì Phúc Âm và thế giới hôm nay đòi hỏi như thế. (Trở lại đầu trang)

74 Const. Eccl. Aegyptiacae III, 2: x.b. Funk, Didascalia II, trg 103. – Statuta Eccl. Ant. 37-41: Mansi 3,954. (Trở lại đầu trang)

75 T. Polycarpô, Ad Phil. 5,2: x.b. Funk I, trg 300: “Chúa Kitô tự hạ được gọi là Ðấng Phó Tế mọi người”. Xem Didachê 15,1: n.v.t., trg 32. T. Inhatiô Tử đạo, Trall. 2,3: n.v.t., trg 242. Const. Apostolorum, 8,28,4 : x.b. Funk, Didascalia I, trg 530. (Trở lại đầu trang)

39* số 29: Về Phó Tế.

Bản văn công phu được lặp lại hầu như hoàn toàn trong kỳ họp thứ III của Công Ðồng, gồm hai phần:

– Nhiệm vụ của phó tế: Công Ðồng dè dặt khi nói đến bí tích tính của chức phó tế, vì còn một số người phân vân chưa quyết định, nên Công Ðồng không muốn làm cản trở cho công cuộc tìm hiểu thêm. Ðặc điểm của chức phó tế là phục vụ Giám Mục và linh mục đoàn. Phục vụ trong ba lãnh vực: phụng vụ, rao giảng lời Chúa và thực thi bác ái.

– Tái lập phó tế như một chức thường xuyên. Công Ðồng chỉ quả quyết là có thể tái lập ở những nơi mà nhu cầu mục vụ đòi hỏi.

Việc tái lập như thế có tính cách địa phương hơn là cho toàn thế giới, và do quyết định của hội đồng Giám Mục địa phương với sự chấp thuận của Giáo Hoàng. Về luật độc thân, phải phân biệt hai trường hợp: người đứng tuổi có thể đã lập gia đình, còn các thanh niên phải giữ luật độc thân. Bản phúc trình giải thích quyết định này như sau: lược đồ không chủ trương đòi các phó tế phải có gia đình, dù ở nơi nào cũng vậy, nhưng chỉ muốn dễ dãi đối với việc truyền chức phó tế cho người có gia đình khi xét ra cần thiết hay hữu ích. (Trở lại đầu trang)

 

Chương IV

Giáo Dân 40*

  1. Giáo dân trong Giáo Hội. Sau khi xác định những chức vụ của các phẩm trật, Thánh Công Ðồng sẵn lòng đề cập đến bậc sống của những Kitô hữu được gọi là giáo dân. Mặc dầu tất cả những gì nói về Dân Thiên Chúa đều có liên quan đến giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ, nhưng có một số điều đặc biệt thuộc về giáo dân nam nữ, vì địa vị và sứ mệnh của họ; những điều mà hoàn cảnh đặc biệt của thời đại chúng ta đòi hỏi phải tìm hiểu nền tảng chung cách thấu đáo hơn. Thực thế, các chủ chăn của Dân Thánh ấy biết rõ giáo dân giúp ích rất nhiều cho toàn thể Giáo Hội. Các Ngài biết rằng Chúa Kitô không đặt các Ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới; nhưng nhiệm vụ cao cả của các Ngài là chăn dắt tín hữu và nhận biết các phận sự và đoàn sủng nơi họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình. Vì thế, mọi người “phải lấy bác ái mà thực hành chân lý, nhờ mọi sự hãy lớn lên trong Ðấng làm đầu là Chúa Kitô; nhờ Người, toàn thân thể được phối hợp và kết tụ bằng sự liên lạc tương trợ nhau, tùy theo công dụng khả năng từng phần tử, khiến thân thể được tiến triển hầu xây dựng trong đức ái” (x. Eph 4,15-16).
  2. Bản tính và sứ mạng giáo dân. Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.

Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy các phần tử trong hàng giáo sĩ dù đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là sứ vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ. 41*

  1. Ðịa vị giáo dân trong lòng Dân Thiên Chúa. Giáo Hội do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo nhiều thể thức khác biệt rất lạ lùng. “Vì như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể, nhưng mọi chi thể không có cùng một nhiệm vụ; cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người song là một thân thể trong Chúa Kitô, nên mỗi người chúng ta là chi thể lẫn nhau” (Rm 12,4-5).

Thế nên chỉ có một Dân Thiên Chúa được Ngài tuyển chọn: “chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một Thánh Tẩy” (Eph 4,5), cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế, trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội, không còn có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ, bởi lẽ “không còn là người Do Thái hoặc Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em hết thảy đều là một trong Chúa Giêsu Kitô” (Gal 3,38, bản Hy Lạp; x. Col 3,11).

Vì thế, tuy trong Giáo Hội, tất cả không cùng đi một đường, nhưng tất cả vẫn cùng được mời gọi nên thánh, và đồng thừa hưởng đức tin trong sự công chính của Thiên Chúa (x. 2P 1,1). Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô. Thực vậy, nếu Chúa phân biệt những thừa tác viên có chức thánh với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa thì sự phân chia này vẫn hàm chứa một sự hiệp nhất, vì chủ chăn và các tín hữu khác liên kết với nhau do những mối dây liên hệ chung. Các chủ chăn trong Giáo Hội noi gương Chúa phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu khác; phần các tín hữu phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và những người giảng dạy. Như thế, tuy khác biệt nhau, nhưng tất cả đều làm chứng sự duy nhất kỳ diệu trong Thân Thể Chúa Kitô. Thực vậy, chính sự khác biệt về ân huệ, chức vụ và hoạt động lại là mối dây kết hợp con cái Thiên Chúa làm một, vì “mọi sự ấy là công trình của cùng một Thánh Thần duy nhất” (1Cor 12,11).

Vì thế, nhờ lòng ưu ái của Thiên Chúa, giáo dân được làm em Chúa Kitô, Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ, dù Người là Chúa tể muôn loài (x. Mt 20,28). Cũng vậy, họ làm em những người đã lãnh nhận chức vụ thánh, những kẻ đang lấy quyền Chúa Kitô mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản để chăn dắt gia đình Chúa, hầu mọi người chu toàn giới luật mới là luật bác ái. Thánh Augustinô đã dùng những lời tuyệt diệu này để nói lên điều đó: “Làm Giám Mục cho anh em, tôi rất sợ; là tín hữu với anh em, tôi rất an tâm. Giám Mục là một chức vụ, tín hữu là một ân phúc. Giám Mục là một danh hiệu nguy hiểm, tín hữu là danh hiệu đem ơn cứu độ” 142*

  1. Tông đồ giáo dân. Giáo hữu được qui tụ trong Dân Thiên Chúa và cấu tạo thành Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô dưới quyền của một Ðầu duy nhất; dù họ là ai, họ vẫn được kêu gọi dùng hết sức lực đã lãnh nhận do lòng từ ái của Ðấng Tạo Hóa và do ân huệ Ðấng Cứu Thế để như những chi thể sống động, phát triển và thánh hóa Giáo Hội không ngừng.

Vì thế, giáo dân làm tông đồ là thông phần vào chính sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội; nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy và Thêm Sức, mỗi tín hữu đều được Chúa đề cử làm tông đồ; đàng khác các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, thông ban và nuôi dưỡng trong họ đức ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người, nhân đức này là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ. Nhưng giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, thì Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian 2. Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh Giáo Hội, “tùy theo độ lượng ân sủng Chúa Kitô ban cho” (Eph 4,7).

Ngoài việc tông đồ này, một việc có liên quan đến mọi Kitô hữu không trừ ai, giáo dân có thể còn được mời gọi góp phần trực tiếp hơn và bằng nhiều cách vào công cuộc tông đồ của hàng giáo phẩm 3, giống như những tín hữu nam nữ đã chịu vất vả vì Chúa Kitô để giúp đỡ Tông đồ Phaolô rao giảng Phúc Âm (x. Ph 4,3; Rm 16,3tt). Ðàng khác, họ có những khả năng mà Hàng Giáo Phẩm có thể dùng vào một số phận vụ thuộc hàng giáo sĩ có mục đích thiêng liêng.

Bởi vậy, nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo Hội, tùy sức lực họ và tùy nhu cầu của thời đại. 43*

  1. Nhiệm vụ tư tế và phụng tự. 44*Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục thượng phẩm và vĩnh cửu, vì cũng muốn giáo dân tiếp tục công việc chứng tá và việc phục vụ của mình, nên đã nhờ Thánh Thần ban cho họ sự sống, và không ngừng thôi thúc họ thực hành những điều thiện hảo.

Thực vậy, những kẻ mà Người đã cho tham dự mật thiết vào sự sống và sứ mệnh Người, Người cũng cho họ dự phần vào chức vụ tư tế, để họ thực hành việc phụng thờ thiêng liêng hầu tôn vinh Thiên Chúa và cứu rồi loài người. Bởi thế, vì giáo dân đã được hiến dâng cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy, mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống, nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô (x. 1P 2,5), vì những của lễ ấy được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa khi cử hành lễ tạ ơn. Như thế, giáo dân cung hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi. 45*

  1. Nhiệm vụ ngôn sứ và chứng nhân. Chúa Kitô, vị Tiên Tri cao cả, Ðấng đã dùng chứng tá đời sống và sức mạnh của lời nói để công bố Nước Chúa Cha; Người chu toàn chức vụ tiên tri, cho đến lúc sự vinh hiển của Người tỏ ra trọn vẹn; Người chu toàn chức vụ đó không những nhờ hàng giáo phẩm, là những người nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy nhưng cũng nhờ các giáo dân; sở dĩ Người đã đặt họ làm chứng nhân, đồng thời ban cho họ cảm thức đức tin và ơn dùng ngôn từ nữa (x. CvTđ 2,17-18; Kh 19,10) là để sức mạnh Phúc Âm sáng ngời trong đời sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội. Nếu giáo dân vững lòng tin cậy mà lợi dụng thời gian hiện tại (x. Eph 5,16; Col 4,5) và kiên trì trông đợi vinh quang một ngày kia sẽ đến (x. Rm 8,25), họ sẽ tỏ ra là con cái của lời giao ước; nhưng niềm hy vọng đó, họ không nên giấu kín trong lòng, trái lại họ phải diễn tả nó qua những cơ cấu của cuộc sống trần gian, bằng cách hoán cải không ngừng và chiến đấu chống lại “bá chủ của thế gian tăm tối này và bọn tà thần” (Eph 6,12).

Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu, tiên báo trời mới và đất mới thế nào (x. Kh 21,1), thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế (x. Dth 11,1), nếu họ không ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một. Công cuộc rao giảng Phúc Âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Kitô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần gian.

Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một bí tích đặc biệt thánh hóa, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin và tình yêu Chúa Kitô. Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang kiếm tìm chân lý.

Vì thế, giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quí là truyền bá Phúc Âm cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng những việc trần thế. Dù khi thiếu thừa tác viên có chức thánh hoặc khi các ngài bị ngăn trở vì bách hại, có những giáo dân thay thế các ngài thi hành một vài phận vụ thánh tùy khả năng của họ; dù có một số giáo dân đã dốc toàn lực vào việc tông đồ, tất cả vẫn phải cộng tác vào việc mở mang và phát triển Nước Chúa Kitô trên trần gian. Vì vậy giáo dân phải khéo léo tìm hiểu sâu xa hơn chân lý Chúa mạc khải, và tha thiết nài xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình. 46*

  1. Ðịa vị vương giả. Chúa Kitô đã vâng lời cho đến chết, và vì thế Người được Chúa Cha tôn vinh (x. Ph 2,8-9), và đã vào trong vinh quang nước Người. Mọi vật đều suy phục Người, cho đến khi Người cùng với mọi tạo vật suy phục Chúa Cha, để Thiên Chúa nên tất cả mọi sự (x. 1Cor 15,27-28). Người cũng thông ban cho các môn đệ quyền bính đó để họ được hưởng sự tự do vương giả, và chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi họ, bằng một đời sống từ bỏ và thánh thiện (x. Rm 6,12), hơn nữa để, khi phụng sự Chúa Kitô nơi tha nhân, họ khiêm nhường và kiên nhẫn dẫn đưa anh em mình đến cùng Ðức Vua, Ðấng mà phụng sự Người là thống trị. Thực thế, Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở rộng nước Người, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình 4; trong nước này, chính tạo vật cũng được hưởng tự do rạng ngời của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8,21). Lời Chúa hứa thật trọng đại và lệnh Người truyền cho các môn đệ thật lớn lao: “Thực vậy, tất cả mọi sự đều thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa” (1Cor 3,23).

Vì thế, tín hữu phải nhận biết bản tính sâu xa của tạo vật, giá trị của chúng, và cùng đích của chúng là ca tụng Thiên Chúa; đồng thời phải giúp nhau sống đời thánh thiện, nhờ những việc trần thế, để thế gian thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và đạt đến cùng đích một cách hữu hiệu hơn trong công lý, bác ái và hòa bình. Giáo dân giữ lấy vai trò chính yếu trong khi chu toàn nhiệm vụ phổ quát đó. Nhờ khả năng chuyên môn trong những việc trần thế, nhờ các hoạt động của họ, những hoạt động được ân sủng Chúa Kitô nâng lên bậc siêu nhiên, giáo dân hãy đem toàn lực hợp tác để nhờ lao công con người, kỹ thuật và văn hóa nhân loại khai thác những của cải được tạo dựng hầu mưu ích cho mọi người và phân chia cân xứng hơn giữa họ theo ý định của Ðấng Tạo Hóa và sự soi sáng của Ngôi Lời Ngài; và tùy cách thức riêng của chúng, chúng giúp phát triển toàn diện sự tự do của con người và sự tự do của Kitô hữu. Như thế, nhờ các phần tử của Giáo Hội, Chúa Kitô sẽ đem ánh sáng cứu độ của Người chiếu soi toàn thể nhân loại mỗi ngày một hơn.

Ðàng khác, khi các thể chế và cảnh sống của thế giới gây nên dịp tội, giáo dân phải góp sức làm cho các thể chế và cảnh sống đó trở nên lành mạnh, để chúng phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình, và giúp phát huy việc luyện tập các nhân đức hơn là ngăn trở chúng. Hành động như thế, giáo dân sẽ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người. Và nhờ vậy, cánh đồng thế giới mới được chuẩn bị kỹ càng hơn để đón nhận hạt giống Lời Thiên Chúa, và nhiều cửa được mở rộng thêm hơn cho Giáo Hội để sứ điệp hòa bình thấm nhập vào thế gian.

Chính công cuộc cứu độ đòi hỏi tín hữu phải lưu tâm phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của họ với tư cách một phần tử của Giáo Hội, đâu là quyền lợi và nghĩa vụ với tư cách một phần tử trong xã hội loài người. Họ phải cố gắng hòa hợp cả hai loại nghĩa vụ và bổn phận đó với nhau, và hãy nhớ rằng trong mọi lãnh vực trần thế, lương tâm Kitô giáo phải luôn hướng dẫn họ, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể vượt khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa. Vì thế, trong thời đại chúng ta, hơn bao giờ hết, người tín hữu cũng phải làm sáng tỏ sự phân biệt và hòa hợp các nghĩa vụ và bổn phận này trong phương thức hành động của họ, để sứ mệnh của Giáo Hội có thể đáp ứng những hoàn cảnh đặc biệt của thế giới ngày nay cách trọn vẹn hơn. Thực vậy, nếu phải công nhận rằng xã hội trần gian, vì lo lắng việc trần thế cách hợp pháp nên có quyền điều hành theo những qui tắc riêng biệt, thì cũng phải loại bỏ cách chính đáng tà thuyến chủ trương xây dựng xã hội bất cần đạo lý, và chủ trương chống lại hay hủy diệt tự do tín ngưỡng của người công dân 547*

  1. Tương quan với hàng giáo phẩm. Như mọi Kitô hữu khác, giáo dân cũng có quyền được các chủ chăn có chức thánh ban phát dồi dào ơn trợ lực chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí tích 6. Như con cái Thiên Chúa và như anh em trong Chúa Kitô, họ cũng sẽ trình bày với các vị ấy những nhu cầu và khát vọng của mình một cách tự do và tín cẩn. Nhờ sự hiểu biết, khả năng chuyên môn và uy tín của họ, họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội 7. Họ nên thực hiện điều đó, nếu cần, nhờ vào các cơ quan đã được Giáo Hội thiết lập nhằm mục đích ấy; và họ hãy luôn chân thành, can đảm và khôn ngoan, kính trọng và yêu mến những người thay mặt Chúa Kitô vì nhiệm vụ thánh của các ngài.

Như mọi tín hữu khác, với tinh thần vâng lời của người Kitô hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp nhận những điều mà các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Kitô, đã quyết định với tư cách những thầy dạy và những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội; làm như thế, họ đã theo gương Chúa Kitô, Ðấng đã vâng lời cho đến chết, để mở đường hạnh phúc của sự tự do con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hoan hỷ mà không than vãn thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta, nhiệm vụ mà các ngài sẽ phải trả lẽ (x. Dth 13,17).

Phần các chủ chăn có chức thánh, các ngài phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội, các ngài nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ, tin cẩn giao phó cho họ những công tác để họ phục vụ Giáo Hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động; hơn nữa, các ngài cũng nên khuyến khích họ tự đảm lấy trách nhiệm. Với tình cha con, các ngài hãy cẩn thận xem xét, trong Chúa Kitô, những kế hoạch, thỉnh cầu và khát vọng của họ 8. Ðàng khác, các chủ chăn phải nhìn nhận và tôn trọng sự tự do chính đáng của mọi người trong lãnh vực trần thế.

Họ hy vọng rằng, sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội: thực vậy, nhờ sự liên lạc đó, giáo dân ý thức trách nhiệm mình một cách vững vàng hơn; lòng hăng say của họ được phát triển, và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn. Phần các chủ chăn, nhờ sự trợ lực kinh nghiệm của giáo dân, các ngài có thể phán đoán minh bạch và đúng đắn hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế; như vậy, toàn thể Giáo Hội được vững mạnh nhờ tất cả mọi chi thể, sẽ chu toàn hữu hiệu hơn sứ mệnh mình đối với sự sống của thế gian. 48*

  1. Giáo dân, linh hồn của thế giới. Trước mặt nhân loại, mỗi giáo dân phải là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng (x. Gal 5,22) và truyền bá cho thế gian tinh thần của những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hòa, những người mà Phúc Âm Chúa đã tuyên bố là có phúc (x. Mt 5,3-9). Tóm lại, “người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống” 949*

 

Chú thích

40* Vị trí và cơ cấu của chương này cho ta thấy tầm quan trọng của nó. Lần đầu tiên trong lịch sử, Công Ðồng bàn nguyên một chương đặc biệt về giáo dân, và ở đây mới chỉ nhằm tới nền tảng thần học về cơ cấu Giáo Hội dưới khía cạnh ơn gọi của giáo dân. Những khía cạnh thực tiễn như về những hình thức tổ chức chẳng hạn, sẽ được đề cập trong sắc lệnh đặc biệt về Tông Ðồ Giáo Dân. Và những vấn đề trọng đại nói lên mối tương quan giữa Giáo Hội và các giá trị trần thế, sẽ được nghiên cứu tỉ mỉ trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay.

Từ những cuộc tranh luận trong Công Ðồng và từ chính những nghị định, chúng ta có thể kết luận rằng, giáo dân không chỉ được định nghĩa một cách đơn giản như không phải là giáo sĩ, nhưng trước hết phải được công nhận là thuộc về Dân Chúa. Do đó, chúng ta sẽ nghiên cứu chương này dựa trên chương II, bởi vì những đặc điểm của giáo dân mô tả ở đây, có liên quan phần lớn tới phần tử Dân Chúa. (Xem tiếp các chú thích 41* – 49*). (Trở lại đầu trang)

41* Công Ðồng bắt đầu bằng số 31 để trả lời cho câu hỏi đã được đặt ra: giáo dân là gì trong viễn tượng một khoa thần học về Giáo Hội? Công Ðồng đưa ra ánh sáng những yếu tố tích cực biểu thị đặc tính của giáo dân, và yếu tố chính là tính cách trần thế, nghĩa là người đảm nhận qui hướng về Thiên Chúa những sự việc trần thế mà họ dấn thân. Vậy những đặc điểm của một giáo dân là:

– Sống giữa mọi người và trong xã hội nhờ dây liên lạc gia đình và nghề nghiệp.

– Thánh hóa trần gian như men bột qua việc minh chứng bằng đời sống trong khi thi hành nhiệm vụ riêng biệt trong nghề nghiệp của mình.

– Trách vụ làm cho những thực tại trần thế biết ca tụng Ðấng Sáng Tạo và Cứu Thế, những thực tại mà họ được nối kết chặt chẽ như Chúa Kitô muốn.

Ðó là tình trạng tạo nên một giáo dân, khiến họ có thể là chứng nhân tông đồ đích thực giữa trần gian. (Trở lại đầu trang)

1 T. Augustinô, Serm. 340 : PL 38, 1483. (Trở lại đầu trang)

42* Số 32 trình bày ý tưởng giáo dân là phần tử Dân Chúa có địa vị là con cái Chúa, được mời gọi nên thánh và lãnh nhận ơn Chúa. Về vấn đề này Công Ðồng quả quyết hai điểm:

– Phép Thánh Tẩy ban cho mọi người lãnh nhận sự bình đẳng căn bản.

– Mọi người phải liên kết với nhau: mục tử không những là thủ lãnh nhưng còn là người phục vụ Dân Chúa. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Piô XI, Tđ. Quadragesimo anno, 15-5-1931 : AAS 23 (1931), trg 212t. Piô XII, diễn từ De quelle consolation, 14-10-1951 : AAS 43 (1951), trg 790t. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Piô XII, diễn từ Six ans se sont écoulés, 5-10-1957 : AAS 49 (1957), trg 927. (Trở lại đầu trang)

43* Số 33: Tiếp theo đó, Công Ðồng tuyên bố hoạt động tông đồ giáo dân tham dự vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội vì đặt nền tảng trong phép Thánh Tẩy và phép Thêm Sức. Tính cách đặc biệt của tông đồ giáo dân là làm cho Giáo Hội hiên diện và hoạt động trong mọi hoàn cảnh của thế giới. Vả lại, giáo dân vẫn có thể cộng tác chặt chẽ với hàng giáo phẩm trong việc tông đồ của giáo sĩ đích danh. Sắc Lệnh về Tông Ðồ Giáo Dân sẽ lặp lại và quảng diễn ý tưởng đó. (Trở lại đầu trang)

44* Trong các số 34-36, căn cứ vào ba tước hiệu căn bản của Chúa Kitô, Công Ðồng muốn chứng minh cách thức đặc biệt mà giáo dân, với tước hiệu là phần tử Dân Chúa, được tham dự vào các nhiệm vụ khác nhau đó. (Trở lại đầu trang)

45* Số 34: Tư tế.

Tham dự vào chức tư tế cộng đồng. Ðoạn này lặp lại các số 10 và 11 về chức tư tế cộng đồng của người đã chịu phép Thánh Tẩy và được thực thi trong việc phụng tự: chức tư tế đó diễn tả và thánh hóa đời sống thường nhật của giáo dân và nhờ đó mà giáo dân thánh hóa thế gian. (Trở lại đầu trang)

46* Số 35: Tiên Tri.

Tham dự vào sứ mệnh tiên tri của Chúa Kitô: giáo dân minh chứng đức tin và đức ái trong thế giới nghề nghiệp và kỹ thuật, trong những điều kiện thông thường mà họ sinh sống; đặc biệt làm chứng trong tổ ấm và gia đình công giáo, nơi đã được bí tích Hôn Nhân thánh hóa và thánh hiến. (Trở lại đầu trang)

4 Sách lễ Roma, trích kinh Tiền Tụng lễ Kitô Vua. (Trở lại đầu trang)

5 Xem Leô XIII, Tđ. Immortale Dei, 1-11-1885 : ASS 18 (1885), trg 166tt. N.t., Tđ. Sapientiae christianae, 10-1-1890 : ASS 22 (1888-90), trg 397tt. Piô XII, diễn từ Alla vostra filiae, 23-3-1958: AAS 50 (1958), trg 220: “tính cách thế tục hợp pháp và lành mạnh của quốc gia”. (Trở lại đầu trang)

47* Số 36: Vương giả. Tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô: ở đây bàn về sự kiện giáo dân thánh hóa thế gian, vì họ đem sở trường tham gia vào công cuộc tìm kiếm và xây dựng trần thế: vai trò đó làm họ thích hợp với việc tán trợ công cuộc chuẩn bị cho Phúc Âm (x. số 16) qua những giá trị nhân bản. (Trở lại đầu trang)

6 Xem Giáo luật kh. 682. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Piô XII, diễn từ De quelle consolation, n.v.t., trg 789: “Trong những trận chiến dứt khoát, đôi khi những kẻ ở tiền tuyến lại có những sáng kiến tốt đẹp nhất…”. n.t., diễn từ L’importance de la presse cathol., 17-2-1950: AAS 42 (1950), trg 256. (Trở lại đầu trang)

8 Xem 1Th 5,19 và 1Gio 4,1. (Trở lại đầu trang)

48* Số 37 đưa ra nguyên tắc tốt đẹp giữa giáo dân và hàng giáo phẩm. Giáo dân phải theo tinh thần Kitô giáo mà trọng kính tuân phục giáo phẩm, và giáo phẩm cũng phải biết thẳng thắn tiếp nhận giáo dân, biết lấy tinh thần kính trọng và bác ái mà lắng nghe họ, biết thừa nhận và đề cao địa vị và trách nhiệm của họ trong Giáo Hội. Giáo Hội cũng phải tôn trọng sự tự do chính đáng của họ trong nước trần gian. (Trở lại đầu trang)

9 Epist. ad Diognetum, 6 :x.b. Funk I, trg 400. – Xem T. Gioan Kim Khẩu, in Mt bài giảng 46 (47), 2: PG 58, 478, về men trong bột. (Trở lại đầu trang)

49* Ðể kết luận, số 38 quả quyết mỗi giáo dân tùy theo cảnh huống của mình phải là chứng nhân của Phục Sinh và là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. (Trở lại đầu trang)

 

 

Chương V

Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh trong Giáo Hội 50*

 

  1. Sự thánh thiện trong Giáo Hội. Chúng tôi tin Giáo Hội, một mầu nhiệm được Thánh Công Ðồng trình bày, có tính cách thánh thiện, bất khả khuyết. Thực vậy, Chúa Kitô Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là “Ðấng thánh duy nhất” 1, đã yêu dấu Giáo Hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Giáo Hội (x. Eph 5,25-26). Người kết hiệp với Giáo Hội như thân thể Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa. Vì thế, tất cả mọi người trong Giáo Hội – hoặc thuộc hàng giáo phẩm, hoặc được hàng giáo phẩm dìu dắt – đều được kêu gọi nên Thánh, như lời Thánh Tông Ðồ dạy: “Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa” (1Th 4,3; x. Eph 1,4); sự thánh thiện này của Giáo Hội luôn được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu; sự thánh thiện ấy được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới Ðức Ái trọn hảo trong bậc sống của mình trong khi xây dựng kẻ khác. Ðặc biệt hơn, sự thánh thiện đó tỏ lộ trong việc thực hành các lời khuyên, quen gọi là lời khuyên của Phúc Âm. Nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, nhiều Kitô hữu thực hành các lời khuyên ấy với tư cách cá nhân hoặc trong những lối sống hay bậc sống đã được GiáoHội công nhận; việc thực hành đó mang lại và phải mang lại cho thế giới một bằng chứng và một mẫu gương rạng ngời về sự thánh thiện của Giáo Hội. 51*
  2. Mọi người được kêu gọi sống thánh thiện. Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người vừa là Ðấng ban phát vừa là Ðấng hoàn tất: “Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời” (Mt 5,48) 2. Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (x. Mc 12,30), và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ (x. Gio 13,34; 15,12). Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh. Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được Thánh Tông Ðồ khuyên sống “xứng đáng như những vị thánh” (Eph 5,3) và mặc lấy “lòng thương xót, nhân hậu, khiêm nhường, tiết độ và nhẫn nại như những người đã được Thiên Chúa chọn lựa, thánh hóa và yêu thương” (Col 3,12), và dùng hoa trái của Thánh Thần để thánh hóa mình (x. Gal 5,22; Rom 6,22). Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lầm lỗi (x. Giac 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng ngày phải cầu nguyện “xin Chúa tha nợ chúng tôi” (Mt 6,12) 3.

Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái 4. Ngay trong xã hội trần thế sự thánh thiện này cũng giúp người ta sống nhân đạo hơn. Ðể đạt được sự trọn lành đó, tín hữu phải xử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban nhiều ít tùy ý Người để trở nên giống Người khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. Như thế, sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa sẽ sinh hoa trái dồi dào, như lịch sử Giáo Hội đã từng minh chứng rõ ràng qua đời sống của bao vị thánh. 52*

  1. Nhiều hình thức thực hành sự thánh thiện duy nhất. Những người được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha, thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý, noi gương Chúa Kitô nghèo khó, khiêm nhường và vác thập giá để xứng đáng dự phần vào vinh quang của Người; tất cả những người ấy đều theo đuổi cùng một sự thánh thiện tuy lối sống và nhiệm vụ của họ có khác nhau, cho nên mỗi người, tùy theo ân sủng và nhiệm vụ mình, phải nhất quyết tiến bước bằng con đường đức tin sống động, đức tin khơi động đức cậy và hoạt động nhờ đức ái.

Các chủ chăn lo cho đoàn chiên Chúa Kitô phải là những người đầu tiên chu toàn thừa tác vụ mình cách thánh thiện và hăng say, khiêm tốn và can đảm, noi gương vị Linh Mục thượng phẩm và vĩnh cửu, vị Chủ Chăn và Giám Mục chăm sóc linh hồn chúng ta: làm như thế, các ngài sẽ tìm thấy nơi thừa tác vụ mình một phương thế tuyệt diệu để thánh hóa. Ðược chọn để lãnh nhận trọn vẹn chức linh mục, các ngài hưởng nhờ ơn bí tích để thi hành nhiệm vụ bác ái cao cả của vị chủ chăn 5, trong lời cầu nguyện, bằng việc hy sinh, giảng dạy và bằng mọi hình thức chăm sóc và phục vụ khác thuộc bổn phận của Giám Mục; các ngài đừng ngại hy sinh mạng sống vì con chiên và trở nên mẫu mực cho đoàn chiên (x. 1P 5,3); sau cùng, các ngài làm cho Giáo Hội ngày càng thánh thiện hơn bằng gương lành của các ngài.

Các linh mục kết thành vòng hoa thiêng liêng của hàng Giám Mục 6 và thông phần vào ân sủng thuộc chức vụ Giám Mục, nhờ Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian vĩnh cửu duy nhất; cũng như hàng Giám Mục, các linh mục phải gia tăng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân bằng việc thi hành nhiệm vụ hàng ngày; các ngài phải gìn giữ mối dây liên lạc giữa hàng linh mục, phải được dư đầy của cải thiêng liêng, phải là những chứng nhân sống động của Thiên Chúa trước mặt mọi người 7, và thi đua với những vị linh mục mà qua các thế hệ, đã để lại những chứng tá thánh thiện sáng ngời trong những việc phục vụ thường khiêm tốn và kín đáo. Các vị linh mục ấy được ca tụng trong Giáo Hội Chúa. Linh mục có bổn phận dâng kinh nguyện và lễ vật cho dân ngài và toàn thể Dân Thiên Chúa, các ngài phải ý thức điều các ngài làm và sống xứng đáng hợp với những điều các ngài cử hành 8. Các linh mục phải vượt qua những lo lắng tông đồ, những nguy hiểm và thử thách mà không để chúng trở thành những chướng ngại, hầu tiến xa hơn trên đường thánh thiện nhờ biết nuôi dưỡng và củng cố hoạt động của mình bằng việc chiêm niệm dồi dào. Như thế, các ngài sẽ mang lại niềm hoan hỷ cho toàn thể Giáo Hội Chúa. Tất cả các linh mục, nhất là những vị đặc biệt thụ phong để thành linh mục giáo phận, hãy nhớ rằng việc trung thành kết hợp và quảng đại cộng tác với Giám Mục là phương tiện rất tốt để thánh hóa chính mình.

Dự phần cách đặc biệt vào sứ mệnh và ân sủng của chức linh mục thượng phẩm, còn có những thừa tác viên ở bậc thấp hơn, trước hết là những vị Phó Tế; các Phó Tế khi phục vụ các nhiệm tích của Chúa Kitô và Giáo Hội 9, phải giữ mình tinh sạch khỏi mọi nết xấu, làm đẹp lòng Thiên Chúa và mưu cầu lợi ích cho nhân loại (x. 1Tm 3,8-10 và 12-13). Những giáo sĩ được Chúa kêu gọi để thuộc riêng về Chúa, và đang sửa soạn để lãnh nhận nhiệm vụ thừa tác viên, dưới sự coi sóc của vị chủ chăn, các vị ấy phải để lòng trí xứng hợp với ơn gọi hết sức cao cả của mình bằng cách cầu nguyện liên lỉ, yêu thương nhiệt thành, chỉ tưởng đến những điều chân thật, chính đáng và lành thánh, và chu toàn mọi sự để làm vinh danh Thiên Chúa. Thêm vào số người đó, còn có những giáo dân được Thiên Chúa chọn; họ được Giám Mục gọi để dấn thân trọn vẹn vào việc tông đồ, và họ làm việc rất hữu hiệu trong cánh đồng của Chúa 10.

Còn bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau; đối với con cái mà trong yêu thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Phúc Âm. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về mặt tình thương bền vững và quảng đại, xây dựng bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo Hội, Mẹ chúng ta, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu Chúa Kitô đối với Hiền Thê Người: bởi yêu thương, Người đã hiến mạng sống vì Hiền Thê 11. Dưới một hình thức khác, bậc quả phụ và độc thân cũng nêu lên một gương tương tự: họ có thể góp phần không ít vào sự thánh thiện và hoạt động của Giáo Hội. Còn những người thường làm lụng vất vả, công việc của con người phải là phương thế để đào tạo chính mình, trợ giúp đồng loại, thăng tiến toàn thể xã hội và tạo vật; và sau cùng, hân hoan trong niềm hy vọng và kiên nhẫn chịu đựng lẫn nhau, với đức ái sống động, họ phải noi gương Chúa Kitô, Ðấng đã làm việc tay chân và không ngừng cùng với Chúa Cha đem ơn cứu độ cho mọi người; và nhờ công ăn việc làm, họ phải tiến xa hơn trên đường thánh thiện, một sự thánh thiện còn có tính cách tông đồ.

Ước gì những người chịu đau khổ vì nghèo đói, tật nguyền, đau yếu và những thử thách khác, hay bị bách hại vì sự công chính cũng biết kết hợp cách đặc biệt với Chúa Kitô, Ðấng đã chịu đau khổ để cứu chuộc thế giới, vì trong Phúc Âm Chúa đã tuyên bố họ là người có phúc, và vì “Thiên Chúa của mọi ân phúc, Ðấng đã gọi chúng ta đến sự vinh hiển muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô, sau khi chúng ta chịu đau khổ trong một thời gian ngắn, chính người sẽ làm cho chúng ta hoàn hảo, vững chắc và mạnh mẽ” (1P 5,10).

Vì thế, trong và nhờ những trạng huống, chức nghiệp hay hoàn cảnh của cuộc sống, tất cả mọi Kitô hữu ngày càng được thánh thiện hơn, nê�u họ biết tin tưởng lãnh nhận tất cả mọi sự từ tay Cha trên Trời và biết cộng tác với thánh ý Thiên Chúa bằng cách tỏ lộ cho mọi người biết tình yêu Thiên Chúa đối với thế giới trong chính việc họ phục vụ trần thế. 53*

  1. Ðường lối và phương tiện nên thánh. “Thiên Chúa là tình yêu, ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người ấy” (1Gio 4,16), Thiên Chúa đã đổ tràn đức ái Ngài trong tâm hồn chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta (x. Rm 5,5); cho nên ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là bác ái. Ðức ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân vì Ngài. Nhưng để đức ái, tựa hạt giống tốt, lớn lên trong tâm hồn và kết sinh hoa trái, mỗi một tín hữu phải sẵn lòng lo lắng nghe Lời Chúa, và với ơn Ngài thực hành thánh ý Ngài; phải năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, năng tham dự vào các nghi lễ phụng vụ, chuyên cần cầu nguyện, từ bỏ mình, nhiệt thành phục vụ anh em và chuyên cần luyện tập các nhân đức. Thực thế, đức ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật (x. Col 3,14; Rm 13,10), nên đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích 12. Vì thế, đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô.

Vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã tỏ tình yêu của Người bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng ta, nên không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em (x. 1Gio 3,16; Gio 15,13). Một số Kitô hữu ngay từ thời sơ khai đã được gọi và sẽ còn được gọi mãi để làm chứng tình yêu ấy cách hùng hồn trước mặt mọi người, nhất là trước mặt những kẻ bách hại mình. Khi tử đạo, người môn đệ đồng hóa với Thầy mình, Ðấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và người môn đệ nên giống Người trong việc đổ máu; Giáo Hội coi việc tử đạo đó như một ân huệ lớn lao và một bằng chứng cao cả về đức ái. Mặc dầu chỉ một số ít được phúc tử đạo, nhưng tất cả mọi người phải sẵn sàng tuyên xưng Chúa Kitô trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những cuộc bách hại không hề thiếu vắng trong Giáo Hội.

Sự thánh thiện của Giáo Hội cũng được đặc biệt khích lệ bởi nhiều lời khuyên Chúa đã đề ra trong Phúc Âm cho môn đệ noi theo 13. Trong những lời khuyên ấy, trước hết phải kể ân huệ cao quí mà Chúa Cha ban cho một số người (x. Mt 19,11; 1Cor 7,7), để họ tận hiến trọn tình yêu không chia xẻ cho một mình Chúa cách dễ dàng hơn, trong bậc đồng trinh hay độc thân (x. 1Cor 7,32-34) 14. Sự tiết dục hoàn toàn vì Nước Trời luôn được Giáo Hội đặc biệt quí trọng và coi như dấu chỉ và động lực của đức ái, và như nguồn mạch đặc biệt sinh nhiều ơn ích thiêng liêng trong thế giới.

Giáo Hội cũng nhớ lời khuyên nhủ của Thánh Tông Ðồ thúc giục các tín hữu sống bác ái và khuyên họ phải có tâm tình như Chúa Giêsu Kitô “Ðấng tự diệt mình, nhận lấy hình hài tôi tớ…, và vâng lời cho đến chết” (Ph 2,7-8), và vì chúng ta, “Người đã trở nên nghèo nàn, tuy Người vốn giàu sang” (2Cor 8,9). Việc noi theo và làm chứng đức ái cùng sự khiêm hạ của Chúa Kitô cần được các môn đệ thực hiện không ngừng; nên Giáo Hội là Mẹ chúng ta vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát gương Ðấng Cứu Thế và tỏ lộ rõ ràng hơn sự tự diệt của Người. Họ chấp nhận nghèo khó trong tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng: hơn cả mức đòi buộc của giới luật, họ tự nguyện tùng phục một con người, tùng phục vì Chúa, trong những gì liên hệ tới sự trọn lành, hầu nên giống Chúa Kitô vâng lời cách hoàn toàn hơn 15.

Vì thế, mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống mình. Bởi vậy, tất cả hãy lưu ý điều khiển tâm tình mình cho đúng đắn, để việc xử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Phúc Âm, không cản trở họ theo đuổi đức ái trọn hảo, như lời Thánh Tông Ðồ cảnh giác: ai xử dụng thế gian này, xin chớ dừng lại đó, vì cuộc diện đời này sẽ qua đi (x. 1Cor 7,31, bản Hy lạp) 1654*

 

Chú thích

50* Trong lược đồ trình lên Công Ðồng khi khai mạc kỳ họp thứ hai, cả hai chương V và VI như chúng ta thấy hiện nay đều nằm chung trong một chương. Sự phân chia hai chương đó đặt ra hai câu hỏi:

1) Soạn một chương đặc biệt nói về tu sĩ phải chăng không thích hợp: (x. cuộc tranh luận trong chương kế tiếp).

2) Phải chăng tốt hơn là sắp đặt chương V này của lược đồ vào trong các chương I và II? Bởi vì việc nên thánh gắn liền với đời sống và mầu nhiệm Giáo Hội nên không thể bàn riêng được. Như vậy đáng lẽ Hiến Chế được kết cấu cân xứng và mạch lạc hơn: sau những chương đề cập đến mầu nhiệm Giáo Hội và Dân Thiên Chúa (bao gồm cả khía cạnh thánh thiện và cánh chung) là những chương nói về các bậc sống khác nhau trong Giáo Hội: giáo phẩm, giáo dân cách tổng quát, tu sĩ và những người có gia đình. Kết thúc là chương về Ðức Mẹ. Việc sắp xếp như vậy không thực hiện được vì thiếu thời giờ.

Chương V được kết cấu như sau: Công Ðồng xác định sự thánh thiện bản thể và luân lý của Giáo Hội (số 39), rồi kêu gọi mọi phần tử trong Giáo Hội phải nên thánh và hướng về sự nên thánh (số 40). Phải nên thánh thực sự trong bất cứ địa vị, điều kiện hay nghề nghiệp nào (số 41) bởi vì mọi phần tử trong Giáo Hội đều có những phương tiện tự nhiên và siêu nhiên giúp cho họ không những nên thánh mà còn có được sự hoàn hảo trong bậc sống riêng của mình (số 42). (Trở lại đầu trang)

1 Sách lễ Roma, Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Xem Lc 1,35; Mc 1,24; Lc 4,34; Gio 6,69 (ho hagios tou Theou); CvTđ 3,14; 4,27 và 30; Dth 7,26; 1Gio 2,20; Kh 3,7. (Trở lại đầu trang)

51* Số 39: Nhập đề.

Ðiều quả quyết chủ yếu của số này là: Giáo Hội thánh thiện. Những ý tưởng khác trong số này đều phụ thuộc vào điều quả quyết chủ yếu đó. Giáo Hội thánh thiện vì tham dự vào sự thánh thiện của Chúa Giêsu Kitô. Do đó, mới có lời kêu gọi nên thánh trong trật tự luân lý, vì trong trật tự đó mà Giáo Hội phải thực hiện sự thánh thiện bản thể Chúa Kitô ban cho. Sự thánh thiện này biểu lộ trong những hoa trái ân sủng nơi mỗi người, dưới nhiều hình thức, và đặc biệt trong việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm với tính cách riêng hoặc chung. Tóm lại, số này nhấn mạnh đến khía cạnh bản thể và luân lý của sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần; và chỉ mới trình bày nền tảng theo lời Thánh Phaolô: “Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa”. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Origenê, Comm. Rom. 7,7 : PG 14, 1122B Macariô Giả, De oratione, 11 : PG 34, 861 AB. T. Tôma, Summa Theol. II-II, q. 184, a. 3. (Trở lại đầu trang)

3 Xem T. Augustinô, Retract. II, 18 : PL 32, 637t. Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943 : AAS 35 (1943), trg 225. (Trở lại đầu trang)

4 Xem Piô XI, Tđ. Rerum omnium, 26-1-1923 : AAS 15 (1923), trg 50 và 59-60. n.t. Tđ. Casti connubii, 31-12-1930 : AAS 22 (1930), trg 548. Piô XII, Tông hiến Provida Mater, 2-2-1947: AAS 39 (1947), trg 117. Diễn từ Annus sacer, 8-12-1950: AAS 43 (1951), trg 27-28. Diễn từ Nel darvi, 1-7-1956 : AAS 48 (1956), trg 574t. (Trở lại đầu trang)

52* Số 40: Mọi người đều được kêu gọi nên thánh.

Số này xét đến sự thánh thiện của mỗi Kitô hữu nằm trong văn mạch về sự thánh thiện của Giáo Hội. Công Ðồng đưa ra những yếu tố gắn liền với lời kêu gọi mỗi người nên thánh. Ðoạn nhất bày tỏ sự thánh thiện của mỗi Kitô hữu, và vì Kitô hữu được công chính hóa nhờ đức tin và phép Thánh Tẩy, tự bản thể và căn nguyên họ trở nên thánh thiện trong chân lý, nên họ có nhiệm vụ phải sống xứng hợp với điều ấy. Nền tảng thánh thiện vẫn tồn tại sau khi phạm tội. Ðề cập đến tội lỗi là để tránh một hình thức duy tâm nguy hại và để có thể lưu ý đến thực tại. Ðoạn hai kêu gọi mọi người nên thánh hoàn toàn. Ðây là phần kết luận cho cả số, rút ra từ nền tảng đã đặt định: Kitô hữu không chỉ nên thánh mà thôi, nhưng còn phải thực hiện sự thánh thiện trong đời sống cụ thể. Kitô hữu được kêu gọi làm việc đó. (Trở lại đầu trang)

5 Xem Tôma, Summa Theol. II-II, q. 184, a. 5 và 6; De Perfect. Vitae spir., ch. 18. Originê, In Is. bài giảng 6,1 : PG 13, 239. (Trở lại đầu trang)

6 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Magn. 13,1 : x.b. Funk I, trg 241. (Trở lại đầu trang)

7 Xem T. Piô X, huấn từ Haerent animo, 4-8-1908: AAS 41 (1908), trg 560t. Giáo luật kh. 124. Piô XI, Tđ. Ad Catholici sacerdoti I, 20-12-1935 : AAS 28 (1936), trg 22. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Pontificale Romanum, lễ truyền chức linh mục, lời huấn từ đầu. (Trở lại đầu trang)

9 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Trall. 2,3 : x.b. Funk I, trg 244. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Piô XII, diễn từ Sous la maternelle protection, 9-12-1957 : AAS 50 (1958), trg 26. (Trở lại đầu trang)

11 Xem Piô XI, Tđ. Casti connubi I, 31-12-1930: AAS 22 (1930), trg 548. T. Gioan Kim Khẩu, In Ephes. Bài giảng 20,2 : PG 62,136 tt. (Trở lại đầu trang)

53* Số 41: Thực hành sự thánh thiện.

Ðộng lực trong đời sống Kitô giáo hướng dẫn mọi tín hữu đến đức ái hoàn hảo. Việc đó được thực hành theo nhiều mức độ, cũng như tùy theo các hồng ân và trạng huống khác nhau, hoặc trên bình diện đời sống Kitô giáo nói chung, hoặc mỗi bậc sống nói riêng. Theo văn mạch chúng ta thấy rằng nếu sự thánh thiện chỉ là một xét theo bản thể của nó, nó lại có nhiều cấp độ, vì sự tự do cộng tác vào ân sủng khác nhau, vì các bậc sống khác nhau và cuối cùng vì ân sủng được trao ban theo nhiều cách thức và mỗi người có hồng ân riêng biệt của mình.

Phần còn lại là một lời khuyên nhủ đặc biệt, có tính cách mục vụ, nhằm gởi đến những hạng người và những bậc sống khác nhau trong Giáo Hội (giám mục, linh mục, giáo sĩ, giáo dân, vợ chồng, công nhân, người chuyên nghiệp nói chung), để họ sống và có thể thăng tiến trên đường thánh thiện, phù hợp với địa vị và điều kiện riêng của họ. Như vậy là đi từ lời kêu gọi nên thánh tới nhiệm vụ phải tự thánh hóa trong địa vị và điều kiện riêng của mình. Và đó là nhiệm vụ của mỗi người. (Trở lại đầu trang)

12 Xem T. Augustinô, Enchir. 121, 32 : PL 40, 288. T. Tôma, Summa Theol. II-II, q. 184, a.1. Piô XII, huấn từ Menti nostrae, 23-9-1950 : AAS 42 (1950), trg 660. (Trở lại đầu trang)

13 Về các lời khuyên nói chung, xem Origenê, Comm. Rom. X,14: PG 14, 1275B. T. Augustinô, De S. Virginitate, 15,15 : PL 40,403. T. Tôma, Summa Theol. I-II, q. 100, a.2, C đoạn cuối; II-II, q. 44, a. 4,3. (Trở lại đầu trang)

14 Về sự cao vời của đức khiết tịnh thánh hiến, xem Tertullianô, Exhort. Cast. 10 : PL 2,925C. T. Cyprianô, Hab. Virg. 3 và 22 : PL 4,443B và 461At. T. Athanasiô (?), De Virg. PG 28,252tt. T. Gioan Kim Khẩu, De Virg. : PG 48,533tt. (Trở lại đầu trang)

15 Về sự khó nghèo, xem Mt 5,3 và 19,21; Mc 10,21; Lc 18,22; gương vâng lời của Chúa Kitô trong Gio 4,34 và 6,38; Ph 2,8-10; Dth 10,5-7. Các Giáo Phụ và các Ðấng sáng lập dòng thường đề cập rất nhiều đến các nhân đức này. (Trở lại đầu trang)

16 Về sự thực hành công hiệu những lời khuyên mà không bắt buộc tất cả mọi người, xem T. Gioan Kim Khẩu, In Mt. bài giảng 7,7 : PG 57,81t. T. Ambrosiô, De Viduis, 4, 23 : PL 16, 241t. (Trở lại đầu trang)

54* Số 42 : Những phương tiện thánh hóa.

Số này trình bày động lực làm cho Kitô hữu thăng tiến trên đường thánh thiện: đó là đức ái. Cơ cấu của số này như sau: đức ái là linh hồn của mọi hành động thánh thiện (42a), biểu lộ bằng hành động cao cả là tử đạo (42b), trong các lời khuyên Phúc Âm, đặc biệt trong sự khiết tịnh vẹn toàn (42c), trong sự khiêm hạ, tuân phục và khó nghèo (42d). Chính nhờ đức ái mà chúng ta tránh được nguy hiểm (42e). Ðức ái là con đường chính yếu và cần thiết để nên thánh. Công Ðồng nhấn mạnh tới tính cách thiên phú của nhân đức này như là hồng ân Chúa ban và tới khía cạnh giới luật đòi người ta phải yêu mến Thiên Chúa và tha nhân nhờ thực hành các nhân đức khác. Công Ðồng còn đề cập đến các bí tích, lời kinh nguyện, sự quên mình, sự khổ hạnh và việc phục vụ huynh đệ. Như thế đức ái là mầm mống các nhân đức khác. Từ những điều đã trình bày chúng ta có thể kết luận là đức ái đòi phải thi hành mọi giới luật Thiên Chúa (x. 1Gio 5,3; Gio 14,21; 2Gio 6). Bậc sống riêng nào của mỗi người cũng có thể thực hành những lời khuyên Phúc Âm. Như vậy là tránh được thiên kiến cho rằng các tu sĩ chiếm độc quyền việc nên thánh. Số 42 làm sáng tỏ động lực này của đức ái qua sự thực hành trong mỗi tình trạng cụ thể. (Trở lại đầu trang)

 

 

Chương VI – Tu Sĩ 55*

  1. Những lời khuyên Phúc Âm trong Giáo Hội. Những lời khuyên Phúc Âm về đức khiết tịnh để hiến mình cho Thiên Chúa, về đức nghèo khó và vâng lời, đều đặt nền tảng trên lời nói cùng gương lành của Chúa, đã được các Tông Ðồ và các Giáo Phụ, các tiến sĩ và các chủ chăn Giáo Hội khuyên giữ. Các lời khuyên ấy là ân huệ thần linh mà Giáo Hội đã nhận lãnh bởi Chúa mình và luôn gìn giữ nhờ ơn Người. Theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, chính giáo quyền ân cần giải thích các lời khuyên của Phúc Âm, hướng dẫn cách thực hành, cùng thiết lập những lối sống cố định dựa trên những lời khuyên ấy. Do đó, như một cây đâm chồi nẩy lộc um tùm và kỳ diệu từ hạt giống Chúa gieo vãi trong cánh đồng của Người, thì cũng có nhiều lối sống khác nhau: đơn độc hay cộng đồng, và dòng tu khác nhau mà phần sản nghiệp dồi dào đem lại lợi ích cho các chi thể của dòng cũng như toàn Thân Thể Chúa Kitô 1. Thực vậy, các dòng ấy mang lại cho các chi thể những trợ lực bền bỉ trong một đời sống vững vàng hơn, một học thuyết vững chắc giúp đạt đến trọn lành, một mối hiệp thông huynh đệ trong đạo binh Chúa Kitô, và một sự tự do được đức vâng lời củng cố; thế nên, họ có thể an tâm chu toàn và trung thành gìn giữ lời khấn cùng hoan hỷ tiến bước trên con đường đức ái 2.

Xét theo thể chế của Giáo Hội do Chúa thiết lập và có phẩm trật, thì bậc sống tu trì không ở giữa bậc giáo sĩ và giáo dân; thực vậy Thiên Chúa kêu gọi một số Kitô hữu ở cả hai bậc giáo sĩ và giáo dân đến hưởng lấy ân huệ đặc biệt trong đời sống Giáo Hội, và mỗi người một cách góp phần vào sứ mệnh cứu độ của Giáo Hội 356*

  1. Bản tính và tầm quan trọng của bậc tu trì. Người Kitô hữu tự buộc mình tuân giữ ba lời khuyên của Phúc Âm qua lời khấn hay qua những ràng buộc thánh khác tương tự như lời khấn dòng; nhờ đó họ hiến thân hoàn toàn cho Thiên Chúa chí ái, để phụng sự và làm vinh danh Ngài với một danh hiệu mới mẻ và đặc biệt. Nhờ phép Thánh Tẩy, họ đã chết cho tội lỗi và được cung hiến cho Thiên Chúa; nhưng để có thể thâu lượm dồi dào ơn ích của bí tích ấy, người Kitô hữu muốn nhờ việc khấn giữ ba lời khuyên của Phúc Âm trong Giáo Hội, thoát ly khỏi những ngăn trở có thể làm họ không nhiệt tâm yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo; và họ tận hiến để phụng sự Thiên Chúa cách thân tình hơn 4. Việc cung hiến đó càng trở nên hoàn hảo hơn khi việc Chúa Kitô hiệp nhất với Giáo Hội, hiền thê của Người, bằng mối dây bất khả phân ly càng được phản ảnh trong những mối dây ràng buộc chắc chắn và vững bền hơn.

Những lời khuyên của Phúc Âm đưa đến đức ái 5, và nhờ đức ái, những lời khuyên ấy kết hiệp các tu sĩ cách đặc biệt với Giáo Hội và với mầu nhiệm Giáo Hội. Bởi đó, đời sống thiêng liêng của họ cũng phải mưu cầu lợi ích cho toàn thể Giáo Hội. Do đó, mỗi người tùy sức và ơn gọi của mình, bằng kinh nguyện hay bằng hành động tích cực, có bổn phận làm cho Nước Chúa Kitô ăn rễ sâu và vững mạnh trong các tâm hồn và bành trướng trên khắp vũ trụ. Vì thế, Giáo Hội duy trì và nâng đỡ đặc tính riêng biệt của các tu hội.

Việc khấn giữ các lời khuyên của Phúc Âm thực là một dấu chỉ có thể và phải lôi cuốn hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo Hội đến việc can đảm chu toàn ơn gọi làm Kitô hữu. Thực vậy, dân Thiên Chúa không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này, nhưng đi tìm một thành trì mai sau. Bậc tu trì giải thoát người tu sĩ bớt những lo lắng trần tục, cùng tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho mọi tín hữu thấy của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này, và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời. Hơn nữa, bậc sống tu trì bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo Hội nếp sống mà Con Thiên Chúa đã nhận khi Người xuống thế để thi hành thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống mà Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người. Sau cùng, bậc sống ấy đặc biệt cho ta thấy Nước Thiên Chúa vượt trên mọi sự trần thế và những đòi hỏi của Nước ấy cao cả biết bao; nó cũng cho mọi người thấy quyền lực cao trọng tuyệt vời của Chúa Kitô Vua và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội.

Vì thế, bậc sống được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên của Phúc Âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng dĩ nhiên cũng gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội. 57*

  1. Quyền bính Giáo Hội và bậc tu trì. Vì trong Giáo Hội, giáo phẩm có nhiệm vụ chăn dắt và dẫn đưa Dân Chúa đến những đồng cỏ phì nhiêu (x. Ez 34,14), nên có nhiệm vụ dùng các luật lệ mà hướng dẫn cách khôn ngoan việc thực hành những lời khuyên của Phúc Âm, vì đó là phương thế đặc biệt để cổ võ đức ái trọn hảo đối với Thiên Chúa và tha nhân 6. Ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, giáo phẩm đón nhận những luật dòng do những nam nữ sáng lập viên lỗi lạc đề nghị, và chính thức phê chuẩn sau khi tu chỉnh. Và do quyền hành của mình, giáo phẩm luôn có mặt để săn sóc và bảo trợ những dòng tu được thiết lập khắp nơi nhằm xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô, để các dòng tu ấy phát triển và sinh hoa kết quả theo tinh thần các đấng sáng lập.

Ðàng khác, để đáp ứng cách hữu hiệu hơn nhu cầu của toàn thể đoàn chiên Chúa, Ðức Giáo Hoàng, vì có quyền tối thượng trong toàn thể Giáo Hội và để phục vụ ích chung, có thể tách bất kỳ dòng tu hay tu sĩ nào khỏi quyền tài thẩm của các Ðấng Bản Quyền và chỉ đặt dưới quyền duy nhất của ngài 7. Cũng thế, có thể có những dòng tu và những tu sĩ được để lại hoặc giao phó cho thẩm quyền riêng của các Giáo Chủ. Khi chu toàn phận vụ đối với Giáo Hội qua cách sống đặc biệt của mình, các tu sĩ phải kính trọng và vâng lời các Giám Mục theo giáo luật, vì phải tôn trọng quyền mục vụ của các ngài trong Giáo Hội địa phương và vì cần phải có sự đồng tâm nhất trí trong việc tông đồ 8.

Giáo Hội không chỉ phê chuẩn việc khấn dòng để đưa đời tu lên địa vị bậc sống theo giáo luật, nhưng qua việc cử hành phụng vụ, Giáo Hội còn trình bày việc khấn dòng ấy như một bậc sống cung hiến cho Thiên Chúa. Với quyền hành Chúa ban, chính Giáo Hội nhận lời tuyên khấn của các tu sĩ; qua lời kinh công cộng, Giáo Hội xin Chúa ban ân sủng và trợ giúp họ, phó thác họ cho Thiên Chúa, chúc lành thiêng liêng cho họ, và kết hợp sự tận hiến của họ vào hy lễ tạ ơn. 58*

  1. Sự cao cả củaviệc tận hiến. Các tu sĩ phải đem hết tâm lực làm cho Giáo Hội, qua con người của họ, thực sự biểu dương Chúa Kitô ngày một hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như các lương dân: biểu dương Chúa Kitô đang cầu nguyện trên núi, hoặc đang loan báo Nước Thiên Chúa cho dân chúng, hoặc chữa lành những kẻ đau yếu tàn tật, hay hoán cải các tội nhân trở lại đời sống phong phú, hoặc đang chúc phúc cho trẻ em, ban ơn lành cho mọi người, và trong mọi sự luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, Ðấng đã sai Người đến 9.

Sau cùng, mọi tu sĩ nên biết rằng việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, tuy bao gồm sự từ bỏ những của cải mà dĩ nhiên phải được quí trọng, sẽ không làm ngăn trở việc phát triển đích thực nhân vị, trái lại do bản chất của nó còn có lợi cho con người. Thực vậy, các lời khuyên Phúc Âm, mà các tu sĩ đã tình nguyện chấp nhận theo ơn gọi riêng của mình, góp phần không ít vào việc thanh luyện tâm hồn và phát huy tự do thiêng liêng, và không ngừng khích lệ sống bác ái nhiệt thành, nhất là có sức làm cho người Kitô hữu ngày càng nên giống đời sống trinh khiết và khó nghèo mà Chúa Kitô đã chọn và Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Người, đã sống, như gương lành của bao đấng sáng lập dòng đã chứng tỏ. Không ai được nghĩ rằng, vì tận hiến như thế, các tu sĩ trở nên xa lạ với mọi người và vô dụng đối với xã hội trần thế. Vì dù đôi khi không trực tiếp phụ giúp người đồng thời với mình nhưng tu sĩ lại hiện diện cùng họ cách sâu xa hơn trong lòng Chúa Kitô và cộng tác một cách thiêng liêng với họ, để việc xây dựng xã hội trần thế luôn đặt nền móng nơi Chúa và luôn hướng về Người hầu những người xây dựng xã hội trần thế sẽ không luống công 10.

Vì thế, Thánh Công Ðồng công nhận và khen ngợi nam nữ tu sĩ sống trong tu viện, trường học, bệnh viện hoặc trong các xứ truyền giáo, đang trang điểm Hiền Thê Chúa Kitô bằng tấm lòng khiêm hạ và kiên trung trong sự tận hiến và quảng đại phục vụ mọi người dưới muôn vàn hình thức. 59*

  1. Khuyến khích sự kiên tâm và thăng tiến. Vậy mỗi tu sĩ được gọi để tuyên khấn, hãy chuyên tâm sống bền đỗ trong ơn thiên triệu Chúa đã gọi mình và hãy mãi mãi tiến bộ để làm cho sự thánh thiện của Giáo Hội thêm phong phú hơn và sự vinh hiển của Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất và bất phân thêm cao cả hơn. Trong và nhờ Chúa Kitô, Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và nguyên ủy mọi sự thánh thiện. 60*

 

Chú thích

55* Việc chuẩn bị chủ đề để soạn thảo cho chương này khá sôi nổi. Trong lược đồ đầu tiên, tất cả chương VI đề cập đến tu sĩ. Khi lược đồ được làm lại và đưa lên để Công Ðồng nghị trình trong kỳ họp thứ hai, chương nói về tu sĩ lại được xen vào chương V bàn chung về lời kêu gọi nên thánh trong Giáo Hội. Làm thế cũng gây nên nhiều bất tiện. Như vậy, chúng ta thấy có hai khuynh hướng: khuynh hướng thứ nhất đòi soạn thảo một chương đặc biệt về tu sĩ, khuynh hướng thứ hai cương quyết cứ để xen chung vào chủ đề về lời kêu gọi nên thánh. Sau nhiều cuộc bàn cãi, việc phân tách hai chương được chấp thuận, như chúng ta thấy trong bản văn chung quyết. Vị trí của chương này trong toàn thể Hiến Chế là do những quan sát thực tiễn. Ðặt nó liền sau chương nói về lời kêu gọi nên thánh là để bày tỏ giá trị và tầm quan trọng của đời tận hiến cho Giáo Hội để thánh hoá và minh chứng. Kết cấu của chương này đơn giản: sau khi mô tả nguồn gốc và sự tiến triển của các hình thức đời sống tu trì (số 43), Công Ðồng phân tích bản tính đời sống tu trì (số 44), và sau đó xét đến vai trò của quyền bính Giáo Hội đối với tu sĩ (số 45) và nhiệm vụ của đời sống tu trì trong việc phát triển nhân phẩm của chính tu sĩ, hoặc trong đời sống Giáo Hội (số 46); sau cùng là đôi lời khuyên nhủ vắn tắt kết thúc cho chương này (số 47). (Trở lại đầu trang)

1 Xem Rosweydô, Vitae Patrum, Antwerpiae, 1628. Apophteymata Patrum : PG 65. Palladiô, Hist. Lausiaca: PG 34, 995tt; x. b. C. Butler, Cambridge 1898 (1904). Piô XI, Tông hiến Umbratilem, 8-7-1924 : AAS 16 (1924), trg 386-387. Piô XII, diễn từ Nous sommes heureux, 11-4-1958: AAS 50 (1958), trg 283. (Trở lại đầu trang)

2 Xem Phaolô VI, diễn từ Magno gaudio, 23-5-1964 : AAS 56 (1964), trg 566. (Trở lại đầu trang)

3 Xem Giáo luật, kh. 487 và 488, 4. Piô XII, diễn từ Annus sacer., 8-12-1950: AAS 43 (1951), trg 27t. Piô XII, Tông hiến Provida Mater, 2-2-1947: AAS 39 (1947), trg 120tt. (Trở lại đầu trang)

56* Số 43: Nhập đề.

Công Ðồng mô tả nguồn gốc và sự tiến triển của các hình thức tu trì, một trật cũng bày tỏ thánh ý Chúa và vai trò của quyền bính Giáo Hội. Ðời sống tu trì là một hồng ân Chúa Cha ban cho Giáo Hội, Giáo Hội phải trung thành gìn giữ và hướng dẫn. Do lời giảng dạy và gương mẫu của Người, Chúa Kitô là nền tảng các lời khuyên Phúc Âm. Công Ðồng còn minh định thêm rằng đời sống tu trì không nằm trong hệ thống cơ cấu phẩm trật (giáo sĩ – giáo dân), nhưng trong hệ thống cơ cấu đoàn sủng. Dầu các lời khuyên là do Chúa ban, và đời sống tu trì thực hành những lời khuyên đó là thuộc phạm vi đoàn sủng, Giáo Hội cũng phải thiết lập một hình thức định chế để thực hành đời sống ấy. (Trở lại đầu trang)

4 Xem Phaolô VI, n.v.t., trg 567. (Trở lại đầu trang)

5 Xem T. Tôma, Summa Theol., II-II, q. 184,a. 3 và q. 188, a.2. T. Bonaventura, Opusc. XI, Apologia Pauperum, ch. 3,3: x.b. Opera, Quaraechi, bộ 8, 1898, trg 245a. (Trở lại đầu trang)

57* Số 44: Bản tính của đời sống tu trì.

Trước hết Công Ðồng thừa nhận trong đời sống đó có một sự thánh hiến cho Thiên Chúa để hoàn bị sự thánh hiến của bí tích Thánh Tẩy. Do lời khấn hay việc dấn thân tương tự mà có việc dâng hiến, nhờ đó đời sống của tu sĩ và cả thế giới được thần hóa nhiều hơn (x. số 31). Sự thánh hiến này hoàn tất trong tình yêu trọn vẹn nhất: tình yêu ưu tiên dành cho Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Ðời sống tu trì chính yếu cũng là phục vụ Giáo Hội, để làm cho việc tông đồ được bành trướng. Nhưng vì là một sự thánh hiến nội tâm, nên việc phục vụ trước hết là cộng tác vào việc mở mang nước Chúa bằng thái độ nhiệt thành, bằng kinh nguyện và cũng có thể bằng hoạt động. Bởi thế, việc phục vụ này không chỉ là một hình thức tông đồ bên ngoài. Giá trị dấu hiệu của việc tuyên xưng các lời khuyên Phúc Âm phát xuất từ sự thánh hiến nội tâm này: dấu hiệu cánh chung của đời sau và của hạnh phúc trên Trời, giá trị của sự cao trọng Nước Chúa. Ðể kết luận, Công Ðồng tuyên bố đời sống tu trì không thể tách lìa khỏi đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội. Như vậy chúng ta hiểu rằng, một đàng Giáo Hội cần được sự đóng góp của đời sống tu trì nên phải cổ võ đến mức tối đa cho đời sống ấy, đàng khác đời sống ấy nói lên sức mạnh của Giáo Hội. Cứ theo những điểm vừa nói thì đời sống tu trì là một thực tại sống động trong Giáo Hội. (Trở lại đầu trang)

6 Xem CÐ Vat. I, lược đồ De Ecclesia Christi, ch. XV, và chú giải 48: Mansi 51, 549t và 619t. Leô XIII, thu Au milieu des consolations, 23-12-1900: ASS 33 (1900-01), trg 361. Piô XII, Tông hiến Provida Mater, n.v.t., trg 114t. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Leô XIII, Hiến chế Romanos Pontifices, 8-5-1881: ASS 13 (1880-81), trg 483. Piô XII, diễn từ Annus Sacer, 8-12-1950 : AAS 43 (1951), trg 28t. (Trở lại đầu trang)

8 Xem Piô XII, n.v.t., trg 28. Piô XII, Tông hiến Sedes sapientiae, 31-5-1956: AAS 48 (1956), trg 355. Phaolô VI, diễn từ Magno gaudio, 3-5-1964: AAS 56 (1964), trg 570-571. (Trở lại đầu trang)

58* Số 45: Giáo Hội và đời sống tu trì.

Vai trò quyền bính Giáo Hội nằm trong những điều quy định tổng quát: lập luật để làm qui tắc hướng dẫn việc thực hành các lời khuyên, chuẩn y các điều lệ, lưu ý đến sự trung thành và tăng triển các hội dòng. Sau đó Công Ðồng đề cập đến những người nắm giữ quyền bính này: Ðức Giáo Hoàng là Vị mà các hội dòng miễn trừ phải tùy thuộc; các Giáo Chủ, các Giám Mục là những người mà mọi tu sĩ phải kính trọng và tuân phục. Sự quả quyết Giáo Hội góp phần trong phương diện phụng vụ và thiêng liêng vào việc tuyên khấn cũng nói lên rằng những mối tương quan với quyền bính không chỉ có tính cách pháp lý. Theo Hiến Chế, sự đóng góp vào phụng vụ mặc ba hình thức: Giáo Hội dùng quyền bính chấp nhận các lời khấn, dùng lời kinh công cộng xin Chúa ban ơn, kết hợp sự tận hiến của người tuyên thệ vào hy lễ tạ ơn. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 241t. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Piô XII, diễn từ Annus Sacer, n.v.t., trg 30. Diễn từ Sous la maternelle protection, 9-12-1957: AAS 50 (1958), trg 39t. (Trở lại đầu trang)

59* Số 46 : Vai trò của đời sống tu trì.

Sau khi khuyên nhủ tu sĩ biết minh chứng Chúa Kitô trong các hoạt động, Công Ðồng nhắc nhở cho họ biết đời sống tu trì làm phát triển nhân cách con người vì là một sự tự hiến, phát xuất từ hành động tự do của ý chí đi theo chiều hướng của ơn gọi cá nhân; đời sống ấy còn định hướng nhân phẩm theo như điều mà chương trình của Chúa muốn dung hợp, và như vậy làm cho nhân phẩm được nẩy nở hoàn toàn. Công Ðồng đề cập ba khía cạnh của việc nẩy nở đó: tự do thiêng liêng trong tâm hồn trong sạch hoàn toàn, bác ái hăng say nhờ đó mà nhân phẩm con người được phát triển đích thực, dung hợp với lối sống mà chính Chúa Kitô đã theo, lối sống mà Mẹ Maria là gương mẫu hoàn hảo. Công Ðồng cũng nhắc lại rằng đờisống tu trì còn cộng tác một cách thiêng liêng vào công cuộc kiến tạo trần gian. Sự hiện diện tinh thần của tu sĩ còn đích thực hơn cả sự hiện diện hữu hình bên ngoài. Cố nhiên Công Ðồng không nói tu sĩ hiện diện nơi người khác nhưng hiện diện trong trái tim Chúa Kitô. Do sự kiện cộng tác thiêng liêng vào công cuộc kiến tạo trần gian, tu sĩ trở nên hữu ích cho xã hội và cộng tác vào việc tái tạo một thế giới xây dựng trên Chúa Kitô. Sau cùng Công Ðồng tuyên bố công nhận và khen ngợi lối sống của tu sĩ. (Trở lại đầu trang)

60* Số 47 : Kết luận.

Trong câu kết luận vắn tắt, Công Ðồng khuyên nhủ tu sĩ kiên trì và thăng tiến trong ơn gọi để Giáo Hội được thánh thiện và để làm vinh danh Thiên Chúa. (Trở lại đầu trang)

 

 

Chương VII

Ðặc Tính Cánh Chung của Giáo Hội Lữ Hành

và Sự Hiệp Nhất với Giáo Hội Trên Trời 61*

  1. Ðặc tính chung của ơn gọi chúng ta. Tất cả chúng ta được mời gọi gia nhập Giáo Hội trong Chúa Kitô, và nhờ ân sủng Thiên Chúa, chúng ta nên thánh trong Giáo Hội. Và Giáo Hội chỉ kết thúc trong vinh quang trên trời, khi thời cải tạo mọi sự đến (CvTđ 3,21) và khi toàn thể vũ trụ cùng với loài người được thiết lập toàn vẹn trong Chúa Kitô, vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người đạt được cùng đích của mình (x. Eph 1,10; Col 1,20; 2P 3,10-13).

Thực vậy, Chúa Kitô, khi bị treo lên khỏi đất, đã kéo mọi người đến với mình (x. Gio 12,32, bản Hy lạp). Khi từ kẻ chết sống lại (x. Rm 6,9), Người đã sai Thánh Thần ban sự sống đến với các môn đệ và nhờ Thánh Thần thiết lập thân thể Người là Giáo Hội như bí tích phổ quát cứu rỗi. Nay đang ngự bên hữu Chúa Cha, Người không ngừng tác động trong thế giới để dẫn đưa mọi người về với Giáo Hội, và qua Giáo Hội, kết hợp họ với Người khắng khít hơn; Người còn lấy chính Mình Máu Người nuôi họ, cho họ tham dự vào cuộc sống vinh hiển của Người. Vì vậy, sự cải tạo Chúa đã hứa và chúng đang mong đợi đã khởi sự nơi Chúa Kitô, được xúc tiến khi Thánh Thần đến và nhờ Ngài được tiếp diễn trong Giáo Hội. Nhờ đức tin trong Giáo Hội, chúng ta còn hiểu được ý nghĩa cuộc sống ở trần thế, ngay khi chúng ta lo hoàn tất công việc Chúa Cha trao phó ở đời này trong niềm hy vọng hạnh phúc mai sau cũng như khi chúng ta lo phần rỗi của mình (x. Ph 2,12).

Như thế thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta rồi vậy (x. 1Cor 10,11). Việc canh tân thế giới được thiết lập một cách bất khả phục hồi và thực sự đã bắt đầu một cách nào đó ngay từ bây giờ vì Giáo Hội đã được trang điểm bằng sự thánh thiện đích thực, tuy chưa hoàn toàn. Dù vậy, cho tới khi có trời mới và đất mới, nơi công lý ngự trị (x. 2P 3,13), Giáo Hội lữ hành mang khuôn mặt chóng qua của đời này, qua các bí tích và định chế là những điều thuộc thời đại này. Và Giáo Hội vẫn sống giữa các thụ sinh tới nay còn rên siết và quằn quại trong cơn đau đớn lúc sinh con, và mong đợi con cái Thiên Chúa xuất hiện (x. Rm 8,19-22).

Bởi vậy, được nối kết với Chúa Kitô trong Giáo Hội và được in dấu của Thánh Thần là “bảo chứng của cơ nghiệp chúng ta” (Eph 1,14), chúng ta thực sự được gọi là con Thiên Chúa và chúng ta là con Chúa thật (x. 1Gio 3,1); nhưng chúng ta chưa được xuất hiện với Chúa Kitô trong vinh quang (x. Col 3,4), trong đó chúng ta sẽ nên giống Thiên Chúa, vì trông thấy Ngài như Ngài có thật (x. 1Gio 3,2). Vì thế, “đang khi chúng ta còn ở trong thân xác này, là phải lưu đày xa Chúa” (2Cor 5,6) và được hưởng hoa quả đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta âm thầm than vãn (x. Rm 8,23) và khao khát được ở với Chúa Kitô (x. Ph 1,23). Chính đức ái đó thúc bách chúng ta sống cho Người hơn nữa, vì Người đã chết và sống lại cho chúng ta (x. 2Cor 5,15). Do đó chúng ta gắng sức làm đẹp lòng Chúa trong mọi việc (x. 2Cor 5,9) và mặc lấy binh giáp Thiên Chúa, hầu có thể đứng vững trước những cạm bẩy của ma quỉ và kháng cự chúng trong ngày gian truân (x. Eph 6,11-13). Ðàng khác, vì không biết ngày và giờ, chúng ta phải theo lời Chúa dạy, luôn tỉnh thức, để khi cuộc đời độc nhất của chúng ta ở trần gian chấm dứt (x. Dth 9,27), chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt vào số những người được chúc phúc (x. Mt 25,31-46), chứ không như những tôi tớ khốn nạn và lười biếng (x. Mt 25,26) sẽ bị đẩy vào lửa đời đời (x. Mt 25,41), vào chốn tối tăm, nơi “khóc lóc và nghiến răng” (Mt 22, 13 và 25,30). Thật vậy, trước khi ngự trị với Chúa Kitô vinh hiển, mọi người chúng ta đều phải trình diện “trước tòa Chúa Kitô, để mọi người lãnh lấy những thành quả đời mình đã làm trong thân xác hoặc lành hoặc dữ” (2Cor 5,10). Và ngày tận thế “ai đã làm lành sẽ sống lại hầu được sống, còn ai làm ác sẽ sống lại để chịu đoán phạt” (Gio 5,29; x. Mt 25,46). Bởi đó, tin rằng “những đau khổ hiện thời chẳng thấm vào đâu với vinh quang sắp tới sẽ được giải bày cho chúng ta” (Rm 8,16; x. 2Tm 2,11-12), chúng ta mạnh mẽ tin tưởng trông đợi “niềm hy vọng hạnh phúc và ngày trở lại vinh quang của Thiên Chúa cao cả và Ðấng cứu chuộc chúng ta là Chúa Giêsu Kitô” (Tit 2,13). “Người sẽ cải tạo thân xác hèn mạt ta ra giống thân xác sáng láng của Người” (Ph 3,21) và sẽ ngự đến “để được vinh quang trong các Thánh của Người và được thán phục trong mọi người đã tin” (2Th 1,10). 62*

  1. Sự hiệp thông giữa Giáo Hội trên trời và Giáo Hội lữ hành. 63*Bởi thế, cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các Thiên Thần theo Người (x. Mt 25,31), và khi sự chết đã bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Người (x. 1Cor 15,26-27), thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng “rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có” 1. Nhưng hết thảy mọi người chúng ta, tùy cấp bậc và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến Chúa yêu người, cùng hát lên một bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta. Vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh Thánh Thần Người, đều họp thành một Giáo Hội duy nhất và liên kết với nhau trong Người (x. Eph 4,16). Bởi vậy, sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong an bình Chúa Kitô không hề bị gián đoạn. Nhưng trái lại, Giáo Hội xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn vững mạnh hơn nhờ việc truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng 2. Quả thực, nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô hơn, các người ở trên trời củng cố toàn thể Giáo Hội vững bền hơn trong sự thánh thiện, làm cho việc thờ phượng mà hiện nay Giáo Hội tại thế dâng lên Thiên Chúa, được cao cả hơn, và họ góp phần phát triển Giáo Hội rộng rãi hơn bằng nhiều cách (x. 1Cor 12,12-27) 3. Ðược về quê trời và hiện diện trước nhan Chúa (x. 2Cor 5,8) nhờ Người, với Người và trong Người, các Thánh không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha 4, bằng cách trình bày các công nghiệp đã lập được khi còn ở dưới thế, nhờ Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Chúa Giêsu Kitô (x. 1Tm 2,5), khi họ đã phục vụ Chúa trong mọi sự, và hoàn tất nơi thân xác họ những gì còn thiếu sót trong các đau khổ của Chúa Kitô, hầu mưu ích cho Thân Thể Người là Giáo Hội (x. Col 1,24) 5. Do đó, với tình huynh đệ, các ngài lo lắng giúp đỡ chúng ta rất nhiều vì chúng ta yếu hèn. 64*
  2. Tương quan giữa Giáo Hội lữ hành và Giáo Hội trên trời. Nhận biết đúng đắn sự hiệp thông này trong toàn Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết 6, “vì cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành thánh” (2Mac 12,46). Ðối với các tông đồ và những vị tử đạo của Chúa Kitô, là những chứng nhân cao cả đã đổ máu vì đức tin và đức ái, Giáo Hội luôn tin rằng, các ngài liên kết với chúng ta khắng khít hơn trong Chúa Kitô: với lòng yêu mến đặc biệt, Giáo Hội tôn kính các ngài cùng Ðức Trinh Nữ Maria và các Thánh Thiên Thần 7, và sốt sắng nài xin các ngài trợ giúp và cầu bầu cho. Sau đó không bao lâu, thêm vào số các vị trên, Giáo Hội còn tôn kính những người đã nhiệt thành noi gương khiết trinh và khó nghèo của Chúa Kitô 8; và sau cùng, có những người vì đã thực hành cách phi thường các nhân đức Kitô giáo 9và được Chúa ban nhiều ân điển, nên được các tín hữu thành tâm tôn kính và noi theo 10.

Quả thực, khi ngắm nhìn đời sống những người đã trung thành bước theo Chúa Kitô, chúng ta khám phá ra một lý do mới thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Thành Thánh tương lai (x. Dth 13,14 và 10,11), đồng thời chúng ta cũng biết con đường chắc chắn giúp chúng ta đạt tới sự kết hiệp hoàn toàn với Chúa Kitô, nghĩa là đạt tới sự thánh thiện, giữa bao thăng trầm trần thế, tùy theo bậc sống và hoàn cảnh riêng của mỗi người 11. Qua cuộc sống của những người cùng mang một bản tính nhân loại như chúng ta, nhưng đã được biến đổi nên giống hình ảnh Chúa Kitô hơn (x. Cor 3,18), Thiên Chúa tỏ lộ rõ ràng cho con người thấy dung nhan và sự hiện diện của Ngài. Chính Ngài nói với chúng ta qua các vị ấy và ban cho chúng ta thấy dấu chỉ Nước Ngài 12, và mãnh liệt lôi cuốn chúng ta tới Nước ấy nhờ số chứng nhân đông đảo như mây trời (x. Dth 12,1) và nhờ chân lý Phúc Âm được chứng thật như thế.

Tuy nhiên, chúng ta kính nhớ các Thánh trên trời không chỉ vì gương lành các ngài mà thôi, nhưng đúng hơn để sự hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội trong Thánh Thần được bền vững nhờ thực hành đức bác ái huynh đệ (x. Eph 4,1-6). Thực vậy, cũng như mối hiệp thông giữa các Kitô hữu còn sống trên dương thế đưa chúng ta tới gần Chúa Kitô hơn, thì sự liên kết với các Thánh cũng hiệp nhất chúng ta với Người, là Ðầu và là Nguồn phát sinh mọi ân sủng và sự sống của chính Dân Thiên Chúa 13. Do đó, điều hết sức thích đáng là chúng ta yêu mến các bạn hữu và những người đồng thừa tự của Chúa Kitô, cũng là anh em và ân nhân đặc biệt của chúng ta, cũng như chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì các ngài 14 và “thành khẩn van nài, chạy đến xin các ngài cầu nguyện và trợ lực, giúp đỡ, hầu Chúa Cha ban cho nhiều ơn lành, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng ta, Ðấng Cứu Chuộc và Giải Thoát duy nhất của chúng ta” 15. Thực vậy, mọi bằng chứng đích thực biểu lộ tình yêu chúng ta đối với các Thánh trên trời, từ bản chất, luôn qui hướng và kết thúc nơi Chúa Kitô là “triều thiên của toàn thể các Thánh” 16, và nhờ Người qui hướng và kết thúc nơi Thiên Chúa, Ðấng đáng ca tụng và tôn vinh trong các Thánh 17.

Hơn nữa, sự hiệp nhất của chúng ta với Giáo Hội trên trời được thực hiện cách hết sức cao cả, đặc biệt trong Phụng Vụ, ở đó quyền năng Thánh Thần hoạt động trên chúng ta qua các dấu chỉ bí tích, ở đó chúng ta cùng lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa uy linh 18, và tất cả mọi người thuộc mọi chi tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia được cứu chuộc trong máu Chúa Kitô (x. Kh 5,9), hợp nhau trong một Giáo Hội duy nhất, đồng thanh chúc tụng một Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi vậy, khi cử hành lễ hy tế tạ ơn, chúng ta kết hợp rất mật thiết với việc thờ phượng của Giáo Hội trên trời, vì hiệp cùng Giáo Hội, chúng ta kính nhớ trước hết Ðức Maria vinh hiển, trọn đời Ðồng Trinh, sau là Thánh Giuse, các Thánh Tông Ðồ và Tử Ðạo cùng toàn thể các Thánh 1965*

  1. Hướng dẫn mục vụ của Công Ðồng. Thánh Công Ðồng kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được hiển vinh trên trời hay còn phải tinh luyện sau khi chết, và lấy lại các sắc lệnh của các thánh Công Ðồng Nicea II 20, Firenze 21và Trentô 22. Ðồng thời, vì quan tâm đến mục vụ, Công Ðồng khuyên nhủ tất cả những vị hữu trách hãy hết sức ngăn cản và sửa dạy những ai lạm dụng, thái quá hay bất cập, và hãy tái lập mọi sự để Thiên Chúa và Chúa Kitô được ngợi khen cách trọn hảo hơn. Bởi vậy, các ngài hãy dạy cho tín hữu biết rằng, việc tôn kính các Thánh đích thực không hệ tại nhiều ở những việc bề ngoài bằng ở cường độ tình yêu tích cực của chúng ta. Tình yêu ấy giúp chúng ta tìm thấy “một gương mẫu trong khi gặp gỡ các ngài, được thông hiệp qua việc kết hợp với các ngài và được các ngài cầu bầu trợ giúp” 23, để đem lại nhiều lợi ích cho Giáo Hội và cho chúng ta. Ðàng khác, ước gì các ngài cũng hãy giúp các tín hữu hiểu rằng mối liên lạc giữa chúng ta và các Thánh trên trời, hiểu theo ánh trọn vẹn của đức tin, không hề làm suy giảm sự tôn thờ dành riêng cho Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, nhưng trái lại còn làm cho sự tôn thờ ấy thêm phong phú hơn 24.

Vì tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và hợp thành một gia đình trong Chúa Kitô (x. Dth 3,6), nên khi hiệp thông với nhau trong tình yêu qua lời đồng thanh ca tụng Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng ta cùng đáp lại lời mời gọi thân tình của Giáo Hội, và được tham dự, cảm mến trước phụng vụ vinh hiển toàn hảo 25. Vì khi Chúa Kitô hiện đến và khi kẻ chết sống lại trong vinh quang, ánh sáng Thiên Chúa sẽ chiếu soi Thành Thánh trên trời và Con Chiên sẽ là đuốc sáng (x. Kh 21,23). Toàn thể Giáo Hội các Thánh sẽ thờ lạy Thiên Chúa và “Con Chiên đã bị giết” (Kh 5,12) trong hạnh phúc sung mãn của đức ái, và đồng thanh ca tụng rằng: “Ngợi khen, danh dự, vinh hiển, quyền năng muôn đời cho Ðấng ngự trên ngai và Con Chiên” (Kh 5,13-14) 66*.

 

Chú thích

61* Chương này được khai sinh theo ước muốn của Ðức Gioan XXIII.

Ðược Ủy ban Thần học soạn thảo lại, chương này được mọi người công nhận là một phần của hiến chế mới (lược đồ đệ trình bấy giờ chỉ có 4 chương). Nội dung của chương được tổng hợp trong tựa đề. Công Ðồng nhấn mạnh tới hành động tôn vinh Thiên Chúa của tất cả Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội dưới đất cũng như trên trời. Cơ cấu của chương như sau: số 48 nói lên hai giá trị của Giáo Hội trong đó những thành phần dưới thế cùng tồn tại với những thành phần cố định; các số 49 và 50 trình bày những mối dây liên kết Kitô hữu còn ở trần gian với những người đã lên trời hoặc ở trong luyện ngục: các Thánh trên trời cầu bầu cho chúng ta là những kẻ lữ hành (số 49), mối tương quan giữa các Ngài với chúng ta (số 50). Từ giáo lý này mà số 51 rút ra những hậu kết có tính cách mục vụ. (Trở lại đầu trang)

62* Số 48: Ðặc tính cánh chung của ơn gọi chúng ta.

Trong cuộc sống hiện tại, ơn gọi của chúng ta là: được Chúa Kitô thánh hóa, chúng ta cùng với Người tiến về sự thánh thiện viên mãn trong đời sống vĩnh cửu, khi chúng ta được chiêm ngưỡng chính Thiên Chúa. Cuộc lữ hành đòi chúng ta phải ý thức về mối liên hệ giữa đời sống hiện tại của chúng ta với đời sống vĩnh cửu, để với lòng tin vững chắc vào Chúa Kitô Cứu Thế và hy vọng một vinh quang mai hậu, chúng ta chịu đựng những nghịch cảnh đời này, và chống lại ma quỉ. Ðời sống Kitô giáo có sự liên tục giữa đời sống dưới thế và đời sống vĩnh cửu trên trời. Có ý thức sống động được chân lý này, chúng ta mới nghĩ đến những người đã về trời. Và điều đó làm chúng ta hiểu sâu sắc hơn về chính mầu nhiệm Giáo Hội: là thực hiện sự hiệp thông giữa mọi người trong Chúa Kitô, là sự hiện diện sống động của các thực tại trên trời giữa dòng đời trần gian. Như thế, khi tín hữu nhớ lại lời Chúa và các Tông Ðồ đã nói, có thể nhận ra sự liên lạc mật thiết giữa các chân lý này và tầm quan trọng nền tảng của chúng đối với đời sống Kitô giáo. (Trở lại đầu trang)

63* Các số 49-50: Sự hiệp thông giữa Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên trời.

Ðây là nền tảng giáo lý của cả chương, nghĩa là Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên trời tạo thành một Dân Chúa, một Thân Thể Chúa Kitô. Công Ðồng giải thích sự hiệp nhất này vì dựa vào căn bản là những mối dây liên lạc sống động giữa chúng ta, những người lữ hành trên dương thế, và những người đã đạt tới quê trời. Trong số những hoạt động và những mối liên quan ấy, điều đáng kể là việc các Thánh cầu bầu cho cả Giáo Hội. (Trở lại đầu trang)

1 CÐ Firenze, Decretum pro Graecis: Dz 693 (1305). (Trở lại đầu trang)

2 Ngoài những tài liệu xưa hơn có từ thời Ðức Alexandrô IV ngăn cấm mọi hình thức chiêu hồn (27-9-1258), xem Tđ. của Bộ thánh vụ De magnetismi abusu, 4-8-1856: ASS (1865) trg 177-178; Dz 1653-1654 (2823-2825); câu trả lời của Bộ thánh vụ, 24-4-1917: AAS 9 (1917), trg 268, Dz 2182 (3642). (Trở lại đầu trang)

3 Xem bài đúc kết học thuyết này của T. Phaolô, trong Tđ. Piô XII, Mystici Corporis: AAS 35 (1943), trg 200 và nhiều nơi khác. (Trở lại đầu trang)

4 Xem T. Augustinô, Enarr. in Ps. 85, 24: PL 37, 1099. T. Hieronimô, Liber contra Vigilantium, 6: PL 23, 344. T. Tôma, In Ivm Sent., d. 45, q. 3, a. 2. T. Bonaventura, In Ivm Sent., d. 45, a. 3, q. 2; v.v… (Trở lại đầu trang)

5 Xem Piô XII, Tđ. Mystici Corporis : AAS 35 (1943), trg 245. (Trở lại đầu trang)

64* Số 49: Nền tảng giáo lý và sự liên hệ giữa các Thánh trên trời và Giáo Hội.

Nền tảng tín lý được trình bày rõ ràng và chính xác để tránh những khuynh hướng cực đoan và để giúp cho nhu cầu hiệp nhất được dễ dàng hơn. Công Ðồng dạy rằng, cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang, một số người đã ở trên Nước Trời, một số khác ở trong luyện ngục, một số khác nữa đang trên đường tiến về đời sau, nhưng tất cả đều kết hiệp với Chúa Kitô làm nên một Giáo Hội duy nhất. Công Ðồng cũng dạy rằng, các Thánh trên trời lấy tình thương phù trợ đặc biệt cho những người anh em khác, và củng cố cũng như làm làm đẹp Giáo Hội trần gian. (Trở lại đầu trang)

6 Xem rất nhiều bi ký trong các hầm mộ cổ ở Roma. (Trở lại đầu trang)

7 Xem Gelasiô I, giáo lệnh De libris recipiendis, 3 : PL 59, 160; Dz 165 (353). (Trở lại đầu trang)

8 Xem Methodiô, Symposion VII, 3 : GCS (Bonwetsch), trg 74. (Trở lại đầu trang)

9 Xem Benedictô XV, Decretum approbationis virtutum in Causa beatificationis et canonizationis Servi Dei Joannis Nepomuceni Neumann: AAS 14 (1922), trg 23. Nhiều diễn văn của Ðức Piô XI về các thánh: Inviti all’eroismo, trong Discorsi e Radiomessaggi bộ I-III, 1941-1942, và nhiều nơi khác. Ðức Piô XII, Discorsi e Radiomessaggi, bộ 1949, 37-43. (Trở lại đầu trang)

10 Xem Piô XII, Tđ. Mediator Dei : AAS 39 (1947), trg 581. (Trở lại đầu trang)

11 Xem Dth 13,7; Hđ 44-50; Dth 11,3-40.

Xem thêm Piô XII, Tđ. Mediator Dei: AAS 39 (1947), trg 582-583. (Trở lại đầu trang)

12 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế về đức tin công giáo Dei Filius, ch. 3: Dz 1794 (3013). (Trở lại đầu trang)

13 Xem Piô XII, Tđ. Mystici Corporis : AAS 35 (1943) trg 216. (Trở lại đầu trang)

14 Về sự biết ơn đối với chính các thánh, xem E. Diehl, Inscriptiones latinae veteres, I, Berlin, 1925, các số 2008, 2382 và nhiều nơi khác. (Trở lại đầu trang)

15 CÐ Trentô, sắc lệnh De invocatione… sanctorum: Dz 984 (1821). (Trở lại đầu trang)

16 Sách nguyện Roma, Tiền xướng trong lễ các Thánh. (Trở lại đầu trang)

17 Xem ví dụ: 2Th 1,10. (Trở lại đầu trang)

18 CÐ Vaticanô II, Hiến chế Phụng vụ Thánh, Sacrosanctum Concilium, ch. 5, số 104 : AAS 56 (1964), trg 125-126. (Trở lại đầu trang)

19 Xem Sách lễ Roma, Lễ qui. (Trở lại đầu trang)

65* Số 50: Sự liên hệ giữa Giáo Hội dưới đất và Giáo Hội trên trời.

Số này trình bày cách thức mà Giáo Hội lữ hành phải có, để trong thực hành, tạo được sự hiệp thông đã nói trong đoạn trước. Công Ðồng đưa ra những động lực chính yếu giúp xây dựng và phát huy sự hiệp thông của chúng ta với Giáo Hội trên trời. Những động lực đó như sau: những người đã về trời nêu gương cho chúng ta một đời sống đạo chính thực; sự liên lạc với họ sẽ đưa chúng ta tiến tới việc kết hợp khắng khít hơn với Chúa Kitô; sự hiệp thông với họ làm cho việc phụng tự qui về Chúa Kitô nơi Giáo Hội trần gian được sung mãn. Ở nhiều nơi, Hiến Chế ám chỉ tới lịch sử Giáo Hội, để làm sáng tỏ hơn những nền tảng thần học của giáo lý đã trình bày và cũng để cho sự trình bày này được sống động hơn, tương xứng hơn với nhu cầu mục vụ.

Ðoạn nhất nói lên những cách thức hiệp thông tổng quát với các người anh em không thuộc về Giáo Hội trần gian: kính nhớ và vọng độ cách chung, tôn kính và nài xin cầu bầu. Ðoạn hai nhấn mạnh tới gương mẫu các Thánh nêu ra cho đời sống Kitô giáo chúng ta, hoặc dưới khía cạnh sư phạm hoặc dưới khía cạnh minh giáo. Ðoạn ba chúng ta thấy việc tôn kính các Thánh chính thực sẽ thúc giục chúng ta thực thi bác ái huynh đệ và liên kết chúng ta với Chúa Kitô bền chặt hơn. Tình bác ái huynh đệ nơi chúng ta là những khách lữ hành không bị suy giảm, trái lại còn làm gia tăng đặc tính qui về Chúa Kitô của Kitô giáo. Cũng vì lý do đó, sự liên lạc và hiệp thông với các Thánh trên trời đã không làm cản trở nhưng còn giúp đỡ cách lạ lùng cho tình yêu và sự kính thờ Ba Ngôi Thiên Chúa. Ðoạn bốn có xác quyết căn bản như sau: việc tế tự phụng vụ của Giáo Hội thực hiện tất cả những gì đã nói về sự liên hệ với các Thánh trên trời. (Trở lại đầu trang)

20 Xem CÐ Nicea II, văn kiên VII : Dz 302 (600). (Trở lại đầu trang)

21 Xem CÐ Firenze, Decretum pro graecis : Dz 693 (1304). (Trở lại đầu trang)

22 Xem CÐ Trentô, sắc lệnh De invocatione, veneratione et reliquiis Sanctorum et sacris imaginibus: Dz 984-988 (1821-1824), sắc lệnh De Purgatorio: Dz 983 (1820); sắc lệnh De justificatione, khoản 30: Dz 840 (1580). (Trở lại đầu trang)

23 Sách lễ Roma, kinh Tiền tụng, dùng trong các giáo phận Pháp. (Trở lại đầu trang)

24 Xem T. Phêrô Canisiô, Catechismus Maior seu Summa Doctrinae christianae, ch. III, x.b. F. Streicher, phần I, trg 15-16, số 44 và trg 100-101, số 49. (Trở lại đầu trang)

25 Xem CÐ Vat II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, ch. I, số 8: AAS 56 (1964), trg 401. (Trở lại đầu trang)

66* Số 51: Hậu kết mục vụ.

Một vài hậu kết có tính cách mục vụ theo sau những nguyên tắc đã đề ra. Hậu kết đó bao gồm một số ý hướng căn bản để việc tôn kính các Thánh được thực hiện trong tinh thần đúng đắn và để có thể ngăn ngừa những hình thức thái quá hay bất cập ở một vài nơi. Một đàng Công Ðồng chủ trương rõ ràng giá trị việc tôn kính các Thánh không cốt tại gia tăng các hành động bên ngoài, nhưng do cường độ tình yêu của chúng ta; đàng khác Công Ðồng quả quyết việc tôn kính ấy không đi ngược với tình yêu Thiên Chúa, với việc tôn thờ dành cho mình Ngài. Số này chứa đựng nhiều điều có thể cổ võ cho việc hiệp thông với các anh em ly khai, đặc biệt với anh em Ðông Phương, vì giáo lý thuộc đức tin của chúng ta đây đối với họ hết sức quan trọng, làm nên một di sản chung về đức tin và về sự kính nhớ.

Phần kết luận cho toàn chương (51, đoạn hai) quả quyết rằng hiện đại hóa sự hiệp thông của tất cả những người thuộc về Chúa Kitô là đã bắt đầu cuộc sống vinh quang, và như vậy là ngay ở chốn lưu đày này đã thực hiện được cùng đích của đời ta vì đã được tham dự và thưởng thức phụng vụ vinh hiển trên trời. (Trở lại đầu trang)

 

 

Chương VIII

Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội 67*

 

1. Lời mở đầu

  1. Nhập đề. 68*Thiên Chúa là Ðấng vô cùng nhân hậu và khôn ngoan đã muốn hoàn tất việc cứu chuộc thế giới, nên “khi đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ… để chúng ta được nhận làm nghĩa tử” (Gal 4,4-5). “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria” 1. Mầu nhiệm cứu rỗi thần linh này được mạc khải cho chúng ta và vẫn tiếp tục trong Giáo Hội, Giáo Hội mà Chúa đã lập làm thân thể Người. Trong Giáo Hội ấy, liên kết với Chúa Kitô Thủ Lãnh, và hiệp thông với toàn thể các Thánh Người, các tín hữu cũng phải kính nhớ “trước hết đức Maria vinh hiển, trọn đời Ðồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” 269*
  2. Ðức Maria và Giáo Hội. Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Ðức Nữ Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Ðấng Cứu Thế. Ðược cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con Ngài và hiệp nhất mật thiết và bền chặt với Con, Ðức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí này, Ngài đã trổi vượt mọi tạo vật trên trời dưới đất. Nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi Adam, Ngài cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa, “Ngài thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô)… vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Ðầu ấy” 3. Vì thế, Ngài cũng được chào kính như chi thể của Giáo Hội tối cao và độc nhất vô nhị, cũng như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái. Và Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Ngài tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu. 70*
  3. Ý hướng của Công Ðồng. Bởi thế, khi trình bày giáo lý về Giáo Hội – trong Giáo Hội này, Chúa Cứu Thế thực hiện cuộc cứu độ – Thánh Công Ðồng ân cần mong muốn làm sáng tỏ vai trò của Ðức Nữ Trinh trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và Nhiệm Thể, cũng như làm sáng tỏ bổn phận những người được cứu chuộc đối với Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Chúa Kitô và Mẹ nhân loại, cách riêng Mẹ các tín hữu. Tuy nhiên, Công Ðồng không có ý đưa ra một học thuyết đầy đủ về Ðức Maria và giải quyết các vấn đề mà sự nghiên cứu của các nhà thần học chưa làm sáng tỏ trọn vẹn. Những ý kiến được tự do trình bày trong các trường phái công giáo về Ðấng có địa vị cao cả nhất trong Giáo Hội thánh sau Chúa Kitô, và cũng là Ðấng rất gần chúng ta 4, những ý kiến ấy đều được duy trì cách hợp pháp 71*.

 

2. Vai Trò Ðức Nữ Trinh trong Nhiệm Cuộc Cứu Rỗi 72*

  1. Mẹ Ðấng Cứu Thế trong Cựu Ước. Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, và Thánh Truyền đáng kính, trình bày ngày một sáng tò hơn vai trò của Mẹ Ðấng Cứu Thế trong nhiệm cuộc cứu rỗi và đưa vai trò ấy ra cho chúng ta chiêm ngắm. Thực vậy, các sách Cựu Ước thuật lại lịch sử cứu rỗi, trong đó ngày Chúa Kitô xuất hiện trên thế giới được chuẩn bị cách tiệm tiến. Các tài liệu tiên khởi này, như Giáo Hội vẫn đọc và về sau hiểu theo ánh sáng mạc khải trọn vẹn, dần dần cho thấy rõ ràng hơn hình ảnh người nữ, Mẹ Ðấng Cứu Thế. Theo ánh sáng mạc khải ấy, người nữ này đã được phác họa trước trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa mà Tổ Tông đã nhận được sau khi phạm tội (x. Stk 3,15). Cũng thế, Ngài là Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con trai tên là Emmanuel (x. Is 7,14 so sánh với Mik 5,2-3; Mt 1,22-23). Ngài trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ nơi Chúa. Cuối cùng, sau đêm dài mong đợi lời hứa được thực hiện, với Ngài, người Thiếu Nữ cao sang của Sion, thời gian đã nên trọn và Nhiệm Cuộc mới được thiết lập: khi Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại nơi Ngài để giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ các mầu nhiệm của thân xác Chúa. 73*
  2. Ðức Maria trong việc truyền tin. Nhưng Chúa Cha rất nhân từ đã muốn sự ưng thuận của người mẹ được tiền định trước khi Chúa Con nhập thể, để như một người nữ đã hợp tác cho sự chết, thì cũng một người nữ hợp tác cho sự sống. Ðiều đó đặc biệt thích hợp với Mẹ Chúa Giêsu, vì Ngài đem đến cho thế giới chính Nguồn Sống cải tạo mọi sự, và đã được Chúa ban cho nhiều ơn cân xứng với sứ mệnh cao cả như thế. Do đó, không có gì lạ, nếu các Thánh Giáo Phụ đã thường xưng tụng Mẹ Thiên Chúa là Ðấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành 5. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai, Ðức Trinh Nữ thành Nazareth được Thiên Thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và kính chào là “Ðấng đầy ân phúc” (x. Lc 1,28). Và Trinh Nữ đã đáp lời Thiên Sứ rằng: “Này tôi là Tôi Tá Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo lời Ngài” (Lc 1,38). Như thế, Ðức Maria, con cháu Adam, vì chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên Mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở Ngài, Ðức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài. Bởi vậy, các Thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Ðức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài. Thực vậy, Thánh Ireneô nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại” 6. Và cùng với thánh Ireneô còn có rất nhiều Thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: “Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Ðức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin 7; và so sánh với Evà, các ngài gọi Ðức Maria là “Mẹ kẻ sống” 8, và thường quả quyết rằng: “bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” 974*
  3. Ðức Maria và thời thơ ấu Chúa Giêsu. Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Ðức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết. Thực vậy, trước hết, Ðức Maria vội vã đến thăm bà Elizabeth và được bà ấy chào mừng là người có phúc vì đã tin vào sự cứu rỗi Chúa đã hứa, trong lúc đó vị tiền hô nhảy trong lòng mẹ (x. Lc 1, 41-45). Rồi ngày sinh nhật, Mẹ Thiên Chúa đã vui mừng giới thiệu với các mục đồng và các nhà bác học đứa Con đầu lòng của mình, mà khi sinh ra đã không làm giảm bớt nhưng còn thánh hiến sự trinh khiết toàn vẹn của Ngài10. Trong đền thánh, sau khi hiến lễ vật ấn định cho người nghèo, Ðức Maria dâng Con lên cho Thiên Chúa, và đã nghe Simeon báo trước Con mình sẽ là dấu chỉ sự phản kháng, và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng mẹ, nhờ đó tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ (x. Lc 2, 34-35). Khi trẻ Giêsu lạc mất, Cha Mẹ đã lo âu tìm kiếm và gặp lại Con trong đền thánh đang bận tâm lo việc của Cha Người. Các Ngài không hiểu lời Con nói; nhưng Mẹ Chúa Giêsu giữ lấy tất cả các điều ấy và suy gẫm trong lòng (x. Lc 2, 41-51). 75*
  4. Ðức Maria và đời sống công khai Chúa Giêsu. Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, Mẹ Người cũng đã xuất hiện rõ ràng, và ngay từ đầu, trong tiệc cưới thành Cana xứ Galilêa, vì động lòng thương xót, Ngài đã cầu bầu, khiến Chúa Giêsu, Ðấng Thiên Sai, làm phép lạ đầu tiên của Người (x. Gio 2, 1-11). Trong thời gian Chúa truyền đạo, Ðức Maria đã đón nhận lời của Con Ngài, những lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục, và tuyên bố là có phúc cho những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa (x. Mc 3,35 và song song; Lc 11,27-28) như chính Ngài hằng thực hành những điều đó cách trung tín (x. Lc 2,19 và 51). Như thế Ðức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng đó (x. Gio 19,25). Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Ngài làm Mẹ của môn đệ qua lời này: “Thưa Bà, này là con Bà” (x. Gio 19,26-27) 1176*
  5. Ðức Maria sau khi Chúa lên trời. Vì Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Ngài đổ tràn Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các Tông Ðồ trước ngày Hiện Xuống “đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và với anh em Người” (CvTđ 1,14). Ðức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã bao phủ lấy Ngài trong ngày Truyền Tin. Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ 12, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác 13, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết1477*

 

3. Ðức Nữ Trinh Và Giáo Hội 78*

  1. Ðức Kitô, Ðấng trung gian độc nhất và Mẹ Maria79*Chúng ta chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất, như lời Thánh Tông Ðồ dạy: “Thực vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là Chúa Giêsu Kitô, là Người, đã dâng mình làm giá chuộc mọi người” (1Tm 2,5-6). Nhưng vai trò làm mẹ của Ðức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô. 80*
  2. Cộng tác vào việc cứu chuộc. Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta. 81*
  3. Vai trò tùy thuộc trong việc cứu rỗi. Nhưng trong nhiệm cuộc ân sủng, Ðức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin – sự ưng thuận mà Ngài đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá – cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời 15. Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian 16. Tuy nhiên phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðấng Trung Gian duy nhất 17.

Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một tạo vật ngang hàng với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc; nhưng cũng như chức linh mục của Chúa Kitô được thông ban dưới nhiều hình thức cho các thừa tác viên và các giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được ban phát nhiều cách cho các tạo vật, thì sự trung gian duy nhất của Ðấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất.

Vai trò tùy thuộc ấy của Ðức Maria, Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng, mà luôn nghiệm thấy, và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Ngài, họ gắn bó mật thiết hơn với Ðấng Trung Gian và Cứu Thế. 82*

  1. Maria trinh nữ và người mẹ là mẫu mực của Giáo Hội. 83*Ðức Trinh Nữ nhờ ân huệ và sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó Ngài được hiệp nhất với Con là Ðấng Cứu Chuộc, và nhờ các ơn và nhiệm vụ đặc biệt khác, Ngài còn kết hiệp mật thiết với Giáo Hội, như thánh Ambrosiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô18. Thực vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, chính Giáo Hội cũng được gọi cách hợp pháp là Mẹ và Trinh Nữ, Ðức Nữ Trinh Maria đi tiên phong, tỏ ra là một người mẹ và một trinh nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có 19. Vì, bởi lòng tin và vâng phục, Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một Evà mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (x. Rm 8,29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ. 84*
  2. Giáo Hội là trinh nữ và là mẹ. Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện kỳ bí và noi gương đức ái của Ðức Maria, và khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội cũng được làm mẹ nhờ lời Thiên Chúa mà Giáo Hội trung thành lãnh nhận: thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép Thánh Tẩy, Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là trinh nữ đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đã hiến cho Phu Quân; và noi gương Mẹ Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo Hội bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy bền vững và một đức mến chân thành 2085*
  3. Giáo Hội phải bắt chước nhân đức của Mẹ Maria. Tuy nhiên, Giáo Hội, qua con người của Ðức Nữ Trinh, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền (x. Eph 5,27), nhưng Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Ðức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn. Nhờ thành kính tưởng nhớ Ðức Maria và chiêm ngưỡng Ngài dưới ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội cung kính tiến sâu hơn vào mầu nhiệm cao thẳm, tức là mầu nhiệm nhập thể, và nên giống Phu Quân mình ngày một hơn. Thực vậy, Ðức Maria đã mật thiết gắn liền với lịch sử cứu rỗi, và có thể nói là Ngài đã qui tụ và phản chiếu nơi mình những đòi hỏi cao cả nhất của đức tin, và khi các tín hữu nghe rao giảng về Ngài và tôn sùng Ngài, họ được Ngài mời gọi đến kết hiệp với hy lễ của Con Ngài và yêu mến Chúa Cha. Phần Giáo Hội càng tìm kiếm vinh quang Chúa Kitô càng nên giống Khuôn Mẫu cao cả của mình, nhờ luôn tiến tới trong đức tin, đức cậy, đức mến, và tìm kiếm cùng vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Do đó, trong công cuộc tông đồ, Giáo Hội có lý để nhìn lên Ðấng đã sinh Chúa Kitô là người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Ðức Nữ Trinh sinh ra để, nhờ Giáo Hội, cũng sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Ðời sống của Ðức Nữ Trinh là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội để tái sinh nhân loại. 86*

 

4. Việc Tôn Kính Ðức Nữ Trinh Trong Giáo Hội87*

  1. Bản tính và nền tảng của việc tôn kính Ðức Mẹ. Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Ðức Maria được tôn vinh, sau Chúa Con, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính. Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Ðức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Ngài trong mọi cơn gian nan khốn khó 21. Nhất là từ công đồng Ephêsô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Ðức Maria cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương đúng như lời Ngài đã tiên báo: “Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại” (Lc 1,48-49). Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Giáo Hội, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể và lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; việc tôn kính Ðức Maria khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa, trong giới hạn của giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn, hợp với tính khí cùng tinh thần của tín hữu; những hình thức ấy, qua việc tôn vinh Mẹ, cũng làm cho tín hữu nhận biết đúng đắn, yêu mến, làm vinh danh, và tuân giữ giới răn Chúa Con, vì Người mà muôn vật được tạo thành (x. Col 1,15-16) và nơi Người, Chúa Cha hằng hữu “muốn có đầy đủ mọi sự” (Col 1,19). 88*
  2. Chiều hướng mục vụ. Thánh Công Ðồng cố ý dạy giáo lý công giáo ấy, đồng thời Giáo Hội cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Ðức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn ngài và đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Ðức Nữ Trinh và các Thánh 22. Công Ðồng cũng hết lòng khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng lời Chúa, khi xét đến phẩm chức phi thường của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi quá đáng 23. Nhờ học hỏi Thánh Kinh, các Thánh Giáo Phụ, các tiến sĩ và học hỏi các phụng vụ trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của quyền Giáo Huấn, họ hãy làm sáng tỏ đúng mức những chức vụ và đặc ân của Ðức Trinh Nữ; những chức vụ và đặc ân này luôn qui hướng về Chúa Kitô, nguồn mạch toàn thể chân lý, thánh thiện và đạo đức. Họ phải cẩn thận tránh xa mọi lời nói hay việc làm có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội. Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta. 89*

 

5. Ðức Maria, Dấu Chỉ lòng Cậy Trông vững vàng

và Niềm An Ủi cho Dân Chúa đang lữ hành 90*

 

  1. Ðức Maria, dấu chỉ của Dân Thiên Chúa. Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2P 3,10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành. 91*
  2. Ðức Maria chuyển cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Thánh Công Ðồng rất vui mừng và được an ủi khi thấy ngay giữa các anh em ly khai không thiếu những người dâng lên Mẹ Chúa Cứu Thế vinh dự Ngài đáng được, nhất là các anh em Ðông Phương, những người nhiệt thành và hết lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh 24. Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia. 92*.

 

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Hiến Chế tín lý này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

 

Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964.

Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.

Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.

 

Chú thích

67* Ðây là một trong những chương được tranh luận nhiều nhất. Việc khai sinh ra nó cũng gây nhiều sôi nổi. Trong số những lược đồ được đệ trình, có một lược đồ về Ðức Maria. Vì những lý do có tính cách hoặc thần học hoặc mục vụ hoặc hiệp nhất, một vài Nghị Phụ muốn cho lược đồ về Ðức Maria xen vào Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội. Ngày 29-10-1963, các Nghị Phụ đứng trước một câu hỏi như sau: “Các Nghị Phụ Công Ðồng có muốn lược đồ về Ðức Trinh Nữ Mẹ Giáo Hội đổi thành chương cuối cùng của lược đồ về Giáo Hội chăng?” Trước khi bỏ phiếu, có hai bản phúc trình chính thức về vấn đề này: Hồng Y Konig, người muốn cho xen vào hiến chế, và Hồng Y Santos muốn làm một lược đồ riêng. Cả hai dùng những luận chứng dồi dào và vững chắc để trình bày trước các Nghị Phụ và sự thích hợp của quan điểm mình. Kết quả cuộc đầu phiếu thật sát nút: với 2,193 Nghị Phụ có mặt thì 1,114 vị bỏ phiếu thuận, 1,074 phiếu chống. Phiếu thuận chỉ hơn có 40 phiếu và Công Ðồng chấp nhận việc xen lược đồ vào trong Hiến Chế.

Một vấn đề thứ hai được đặt ra: nếu xen thì xen vào chỗ nào? Mẹ Thiên Chúa liên kết khắng khít với mầu nhiệm Giáo Hội, nhưng muốn giải thích sự liên kết này, cần quan niệm vai trò của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Ðối với khía cạnh này, giáo lý về Ðức Maria vượt quá giáo lý về Giáo Hội. Do đó chỉ có thể đặt vào phần cuối Hiến Chế. Ðấy là lý do tại sao có chương VIII và vị trí của nó trong Hiến Chế.

Bố cục của chương này như sau: trong phần nhập đề (các số 52-54), Công Ðồng xác định địa vị của Ðức Maria trong Giáo Hội và những nguyên tắc giáo lý làm kim chỉ nam cho việc trình bày về Ðức Maria. Ðồng thời Công Ðồng cũng cho biết chủ đích của mình. Phần nhất (các số 55-59) giải thích địa vị của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Phần hai (các số 60-65) trình bày địa vị đó trong viễn tượng Giáo Hội, nói lên những liên lạc của Ðức Maria với Giáo Hội. Phần ba (các số 66-67) đề cập những bổn phận Kitô hữu đối với Ðức Maria. Phần kết luận vắn tắt (các số 68-69) trình bày Mẹ Thiên Chúa như dấu hiệu hy vọng và sự liên quan của Ngài với việc hiệp nhất các Kitô hữu. (Trở lại đầu trang)

68* Các số 52-54: Nhập đề.

Các số này thống nhất với nhau (trong lần soạn thảo đầu chúng ở trong cùng một số) có mục đích trình bày đối tượng của chương VIII. Ý tưởng chính rất đơn giản: mạc khải đã minh nhiên làm nổi bật địa vị của Mẹ Thiên Chúa, trong ý định cứu rỗi từ đời đời của Chúa, trong sự thực hiện ý định ấy do Chúa Giêsu Kitô, bởi vì có sự liên tục (chương VII) giữa công việc dưới đất và công việc trên trời của Chúa Kitô và ngày nay Ðức Mẹ cũng vẫn còn giữ nguyên địa vị này (số 52). Maria là phần tử đặc biệt và là khuôn mẫu Giáo Hội (số 53). Chủ đích của Công Ðồng là: trình bày vai trò của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội và những bổn phận của Kitô hữu đối với Mẹ (số 54). (Trở lại đầu trang)

1 Kinh tin kính của CÐ Constantinopla: Mansi 3, 566. Xem CÐ Ephesô, n.v.t., 4, 1130 (và n.v.t., 2, 665 và 4, 1071). Xem CÐ Calcedonia, n.v.t., 7, 111-116. CÐ Constantinopla II n.v.t., 9, 375-396. Sách lễ Roma, kinh tin kính. (Trở lại đầu trang)

2 Sách lễ Roma, lễ qui. (Trở lại đầu trang)

69* Số 52.

Việc cứu thế được thực hiện nhờ Thiên Chúa đã gửi Con Ngài đến, sinh bởi người nữ. Ðó là nền tảng của cả khoa Thánh Mẫu học. Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria liên kết mật thiết với việc Nhập Thể Cứu Chuộc đó. (Trở lại đầu trang)

3 T. Augustinô, De S. Virginitate, 6 : PL 40, 399. (Trở lại đầu trang)

70* Số 53.

Số này đặt Mẹ Chúa Kitô Cứu Thế trong tương quan với Giáo Hội. Ðầu tiên là quả quyết Ðức Maria đã tự ý chấp nhận lời thiên thần báo tin sẽ sinh Ðấng Cứu Thế. Câu chuyện báo tin được đặt nổi bật. Sau đó Công Ðồng nghiên cứu sâu xa những mối liên hệ giữa Maria và Ba Ngôi Thiên Chúa trong viễn tượng Giáo Hội theo một đề tài quen thuộc với Hiến Chế như đề tài Giáo Hội từ mầu nhiệm Ba Ngôi. Vì trách vụ được Chúa trao phó nên Mẹ được cứu chuộc kỳ diệu hơn, do công nghiệp Con Mẹ, Ðấng mà Mẹ đã kết hiệp mật thiết và bền chặt. Trong chiều hướng ấy, Công Ðồng không ngần ngại liên tiếp trình bày Ðức Trinh Nữ như là Mẹ của Con Thiên Chúa, là ái nữ của Chúa Cha, là cung thánh của Chúa Thánh Thần. Cả ba danh hiệu hoàn toàn theo truyền thống. Nhưng tâm điểm của số này ở chỗ Công Ðồng quả quyết rằng Maria vừa có các danh hiệu đó, nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi Adam, Mẹ cũng liên kết với tất cả mọi người, và Mẹ đã cộng tác vào công việc cứu thế. Do đó, Mẹ Chúa Kitô vẫn là phần tử Giáo Hội, dù là phần tử tuyệt hảo và đặc biệt, một trật cũng là khuôn mẫu của Giáo Hội. Bởi vậy Giáo Hội tôn kính Mẹ như Mẹ thật với tình con thảo. (Trở lại đầu trang)

4 Xem Phaolô VI, Diễn văn trong Công Ðồng, ngày 4-12-1963 : AAS 56 (1964), trg 37. (Trở lại đầu trang)

71* Số 54.

Công Ðồng giải thích vắn tắt về vai trò Ðức Maria trong mầu nhiệm cứu rỗi và về các bổn phận của tín hữu đối với Mẹ. Công Ðồng tự giới hạn trong viễn tượng này chứ không nhằm trình bày đầy đủ giáo lý về Ðức Maria, cũng không nhằm giải quyết các vấn đề mà các nhà thần học tranh luận. (Trở lại đầu trang)

72* Các số 55-59: Phần I – Ðịa vị và vai trò của Ðức Maria trong nhiệm cuộc cứu rỗi.

Bố cục phần này rất rõ ràng, vì dựa theo các dữ kiện lịch sử mạc khải về Mẹ Thiên Chúa trong Thánh Kinh, bắt đầu từ Cựu Ước tới thời kỳ Giáo Hội, qua sự kiện truyền tin, tới cuộc đời thơ ấu và công khai của Chúa Giêsu. Cứ như bản phúc trình chính thức đã nói, đây là phần chính yếu nhất trong Chương VIII. (Trở lại đầu trang)

73* Số 55: Trong Cựu Ước.

Thứ tự của số này theo sát lịch sử cứu rỗi như thấy trong Cựu Ước, để chúng ta thấy rằng người phụ nữ làm Mẹ Chúa Kitô trong Phúc Âm cũng là Mẹ Thiên Chúa mà chúng ta nhận biết qua thần học và qua việc tôn kính nơi các dân Kitô giáo. Như thế là Công Ðồng cho biết sự tiến triển của mạc khải về Ðức Maria và không ngần ngại chấp thuận phương pháp lịch sử cứu rỗi, một phương pháp mà một số người chuyên về Thánh Mẫu học không mấy tin tưởng. Không muốn gây ra cuộc bút chiến, nên Công Ðồng chỉ nhằm trình bày một “bản tiểu sử” về người Phụ Nữ, dựa trên toàn thể chứng từ được linh ứng của Mạc Khải trọn vẹn và trên chứng từ của đời sống Giáo Hội. (Trở lại đầu trang)

5 Xem T. Germanô, Const. Hom. in Annunt. Deiparae: PG 98, 328 A; In Dorm. 2: 357 Anatasiô thành Antiokia, Serm. 2 de Annunt. 2: PG 89, 1377 AB: Serm. 3, 2 : 1388 C. T. Anrê Cret., Can. in B.V. Nat. 4 : PG 97, 1321 B; in B.V. Nat. 1: 812 A; Hom. in dorm. 1: 1068 C. T. Sophroniô, Or. 2 in Annunt. 18: PG 87 (3), 3237 BD. (Trở lại đầu trang)

6 T. Ireneô, Adv. Haer. III, 22, 4: PG 7, 959 A; Harvey 2, 123. (Trở lại đầu trang)

7 T. Ireneô, n.v.t., Harvey, 2, 124. (Trở lại đầu trang)

8 T. Epiphaniô, Haer. 78, 18 : PG 42, 728 CD-729 AB. (Trở lại đầu trang)

9 T. Hieronimô, Epist. 22, 21: PL 22, 408. Xem T. Augustinô, Serm. 51, 2, 3 : PL 38, 335; Serm. 232, 2: 1108. T. Cyrillô Jerusalem. Catech., 12, 15: PG 33, 741, AB. T. Gioan Kim Khẩu, In Ps. 44, 7: PG 55, 193. T. Gio Damascenô, Hom. 2 in dorm. BMV. 3: PG 96, 728. (Trở lại đầu trang)

74* Số 56: Truyền tin.

Công Ðồng theo vết các Giáo Phụ, coi câu chuyện truyền tin rất quan trọng, vì nhìn thấy ở đó thái độ căn bản của mọi Kitô hữu. Giáo Hội thuở đầu đã bày tỏ lòng tin của họ vào thái độ chấp nhận này của Ðức Maria, vì là kết quả của đức tin và tình yêu của Mẹ. “Chấp nhận” không những là tiếng nói then chốt trong cả câu chuyện nhưng đồng thời còn là tiếng nói lược tóm tất cả viễn ảnh đời sống của Kitô hữu: ưng thuận khi Chúa đến và để ý định cứu rỗi hoàn tất trong ta, vừa biết quảng đại phục vụ cho công cuộc cứu thế; cũng như Ðứa Maria, chúng ta tích cực cộng tác mà không tự mãn, và qua việc chấp nhận ấy, ân sủng đem lại sự sống: trong Chúa Kitô, Ðức Maria đã ban cho thế giới Nguồn Sống đổi mới mọi sự. (Trở lại đầu trang)

10 Xem CÐ Lateranô, năm 649, đ. th. 3: Mansi 10, 1151. T. Leô Cả, Epist. ad Flav.: PL 54. 759. CÐ Calcedonia: Mansi 7, 462. T. Ambrosiô, De inst. Virg.: PL 16, 320. (Trở lại đầu trang)

75* Số 57: Ðức Maria và cuộc đời thơ ấu Chúa Giêsu.

Câu đầu tiên của số này nêu lên ý tưởng chỉ dẫn: Ðức Maria liên kết với Chúa Con trong công cuộc cứu thế từ lúc thụ thai Chúa Giêsu mà vẫn đồng trinh cho tới mầu nhiệm cuộc tử nạn của Chúa. Công Ðồng trình bày chân lý này rõ ràng hơn bao giờ hết. Chủ đề trở lại ba lần: lần Ðức Maria đi thăm bà Elizabeth, lần sinh Chúa ở Bêlem và lần dâng Chúa trong đền thờ. Câu chuyện tìm thấy Chúa trong đền thờ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự liên kết ấy. (Trở lại đầu trang)

11 Xem Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 247-248. (Trở lại đầu trang)

76* Số 58: Ðức Maria và cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.

Một cách vắn tắt, Công Ðồng đóng khung hoạt động của Ðức Maria trong cuộc đời công khai của Chúa, vì theo thánh Gioan, lúc khởi đầu và kết thúc sứ vụ công khai đều có sự hiện diện của Ðức Maria. Trong hai lúc này Ðức Maria mới chỉ được gọi là “Bà”. Ðó là lúc ở tiệc cưới Cana và khi đứng dưới chân Thánh Giá. Hai lời Chúa nói xem ra như hất hủi Ðức Maria. Việc can thiệp của Ðức Maria có nhiều ý nghĩa, nhưng lại nằm trong văn mạch mới đầu có thể coi là kỳ lạ. Ý tưởng chính là: Nước Thiên Chúa vượt quá mọi mối liên hệ xác thịt và hoàn toàn ở trên sự tính toán của con người. Câu chính trong số này trình bày một ý tưởng ít quen thuộc hơn: Ðức Maria cũng tiến tới trong cuộc hành trình Ðức Tin qua đau khổ và u tối. (Trở lại đầu trang)

12 Xem Piô IX, sắc chỉ Ineffabilis, 8-12-1854 : văn kiện của Ðức Piô IX, 1, I, trg 616; Dz 1641 (2803). (Trở lại đầu trang)

13 Xem Piô XII, Tông hiến Munificentissimus, 1-11-1950: AAS 42 (1950); Dz 2333 (3903). Xem T. Gio Damascenô, Enc. in dorm. Dei Genitricis, bài giảng 2 và 3: PG 96, 721-761. nhất là cột 728B. T. Germanô Constantinopla, In S. Dei gen. Dorm. bài giảng 1: PG 98 (6); 340-348; bài giảng 3: cột 361. T. Modestô Jerusalem, In dorm. SS. Deiparae: PG 86 (2) 3277-3312. (Trở lại đầu trang)

14 Xem Piô XII, Tđ. Ad caeli Reginam, 11-10-1954: AAS 46 (1954), trg 633-636; Dz 3913tt. Xem T. Anrê Gret., Hom. 3 in dorm. SS. Deiparae: PG 97, 1089-1109. T. Gioan Damascenô, De fide orth., IV, 14: PG 94, 1153-1161. (Trở lại đầu trang)

77* Số 59: Ðức Maria sau khi Chúa lên trời.

Có hai vấn đề nói ở đây: 1) Lời cầu nguyện của Ðức Maria trước lễ Hiện Xuống cùng với các Tông Ðồ, các phụ nữ và các anh em Chúa. Ðức Maria ở giữa dân chúng chứ không ở trong số những người điều khiển cộng đoàn. Mẹ tham dự vào kinh nguyện chung. Mẹ thuộc thành phần Giáo Hội cầu nguyện đang chuẩn bị thi hành sứ mệnh của mình, và Mẹ cầu nguyện với tước hiệu duy nhất là Mẹ Chúa Giêsu (CvTđ 1,14). 2) Công Ðồng tái xác nhận hai tín điều đã được Giáo Hội tuyên bố khi lập lại những lời của các câu định tín liên hệ. Hai tín điều này có liên quan mật thiết với nhau. Ðức Maria được suy tôn làm Nữ Vương của vũ trụ, để trở nên giống với Con Mẹ là Chúa các Chúa một cách hoàn toàn hợn, và được suy tôn là Ðấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. (Trở lại đầu trang)

78* Các số 60-65: Phần II – Sự liên lạc giữa Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội.

Phần này trực tiếp bàn về sự liên lạc giữa Ðức Maria và Giáo Hội. Trước hết, Công Ðồng nhấn mạnh tới sự đồng công cứu chuộc của Ðức Maria do sự tự ý chấp thuận việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, do việc dâng hy tế trên Thánh giá và do việc cầu bầu liên lỉ trên trời. Trong văn mạch này, giữa những tước hiệu khác nhau Công Ðồng đề cập đến tước hiệu Ðấng Trung Gian. Một số người trong Ủy ban thần học chưa nhìn thấy rõ tước hiệu này nên Công Ðồng giải thích cho biết tước hiệu này vẫn không làm lu mờ sự tuyệt hảo Ðấng Trung Gian duy nhất là Chúa Kitô (các số 60-62). Sau đó (trong các số 63-64) Công Ðồng giải thích lý do khiến Ðức Maria, là Trinh Nữ và là Mẹ, lại là hình bóng của Giáo Hội. Giáo lý này có tầm quan trọng đặc biệt, vì Công Ðồng rất lưu tâm đến những khía cạnh trổi vượt của mầu nhiệm Giáo Hội. Sau cùng (số 65), Ðức Maria được coi như gương mẫu các nhân đức. (Trở lại đầu trang)

79* Các số 60-62: Ðức Maria trong công trình cứu chuộc. (Trở lại đầu trang)

80* Số 60: Những nguyên tắc giáo lý.

Số này tóm lược các nguyên tắc giáo lý và chỉ dẫn cho biết giáo lý trình bày trong những số kế tiếp phải được hiểu theo những nguyên tắc này. Mọi nỗ lực và hành động của Ðức Maria đều do vị Trung Gian duy nhất là Chúa Kitô, Ðấng đã muốn cho Ðức Maria cộng tác vào công trình cứu chuộc. Sự trung gian của Ðức Maria biểu lộ rõ rệt hơn và còn giúp cho sự trung gian của Chúa Kitô nữa. Chỉ vì ý muốn hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa nhân từ và quyền năng, Ðấng Cứu Thế đã thông truyền ảnh hưởng cứu rỗi cho các chi thể và đặc biệt cho Mẹ Người, là Ðấng ngay từ đầu đã cộng tác với Người và với công việc Người. Ðó chính là nguyên tắc của kế hoạch cứu rỗi hay nguyên tắc ban phát đời sống thần linh. Giáo Hội sẽ trở nên bí tích để ban phát đời sống đó. Còn Ðức Maria, là chi thể trổi vượt đầu tiên, sẽ là khuôn mẫu cho Giáo Hội. (Trở lại đầu trang)

81* Số 61: Trong cuộc đời trần gian.

Số này nói rất vắn tắt đến trọng tâm việc cộng tác của Ðức Maria. Là mẹ Thiên Chúa, là tôi tớ khiêm hạ của Chúa, Mẹ là cộng sự viên quảng đại của Ðấng Cứu Thế và là Mẹ chúng ta trên bình diện ân sủng. Bản văn theo sát với sự thể hiện của nhiệm vụ này. Nhờ hoàn toàn sẵn sàng tuân theo ý Chúa, Ðức Trinh Nữ đã mang thai Chúa Giêsu, Ðấng sẽ xóa hết tội lỗi Dân Người. Ðức Maria đã sinh con và đã nuôi nấng. Mẹ đã dâng Con cho Chúa Cha trong Ðền Thánh, đã đau khổ với cái chết của Con trên Thánh Giá. Mẹ đã cụ thể hóa việc cộng tác tuyệt đối duy nhất này trong sự tuân phục vô điều kiện, sự tuân phục thấm nhuần đức tin, đức cậy và đức mến hăng nồng. Sự trung thành của Mẹ trong việc chấp thuận chương trình cứu rỗi là then chốt cho việc quảng diễn các ý tưởng khác (x. các số 53, 56, 63 và 64). (Trở lại đầu trang)

15 Xem Kleutgen, ch. IV bản đã sửa: De Mysterio Verbi incarnati: Mansi 53, 290. Xem T. Anrê Gret. In nat. Mariae, bài giảng 4: PG 97, 865A. T. Germanô Constantinopla, In annunt., Deiparae: PG 98, 321 BC; In dorm. Deiparae III, 361D. T. Gio Damascenô, In dorm. BV. Mariae, bài giảng 1, 8 : PG 90, 712BC-713A. (Trở lại đầu trang)

16 Xem Leô XIII, Tđ. Adjutricem populi, 5-9-1895: ASS 28 (1895-96), trg 229. T. Piô X, Tđ. Ad diem illum, 2-2-1904, văn kiện I, trg 154; Dz 1978a (3370). Piô XI, Tđ. Miserentissimus, 8-5-1928: AAS 20 (1929), trg 178. Piô XII, sứ điệp truyền thanh, 13-5-1946: AAS 38 (1946), trg 266. (Trở lại đầu trang)

17 Xem T. Ambrosiô, Epist. 63 : PL 16, 1218. (Trở lại đầu trang)

82* Số 62: Trên trời.

Là Mẹ ban ân sủng, ở trên trời Ðức Maria tiếp tục một địa vị khác trong công trình cứu rỗi. Tình mẫu tử của Mẹ tiếp tục hoạt động. Chắc chắn Mẹ không ban phát ân sủng riêng, nhưng là ân sủng Chúa Kitô, vì không có ân sủng nào khác. Sứ mệnh của Ðức Maria là liên kết Chúa Kitô với những phần tử làm thành Giáo Hội. Ðó là ý nghĩa của tiếng Maria, Mẹ đầy ơn. Mẹ thực hiện sứ mệnh qua việc bầu cử cho nhân loại. Do đó, mà Giáo Hội gọi Mẹ bằng các danh hiệu: Ðấng Bảo Vệ, Ðấng Phù Trợ, Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Ðấng Trung Gian. Các nhà thần học tranh luận về ý nghĩa gán cho các tước hiệu ấy, nhất là tước hiệu sau cùng. Công Ðồng không muốn giải quyết cuộc tranh luận, nhưng chỉ quả quyết một thực tại hoàn toàn được toàn thể Giáo Hội chấp nhận, mà không bận tâm đến những điều xác định rõ rệt có tính cách kỹ thuật. Công Ðồng cũng nói thêm là tước hiệu này không làm mất cũng không thêm thắt gì vào địa vị và hành động của Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, vì không tạo vật nào có thể đóng vai trò trên cùng một bình diện như Chúa Cứu Thế. (Trở lại đầu trang)

83* Các số 63-64: Ðức Maria là mẫu mực Giáo Hội.

Tính cách song đối giữa Ðức Maria và Giáo Hội đưa ra một chủ đề hoàn toàn mới mẻ trong khoa thần học hiện thời. Quả thực được liên kết với Con mình trong công trình cứu chuộc, Ðức Trinh Nữ Maria đã vượt trên mọi người khác và trở nên mẫu mực Giáo Hội. Ðó chính là một phần tử trong nhóm đang hình thành, gây ảnh hưởng trên người khác, lôi cuốn và làm gương cho họ. Ở đây Công Ðồng khai triển vắn tắt chủ đề này về Ðức Maria là hình bóng Giáo Hội, không phải hình bóng hay mẫu mực theo nghĩa thiết lập phẩm trật hay bí tích, nhưng như người cổ xúy đời sống thiêng liêng trong đó sự đồng trinh nẩy nở thành tình mẫu tử. (Trở lại đầu trang)

18 Xem T. Ambrosiô, Expos. Lc II. 7; PL 15, 1555. (Trở lại đầu trang)

19 Xem Phêrô Dam. Giả, Serm. 63: PL 144, 861 AB. Godefridus a S. Victore, in nat. BM., Ms. Paris, Mazarine, 1002, tờ 109c. Gerhohus Reich., De gloria et honore Filii hominis, 10 : PL 194, 1105 AB. (Trở lại đầu trang)

84* Số 63: Ðức Maria là mẫu mực Giáo Hội, như một Trinh Nữ và một người Mẹ.

Trước hết là đức đồng trinh, nhưng hiểu theo chiều hướng thiêng liêng. Nó hệ tại đức tin và đức cậy nhờ đó Ðức Maria đã sinh Con Chúa do quyền phép Chúa Thánh Thần mà không có sự liên lạc xác thịt nào với người nam, và như vậy đã trở thành người Mẹ. Ðức Maria đã thụ thai Ngôi Lời trong tâm hồn trước khi thụ thai trong lòng. Ðức đồng trinh tương quan với sự chấp thuận bất khả khuyết của đức tin. Ðức Maria đi trước Giáo Hội ở điểm này; chính do Mẹ mà Chúa Kitô được sinh ra, Ðấng sẽ làm cho Giáo Hội thành thân thể của Người. (Trở lại đầu trang)

20 Xem Ambrosiô, Expos. Lc.II,7 và X,24-25; PL 15, 1555 và 1810. T. Augustinô, In Jo Tr. 13,12: PL 35, 1499. Xem Serm. 191, 2,3: PL 38, 1010; v.v… Cũng xem chân phước Beda, In Lc. Expos. I, ch. 2 : PL 92, 330. Isaac de Stella, Serm. 51: PL 194, 1863A. (Trở lại đầu trang)

85* Số 64: Giáo Hội là Mẹ và là Trinh Nữ.

Hình thức song đối đã nói trên kết thúc ở đây: tính cách làm Mẹ đồng trinh của Ðức Maria chính là bí tích, dấu hiệu hoặc hình ảnh của Giáo Hội đồng trinh, cũng thụ thai và sinh dưỡng các con cái mình. Tính cách làm mẹ của Giáo Hội, noi theo Ðức Maria, là việc đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn. Ðón nhận có nghĩa là thực hành. Như thế Giáo Hội trở thành mẹ của một cuộc sống bất tử, nhờ Thần Khí của việc sáng tạo mới. Sự đồng trinh của Giáo Hội – là điều kiện để sinh nhiều con cái – hệ tại việc trung thành thực thi các nhân đức đối thần, theo gương Ðức Maria và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần. (Trở lại đầu trang)

86* Số 65: Giáo Hội và việc noi theo các nhân đức của Ðức Maria.

Ở đây, Công Ðồng trình bày Ðức Maria như gương mẫu các nhân đức mà Giáo Hội phải noi theo. Việc kính nhớ Mẹ Thiên Chúa làm cho tín hữu thâm hiểu mầu nhiệm Nhập Thể hơn vì có nhiều khía cạnh của mầu nhiệm này biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa. Ngay từ thời xa xưa, Giáo Hội đã cầu khẩn với Ðức Maria, nhờ thế mà Giáo Hội tiến tới trên con đường đức tin và trên đường sứ mệnh tông đồ, trở nên giống với mẫu mực của mình hơn. (Trở lại đầu trang)

87* Các số 66-67: Phần III – Việc tôn kính Ðức Trinh Nữ trong Giáo Hội.

Phần này trực tiếp nói đến sự áp dụng giáo lý vào công việc giảng thuyết và tôn kính. Mối bận tâm mục vụ của Công Ðồng được biểu lộ rõ rệt. Công Ðồng muốn rằng, trong Giáo Hội, việc tôn kính và sùng mộ Ðức Maria phải chừng mực và chính đáng; không trễ nải vì những ngờ vực vô ích hay sợ sệt; không quá khai thác những tình cảm, tưởng tượng hoặc những điều thần học còn mơ hồ. (Trở lại đầu trang)

21 Xem Sách Nhật Tụng Roma, xướng khúc “Sub tuum…” ở kinh chiều I của Tiểu tụng Ðức Mẹ. (Trở lại đầu trang)

88* Số 66: Bản tính và nền tảng việc tôn kính Ðức Trinh Nữ.

Nền tảng việc tôn kính Ðức Maria là do việc Mẹ Thiên Chúa được gắn liền với mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Kitô. Vì Ðức Maria được dự phần vào mầu nhiệm này hơn bất cứ ai khác, nên Giáo Hội đặc biệt tôn kính Mẹ. Việc tôn kính – bản chất của việc sùng mộ – được gọi là đặc biệt (so sánh với việc tôn kính các Thánh), nhưng xét theo yếu tính thì hoàn toàn khác biệt với việc tôn thờ chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Tiêu chuẩn của việc tôn kính là phải phù hợp với giáo lý chính thống. Việc tôn kính chỉ có bảo đảm khi trung thành với ơn linh ứng riêng và phải hoàn toàn hướng về Con duy nhất mà trong Người, Chúa Cha tác thành mọi sự. Việc sùng mộ sẽ trở nên ảo tưởng nếu không đưa đến việc tuân giữ các giới răn Chúa. Giả thiết như thế rồi, cũng còn phải lưu ý đến những hình thức tôn kính khác nhau nhưng vẫn hợp pháp, do hoàn cảnh thời gian và nơi chốn tạo ra, hay do những tâm tình khác nhau của mỗi dân tộc. Vậy phải thận trọng nhưng đừng có đầu óc thiển cận. Việc tôn kính với cùng một hình thức như nhau sẽ trở nên nghèo nàn; phải để quyền cho công giáo tính. (Trở lại đầu trang)

22 CÐ Nicea II, năm 787: Mansi 13, 378-379 ; Dz 302 (600-601). CÐ Trentô, khóa 25: Mansi 33, 171-172. (Trở lại đầu trang)

23 Xem Piô XII, sứ điệp truyền thanh, 24-10-1954: AAS 46 (1954), trg 679. Tđ. Ad caeli Reginam, 11-10-1954: AAS (1954), trg 637. (Trở lại đầu trang)

89* Số 67: Tinh thần giảng thuyết và tôn kính Ðức Trinh Nữ.

Sau cùng, Công Ðồng ban bố một vài qui tắc mục vụ cho việc giảng thuyết và tôn kính Ðức Maria. Công Ðồng giới thiệu đặc biệt việc tôn kính có tính cách phụng vụ, nhưng cũng không quên những hình thức, những việc thực hành đạo đức không đi ngược với những nguyên tắc đã đề ra. Việc tôn kính theo phụng vụ được chú trọng hơn là vì có sự chỉ dẫn trực tiếp của Giáo Hội. Những hình thức tôn sùng cũng như Công Ðồng cổ võ, dù không bàn đến chi tiết. Những tiêu chuẩn để giảng thuyết rất đơn giản: đừng tán tụng thái quá, không hẹp hòi thiển cận, hoàn toàn tuân theo chỉ thị của Giáo Hội, biết dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền. Như vậy Công Ðồng muốn ngay cả việc giảng thuyết về Ðức Mẹ cũng phải qui về Chúa Kitô. Kết luận của số này là vài lời khuyên tổng quát về việc sùng mộ đích thực nhằm gửi tới Dân Chúa (không chỉ bằng tình cảm nhất thời, không phải niềm tin viễn vông, nhưng là sự thực hành sâu xa của một đức tin chính thực, lấy tình yêu hàm chứa lòng biết ơn mà tuyên xưng sự cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và đức tin đó còn làm cho chúng ta biết quảng đại noi theo sự hiệp nhất giữa Mẹ với Thiên Chúa). (Trở lại đầu trang)

90* Các số 68-69: Kết luận.

Hai vấn đề được đặt ra ở Ðức Maria như dấu hiệu cậy trông và như dấu hiệu hiệp nhất. (Trở lại đầu trang)

91* Số 68: Ðức Maria như dấu hiệu cậy trông.

Số này bàn đến một ý tưởng quan trọng: ý nghĩa địa vị được tôn vinh của Mẹ Chúa Giêsu đối với toàn thể Giáo Hội. Ðức Maria là hình ảnh cánh chung của Giáo Hội. Mẹ là dấu hiệu cậy trông. Mẹ cũng đã phải chịu thử thách nên do kinh nghiệm riêng mà biết được gánh nặng của chúng ta. Tình thương Mẹ dành cho chúng ta sẽ khuyến khích chúng ta cố gắng không ngừng. (Trở lại đầu trang)

24 Xem Piô XI, Tđ. Ecclesiam Dei, 12-11-1923: AAS 15 (1923), trg 581. Piô XII, Tđ. Fulgen corona, 8-9-1953: AAS 45 (1953), trg 590-591. (Trở lại đầu trang)

92* Số 69: Ðức Maria và sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Ðây là một điểm tế nhị. Nhiều người nghĩ dường như Ðức Maria là một trở ngại trên con đường hiệp nhất các Kitô hữu. Công Ðồng đã đề cập vấn đề theo khía cạnh tích cực: Công Ðồng nhận định một sự kiện không ai chối cãi: trong số những anh em ly khai, cũng có người kêu cầu đến Trinh Nữ hèn mọn thành Nazareth. Như vậy vẫn còn hy vọng. Công Ðồng muốn mọi Kitô hữu cầu xin Ðức Maria cho việc hiệp nhất, vì Mẹ bầu cử cho mọi người tuyên xưng Con Mẹ là Ðấng Cứu Thế, và cho cả những ai chưa biết Mẹ. Mẹ vẫn luôn giữ vai trò làm mẹ. Như thế sẽ có ánh sáng làm rạng ngời vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hiến Chế tín lý về Giáo Hội khởi đầu và kết thúc bằng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Từ Thiên Chúa, do tình yêu mà có mọi sự, và trong tình yêu mọi sự qui về Ngài. Hiến Chế này là một lời tuyên xưng đức tin không lay chuyển và sẽ không chịu sự hao mòn của thời gian. (Trở lại đầu trang)

 

 

Hiến Chế Tín Lý

Về Giáo Hội

Lumen Gentium

 

Bản dịch Việt Ngữ của Giáo Hoàng Học Viện Piô X

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Trích Văn Kiện Công Ðồng Chung Vaticanô II

 

Thông Tri

 

Do vị Tổng Thư Ký của Thánh Công Ðồng trong phiên họp khoáng đại lần thứ 123 ngày 16-11-1964.

Có người thắc mắc về phẩm tính thần học của giáo thuyết được trình bày trong Lược Ðồ về Giáo Hội và sẽ được đem ra đầu phiếu.

Ủy ban lo về giáo thuyết, khi xét đến những “Ðề Nghị Tu Chỉnh” về chương III Lược Ðồ về Giáo Hội, đã trả lời rằng:

“Dĩ nhiên, phải luôn luôn giải thích văn kiện Công Ðồng theo những qui tắc chung mà mọi người đều biết”.

Nhân dịp này, Ủy Ban Giáo Thuyết đã nhắc lại bản Tuyên Ngôn của mình, ngày 6-3-1964; chúng tôi xin trích lại bản văn đó:

“Xét theo tập tục Công Ðồng và chủ đích mục vụ của Công Ðồng hiện tại, Thánh Công Ðồng nầy xác định rằng Giáo Hội chỉ phải tuân giữ những điều có liên quan đến đức tin và phong hóa được chính Thánh Công Ðồng tuyên bố là như vậy”.

“Còn những điểm khác được Thánh Công Ðồng trình bày, vì là giáo thuyết của quyền Giáo Huấn Tối Thượng của Giáo Hội, nên tất cả và mỗi một Kitô hữu phải chấp nhận và hiểu theo ý của chính Thánh Công Ðồng, dựa trên những tiêu chuẩn của phương pháp giải thích thần học: ý Công Ðồng tỏ lộ qua nội dung được trình bày hoặc qua cách diễn tả của Công Ðồng”.

Và đây là một chú thích sơ khởi, mà Thượng Quyền gửi đến các Nghị Phụ đối với “những Ðề Nghị Tu Chỉnh” liên quan đến chương III của Lược Ðồ về Giáo Hội; giáo thuyết được trình bày trong chương III này phải được giải thích và hiểu theo tinh thần và thể thức của chú thích này.

 

Chú Thích Sơ Khởi

 

“Trước khi xét những “Ðề Nghị Tu Chỉnh”, Ủy Ban quyết định trình bày những nhận xét tổng quát sau đây:

  1. Cộng Ðoàn (collegium) không hiểu theo nghĩa thuần túy pháp lý, nghĩa là một nhóm người bình đẳng, mà quyền hạn họ đã trao phó cho một vị chủ tịch; nhưng phải hiểu là một nhóm người có tính cách vững bền mà cơ cấu tổ chức và quyền hành phải được rút ra từ Mạc Khải. Cho nên, khi trả lời “Ðề Nghị Tu Chỉnh” số 12, chúng tôi đã nói rõ rằng: Mười Hai Tông Ðồ đã được Chúa thành lập theo thể thức “một cộng đoàn hay một nhóm người có tính cách vững bền” : Cũng xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 53, c. – Cũng vì vậy, chữ “Hàng” (hàng Giám Mục: ordo) hay “Ðoàn” (corpus) cùng được dùng đây đó để chỉ “Cộng Ðoàn Giám Mục”. Sự đối chiếu: một bên là Phêrô với các Tông Ðồ khác, một bên là Ðức Giáo Hoàng với các Giám Mục, không có nghĩa là quyền đặc biệt của các Tông Ðồ đã được truyền lại cho các người kế vị và, dĩ nhiên, cũng không có nghĩa là giữa vị Thủ Lãnh và các phần tử của cộng đoàn có sự bình đẳng; nhưng chỉ muốn xác định một sự tương xứng giữa tương quan thứ nhất (Phêrô – Tông Ðồ) và tương quan thứ hai (Ðức Giáo Hoàng – Các Giám Mục). Vì thế trong số 22, Ủy Ban đã quyết định không dùng chữ “cũng vậy”, nhưng dùng chữ “tương tự như thế”. Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh 57.
  2. Người được phong chức giám mục và hiệp thông phẩm trật với Thủ Lãnh và với các phần tử trong Cộng Ðoàn thì trở thành phần tử của Giám Mục Ðoàn. Xem số 22, 1 phần cuối.

Trong việc tấn phong, có sự tham dự hữu thể vào các nhiệm vụ thánh, như Truyền Thống và cả tập truyền phụng vụ đã chứng tỏ hiển nhiên. Sau khi thảo luận, Ủy Ban dùng danh từ “nhiệm vụ” (munus) chứ không dùng danh từ “quyền hành” (potestas), vì “quyền hành” có thể hiểu là một quyền hành sẵn sàng để xử dụng. Thật ra, để có một quyền hành như thế thì cần phải có thêm sự chỉ định theo giáo luật hoặc pháp lý của quyền bính phẩm trật. Sự chỉ định này có thể là việc bổ nhiệm vào một chức vụ đặc biệt hay việc ủy thác trông coi một số người và theo những qui luật đã được quyền tối thượng chấp thuận. Do bản chất của sự việc, cần phải có qui luật cuối cùng như thế, bởi vì đó là những nhiệm vụ phải được thực hành do nhiều phụ tá cộng tác theo phẩm trật do ý muốn của Chúa Kitô. Hiển nhiên là trước khi viết thành bộ luật, thì sự “hiệp thông” ấy đã được áp dụng trong đời sống Giáo Hội tùy theo hoàn cảnh của các thời đại.

Chính vì thế mà Ủy Ban minh nhiên nói rằng: cần phải có sự hiệp thông phẩm trật với Thủ Lãnh và với các phần tử của Giáo Hội. Hiệp thông, một ý niệm rất được Giáo Hội thời xưa (cũng như thời nay, nhất là Giáo Hội Ðông Phương) đề cao. Ðó không phải là tâm tình mơ hồ, nhưng là một thực thể hữu cơ. Nó đòi hỏi một hình thức pháp lý, đồng thời được linh động nhờ đức ái. Do đó, sau khi được sự đồng ý của hầu hết mọi người, Ủy Ban quyết định viết như sau: “trong sự hiệp thông phẩm trật”. Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 40, và những chỗ đề cập đến chức vụ bổ nhiệm theo giáo luật, số 24.

Những văn kiện gần đây của các Ðức Giáo Hoàng về quyền tài thẩm của các Giám Mục phải được giải thích theo sự hạn định cần thiết về những quyền hành ấy.

  1. Cộng Ðoàn, không thể có Cộng Ðoàn nếu không có Thủ Lãnh, “cũng là chủ thể có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội”. Cần phải chấp nhận điều đó để quyền bính trọn vẹn của Ðức Giáo Hoàng Roma khỏi bị vi phạm. Nói đến Cộng Ðoàn (Giám Mục), bao giờ người ta cũng phải hiểu là gồm có Thủ Lãnh; và trong Cộng Ðoàn, Thủ Lãnh vẫn nắm giữ nguyên vẹn nhiệm vụ Ðấng Ðại Diện Chúa Kitô và Chủ Chăn của Giáo Hội phổ quát. Nói cách khác, sự phân biệt không phải là giữa Ðức Giáo Hoàng Roma và các Giám Mục hiệp lại, nhưng là giữa cá nhân Ðức Giáo Hoàng Roma và Ðức Giáo Hoàng Roma cùng với các Giám Mục. Vì Ðức Giáo Hoàng là Thủ Lãnh của Cộng Ðoàn nên chính ngài một mình có quyền hành động trong một vài việc mà các Giám Mục không có thẩm quyền: ví dụ triệu tập và điều khiển Cộng Ðoàn Giám Mục, phê chuẩn các quy luật hành động, v. v… Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 81. Ðức Giáo Hoàng, vì được trao phó nhiệm vụ chăn dắt toàn thể đoàn chiên Chúa Kitô, nên tùy theo nhu cầu của Giáo Hội biến chuyển theo các thời đại, ngài giữ quyền phán định cách thế thích hợp để thể hiện nhiệm vụ chăn dắt trên, hoặc cách cá nhân hoặc cách cộng đoàn. Vì lợi ích của Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma hành động theo sự khôn ngoan của ngài để hướng dẫn, phát huy, phê chuẩn sự thực thi quyền cộng đoàn.
  2. Là Ðấng Chăn Dắt Tối Cao của Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng có thể tùy ý thi hành quyền bính của Ngài bất cứ lúc nào, theo sự đòi hỏi của nhiệm vụ Ngài. Còn Cộng Ðoàn, tuy vẫn tồn tại luôn, nhưng không vì thế mà lúc nào cũng hành động với tính cách thuần túy cộng đoàn, như Thánh Truyền Giáo Hội xác nhận. Nói cách khác, không phải bao giờ Cộng Ðoàn cũng hành động “trong hiện thể trọn vẹn”, nhưng chỉ thỉnh thoảng mới hành động một cách thuần túy cộng đoàn, và khi đó chỉ vì Thủ Lãnh ưng thuận. Nói “Thủ Lãnh ưng thuận” để khỏi nghĩ đến sự tùy thuộc như tùy thuộc vào một người ngoại cuộc. Trái lại, từ ngữ “ưng thuận” nói lên sự hiệp thông giữa Thủ Lãnh với các phần tử, đồng thời giả thiết sự cần thiết của một hành vi thuộc riêng vị Thủ Lãnh. Ðiểm này được minh nhiên xác định trong số 22, 2 và được giải thích ở phần cuối số ấy. Cách nói “chỉ vì” bao gồm tất cả mọi trường hợp: do đó dĩ nhiên là phải tuân theo các qui luật được giáo quyền tối thượng chấp thuận. Xem Ðề Nghị Tu Chỉnh số 84.

Trong tất cả các điểm trên, chúng ta thấy rõ vấn đề là ở chỗ các Giám Mục hiệp nhất với Thủ Lãnh của mình và không bao giờ hành động cách độc lập đối với Giáo Hoàng. Trong trường hợp sau này, khi không có hành động của Thủ Lãnh, các Giám Mục không thể hành động như một Cộng Ðoàn được, như ý niệm “Cộng Ðoàn” cho thấy. Thánh Truyền luôn minh chứng có sự hiệp thông phẩm trật giữa tất cả các Giám Mục với Ðức Giáo Hoàng.

 

Chú Ý: Nếu không có hiệp thông phẩm trật, thì các Giám Mục không thể thi hành nhiệm vụ thực thể lãnh nhận do Bí Tích. Nhiệm vụ đó phải được phân biệt với khía cạnh giáo luật – pháp lý. Nhưng Ủy Ban nghĩ là không cần phải bàn đến các vấn đề hợp pháp và thành sự, và để lại cho các nhà thần học thảo luận, cách riêng trong những gì liên can tới việc thi hành quyền bính hiện có nơi anh em ly khai Ðông Phương. Về điểm này, có nhiều giải thích khác nhau.

 

Pericles Felici

Tổng Giám Mục hiệu tòa Samosate

Tổng Thư Ký Thánh Công Ðồng Vaticanô II

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tông huấn Laudate Deum (Hãy ngợi khen Thiên Chúa)

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ Tông huấn LAUDATE DEUM (Hãy Ngợi Khen Thiên Chúa) Gửi tất cả tất cả mọi người thiện chí về sự khủng hoảng khí hậu Ban...

Thông điệp “LAUDATO SI”, của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô.

THÔNG ĐIỆP "LAUDATO SI" CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ “CHĂM SÓC NGÔI...

Giới thiệu tổng quát về Công đồng Vaticano II

  Lời Giới Thiệu Tổng Quát Về Công ÐồngSứ...

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II: “Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo”

  Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II   Tuyên Ngôn về Giáo...

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II: ” Sắc Lệnh Về Ðào Tạo Linh Mục – Optatam Totius”

  Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II   Sắc Lệnh Về Ðào...

Tông Sắc mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót

  MISERICORDIÆ VULTUS DUNG MẠO LÒNG THƯƠNG XÓT Tông Sắc mở...

Vaticano II: “Gaudium Et Spes”

  Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới...

Công đồng Vaticano II: Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium)

  Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium)     Lời Giới...

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II: Sắc Lệnh Về các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội – Inter Mirifica

  Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II   Sắc Lệnh Về các...

Công đồng Vaticano II: “Sắc Lệnh về Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương (Orientalium Ecclesiarum)”

  Sắc Lệnh về Các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương Orientalium...

Công đồng Vaticano II: “Sắc Lệnh về Hiệp Nhất – UNITATIS REDINTEGRATIO”

  Công đồng Vaticano II: "Sắc Lệnh về Hiệp Nhất...